Phan Văn Song
Trước đèn xem Chuyện Người Ta:
Xã Hội Dân Sự: Giấc Mơ hay Phép Lạ?
Tháng Bảy, ở Pháp, (và một số lớn ở các quốc gia Âu Châu) là tháng của nghỉ Hè – Vacances – Vacation, tháng quý giá nhứt, tháng yêu chuộng của trẻ em. Vì được nghỉ học, ở nhà, thảnh thơi, ngủ trưa nằm nướng… Bên Pháp con cũng được đi Hè với cha mẹ! Đi Hè, đi vacances là một thói quen, gần như một tập tục bắt buộc. Năm nào không đi là cảm thấy áy náy, tội lỗi với con cái. Vacances, phần thưởng của một năm làm việc cực khổ, được phép thảnh thơi hưởng thụ 15 ngày, ba tuần, một tháng tùy số tiền dành dụm (dù lớn nhỏ nhiều ít, tháng nghỉ vẫn lãnh lương đầy dủ). Tại Pháp ngày nay, luật Lao động “buộc” các chủ nhơn phải “trả” 5 tuần cho mọi nhơn viên làm việc đủ một năm. Và nhơn viên được quyền lấy trọn một lần 4 tuần. Bên Pháp, các nhơn viên dành 15 ngày cho “nghỉ Mùa Đông – nghỉ đi tuyết”, và 15 ngày “nghỉ Mùa Hè – đi tắm biển”, dành 1 tuần cho những cái nghỉ lỉnh kỉnh giờ chót. Nghỉ Hè cũng là Giải thắng của cuộc Đấu tranh của Giai Cấp Công Nhơn đối với Chủ Nhơn năm 1936. Truyền thống đấu tranh giai cấp ấy đã tạo cho một “não trạng thái quá” của giới công nhơn Pháp và các nghiệp đoàn lao động Pháp. Vì, nhơn danh giai cấp Công Nhơn, tiếp tục “phải” đấu tranh với chủ nhơn mới đạt được những “phần thưởng” cho giới Lao động!
Do đó, ngày nay, giai cấp Công Nhơn Pháp là những công tử quý phái nhứt của Cộng đồng Công Nhơn thế giới. Vì là quý tử, nên giai cấp Công Nhơn Pháp, nhơn danh phải bảo vệ và đòi hỏi phúc lợi, nên tạo một tỷ lệ thất nghiệp lớn cho nước Pháp. Vì công nhơn quá quý tử, quá được bảo vệ, không một chủ nhơn nào dám thâu người cả. Muốn thâu một công nhơn mới phải điều nghiên thật sự thị trường. Thị trường thì co giãn lên xuống. Thâu dụng một công nhơn là cả một phiền phức, nếu chẳng may, thị trường xuống cần phải bớt người.
Giai cấp Lao động, lý thuyết Cộng Sản, luôn luôn “chưởi mắng” chủ nhơn tư bản chỉ biết lợi nhuận. Dĩ nhiên, nếu không có “Lời”, không có lợi nhuận thì việc gì phải đầu tư? Vì chống tư bản, giai cấp công nhơn cướp chánh quyền, tự quản tự trị đất nước, thành lập quốc gia công nhơn, vô sản, cộng sản. Kết quả, 70 năm công nhơn cầm quyền của thế giới Đông Âu hoàn toàn sụp đổ! Cuba, Bắc Hàn, Việt Nam… cả Tàu nữa nhưng Tàu ngày nay còn Cộng Sản không? Công nhơn Tàu có thực sự cầm quyền không? Thí dụ điển hình nhứt, mới nhứt là Venezuela. Một đất nước giàu có với một kho tàng dầu hỏa không lồ ngày nay đang sập tiệm.
Thế giới lưỡng cực chia đôi giữa hai tư tưởng về quản trị quốc gia: thế giới tư bản do các “ông chủ” quản trị, và thế giới của “công nhơn” quản trị theo tư tưởng Mác xít Lê nin nít. Nhưng còn một vai trò thứ ba mà mọi người bắt buộc phải nghĩ đến là người “công dân”. Nếu trả lời rằng mỗi vai “ông chủ” hay “thợ thuyền” trong một đất nước đều có “vai trò của công dân” xin thưa không! Vì khi cầm quyền, thì “ông chủ hay người thợ” đều lãnh vai trò “nhà cầm quyền”! Đã là nhà cầm quyền, nên mất hẳn vai trò “chủ nhơn”, hay “thợ thuyền”. Nói như vậy, màn kịch xã hội một đất nước muốn hoàn toàn đầy đủ phải gồm đủ 4 vai trò: 2 vai trò kinh tế, chủ nhơn/ người thợ; 2 vai trò chánh trị, quản trị đất nước: Nhà cầm quyền/ người công dân. Nhà cầm quyền quản trị đất nước, dĩ nhiên có quyền lực để giữ an ninh, điều hòa đời sống cùng với hai vai trò kinh tế “chủ nhơn và người thợ”, để phát triển đất nước, điều hòa đời sống xã hội! Nhưng còn vai trò Công dân? Công dân là phải tuân thủ luật lệ? Trong xã hội, vai trò “Công dân” cũng có mặt cùng hai vai trò kinh tế cần đóng góp quản trị chánh trị, cần quản trị xã hội, bầu bán, cử đại diện quản trị bầu bán cử người vào Nhà Nước. Nhưng nếu để Nhà nước đơn thuần quản trị thì sẽ gặp sai trái, hay độc tài! Vì vậy, phải cần kiểm soát, phải cần thắng, rào, phải chỉ trích, nếu cần thay đổi, thay thế… phải có những “tổ chức Công dân”, hội đoàn, do công dân, của công dân, bên lề, hoạt động song song với những xã hội chánh trị (vai trò cầm quyền) với những xã hội kinh tế (vai trò kinh tế chủ nhơn hay công nhơn… đó là những Xã hội Dân Sự!
Xã Hội Dân Sự:
Xã Hội Dân Sự, ai ai cũng nói đến, ai ai cũng mơ đến. Những không ai biết Xã Hội Dân Sự ở đâu mà tìm. Và hình dáng nó như thế nào? Xã Hội Dân Sự có một thực thể thế nào? Phải có những đặc điểm gì? Hình dung thế nào? Nội dung cần những gì? Thật vậy, vô hình, vô sắc, vô tướng, một huyền thoại vì đó là một giấc mơ, không tưởng, chỉ nghe nói, mơ đến? Hay một Thiên Sứ, một Thiên Thần, một phép lạ, một giải pháp mầu nhiệm? Vì đó là một hy vọng, một giải pháp, một cứu cánh để cứu vãn một xã hội đang lâm nguy như Âu Châu, như Pháp hay để cứu cả một nền văn hóa, một xã hội, một văn minh đang bị xóa bỏ hay cả một dân tộc đang bị lai căng, ngoại hóa, bị Hán hóa như Việt Nam?
Định nghĩa:
Thật tình mà nói, không có gì để đặt lại vấn đề, để định nghĩa cả, từ cái tên, đến quan niệm, đến cả ý niệm, và tất cả những điều tốt, điều lành, đạo lý, đạo đức do nhóm chữ nầy mang lại.
Tên họ của Xã hội Dân Sự thường được gán cho Alexis de Tocqueville với tiểu luận Nền Dân Chủ trên Xứ Mỹ – La Démocratie en Amérique, viết năm 1832). Ý niệm rất rõ ràng, Xã Hội Dân Sự là ngược lại Xã Hội Chánh Trị.
Xã hội Chánh Trị, có một đặc điểm là xã hội của quyền lực, nghĩa là “có quyền lực”. Xã hội chánh trị cầm quyền. Cầm quyền nghĩa là có quyền thưởng phạt: xã hội chánh trị có quyền buộc người dân hành sử ngược lại ý muốn của người dân. Nhưng đó cũng là một “sự phải có”, bắt buộc, để bảo đảm sự tự do chung và quyền tư hữu. Phải có một quyền lực để buộc mọi người dân phải tôn trọng trật tự của một cuộc sống chung, một trò chơi xã hội, và cũng để chứng minh và bảo đảm cho một cơ chế pháp trị.
Xã hội Dân Sự, ngược lại không có quyền lực. Và cũng không cần quyền lực. Quan hệ giữa con người với con người trong một xã hội là sự bình đẳng, sự tôn trọng, không ai buộc ai, không ai bắt ai. Mọi trao đổi đều được thương thuyết, đối thoại bình đẳng, đi đến một thỏa thuận giữa mọi người với nhau, từ một khế ước có tánh cách thương mại, cho đến một thỏa thuận tham gia vào một cộng đồng cùng chí hướng, cùng ảnh hưởng, hay cả cùng một tập tục chung sống…
Đối với Alexis de Tocqueville, người Mỹ lúc bấy giờ (thế kỷ thứ 19), đã có tất cả những phẩm chất ấy. Với những thiện năng ấy, người Mỹ lúc bấy giờ, có cái ý chí là giải quyết tất cả những vấn đề của cuộc sống chung giữa những con người với nhau trong mọi xã hội, từ những chuyện nhỏ bé, tiểu tiết trong cuộc sống chung hằng ngày, cho đến những việc đại sự quan hệ như việc quản trị một địa hạt làng xã, một Nhà Thờ, một xứ hành chánh, một vùng, một tỉnh. Thường thường người dân Mỹ sở tại ít nhờ cậy đến những ý kiến hay quyết định của xã hội chánh trị.
Ngược lại, vào thời ấy, tại Pháp, mọi mọi vấn đề, dù nhỏ bé, dù tiểu tiết cải tổ, sửa đổi, làng xã, khu phố, đều kêu gọi, xin ý kiến, quyết định của chánh quyền, của công lực.
Và ngày nay?:
Ngày nay, ở Pháp, cũng vậy, không có bao nhiêu thay đổi, quan niệm chánh trị vẫn bị chi phối bởi Trung Ương. Quan niệm ấy, mặc dù đã qua trên 200 năm Cách Mạng, đã cắt đầu một ông vua, vẫn tiếp tục hoài niệm một hình ảnh thời Quân Chủ, một Ông Vua, một Nhà Lãnh Đạo, một vị Minh Quân, một Đấng Chúa Trời, một Cha Già Dân Tộc. Văn hóa Chánh Trị Pháp suốt ngày khóc than thương tiếc các Đấng Lãnh Đạo, nào là Léon Blum, nào là Charles de Gaulle, kể cả Clémenceau, kể cả Jules Ferry (Quên sao Jules Ferry là cha đẻ của một chủ nghĩa thuộc địa đen tối nhứt của thời Đệ Tam Cộng Hòa Pháp)…
Ngày nay, người Việt Nam ta, cũng vậy, cả trong nước lẫn hải ngoại đều hoài cổ, tiếp tục đốt đuốc đi tìm người Lãnh Đạo, Minh Quân. Nào Cụ Ngô, nào các Cụ Phan, nào các Cụ Huỳnh, Cụ Trương Tử Anh, Cụ Lý Đông A… Toàn những người của quá khứ, của một thời, không chấp nhận một cái gì mới cả, sợ thay đổi, sợ cách mạng, sợ đụng chạm… Khủng hoảng lãnh đạo chánh trị, khủng hoảng lãnh đạo tinh thần, khủng hoảng cả triết lý chánh trị! Người dân không dám nổi lên nói tiếng nói của mình! 2000 năm đô hộ bởi văn hóa hủ nho Khổng giáo đã đóng khung tư tưởng người Đại Việt. Do đó khủng hoảng trí thức, khủng hoảng tư tưởng chánh trị, khủng hoảng cả tinh thần dân chủ! Việt Nam chỉ còn biết đi tìm ở người ngoài, vọng ngoại, xuất ngoại đi tìm tư tưởng chánh trị, kinh tế, xã hội. Ngày xưa, Phan Bội Châu, Cường Để đi tìm ý niệm chánh trị Độc Lập Tự Do Canh Tân xứ sở ở Nhật. Phong trào Đông Du. Sau đó trí thức Việt Nam ta ùn ùn qua Tàu. Chạy theo tư tưởng chánh trị của Tàu, của Tôn Dật Tiên, bắt chước, đến cả dùng tên của đảng Tàu, Quốc Dân Đảng để đặt tên Đảng mình. Nói như vậy không phải cá nhơn chúng tôi chê bai, chỉ trích gì người xưa, đàn anh, đàn chú đàn bác… Nhưng khách quan mà nhìn nhận, đó cũng là một khuyết điểm chung của chúng ta, ngày nay cần phải được vượt qua.
Ngày nay, Việt Cộng cầm quyền giả đò “ù ơ dí dầu đu giây giữa Tàu và Mỹ”. Thật sự ra là làm đầy tớ cho Tàu, lãnh nhiệm vụ của Tàu, sẽ “rút ruột công trình của Mỹ, trước làm giàu cho mình, sau phục vụ quan thầy Tàu”. Nhớ Nhà Nguyễn thuở xưa, khi Tây xâm chiếm, nhờ những quân Tầu Ô chống Tây thế mình (Những Francis Garnier, những Henri Rivière bị giết, cắt đầu ở Cầu Giấy đều do quân Cờ Đen của Tàu cả). Những Hiệp Ước giải quyết vấn đề Việt Nam đều do Tàu và Tây thỏa thuận với nhau. Những Hiệp Ước Ngưng Chiến (đúng hơn Ngưng Bắn) đều do ngoại nhơn thỏa thuận trên “đầu” người dân Việt Nam. Genève 54, Việt Nam Quốc Gia không ký tên – Vì Vậy Không Lý Do Gì Việt Nam Quốc Gia Chấp Nhận Tổng Tuyển Cử để Thống Nhứt Việt Nam cả! – Chia đôi đất nước là một sự áp đặt. Paris 72 cũng vậy. Mỹ buộc Việt Nam Cộng Hòa ký tên ngưng chiến, Mỹ buộc Việt Nam Cộng Hòa nhìn nhận bọn Mặt Trận Giải Phóng như một nước. Mỹ chấp nhận Cộng Sản Bắc Việt tạo một nước nhỏ trong đất nước Việt Nam Cộng Hòa (Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam?), trái lại cấm hẳn Việt Nam Cộng Hòa tổ chức một cuộc kháng chiến trên đất Bắc.
Ngày nay, ở Trung Đông, chính Mỹ và Âu Châu tổ chức những vùng nổi dậy chống quốc gia Syrie. Chính Mỹ và Âu Châu gọi Syrie là bạo chúa! (Đó là cái khởi đầu của Daesh). Ở Syrie, Mỹ và Âu Châu chống “chánh quyền Syrie”. Trái lại ở Việt Nam Mỹ và Âu Châu đi chơi với Bạo Chúa Hà Nội. Ngày mai, vì một lẽ nào đó, nếu có một cuộc cách mạng bạo động nổi dậy ở Việt Nam, Mỹ sẽ là người đầu tiên giúp đỡ Hà Nội đánh dẹp người nổi dậy ngay. Mỹ ngày nay đang tạo một nguồn nhơn lực kinh tế rẻ tiền cho Việt Nam, thay thế cho nguồn nhơn lực rẻ tiền Tàu. Tàu cũng thừa cơ hội, cái chủ trương, chánh sách Mỹ ấy để trà trộn đầu tư vốn và người qua Việt Nam. Viễn ảnh ấy đang diễn tại Việt Nam. Đại Học Fulbright Mỹ, chẳng qua, chỉ để lấy lại thế cân bằng với những Viện Khổng Tử Tàu ở Việt Nam đó thôi!
Thế hệ tương lai Việt Nam sẽ là thế hệ Chuối. Một là Chuối Lá: Lá vàng ruột trắng. Hai là Chuối Sứ Tàu: Lá vàng ruột hồng đỏ đó thôi! Thuần Đại Việt? Tiên Rồng hay Phù Đổng? Chẳng còn! Ngày mai chỉ còn Trọng Thủy lấy Mỵ Châu thôi! Chỉ có Nỏ Thần hay Phù Đổng Thiên Vương mới cứu được. Nỏ Thần – bom nguyên tử không ai cho phép! (Nhưng Do Thái nhỏ xíu, vẫn có Nỏ Thần Nguyên Tử sanh tồn sống mãi). Toàn dân tộc Nhựt Bổn là Phù Đổng Thiên Vương giữ mãi Độc lập Tự Do. Còn Việt Nam ta?
Chánh Trị Hóa Xã Hội Dân Sự?:
Những sai lầm, những vụng về về quản trị của các chánh phủ liên tiếp ở rất nhiều quốc gia, và nhiều cơ quan quốc gia hay liên quốc gia và cả quốc tế tạo những bất mãn. Và dần dần, các xã hội chánh trị chẳng những mất thiện cảm mà còn tạo ra những chống đối. Và nếu như chúng ta chiếu và định nghĩa nêu ở phần trên là Xã hội Dân sự là cái nghịch của Xã hội Chánh trị, thì từ nay tất cả những chống đối của Xã hội Chánh trị chỉ sẽ là những Xã hội Dân sự thôi!
Các Xã hội Dân sự ngày nay bước vào chánh trị càng ngày càng thấy rõ. Bên lề tất cả những thủ tục bầu bán (điển hình của một nền dân chủ), bên lề tất cả những tổ chức đảng phái chánh trị ; khác hẳn truyền thống phải là một tổ chức có một nhơn vật lãnh đạo chánh trị, hay có một lý lịch, một lịch sử, một hành trình chánh trị, nhiều tổ chức, ngày nay, “tự phát” tự động nổi dậy, ra mắt, sanh hoạt chánh trị, nói, bàn, hành động chánh trị… Những “indignos – bất mãn” ở Tây Ban Nha chống hẳn chánh phủ Rajoy, phái hữu, thủ cựu! Phong trào “Manif pour tous – Mọi người xuống đường” ở Pháp, gom cả triệu người xuống đường chống Tổng Trưởng Taubira, nổi tiếng là cực tả, là phóng khoáng, là tiên tiến! Năm triệu người biểu tình với khẩu hiệu ‘Tôi là Charlie’! Và vừa qua ở Pháp luồng sóng ‘Nuits Debout – Đêm Đứng Dậy’ tạo luồng sóng “xét lại” cho giới quan chức chánh trị, đóng góp thêm vào tư tưởng dân chủ tham dự, là những điển hình. Ở Việt Nam cũng vậy, những biểu tình, xuống đường, “Dân Oan Khiếu Kiện” sẽ là những bước đầu của một luồng gió “Dân chủ tham dự” tươi mát. Ở Hong Kong, phong trào Dù Vàng… đặt lại vấn đề quan hệ giữa Trung Ương Bắc Kinh và Chế độ Hong Kong. Phong trào Brexit cũng do những Xã hội Dân sự bất mãn tạo thành, điển hình là sự bối rối của những Xã hội Chánh trị và Kinh tế sau kết quả của Brexit!
Vì vậy, mong quý thân hữu sẽ chia sẻ cùng với chúng tôi, khi chúng tôi phủ nhận không gọi những nhơn vật, bất cứ những nhơn vật nào nhơn danh một Xã hội Dân sự lên tiếng, là Xã hội Dân sự. Nhưng chúng ta cũng đừng vội đặt tên một nhóm ly khai của Đảng cầm quyền nhơn danh nhơn dân, tự do, bình đẳng, đứng lên đấu tranh chống các cựu bạn bè, đồng chí mình.
Nói như vậy, tự nhiên chúng ta cả gan ngạo mạn dám đánh giá thiệt giả những Xã hội Dân Sự.
Thiệt giả lẫn lộn biết đâu mà lần:
Nói đến thiệt giả, không phải phạm vi của bài luận nầy. Đây chỉ là một khái niệm hoàn toàn riêng tư của chúng tôi hay của mỗi chúng ta.
Nhưng cái chúng tôi muốn nói đây, là lòng kính phục và cám ơn của cá nhơn chúng tôi đến hàng triệu người trên quả đất, căn nhà chúng của chúng ta, bỏ công, bỏ của, có khi bỏ cả mạng sống, hy sanh cả tình yêu, gia đình, chỉ để nói lên tiếng nói thật, đi tìm một sự hài hòa cho xã hội, cho cuộc sống chung của bao con người, đi tìm sự đoàn kết, tương thân tương ái, hòa bình nhơn ái, xóa bỏ bất công, tạo tình thương nhơn loại.
Chúng tôi cũng kính phục và cảm tạ tất cả những ai đã xung phong phục vụ cộng đồng, phục vụ khoa học và sự tiên tiến cho đời sống xã hội. Chúng ta phải ngưỡng mộ và phải cám ơn cả triệu người đang “làm việc” cho những cơ quan, những cơ sở “phục vụ con người” như những nhà dưỡng lão, những nhà giữ trẻ, những nhà phục hồi sức khỏe, những viện mồ côi, những cơ quan từ thiện… Tất cả những nhơn viên tự nguyện, hay thường trực, chuyên nghiệp chuyên nghề hay “amateur – không chuyên nghiệp”, phục vụ cho người lớn tuổi, người tàn phế, người nghèo, người cô đơn, người bị xã hội bỏ rơi, người chẳng may bị tù tội, người thất học…
Xã hội Dân sự cũng có thể, và nếu được nên phục vụ giới trẻ, cho tuổi trẻ, để dẫn dắt, để hướng tuổi trẻ đi vào Đời, phục vụ Đời, phục vụ Tha Nhơn, phục vụ Đất Nước. Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình Thiên Hạ, câu giáo đầu của một nền giáo dục Khổng Mạnh xưa phải từ nay phải được cụ thể biến thành là Luyện Thân, Giúp Láng Giềng Bà Con, Phục vụ Đất Nước, Hiếu Thảo với Cha Mẹ! Việt Tánh hơn!
Xã Hội Dân Sự cũng phải vượt biên giới đấu tranh Giải phóng cho Nhơn Loại được Tự Do, Nhơn Phẩm được Tôn Trọng. Và… không được ồn ào, báo chí, truyền thông, ca tên, tụng tánh!
Vậy thì:
Tương lai nào cho Xã Hội Dân Sự?:
Câu hỏi nầy đúng ra phải là cái tựa của bài viết!
Xã hội Dân sự có cần thiết nằm ngoài chánh trường không? Để không bị hoen ố dơ bẩn, “lánh xa ồn ào và lộn xộn – loin des bruits et des fureurs” (MacBeth Acte - Hồi 5, Scène - Cảnh 5, William Shakespeare).
De Tocqueville đã nhận định rõ: “Chúng ta vẫn có thể thay đổi, cải thiện được xã hội, mà không cần đến công lực, đứng ngoài công lực – on peut améliorer les relations humaines sans nécessairement recourir à la puissance publique”.
Nhưng làm sao tưởng tượng được công lực, những nhóm quyền lực (Việt ngữ mới của nội địa: những nhóm quyền lợi) chấp nhận đứng ngoài những tranh cãi, tranh luận để thay đổi hay ảnh hưởng xã hội? Vì hiện nay, tất cả mọi diễn biến sanh hoạt thời sự liên quan đến xã hội, kinh tế chánh trị đều đi đến những âm mưu tính toán tranh cử bầu cử, tranh quyền, tranh tài, tranh của, tranh lợi.
Thật sự ngày nay, nền Dân Chủ đã thức tỉnh lương tâm công dân của người dân, và giòng chảy “dân chủ tham dự”, giòng chảy của “lương tâm dân chủ” đang vẽ lại bản đồ của những thế lực cai trị, thoạt đầu từ mỗi quốc gia, dần dần đến cả thế giới.
Một giai cấp mới đang thành hình, nằm ngoài hẳn những lý lịch, những gốc gác, gia đình, bằng cấp, đảng phái, nghiệp đoàn, hay những cơ sở chánh trị cổ truyền.
Nhưng một lần nữa phải đặt sự tín nhiệm vào tuổi trẻ:
Một tuổi trẻ với một sự giáo dục mở, nhờ khoa học tin học, toàn cầu hóa. và chính những thí dụ điển hình của lòng vị tha, lòng phục vụ tha nhơn, phục vụ cộng đồng tạo những điển hình, những bài học cho thế hệ tương lai cầm quyền. Cầm quyền, là phục vụ, là cảm thông, là đối thoại. Những quan hệ win-win – synallagmatique, lưỡng lợi, bền vững. Sẽ không còn những đấu tranh giai cấp, những đàn áp giai cấp, bóc lột… Con đường đi đến đấy dài lắm, chông gai lắm, Xã hội Dân sự chỉ là một dụng cụ để lãnh đạo. Không phải một giải pháp, chẳng phải một Nỏ thần.
Chúng ta hãy tổng cộng, kiểm điểm lại những thời gian bỏ phí, hao công tốn của, hàng triệu người chết, hàng vạn gia đình tan nát, bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, tha hương làm lại cuộc đời,… để giành giựt quyền lực. Việt Nam, với hai cuộc chiến giành Độc Lập, chống Độc Tài, hết Quỷ Trắng đến Quỷ Đỏ, mất cả vốn liếng, đất đai, gia tài văn hóa cha ông Đại Việt!
Ngày nay nếu người dân Đại Việt không tự mình, không tự tỉnh ngộ, không tự đứng lên giành lại Độc Lập, giành lại Tự Do thì mai nầy chúng ta chắc chắn sẽ không còn quê hương nữa!
Hồi Nhơn Sơn, khóc cho Quốc Khánh Pháp, 14 juillet đẫm máu 2016.
Phan Văn Song