Trần Công Tâm
Quyền lực hộ chiếu và uy tín quốc gia
Lời giới thiệu: Tác giả bài viết này, tiến sĩ Trần Công Tâm vừa đột ngột qua đời tại Nga hôm 31/10/2019.
Bài viết của ông đăng trên Facebook cá nhân từ một năm trước, nhưng nó mang đầy tính thời sự,
nhất là mới đây, nhiều di dân Việt chết ngạt trên chiếc xe vào Anh Quốc. Không phải ai sang Anh hay ai ra nước ngoài cũng làm lậu,
nhưng phải thừa nhận một bộ phận không nhỏ bất chấp mọi giá trị đạo đức, mọi chuẩn mực để làm giầu.
Tiến sĩ Trần Công Tâm tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva,
từng làm việc tại Viện Vật lý - Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
trước khi làm việc và sinh sống tại Moskva (Nga). Ngoài hoạt động khoa học, Trần Công Tâm còn viết báo.
Ông rất am hiểu không gian Xô Viết, hậu Xô Viết và đặc biệt là nước Nga ngày nay.
***
Giữa người Việt và người Nga có khá nhiều điểm tương đồng về khí chất và đặc biệt là một sự tương đồng rõ rệt trong quan niệm về thế giới bên ngoài. Cụ thể, là giữa nhận thức, cảm nhận của người Việt cũng như người Nga về mình, và những điều mà các dân tộc khác nhận thức, cảm nhận về họ, có một khoảng cách rất lớn.
Riêng đối với người Việt, sự ngộ nhận này có mặt trong nhận thức mọi vấn đề cuộc sống, và ở mọi người Việt Nam. Sự ngộ nhận này càng rõ rệt hơn, khi chúng ta ở nước ngoài, có dịp tiếp xúc với các dân tộc và nền văn hóa khác, cũng như khi nhận thức những vấn đề quốc tế hoặc có tính chất toàn cầu.
Sự ngộ nhận này thường dẫn đến việc người Việt lần đầu tiên xuất ngoại dễ bị hụt hẫng, vì không được chào đón như họ hình dung. Cũng như việc những người mang hộ chiếu Việt Nam hay bức xúc với những phiền hà, nhọc nhằn vất vả mặc định, mà họ thường gặp phải khi đi qua các của khẩu quốc tế, nhưng nhiều khi lại không thể hiểu được vì sao.
Do đây là một tình trạng phổ biến, thường gặp, và mọi người đã kể rất nhiều câu chuyện vui buồn, bi hài về vấn đề này, tôi xin phép không đi sâu hơn. Mà xin phép tập trung vào vấn đề “uy tín của hộ chiếu”, để qua đó chúng ta nhận biết về uy tín quốc tế của Việt Nam hiện nay.
Nhìn chung có thể đo lường uy tín quốc tế của một quốc gia, đơn giản và trực tiếp nhất là bằng “Quyền lực hộ chiếu” (Global Passport Power). Ngày 23/04/2018, tổ chức quốc tế Henley Passport Index công bố chỉ số mới về xếp hạng hộ chiếu (Global Passport Power Rank) các quốc gia. Theo đó, Nhật Bản vượt Đức để trở thành quốc gia có hộ chiếu quyền lực nhất thế giới.
Hiện nay, công dân Nhật Bản được miễn thị thực tại 189 (còn công dân Đức và Singapore được miễn thị thực tương ứng tại 188) quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm quốc gia bao gồm Phần Lan, Pháp, Italia, Thụy Điển, Tây Ban Nha và Hàn Quốc, đồng xếp hạng thứ ba với 187 quốc gia miễn thị thực. Xếp hạng thứ tư, là 7 quốc gia gồm Anh, Australia, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Mỹ.
Sau đây là quyền lực hộ chiếu của một số quốc gia đáng lưu ý: Ukraina (xếp thứ 28 với 132 quốc gia), Nga (xếp thứ 39 với 116 quốc gia), Moldova (xếp thứ 41 với 113 quốc gia), Ấn Độ (xếp thứ 47 với 64 quốc gia), Trung Quốc (xếp thứ 59 với 75 quốc gia).
Tại Đông Nam Á (xem Biểu đồ 1), trừ Singapore xếp thứ 2 trên bảng xếp hạng, quyền lực hộ chiếu của các nước được xếp hạng như sau: Malaysia (xếp thứ 9 với 180 quốc gia), Brunei (xếp thứ 18 với 165 quốc gia), Đông Timor (xếp thứ 52 với 98 quốc gia), Thái Lan (xếp thứ 64 với 76 quốc gia), Indonesia (xếp thứ 67 với 71 quốc gia), Philippines (xếp thứ 70 với 66 quốc gia), Campuchia (xếp thứ 81 với 54 quốc gia), Lào (xếp thứ 83 với 52 quốc gia).
Biểu đồ 1: Quyền lực hộ chiếu
Như vậy về mặt Quyền lực hộ chiếu, Việt Nam xếp thứ 84 với 51 quốc gia miễn thị thực, chỉ hơn Myanmar xếp thứ 87 với 48 quốc gia miễn thị thực. Nghĩa là Việt Nam đã tụt hạng về chỉ số quyền lực hộ chiếu so với cách đây một năm.
Uy tín quốc tế của một quốc gia, một dân tộc, một cộng đồng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng có thể nói, một trong những yếu tố hàng đầu, chính là mức độ hiểu biết và tôn trọng luật pháp, khả năng “nhập gia tùy tục” của họ. Cụ thể, người Viêt muốn có uy tín, tối thiểu phải hiểu biết tôn trọng luật pháp, văn hóa (trước hết là ngôn ngữ chủ nhà) ở các nước sở tại, nơi họ nhập cư. Một điều trực tiếp tạo nên danh (hoặc tai) tiếng cho chúng ta.
Người Việt làm nhiều việc mà ít người khác dám làm
Về việc người Việt Nam làm nhiều việc, hành nhiều nghề nhạy cảm (mà ít dân tộc khác dám làm), cũng như thiếu tôn trọng luật pháp, văn hóa ở các nước khác nơi họ nhập cư, từ lâu đã không còn là bí mật đối với cộng đồng quốc tế và phần lớn người Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, là sự “vô tư’ đến kinh ngạc của một số người Việt khi làm những điều này.
Chợ Vòm- một góc cuộc sống của người Việt ở Nga.
Ngày 12/09/2012, tại thành phố Yegoryevsk (cách Moskva khoảng 90km), đã xảy ra một đám cháy thảm khốc. Đám cháy bắt đầu vào khoảng 16.20 tại một căn phòng 30m2 trên tầng hai một tòa nhà gạch hai tầng, thuộc một nhà máy chuyên sản xuất bông thời Xô Viết.
Nhà máy này được các ông chủ người Việt biến thành một xưởng may bất hợp pháp (may “đen” theo ngôn ngữ của người Việt ở Nga), chuyên may hàng nhái (fake).
Đám cháy kéo dài 3 tiếng đồng hồ, chỉ dập tắt được hoàn toàn lúc 19.30. Kết quả là 14 công nhân quốc tịch Việt Nam bị chết. Sau vụ cháy, chủ xưởng đã lập tức bỏ trốn. Về sau, nguyên nhân của vụ cháy được xác định là do chập điện trong một hệ thống điện do chủ xưởng tự lắp ráp. Hệ thống này không tuân thủ và không phù hợp với bất cứ qui tắc an toàn lao động và phòng chống cháy nổ nào.
Theo tin tức của báo chí Nga, vì xưởng may và công nhân làm việc bất hợp pháp, nên chủ xưởng nhốt kín họ trong phòng để tránh kiểm tra. Người ta chỉ mang thực phẩm đến cho họ một lần trong ngày, thường là ban đêm.
Các điều tra viên Nga khẳng định rằng, lẽ ra cái chết thương tâm của những người thợ may xấu số có thể tránh được, nếu chủ xưởng hành xử tử tế hơn. Thực tế, các nạn nhân chẳng thể kêu cứu hoặc thoát ra khỏi tòa nhà đang cháy, vì cửa ra vào bị khóa và cửa sổ bị bịt kín.
Theo lời khai của các nhân chứng, điều kiện ăn ở của người lao động ở xưởng may “đen” vô cùng tồi tệ. Mỗi thợ may Việt Nam chỉ có một chỗ nằm trên giường 3 tầng, giống như một ô trong tổ ong. Ở mỗi ngăn như vậy, ngoài quạt thông gió, chỉ có thêm một ổ cắm điện.
Ngoài ra, chủ xưởng còn tổ chức các lối ra bí mật, để những người thợ bất hợp pháp kịp trốn ra ngoài, trường hợp bị cảnh sát kiểm tra đột xuất. Cảnh sát cho biết, lối ra này được ngụy trang giống như cánh tủ tường, và những cánh cửa bí mật này dẫn ra một hành lang – mê cung.
Ngày 14/09/2012, sau khi phân tích ADN, toàn bộ danh tính các nạn nhân đám cháy đã được xác định. Trong số 14 nạn nhân, có 5 người quê Nghệ An, 5 người quê Quảng Bình, 2 người ở Hải Dương, Thanh Hóa và Hà Nam mỗi tỉnh có một nạn nhân (thông tin đầy đủ hơn về vụ việc này, có thể đọc trên trang mạng Việt Nam khampha.vn)
Khi đó, vụ việc thương tâm này gây “chấn động” lớn trên truyền thông Nga và bị người Nga lên án mạnh mẽ. Trong cộng đồng người Việt, dù tai nạn này có thể nói là đã được lập trình, nhưng vì hậu quả quá thảm khốc nên đã gây xúc động sâu xa. Tuy nhiên, cách nhìn nhận và đánh giá vụ việc này của mọi người rất trái ngược.
Một cậu sinh viên Việt Nam làm (thêm) trong Công ty tôi đã kể lại, rằng ông chủ xưởng trước khi trốn về Việt Nam, có gọi điện từ biệt mẹ cậu ta (là người quen thân cũ). Ông này đã khóc lóc và than vãn, là ông “gặp hạn quá nặng”, bao nhiêu công sức mấy năm trời làm may “đen” và những khoản tích lũy được, đổ hết xuống sông xuống biển.
Khi tôi hỏi cậu sinh viên, là ông này liệu có hối hận về việc mình làm không? Bởi vì những việc ông làm, không những trái pháp luật ở mọi quốc gia, mà còn trái đạo lý của bất cứ dân tộc nào. Cậu sinh viên cho tôi biết, là hình như ông này chỉ lo buồn, suy sụp vì “sự nghiệp tiêu tan”, chứ không có ý hối hận về những việc ông làm..
Ngay sau câu hỏi của tôi, giữa các bạn trẻ sinh viên (nhân viên) người Việt ở Công ty tôi, lập tức “nổ ra” một cuộc trao đổi và tranh luận sôi nổi. Chủ đề chính, là liệu việc người Việt tổ chức các xưởng may “đen” kiểu như vậy có đúng và có nên không?
Người Việt buôn bán tại Nga.
Phần lớn các bạn sinh viên đều cho rằng, không có gì đáng để băn khoăn về khía cạnh đạo lý, cũng như đúng sai về phương diện pháp luật. Bất cứ việc gì có thể kiếm tiền dễ và nhanh, có lợi cho người Việt đều nên làm. Miễn là đừng quá mạo hiểm, và trong lúc tổ chức những công việc như vậy, phải cẩn trọng và khôn ngoan hơn. Chỉ một số ít có ý kiến không tán thành.
Vì sao chúng ta tốt mà vẫn nghèo?
Rất tiếc, là thái độ “vô tư” và thiển cận như kể trên của người Việt Nam, theo tôi, là khá phổ biến trong các cộng đồng người Việt ở mọi quốc gia, và tất nhiên ở Việt Nam. Nói chung ở người Việt, thái độ “vô tư”và sự ngộ nhận kiểu này phổ biến không chỉ ở người trẻ và ở mọi người dân, mà còn ở cả những người có học thức, có địa vị xã hội cao.
Cảnh sát Nga kiểm tra thẻ nhân dạng của những người nhập cư trái phép.
Chẳng hạn, có một vị quan chức cao cấp thuộc loại có học, và theo tôi là có tầm và có tâm, đã từng phát biểu rằng: “Cần đặt câu hỏi, tại sao chúng ta tốt mà vẫn cứ nghèo. Bây giờ phải làm gì?”. Ý kiến này được ông nêu ra trong một cuộc họp với các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Điều này làm tôi thất vọng. Một, là vì tốt chỉ là một điều kiện cần (nhưng còn lâu mới đủ) để làm giàu bền vững, còn làm giàu xổi thì cũng chẳng cần, và mối tương quan này không hề trực tiếp. Hai, là người Việt Nam khó có thể nói là tốt. Ít ra, đó là nhận thức, cảm nhận về người Việt Nam của khá nhiều dân tộc khác và các tổ chức quốc tế.
Chẳng hạn từ 2014, người ta bắt đầu sử dụng Chỉ số quốc gia tốt, còn gọi là Chỉ số quốc gia tử tế (Good Country Index), chuyên đo lường những đóng góp của các nước trên thế giới vào các sản phẩm công cộng toàn cầu, cũng như đo lường những gì họ đã nhận được từ cộng đồng quốc tế. Nghĩa là chỉ số này thể hiện ý thức trách nhiệm của một dân tộc, đối với cộng đồng các dân tộc thế giới. Chỉ số này được đo bằng 35 dữ liệu do các tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc thường kỳ cung cấp.
Năm 2017, vị trí của các nước Đông Á và Đông Nam Á trong bảng xếp hạng Chỉ số quốc gia tử tế của 163 quốc gia như sau: Singapore (15), Nhật Bản (21), Hàn Quốc (29), Moldova (31), Malaysia (37), Philippines (51), Ukraina (54), Thái Lan (55), Ấn Độ (59), Nga (65), Trung Quốc (76), Mông Cổ (97), Indonesia (100), Bangladesh (107),Việt Nam (128), Lào (134), Campuchia (145). Cuối cùng là Afghanistan (163).
Có thể nói sự ngộ nhận của người Việt là thường trực, điều này phản ánh một tư duy duy ngã (lấy bản thân và quyền lợi của bản thân) làm chuẩn để nhìn nhận mọi việc. Cũng như phản ánh một tư duy chưa trưởng thành về phương diện phân tích và phản biện.
Việc tư duy chưa trưởng thành về phương diện phân tích và phản biện, dẫn đến kết quả là nhận thức, cảm nhận của người Việt cũng như người Nga, người Trung Quốc về mình, so với những gì các dân tộc khác nhận thức, cảm nhận về họ, có một khoảng cách rất lớn.
Một điều có thể nhận thấy được trong Bảng xếp hạng các quốc gia theo Chỉ số quốc gia tử tế (Good Country Index) ở trên.
Một sự ngộ nhận khác. Khá nhiều người Việt khi đi ra nước ngoài (cũng như ở Việt Nam) tự cho mình quyền hành xử phản cảm, phi chuẩn mực, viện cớ là do nghèo và nghĩ rằng, khi giàu có chúng tôi sẽ đàng hoàng và tử tế như ai. Suy nghĩ này đã hình thành một phong cách sống, được thể hiện trong châm ngôn “ở Tây ta sống như TA, để khi về nhà ta sống như TÂY”, qui định hành xử của nhiều người Việt Nam. Để rồi tự hạ thấp chuẩn mực, trình độ sống của mình xuống mức rất đáng buồn.
Tôi đã gặp nhiều người Việt Nam tuy ở Moskva đã vài năm, nhưng không hề biết Hồng Trường, GUM, Siêu thị ngầm, Đồi Chiến Thắng,… và những nơi danh tiếng đáng xem khác của Moskva. Thậm chí có không ít người còn chưa một lần đi metro. Vì vậy, ngày đầu năm mới, đôi khi tôi dẫn họ (những người không có đăng ký tạm trú, không có giấy tờ tùy thân) đi thăm thú và chụp ảnh ở những nơi này. Vì đó là ngày duy nhất trong năm, cảnh sát Moskva “tháo khoán”, không xét hỏi giấy tờ tùy thân của người nhập cư.
Phải nói rằng, bi kịch lớn nhất của người Việt, là để kiếm tiền, ở Việt Nam chúng ta đã đánh đổi rất nhiều thứ: tài nguyên, mội trường, đạo đức xã hội, đức tin, chất lượng thực phẩm, và thậm chí cả phẩm giá, lòng tự trọng và tự hào dân tộc (đặc biệt là khi đi ra nước ngoài), mà vẫn nghèo và cũng chẳng hề danh giá.
Một cửa hàng của người Ukraina tại Kiev
Cụ thể về thu nhập, theo số liệu của World Bank năm 1987, Việt Nam có GDP TB người danh định hơn China và xấp xỉ Lào. Nhưng năm 2017 theo số liệu của IMF, GDP TB người danh định của Việt Nam là 2306 USD, trong khi đó GDP TB người danh định của Trung Quốc là 8585 USD và Lào là 2567 USD tương ứng.
Đồng thời, GDP TB của Ukraina là 2458 USD, Moldova là 2240 USD, Ấn Độ là 1852 USD và Bangladesh là 1532 USD. Rõ ràng những nước này không giàu hơn chúng ta. Nhưng trong con mắt cộng đồng các dân tộc thế giới, hộ chiếu của họ có uy quyền hơn và họ được coi là tử tế (nghĩa là danh giá) hơn chúng ta nhiều.
Ngoài ra phải nói rằng, tuy người Ukraina và Moldova thu nhập không cao hơn chúng ta, nhưng thực tế tôi thấy chuẩn mực, trình độ sống và văn hóa nói chung của họ cao hơn hẳn người Việt. Vì vậy, nếu đợi bao giờ có tiền mới sống đàng hoàng tử tế, thì rất có thể sẽ chẳng bao giờ.
.
Trần Công Tâm