Phan Văn Song
Nước Pháp và nỗi ám ảnh súng
.
Cuối năm đến, đây là thời gian để làm những bản thống kê: thống kê tài sản quốc gia, thống kê tình trạng kinh tế đã đành, thống kê tình hình chánh trị quốc gia, quốc tế, cần thiết… nhưng còn thống kê, tổng kết những con số để đo để lường để đánh giá những kết quá do chánh sách, do phương trình áp dụng để quản trị và điều hành đất nước năm qua, với những tỷ lệ, những con số, từ những tai nạn xe cộ đến tình trạng tâm thần của người công dân. Những năm gần đây, và đặc biệt năm qua, trong thời gian mà cả thế giới phải sống và đang sống trong một tâm trạng lo âu của “cái sợ do bọn khủng bố hồi giáo quá khích gây ra cho Âu châu”. Từ cái tâm trạng lo âu của sự “thiếu an lành” cộng với cái tâm trạng “thiếu ổn định” do thị trường lao động “không tạo việc làm”, đến tâm trạng “mất bình yên, thiếu sự an ninh” cho môi trường sống, cho làng xóm láng giềng, cho thành phố, nơi ăn chốn ở. Tóm lại, vì sợ khủng bố, do bọn khủng bố tạo nên, nên tạo một tâm trạng “sống” trong trong một môi trường “thiếu vắng sự an ninh”… Nên dư luận Âu Châu và đặc biệt ở Pháp bắt đầu nói đến quyền “tự bảo vệ”, tức là quyền “tự võ trang để tự bảo vệ”.
Ở Huê kỳ do tai nạn về súng đạn hơi nhiều, gần như hằng năm, nên dư luận và nhà cầm quyền đều phải đặt thành vấn đề, nhưng vẫn không giải quyết nổi, vì quyền “người công dân có súng” là một quyền công dân do Hiến Pháp quy định; chiếu tu chính Hiến Pháp số 2, của Hiến Pháp Huê Kỳ. Nhưng còn ở Pháp? Một hiện tượng mới, các câu lạc bộ “bắn súng” càng ngày càng đông khách. Càng ngày càng nhiều người Pháp mê và thích súng. Ai cũng muốn có một cây súng “riêng” cả!
Câu hỏi là: có bao nhiêu công dân Pháp, nam hay nữ, nam và nữ, không còn tin vào sự bảo vệ của nhà nước Pháp nữa? Và họ là ai?
1/ Những người dân rất bình thường:
Cái ngạc nhiên thường gặp ở Pháp là những con người “yêu súng” là những con người rất bình thường. Không phải một anh cao bồi trong những phim viễn tây Mỹ, kiểu John Wayne, Robert Mitchum, Randoph Scott hay Yul Brynner… mà cũng chẳng phải một chàng gangster, đầu đội mũ Borsalino, kiểu Humphrey Bogart, Richard Widmark hay Alain Delon… súng mang trong ngực áo, trong những phim trinh thám Mỹ hay Ý… Marc, chúng ta cứ gọi anh ta là Marc, Marc hẹn với nhóm điều tra chúng tôi, tại một bãi parking đậu xe của một siêu thị của một thành phố nhỏ chúng tôi xin phép dấu tên. Với tất cả sự cẩn thận, ngó trước ngó sau, anh bằng lòng kể cho nhóm điều tra một câu chuyện không lấy gì làm hãnh diện cho anh cho lắm. Anh vừa ai đó tố cáo, bị cảnh sát đến xét nhà, và đã tịch thu một khẩu súng lục cùng hai súng trường; anh cũng phải sắp sửa phải ra hầu tòa vì tội sở hữu súng bất hợp lệ nầy, một tội thật là “bất bình thường” cho một thường dân sống tại Pháp. Dĩ nhiên, chúng ta không bắt buộc phải nhìn thấy một anh chàng Clint Eastwood mũ stetson cao-bồi, áo ca-rô, quần jean cao-bồi, bốt ủng, với cặp Colt Navy Western Smith&Wesson lủng lẳng bên hông, hay một anh vạm vỡ, râu quai nón, đầu trọc, như phim Rambo, hay Commando, cựu special force Vietnam, giọng ồ ề, colt US .45, treo trên ngực, áo dã chiến dù, bottes de saut… Nhưng ta cũng không bắt buộc phải gặp một anh chàng chơn mang dép nhựt, áo thun, quần vải kaki, rất người dân bình thường, đi một chiếc xe hiệu peugeot bình thường, trên xe có cả chiếc ghế chở con nít ở hàng ghế sau. Đó là Marc, một người dân Pháp bình thường như mọi người dân Pháp, sống tại một thành phố hạng hai bình thường của xứ Pháp. Và thử hỏi có phải đây là hình ảnh biểu tượng của những loại người đam mê súng, mê súng, thích súng, chơi súng, sưu tầm – collectionneur súng, đệ tử của những “câu lạc bộ súng” tương lai đang tràn ngập xứ Pháp không?
Và anh ta thản nhiên thú nhận không một thái độ tội lỗi gì, anh hiện sở hữu một khẩu súng lục P38 Special .38, do “một người bạn của một người bạn” bán lại,một khẩu súng trường quân đội MAS 36 cũ, vớimột lô khoảng 20 viên đạn, cùng một khẩu súng săn hai nòng trên dưới (canons superposés) nòng – calibre 12, với hai hộp đạn chài chì số 6 (plomb n° 6). Tất cả không có giấy phép, kể cả Giấy Phép Đi Săn – Permis de Chasse. Đó “chỉ để dùng để tự vệ, khi cần thiết thôi!” anh nói một cách dửng dưng, bình thản! “Tất cả đã bi tịch thu”, anh ngao ngán cho chúng tôi biết. Và chắn chắn phải hầu tòa và vĩnh viễn mất cả súng ngắn lẫn hai cây súng trường cùng lô đạn. Và càng đau đớn hơn là với cái án nầy, vĩnh viễn anh không có quyền có súng, dù anh có ghi tên làm hội viên một câu lạc bộ thể thao bắn súng đi nữa!
Thật vậy ở Pháp, chánh quyền chỉ cấp giấy phép cho những hội viên các câu lạc bộ “bắn súng thể thao – tir sportif”, hay cho những chánh khách có chức vụ hay nghề nghiệp cần phải được bảo vệ sanh mạng. Tất cả những luật lệ ấy làm bực mình “những” Marc, vì dân số những người như Marc ngày nay khá đông tại Pháp.
2/ Một luật lệ quá khắc nghiệt:
“Luật lệ quá khắc nghiệt!” Tất cả “những” Marc đồng than trách! Người ta cảm tưởng nghe một công dân Mỹ thuộc Đảng Cộng Hòa Mỹ bầu phiếu cho Tổng Thống Trump, bảo vệ hết mình Tu chính số 2 của Hiến Pháp Huê kỳ. Marc cùng các bạn của Marc không hiểu tại sao Pháp không có một luật bảo vệ “cái quyền dân chủ tự bảo vệ” ấy, “mỗi người công dân phải có một khẩu colt để tự bảo vệ bản thân” chứ! Marc và các bạn khẳng định rằng, mỗi công dân khi gặp hoạn nạn, khủng bố, hay ăn cướp, nhơn viên công lực đều không có mặt để can thiệp hay bảo vệ họ kịp thời!
Thật vậy, Marc và các bạn Marc có lý. Trước năm 2015, ở Pháp, có thể chỉ có một số nhỏ người dân, thiểu số không nghĩ như vậy. Nhưng từ 2016, từ sau vụ tòa soạn tuần báo “Charlie Hebdo” bị quân khủng bố, gồm chỉ có hai anh em thôi, mà đã tàn sát cả đến 16 chết và 4 bị thương, đến vụ quân khủng bố bắn người ở Bataclan, Paris... rồi đến vụ xe tải tông giết người ở thành phố Nice… dư luận công chúng Pháp đã đổi hướng suy nghĩ. Đa số đã bắt đầu nghĩ đến phải có súng cá nhơn, phải tự tập bắn, để tự bảo vệ mình và gia đình mình. Cả cá nhơn chúng tôi, cũng như bao người á châu, thích cất giữ trang hoàng trong nhà... vũ khí á đông, gươm nhựt, kiếm nhựt; nay cũng vừa sắm hai cây súng săn, vài hộp đạn chài, gọi là khi cần thiết, mặc dù ở một vùng nhà quê rất an toàn. Với súng săn, thủ tục xin phép cũng dễ thôi, thì chỉ cần ghi tên vào một câu lạc bộ đi săn ở làng, có giấy sức khỏe để có một giấy phép đi săn thôi. Đạn chài, chì 6, chì 8 thật sự chẳng giết ai, nhưng tiếng nổ, và tâm lý có súng bảo vệ cũng gọi là “đánh trống, đánh phèn” kêu cấp cứu với láng giềng hàng xóm. Và bạn bè chúng tôi ở làng và chung quanh đều như thế cả. Nhứt là vì xứ nhà quê, nên hầu như nhà anh bạn nào cũng có súng săn, có khi có cả nhiều loại, nhiều đời súng săn cha truyền con nối qua nhiều thế hệ. Hai cây súng hiện thời của tôi, cả hai đều canons juxtaposés cal.20 và cal.16 đúng là loại xưa do các bạn dư xài, bán tặng chúng tôi, mỗi cây một euro – súng, dao, kiếm là khí giới phải mua, hoặc cướp, không được cho, trừ Vua ban với chức vụ, hay cha truyền con nối.
3/ Năm chục ngàn Tay Súng Mới:
Nước Pháp có truyền thống là xứ của dân thích đi săn bắn. Xứ Pháp hiện nay theo thống kê có 4 triệu cây súng, có khai báo đàng hoàng, đa số là súng trường, súng săn. Nhưng nhiều năm nay, một hiện tượng mới, một đam mê mới, thích bắn súng “thể thao”. Các câu lạc bộ “bắn súng thể thao” càng ngày càng có số người ham mộ ghi tên càng đông. “Con số được nhơn đôi năm vừa qua” Thierry Coste, Tổng Thư ký Liên hội – Association Guillaume Tell ( tên một xạ thủ bắn tên bằng nỏ – arbalètre, của truyền thuyết Thụy sĩ, rằng ông đã bị ông một quan phạt phải bắn quả táo để trên đầu con trai của ông cách xa 100 bước) gồm 6 câu lạc bộ dân yêu súng của nước Pháp. Từ năm 2011, các hội bắn súng đã thâu thêm 50 ngàn hội viên mới.
Cơ quan đầu tiên lo lắng đến hiện tượng nầy chính là chánh quyền Pháp, vì con số đơn xin phép mua súng càng ngày càng nhiều cao lên. Và con số sở hữu súng bất hợp lệ cũng càng ngày càng động. “Với Tình trạng Khẩn cấp – État d’Urgence” của nước Pháp ngày nay, và thêm quyền được xét nhà –droit de perquisition, “làm sao không tạo cho dân chúng một quyền tự bảo vệ?” một vị thẩm phán giấu tên tỏ rõ phản ứng. Và do những vụ xét nhà, những con số rợn người được nêu rõ: 6.000 khẩu súng năm 2015 – chỉ 4.000 năm 2014; qua năm 2016 là8.000; và với 2017 chưa hết (tháng 10) đã có 8.000 khẩu súng đủ loại rồi!
Đó là quan điểm phía chánh phủ. Còn phía người công dân, Guillaume Lorans, 30 tuổi, nghề nghiệp phi công hàng không dân sự, một người dân bình thường, sức khỏe tâm thần tốt, hiện nay đang đứng đầu một phong trào cổ động người công dân có quyền được mang súng. L’Association pour le Rétablissement du Port d’Armess citoyen (l’ARPAC) – Hội Xin Hồi phục quyền Công dân có Súng. Dùng từ Hồi phục – Rétablissement để chứng mình quyền ấy là một quyền tự nhiên. Hội có mạng facebook và thú nhận đã có trên 14.000 hội viên. Nói tóm lại, không nói hẳn ra mặt, rằng nước Pháp có cả vài tiểu đoàn công dân có súng. Pierre, một nhơn chứng khác cho biết, là một hội viên bắn súng thể thao, anh là chủ nhơn, và xử dụng một khẩu súng lục hiệu Glock 19, một tuần ba lần, anh đến câu lạc bộ “bắn súng thể thao” tại một vùng ngoại ô Paris rằng con số hội viên năm nay của câu lạc bộ anh đã từ 120 năm 2015 nay lên đến hơn 2000!
Hiệp hội bắn súng thề thao cũng xác nhận sự tăng trưởng của môn thể thao nầy… Nay đã 250.000 hội viên. Nhưng tất cả các hội bắn súng vì là “thể thao” nên có một không khí rất gia đình, láng giềng, thân thiện. Tuổi tác? “Từ 9 đến 80 tuổi, chúng tôi từ chối những đòi hỏi bất bình thường. Thí dụ, vừa qua chúng tôi từ chối một người muốn vào hội vì bà vợ vừa tặng anh ấy một khẩu Kalachnikov – AK47, và muốn gia nhập hội để tập bắn và... có giấy phép. Chẳng những tôi từ chối mà còn báo cho cảnh sát nữa, vì đấy là bổn phận chúng tôi” Anh Chủ tịch câu lạc bộ một vùng cạnh Paris tuyên bố thẳng thừng như vậy!
Một câu lạc bộ khác ở miền Nam nước Pháp, cũng cho biết, để hiểu rõ quyết tâm của người tân hội viên có thật sự thích bắn súng thể thao không? Là bắt buộc, trong 6 tháng đầu mỗi tuần phải đến hai buổi và tác xạ bằng súng hơi bắn đạn chì – buồn năm phút cho những tay thích bắn súng.
Một sự thực cần phải nói rõ rằng, là một số đông các tân hội viên là các nhơn viên công lực, cảnh sát, hiến binh – gendarmes, thuế vụ – douaniers, giữ tù – surveillants de prisons, lo lắng không đủ thành thạo nhuần nhuyễn và kinh nghiệm với con số đạn nhà nước cung cấp để bắn tập luyện quá ít, chỉ với 90 viên đạn thôi! Cũng do đó chúng ta cũng khó kiểm soát được cái “không khí gia đình truyền thống” của một câu lạc bộ “bắn súng thể thao”!
Giới bác sĩ y khoa cũng rất lo ngại về hiện tượng nầy. Bởi con số đòi hỏi giấy chứng chỉ sức khỏe tốt để xin ghi tên vào các câu lạc bộ bắn súng cũng tăng bất thường. Một Bác sĩ vùng miền Nam nước Pháp cho biết rằng nhiều người ghi tên vào một câu lạc bộ, chờ đủ hai năm, với độ vài buổi tập bắn để đủ quyền mua súng để ở nhà, xong rồi không vào câu lạc bộ nữa. Trong giới nầy đa số là dân trẻ giữa 18 đến 35 tuổi. Theo lý do ông nghĩ chỉ là Sợ thôi. Do đó rất nguy hiểm!
“Cứ sau một cuộc khủng bố, là hiện tượng mua sắm súng bùng lên” Yves Gollely, Chủ tịch Phòng thương mãi nghiệp đoàn các nhà Bán Súng – Chambre syndicale des Armuriers, nhận xét. “Trong vòng 48 giờ, sau một cuộc khủng bố là chúng tôi nhận điện thoại dân đòi mua sắm súng bằng mọi giá”. Ngay ngày hôm sau, cuộc khủng bố Paris, tiệm của ông, nằm ngay quảng trường Bourse, được một người khách vào hỏi mua một áo giáp chống đạn sẽ dùng để đi xe métro đi làm việc.
Để kết luận:
Trong cái không khí đầy sợ sệt nầy, dân chúng thích mua súng cũng là chuyện bình thường và người dân sẵn sàng đi tù chỉ để tự vệ. “Thà đứng thẳng để bị 12 người xử tội còn hơn nằm yên để được 6 người khiêng” – Ngụ ý: Thà bị bỏ tù bởi12 người của bồi thẩm đoàn Tòa Đại hình, hơn là được 6 người nhà đòn khiêng quan tài mình.
Ngày nay, có thể mua súng lậu trên mạng... ở Bỉ, ở Mỹ, với một khẩu súng, được tháo làm ba bốn phần, để gởi từng bộ phận về nhà ráp lại. Đạn tìm cũng dễ, qua các câu lạc bộ, bán lại ăn lời.
Nhiều nhà luật học cũng cung cấp thêm những lý do cho cái tự do mang súng. Luật sư Thibault de Montbrial là một. Hội viên của luật sư đoàn Paris, Chủ tịch của Trung Tâm Nghiên Cứu về An ninh Nội chính – Centre de Réflexion sur la Sécurité intérieure từ 20 năm nay, và ông thường diễn thuyết ở Luật Sư đoàn và dùng Trung tâm ấy để đặt lại vấn đề sự “tự bảo vệ chánh đáng – légitime défense”.
Đối với ông, vấn đề quan trọng chính là vấn đề an ninh công cộng – sécurité publique. Và ông đề nghị một giải pháp quyền “được mang súng với những khung rào luật lệ rõ ràng”. Với ông, lúc nầy là lúc cần thiết. Để giúp đỡ các cơ quan công lực đang bị tràn ngập bởi những vấn đề an ninh, phải tạo một cơ quan bán quân sự gồm không những các cựu cảnh sát, cựu quân nhơn, mà cả những người tình nguyện được lựa chọn rõ ràng được võ trang, huấn luyện để bảo vệ xã hội. Cả đến những ngày hôm nay, ông nếu có dịp, vẫn cố nói rõ quan điểm nầy của ông… cơ quan ấy sẽ được xử dụng trong những buổi lễ lạc lớn, lễ Giáng Sanh, Chợ Giáng Sanh, Đại Nhạc Hội, Lễ Thể thao, Hí trường, Sân Vận Động …
Ông thường dùng thí dụ, để dẫn chứng quan điểm của ông:
Vụ Charlie Hebdo: Họa sĩ Charb, giám đốc tuần báo hí họa Charlie Hebdo, bị ám sát chết, có bằng bắn súng thể thao, đang làm đơn xin phép nhiều lần để có giấy phép được mang súng, nhưng…. Kết luận, biết bắn, biết sử dụng súng, có súng mà súng để ở nhà… cũng như không!
Và vụ đêm quân khủng bố đánh nhà hát Bataclan: chỉ một tiếng súng nổ của một ông cò (commissaire) của Đoàn Cảnh sát Chống Tội phạm – Brigade Contre la Criminalité bắn trả vào một tên khủng bổ, là chúng nó hết chạy tán loạn và núp vào nhóm người làm con tin. Nếu không có phát súng ấy, có thể chúng nó tiếp tục tàn sát nhiều người hơn nữa …
Nhưng vậy, phải cho phép người dân được quyền “tự võ trang, tự bảo vệ”. Nước Pháp, Âu châu ngày mai, sẽ là hình ảnh của một xứ Huê Kỳ, với các Shériff, với các cơ quan bán quân sự, với những người dân được võ trang tự bảo vệ xóm làng, láng giềng nhà cửa, gia đình mình… Tại sao không?
Kính chúc tất cả quý thân hữu một Mùa Giáng Sanh an lành.
.
Hồi Nhơn Sơn, Giáng Sanh 2017
Phan Văn Song