Hiếu Bá Linh


Phóng sự về tình trạng bốc lột tại các tiệm Nails ở Hoà Lan

Ảnh chụp bài tường thuật của đài truyền hình Hà Lan NOS, ra ngày 13.01.2019.
Chú thích: Video clip phóng sự của đài truyền hình quốc gia Hà lan NOS, chưa đầy một tháng đã có gần nửa triệu người xem

Tiếp theo Anh, Đức, Tây Ban Nha và Bỉ, giờ đây Hà Lan quyết định không thể làm ngơ với thị trường bốc lột nhân công và buôn người trong giới làm móng tay người Việt. Viện Công tố ở Brussels cho rằng đây là vấn đề nghiêm trọng không chỉ ở Bỉ mà còn ở các nước khác và xem đó là hiện tượng quốc tế. Ngày 12.01.2019 đài truyền hình quốc gia Hà Lan NOS đã trình chiếu một phóng sự điều tra về mặt trái của ngành này.

Ngành làm móng tay ở Hà Lan sinh sau nở muộn hơn ở Mỹ, chỉ mọc lên như nấm từ sau những năm 2013. Bạn có thể làm đẹp móng tay của bạn tại các tiệm Nails hầu như có ở mọi góc phố, thường ở mức giá thấp. Nhưng những móng tay đẹp giá rẻ này cũng có thể có một khía cạnh đen tối của nó, như điều tra của đài truyền hình Hà Lan NOS.

Tại Hà Lan, ngành Nails phát triển nhanh chóng hầu như không được giám sát và có những dấu hiệu đáng lo ngại về buôn người và bốc lột. Theo thông tin của cơ quan Europol (cảnh sát châu Âu) và FIOD (cơ quan Hà Lan điều tra về thuế và tài chính), thì từ bấy lâu nay các tiệm làm móng đã hấp dẫn các tội phạm rửa tiền hoặc sử dụng sức lao động của những người nhập cư bất hợp pháp. Nhiều người có thể làm việc cùng một lúc và thường được trả bằng tiền mặt.

Hiện tượng quốc tế: Lao động nô lệ

Cuộc điều tra của đài truyền hình quốc gia Hà Lan NOS bắt đầu từ khi có tin tức ở Anh về việc hàng trăm người Việt làm việc tại các tiệm móng tay bị bốc lột, họ không có giấy tờ cư trú hợp pháp. Họ phải làm việc nhiều giờ, nhưng được trả lương rất ít hoặc không lương. Đây là sự kiện gây sốc cho dân chúng Anh khi nạn lao động bất hợp pháp và lao động nô lệ vẫn xảy ra trong thế kỷ 21 này.

Tương tự như vậy trong mạng lưới các tiệm làm móng của người Việt ở Tây Ban Nha. Trong các cuộc càn quét hồi tháng 12 năm 2018, cảnh sát bắt được 730 người Việt làm lậu ở 100 tiệm làm móng. Có thể dễ dàng tính ra trung bình một tiệm móng tay người Việt có đến 5-7 người thợ làm chui.

Tại Đức hồi tháng 7 năm 2018 đã diễn ra chiến dịch kiểm tra người làm và tài chính của các tiệm Nails do Sở thuế và Hải quan thành phố Singen cùng phối hợp tiến hành. Lực lượng cảnh sát đặc biệt của Đức gồm 75 người đã bao vây và khám xét đồng loạt 9 tiệm Nails của người Việt ở vùng Waldshut của Đức, bắt đi 2 người Việt Nam vì nghi ngờ phạm tội buôn người và chiếm dụng tiền lương nhân viên.

Các tiệm Nails của người Việt tại Đức bị phát hiện nhiều người làm chui, sau khi 35 cảnh sát và thuế quan Đức bất ngờ tiến hành một cuộc kiểm tra, lục soát lớn để phát hiện việc khai gian về thời gian làm việc cũng như hồ sơ, giấy tờ kinh doanh của các tiệm móng tay ở Bonn và ở Rhein-Sieg vào tháng 11 năm ngoái.

Ở Bỉ cũng chồng chất các trường hợp vi phạm luật lao động và bốc lột tại các tiệm Nails. Nhiều vụ phạm pháp đã bị phát hiện ở Brussels, thủ đô Bỉ, và những thành phố lớn khác. Hiện nay cảnh sát đang tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng về hoạt động tội phạm có thể xảy ra đằng sau các tiệm làm móng này. Viện Công tố ở Brussels cho rằng đây là vấn đề nghiêm trọng không chỉ ở Bỉ mà còn ở các nước khác và xem đó là hiện tượng quốc tế.

Do các vụ việc xảy ra ở các quốc gia xung quanh Hà Lan, ngày càng có nhiều thông tin về nạn bốc lột và buôn người trong các tiệm Nails. Người Việt thường tìm cách đi đến châu Âu để kiếm tiền, thường đích đến cuối cùng là Anh. Các chuyên gia giải thích rằng thanh niên Việt Nam được gửi ra nước ngoài để kiếm tiền.

Mạng lưới của gia đình và người quen giúp họ đi ra nước ngoài và tìm kiếm công việc cũng như nhà ở tại châu Âu. Vì tin tưởng mù quáng vào một thành viên gia đình sẵn lòng giúp đỡ hoặc thiếu hiểu biết, họ thường dễ bị sa vào những bàn tay xấu.

“Ngay khi họ vừa đến châu Âu, hộ chiếu của họ sẽ bị lấy đi mất”, nhà dân tộc học và chuyên gia châu Á Oscar Salemink nói. “Mạng lưới tội phạm đe dọa các cô gái và gia đình của họ bằng cái chết nếu họ gọi cảnh sát“.

Sau đó họ được đưa đi làm kiếm tiền để trả nợ tổn phí cho đường dây đưa người lậu. Bằng cách cô lập trong một nhóm kín, nhà chức trách địa phương không thể hay biết. Những người phụ nữ bị cô lập với thế giới bên ngoài, vì vậy họ gần như không thể tìm được một sự giúp đỡ nào đó.

Tất nhiên không phải tiệm làm móng nào của người Việt cũng có những vấn đề nêu trên. Có nhiều tiệm Nails làm ăn đàng hoàng, được tiếng tốt.

Mở tiệm móng tay dễ như không

Không có quy định để mở một tiệm làm móng. Mở một tiệm móng tay ở Hà Lan vô cùng đơn giản, dễ đến nỗi ai cũng có thể mở được mà không có các đòi hỏi về bằng cấp của người đứng ra xin phép mở tiệm. Do đó, thị trường rất đa dạng: Có những tiệm chuyên nghiệp với điều kiện làm việc tốt, nhưng cũng có những tiệm không có hệ thống thông gió hoặc nhân viên không có tay nghề.

Theo số liệu từ Phòng Thương mại Hà Lan, số tiệm làm móng trong 4 năm đã tăng 35% với 6000 tiệm năm 2013 lên tới 8700 tiệm trong năm 2017. Tiệm thường được mở ở các thành phố lớn nhưng mà giờ ở các làng nhỏ cũng có. Ở Venlo, một thành phố phía đông nam Hà Lan có đến 101 tiệm làm móng với dân số chỉ xấp xỉ 68 ngàn người.

Ngoài ra số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh các ngành nghề thẩm mỹ, làm đẹp hiện lên đến 37.000 tiệm và trong số đó nhiều tiệm có làm thêm cả móng cho khách, nên con số thật sự các tiệm làm móng sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Giá cả cũng rất khác nhau: tiệm này giá một bộ móng tay giả chỉ có chừng 20 hay 30 euro, nhưng ở tiệm khác giá gấp đôi. Theo Nagelgilde, một tổ chức về nghành nghề Nails ở Hà Lan, giá móng tay thấp như vậy thực sự là không thể nào được. “Cho nên đằng sau, người ta phải giảm cái gì đó”, Christine Roggeveen, nữ phát ngôn viên của Nagelgilde và là chủ tiệm Nails nói. “Ví dụ như người ta không mua hoặc mua ít máy thông gió, trả tiền lương thấp hoặc sử dụng các sản phẩm rẻ, chất độc hại một cách vô trách nhiệm. Nếu không làm thế thì người ta không thể kinh doanh chuyên nghiệp một tiệm Nails với giá cả rẻ như thế được”.

Số tiệm tăng lên, giá làm từng bộ móng tay giảm đi là điều tất yếu. Nhưng việc tăng số lượng tiệm quá nhanh và giá làm móng ở nhiều tiệm rẻ một cách không ngờ đã làm dấy lên câu hỏi về việc sử dụng lao động bất hợp pháp, bóc lột sức lao động, buôn người, và rửa tiền ở các tiệm làm móng của người Việt.

Có ba loại tiệm làm móng. Loại một là do người thợ chuyên nghiệp có bằng cấp đàng hoàng sau khi theo học ở một trường đào tạo chính thống. Loại thứ hai là tiệm của các “thợ làm móng” nhờ học qua YouTube mà thành nghề, ngoài ra không có hiểu biết gì sâu về kỹ thuật mà cũng không có nhu cầu phải đi học lấy bằng cấp thêm làm gì. Loại ba là các tiệm được cho là “số lượng quan trọng hơn chất lượng”, loại tiệm này thường có thợ là những người vừa học vừa làm.

Một tiệm Nail người Việt ở vùng Veldhoven – Hà Lan.

Nạn nhân không dám lên tiếng

Các cơ quan chính phủ Hà Lan như Cảnh sát, Toà án, Sở Thuế, Toà thị chính, Nghiệp đoàn lao động, Bộ Lao động và Xã hội… có rất ít hoặc không có thông tin về việc bóc lột lao động hay buôn người trong các tiệm nails ở Hà Lan. Cho đến nay không có điều tra của cảnh sát và cũng không có thủ tục tố tụng pháp lý đã được bắt đầu. Chúng tôi đã hỏi hàng chục cơ quan nhưng không nhận được thông tin nhiều hơn nữa.

Có sáu tổ chức hoạt động thiện nguyện như Pacific Link, Leger des Heils, Fair Works… họ biết nhiều hơn vì họ đã nói chuyện với một số nạn nhân chẳng hạn. Các tổ chức này nói với chúng tôi rằng họ biết chắc chắn rằng các tiệm nails tại Hà Lan có tham gia vào đường dây buôn người.

Các nạn nhân nô lệ lao động hay buôn người không dám lên tiếng tố cáo hay đến cảnh sát trình báo vì sợ bị bất lợi cho bản thân và cho gia đình ở quê nhà, hoặc sợ bị trục xuất, hoặc sợ mất hết tiền của đã bỏ ra. Phụ nữ phải làm việc quá nhiều giờ mỗi ngày trong tiệm Nails để trả nợ và họ không dám nói chuyện trực tiếp với chúng tôi vì sợ bị đuổi việc hoặc sợ mất thể diện gia đình. Những người giúp đỡ nói, đó là một thế giới rất khép kín, trong đó không ai nói chuyện cởi mở về hoàn cảnh của họ. Hé miệng tiết lộ bất kỳ điều gì cũng sẽ rất nguy hiểm chứ đừng nói đến việc họ sẽ dám đến cảnh sát trình báo điều gì.

Theo điều tra của đài truyền hình Hà Lan NOS, một người ở Hải Phòng chịu giá 38.000 euro tức hơn 1 tỷ đồng Việt Nam cho đường dây đưa người lậu sang Anh làm việc. Theo lời người môi giới nói với bố mẹ của người này thì việc làm ở Anh là không thiếu và chỉ cần trả một phần chi phí, số còn lại sẽ thanh toán sau khi đã tới Anh làm việc.

Cô được đưa sang Nga và từ đó dần dần đi sang Anh. Thời gian đi từ Hải Phòng sang Anh kéo dài gần một năm, có những khúc đường phải lội bộ, có khi phải làm việc đây đó trong các tiệm làm móng tay. Giờ đây cô phải làm việc 10 tiếng một ngày ở Anh và dù có làm nhiều đến cỡ nào, cô cũng không thể trả được hết số tiền đã bỏ ra vì lương nhận được rất ít.

Những người này rất sợ đau ốm vì như vậy có nghĩa họ sẽ không làm việc được. Tức là họ sẽ không có khả năng kiếm tiền để trả nợ và làm cho gia đình phải thất vọng. Và bằng mọi giá họ phải không được ốm đau.

Đề nghị ban hành những quy định chặt chẽ hơn

Ngoài việc dễ dàng có được giấy phép kinh doanh để mở tiệm, thì ở Hà Lan các cơ quan công quyền cũng buông lỏng việc kiểm tra. Trong một năm rưỡi qua chỉ có 29 tiệm bị kiểm tra ngẫu nhiên trong số hàng nghìn tiệm của nghành nghề khác mà không đặc biệt nhằm vào các tiệm làm móng. Một nửa trong số các tiệm Nails bị kiểm tra đã sử dụng lao động chui hoặc người lao động không có giấy tờ cư trú hoặc hợp đồng không hợp lệ.

Việc kiểm tra các tiệm làm móng rõ ràng là điều cần thiết nhưng cơ quan giám sát các vấn đề lao động và xã hội lại cho rằng đây chưa phải là việc làm ưu tiên của họ. Họ làm việc hướng về những nguy cơ cần ngăn chặn, và những trình báo cụ thể về những nguy cơ này là rất quan trọng đối với họ.

Người của tổ chức chống buôn người và bạo lực tình dục đối với trẻ em, ông Shamir Ceuleers, khi trả lời phỏng vấn của đài NOS về ngành làm móng cho biết: “Chúng tôi cho rằng có thể ở các tiệm làm móng có nguy cơ lạm dụng cao, nhưng các chỉ dấu để dẫn đến các cuộc điều tra và hợp tác vẫn còn quá ít.”

Ông Shamir mong muốn các thanh tra, toà thị chính và cảnh sát có lập trường tích cực hơn: „Nếu quí vị không tự điều tra thì quí vị sẽ không thấy, bởi vì nạn nhân bị bốc lột hoặc buôn người hầu như không tự trình báo”.

Hiện tại, Cảnh sát Quốc gia Hà Lan nhận thấy không có lý do đưa một cuộc điều tra lớn về các vụ lạm dụng trong các tiệm làm móng. Phát ngôn viên của cảnh sát, bà Monique Mos cho biết có quá ít người trình báo. “Chúng ta phải lựa chọn cách tiếp cận với nạn buôn người và có rất nhiều việc phải làm.”

Bà Mos nhấn mạnh rằng không rõ có bao nhiêu vụ lạm dụng trong lĩnh vực này. Và rằng cảnh sát không phải là nơi duy nhất giải quyết vấn đề này. Ví dụ một giải pháp là phải ban hành những quy định chặt chẽ hơn. “Bởi vì chỉ vào kiểm tra và đóng một tiệm làm móng thì không giải quyết được vấn đề“.

Cảnh sát Liên Âu Europol cũng đã khuyến cáo hiện ở cũng có các nạn nhân của nạn buôn người ở tại Hà Lan. Chỉ trong năm qua có đến 60 trẻ em người Việt biến mất khỏi các trại tỵ nạn ở Hà Lan mà Tổ chức chống buôn người và buôn trẻ em cho rằng chúng đã bị đưa sang Anh.

“Người ta không thể nói rằng các cô gái hay cậu bé này hiện đang làm việc trong tiệm Nails tại Anh, nhưng chúng tôi biết rằng trẻ vị thành niên Việt Nam được tìm thấy ở đó trong các tình huống bóc lột, đặc biệt là trong các cơ sở trồng cây cần sa hoặc làm móng tay. Chúng tôi lo lắng rằng không biết những gì đang diễn ra ở đó và không thể chấp nhận được với tất cả các tín hiệu”, ông Shamir của „Tổ chức chống buôn người và bạo lực tình dục đối với trẻ em“ nói.

Hà Lan sẽ phải đối mặt với nạn nhân buôn người nhiều hơn vì các cuộc càn quét của cảnh sát ở Anh đã làm cho thị trường Anh ít thu hút hơn đối với các tổ chức buôn người. Vấn đề này sẽ trở nên ngày càng tồi tệ hơn một khi Anh rút ra hoàn toàn khối EU, nếu con đường sang Anh sẽ không còn dễ dàng thì họ sẽ ở lại Hà Lan hoặc các nước lân cận để làm việc. Khi đó Hà Lan có khả năng sẽ trở thành đích đến cuối cùng của các nạn nhân buôn người thay cho Anh.

Kêu gọi mật báo cho phóng viên hay cảnh sát

Dĩ nhiên không phải tiệm làm móng nào của người Việt cũng có vấn đề về bốc lột, buôn người, v.v. mà cũng có những tiệm làm ăn đàng hoàng, có tiếng tốt. Có khá nhiều tiệm mắc phải một vài điều trong số các vấn đề tiêu cực như sau: bóc lột lao động, trả tiền lương thấp, lao động trái phép, việc làm với chất độc hại, và nơi làm việc không an toàn.

Bà Christine Roggeveen, phát ngôn viên của Nagelgilde – một tổ chức về ngành nghề Nails ở Hà Lan- nhận xét rằng, “khi đi làm móng ở một tiệm với giá chỉ có 20 một bộ, thợ không nói rành tiếng Hà Lan, và khi được hỏi các câu hỏi sâu hơn về việc điều trị, xử lý móng thì họ không có thể trả lời thấu đáo; lúc đó có thể nghi ngờ đây là những tiệm có vấn đề.” Tuy nhiên đây cũng chỉ chính xác tương đối mà thôi.

Người Việt có xu hướng giảm giá dịch vụ nhằm lôi cuốn khách hàng với tâm lý lấy công làm lời, lấy số lượng khách bù vô cho chi phí hoặc chỉ để triệt hạ đối thủ cạnh tranh. Không phải ai ở Hà Lan cũng có thể giao tiếp giỏi bằng tiếng Hà Lan nên đôi khi chỉ giao tiếp được với người bản xứ ở mức độ thông thường mà không thể bàn luận, giải thích sâu hơn về kiến thức chuyên môn hay kỹ thuật. Hàng rào ngôn ngữ cũng chính là trở ngại cho những ai muốn học lấy bằng cấp kỹ thuật làm móng chuyên nghiệp được giảng dạy và thi bằng tiếng Hà Lan.

Có thể có người Việt kinh doanh trong ngành nghề Nails không hài lòng với phóng sự điều tra này vì cảm thấy „nồi cơm“ của họ bị đụng chạm. Có thể họ sẽ nổi giận vì bị người Hà Lan chê không chuyên nghiệp.

Tuy nhiên mục đích chính vẫn là nhằm giải quyết nạn buôn người, bất công trong lao động cho cả những người lao động hợp pháp khi được bảo đảm nhận được lương tối thiểu cũng như các quyền lợi khác theo luật, được làm việc trong môi trường sạch sẽ và ít tổn hại tới sức khoẻ, bớt tiếp xúc với chất độc hại…

Nhưng điều này lại chỉ có thể đúng với các tiệm kê khai trung thực, còn với đại đa số những tiệm chỉ nhận tiền mặt, hay người thợ muốn đi làm nhiều mà khai lương thấp thì chắc chắn không ai dại gì lên tiếng.

Phóng sự điều tra của đài truyền hình quốc gia sau đó được đưa lên YouTube – chỉ trong vòng 1 ngày đã thu hút gần 180.000 lượt người xem và chưa đầy 1 tháng đã có gần nửa triệu người xem – với lời kêu gọi nếu thấy có nghi ngờ về nạn buôn người thì có thể mật báo cho phóng viên đài NOS hay cảnh sát. Thế nhưng có người Việt nào sẽ tố cáo đồng hương dù biết rằng đó là sai trái? Bao lâu nay họ vẫn làm ngơ với nạn làm lậu trong các nhà hàng, kết hôn giả rồi còn gì!

.

Hiếu Bá Linh (Tổng hợp)

______

Nguồn:

– Bài tường thuật của đài truyền hình Hà Lan NOS

 – Bài trên tờ Việt Nam Thời Báo


Cái Đình - 2019