Nguyễn thị Cỏ May


Phí phạm của Trời

Một vấn đề lớn của mỗi người ngày nay

Ai cũng thấy nạn thiếu ăn của thế giới ngày nay cực kỳ trầm trọng – đêm tới, có hơn 1 triệu đứa trẻ đi ngủ bụng trống nhưng nạn phí phạm thực phẩm do con người gây ra vẫn chưa được con người khắc phục.

Nhựt báo Le Monde số phát hành cuối tháng 8 vừa qua đã báo động “Sự phí phạm thực phẩm ở Pháp làm cho Pháp mỗi năm thiệt hại từ 12 tới 20 tỷ euros”. Vì mỗi người ở Pháp, cả những người ở lậu, dân tỵ nạn không phải gốc Việt nam, mỗi người vứt bỏ từ 20 tới 30 kg thức ăn/ năm như rau cải, bánh mì, trái cây, thịt cá. Tính ra có tới 1⁄4 lượng thực phẩm, trị giá 500 euros/ người.

Không riêng người tiêu dùng phí phạm mà cả nhà sản xuất cũng phí phạm tới 30% số thực phẩm sản xuất, vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Chánh quyền Pháp đang hô hào mọi người phải biết tôn trọng thực phẩm nuôi sống mình. Từ nay, các nhà phân phối lớn phải cho không các tổ chức chuyên thu lượm số thực phẩm không bán hết được. Họ bỏ chớ không cho để bảo vệ thị trường.

Nhưng kết quả điều tra cho thấy chính người tiêu thụ mới là thủ phạm chánh. Họ vứt bỏ vào thùng rác nhiều thứ đôi khi còn tốt. Trong số từ 20-30kg thực phẩm vứt bỏ có tới 7kg hoàn toàn còn trong tình trạng tiêu thụ bình thường.

Có ai nghĩ, theo báo cáo của Bộ Môi trường công bố năm 2012, Pháp đã vứt vào thùng rác năm 2010 hết 7 triệu tấn thực phẩm?

Sự phí phạm thực phẩm ở những nước giàu

Khi nhìn thấy rác thực phẩm ngày càng nhiều người ta mới ý thức rõ những nước giàu rất khó chống lại sự phí phạm cái ăn cái uống. Theo số liệu thống kê có tới phân nửa khối lượng thực phẩm sản xuất trên thế giới sau đó bị biến thành rác. Nguyên nhân khá nhiều như thu hoạch sơ xuất, hư hao do bảo quản và vận chuyển, sự vô trách nhiệm của những nhà phân phối và người tiêu dùng.

Theo Tổ chức Lương Nông thế giới thì sự hoang phí thực phẩm chỉ trầm trọng ở những nước phát triển vì ở những nước nghèo người dân không dám phí phạm.

Mỗi năm thế giới sản xuất được lối 4 tỷ tấn lương thực thì có tới 2 tỷ tần không bao giờ được tiêu thụ. Riêng ở những nước nghèo, sự phí phạm làm thất thoát thực phẩm không ở con người vứt bỏ mà do khả nẳng bảo quản quá yếu kém.

Trong số các loại thực phẩm bị vứt đi, trái cây chiếm 19% và rau củ là 31%. Do tính chất dễ hỏng, người tiêu thụ không ngần ngại vứt vào sọt rác các loại hoa quả hay rau củ dù chỉ mới chớm hỏng một chút. Tiếp đến là các loại thức uống, phần lớn là sữa và các loại tinh bột từ những bữa ăn thừa mứa là 12%. Phần còn lại, bao gồm các loại thịt cá 4% và các thức ăn chế biến sẵn 2% (Cơ quan Môi trường và Năng lượng – Ademe).

Quan trọng vì ảnh hưởng tới đời sống người dân là trong bối cảnh kinh tế thế giới, nhất là tại Châu Âu, khó khăn và tỷ lệ thất nghiệp cao như hiện nay, tình trạng lãng phí thực phẩm cũng gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế đất nước. Ngoài ra, sự vứt bỏ thực phẩm còn tác động xấu đến môi trường làm phát sanh những ô nhiễm nghiêm trọng.

Nhìn qua thế giới

... trong khi còn gần 1 tỉ người trên Trái Đất đang thiếu ăn.

Có ai không giựt mình khi biết cứ mỗi giây đồng hồ qua là có 41.200kg thực phẩm trên thế giới bị vứt bỏ?

Thực phẩm hoang phí ở những nước giàu và cả ở những nước nghèo lên tới 990 tỷ đô-la.

Theo điều tra của Tổ chức Lương Nông thế giới công bố năm 2011 thì có tới 1,3 tỷ tấn thực phẩm lãng phí hàng năm trên thế giới, tức có 1/3 số lương thực sản xuất ra mà không được tiêu thụ trong lúc đó 13% dân số thế giới lâm vào tình trạng thiếu ăn.

Có một bản điều tra khác công bố chỉ có 43% lương thực sản xuất trên thế giới được con người tiêu thụ mà thôi.

Ở những nước giàu, sự lãng phí thực phẩm thấy được ở lúc phân phối vì người ta tránh rủi ro gây ra trách nhiệm nên cứ nhìn thời hạn sử dụng sắp hết là vứt đi. Một khối lượng lớn thực phẩm hoang phí lúc chế biến, vận chuyển và ngay cả ở nhà bếp.

Ở Bỉ, người ta tính mỗi người hoang phí thực phẩm là 15,2kg/ năm, bằng 12% rác nhà bếp và 175 euros ném thẳng vào thùng rác.

Ở Anh, theo một báo cáo gởi Thủ tướng, người ta ước tính có 1/3 số lượng thực phẩm đã mua, không ăn, lại vứt vào thùng rác, mà phần lớn đều còn dùng được vì chưa phải hư hỏng. Sự hoang phí tính thành tiền là hơn 500 euros cho mỗi gia đình/ năm. Hay 4,1 triệu tấn vứt đi, bằng 13 tỷ euros/ năm và gây ra 2,4% cho nước Anh khí thải hiệu ứng nhà kiếng. Người ta tính nếu Anh tránh được sự hoang phí thực phẩm thì bằng rút được 1 xe trên 5 ra khỏi số xe lưu thông, tức 60% số thực phẩm bỏ có thể đủ tái tạo năng lượng cung cấp điện năng cho những thành phố của Glasgow có 1 triệu dân sanh sống!

Nếu tránh được sự hoang phí lương thực thì 1⁄4 sự hao hụt đó trên thế giới sẽ đủ nuôi sống 870 triêu người khỏi bị chết đói.

Điều đáng chú ý để có thể cải thiện là hằng năm, có 1,3 tỷ tấn thực phẩm bị hủy bỏ chỉ vì bảo quản, vận chuyển và nhứt là bao bì, nhãn hiệu trình bày không hạp nhãn người bán lẻ và người tiêu dùng!

Sự hoang phí thực phẩm không chỉ ở khối lượng thực phẩm không sử dụng được mà còn làm thiệt hại một khối lượng lớn nước, 250km khối, cần thiết cho sản xuất/ năm.

Ở Đức, hàng năm, có 11 triệu tấn thực phẩm bịt vứt bỏ hay hư hỏng. Tính trên mỗi gia đình, có 82kg/ năm

Năng lượng của thực phẩm hoang phí

Khối lượng thực phẩm hoang phí tính ra giá trị năng lượng là 990.000.000 000 đô-la/ năm.

Thực phẩm là một trong những nguồn đứng đầu gây ra khí thải. Từ sản xuất tới xử lý phế thải, chu kỳ đời sống thực phẩm của một người Pháp trung bình bằng khoảng 20% của tổng số khí thải hằng ngày của hắn.

Sự phí phạm thực phẩm tính ra bằng 7 lần số tiền giúp thế giới phát triển trong năm 2011- 2012, tức bằng 134 tỷ. Ngân sách của Bỉ năm 2012 là 266 tỷ euros.

Hằng triệu tấn thực phẩm do dân âu châu lãng phí được chia ra như sau :

42% do gia đình,
39% do kỹ nghệ nông thực phẩm,
5% do người bán lẻ,
14% do những người buôn bán ăn như nhà hàng, căn-tin.

Đánh động dư luận

Làm thế nào hạn chế được thói quen lãng phí thực phẩm đang là vấn đề thời sự nóng cho nhiều người dân Pháp. Ý thức được tầm mức của vấn đề, nhiều sáng kiến tập thể cũng như là cá nhân cũng đã được đề ra. Việc Bộ trưởng Môi trường Pháp gây áp lực lên các nhà phân phối cũng đã đạt được một kết quả khả quan. Những nhà phân phối lớn ở Pháp như siêu thị Carrefour, Auchan, Leclerc,... đã bắt đầu liên kết với các tổ chức từ thiện như Restos du Cœur, Ngân hàng thực phẩm và Secours Populaire để thu gom và chọn lọc trái cây và hoa quả phải bị bỏ đi rồi tinh chọn và phân phối lại.

Thu nhặt chất thải hữu cơ để có thể tái sử dụng là trọng tâm của một sáng kiến chống lãng phí thực phẩm. Chẳng hạn như tại một trường học ở quận 2, Paris, học sinh học cách tách rác thải với thức ăn thừa.

Đầu bếp giỏi là không có lãng phí thực phẩm

Nếu như điều kiện an toàn thực phẩm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lãng phí mỗi năm hơn một tấn thức ăn (chiếm tỷ lệ 15%) trong ngành dịch vụ ăn uống, thì theo ông Christian Constant, một đầu bếp danh tiếng tại Paris, trên làn sóng đài Europe 1, còn khẳng định vai trò và trách nhiệm của người làm nhà hàng. Khi nói đến mối liên hệ của giữa người đầu bếp với tình trạng phung phí thực phẩm, ông Christian Constant đã nhấn mạnh rằng: “Một người đầu bếp giỏi không vứt một cái gì hết. Khi anh đứng bếp, anh phải tiết kiệm mọi thứ. Tất cả đều có thể tái sử dụng”!

Xu hướng tiết kiệm và tái sử dụng thức ăn đang là một trào lưu mới trong làng ẩm thực tại Pháp. Nhằm khẳng định sự khác biệt với nhiều hàng quán chuyên bán các sản phẩm đã qua chế biến, nhiều quán ăn đã chọn phương cách “tự chế biến”, tức do nhà hàng làm ra để phục hồi một phong cách ẩm thực mà Pháp được Unesco nhìn nhận “ẩm thực của Pháp là di sản văn hóa phi vật thể”. Nhờ đó khẩu phần cho thực khách cũng được định lượng không để dư thừa.

Thay đổi tập quán

Sự lãng phí thực phẩm ở người tiêu dùng có thể cải thiện được. Ỡ những xứ giàu, người dân có thói quen đi chợ mua thực phẩn nhiều hơn nhu cầu. Người ta dễ bị hấp dẩn bởi kỹ thuật tiếp thị mà không kịp suy tính theo nhu cầu thật sự. Cửa hàng rao hoặc niêm yết “Mua 3 trả tiền 2”. Hoặc một đĩa thức ăn đầy ấp nấu chin, ăn tại chỗ hay mang đi. Dĩ nhiên người mua sẽ không ăn hết, rồi phải bỏ vào thùng rác phần còn lại.

Lúc sau này xuất hiện những tiệm ăn bao bụng với giá duy nhứt. Thức ăn đủ thứ bày ra đầy để cho thực khách tự do chọn lựa và lấy đầy đĩa đem lại bàn ăn. Con người ta đói con mắt hơn đói bụng. Thực phẩm thừa mứa trên đĩa thực khách sẽ là một khối lượng không nhỏ cho một tiệm ăn.

Trong trường hợp này, thực khách tàu cộng hay việt nam xhcn sẽ giành giựt đầy ấp đĩa, không cần để ý tới những thực khách đứng sau mình. Dỉ nhiên sẽ có không ít người bỏ lại trên đĩa. Ngày nay, dân 2 nước này khi đi ra ngoại quốc, người hướng dẩn nhắc đi nhắc lại nhiều lần tránh phí phạm thực phẩm, nhưng vẫn chưa thay đổi thói xấu này được. Thậm chí, ở nhà hàng phải cảnh cáo là lấy nhiều, ăn không hết, bỏ lại, bị phạt tiền.

Chắc chắn cái thói xấu này không phải vì đói lâu ngày mà do một não trạng kết tinh từ thứ văn hóa “chiến thắng” của phe xhcn ưu việt!

Đối với dân tiêu dùng ở xứ giàu, chánh quyền dự tính sẽ phổ biến thông tin cụ thể là không nên vứt đi thực phẩm còn dùng được tuy trên bao bì có ghi thời hạn xử dụng vì thời hạn này do nhà bán hàng cần bán nhiều hàng nên ghi hết hạn trước khá xa. Những thực phẩm được đóng gói kỹ như sữa chua, đồ hộp, đồ khô,... đều có thể xử dụng sau khi đã mãn hạn. Cả thuốc tây cũng vậy. Nhiều thuốc hết hạn một năm vẫn cón xử dụng tốt.

Tiết kiệm thực phẩm không phải chỉ nhằm tránh sự tốn kém chi phí gia đình mà quan trọng là mỗi người phải biết rõ tài nguyên thế giới không phải là vô tận. Việc làm đáng làm là tránh lãng phí hơn là gia tăng sản xuất theo đà dân số thế giới gia tăng.

Nguyễn thị Cỏ May

 


Cái Đình - 2015