Lê Minh Nguyên
Ý niệm Tự do và Bình đẳng nhìn qua lăng kính Dân tộc Sinh tồn (DTST)
Tự do và Bình đẳng là những giá trị tuy đi theo tỷ lệ nghịch với nhau, nhưng công dân trong một quốc gia hay nhân loại trong thế giới đều mong muốn có được cả hai. Tự do giúp cá nhân hay nước mạnh được vượt trội, Bình đẳng giúp cá nhân hay nuớc yếu được bảo vệ.
Nó phản ảnh bản năng vị kỷ – vì mình, lấy mình làm trung tâm của mọi quyết định – để phục vụ sự sinh tồn của cá nhân hay dân tộc. Bản năng vị kỷ, vì là bản năng, cho nên tự nó không xấu không tốt. Nó tương tác với môi trường sống để bảo vệ sự sinh tồn, cho nên qua sự tương tác này nó có thể trở thành xấu, thể hiện qua tính ích kỷ, hay trở thành tốt, thể hiện qua tính vị tha.
Vì vậy hoàn cảnh môi trường mà một cá nhân (trong một quốc gia) hay một dân tộc (trong cộng đồng thế giới) tương tác sẽ làm nên hiện thực của dòng sống cá nhân hay dân tộc đó.
Trong môi trường mà Cộng Sản bần cùng hóa Miền Nam của thập niên 1975-1985 thì sự tương tác của bản năng vị kỷ với môi trường để bảo vệ sự sinh tồn thường khuyến khích tính ích kỷ. Trong môi trường người tỵ nạn sống trong các quốc gia sung mãn về kinh tế chính trị như Hoa Kỳ thì bản năng vị kỷ hướng về tính vị tha, với trên 10 tỷ đôla mỗi năm gởi về giúp người thân và đồng bào ở Việt Nam.
Cần làm rõ nội hàm của hai ý niệm Tự do và Bình đẳng. Trong tiếng Việt chỉ có một từ "tự do" nhưng trong tiếng Anh nó phản ảnh bằng hai từ "freedom" và "liberty". Vậy Tự do mà ta đang nói tới là tự do nào?
Chữ "freedom" có gốc từ nước Đức nhằm đơn giản để chỉ khả năng của cá nhân để quyết định hay hành động mà không có sự can thiệp nào từ bên ngoài. Nó khá lý tưởng vì trong thực tế, sống là sống với, và bản năng xã hội (trong DTST) khiến sinh vật có tính bầy đoàn. Trừ khi cá nhân sống ở Nam Cực hay trong rừng già Amazon để có "freedom" đúng nghĩa, bằng như "sống với" thì "freedom" luôn có giới hạn (http://bit.ly/2d6B1FP).
Trái lại, chữ "liberty" có gốc từ nước Pháp nhằm nói đến tự do được ban phát hay công nhận bởi một cái gì bên ngoài cá nhân đó, như xã hội hay chính quyền. Cho nên cuối cùng thì "freedom" là một nhân quyền mà khi sinh ra chúng ta đã có, còn "liberty" là nhân quyền mà chúng ta phải tranh đấu để có. Những nhà lập quốc của HK tin rằng "freedom" là tự do mà Thượng Đế ban phát cho con người, và "liberty" là mức độ tự do mà chính quyền ban phát cho công dân được hưởng.
Trong sinh hoạt hằng ngày, "freedom" dùng để nói lên sự không bị ràng buộc trong giao tế (thụ động) và "liberty" để nói lên quyền được làm một điều gì (chủ động) vì không bị các định chế bên ngoài giới hạn (http://bit.ly/2dZuwe8).
Trở lại từ Tự do trong tiếng Việt, nhìn qua lăng kính DTST với bản năng xã hội (tính bầy đàn) là một trong ba bản năng cấu thành bản năng sinh tồn (tình dục, vị kỷ, xã hội) thì từ Tự do mà bài viết này muốn nói đến là Tự do mà chúng ta cần tranh đấu để có, tức Tự do "liberty".
Tự do càng nhiều có nghĩa là chính quyền hay xã hội càng ít can thiệp. Đây là giá trị mà đảng Cộng Hòa ở Mỹ tin tuởng vào và tranh đấu cho. Muốn thế thì chính quyền phải nhỏ, luật pháp càng ít càng tốt để người dân không bị trói tay, hay thuế càng nhẹ càng tốt để nguời dân không bị gánh trách nhiệm xã hội quá nặng. Tự do càng nhiều thì người tài, người mạnh càng thăng tiến vì tài năng của họ được thi thố tối đa để phát triển bản năng vị kỷ của họ. Nên hiểu là bản năng vị kỷ tự nó không tốt không xấu, nhưng khi tương tác với môi trường thì nó có thể trở thành ích kỷ (xấu) hay vị tha (tốt). Bản năng vị kỷ lấy mình làm trung tâm của mọi quyết định. Các tỷ phú Warren Buffett, Bill Gates, Mark Zuckerberg... đã làm thiện nguyện cho tiền tỷ là để phát triển bản năng vị kỷ của họ (lên vị tha).
Nhưng Tự do càng nhiều thì làm cho xã hội càng dễ bị bất bình đẳng, những người thành công tựa như những siêu sao trong phim cinema, còn đại đa số chỉ làm bình phong phía sau cho siêu sao được chói lọi. Vì vậy Tự do phải đi đôi với Bình đẳng, dù là hai giá trị này trái chiều nhau. Bởi vì vạn vật được tạo ra theo nguyên tắc cân bằng, không cân bằng không làm nên hệ thống hay sẽ cho ra hệ thống khuyết tật (như Cộng Sản Việt Nam hiện nay).
Tự do giúp cho cá nhân được phát triển tối đa năng lực của mình, giúp cho tinh hoa được phát tiết, nó là chân phải của cơ thể dân tộc. Trong khi đó Bình đẳng giúp cho thành phần yếu kém của dân tộc, thường là đa số, không bị bỏ rơi, nó là chân trái của dân tộc. Dân tộc muốn tiến lên cần cả hai chân để đi để chạy, còn như bỏ đi một trong hai giá trị song phương này, thì chỉ có thể nhảy một chân, không lâu bền và không nhảy qua hầm hố được. Đảng Dân Chủ ở Mỹ đặt nền tảng trên giá trị Bình đẳng này, với sự bênh vực cho người lao động, phụ nữ, người già, trẻ em, người khuyết tật...
Cũng như ý niệm Tự do, ý niệm Bình đẳng cũng cần được hiểu cho rõ. Thế nào là bình đẳng? Khi Thượng đế tạo ra con người, bởi vì anh là người, tôi là người nên có sự bình đẳng về sinh vật. Nhưng nếu anh là người có thể chất hoàn toàn khoẻ mạnh hay sinh ra trong gia đình giàu sang, còn tôi sinh ra bị tàn tật hay trong gia đình nghèo đói thì cái khởi đầu này có bình đẳng hay không? Bình đẳng là bình đẳng cơ hội (equality of opportunity) hay bình đẳng hưởng thụ (equality of outcome) hay bình đẳng quyền hạn (equality of autonomy)?
Có câu chuyện vui về bình đẳng hưởng thụ như sau: Một vị trưởng giả ở Pháp có mướn một người giúp việc. Anh chàng rất chăm chỉ làm việc nhưng có thói quen là mỗi cuối tuần đi tham dự hội họp cộng sản. Vị trưởng giả biết nhưng không cấm vì thấy anh chàng làm việc đàng hoàng. Bẵng đi một thời gian anh chàng không đi dự sinh hoạt cộng sản nữa. Ông chủ lấy làm lạ nên hỏi "Tại sao?" Anh chàng nói "Lần sinh hoạt cuối cùng họ nói nếu đảng ta thu tóm hết tài sản nước Pháp và đem chia đều theo đầu người thì mỗi người có được 3 ngàn đồng franc". Ông chủ hỏi "Thế thì sao?" Anh chàng trả lời "Nhưng tôi đang có 5 ngàn đồng franc".
Bình đẳng cơ hội chủ yếu là bình đẳng lúc bắt đầu cuộc đua như đi xin việc làm chẳng hạn, không được kỳ thị lý lịch như CSVN đã và đang làm, hay kỳ thị giới tính, giàu nghèo, chủng tộc, tôn giáo... Còn Bình đẳng hưởng thụ thì có huê dạng của Robin Hood lấy tài sản của người giàu đi phân chia cho người nghèo. Một ý niệm mới về bình đẳng là Bình đẳng quyền hạn hay bình đẳng trong việc tăng quyền (empowered) để làm các quyết định, làm cho ai cũng có khả năng phát triển tối đa năng lực của mình trong suốt chiều dài của cuộc đời. Nó dung hòa giữa Bình đẳng cơ hội và Bình đẳng hưởng thụ (http://bit.ly/2d8qFFA).
Trong thực tế hai ý niệm về bình đẳng phổ biến nhất là bình đẳng cơ hội và bình đẳng hưởng thụ. Ý niệm bình đẳng cơ hội phổ thông trong các quốc gia theo dân chủ tự do. Ý niệm bình đẳng hưởng thụ phổ thông trong các quốc gia theo xã hội chủ nghĩa. DTST nói rằng muốn sinh tồn phải chiến đấu, để thắng trong chiến đấu phải có sức mạnh, có khả năng biến cải và có khả năng hợp quần. Để chiến thắng trong chiến đấu, DTST cần sự Bình đẳng cơ hội trong môi trường, mới có thể tận dụng được sức mạnh của mình, cứng cũng như mềm, trên nền tảng công lý của cuộc tranh đua.
Tự do và Bình đẳng tuy là hai đầu đối nghịch nhau, nhưng nó tựa như thanh côn nhị khúc của Lý Tiểu Long, nó không thể rời nhau, nó có thể chặp song song nhau, nó tuy hai mà một và nó là đôi giá trị nền tảng để phục vụ cho sự chiến đấu sinh tồn của dân tộc.
Tóm lại, giá trị Tự do "liberty" và Bình đẳng cơ hội (equality of opportunity), qua lăng kính DTST, sẽ giúp cho dân tộc và con người trong dân tộc phát triển được tối đa năng lực – cá nhân cũng như dân tộc – để xây dựng lên các định chế dân chủ pháp trị, hội nhập được dân tộc Việt khắp năm châu, phát huy được sức mạnh dân tộc trên trường thế giới, để dân tộc Việt trở thành một dân tộc mạnh, sánh vai cùng các dẫn tộc khác trên bước đường hướng về tương lai của nhân loại.
Lê Minh Nguyên
10/10/2016