Lê Ngọc Vân
Trong công nghệ may ở Việt Nam đe dọa và bạo lực là chuyện thường nhật
Một cơ sở may ở Hà Nội. Trong ngành may mặc, làm ngoài giờ thường đi chung với sách nhiễu và bạo lực (ảnh EPA)
Hội Fair Wear Foundation, một tổ chức liên hợp tác giữa các thương hiệu may mặc bền vững đã phỏng vấn 763 phụ nữ Việt Nam đang làm việc trong các xí nghiệp may. 43% trong số những người này trong 12 tháng vừa qua đã có đụng chạm với một trong những dạng bạo lực hay quấy rối tại chỗ làm. Những dạng này là từ khẻ roi vào tay cho tới ông sếp yêu sách tình dục để đổi lấy việc thăng thưởng.
Việt Nam là một quốc gia sản xuất hàng may mặc quan trọng cho Hà Lan. Xí nghiệp dệt may có cơ sở ở hơn chín mươi địa điểm. Với con số này, Việt Nam được xếp tương đương với Cambodia và Pakistan. Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh đứng đầu bảng. Theo các hiệp hội Fair Wear Foundation và Care International, cùng chung hợp tác trong chương trình phỏng vấn này, thì điều kiện lao động khổ ải này lại còn được tăng cường thêm do yêu cầu thương mại của các thương hiệu, thí dụ như áp lực phải giao hàng cho trào lưu ‘y phục thay đổi liên tục’, mà thuật ngữ là ‘fast fashion’.
Nghề được trả lương thấp nhất
Trong công nghệ may mặc ở Việt Nam, hiện thời có hai triệu người đang phục vụ, trong số đó 80 phần trăm là nữ. Trong tất cả những người được phỏng vấn, có 82% chạy từ vùng quê lên thành phố hay vào các khu công nghiệp. Do thiếu một mạng lưới an sinh xã hội cho những người từ vùng khác đến, họ càng dễ trở thành nạn nhân hơn.
Trong số những phụ nữ, 70% có con nhỏ và hơn một nửa các bà mẹ này không ở chung nhà với con cái. Những cuộc phỏng vấn được thực hiện ngoài vòng rào xí nghiệp để tránh bị các sếp chi phối và để ngăn ngừa những câu trả lời hùa theo số đông. Phần lớn những người được phỏng vấn là thợ may, một trong những việc làm được trả lương thấp nhất.
Alexander Kohnstamm, giám đốc của Fair Wear Foundation vào ngày 09/04/2019 đã trao kết quả của cuộc nghiên cứu về những sai phạm nơi làm việc cho thủ tướng Rutte đang ở Hà Nội, trong tuần này đã cùng với bà Cora van Nieuwenhuizen, bộ trưởng Bộ Hạ tầng Cơ sở và Nước, thứ trưởng Tài chính Menno Snel cùng bảy mươi công ty xí nghiệp công du Việt Nam để bàn về giao thương. Ông Kohnstamm cho biết: “Với báo cáo này thủ tướng Rutte có thể đưa luật lao động vào để tạo một mối liên hệ giao thương tốt hơn. Kinh doanh phải đi chung với cung cách làm ăn có lương tâm.”
Làm ngoài giờ
Lương quá thấp, mỗi ngày làm nhiều giờ, bị ép buộc làm ngoài giờ quá nhiều và áp lực sản xuất chắc chắn là có mối liên hệ chặt chẽ với môi trường làm việc không tôn trọng công nhân trong đó bạo lực và quấy rối xảy ra. Phân nửa số công nhân nữ làm hơn 60 tiếng ngoài giờ mỗi tháng, hai lần hơn con số pháp luật cho phép. Nếu không làm ngoài giờ thì họ không kiếm đủ tiền sinh sống. Nhưng cũng có chuyện làm ngoài giờ mà không được trả công.
Các kết quả khảo cứu cho thấy là bạo hành và quấy nhiễu trầm trọng hơn trong mùa cao điểm, khi việc sản xuất bắt buộc phải được thi hành. Vì thế, các thương hiệu Tây phương có thể lên kế hoạch tốt hơn và cộng tác với các xí nghiệp để giảm bớt các vấn nạn. Cải thiện hoàn cảnh lao động bắt đầu với một sự cộng tác dài lâu, bà Annabel Meurs – giám đốc phụ trách khu vực Việt Nam của Fair Wear Foundation – nói. “Nhiều công ty may mặc gần như không biết là họ phải đưa gia công ở xí nghiệp nào. Thành thử cứ phải tìm. Phải làm sao biết cần bao nhiêu phút để thực hiện một sản phẩm. Bằng cách đó bạn cũng biết là vị giám đốc có hứa cuội không.”
Cũng có những nhà máy tính luôn giờ phụ trội vào năng suất của họ. Với cách này, làm ngoài giờ trở thành chuyện đương nhiên và họ không còn có khoảng trống nào để du di cho những chậm trễ xảy ra, bà Meurs nói. “Chậm trễ luôn luôn có, thí dụ như vải vóc không được giao đúng thời hạn. Nếu không có kế hoạch đặt hàng tốt thì những chuyện này lại đổ lên đầu công nhân.”
Đường dây khiếu nại
Những thương hiệu quần áo có thể đóng góp thêm vào một quy trình sản xuất có thể dự phóng được bằng cách thí dụ như không sửa đổi đơn đặt hàng vào giờ chót. “Bạn nên nhận thức là bạn có thể làm những nhà sản xuất quần áo bị vướng vào khó khăn khi bạn đặt thêm 10.000 chiếc áo thun đang bán chạy.”
Những cơ sở may mặc là thành viên của Fair Wear Foundation sắp đặt cho những món hàng thuộc dạng ít chịu ảnh hưởng của sự thay đổi mốt, thí dụ như ba lô, được sản xuất trong mùa yên tĩnh của xí nghiệp, bà Meurs cho biết. Ngoài ra những thương hiệu quần áo có thể đóng góp thêm vào cho việc cải tiến trong sự trao đổi giữa công nhân và bộ phận điều hành trong các cơ xưởng, và tạo điều kiện cho phụ nữ cảm thấy an toàn nếu họ báo cáo những hành động bất chính. Thí dụ như qua một đường dây khiếu nại chẳng hạn.
Bộ Công nghiệp của Việt Nam cũng nhận được bản báo cáo. Việt Nam đang cứu xét sửa đổi bộ Luật Lao động. Ông Kohnstamm nói: “Trong đó lương tiền và sách nhiễu tình dục là hai đề mục quan trọng và chúng tôi muốn tạo được ít nhiều ảnh hưởng trong vụ này.”
Những kết quả cay đắng
Cho dù nhà cầm quyền cộng sản của Việt Nam luôn nhấn mạnh là sự tham gia lao động của nữ giới và bình đẳng giáo dục tại quốc gia này đạt mức cao, nhưng sách nhiễu tình dục hay lạm dụng là những chuyện xảy ra hàng ngày. Điều đó cũng được minh chứng qua kết quả nghiên cứu, bởi vì bên cạnh sự quấy rối nơi cơ quan, một nửa số phụ nữ được phỏng vấn cho biết là họ bị chọc phá trên đường tới cơ quan và từ cơ quan về nhà.
Femke den Hartog, người phát ngôn của tổ chức ngành nghề may mặc InRetail, nói kết quả của cuộc nghiên cứu này là điều cay đắng. Bà thấy là bạo hành với phụ nữ trong ngành may mặc phải được đưa ra thảo luận. Cơ bản của một sự cải tiến nằm ở chỗ xây dựng nên một quan hệ dài lâu với các cơ sở sản xuất, bà cho biết.
“Nó sẽ mở ra cơ hội để đề xuất ra những biện pháp, tạo ảnh hưởng trong việc cải thiện tình trạng và thảo luận được với ban giám đốc của nhà máy, thí dụ như tổ chức hướng dẫn giáo dục.” Những cơ sở may mặc nào theo đuổi sự cải tổ chống những sai phạm sẽ tồn tại lâu dài, bà Den Hartog nói. “Họ sẽ tạo được uy tín xứng đáng, từ những người tiêu thụ cho tới những cơ sở tín dụng.”
.
Nguyên tác: In de Vietnamese kledingindustrie zijn bedreiging en geweld de norm, Hans Nauta, Trouw, 09/04/2019.
Người dịch: Lê Ngọc Vân