Phạm Khắc Trí
Theo sách vở lưu truyền, bộ Đạo Đức Kinh do Lão Tử (?) viết, khoảng thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, bên Tàu.
Bộ kinh này gồm có 81 chương, trên dưới 5000 chữ, nói về Đạo (mặt tĩnh), Đức (mặt động) của nguồn gốc tạo vật,
và học thuyết Vô Vi khuyên bảo loài người nên sống thuận theo sự sinh hoá của thiên nhiên.
Bài thơ sau đây bàn về hai câu mở đầu chương 56: “Tri giả bất ngôn / Ngôn giả bất tri”,
theo ngữ nghĩa của từng chữ một: “Người biết không nói / Người nói không biết”.
.
Độc Lão Tử
Bạch Cư Dị (772-846)
Ngôn giả bất tri tri giả mặc
Thử ngữ ngô văn ư Lão quân
Nhược đạo Lão quân thị tri giả
Duyên hà tự trước ngũ thiên văn
Dịch xuôi: Người đã nói nên được thành lời (ngôn giả) là người không hiểu biết gì về Đạo, còn người đã hiểu biết về Đạo (tri giả) thì lại phải làm thinh vì không thể dùng lời để nói về Đạo được / Câu này tôi đã nghe được từ Lão Tử / Nhưng như vậy nếu cho rằng Lão Tử là bậc tri giả, biết mà không nói ra được / Thì duyên cớ gì Người đã phải ngồi viết ra năm ngàn chữ cho bộ Đạo Đức Kinh?
Đọc Lão Tử
PKT 20/09/2018
Không biết mới nói, còn biết làm thinh,
Biết hay không biết, rành rẽ phân minh.
Nếu nói Lão Tử là người hiểu biết,
Thì ai ngồi viết năm ngàn câu kinh?
_________
Lời Thêm: Đã là một chút đùa với chữ nghĩa, chuyển dịch từng chữ một cho vui, trong phút cao hứng trà dư tửu hậu của người xưa, hay còn là một bài học nào cho hậu thế chúng ta ?
PKT 20/09/2018
Tri Khac Pham
Phamid1934@gmail.com