Nguyễn thị Cỏ May
Tại sao Con Bò cười?
Thông thường, mỗi năm Tết đến, báo chí đua nhau nói chuyện về con vật của năm mới. Năm Khỉ, thì phải nói chuyện Khỉ. Chắc chắn rồi. Sẽ có nhiều người nói. Nên Cỏ May chọn nói chuyện “Con Bò Cười” cho vui ngày Tết. Cười thì phải vui. Mà con bò cười thì lại càng vui hơn. Chẳng những vui, mà còn thấy hạnh phúc.
Không ít người Việt nam, cả lúc còn ở trong nước, đã quen biết “Con Bò Cười”. Đến khi làm người Việt nam Hải ngoại, sanh sống ở các nước không phải nước Pháp, quê hương của “Con Bò Cười”, thường tìm lại “Con Bò Cười” để có dịp mơn man cảm giác hoài niệm. Còn người Việt Hải ngoại sống trên đất Pháp thì không mấy mặn mòi với “người xưa” vì có mấy ai thấy Phật nhà linh, thấy vợ mình đẹp, chồng mình tài hoa đâu.
Câu nói thời danh của De Gaulle
Câu chuyện “Con Bò Cười” là câu chuyện nói về món ăn truyền thống của nước Pháp. Phó-mát (Fromages) mà “Con Bò Cười” cả thế giới đều biết, đều ưa thích. Con bò đi chậm nhưng tới được khắp hoàn vũ. Con bò vốn khỏe mạnh nên tới đâu cũng vẫn giữ được bản sắc tươi tốt, làm hài lòng mọi người, còn để lại một ấn tượng đẹp, khó quên. Trong lúc đó, khi nói về phó-mát, nên nhớ ở Pháp có hơn 300 thứ phó-mát, với mùi vị khác nhau.
Phó-mát chẳng những là món ăn phải có trong bữa ăn hằng ngày của người Pháp, mà còn là một ngành văn hóa dân tộc vì nó tượng trưng cho một thứ di sản phi vật thể của Pháp. Độc đáo vì không có nước nào làm được những sản phẩm giống như vậy. Mà người Pháp thì thích món ăn này. Nó gắn liền với với văn hóa ẩm thực của Pháp. Muốn biết một người Âu châu có phải đúng là người Pháp đặc sệt hay không, chỉ cần đem ra trước mặt người đó một mâm phó-mát sẽ được trả lời ngay, không sai lạc, qua phản ứng trên mặt của anh ta.
Tướng De Gaulle, sau khi lập nên Đệ V Cộng hòa tưởng từ đây sẽ vững vàng trên ngôi vị Tổng thống vì đem lại cho dân Pháp một sự đổi mới, một chánh phủ mạnh. Nhưng thực tế không phải vậy. Kết quả trưng cầu dân ý, ông không được tín nhiệm cao nên đã phải từ chức. Khác hơn ông Tổng thống Hollande, phe xã hội chủ nghĩa, vẫn cai trị dân pháp chỉ với 19% ủng hộ.
Rút lui khởi chánh trường, Tướng De Gaulle để lại một câu nói thời danh “Nước Pháp có hơn 300 thứ phó-mát nên dân Pháp thật khó cai trị”.
Hương vị ở Pháp
Pháp có hơn 300 thứ phó-mát nhưng không phải người Pháp nào cũng đã ăn qua đủ. Cửa hàng bán phó-mát cũng không bày bán đủ bởi đó là sản phẩm của nhiều vùng khác nhau. Đặc sản!
Người Pháp chánh gốc cũng chỉ thường ăn vài thứ chọn lựa theo sở thích. Được chọn nhiều nhứt cũng chỉ mươi thứ. Như Camembert của vùng Normandie, phía Bắc nước Pháp, Brie (quê hương của Cỏ May), vùng đồng bằng sông Seine và sông Marne, nhưng phải là sản phẩm của Meaux hoặc Melun vì hai loại này được nhà vua Louis khen ngon, Reblochon ở Savoie, vùng núi phía Đông nước Pháp, Saint Nectaire của vùng Auvergne, cao nguyên phía Nam nước Pháp,…
Đó là những thứ mà đại đa số dân pháp ưa thích. Cả người ngoại quốc cũng hài lòng. Vì hương vị của nó không quá “đặc biệt” như mùi quá “nặng” của nước mắm cá linh trở “…con thuyền Nghệ an của Cao Bá Quát” hay mắm ruốc bốc mùi. Tuy nhiên không thiếu người Việt nam thuần túy cho rằng ăn mắm ruốc vẫn thấy ngon hơn. Ai bảo đổi phó-mát, nhứt định giữ lập trường kiên định.
Nhưng chọn một trong mấy thứ phó-mát phổ thông này, với bánh mì nhà quê (pain de campagne) thứ thiệt, tức làm theo truyền thống, thợ nhồi bột, nướng trên than củi, hột óc chó (noix), vin Bourgogne hoặc Bordeaux ngon. Mùa đông, với người bạn thân, trước lò sưởi, ngồi nhăm nhi, nói những chuyện nhẹ nhàng. Thời gian sẽ đọng lại. Bên ngoài có tuyết đang rơi, tuyết cũng ngừng rơi.
Phó-mát ăn vào mùa Thu và Đông vì bò ăn cỏ non mùa Xuân, cỏ nảy nở vào mùa Hạ, cho sữa đầy đủ hương vị của cái mát mẻ mùa Xuân, đậm đà của nắng ấm mùa Hạ. Phó-mát thành hình để tới tay mọi người, sớm vào đầu Thu, hoặc từ giữa Thu. Và cũng vào thời điểm này, bánh mì lúa mới, hột óc chó vừa chín và rụng.
Đúng là Thu thâu để qua Đông tàn.
Con Bò Cười
“La Vache qui rit” là sản phẩm từ 150 năm nay của một “Đế quốc BEL bí mật” ở Pháp. Đặc tính của Phó-mát “Con Bò Cười” là luôn luôn giữ được tươi. Cả ra tới xứ ngoài xa xôi như Phi châu hay Á châu, Mỹ Châu hay Úc châu. Đem thức ăn vào Mỹ hay Úc bị cấm nghiêm ngặt nhưng “Con Bò Cười” lại được nhập cảnh dễ dàng. Cái mặt cười của con bò là visa cho phép qua mọi cửa biên giới quốc gia.
BEL là một dòng họ người Pháp dựng lên xí nghiệp sản xuất món phó-mát “Con Bò Cười” đầu tiên, bán ra 2219 đơn vị mỗi giấy đồng hồ, tiếp theo mua lại hiệu Leerdammer của Hòa-lan, đem lại cho xí nghiệp Bel 651,40 triệu đô-la/năm. Xí nghiệp Bel sáng chế ra loại bọc sáp bên ngoài màu đỏ với nhãn hiệu Babybel là cả một bí mật nghề nghiệp. Khách hàng người Mỹ rất ưa thích. Theo thời gian, Kiri thuộc hàng thứ tư, đưa ra thị trường nhằm cung cấp cho trẻ con món ăn giàu chất dinh dưỡng mà không nặng lắm vì làm bằng sữa dê. Nhưng thời gian sau, dân á-rập Saoudite mê mẩn Kiri, không riêng gì trẻ con nữa.
Năm 1960, Bel tung ra thị trường những khối Apéricube khai vị nhằm giới khá giả. Apéricube do hệ thống cơ xưởng làm võ khí sản xuất. Sau cùng là phó-mát Boursin bán mỗi năm được 314,70 triệu đô-la nhờ cách tiếp thị đặc biệt của nhà Bel.
Những con số
Ở Pháp ngày nay, có 8 cơ xưởng sản xuất “Con Bò Cười” trong tổng số 28 xưởng trên toàn thế giới, đem lại doanh thu 2,8 tỷ đô-la, với 58% số bán “Con Bò cười”, lời 128 triêu đô-la/năm.
Nhân viên làm việc cho xí nghiệp có 11.000 người, ở Pháp có 3.300. Bel tiêu thụ 1,7 tỷ lít sữa để làm ra 6 loại phó-mát nổi tiếng.
Mỗi năm, Bel bán ra 130 xứ trên thế giới 17 tỷ đơn vị sản phẩm chế biến từ sữa trong đó “Con Bò Cười” chiếm hết 7 tỷ đơn vị.
Tháng 12, bảo tàng viện Nghệ thuật hiện đại của Paris sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 150 năm ngày ra đời của xí nghiệp thực phẩm BEL. Với hình ảnh “Con Bò Cười” dẫn đầu năm mặt hàng kia. Những sản phẩm của “Triều đại Bel”, có thể nói, đó là những thứ thuộc loại “Best-sellers”, đứng hàng thứ 3 trong các nhà sản xuất phó-mát thế giới. Bel đứng hàng thứ 44 những nhà giàu của nước Pháp, đưa vào thị trường chứng khoán 3,5% trên số vốn.
Gia đình Bel là một “Triều đại” tới nay là thế hệ thứ năm. Với tầm vóc trên thị trường thế giới như vậy nhưng vẫn không có mấy người biết về đời sống, về những người cai quản xí nghiệp Bel vì Bel chẳng mấy khi mở cửa. Sự thăm viếng gần như không có cho tới năm nay, 2015, nhà báo Béatrice Parrino của tuần báo Le Point (29 octobre 2015 ) có lẽ là người đầu tiên được vào viếng nhà Bel và chuyện trò với vị lãnh đạo Antoine Fiévet suốt hơn 3 tiếng đồng hồ. Lý do Bel giữ bí mật vì Bel gốc Miền Bắc Pháp nơi có câu ngạn ngữ xưa là “Muốn sống hạnh phúc, ta hãy sống kín đáo”. Nhưng ngày nay trong Ban Quản trị xí nghiệp “Con Bò Cười” thật sự không còn ai mang họ Bel nữa.
“Con Bò Cười” – “La Vache qui rit” là em gái của “La Wachkyrie”, nguyên là phù hiệu của đạo quân của Léon Bel năm 14-18. Ông Antoine Fiévet hiện là Chủ tịch Tổng Giám đốc của Nhà Bel, mới có 51 tuổi, mà đã nghĩ phải đào tạo người kế vị. Ông đã chọn Ông Florian Sauvin, em họ, tốt nghiệp Trường Bá nghệ Lausanne, Thụy sĩ và MBA ngành Leadership ở Harvard Huê kỳ.
Từ mười năm nay, nhà Bel thay đổi cách trình bày nhãn hiệu và bao bì những sản phẩm nổi tiếng khắp thế giới của mình. Đồng thời cũng cải tiến hương vị. Ở Việt Nam, ngày nay, người ta mê “Con Bò Cười” với hương vị “gà ung khói”. Phần lớn người Việt nam, ăn phó-mát, quen với “Con Bò Cười”. Ít có người chọn những thứ khác tuy được rộng rãi ưa chọn như Camembert, Reblochon, Roquefort,… vì những thứ này, khi đưa đi xa, phải được bảo quản cẩn thận nên chỉ có những cửa hàng lớn như Thái Thạch ngày xưa ở đường Tự Do hoặc trong những nhà hàng ăn lớn như Continental, Majestic,…
Sự sản xuất theo đó cũng gia tăng nên trong vòng chỉ có ba năm mà doanh thu tăng gấp đôi trong cùng thời điểm. Bel hi vọng cuối năm 2015 sẽ thanh toán hết nợ.
Nhìn lại người ta thấy trong vòng 150 năm, “Con Bò Cười” vẫn cười, cười ngày càng tươi, càng trẻ đẹp ra. Mà thật vậy, con đường kinh doanh của Nhà Bel không thay đổi. Trước sau chỉ bán có phó-mát dưới 6 nhãn hiệu khác nhau mà thôi trong lúc đó, nhiều nhà sản xuất phó-mát khác, cũng lớn, cũng đồ sộ, nhưng phải bán thêm sữa, vài thứ phó sản của sữa, các thứ thịt nguội.
Bel tin tưởng ở giá trị thành phẩm của mình “Con Bò Cười”. Khách hàng đầu tiên mê “ConBò Cười” là Algérie.
Tinh thần kinh doanh
Năm 1865, Ông Jules Bel là người ở vùng núi Jura, phía Đông nước Pháp, chuyên nghề buôn bán và làm phó-mát Comté, thứ đặc sản địa phương ngày nay hãy còn lưu hành trên đất Pháp. Comté phải để cho già đi ít nhứt từ 6 tháng cho tới 18 tháng mới đem ra thị trường. Comté già bán giá mắc hơn.
Chính Jules Bel là người sáng lập ra nhà Bel. Ông là ông tổ của “Con Bò Cười”.
Thuở đó mà gia đình Bel đã dám lấy quyết định phiêu lưu qua Bắc Mỹ để quảng bá sản phẩm của mình. Nhưng ông phải đem qua Mỹ và Canada “Con Bò Cười” của Đan-mạch sản xuất vì luật pháp lúc đó qui định như vậy. Quen biết xứ lạ, ông tiến tới lập nghìệp ở đó.
Hiện nay, có 9 anh em họ hợp lại thành ban quản trị xí nghiệp Bel trong đó có 6 người thỏa thuận hợp đồng cổ phần. Tới thế hệ thứ năm, mọi người đã tránh được những xung đột quyền lợi của các thế hệ trước. Họ làm việc hài hòa với nhau theo nhiệm vụ được phân định. Mọi người đùa với nhau “nay chúng tôi thật sự là chế độ dân chủ gia đình “cười”!
Ông Antoine Fiévet, Chủ tịch Tổng Giám đốc, lúc nào cũng suy nghĩ tìm cách thăng tiến sản phẩm của mình. Ông giữ vững mặt hàng, không thay đổi và không tìm những sản phẩm mới khác hơn. Ông giải thích: “Chúng tôi thừa hưởng gia sản quí báu thì phải giữ và phát triển. Thị trường tiềm năng mạnh đang ở trước mắt: nước Tàu, Ba-tây (Bresil) và Phi châu nữa”.
Chủ trương của Nhà Bel là giữ gia sản dòng họ, làm việc hết mình, cải tiến sản phẩm mỗi ngày để đứng vững trên thị trường quốc tế nhiều biến động.
Trong gần đây, có cái quảng cáo trên TV về phó-mát “Con Bò Cười” bằng một câu hỏi rất đơn giản:
“Tại sao Con Bò Cười?”. Có lắm người thật thà chờ câu trả lời của người chủ quảng cáo. Chờ hoài nhưng không thấy. Và cũng không có ai trả lời được “Tại sao Con Bò Cười? ”!
Nguyễn thị Cỏ May