Nguyễn Hữu Thời


Nhà văn và Nhà thơ

.

Nhà văn và nhà thơ là những nghề nghiệp cũng như thợ may, thợ mộc. Có điều, xã hội quân chủ ngày xưa xếp hạng tứ dân theo thứ tự “Sĩ-nông-công-thương” nên những nghề có ăn học này thường được xem là danh giá hơn những nghề nghiệp khác. Không biết đến bây giờ, khi mà nước ta vẫn còn đang kiên định đi theo cùng một thứ chủ nghĩa với “đồng chí” Mao Chủ Tịch, người đã tuyên bố rành mạch là “ trí thức không bằng cục phân”(!?) thì anh nhà văn nhà thơ có còn được xem trọng hơn là anh thợ điện hoặc thợ ống nước hay không? Một hôm, vào nhà sách Phương Nam, tôi có đọc đâu đó câu của một nhà văn trích lời kể của một nhà văn khác (cả hai đều là những nhà văn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa) nói rằng: “Những năm chiến tranh, nhà văn có thẻ hội viên, vẫn được xã hội coi trọng và ưu đãi hơn bác sĩ, kỹ sư”. Còn sau chiến tranh thì sao?

Một buổi sáng năm 1990, tôi đạp xe đến chơi với một nhà thơ lúc đó đang làm nghề “thầy cò” tại nhà in quận tư. Chúng tôi ngồi uống cafe tại cái quán cóc trên đường Hoàng Diệu. Thật ra, tôi đang có việc nhờ anh bạn nhà thơ này giới thiệu với một “đầu nậu” để in một quyển sách học tiếng Anh (Lúc đó, thất nghiệp, vã quá, tôi tạm kiếm ăn bằng nghề làm thơ trào phúng, gửi đăng báo, và cả dịch, soạn sách). Đang ngồi tán dóc, thì có một anh, dáng vẻ cũng hiền lành như anh bạn nhà thơ, dừng xe đạp, tắp vào quán, chào hỏi anh bạn nhà thơ. À, bạn văn thơ đây mà. Tôi được giới thiệu, chỉ bằng cái tên. Tôi được biết đó là một nhà văn có vài đầu sách đã xuất bản. Nhà văn chậm rãi mở túi “sắc-cốt”, lấy ra 2 cuốn sách, mở trang đầu, rút cây bút bi trong túi, hí hoáy viết “Thân tặng nhà văn Nguyễn Hữu Thời”, không quên ghi ngày tháng. Tôi – một “tên” sĩ quan QLVNCH thất trận và anh ta, một bộ đội QĐNDVN chiến thắng – mới quen nhau. Thật là hòa giải hòa hợp dân tộc nhanh chóng, không điều kiện. Tuy vậy, tôi rất ngạc nhiên, không biết mình đã thành “nhà văn” từ lúc nào. Anh này chỉ mới gặp tôi lần đầu ngày hôm đó, anh ta chỉ mới biết cái tên cúng cơm của tôi; anh ta nào biết tôi có viết lách gì đâu? Thôi được, vì anh ta là nhà văn, nên tôi, một khi đã là bạn của anh, tất nhiên tôi cũng là nhà văn (?). Dễ dàng quá! Tôi nhìn bìa 2 cuốn sách mới được ký tặng. Một cuốn có tựa là Ngày Ấy Ta Yêu Nhau, một tiểu thuyết; còn cuốn kia có tựa là Nụ Hôn Mùa Hạ, một tập thơ. Bây giờ, tôi không còn 2 cuốn sách này; có lẽ bị mất sau lần dọn nhà từ quận 4 lên Gò Vấp. Tôi không đọc quyển truyện dài, chỉ đọc tập thơ tình. Đọc bài thơ nào tôi cũng cười, vì thơ tình mà bài nào cũng khôi hài. Tôi còn nhớ hôm đó, nhà văn còn rút cái thẻ hội viên Hội Nhà Văn Thành Phố ra khoe với tôi và nói thêm: “Thẻ này không “ngon” bằng thẻ nhà báo” (?). Tôi lại ngạc nhiên, tự hỏi không biết “ngon” là làm sao? Quyền lực? Cơ hội kiếm tiền? Danh giá?

Tiếp theo là những năm “đổi mới” của cả xã hội, tôi biết quả thật đúng là như thế.

Trở lại chuyện các nhà văn nhà thơ, nhà báo và cả nhạc sĩ, tôi cũng nhớ một chuyện khá kỳ cục khi đi cùng với cũng nhà thơ ấy. Tôi, anh ta và thêm một nhà thơ lão thành (đã qua đời) mà tôi cũng mới vừa quen qua anh ta, đến Hội Âm Nhạc cũng một buổi sáng năm 1990. Thì ra hôm đó, nhà thơ lão thành đến Hội Âm Nhạc để hỏi thăm Chủ Tịch Hội Âm Nhạc lúc đó là nhạc sĩ cách mạng lão thành của rất nhiều ca khúc mà nói thật, tôi không biết hoặc nhớ gì đến bất kỳ ca khúc nào của ông ta. Nhà thơ hỏi thăm nhạc sĩ đã phổ nhạc bài thơ của ông chưa, trong bộ dạng rụt rè, của một người đang nhờ vả một người khác có quyền chức. Tôi còn nhớ ông chủ tịch hội âm nhạc, thái độ dửng dưng, trả lời đại khái: dù thơ hay nhưng phải có hứng ông ta mới ghi lại thành nốt nhạc được; nhà thơ lão thành phải biết chờ đợi. Chứng kiến cảnh những nghệ sĩ xin xỏ danh tiếng của nhau, tôi nản quá. Cũng năm đó, 1990, tôi từ giã cái danh xưng “nhà thơ trào phúng” cùng với bút hiệu La Hầu, sau khi gửi bài thơ cuối cùng đến một nhà văn, biên tập của NXB Trẻ và của các trang “báo cười” ở thành phố mang tên “bác”; bài thơ đã bị từ chối. Bài thơ đó là lần tôi “thử nghiệm” trào phúng các lãnh đạo CS xem ra sao; vì tôi nghĩ cứ làm thơ để cười cợt các thói hư tật xấu của xã hội thật là không công bằng. Vậy là chỉ sau 3 tháng “hoạt động văn nghệ”, tôi chấm dứt, không còn làm thơ trào phúng nữa. Ít lâu sau, nhờ thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, tôi được biết ông nhà văn kiêm biên tập các “báo cười” này đã có dính líu đến cuộc thảm sát Mậu Thân. Tôi mừng thầm vì mình đã không “cộng tác” để tiếp tục làm thơ trào phúng theo lời mời của “ông nội” nhà văn này nữa.

Gần đây, trong một comment dưới một bài viết của tôi trên facebook, một bạn học thời trung học có nhận xét đại khái: “Không ai mới làm thơ viết văn mà xưng mình là nhà này nhà nọ. Đó là sự thừa nhận của xã hội qua các tác phẩm của mình, rồi xã hội gọi mình như thế”. Tôi đồng ý với người bạn hiền về điều này. Và bạn này, vì có sáng tác nhạc, cũng được thân hữu gọi là nhạc sĩ. Đã sao? Có gì sai mà phải khiêm tốn từ chối, phải không? Tôi cũng được một NXB và các anh chị là nhà thơ đúng nghĩa gọi là nhà thơ. Tôi biết đó là sự thương mến dành cho tôi; dù danh xưng này không phù hợp lắm khi nó được đặt trước cái tên rất tầm thường mà ông ngoại tôi đã đặt cho tôi. Đặt danh xưng này trước tên mình, tôi cảm nhận cái gì đó chưa chuẩn. Cả đời, chỉ có một vài danh xưng đã được hiên ngang đặt trước cái tên của tôi mà thôi. Đó là: tân khóa sinh, sinh viên sĩ quan, rồi chuẩn úy.... Ngoài những danh xưng đó của một quãng đời làm trai thời loạn, tôi không có một danh xưng nào khác. Tôi chỉ là một người biết làm thơ. Viết được cái gì, tôi cứ viết, không thì ngưng. Gần 70 tuổi rồi; danh vị gì nữa.

Nhà văn với chả nhà thơ. Đôi lúc, cũng có nhiều chuyện để nói, phải không?

.

Nguyễn Hữu Thời
(10/12/ 2019)

______

Chú thích của BBT: Nguyễn Hữu Thời đã sưu tập và dịch ra tiếng Anh hơn 250 bài thơ của các cựu quân nhân QL/VNCH, đúc kết thành 2 tác phẩm:

Thơ Lính Chiến Miền Nam – ARVN Soldiers Poetry

Thơ Những Người Thua Cuộc – Poems of the Losers


Cái Đình - 2019