Anh Phương Trần Văn Ngà


Tác giả bài thơ Chiều Trên Phá Tam Giang Tô Thùy Yên (Đinh Thành Tiên) từ trần

Nhà thơ Tô Thùy Yên

Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
(Ca dao)

1.

Chiếc trực thăng bay là mặt nước
Như cơn mộng nhanh
Phá Tam Giang, phá Tam Giang
Bờ bãi hỗn mang, dòng bát ngát
Cát hôn mê, nước miệt mài trôi
Ngó xuống cảm thương người lỡ bước
Trời nước mông mênh, thân nhỏ nhoi
Phá Tam Giang, phá Tam Giang
Nhớ câu ca dao sầu vạn cổ
Chiều dòn tan, nắng đọng nứt ran ran
Trời thơm nước, thơm cây, thơm xác rạ
Thơm cả thiết tha đời
Rào rào trận gió nhám mặt mũi
Rào rào trận buồn ngây chân tay

Ta ngó thấy ghe thuyền quần tụ
Từng đoàn như trẻ nhỏ ghê ma
Ta ngó thấy thùy dương gãy rủ
Từng cây như nỗi bất an già
Ta ngó thấy rào chà cản nước
Từng hàng như nỗ lực lao đao
Ta ngó thấy nhà cửa trốc nóc
Từng ngôi như mặt đất đang gào
Vì sao ngươi tới đây?
Hỡi gã cộng quân sốt rét, đói
Xích lời nguyền sinh Bắc, tử Nam
Vì sao ta tới đây?
Lòng xót xa, thân xác mỏi mòn
Dưới mắt người làm tên lính ngụy

Ví dầu ngươi bắn rụng ta
Như tiếng hét
Xé hư không bặt im
Chuyện cũng thành vô ích
Ví dầu ngươi gục
Vì bom đạn bất dung
Thi thể chẳng ai thâu
Nào có chi đáng kể
Nghĩ cho cùng, nghĩ cho cùng
Ví dầu các việc ngươi làm, các việc ta làm
Có cùng gom góp lại
Mặt đất này đổi khác được bao nhiêu?
Ngươi há chẳng thấy sao
Phá Tam Giang, phá Tam Giang ngày rày đâu đã cạn?

Ta phá lên cười, ta phá lên cười
Khi tưởng tượng ngươi cùng ta gặp gỡ
Ở cõi âm nào ngươi vốn không tin
Hỏi nhau chơi thoả chút tính bông đùa:
Ngươi cùng ta ai thật sự hy sinh
Cho tổ quốc Việt Nam – một tổ quốc…?
Các việc ngươi làm
Ngươi tưởng chừng ghê gớm lắm
Các việc ta làm
Ta xét thấy chẳng ra chi
Nên ngươi hăng điên, còn ta ảm đạm
Khi cùng làm những việc như nhau

Ta tự hỏi vì sao
(Còn ngươi, có bao giờ ngươi tự hỏi?)
Và ta tự trả lời
(Có bao giờ ngươi tự trả lời?)
Chúng ta khác nào cánh quạt phi cơ
Phải quạt, phải quạt
Chỉ vì nó phải quạt
Ta thương ta yếu hèn
Ta thương ngươi khờ khạo
Nên cả hai cùng cam phận quay cuồng
Nên cả hai cùng mắc đường Lịch Sử
Cùng mê sa một con đĩ thập thành

Chiều trên phá Tam Giang rộn ràng tiếng chiến trận
Chiều trên phá Tam Giang im lìm âm cảm thông

2.

Chiều trên phá Tam Giang
Anh sực nhớ em
Nhớ bất tận

Giờ này thương xá sắp đóng cửa
Người lao công quét dọn hành lang
Những tủ kính tối om
Giờ này thành phố chợt bùng lên
Để rồi tắt nghỉ sớm
(Sài Gòn nới rộng giờ giới nghiêm
Sài Gòn không còn buổi tối nữa)
Giờ này có thể trời đang nắng
Em rời thư viện đi rong chơi
Dưới đôi vòm cây ủ yên tĩnh
Viền dòng trời ngọc thạch len trôi

Nghĩ tới ngày thi tương lai thúc hối
Căn phòng cao ốc vàng võ ánh đèn
Quyển sách mở sâu đêm
Nghĩ tới người mẹ đăm chiêu, đứa em quái quỷ
Nghĩ tới đủ thứ chuyện tầm thường
Mà cô gái nào cũng nghĩ tới
Rồi nghĩ tới anh, nghĩ tới anh
Một cách tự nhiên và khốn khổ
Giờ này có thể trời đang mưa
Em đi nép hàng hiên sướt mướt
Nhìn bong bóng nước chạy trên hè
Như những đóa hoa nở gấp rút
Rồi có thể em vào một quán nước quen
Nơi chúng ta thường hẹn gặp
Buông tâm trí bập bềnh trên những đợt lao xao
Giữa những đám ghế bàn quạnh quẽ

Nghĩ tới anh, nghĩ tới anh
Cơn nghĩ tới không sao cầm giữ nổi
Như dòng lệ nào bất giác rơi tuôn
Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng
Của chiến tranh mà em không biết rõ
Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng
Một điều em sợ phải nghĩ tới
Giờ này thành phố chợt bùng lên

Chiều trên phá Tam Giang
Anh sực nhớ em
Nhớ bất tận

Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Rực chiếu bao nhiêu giấc mộng đua đòi
Như những mặt trời con thật dễ thương
Sẽ rơi rụng dọc đường lên dốc tuổi
Mỗi sáng trưa chiều tối đêm khuya
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Coi chuyện đó như lần đi tuyệt tích
Trong nước trời lãng đãng nghìn trùng
Không nghe thấy cả tiếng mình độc thoại
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Thấy trong lòng đời nở thật lẻ loi
Một cành mai nhị độ
Thấy tình yêu như vận hội tàn đời
Để xé mình khỏi ác mộng
Mà người đàn ông mê tưởng suốt thanh xuân

Ôi tình yêu, bằng chứng huy hoàng của thất bại!

3.

Chiều trên phá Tam Giang
Mày nhìn con nước xiết
Chảy băng bờ bãi ngổn ngang câm
Nghĩ tới, nghĩ tới những công trình mày có thể hoàn thành
Mà rồi mày bỏ dở
Nghĩ tới kiếp người đang lỡ độ đường
Trên mịt mùng nghi hoặc
Nghĩ tới thanh xuân mất tích tự đời nào
Còn lưu hậu chua cay hoài vọng
Nghĩ tới khu vườn ẩn cư cỏ cây khuất lấp
Căn nhà ma ám chầy ngày gió thổi miên man
Đụt tuổi già bình an vô tích sự
Như lau lách bờm sờm trên mặt sông nhăn
Cùng cái chết
Cái chết lâu như nỗi héo hon dần
Làm chính mình bực bội
Gió muôn ngàn năm thổi lẽ tuần hoàn
Cho cỏ cây thay đời đổi kiếp
Và mày kinh sợ nghe nhắc điều vượt sức bình sinh
Bởi mày không đủ dạn dày trình diễn tới lui cơn thất chí
Như gã hề cuồng mưu sinh giữa chốn đông người
Với từng ấy tấn tuồng bần tiện
Rút ra từ lịch sử u mê
Gió thổi thêm đi, gió thổi thêm đi
Cho cỏ cây mau chết, mau hồi sinh
Mày mặc kệ

Chiều trên phá Tam Giang
Có gã hề cuồng buông tiếng cười lạnh rợn
Khiến bầy ác thú mà lịch sử sanh cầm cũng chợt hãi hùng
Dớn dác ngó

***

Vài dòng về nhà thơ Tô Thủy Yên

Tô Thùy Yên tên khai sanh là Đinh Thành Tiên, sanh ngày 20.10.1938 tại Gò Vấp – Gia Định. Tô Thùy Yên ở miền Nam Việt Nam đã sớm vào con đường sáng tác thơ mới, thơ tự do, bắt đầu có tiếng trên thi văn đàn từ năm 16 tuổi.

Đinh Thành Tiên học trung học tại Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký (nay đổi tên là Lê Hồng Phong) và từng học Đại học Văn Khoa Ban Văn Chương Pháp. Bị động viên vào Quân Lực VNCH – Khóa 16 Thủ Đức. Đơn vị phục vụ đầu tiên của Đinh Thành Tiên là Đại Đội 3 Dân Sự Vụ, thuộc Quân Đoàn IV (Cần Thơ). Sau khi lên Thiếu Úy, anh được biệt phái về phục vụ trong Ban Phát Thanh Tiếng Nói Vùng IV Chiến Thuật – Đài Phát Thanh Ba Xuyên, phụ tá cho Trưởng Ban là Trung Úy Trần Văn Ngà cùng làm việc và ở chung trong một biệt thự ở Sóc Trăng.

Anh Đinh Thành Tiên được thuyên chuyển về Cục Tâm Lý Chiến và lần luợt thăng cấp Trung Úy, Đại Úy, Thiếu Tá với chức vụ cuối cùng là Trưởng Phòng Văn Nghệ Cục Tâm Lý Chiến (thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chánh Trị).

Cựu Thiếu Tá Đinh Thành Tiên bị tù cải tạo tổng cộng 3 lần hơn 13 năm. Sau 30.4.1975 bị tù cải tại diện sĩ quan và còn thêm 2 lần tù nữa. Lần vượt biên bất thành tại Cần Giờ bị công an bắn tàu chìm và chận bắt, anh cắt mạch máu tay tự tử, nằm bất tỉnh ở bãi cửa sông sát biển, công an đi qua lại xác của nhiều người chết và Tiên oằn oại trên vũng máu thoi thóp mà CA bỏ mặc không cứu. May mắn đến với anh, một toán y tế của Cần Giờ được lệnh đến gom tử thi kể cả người bị thương, trong toán này có Y sĩ Nguyễn Minh Sơn (cháu vợ tôi) mới thuyên chuyển về đây, cháu băng bó và cầm máu cho anh, trong lúc CA bảo Sơn cứ để mặc cho nó chết vì nó muốn chết, tự tử… May mắn nữa, Tiên hồi tỉnh, cháu Sơn hỏi chú là lính QLVNCH? Tiên gật đầu, cháu Sơn hỏi tiếp chú làm việc ở Sài Gòn có biết Thiếu Tá N không, Tiên nói là bạn… cháu Sơn tìm mọi cách phải cứu cấp cho Tiên. Sau một tuần, cháu Sơn cho tôi biết tin Tô Thùy Yên bị bắt ở Cần Giờ.

Cựu Thiếu Tá Đinh Thành Tiên cũng được đi sang Mỹ diện HO cuối năm 1993, đầu tiên ở Minnesota và sau di dời về Houston – Texas cho đến ngày Tiên qua đời tối thứ ba 21.5.2019 sau nhiều năm tháng đau vì bị đột quỵ.

Cách đây trên dưới 10 năm, chúng tôi “ba đứa” từng làm việc trong Ban Thông Tin Báo Chí Quân Đoàn 4 – Đinh Thành Tiên, Vũ Ngự Chiêu (cùng Khóa 16 Thủ Đức với Đinh Thành Tiên) – bút hiệu Nguyên Vũ và Trần Văn Ngà (Trần Văn) có buổi họp mặt thân mật tại văn phòng của nhà sách & xuất bản Văn Hóa của Vũ Ngự Chiêu tại Houston. Sau đó, chúng tôi rủ nhau đi ăn tại một nhà hàng gần đó và tha hồ mà kể chuyện đời xưa trong quân ngũ, nhứt là những kỷ niệm tại Cần Thơ của ba sĩ quan trẻ làm ngành truyền thông Quân Đội và tại Sóc Trăng chỉ có tôi và Tiên. Đây cũng là cuộc gặp gỡ đầu tiên cũng là cuối cùng giữa 3 anh em chúng tôi tại Houston. Riêng Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu, nghe nói cũng đau khá nhiều, không biết hai chúng tôi có còn duyên gặp lại nữa không? Tôi rất quý mến Nguyên Vũ, có thể nói anh là cây viết phóng sự chiến trường đầu tiên vô cùng xuất sắc tại miền Tây khi còn là Chuẩn Úy làm “đề lô” của pháo binh. Trung Tướng Đặng Văn Quang Tư Lệnh Quân Đoàn 4 & Vùng 4 Chiến Thuật rất ngưỡng mộ tài viết phóng sự của Nguyên Vũ. Khi tỵ nạn tại Mỹ, tôi lại nể phục Nguyên Vũ thêm nữa, anh bỏ được tật nghiện rượu và thuốc lá, Nguyên Vũ còn đỗ đạt hai bằng Tiến sĩ Sử Học và Luật Khoa.

Nhà thơ lớn của Miền Nam

Nhà thơ Tô Thùy Yên, một nhà thơ tự do nổi tiếng rất sớm khi còn là học sinh và sinh viên. Một điều khá đặc biệt, nhóm thơ văn Sáng Tạo có hàng chục vị nổi tiếng từ đất Bắc di cư vào Nam năm 1954 lại chấp nhận một nhà thơ trẻ gốc giá sống “Nam Kỳ Quốc” đồng hành cùng chung nhóm, đã từng làm sống dậy thơ văn của trào lưu tiến bộ mới, Tô Thùy Yên là người gốc Nam duy nhứt trong Nhóm Sáng Tạo.

Tô Thùy Yên sáng tác chuyên về thơ tự do hàng trăm bài, trong một tuyển thơ của nhà thơ được phổ biến rộng rãi gần đây. Bài thơ nổi đình đám nhứt là Chiều Trên Phá Tam Giang được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ nhạc. Thật ra bài thơ này rất dài, tôi có trích dẫn ở trên, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh chỉ rút ra một đoạn cho vừa một bài hát với câu mở đầu vô cùng thu hút người thưởng thức: Chiều trên phá Tam Giang, anh chợt nhớ em – Nhớ sao là nhớ… Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có đổi chữ sực nhớ của Tô Thùy Yên thành chợt nhớ… Bản nhạc nổi tiếng, vang bóng một thời này có quá nhiều ca sĩ hát đơn và đôi từ trước năm 1975 cho mãi đến tận bây giờ, 2 ca sĩ hát mà tôi thích nhứt là đôi song ca Thanh Lan và Nhật Trường (Trần Thiện Thanh).

Bài thơ Chiều Trên Phá Tam Giang được sáng tác tháng 6 năm 1972, trong một chuyến công tác của nhiều văn nghệ sĩ được đưa ra vùng chiến trường miền Trung để tìm cảm hứng sáng tác do Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị tổ chức.

Trần Thiện Thanh phổ nhạc và ca nhạc sĩ Nhật Trường & Thanh Lan trình bày tuyệt vời ===> Nghe “Chiều Trên Phá Tam Giang”, thu vào băng trước 1975

* * *

Sơ lược về địa điểm Phá Tam Giang

Phá Tam Giang, dựa vào Wikipedia, nằm trong hệ thống phá (đầm, đìa) Tam Giang – Cầu Hai, chiều dài chừng 24 cây số, diện tích chung 52 cây số vuông, nước sâu từ 2 đến 4 mét. Với độ sâu này đâu có gì ghê gớm. Thế mà cái phá này vì chỗ giao lưu của nhiều giòng nước, chảy qua 4 quận: Hương Điền – Quảng Điền – Hương Trà và Phú Vang, cuối cùng nước chảy ra biển qua 2 cửa Sông Hương và Thuận An (Thừa Thiên – Huế). Khi mưa bão, giông to gió lớn, dòng nước có nhiều vùng có dòng nước xoáy khủng khiếp vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, ai sử dụng đường nước đi đến Huế gặp vùng nước xoáy đều lo sợ, cho nên ca dao dân gian có câu:Đường vô xứ Huế quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.
Thương em, anh cũng muốn vô,
Sợ Truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.

XIN CHÚC BẠN TA – NHÀ THƠ TÔ THÙY YÊN THƯỢNG LỘ BÌNH AN!

Sacramento ngày 22.5.2019

.

Anh Phương Trần Văn Ngà


Cái Đình - 2019