Nguyễn thị Cỏ May


Ông già Noël bị treo cổ và hỏa thiêu

Ở các nước công giáo, nhứt là Tây phương, khi nói tới lễ Giáng sanh không thể không nhắc tới giai thoại về Ông Già Noël leo ống khói lò sưởi đi xuống, vào nhà để phát quà và bánh kẹo cho trẻ con ngoan. Một ông già râu bạc, áo choàng màu đỏ, đúng là hình ảnh tượng trưng cho một con người hiền từ, thương yêu trẻ con, từ suốt nhiều thế kỷ qua, đã làm cho trẻ con, cứ tới ngày 24 tháng 12, ra đứng bên cửa sổ ngóng trông, mở to mắt nhìn lên nền trời, chờ chiếc xe nai (lộc – rennes), và tiếng cười của Ông Già Noël, để reo mừng ông sắp tới.

Nhưng Ông Già Noël của trẻ con lại bị hỏa thiêu trước Thánh đường Dijon! Chẳng lẽ, cũng như xưa nay, người hiền lành thường bị nạn? Mà ông lại bị nạn thật khủng khiếp.

Ông Già Noël bị hỏa thiêu trước nhà thờ

Nhựt báo France Soir (đình bản từ lâu) số ra chiều ngày 24 tháng 12 năm 1951 tại Paris loan một tin tức mang tính thời sự cuối năm làm cho mọi người có dịp liếc qua cái tít đều không khỏi sửng sốt “Ông Già Noël bị hành hình.

Tiếp theo dưới tít những dòng giới thiệu nội dung bài báo, viết rõ hơn “Ông Già Noël bị hành hình: ông bị hỏa thiêu trước mặt hằng trăm trẻ con ngay tại Công trường Thị xã Dijon (miền Trung nước Pháp). Ông Thị trưởng của Dijon vắng mặt, không tham dự cuộc hành hình này.”

Bài báo viết tiếp “Ông Già Noël bị treo cổ trưa hôm qua, tức trưa ngày 23 tháng 12 năm 1951, ngay trước rào sắt của nhà thờ chánh tòa Dijon và bị hỏa thiêu trước công chúng. Sự hành hình ngoạn mục này diễn ra trước mắt hằng trăm trẻ con của giới chủ nhơn. Và cũng được giới tăng lữ chấp thuận vì các tăng lữ đã từng lến án Ông Già Noël là kẻ tiếm danh và không được giáo hội thừa nhận. Ông bị các tăng lữ buộc tội là kẻ tục hóa thánh lễ Giáng sanh và chiếm đoạt một vị trí quá ưu đãi của lễ. Người ta còn trách ông đã tiến vào các trường học công lập chiếm đoạt chỗ của máng cỏ thiêng liêng”.

Bài báo viết rõ hơn “Đúng 3 giờ chiều Chủ nhựt, ông già hiền lành đau khổ, râu bạc phơ, đã phải trả cái giá cho một lỗi lầm mà những kẻ từng ngưỡng mộ ông, tôn sùng ông, mới là kẻ có tội. Ngọn lửa bốc lên thiêu rụi bộ râu của ông và ông đã ngã xuống trong đám khói đen”.

Sau cuộc hành hình, một thông cáo phổ biến với nội dung như sau:

“Đại diện cho những gia đình Công giáo của Giáo xứ muốn chống lại sự nói dối, 250 trẻ con, tập họp trước cổng chánh của nhà thờ Dijon, đã hỏa thiêu Ông Già Noël.

Đây không phải là một việc làm để tiêu khiển, mà là một cử chỉ tiêu biểu. Ông Già Noël đã hi sanh vì tôn giáo. Ông chết vì đạo! Thật ra, sự nói dối không thể đánh thức tình cảm tôn giáo ở trẻ con và cũng không thể là một phương pháp giáo dục.

Với chúng tôi, người công giáo, lễ Noël phải luôn luôn là lễ sanh nhựt của Chúa Cứu thế”.

Sự hành hình Ông Già Noël trước Công trường nhà thờ đã được đông đảo dân chúng hoan nghênh và đón nhận nhiều lời phê bình mạnh dạn của người công giáo.

Nhưng sự hỏa thiêu Ông Già Noël liền chia rẽ dư luận sau đó.

Có 2 Dijon và Ông Già Noël phục sinh

Khói lửa vừa tan, thành phố Dijon chờ sự phục sinh của Ông Già Noël bị hỏa thiêu chiều hôm qua ở Công trường nhà thờ. Ông sẽ sống lại tối nay, vào 6 giờ, tại Tòa Thị xã Dijon. Thật vậy, một thông cáo chánh thức vừa được phổ biến, như hàng năm, kêu gọi trẻ con Dijon tập họp ở Công trường Giải phóng trước Thị xã. Tiếng nói phát ra từ chiếc máy phóng thanh trên mái Tòa thị xã và âm thanh như lướt theo áng sáng của nhửng chiếc đèn pha.

Cùng ở Âu châu, ở Hòa-lan tiếp nối biên giới Pháp, và các nước Bắc Âu, người ta cho rằng Ông Già Noël là biến thể cuối cùng của thánh Nicolas. Ở đó, trẻ con chờ thánh Nicolas cho quà vào ngày lễ cuối năm. Và cũng không phải ngày Noël.

Vào thời Trung cổ, ở Flandre, Lorraine và Hòa-lan, thánh Nicolas xuất hiện để cho quà trẻ con vào ngày 6 tháng 12. Người làm thánh Nicolas, không phải người lớn, đi xe nai từ trên Trời đáp xuống ống khói lò sưởi, mà là trẻ con mang râu trắng, choàng chiếc áo giám mục, tới từng nhà, phát quà cho trẻ con ngoan, đồng thời, Ông Già Fouettard, tay cầm chiếc roi, hăm dọa phạt đòn những đưa trẻ nào không biết vâng lời thầy cô, cha mẹ.

Có thuyết nói rằng Ông Già Noël ở Mỹ là thánh Nicolas xuất hiện từ Santa Claus và qua Pháp vào Đệ I Thế chiến trở thành Ông Già Noël.

Ông thánh Claus mặc áo choàng, quần đỏ, người phải mập tròn, miệng luôn luôn cười, đúng hình ảnh người Mỹ chánh gốc – không phải người Mỹ gốc Việt – vì người Mỹ chánh gốc biểu hiện ở bản thân sự dư thừa vitamines.

Nhưng theo nhà nhơn chủng học Lévi-Strauss, Ông Già Noël và những lễ lộc không phải là một sự sáng tạo gần đây, mà đó là sự phục hồi và đổi mới những điều đã có theo từng thời kỳ. Cả phát quà, cây thông, giấy gói quà, mọi thứ đều phát xuất từ những tập tục đã có từ trước và chỉ được lập lại. Cả đó là thánh Nicolas, là lễ ma Halloveen, Ông Già Fouettard, Ông Già Noël và nhiều nhơn vật nữa thay đổi vai trò với nhau hay đối nghịch nhau, kẻ thiện người ác, từ hằng chục thế kỷ qua. (Claude Lévi-Strauss, “Le Père Noël supplicié”, đăng lần đầu tiên trong tập san Les Temps Modernes, số 3/1952, Paris và tái bản bởi nhà Sables, 1996).

Cho tới thế kỷ XX, các nước theo văn hóa la-tinh và công giáo, chọn thánh Nicolas còn các nước anglo-saxons thì lại chọn quan hệ đối nghịch như lễ ma Halloween đi liền với Giáng sanh.

Tuy thánh Fouettard vẫn là nhơn vật không thể thiếu trong lễ Noël nhưng phần lớn trẻ con không biết ông. Vì chúng không mấy yêu ông?

Mà đúng là trẻ con khó yêu ông thiệt. Mà còn sợ ông xanh mặt mỗi khi nghe nói ông sẽ tới. Ông hoàn toàn trái ngược với Ông Già Noël, cả về cách cư xử với trẻ con và ngoại hình. Ngoài vai trò phạt trẻ con, trai cũng như gái, không ngoan, Ông Già Fouettard có bộ râu dài, khi màu đen, khi màu đỏ, mặc áo choàng đen, mang đôi ủng lớn hoặc đôi guốc gõ lốc cốc vang lên theo mỗi bước đi, nhứt là cái mũ của ông có hai cái sừng trông ghê sợ.

Dễ sợ hơn nữa, ông còn có cái đuôi làm cho trẻ con tưởng tượng đó là con quỉ. Trẻ con phải ù chạy trốn khi nghe ông tới vì cứ mỗi bước đi, ông quất ngọn roi vang tiếng “tróc tróc”, từ đó có tên của ông là Fouettard (fouet là cây roi, fouetter là quất roi). Không phải chỉ có cây roi làm cho trẻ con sợ mà trên người của ông còn mang nhiều thứ lạ lùng khác như dây xích, chuông, lục lạc,…

Nguồn gốc Ông Già Fouettard, cho tới ngày nay, vẫn còn là một điều huyền bí. Khó có ai biết rõ ông sanh ra ở đâu bởi nguồn gốc của ông thay đổi từ xứ này qua xứ khác mặc dầu hình ảnh của ông vẫn không thay đổi. Nhưng cái thời điểm được nhiều người chấp nhận là ông sanh vào giữa thế kỷ XVI.

Người ta nhớ lại các thầy giáo kết hợp Ông Già Noël với Ông Già Fouettard, hai hình ảnh tiêu biểu sự thưởng phạt, để khuyến khích trẻ con ngoan hiền và chăm học.

Sẽ không còn lễ Noël?

Lễ Noël kỷ niệm ngày sanh của Đấng Christ. Như vậy nay là năm thứ 2018. Nhưng nó sẽ không bị mất tên gọi khi xã hội diễn biến đã cuốn theo bao nhiêu sự thay đổi?

Ai cũng biết Pháp là nước công giáo hơn các nước khác ở Âu châu. Vì hoàn cảnh chánh trị mà vào thế kỷ thứ XIV, Pháp từng là quê hương của 9 vị giáo hoàng và thành phố Avignon ở Miền Nam nước Pháp vì đó được biến thành Thủ đô Thiên chúa giáo.

Nhưng năm nay, thiệp chúc Noël của cả tổ chức công giáo lại không ghi “Chúc mừng Giáng sanh” mà ghi rõ “Chúc mừng lễ cuối năm”. Biểu ngữ, đèn hoa trên đường phố năm nay, phần lớn, cũng mang những câu rất hiền lành như “Chúc mừng lễ”, “Chúc mừng Năm mới”. Tuyệt nhiên trên đèn màu không còn hình ảnh Đức Mẹ với Chúa Hài đồng. Máng cỏ, cây thông cũng vắng ở nhiều nơi công cộng như trường học, công sở.

Trưởng Nữ của Giáo hội muốn tránh đụng chạm tới Hồi giáo để nước Pháp được yên lành, không bị Hồi giáo khủng bố? Hay vì tôn trọng luật thế tục của chánh phủ xã hội chủ nghĩa? Hay muốn thật sự cởi bỏ cái mặc cảm gốc rễ từ thời Giáo hội bao trùm lên toàn xã hội pháp?

Trên thực tế, lễ Giáng sanh ngày nay đã trở thành ngày Hội vui chơi, buôn bán và được quốc tế hóa. Ngoại trừ các nước với chánh quyền hồi giáo.

Sự việc Ông Già Noël bị treo cổ và hỏa thiêu trước nhà thờ Dijon năm 1951 đã không khỏi gây bất ổn khá trầm trọng trong dư luận chánh giới Pháp. Người ta tự hỏi phải chăng những người làm chánh trị của ta không biết tìm cách nào khác hơn để chia rẽ thêm xã hội đã phân hóa thành nhiều mảnh vụn hơn là dựng những máng cỏ nơi công cộng ?

Để can thiệp vào tình hình xã hội biến chuyển khá phức tạp, Viện Quốc Chánh đã ban hành một quyết định thận trọng cho phép làm máng cỏ Giáng sanh ở các Tòa Thị xã, nhưng kèm nhiều điều kiện rất gắt gao để tránh mọi hiểu lầm là có hậu ý tuyên truyền tôn giáo. Chưng bày máng cỏ phải hoàn toàn thể hiện tính văn hóa, tính nghệ thuật hoặc lễ lạc mà thôi. Quyết định của Viện Quốc Chánh có nhắc lại coi việc chưng bày máng cỏ ở nơi công cộng có thât sự đáp ứng “nhu cầu tại chỗ” hay không? Máng cỏ trong mọi trường hợp phải không ngụ ý nêu lên một hình thức “thờ cúng” hoặc một “ưu thế tôn giáo”.

Viện Quốc Chánh mà còn phải dè dặt để mong tránh mích lòng những di dân hồi giáo ở Pháp thì Trưởng Nữ của Giáo hội chắc một ngày nào đó sẽ phải sống lưu vong thôi! Nhưng đừng qua Việt Nam vì Huyện ủy Nhà bè năm nay ra lệnh cấm dân chúng làm lễ Noël.

Trưởng Nữ qua xứ Việt nam e sẽ khó tránh bị đảng cộng sản gởi đi học tập cho thông suốt đường lối cách mạng!

.

Nguyễn thị Cỏ May


Cái Đình - 2018