Lê Ngọc Vân
Nông dân “tậu” vợ (1)
Trong ngày hôm nay hàng triệu bạn trẻ Trung Quốc ngồi ăn mừng năm Mùi với gia đình trong nỗi hồi hộp sợ sệt. Họ chờ lúc phải nghe một lần nữa câu hỏi khó chịu: bao giờ con lập gia đình đây? Với nhiều người Trung Quốc, tìm được bạn tình khó tới mức họ phải bỏ ra một số tiền lớn tìm sự giúp đỡ. Nếu cần kíp thì phải cầu viện đến những tay buôn người.
Yuan Xingqiang (22 tuổi) đã bỏ ra gần 15.000 euro cho cô vợ Việt của anh ta. Tất cả tiền dành dụm trong gia đình anh hết sạch, số còn lại anh phải vay mượn thêm. Nhưng đối với Yuan, một cư dân của Nanliyue trong tỉnh Hà Bắc, thì cuộc hôn nhân này quá rẻ. Nếu muốn lấy một cô vợ Tàu thì chắc chắn phải tốn trên 40.000 euro cho của hồi môn, và một chiếc xe hơi cùng một căn nhà riêng. Không có của chìm của nổi thì chẳng có cô Tàu nào ưng lấy.
Một bà Việt Nam sống đã 20 năm trong ngôi làng bên môi giới Lanlan cho anh ta, với điều kiện trả tiền. Một cô gái dịu dàng, thùy mị. Tin tưởng được, Yuan nghĩ thế. Và anh ta lấy cô vào tháng 9. Chưa đầy 3 tháng sau cô ta mất biệt, cùng với bà mai và hơn một trăm cô dâu Việt trong những làng lân cận. Yuan bị lừa. “Tôi vẫn không thể nào tin nổi,” người chồng bị vợ bỏ nói với tờ Beijing News. Và anh không thể làm gì được, khi mà tới tận bây giờ anh mới ngã ngũ ra là anh chẳng có một chút thông tin nào về cô Lanlan hết, ngay cả cô ta quê quán ở làng nào anh cũng chịu.
Gia đình
Yuan Xinqiang làm chuyện mà hiện nay ngày càng nhiều nhà nông nghèo ở vùng quê Trung Quốc làm: anh mua một cô vợ. Cách duy nhất để gây dựng gia đình và nối dòng nối dõi, dưới con mắt của anh. Là người ít học, không giàu có, lại sống ở thôn quê làm anh có rất ít cơ hội trong trường hôn nhân.
Mọi chuyện đã hoàn toàn bị xáo trộn do chính sách một con kéo dài nhiều thập kỷ, cộng với chuyện trọng nam. Có không biết bao nhiêu thai bé gái đã bị phá bởi vì cha mẹ của chúng muốn có con trai hơn, đã tạo nên một sự dư thừa nam giới khủng khiếp. Năm ngoái (2014) trong quốc gia này số nam hơn nữ là 34 triệu người. Người ta ước đoán là năm năm tới, có 20 phần trăm thanh niên Trung Quốc không kết hôn, vì không có đủ cô dâu. Tình trạng này tạm thời không thay đổi: năm 2014 cứ mỗi 100 bé gái ra đời thì có 116 bé trai sinh ra.
Điểm nổi bật là những phụ nữ giàu có và thành đạt không tìm ra bạn tình vì sự mất cân đối nam nữ. Trên lý thuyết thì có hàng triệu người để tha hồ mà lựa chọn. Nhưng trên thực tế, một người đàn ông Trung Quốc trung bình chẳng thiết tha dòm đến một người phụ nữ độc lập tự tạo nên địa vị cho mình và giàu hơn anh ta. Xã hội muốn là phụ nữ Trung Quốc phải lập gia đình trước năm 27 tuổi, và phải ‘dòm lên’.
Hoặc như người ta diễn tả tình trạng này ở Trung Quốc như sau: đàn ông hạng A lấy đàn bà hạng B, đàn ông hạng B kết hôn với đàn bà hạng C, đàn ông hạng C lập gia đình với đàn bà hạng D. Như thế thì sẽ còn lại cùng lúc đàn bà hạng A và đàn ông hạng D.
Nhất là vào lúc này, khi người Tàu đón Tết con Dê thì vấn đề khó khăn trong đường tình của họ càng nổi bật. Để mừng tân niên, dân lao động Trung Quốc bỏ làng ra tỉnh làm ăn nay trở về làng cũ nơi cha mẹ ông bà sinh sống. Nếu anh con trai độc nhất về đến làng mà không mang theo người hôn phối trong tương lai để lo bảo tồn dòng dõi, thì những câu hỏi và lời phẩm bình sẽ không bao giờ dứt. Bây giờ có cả một ngành dịch vụ đang nở rộ để làm giảm áp lực này: cho thuê bạn trai bạn gái trong vài ngày.
Rồi cả những kẻ buôn người cũng trục lợi. Trong nhưng “ngôi làng độc thân”, nơi không còn bóng dáng phụ nữ có thể lập gia đình nữa – không có con gái sinh ra hay họ đã bỏ ra tỉnh hết – giờ đây nở rộ thị trường đặt hàng cô dâu qua mạng. Những tay môi giới dụ dỗ những phụ nữ nghèo, yếu lòng từ Việt Nam hay Bắc Hàn, với lời hứa hẹn một tương lai sáng lạn hơn tại Trung Quốc. Rồi sau đó họ cưỡng ép những người này phải kết hôn với một người Trung Quốc chịu trả cho họ một món tiền lớn.
Chính phủ Trung Quốc lo ngại về sự thiếu hụt phụ nữ. “Mọi đàn ông độc thân bị coi như là một sự đe dọa cho sự quân bình xã hội, như những mầm gây rối loạn đáng ngại,” theo lời bà Leta Hong Fincher của Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hong Kong. Đàn ông độc thân ngoài ra còn chóng đi vào con đưỡng tội phạm hơn những người có vợ con. “Nhà nước tin là hôn nhân là nền tảng của một xã hội ổn định hài hòa.”
Bánh thiu
Để giúp nam giới có cơ hội tìm vợ càng nhiều càng tốt, Đảng Cộng sản Trung Quốc chĩa mũi dùi vào những phụ nữ độc thân có chức vị tại thành phố. Chính phủ muốn quan niệm cổ hủ là những người này sau 27 tuổi trở thành những tấm bánh bị thiu không ai thèm rớ tới phải được khơi dậy. Những phụ nữ này được các cơ quan truyền thông nhà nước gắn chết với từ sheng nu (gái ế). Bà Hong Fincher đã viết một cuốn sách về cái mà bà gọi là một “cuộc vận động”.
Cuộc vận động này đã được khởi xướng từ năm 2007, được báo chí nhà nước lên tít “Tám hạng gái ế: mới liếc qua là các đấng nam nhi chạy dài”. Hay “Gái ế có được sự thông cảm thực sự của chúng ta không?”. Không, đó là câu trả lời, được đưa ra trong một bài viết của Liên hội Phụ nữ, mà họ đúng ra là phải đứng lên tranh đấu cho nữ quyền: “Đàn bà con gái với ngoại hình trung bình hay xấu hy vọng là với học vấn họ có thể giành được lợi thế trong cuộc cạnh tranh. Bi kịch ở chỗ là họ không nhận thức là khi mà người đàn bà trở nên có tuổi, họ sẽ bị mất giá. Vào thời điểm họ tốt nghiệp Thạc sĩ hay Tiến sĩ thì họ đã già từ lâu, thành giống như ngọc phai màu.”
Phụ nữ tân tiến cần phải bớt kén chọn, đó là lời nhắn nhủ, theo như bà Hong Fincher. “Nhà nước làm cho họ sợ bằng cách làm cho họ tin là họ không còn có thể lấy chồng được nữa khi họ sắp bước vào tuổi ba mươi. Và nó đã có tác động: Tôi đã nói chuyện với nhiều phụ nữ mà họ không tin tưởng vào cơ hội có được tấm chồng.” Những văn phòng mai mối được hưởng mối lợi phụ: “Những khách hàng nữ của chúng tôi ngày càng trẻ hơn,” theo lời bà Jimmy Chim của công ty Date & Match, một công ty mai mối cho những người độc thân ở Hong Kong và Trung Quốc. “Đôi khi mới có 23 tuổi mà họ đã lo ngại và tìm đến chúng tôi. Việc làm ăn của chúng tôi mỗi năm tăng từ 15 tới 20 phần trăm. Bồ bịch hò hẹn hiện nay là chuyện thường tình.”
Nguyên tác: Boer koopt vrouw, Karlijn van Houwelingen
Trích từ AD, 19/02/2015
Người dịch: Lê Ngọc Vân
________
(*) Tựa bài lấy ý từ show truyền hình nổi tiếng của Hòa Lan “Boer zoekt vrouw” (Nông dân kén vợ), chú thích của người dịch.