Minh Hạnh


Phụ nữ Mỹ gốc Việt đặt ra các quy tắc nghiêm ngặt cho chồng khi họ trở về quê nhà

.

HỒ CHÍ MINH, Việt Nam - Những rắc rối cho Henry Liêm bắt đầu mỗi lần ông chuẩn bị để trở về quê hương.

Xin visa theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam là chuyện dễ ợt. Chính là vụ xin "visa thứ hai" – từ vợ ông, người lo lắng rằng ông sẽ đi lạc ở đó – lại đòi hỏi những khéo léo ngoại giao.

"Vợ tôi luôn cáu kỉnh mỗi khi tôi đi," Liêm, một giảng viên triết tại San Jose City College, sang Việt Nam hai lần một năm để giảng dạy tại một trường đại học, cho biết. "Vì vậy, tôi hiếm khi tiết lộ những chuyến đi sắp tới của tôi cho đến phút chót. Đó là để giảm nỗi đau. Bà ấy biết sớm chừng nào thì tôi phải chịu nỗi đau dài chừng nấy."

Ba mươi sáu năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, các quan chức chính phủ Cộng sản chính thức công khai chào đón những người Mỹ gốc Việt trở lại, ngay cả những người đã chiến đấu chống lại họ. Nhưng cuộc nội chiến khác đã nổ ra, lần này là cuộc đấu sức giữa phụ nữ Mỹ gốc Việt và người chồng hoặc bồ, những người muốn trở lại đất nước Đông Nam Á. Những người đàn ông thì khác hẳn, họ đinh ninh là đàn bà Việt Nam nằm chờ để phục kích họ, nên thường nôn nao đi tìm sự ổn định về mặt tài chính nếu như một trận đấu như vậy sẽ tới.

"Mọi cô gái ở Việt Nam đều bạo tợn. Họ tấn công!" Hà Tiên, 38 tuổi, người sở hữu một doanh nghiệp kế toán tại San Jose, nói. Cô cho biết cô bị mất chồng trong một cuộc tình du kích vài năm trước đây.

Phụ nữ đang lo lắng

Sự căng thẳng về vấn đề này đã đạt đến mức đi vào ca nhạc kịch trong cộng đồng Việt Vùng Vịnh và các nơi khác. Những hài kịch ngắn Việt Nam chọc cười vui nhộn quanh sự xung đột trong gia đình, và ca sĩ trình diễn nhạc thời trang hát về điều đó. Đó là chủ đề số 1 trong giới chị em, Tiên nói. Bất cứ khi nào mà một người đàn ông đi về một mình – cô nói thêm, có thể là ông ta không chỉ đi thăm Bác Vũ hay cháu Thủy nhưng để vui chơi trong một đất nước có tràn đầy những phụ nữ trẻ hấp dẫn.

"Chẳng có một gia đình Việt Nam nào (tại Silicon Valley) mà không biết chuyện một người đàn ông nào đó đã làm được điều này", cô Tiên nói.

Hiền Nhân, chủ Polo Bar tọa lạc ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh nhộn nhịp, nói rằng phụ nữ Mỹ gốc Việt có lý do để lo lắng.

"Vấn đề là phụ nữ Việt Nam đẹp hơn và ngày càng đẹp thêm," ông Nhân nói, khi đang ngồi vắt vẻo trên một chiếc ghế tại cơ sở ấm cúng của mình, nơi người ta phục vụ bia tươi, bánh mì hamburger; và tiếp viên nữ trong quần short ngắn cũn cỡn liếc mắt đưa tình những khách đàn ông mà họ thích. "Họ dùng mỹ phẩm tô điểm. Họ ăn uống đầy đủ hơn. Họ tập luyện thể dục."

Và họ không sợ để cho người nước ngoài thấy họ đang mở toang cổng cho một cuộc vui đùa, một cú đá đít hoặc một cái gì đó nghiêm trọng hơn.

"Truyền thống trước nay là con đực săn bắt con cái," Liêm nói. "Bây giờ là theo chiều ngược lại ở khắp mọi nơi tại Việt Nam."

Một vị giám đốc điều hành công nghệ người Mỹ gốc Việt ở Silicon Valley, không muốn tiết lộ danh tánh vì sợ sẽ gây ra trục trặc trong vấn đề visa thứ hai của chính mình, cho biết: "Bạn gặp chuyện mồi chài mọi lúc. Ngay cả tại khách sạn. Bạn vừa nhận phòng xong thì họ đã nhăm nhe. Tôi không thể mỗi lần ở Việt Nam lâu hơn hơn 10 ngày. Nếu không, tôi sẽ gặp rắc rối. "

Những người được cấp visa thứ hai thường bị bó buộc bởi các giới hạn nghiêm ngặt được đặt ra cho họ, đó là lời ông Peter Nguyễn ở San Jose, người cho đến thời gian gần đây đã có một cô bạn gái ở thành phố Hồ Chí Minh. Cách đây không lâu, một người bạn của ông lại ở lố hai tuần chiếc visa thứ hai cho phép, được cấp phát bởi bạn gái của mình. "Khi ông ta trở lại, cô quăng tất cả đồ đạc của ông ta ra ngoài đường," ông này nói.

"Anh ấy đã được hưởng nhiều vui thú lắm," ông Nguyễn nói thêm. "Sự cám dỗ rất lớn. Những “anh chàng” từ 50 trở lên có thể túm được những cô gái ở độ tuổi 20 trông giống như các cô người mẫu. Chẳng ai dại gì mà bỏ qua."

Sự bông đùa đang thấm dần vào văn hóa ở Việt Nam khiến cho nhiều vị nam giới từ các nước khác đến thăm thấy là không thể cưỡng lại được.

"Có một sự quyến rũ nào đó ở nơi đây, mà bạn không nhìn thấy ở Singapore hay Trung Quốc", Chung Hoàng Chương, một giảng viên trong bộ phận nghiên cứu người Mỹ gốc Á tại Đại học thành phố San Francisco, sống cô đơn tại Hoa Kỳ, và hiện nay dành khoảng một nửa thời gian của mình để sống tại Việt Nam, cho biết như trên. "Nếu bạn liếc mắt đưa tình một cô gái, cô ấy sẽ không xua đuổi bạn. Cô ta sẽ đáp trả qua một nụ cười duyên."

Sự đảo ngược rõ ràng trong vai trò được thúc đẩy một phần bởi sự phổ biến của văn hóa phương Tây và các điều kiện kinh tế nghèo nàn ở Việt Nam. Thật vậy, Nguyễn, 40 tuổi, người làm việc trong phần dịch vụ săn sóc khách hàng, nhưng bây giờ thất nghiệp, cho biết bạn gái của mình ở Việt Nam vừa mới đây đã tống ông ra cửa vì ông không tìm ra được một công việc tốt ở Việt Nam.

Đó là chuyện tiền bạc

Việt Nam, xét về  phương diện dân số, là một xã hội đầy lớp trẻ – khoảng 70 phần trăm trong số 90 triệu công dân của quốc gia trẻ hơn 35 tuổi – và những người trẻ từ nông thôn đổ dồn vào các thành phố lớn mỗi ngày để tìm kiếm cơ hội. Việt Kiều, tên gọi dành riêng cho người có gốc Việt đang sống ở nước ngoài, cũng như người nước ngoài đều được coi là con mồi lý tưởng cho một số phụ nữ săn tìm vì những người này có thể hỗ trợ họ và gia đình họ.

"Thật là khó khăn vô cùng để có thể tìm được một việc làm phù hợp với lương bổng hậu hĩ", ngay cả đối với người Việt có trình độ cao đẳng, Nhân nói.

Nguyễn Lê, 29 tuổi, người điều hành một quán cà phê vỉa hè ở thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng cô và những phụ nữ khác quyến rũ Việt kiều và người nước ngoài vì một số lý do, mà hàng đầu là bảo đảm về tài chính.

"Họ có nhiều tiền hơn, thu nhập cũng nhiều hơn", cô Nguyễn nói. "Và họ sẽ rất quan tâm nhiều hơn, dịu dàng và chu đáo với người đàn bà bên họ. Người nước ngoài coi tình yêu quan trọng hơn là nơi đàn ông Việt".

Nghi ngờ vô căn cứ

Tuy nhiên, một số ông nói là mối nghi ngờ rằng hầu hết nam giới người Mỹ gốc Việt đến đây chỉ để vui chơi là chuyện phóng đại – rất nhiều Việt kiều trở về chỉ vì doanh nghiệp hoặc thăm gia đình.

"Chúng tôi yêu sự vui nhộn, nhưng chúng tôi không ngu ngốc," Khanh Trần, một giáo viên đã nghỉ hưu hiện đang sống ở San Jose nói. "Tôi vẫn còn khỏe mạnh, nhưng tôi sẽ không dùng (cho các hành vi bậy bạ ở Việt Nam) bằng tiền bạc của gia đình tôi, của vợ tôi. Chúng tôi đã sống bên nhau hơn 40 năm qua."

Tuy nhiên, vợ ông dứt khoát không cho vị cựu sĩ quan QLVNCH một cơ hội nào, bà từ chối cấp visa  thứ hai cho ông. "Tôi rất thích trở về," ông buồn bã nói.

Một số người Việt Nam cho rằng càng ngày sự hấp dẫn của nước ngoài càng suy yếu do một giai cấp mới của người giàu ở Việt Nam, trong đó có nhiều triệu phú. Và một số đàn ông Việt Kiều lại bị mang tai tiếng, vì họ hành động như những tay dân chơi bằng cách vung tiền ra mọi phía và thuyết phục được phụ nữ là họ chân thành trong tình cảm của họ – mà nó chỉ biến mất khi họ trở về Hoa Kỳ.

Nhưng cuối cùng thì chính Việt Kiều là người thua sau cùng. Một số người kết hôn và mang cô dâu mới về nhà chồng của họ đến Hoa Kỳ thì mới phát hiện ra là những người phụ nữ đó đã mường tượng ra một cuộc sống phong phú hơn nhiều so với những gì họ có thể cung cấp, thế là nó dẫn đến xung đột và ly hôn.

Đàn ông Việt Kiều nhận được rất ít sự đồng cảm từ phụ nữ Việt Kiều trong những cuộc tán tỉnh, cho dù nó đưa đến yêu thương hay đau khổ. "Chúng tôi trách những người đàn ông vì sự yếu kém của họ, vì họ không có trách nhiệm," Mỹ Hạnh, một cư dân San Jose 31 tuổi cho biết.

Trở về Việt Nam lại không hấp dẫn đối với phụ nữ như cô ta: "Người ta bảo, 'Nếu một cô gái về lại Việt Nam, nó giống như chở củi về rừng.’"

Nguyên tác: Vietnamese-American women place strict rules on men returning to homeland
John Boudreau – Mercury News Business, 11/06/2011
Người dịch: Minh Hạnh (Hòa Lan)

 

 


Cái Đình - 2016