sương biên thùy/ lê mai lĩnh
Lời tạ lỗi với quê hương
Tranh Serguel BorodoulineDẫu thế nào tôi cũng phải đi,
Đành đoạn ra đi.
Thà chọn cho mình một kiếp lưu đày,
Hơn bị lưu đày trên chính quê hương.
Hãy thông cảm và tha thứ cho tôi,
Nguyễn Hoàng ơi, Quảng Trị ơi, Việt Nam ơi.
Xin đừng gọi tôi là tên đào ngũ.
Dù ở nơi nào, trên mặt đất này,
Tôi vẫn không quên, tôi, một NHÀ THƠ CHIẾN SĨ,
Mãi mãi chiến đấu cho QUÊ HƯƠNG VÀ TỰ DO.Tôi ra đi mang theo nửa trái tim,
Nửa còn lại, giữ giùm tôi nhé.
Tôi ra đi, mang theo cả quê hương.
Vẫn chưa đủ ấm lòng tôi đó.
Nguyễn Hoàng ơi, Quảng Trị ơi, Việt Nam ơi
Làm sao tôi có thể quên.Làm sao tôi có thể quên những người mẹ Quảng Trị,
Phơi tấm thân gầy trên ruộng đồng,
Dưới cái nắng chang chang, cơn gió Lào rát mặt.
Chắt chiu từng hạt lúa củ khoai.
Nuôi cho con ăn học,
Con được vào trường Nguyễn Hoàng,
là niềm tự hào của mẹ.Làm sao tôi có thể quên những người cha Quảng Trị,
Tất bật ngược xuôi, cuối bãi đầu ghềnh,
Nhặt nhạnh từng gánh than gánh củi.
Đổi thành gạo, thành tiền, thành cơm, thành áo,
Mong cho con nên người,
Dưới mái trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị thương yêu.Làm sao tôi có thể quên các thầy, các cô,
Đã suốt đời hy sinh tận tuỵ,
Dạy cho tôi những kiến thức làm người,
Và những bài đạo lý vỡ lòng, tôi nhớ mãi,
“Tiên học lễ, hậu học văn”Làm sao tôi có thể quên những bạn bè dưới mái trường xưa,
Thương nhau như ruột thịt.
Tôi nhớ cả sân trường, cột cờ, tiếng trống, giờ chơi,
Nhớ từng viên sỏi, ngọn cỏ, lấp lánh sương mai,
Nhớ buổi tan trường, như đàn ong vỡ tổ,
Màu trắng học trò và màu phượng vĩ đỏ,
Là bức tranh diệu kỳ, vẽ trên nền trời biếc xanh,
Nguyễn Hoàng ơi, Quảng Trị ơi.Vâng, tôi nhớ mãi Quảng Trị,
Thành phố nhỏ như một bàn tay,
Mà năm ngón, là những đại lộ.
Và phố xá, đường làng, ngõ quê, xóm vắng,
Là những đường chỉ tay, đan kết vào nhau.
Nhớ như in, từng địa chỉ ngôi nhà,
Từng khung cửa sổ, ngọn đèn học thi.
Nhớ từng khuôn mặt, từng dáng đi,
Từng mái tóc vờn bay trong gió,
Từng tà áo, thướt tha đầu ngõ,
Vành nón lá nghiêng nghiêng.Những con đường bờ sông phượng đỏ một trời,
Con đường đêm đêm mở ra một thế giới thần tiên,
Ở đó, có những nàng Công Chúa ngủ quên,
Chờ Hoàng Tử thức dậy.
Ở đó, có những thảm cỏ xanh, gốc cây,
Và bóng tối, thật dễ chịu.
Chúng không can dự vào những nụ hôn, lời thầm thì,
Của những đôi tình nhân, yêu nhau, yêu nhau.
Ở đó, có một dòng sông trăng chạy dài,
từ cầu Ga đến chùa Tỉnh Hội,
Đêm đêm dập dìu những dáng liêu trai,
Đêm đêm dập dìu những O thiếu nữ.
Làm sao tôi có thể quên.Và cả em nữa, làm sao tôi không nhớ,
Chính em đó, làm sao tôi có thể quên.
Những đêm Nguyễn Hoàng, Thạch Hãn, đầy trăng,
Tôi đã đi bộ hàng mấy cây số đường làng,
Qua những lũy tre, bờ dậu, đến nhà ông Lê Chí Khiêm,
Hái trộm những cành hoa dạ lý hương,
Về cắm lên khung cửa sổ nhà em trọ học.
Đó là mùa hè năm 1962.
Và cũng từ đó, tôi mất em do nỗi ngu ngơ, dại khờ của tôi,
Và cũng từ đó tôi ra đi,
Chia tay Nguyễn Hoàng Quảng Trị.
Buổi lên đường, trong trái tim tôi em là kỷ niệm,
Em là kỷ niệm đẹp nhất thời thơ ấu của tôi.
Cảm ơn em. Cảm ơn em. Cảm ơn em.
Em ở đâu, giờ này tôi biết,
Tôi cầu mong em hạnh phúc,
Và được yêu, như tôi đã yêu em.Làm sao tôi có thể quên,
Làm sao tôi không nhớ,
Nguyễn Hoàng, Quảng Trị, Việt Nam chiến tranh.
Những cha con, chồng vợ, cháu chắt, ông bà,
Bồng bế, gồng gánh, chân đất, đầu trần,
Trong đói khát, khóc la và gào thét.
Đi trên mìn chông, đi trong đạn lạc,
Đi giữa bom napalm, đi cùng tiếng đại bác,
Đi suốt con đường khổ nạn, trầm luân,
Bên thây người lăn lóc,
Bên thây người thối rữa,
Bên thây người tanh hôi,
Và những em thơ gào la bên xác mẹ
không còn giọt sữa.Đó là mùa hè năm MỘT CHÍN BẢY HAI.
Đại lộ Kinh Hoàng.
Quảng Trị quê tôi, trong ngút trời lửa đạn.
Những La Vang, Nhan Biều,
Trí Bưu, Cổ Thành, Chợ Sải,
Trần Hưng Đạo, Quang Trung, bờ sông Thạch Hãn
Cửa nát nhà tan, ruộng đồng cháy đỏ,
Xác người đỏ.
Quê hương thành bình địa,
Dưới bom chiêu bài, đạn chủ nghĩa,
Của lũ người hiếu chiến, bọn người phi nhân.
Bởi những người Marxist, Leninist Việt Nam.
Làm sao tôi có thể quên.Bài thơ này như một quà tặng trước giờ lên đường,
Con xin gởi lại thầy cô và bè bạn.
Anh gởi lại cho em.
Như nửa trái tim lưu luyến.
Cùng với nỗi xót xa :
“Trường đã mất và tên trường cũng không còn” (*)
Nguyễn Hoàng ơi, lẽ nào như thế mãi.
Và vấn đề hôm nay:
Đâu là sứ mệnh lịch sử của chúng ta.
(*) Lời thầy Thái Mộng Hùng.
Việt Nam, 1/1994.
sương biên thùy/ lê mai lĩnh
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/tho/loitaloivoiquehuong.html