Nguyễn Hoài Vân
Vòng xoáy nợ nần
Anh nợ, tôi nợ, hãng, xưởng, công ty, báo chí, giáo hội, học đường, cơ sở từ thiện, chính quyền, địa phương đến trung ương... đều nợ, thậm chí các chủ nợ cũng... nợ. Nợ nần đã trở thành một quy ước, một thường định, một hệ thống, là động cơ của kinh tế, của phát triển, của... đời sống!
Lần lên những thời xa xưa nhất của lịch sử, nợ đã hiện hữu từ trước khi con người phát minh ra tiền bạc. Các phiến đất sét mang chữ viết xưa nhất của loài người trong vùng Mésopotamie, chính là những “giấy nợ”, có thể được sử dụng để trao đổi như một loại tiền.
Rồi những vương quốc, đế quốc… hình thành, và nợ quốc gia xuất hiện, khi các công hầu vua chúa lăn vào chinh chiến triền miên, vô cùng tốn kém. Tại Âu Châu những ngân hàng đầu tiên hình thành trong thời Trung Cổ và không ngừng phát triển sau đó. Vào lúc ấy uy quyền quốc gia còn có khả năng trấn áp các nhà tài phiệt. Khi nợ quá nhiều, vua chúa thường không ngần ngại đưa những kẻ phú hộ vào vòng lao lý, lưu đày, để quỵt nợ và tước đoạt tài sản của họ. Tương quan lực lượng ấy, ngày nay, đã hoàn toàn bị đảo ngược.
Thật ra, nợ quốc gia không phải bao giờ cũng là một vấn đề đáng quan ngại. Với mức tăng trưởng cao, một quốc gia có thể dễ dàng tạo ra phú hữu để trả nợ. Nợ chỉ trở thành một gánh nặng khi vượt quá một giới hạn nào đó. Khi ấy, phú hữu tạo ra không còn đủ để trả nợ, khiến quốc gia bắt buộc phải vay thêm tiền, làm cho số nợ càng gia tăng, sự trả nợ càng khó khăn, phải vay thêm nữa v.v... Đó là vòng xoáy nợ nần, khiến cho quốc gia không còn làm chủ được chính sách của mình, không những trên phương diện kinh tế, tài chính, mà cả xã hội, quân sự, giáo dục v.v... Khi ngân quỹ lệ thuộc vào nợ, thì khả năng quyết định chính sách của người cầm quyền phải bị thu hẹp, để lệ thuộc vào những quy luật của thị trường tài chính.
Cộng Đồng Âu Châu, qua thỏa ước Maastricht, hạn chế mức nợ của các quốc gia thành viên là dưới 60% GDP. Hiện con số ấy đã lên đến 93% trong trường hợp Tây Ban Nha, 129% với Portugal và 175% với Hy Lạp.
Mặc dầu nợ nần vượt mức như thế, các quốc gia vẫn tìm ra được những chủ nợ cho mình vay tiền, tuy với lãi suất cao hơn các quốc gia ít nợ. Lý do vì, trái với thời vua chúa xa xưa, ngày nay không một dịch vụ làm ăn nào an toàn hơn là cho các quốc gia vay tiền. Đàng sau những cái gọi là “quốc gia” ấy, có hàng chục, hàng trăm triệu con người làm lụng vất vả, không ngừng tạo ra phú hữu, để trả những món nợ dài hạn, không ngày kết thúc. Trong trường hợp Âu Châu, thì đàng sau mỗi quốc gia, còn có người dân của toàn bộ các quốc gia khác của Cộng Đồng, khi cần sẽ bị bó buộc phải thò tay vào túi... Các chủ nợ chỉ mất tiền khi quốc gia mắc nợ sụp đổ hay phá sản, tức những trường hợp hiếm hoi.
Một câu hỏi đã được gợi ý ở trên, là một quốc gia có bắt buộc phải trả nợ hay không? Câu trả lời là không, với điều kiện không cần vay thêm nữa, một điều không thể tưởng tượng được trong mô hình tư bản chủ nghĩa toàn cầu hiện tại.
Sau thời huy hoàng...
Sau hai cuộc thế chiến, nhu cầu tái thiết, được tài trợ bởi kế hoạch Marshall cùng với việc gia tăng mạnh mẽ khối lượng tiền tệ, đã đem lại cho Âu Châu 30 năm huy hoàng. Các công trường xây dựng mọc lên khắp nơi, những mặt hàng như máy điện gia dụng, xe máy, xe hơi v.v... được phổ biến rộng rãi, vật dụng nội thất và quần áo thời trang được sản xuất dây chuyền với giá rẻ, thúc đẩy tiêu thụ, làm cho kinh tế tăng trưởng, đồng thời khiến nợ quốc gia xuống mức thấp nhất.
Hoa Kỳ, nơi sản xuất một phần quan trọng của những mặt hàng tiêu thụ, cũng bước vào một giai đoạn phát triển mạnh, kéo theo những quốc gia trong quỹ đạo của mình, như Nhật Bản.
Tuy nhiên, hai biến cố đã làm cho sự tăng trưởng ấy phải chững lại:
– Một là quyết định thả nổi đồng Đô La của Tổng Thống Nixon, tháng 8 năm 1971. Việc leo thang chiến tranh tại Việt Nam đã khiến cho ngân quỹ Hoa Kỳ thâm hụt, dự trữ vàng thất thoát nặng, đưa đến biện pháp không dùng quý kim để bảo đảm giá trị của đồng Đô La nữa. Tiền tệ khắp nơi, vốn được định giá bằng Đô La, đều bị thả nổi. Giá trị tiền tệ chỉ còn dựa vào niềm tin (như câu “in God we trust” được viết trên đồng Đô La!). Và vì niềm tin là một yếu tố có phần chủ quan, nên tình trạng này đẩy mạnh đầu cơ tài chính. Người ta đánh cuộc trên sự trồi sụt của một đồng tiền, thậm chí dựng nên những thông tin phóng đại hay giả tạo, ảnh hưởng đến niềm tin vào đồng tiền ấy. Kết quả là một tình trạng bất ổn tài chính.
– Biến cố thứ hai là cơn khủng hoảng dầu hỏa năm 1973, đã nhân ba giá dầu chỉ trong vòng một năm. Trước đó, sự ổn định của giá dầu cũng như đa số nguyên liệu khác, cùng với tình trạng ổn định tài chính, khiến người ta có thể có được những dự phóng kinh tế chính xác. Với bất ổn, thời hoàng kim của “toán kinh tế” bắt đầu lay động, khiến ngày mai càng ngày càng khó đoán trước (“nhà kinh tế là một chuyên gia có khả năng cắt nghĩa vào ngày mai tại sao những gì mình tiên liệu ngày hôm qua đã không xảy ra ngày hôm nay” - Laurence Peter).
Kèm theo đó là sự gia tăng trị giá sản xuất và giá bán hàng hóa. Hệ quả của tình trạng này là lạm phát, khiến tiết kiệm bị soi mòn, tiêu thụ và đầu tư đều chững lại. Muốn duy trì phát triển, chống suy thoái, lạm phát trở thành đối thủ hàng đầu của các chính quyền.
Mâu thuẫn chủ - thợ và mâu thuẫn chủ nợ - con nợ
Trong “30 năm huy hoàng” vừa nói, nền kinh tế ổn định trong phát triển vững vàng đã đặt người tiêu thụ và doanh nhân, tức những người đi vay, trong vị thế ưu thắng đối với người cho vay.
Đến thời điểm bất ổn sau đó, vị thế này bị đảo ngược. Ngoài mâu thuẫn giữa chủ nhân và công nhân viên của mình, xã hội càng ngày càng bị ảnh hưởng bởi một mâu thuẫn khác: giữa chủ nợ và con nợ (con nợ là doanh nhân và người tiêu thụ). Các xã hội tiên tiến không còn chỉ dựa trên yếu tố sản xuất nữa, mà rơi vào sự thống trị của tài chính, với hai đặc điểm chủ yếu:
– một là nợ nần trở thành động cơ của kinh tế, bao gồm cả nợ tư nhân lẫn nợ quốc gia.
– hai là áp lực hướng đến một đồng tiền mạnh, chống lại lạm phát.
Sứ mạng của Ngân Hàng Trung Ương và thuyết “Tân Tự Do”
Hai sứ mạng truyền thống của ngân hàng trung ương quốc gia là:
– cho nhà nước vay tiền
– và bảo đảm sự ổn định tài chính
Từ thập niên 70, các ngân hàng trung ương nơi các quốc gia tiên tiến không còn có thể hoàn thành hai sứ mạng này cùng một lúc. Nếu tiếp tục cho nhà nước vay, trong bối cảnh càng vay càng nợ và càng nợ càng vay, thì ngân hàng trung ương sẽ không còn đảm bảo nổi sự ổn định tài chính (vì phải luôn tạo thêm tiền). Các quốc gia, từ đây, phải quay sang vay tiền nơi thị trường, và phải chịu những quy luật do nó đặt ra.
Khuynh hướng này càng lớn mạnh trong thập niên 80, với hai nguyên thủ quốc gia có nhiều ảnh hưởng, là Tổng Thống Reagan và Thủ tướng Thatcher, qua sự áp dụng rộng rãi thuyết “Tân Tự Do”, bao gồm những đặc điểm như: giảm thuế, tư hữu hóa, triệt giảm các quy định điều tiết thị trường.
Một trong những điểm nổi bật của giai đoạn này là thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ, với những biểu tượng như Wall Street và City. Bên cạnh đó, tín dụng được “cởi trói”, không còn phải chịu nhiều quy định, điều tiết, khiến làn sóng tư bản lưu chuyển gần như không giới hạn.
Lưu lượng tài chính ấy trở thành “nguyên liệu” của sinh hoạt kinh tế, thể hiện bằng những món tiền được các quốc gia, xí nghiệp cũng như tư nhân đua nhau vay mượn, làm giàu cho các ngân hàng tư qua khối lãi suất khổng lồ được sinh ra.
Tiền bạc mà ngân hàng cho vay đến từ đâu?
Ngân hàng không sở hữu số tiền mà họ cho vay. Tiền bạc được tạo ra cùng lúc với số nợ, và được xóa đi khi nợ được trả. Tại một số quốc gia, có những quy định kiểu như ngân hàng tư không được cho vay quá 6 lần dự trữ “thực” của mình (ký thác tại ngân hàng trung ương). Tuy nhiên, có nhiều phương pháp kế toán để tránh né sự hạn chế này.
Tức là: ngân hàng tự tạo ra tiền, rồi cho vay, thu lãi suất, làm giàu trên một yếu tố công ích không thể thiếu (như không khí chúng ta thở), là tiền bạc. Khi đa phần tiền bạc còn được tạo nên bởi ngân hàng trung ương, thì chính phủ, và qua đó, người dân, có khả năng ảnh hưởng trên yếu tố tối cần yếu này. Ngày nay trong các nước tiên tiến, ngân hàng trung ương chỉ còn tạo ra khoảng 5% khối lượng tiền tệ, đối với 95% được tạo ra bởi các ngân hàng tư nhân, khiến cho tiền tệ không còn chỉ là một phương tiện trao đổi, như chức năng thực sự của nó, mà tự nó trở thành một phương tiện làm giàu, không cần thông qua sản xuất. Người sản xuất phải chịu sự chi phối của giới tài phiệt, trong khi chính họ mới thực sự tạo ra phú hữu trong xã hội.
Nếu xét trường hợp của nước Pháp, thì từ 1973, số tiền lời của nợ quốc gia được tích tụ, lên đến 1400 tỷ euros. Con số ấy xấp xỉ tương đương với sự gia tăng số nợ của nước này trong cùng thời gian. Một so sánh đem lại một cái nhìn chính xác hơn về nợ...
Cũng có thể nhận xét là từ 1945 đến 1971, các nước phát triển không có khủng hoảng. Khủng hoảng chỉ xảy đến từ khi việc kiểm soát các cơ cấu tài chính gần như bị xóa bỏ, do niềm tin vào khả năng điều tiết của “bàn tay vô hình”.
Nghèo vẫn được vay
Cuối thập niên 90, ngân hàng trung ương Âu Châu và Vùng Euros hình thành. Những người anh em nghèo kém trong Cộng Đồng Âu Châu, như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Ái Nhĩ Lan... nhân đó với được đến những món tiền kếch xù mà thị trường sẵn sàng cho họ vay, vì tin vào tình đoàn kết của các nước giàu có của Cộng Đồng trong việc trả nợ. Tiền bạc được vay dễ dàng khiến các nước ấy lao vào những chi tiêu không hợp lý. Các dự án kiến thiết phi trường ở Tây Ban Nha, xây cất nhà cửa ở Ái Nhĩ Lan vượt xa nhu cầu thực tế. Hiện tượng đầu cơ càng lúc càng gia tăng với sự dung dưỡng của chính quyền. Giá nhà đất ở Dublin có lúc lên cao hơn cả New York! Chính quyền lẫn dư luận đều bịt tai nhắm mắt trước các nghịch lý tương tự, vì hài lòng với chỉ số phát triển của quốc gia.
Nhưng, việc phải đến cũng đến: bong bóng đầu cơ tan vỡ, các ngân hàng chủ nợ mất tiền và chính phủ phải bù vào những thất thu của họ. Nợ tư trở thành nợ công, đè nặng trên đầu dân chúng...
Đến cuối thập niên hai ngàn, hiện tượng tương tự xảy ra ở Hoa Kỳ. Những người có lợi tức kém được khuyến khích vay tiền để mua nhà. Các món nợ “subprime” này, tuy có vẻ phiêu lưu, nhưng lại được coi như có khả năng đem lại nhiều lợi tức cho ngân hàng chủ nợ, với điều kiện giá nhà cửa (tức số người vay tiền mua nhà) không ngừng gia tăng (con nợ gặp khó khăn tài chính có thể bán nhà trả nợ). Các cơ quan thẩm định tài chính không ngần ngại cho chúng điểm ưu tú “AAA”, khuyến khích việc biến các tín dụng ấy thành chứng khoán, được phổ biến rộng rãi khắp thế giới. Thậm chí nhiều người ở Âu Châu hay nơi khác, mua cổ phần quỹ đầu tư mà không biết là chúng bao gồm một phần quan trọng “subprime”! Đến khi những người nghèo nhất bị lôi kéo vào cuộc chơi, không thể trả nợ, và giá nhà cũng tụt dốc, thì cả hệ thống sụp đổ, kéo theo thị trường chứng khoán toàn cầu, và cả guồng máy tài chính dựa trên các ngân hàng.
Một hình thức bóc lột mới
Phản ứng của các chính phủ là bơm tiền cứu các ngân hàng gặp khủng hoảng, đào sâu thêm hố thẳm nợ nần của chính mình. Các món nợ tư của các ngân hàng này trở thành nợ công của quốc gia. Số tiền được huy động để gây lại vốn cho các ngân hàng được lấy từ túi tiền của người dân (qua thuế khóa), tức tiền thật, do công sức làm việc của họ, trong khi tiền thua lỗ của các ngân hàng kia là tiền ảo, đến từ đầu cơ, do sự đẩy giá chứng khoán lên những đỉnh cao siêu thực, và từ tín dụng, được chính các ngân hàng ấy tạo nên, như đã nói ở trên.
Nói cách khác: khi ngân hàng có lời, thì họ toàn quyền hưởng thụ mối lợi ấy, nhưng khi thua lỗ, phần lớn do lỗi lầm của chính họ, thì lại toàn quyền lấy tiền của dân bù vào những mất mát này.
Thật ra, mọi người dân đều có tiền ký thác trong ngân hàng. Ngân hàng sụp đổ cũng là sự phá sản của một phần lớn dân chúng. Vì thế, chính phủ không thể không cứu ngân hàng. Cảm tưởng an toàn này khiến người điều hành ngân hàng không ngần ngại lao vào các cuộc phiêu lưu hiểm hóc nhất. Họ biết quy luật của cuộc chơi là “lời được hưởng, lỗ có dân chúng chịu thay”.
Khi quốc gia phá sản
Vào năm 2001 Argentine phá sản trước một món nợ khoảng 100 tỷ USD. Các chủ nợ đồng ý xóa 70% số nợ ấy và "tái cấu trúc" phần còn lại, ngoại trừ hai tổ hợp tài chính, gọi là "diều hâu". Họ tiếp tục đòi được trả hoàn toàn món nợ 1,5 tỷ USD của mình. Argentine đã ký thác tại New York một số tiền đủ để trả lãi tức các món nợ được "tái cấu trúc", nhưng một quan tòa Mỹ bắt nước này phải ưu tiên trả tiền cho các tổ hợp "diều hâu", với rủi ro bị tất cả các chủ nợ khác xông đến đòi toàn bộ số nợ 100 tỷ USD, viện dẫn nguyên tắc công bằng giữa các chủ nợ!
Một trường hợp khác rất được chú ý là Hy Lạp, tuyên bố phá sản vào năm 2009, với số nợ lên đến 129% GDP. Khác với Argentine, Hy Lạp vẫn tiếp tục được vay tiền trên thị trường tài chính nhưng với lãi suất cao. Các chủ nợ biết rằng đàng sau Hy Lạp sẽ có những người dân Đức, Pháp, Bắc Âu, v.v... cáng đáng những món nợ tiếp tục đem lại lợi nhuận cho họ. Thật vậy, mặc dù thỏa ước Maastricht cấm ngân hàng trung ương Âu Châu cho các quốc gia vay tiền, nhưng một thỏa hiệp vẫn được tìm ra để biến nợ của Hy Lạp trên thị trường tài chính thành nợ đối với Cộng Đồng Âu Châu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Lý do vì nếu bỏ rơi Hy Lạp thì các chủ nợ cũng sẽ rút khỏi Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Pháp v.v... tạo nên khủng hoảng dây chuyền với hậu quả không lường được. Việc xóa một phần nợ cho Hy Lạp chỉ được đặt ra 2 năm sau đó, khi chính sách thắt lưng buộc bụng đưa đến kết quả trái ngược, khiến Hy Lạp không những không ngoi được lên khỏi khủng hoảng, mà lại càng ngày càng nợ, và luôn phải vay thêm. Phải nói là ảnh hưởng của chính sách thắt lưng buộc bụng trên đời sống của người dân rất nặng nề: thất nghiệp, giảm lương và giảm hưu trí (từ 35 đến 60%). An sinh xã hội, các chi phí giáo dục, y tế, đều bị cắt bớt... (xem: http://www.diendantheky.net/2015/07/nguyen-hoai-van-khung-hoang-hy-lap-au.html)
Tại các quốc gia phía nam Âu Châu, tình trạng suy sụp phần nào được kềm chế, nhưng hậu quả cũng rất tai hại. Thí dụ ở Tây Ban Nha có 50% người trẻ thất nghiệp, và người ta nghĩ rằng cả một thế hệ đã bị hy sinh bởi chính sách thắt lưng buộc bụng, làm cho quốc gia nghèo đi, nhưng nợ nần vẫn gia tăng.
Thắt lưng buộc bụng
Nợ trong thực chất chỉ là một thỏa hiệp, có thể thay đổi, thậm chí hủy bỏ. Tuy nhiên tự thâm tâm những người mang nợ, điều này lại trở thành một vấn đề đạo lý. Như trước một vị Chúa cao cả, người ta cúi rạp đầu, lòng đầy ân hận và mặc cảm tội lỗi vì đã dám sinh sống tạm đầy đủ, dám vụng trộm thụ hưởng chút tiện nghi, thoải mái, chút sung sướng, vui tươi, trong khi mình hoàn toàn không xứng đáng với những xa xỉ ấy, vì mình là kẻ... mắc nợ!
Người mắc nợ nghĩ mình phải chịu khổ, phải làm việc thêm và thêm nữa, để cố hết sức trả nợ. Và khi nợ cứ chồng chất không thể trả được, thì người ta suốt đời trở thành nô lệ cho một hệ thống tài chính tự tạo ra tiền, cho vay, rồi làm giàu bằng việc ấy.
Trong tương quan giữa các dân tộc, thì anh là một người xấu, một kẻ lợi dụng lòng tốt của người khác, chỉ vì anh sinh ra trên đất Hy Lạp. Hình phạt đối với anh là sẽ không được chữa bệnh một cách chu đáo, con cái không được giáo dục đúng mức, chưa kể đến nạn thất nghiệp giảm lương, giảm hưu trí v.v...
Quyền công dân tại các nước mang nợ cũng bị hạn chế, cùng với chủ quyền quốc gia, vì phải tùng phục những quy luật của chủ nợ.
Một giải pháp?
Người ta có thể quan niệm hai phương cách thoát khỏi ngục tù nợ nần.
1) Tăng cường lạm phát:
Khối lượng tiền tệ được nâng cao, tiền mất giá, nợ quốc gia tự nhiên triệt giảm. Trong trường hợp một nước nợ gần 20 ngàn tỷ USD như Hoa Kỳ, mỗi phần trăm giảm giá Đô La có khả năng làm nhẹ bớt 200 tỷ vốn nợ.
Âu Châu cũng đã áp dụng phương pháp này sau hai cuộc thế chiến. Nợ của Đức và Pháp sau chiến tranh nhiều gấp 2 đến 3 lần số nợ hiện nay, nhưng được hóa giải nhanh chóng bởi lạm phát và phát triển. Tại Pháp, từ 1945 đến 1948, mức lạm phát trung bình là 53,23% mỗi năm, và nợ quốc gia, trong cùng thời gian, giảm từ hơn 100% GDP xuống dưới 20% GDP. Ngày nay, phương pháp này không còn áp dụng được nữa, vì các quốc gia trong vùng Euro đã mất quyền ấn hành tiền tệ.
Lạm phát trong bản chất là một hình thức móc túi. Kẻ cầm trong tay 100 đồng, khi tiền mất giá 10%, chỉ còn 90 đồng. Dùng lạm phát để hóa giải công nợ không khác gì bắt toàn thể dân chúng và những người sử dụng tiền tệ của mình trên thế giới, phải đóng góp cho việc trả nợ quốc gia.
2) Phát triển và tăng thu, giảm chi
Đây là phương pháp được coi như “đạo lý”, mà các chính quyền thường nêu cao để động viên người dân. Dân chúng được khuyến khích làm việc nhiều hơn để góp phần phát triển kinh tế, đồng thời đóng thuế nhiều hơn, và chịu giảm bớt những phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục v.v...
Vấn đề là phát triển thường bị chặn đứng bởi... nợ, và nợ là một động cơ chủ yếu của phát triển. Người ta ước lượng một tỷ lệ phát triển khoảng 2% và ít hơn, đi kèm với tình trạng nợ nần càng ngày càng gia tăng. Vào lúc hiệp ước Maastricht bắt hạn chế số nợ của các quốc gia Âu Châu ở mức dưới 60% GDP, thì chỉ số phát triển trong vùng Euro cao hơn 3%. Khi phát triển giảm xuống, thì các quốc gia này không còn kềm chế nổi sự gia tăng nợ nần nữa, và những nước yếu kém nhất, đi vào khủng hoảng. Các nước ấy vừa nghèo, vừa nhiều nợ, lại vừa phải chịu lãi suất cao nhất.
Hướng đến hình thành các khối quốc gia?
Có ý kiến chủ trương gộp chung nợ của nhiều quốc gia, như tại Âu Châu, vào một gói, để tránh tình trạng các nước yếu kém bị các cơ chế đầu cơ tài chính tấn công. Muốn làm được việc này một cách hiệu quả trong lâu dài, thì phải có một chính sách tiền tệ chung, tỷ lệ lãi suất chung, chưa kể nhu cầu phối hợp các chính sách an sinh xã hội, lương bổng, hưu trí v.v... Các mục tiêu này cho đến nay vẫn còn là ảo tưởng.
Giả sử ảo tưởng ấy trở thành sự thực, thì có nhiều xác xuất sẽ đưa đến tình trạng các nước giàu sẽ giàu thêm trong khi các nước nghèo lại càng nghèo. Một thí dụ thường được đưa ra là trường hợp nước Ý sau khi thống nhất vào cuối thế kỷ 19. Vào thời điểm ấy kinh tế của vùng nam Ý, nghèo hơn miền bắc, đang bắt đầu khá lên. Sau khi thống nhất, các nhà đầu tư nam Ý chuyển vốn sang bắc Ý, vì lợi nhuận cao hơn, hạ tằng cơ sở tốt hơn... Kết quả là cho đến nay, Nam Ý vẫn tiếp tục nghèo, chênh lệch phát triển Nam Bắc gia tăng, và Bắc Ý sau hơn một thế kỷ, vẫn không làm sao thoát khỏi nghĩa vụ đem tiền trao tặng cho người anh em phía Nam của mình.
Mặc dù những dè dặt trong dài hạn, khuynh hướng chia sẻ các món nợ, như vừa nói ở trên, vẫn được sự ủng hộ của nhiều nhà lãnh đạo Âu Châu. Mario Draghi, vào năm 2012 đã quyết định trợ giúp tối đa các quốc gia Âu Châu đang khủng hoảng bằng tín dụng của Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu mà ông là giám đốc. Biện pháp này làm chùn bước giới đầu cơ, nhưng lại mâu thuẫn với các thỏa ước Âu Châu, vì cho phép Ngân Hàng Trung Ương tạo nên tiền tệ qua tín dụng, làm nguy hại đến sự ổn định tài chính (xem ở trên). Người ta đã kiện quyết định ấy lên Tối Cao Pháp Viện Đức, và khi cơ quan này tuyên bố không đủ thẩm quyền, thì nội vụ được chuyển sang Tòa Công lý Liên Minh Châu Âu...
Xóa nợ?
Xóa nợ là một vấn đề được đều đặn nhắc đến trong công luận, trước khủng hoảng kéo dài. Thật ra, trong lịch sử điều này đã có nhiều tiền lệ:
- Tại Mesopotamie, thời vua Hammourabi (người viết bộ luật đầu tiên của nhân loại), đã có ít nhất 4 vụ xóa nợ cho toàn thể dân chúng (1792, 1780, 1771 và 1762 trước CN). Nhiều cuộc xóa nợ tương tự cũng được ghi nhận suốt 1000 năm trong vùng này.
- Tại Cổ Ai Cập, mảnh đá Rosette, được trưng bày tại British Museum cho biết vua Ptolémée V, vào năm 196 trước CN đã xóa tất cả nợ nần cho toàn dân chúng. Các vua Ramses III, Ramses IV và Bocchoris, cũng đã ban hành những biện pháp xóa nợ.
- Tại Assyrie, chứng tích xóa nợ được tìm thấy suốt trong thế kỷ 1 trước CN, cũng như tại DoThái cổ, vào thế kỷ thứ 5 trước CN (thời Nehemie). Truyền thống xóa nợ còn được đưa vào Thánh Kinh, như trong sách Deuteronome bắt xóa nợ mỗi 7 năm, và sách Levitique, mỗi 50 năm...
- Gần chúng ta hơn, sau đệ nhị thế chiến, nợ của nước Đức đã được xóa, đưa đến sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế nước này.
- Các nước Ả Rập Saudi, Koweit, Barein cũng đã lặng lẽ xóa nhiều món nợ sau “mùa xuân Ả Rập” năm 2011, để tránh căng thẳng và biến loạn.
Không xóa nhưng vẫn xóa?
Một ý kiến thường được nhắc tới là lấy tiền của những người đã làm giàu nhờ cho vay để trả số nợ chung. Đây chẳng qua là một hình thức xóa nợ, mà không cần phải nói là xóa.
Ai là những người làm giàu nhờ cho vay? Đó là những người có tài sản, ký thác cho ngân hàng dưới nhiều hình thức, để ngân hàng dựa trên sự ký thác ấy, tạo ra tín dụng, như đã nói ở trên, và trả lại cho họ một số tiền lời. Tài sản dưới hình thức nhà đất, khi thị trường sinh hoạt bình thường, cũng gia tăng đều đặn, do tiền ngân hàng cho vay để khuyến khích việc mua nhà, làm giá nhà mõi lúc mỗi cao thêm.
Tại Pháp, từ 1999 đến 2009, tài sản tài chính đã tăng 54%, trong khi tài sản nhà đất tăng 111%, so với tăng trưởng kinh tế của toàn thể quốc gia là 39%. Tức là người có của làm giàu nhanh hơn toàn thể quốc gia trên một tỷ lệ từ 15% đến 72%.
Mặt khác, tài sản của người Âu Châu nói chung là 60 ngàn tỷ euros. Chỉ một phần trăm dân Âu Châu thủ giữ 60% tài sản ấy.
Những con số này cho thấy một quốc gia mang nhiều nợ nần có thể nhân danh công bình xã hội để thu hồi lại một phần lợi nhuận “vượt mức” này trong tay các công dân có tài sản trên một giới hạn được ấn định. Đó là thuế lũy tiến trên tài sản. Tuy nhiên, loại thuế này chỉ áp dụng được nếu có minh bạch trong kế toán và quản trị ngân hàng trên khắp thế giới, cũng như thỏa hiệp toàn cầu về chính sách thuế khóa. Nếu không thì tiền sẽ chạy sang những nơi ít thuế, và trốn vào những hệ thống ngân hàng đen tối, rậm rạp.
Kết
Tổng Thống Thomas Jefferson trong một bức thư gửi Bộ Trưởng Tài Chính Albert Gallatin, năm1802 có viết rằng:
“Tôi nghĩ định chế ngân hàng nguy hiểm cho sự tự do của chúng ta hơn những đạo quân dũng mãnh. Nếu người dân Hoa Kỳ chấp nhận cho các ngân hàng tư nhân kiểm soát những vấn đề tiền tệ của họ, (...), thì các ngân hàng và tổ hợp tài chính sẽ càng ngày càng phát triển, để tước đoạt tất cả những gì họ sở hữu, cho đến khi con cháu họ trở thành vô gia cư trên cái lục địa mà chính cha ông mình đã từng chinh phục. Khả năng kiểm soát lợi nhuận nằm trong tay các ngân hàng phải được thu hồi và trả lại cho người dân, tức những người thực sự có quyền ấy”.
Thật vậy, tài chính là đầy tớ của xã hội chứ không thể là ông chủ. Hệ thống ngân hàng vô cùng cần thiết cho mọi người, nhưng nếu nó phát triển một cách quá đáng chỉ vì quyền lợi của nó, thì sẽ không khác nào những khối ung thư, làm chết toàn xã hội.
Nợ nần được hệ thống ngân hàng tài chính sản sinh ra để nuôi sống mình, đã làm mất đi ý nghĩa của cuộc sống. Nợ xen vào mọi lĩnh vực của đời người, đem lại căng thẳng, lo lắng. Nó tiêm vào đầu người ta cảm giác tội lỗi, ngăn cản sự hưởng thụ, vui sống, nhường chỗ cho thái độ tự trừng phạt, bằng cố gắng, hy sinh, chịu đựng...
Giải phóng con người ngày hôm nay phần lớn là thoát khỏi vũng lầy của nợ nần, tháo gỡ tấm màn tăm tối của một hệ thống tài chính chỉ còn biết phát triển vì nó và cho nó, để bước ra ánh sáng của cuộc sống đích thực. Chỉ dưới ánh sáng ấy, người ta mới có thể nhận ra sự duyên dáng của một xã hội không chỉ thu hẹp trong giao dịch vụ lợi, mà biết rung động với toàn bộ cảm xúc và tâm tình nơi mỗi cá nhân.
Nguyễn Hoài Vân