Nguyễn Hiền


Sapiens: Lịch sử loài người dưới con mắt của Yuval Noah Harari

 

Rất hiếm thấy một tác phẩm được xếp vào một trong những cuốn sách bán chạy, đáng đọc nhất trong thời gian hơn 2 năm liền, ở nhiều quốc gia.

Năm 2011, Yuval Noah Harari cho ra mắt tác phẩm nguyên bản tiếng Do Thái: Ḳitsur toldot ha-enoshut. Tác phẩm này đã đạt mức “sách bán chạy” tại quốc gia ông cư ngụ, nhưng chưa phổ biến toàn cầu. Phải chờ cho tới năm 2014, với bản dịch ra Anh ngữ (Sapiens: A Brief History of Humankind, tạm dịch: [Giống Người Tinh Khôn: Lược Sử Về Loài Người]), tác phẩm đã được nâng lên hàng best-seller tại Hoa Kỳ. Hiện nay đã có gần 50 bản dịch qua những ngôn ngữ khác nhau. Ấn bản tiếng Việt xuất bản năm 2017 (người dịch: Nguyễn Thủy Chung). Ngay cả cựu tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Bill Gates (chủ tịch tập đoàn Microsoft) cũng khuyên mọi người nên đọc.

Yuval Harari, trong hơn 400 trang sách, đã cho người đọc đi suốt chặng đường tiến hóa của nhân loại, đặc biệt nhắm vào sự phát triển đột nhiên của giống Homo Sapiens vào thời điểm cách nay khoảng 70.000 năm, điểm qua những hệ quả tốt lẫn xấu do giống người này (nhân loại hiện nay) gây ra. Homo sapiens, nhờ có bộ óc phát triển đã tiệt diệt những giống “người thời sơ khai” sống trước đó.

Tóm lược tác phẩm

Trước hết ta hãy xem Yuval tóm lược lịch sử Homo Sapiens ra sao. Cuốn sách này gồm có 4 phần chính, mỗi phần có nhiều chương:

Phần I – Cuộc cách mạng về nhận thức: Giống Homo Sapiens có khả năng tiến hóa nhanh, nhờ vào sự tinh khôn, biết áp dụng trí khôn vào những sinh hoạt hàng ngày, như các mưu lược trong săn bắt, hay qua tiếng nói sơ khai đã tạo được quan hệ bầy đàn. Sau đó giống người này đã có thể tạo nên những vật thể tưởng tượng (thí dụ những vị thần hộ mệnh, quốc gia), cho tới những ý niệm trừu tượng như công ty cổ phần hay quyền con người. Xưa nay chưa có giống sinh vật nào biết cách trao đổi như giống Homo Sapiens (ở vài loài thú như voi hay vượn bonobo, chúng có thể lập một mạng lưới chăm sóc tập thể những con thú còn nhỏ trong bầy đàn, tuy nhiên không có dấu hiệu nào cho thấy đó là một sự trao đổi qua trung gian một vật tưởng tượng do chúng đặt ra). Sự phát triển trong khả năng suy nghĩ và tham vọng thống trị đã khiến giống Homo Sapiens trở thành một giống sinh vật tàn ác, coi thường sinh mạng của các loài vật khác, tàn phá môi sinh hàng loạt. Hàng trăm loại thú lớn tại Mỹ và Úc châu đã bị giết sạch trong một thời gian ngắn khi Homo Sapiens chiếm cứ vùng đất này. Sau khi diệt những giống “người” hiện diện trước họ, giống Homo Sapiens trở thành chúa tể thế giới.

Phần II – Cuộc cách mạng trong nuôi trồng: Cuộc cách mạng này bắt đầu khoảng 10 ngàn năm trước, khi giống Sapiens dốc thời gian và năng lực vào sự thuần hóa súc vật qua tác động uốn nắn chu trình sinh học của vài giống động vật và thực vật. Trong thời kỳ này cũng xuất hiện những thành phố và quốc gia đầu tiên. Con người tạo nên trật tự xã hội bằng cách dựng nên những thứ bậc tưởng tượng, để từ đó tạo nên những giai cấp xã hội. Tiến hóa về sinh học giúp giống Sapiens có cơ hội tiến lên theo một hướng: khả năng tưởng tượng và chấp nhận những sự tưởng tượng. Nhưng chính văn hóa (mà văn hóa thực ra lại chính là bản năng nhân tạo, nó biến đổi theo hoàn cảnh và qua tiếp xúc với các nền văn hóa khác) đã kết nối tư duy để lập nên một trật tự tưởng tượng do chính giống này tự đặt ra. Trật tự xã hội này đã đẻ ra sự áp chế và bóc lột, cũng như sự phân biệt chủng tộc (qua màu da).

Phần III – Sự hợp nhất của nhân loại qua sự hình thành những đế quốc: Từ ngữ “đế quốc” trong tác phẩm này mang nghĩa một tập thể con người có chung một số ý niệm về quan hệ xã hội và văn hóa. Từ hàng ngàn hay hàng trăm chủng tộc sống trong những “thế giới riêng” trước kia, thì vào khoảng 3500 năm trước đây 90% đã nhập chung thành một đế quốc khổng lồ là Africa-Eurasia, do một giới cao cấp đa chủng tộc cai trị, họ kết nối với nhau qua những mối quan hệ đặt căn bản trên phong tục và những quyền lợi chung. Tiến hóa trong sinh hoạt chăn nuôi canh tác đã biến mối liên hệ người-thiên nhiên từ quan hệ bình đẳng sang quan hệ sở hữu, từ đó nảy sinh ra quyền lực và là động lực phát sinh ra tôn giáo.

Phần IV – Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật: Yuval Harari dẫn giải trong chương này về tham vọng không bờ bến của “dân Âu châu” (một chi của giống Sapiens có cá tính khác, thuộc đế quốc Africa-Eurasia) khi họ thám hiểm và chiếm cứ những vùng đất mới: Bắc Mỹ vào cuối thế kỷ 15, Mexico vào đầu thế kỷ 16 và Úc châu vào đầu thế kỷ 17. Rồi sau đó là cả chục triệu nô lệ Phi châu bị đưa tới Mỹ châu. Cuộc cách mạng kỹ nghệ bắt đầu vào cuối thế kỷ 18 đã mang tới cho nhân lại những phương cách mới để tạo nên năng lượng và sản phẩm. Trong cuộc cách mạng xã hội, gia đình và làng xóm đã bị bẻ vụn, thay vào đó là các quốc gia và thị trường.

Tóm lại, sau mỗi đợt tiến hóa, rõ ràng là sự lan truyền của tham vọng con người không cải thiện sự an lạc của giống Sapiens, mà phần lớn lại là gieo tai họa cho những sinh vật khác. Sau hàng triệu năm tiến hóa để có thể sinh tồn và suy nghĩ như những thành viên của một cuộc sống chung trên trái đất, nhân loại chúng ta trong thời cận đại chỉ cần hai trăm năm để trở thành những cá nhân mất gốc rễ. Với sự ra đời của kỹ nghệ chăn nuôi và chủ nghĩa tiêu thụ, mối lo sợ một sự tàn hoại hệ sinh thái trở nên lớn hơn mối lo những nguồn cung cấp bị cạn kiệt hay chiến tranh bùng nổ. Tuy nhiên, bảy thập kỷ sau Thế chiến II, nhân loại đang ở trong một giai đoạn thanh bình nhất trong lịch sử con người. Trong những thập kỷ gần đây nhất, điều kiện sinh sống của nhân loại đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Trong thời đại này, ngay cả tại những quốc gia chịu sự cai trị độc tài cứng rắn, thường dân cũng ít gặp nguy cơ là nạn nhân của những vụ giết chóc truy sát hơn là trong những thời kỳ trước đây.

***

Trên đây là tóm lược những nét chính trong chiều dài lịch sử của giống “Sapiens”. Trong tác phẩm, Yuval Harari diễn giải vấn đề một cách phức tạp hơn. Ông không hoàn toàn đi theo thứ tự thời gian, mà dùng các bằng chứng của các khoảng thời gian đan xen nhau với mục đích làm cho người đọc có được cái nhìn tổng thể. Nhưng cũng vì thế, tác phẩm thuộc loại sách không dễ đọc, độc giả sẽ hoang mang với câu hỏi: có thực thế không. Đó cũng là một trong những mục đích của tác giả, bứng người đọc ra khỏi những định kiến có sẵn mà chưa lần nào tìm hiểu xem chúng có hợp lý hay không. Là giáo sư thỉnh giảng của đại học Jerusalem, có nhiều nghiên cứu về lịch sử-văn hóa-tôn giáo Á-Âu, khó có thể bắt bẻ những bằng chứng ông đưa ra. Trong nhiều đoạn, ông nhấn mạnh là ông chỉ muốn đưa ra sự kiện, không phê phán. Tuy nhiên, người đọc có thể thấy ông quy trách nhiệm cho giống Sapiens là làm đảo lộn những trật tự do thiên nhiên đã sắp đặt.

Những gì thấy qua nhận định của Yuval Harari?

Điều không thể phủ nhận lớn nhất là loài người (homo), – sau khi từ một giống vượn-người dần tiến hóa (Homo Habilis) đã có thể đứng trên hai chân (Homo Erectus – sống ở Đông Á châu) vào khoảng 2 triệu năm trước đây, cho tới những chi nhánh khác trong cuộc tiến hóa như Homo Rudolfensis (sống ở Đông Phi châu), Homo Egaster (Đông và Nam Phi châu), Homo Neanderthalesis (Âu châu và Tây Phi châu)…, “loài người nguyên thủy” là một loại sinh vật, cũng giống như những loại sinh vật khác trong thế giới động-thực vật. Những giống homo này sống chung với thú theo quy luật mạnh được yếu thua, ăn thịt những loài yếu kém hơn và bị những loài mạnh hơn giết để ăn thịt. Cho tới khi giống Homo Sapiens xuất hiện, giống này đã nhờ vào sự khéo léo và khả năng thích ứng để có thể đạt tham vọng chinh phục mọi loài.

Sự tàn bạo được thấy qua sự biến mất đột nhiên của các giống Homo khác, ngay cả giống Homo Erectus khi đó đã tồn tại được 2 triệu năm, rồi giống Neanderthaler với khả năng thích ứng được khí hậu lạnh tại Âu châu và Tây Á châu. Qua suy luận, Yuval quy trách nhiệm diệt chủng này là do giống Sapiens. Những loài thú lớn cũng bị diệt, ngoài mục đích thực phẩm, còn là để trừ trước nguy cơ bị ăn thịt, hay có khi chỉ là để giải trí, thỏa mãn tham vọng chinh phục. Một số thú vật khác bị thuần hóa để phục vụ cho Sapiens.

Điều lý thú Yuval chỉ ra, là con người mang những loài động vật và thực vật từ thiên nhiên hoang dã về gần nơi họ cư ngụ (gia súc và các nông phẩm) thì họ lại tự trói buộc mình vào đó. Vào thế kỷ 18, với dân số cả thế giới là 700 triệu, thì giờ đây con số này là 7 tỉ, cân nặng tổng cộng 300 triệu tấn. Số người này sống nhờ vào 700 triệu tấn gia súc lớn nhỏ, trong khi đó số thú hoang tổng cộng chưa tới 100 triệu tấn! Từ cảnh sống tự do trong môi trường thiên nhiên đa dạng thì từng bước một, con người tự trói buộc mình, dẫn đến tình trạng hiện nay là mọi người tự nguyện – đúng ra là không có lối thoát – ngồi tù trong nhà, trong xóm, trong nơi làm việc. Do chế ngự được luật sinh tồn của thiên nhiên, và kéo dài tuổi thọ, điều nghịch lý xảy ra là nạn thiếu thực phẩm lại ngày một trầm trọng hơn mặc dù năng suất nuôi trồng tiếp tục tăng.

Về thuyết tiến hóa, Yuval không đồng ý hoàn toàn với thuyết tiến hóa chọn lọc của Darwin. Theo ông, người ta chỉ có thể (cố tìm ra lời) giải thích sau khi sự kiện đã xảy ra. Làm sao biết được chuyện gì xảy ra – với hệ quả về cả hai mặt xấu lẫn tốt – nếu sự biến đổi đi theo hướng khác hơn những gì ta thấy trong lịch sử tiến hóa. Điều đó có nghĩa là ta không thể cho rằng tiến hóa luôn đi lên. Bên cạnh sự đào thải do chọn lọc còn có những yếu tố khác, như ngẫu nhiên. Ngoài ra, tiến hóa không hẳn lúc nào cũng là cải tiến chức năng của một bộ phận trong cơ thể, mà có thể là làm cho bộ phận đó – hay cơ thể – được phong phú hơn.

Sự phát kiến ra (lợi ích của) lửa vào khoảng 300.000 năm trước chính là một trong những yếu tố tách rời con người với thú vật. Nhưng chính nhờ vào nhận thức mà giống Sapiens có được vào khoảng 70.000 năm trước đã đẩy giống này lên một thứ bậc cao hơn trong xã hội. Yuval dành nhiều trang trong cuốn sách để chỉ ra rằng giống Sapiens đã biết nghĩ ra một trật tự xã hội tưởng tượng, từ thần thánh, huyền thoại thời xưa, cho tới những giá trị trừu tượng trong thế giới hiện nay: chế độ, chủ nghĩa, tôn giáo, hệ thống tiền tệ v.v…, và làm cho nhân loại tin vào những giá trị trừu tượng này. Ngay cả sự phân biệt đối xử trong giới tính, màu da… cũng bắt nguồn từ cái “trật tự tưởng tượng” đó. Trật tự xã hội và trật tự quyền bính là sản phẩm của tưởng tượng, do đó chúng mang bản chất là dễ bị lung lay, nên chúng được giữ chặt qua các hình thức tôn giáo hay vào lòng tin. Khi còn tin vào hệ thống, thì con người sẽ cố gắng duy trì, bảo vệ nó. Trong tác phẩm, Yuval đã cho ta thấy: khi con người không còn tin tưởng vào một hệ thống (trật tự tưởng tượng) nào đó, thì hệ thống đó sẽ tức thời sụp đổ. Ông dẫn chứng qua nhiều biến động lịch sử cận đại, như các nền quân chủ, chủ nghĩa cộng sản, cuộc khủng hoảng tài chánh… Điểm lý thú ở đây là ông đã dùng lý luận với những thí dụ cụ thể đơn giản để chứng minh, thí dụ vì sao không có cuộc cách mạng nào bùng nổ chính xác theo đúng như người ta tiên đoán. Đó là vì lịch sử biến chuyển theo mô thức hỗn loạn mà trong đó các tiên đoán có ảnh hưởng ngược lại đến sự chuyển động.

Phần III của cuốn sách (sự hợp nhất của nhân loại) có lẽ là phần gây ấn tượng nhất. Trong phần này Yuval luận về sự tiến hóa và đưa ra một số triết lý của cuộc sống. Phần này gồm có 5 chương: Diễn tiến của lịch sử, Mùi của tiền bạc, Viễn kiến của những “đế quốc”, Luật của lòng tin và Sự bí ẩn trong thành công của chúng ta.

Yuval đặc biệt chú trọng đến sự hình thành và tiến trình xâm lăng lẫn nhau của các “đế quốc” (imperium). “Đế quốc” ở đây – theo quan niệm của ông – phải có hai đặc tính quan trọng: có thể áp đặt quyền lực trên một số lớn các chủng tộc khác nhau với những văn hóa phong tục khác nhau, và có một lãnh địa riêng biệt. Nó không tùy thuộc vào nguồn gốc, thể chế cai trị hay kích thước địa dư lẫn dân số. Chúng ta phải nhìn trái đất thời cổ xưa như một tập hợp nhiều thế giới tí hon có lãnh địa riêng biệt. Những thế giới này dần dà sáp nhập vào nhau bằng cách nuốt lẫn nhau qua sự pha trộn văn hóa, từ nhiều ngàn thế giới riêng lẻ cho tới thời kỳ mà 90% dân số thế giới nằm trong đế quốc Phi-Âu-Á (Africa-Eurasia). Tiến trình này chỉ có thể diễn ra khi giống Sapiens biết đặt ra những giá trị tưởng tượng để cố giải quyết mâu thuẫn ngàn đời giữa tự do và bình đẳng.

Ông cũng cho ta thấy một nghịch lý trong tiến trình “xâm lăng”: dân tại các nước nhược tiểu, tuy họ có  nền văn hóa riêng, nhưng dần dà cũng bị mê hoặc và chấp nhận những khái niệm mới, bắt nguồn từ Tây phương, như nhân quyền, các chủ nghĩa phát sinh từ Tây phương v.v…, rồi họ dựa vào đó để tranh đấu cho quyền tự quyết, cho nền độc lập, đòi giữ bản sắc riêng cho mình. Thế rồi sau khi đã đạt mục đích, họ lại xây dựng xã hội mới của họ theo những mẫu mực mà đế quốc đã đề xướng ra. Vô hình chung, các quốc gia nhược tiểu này lại bị nuốt chửng (theo một hình thái khác) bởi các đế quốc. Nếu nhìn theo một chặng lịch sử dài, không có người tốt kẻ xấu, ông kết luận.

Trong phần IV – phần dài nhất, hơn 150 trang – ông khai triển về cuộc cách mạng khoa học từ thế kỷ 15, do một chi trong giống Sapiens sống tại đế quốc Africa-Eurasia. Nó gồm những vụ thám hiểm chinh phục đất đai, cách mạng trong kỹ thuật với guồng máy của kỹ nghệ, những tín điều đặt căn bản trên tiền bạc và lợi nhuận, sự chuyển biến sang chủ nghĩa tiêu thụ để có thể tiếp tục làm ra tiền thêm – con người phải nghĩ ra những nhu cầu mà thực sự họ không cần tới. Và đương nhiên câu hỏi: rồi giống Homo Sapiens sẽ chấm dứt, hay tiến hóa sẽ đi về đâu?

Trong phần này, Yuval đã bắt đầu có sự phân biệt giữa hai khối trong đế quốc Africa-Eurasia, tức là Tây phương, đối lại với Đông phương. Câu hỏi cốt lõi đặt ra là vì sao cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lại bắt đầu từ thời điểm đó và tại Tây phương mà không từ Trung Hoa hay Ấn Độ là những quốc gia đông phương có nền văn hóa lâu đời?

Ông đã chỉ ra rằng sự khác nhau giữa đông và tây chính là vì sự tiến hóa tới giai đoạn này là cuộc cách mạng về sự mù mờ, không phải là cuộc cách mạng về kiến thức. Các đế quốc cổ xưa mang ý tưởng là mình biết tường tận mọi chuyện trên đời và muốn gieo rắc tư tưởng này khắp nơi. Họ không có óc mạo hiểm và sự thúc đẩy tìm kiếm cái mới, họ không biết rằng kiến thức không phải là động lực thúc đẩy sự tiến hóa, mà chính quyền lực và tài sản mới là động lực đích thực. Ngoài ra, các thương buôn Tây phương giàu có đã dám phiêu lưu, bỏ tài sản vào những cuộc thám hiểm mà ngay chính họ cũng chưa biết sẽ đi về đâu. Và đặc điểm nữa: đi thám hiểm nơi đâu họ cũng mang theo các nhà khoa học để ghi chép những gì họ chưa biết.

Nhân loại hiện nay đang tiến vào một giai đoạn mới, giống Sapiens đang cố tách rời con người ra khỏi thiên nhiên với những quy luật đất trời. Thời gian trong ngày, mùa màng trong năm, đời sống v.v…, qua cuộc cách mạng khoa học, đang dần nằm trong tay giống Sapiens. Nhưng không phải sự tiến hóa lúc nào cũng mang lại an lạc và tốt đẹp cho nhân loại. Quân bình sinh thái đang bị đe dọa, hạnh phúc của súc vật đã bị con người chiếm đoạt. Bất tử có thể dẫn tới sự không hài lòng. Gia đình êm ấm là một yếu tố tạo nên hạnh phúc thì giờ đây đang bị đe dọa vì con người có tự do hơn.

Yuval, trong chương này, cũng bàn đến ý nghĩa của hạnh phúc. Ông cho rằng chính cái ý nghĩa của cuộc sống mới là yếu tố quyết định của hạnh phúc. Tức là khi nào mà cuộc đời ta đi cùng con đường với những người chung quanh, cho dù nó có điên rồ đi chăng nữa, là lúc chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Ông kết luận: như thế phải chăng hạnh phúc tùy thuộc vào sự tự lừa dối mình?

Là một người tin vào triết lý Phật giáo, “Thiền Minh Sát (Vipassana) đã chuyển hóa đời tôi,” ông nói. Vì thế ông đưa thêm vào tác phẩm cái nhìn của Phật giáo về hạnh phúc. Ông cho rằng vì ta luôn luôn săn đuổi theo hạnh phúc, cho nên chúng ta không bao giờ hài lòng. Hạnh phúc bắt đầu ngay chính từ bản thân, không những ta phải chấm dứt sự săn đuổi những thành công bên ngoài mà cũng phải chấm dứt luôn cả những dục vọng trong nội tâm. Dù sao chăng nữa, giống Homo Sapiens sẽ vượt qua nhiều ranh giới trong thế kỷ 21, với những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo.

***

Tóm lại, “Sapiens,…” là một tác phẩm mở ra cho người đọc nhiều cánh cửa mới, để họ có thể nhìn lại diễn tiến cuộc tiến hóa của nhân loại một cách tổng thể. Có thể bên cạnh những kết luận của Yuval nêu trên mà phần lớn chúng ta có thể xem là mang tính thuyết phục, chúng ta có thể nêu ra một số luận điểm trong tác phẩm có thể đưa tới tranh cãi. Thí dụ như trong vòng 100 năm nay, chúng ta thấy thế giới trải qua nhiều cuộc tàn sát do xung đột chủng tộc, xung đột tôn giáo, tội ác diệt chủng, chiến tranh ý thức hệ v.v…, nhân loại nhiều lần đứng trên bờ vực thẳm cuộc thế chiến thứ ba, nhưng trong “Sapiens”, Yuval lại cho rằng thế giới đang hợp nhất lại thành những “đế quốc lớn”, có thể cuối cùng chỉ còn một “đế quốc toàn cầu” (global imperium). Mọi vấn đề xã hội toàn cầu hiện nay đã đan xen vào nhau chặt chẽ tới mức một cuộc thế chiến không dễ gì xảy ra. Theo ông, nhận định về tình hình lịch sử thường bị biến dạng qua những biến động vừa mới xảy ra, vì thế chúng ta thường bị mất đi cái nhìn tổng thể. Và vấn đề tranh cãi thứ hai là con người hiện nay coi như đã làm chủ thế giới, rồi họ sẽ cạnh tranh với thượng đế chăng? Về điểm này, Yuval cho thấy còn nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ. Sự tiến hóa đi về đâu là điều không thể tiên đoán trước được. Trong tác phẩm tiếp theo “Homo Deus: A Brief History of Tomorrow” – tạm dịch: Giống Người Thần Thánh: Lược Sử của Tương Lai, ông đưa ra vài hướng tiến hóa của nhân loại trong tương lai. Tuyệt đại đa số nhân loại sẽ không thể cạnh tranh lại với kỹ thuật, bên cạnh đó sẽ hình thành một giống người có khả năng siêu việt (Homo Deus) sống cộng sinh với máy móc. Độc giả đã đọc “Sapiens,…” và thích thú với lối lập luận của Yuval Noah Harari khó mà bỏ qua tác phẩm mới này, hiện cũng thuộc loại best-seller.

.

Nguyễn Hiền


Cái Đình - 2018