Nguyễn Thị Quỳnh Anh


Những người di dân không bao giờ bỏ cuộc, nếu bí lối họ sẽ đào một đường hầm

Ai đến từ một vùng chiến tranh hay đã sinh sống trong sa mạc ở Phi Châu thì không dễ dàng gì
để mình bị ngăn chận trên đường tìm đến quốc gia mơ ước.
Bạn phải sáng tạo như thế nào để vào được Âu Châu như một người tỵ nạn.

Irene de Zwaan – Chuyển ngữ: Nguyễn Thị Quỳnh Anh

 

Các biện pháp kiểm soát biên giới được thi hành, các rào cản cao với dây kẽm gai, nhân viên cảnh sát với dùi cui đang quay tròn trên tay; những chướng ngại phải được xây dựng để ngăn trở di dân bất hợp pháp ở Âu Châu, rất thích hợp cho một trò chơi vi tính đấy hứng thú. Các quốc gia thi hành các biện pháp mới một cách liên tục nhằm ngăn chận hay chuyển hướng đi của họ. Hãy nhìn xem, Hungary bắt đầu với việc xây dựng một rào cản dài 270 km dọc theo biên giới, Serbia ban hành ngay những thủ tục luật nhanh chóng nhằm làm việc nhận giấy phép tạm trú hầu như trở nên bất khả. Quốc gia láng giềng Áo tuyên bố cùng lúc ngưng nhận người tỵ nạn: quốc gia này không cứu xét bất cứ trường hợp xin tỵ nạn nào nữa. Chính phủ Anh đầu tư thêm một lần nữa mười triệu Âu kim để tăng cường an ninh trong đường hầm eo biển Manche nối liền Pháp và Anh.

Nhằm đối phó với làn sóng người tỵ nạn đang gia tăng, các quốc gia ít bận tâm hơn với các hiệp ước quốc tế. “Schengen”, trong đó sự tự do di chuyển của con người và hàng hóa được công nhận , đang chịu các áp lực. Ɖúng như điều lệ Dublin Âu Châu xác định rằng quốc gia, nơi những người tỵ nạn vào trong Liên Âu, phải có trách nhiệm đối với họ.

“Công trình xây dựng cho những thỏa thuận này đang tan rã dần dần”, Demitrios Papademetriou, giám đốc học viện nghiên cứu Migration Policy Institute Âu Châu nói. “Các quốc gia tìm mọi cách né tránh và thực hiện kiểm soát một cách xảo quyệt mà không cần sự cho phép của Hội Ɖồng Âu châu. Ɖến lượt Hội Ɖồng thì họ lại thiếu phương tiện để có thể làm cái gì đó cho điều này. Họ không thể khiển trách nước Pháp bởi vì quốc gia này đóng cửa biên giới với Ventimiglia.”

Những kẻ buôn lậu người

Các di dân trong lúc này rất ít quan tâm đến các biện pháp đối phó. Họ leo qua các hàng rào, xông vào đường hầm Calais với số lượng lớn, ẩn trốn trong các ngăn chứa hàng của các xe vận tải và biết cả cách nằm co người bên dưới các nắp đậy động cơ xe.

“Nếu một hàng rào được dựng lên hay một biên giới bị đóng kín, điều đó mang đến hậu quả là chuyến đi của một người di dân dài hơn, lâu hơn và nguy hiểm hơn”, Itayi Viriri thuộc Tổ Chức Quốc Tế Cho Di Dân (IOM) nói. “Sự tuyệt vọng càng lớn, họ càng dễ sa vào tay những kẻ buôn lậu người. Nhưng đầu hàng? Ɖiều đó không bao giờ xảy ra. Những di dân sẵn sàng, nếu cần, họ đào ngay cả một đường hầm riêng cho họ kế cận đường hẩm qua eo biển Manche để đến được Anh quốc.”

Papademetriou, một người Mỹ gốc Hy Lạp so sánh điều đó với một hệ thống điều hòa mực nước của một đập nước: “Nếu bạn đóng nó ở một bên thì nó sẽ mở những cánh cửa ra ở phía bên kia. Dòng nước sẽ thay đổi nhưng nước vẫn tiếp tục tràn đến. Ɖiều đó cũng đúng trong trường hợp những người di dân. Ɖây là một trò chơi mèo-chuột bất tận.”

Những biện pháp Âu Châu áp dụng để đối phó với khủng hoảng người tỵ nạn ở mức độ cao cũng chỉ có tính cách biểu tượng, Papademetriou nhận định. “Dân chúng, càng lúc càng than phiền về làn sóng di dân gia tăng, phải được làm hài lòng. Các cuộc bầu cử tùy thuộc vào điều này. Sự giải quyết cho vấn nạn này phải rõ ràng, nếu không nó không được dân chúng xem là quan trọng.”Một hậu quả trực tiếp cho các biện pháp được thi hành là các cuộc hành trình mà di dân ở Âu Châu trải qua luôn luôn thay đổi.”Nếu Hungary có một rào cản trong tương lai, có thể người tỵ nạn tìm cách sẽ qua ngõ Ukraine để đến Tây Âu hay các quốc gia Bắc Âu”, ông Han Entzinger, giáo sư ngành di dân của đại học Erasmus nói.

Theo các con số thống kê mới nhất của IOM, Ý vẫn là cửa ngõ xâm nhập quan trọng nhất cho những người di dân, nhưng Hy Lạp càng lúc càng trở nên hấp dẫn. Ɖiều đó trước hết do số lượng người tỵ nạn gia tăng từ Syria và Afghanistan. Chuyện vượt biên giới bắt đầu từ Thổ Nhĩ Kỳ qua các đảo ở Hy Lạp ngắn hơn nhiều và ngoài ra ít nguy hiểm hơn từ Lybia đến Ý, lộ trình trung tâm Ɖịa Trung Hải mà rất nhiểu người đã biết đến. Sau khi rời khỏi Hy Lạp, những di dân trong thời gian ngắn tiếp tục hành trình qua Liên Âu xuyên qua Marcedonia và Serbia, nơi mà sau đó họ sẽ vượt qua biên giới Hungary. Tại đây con đường sẽ mở ra đến 26 quốc gia Schengen với sự kiểm soát biên giới không nghiêm nhặt.

Theo chính quyền Hungary chỉ trong năm nay đã có hơn 86 ngàn người tỵ nạn vào trong quốc gia này, gấp đôi số lượng của cả năm 2014. Vào đầu năm nay phần lớn những người này là dân Kosovo va Albania, trong lúc này 80 phần trăm những người tỵ nạn đến từ các vùng chiến tranh như Syria , Iraq và Afghanistan.

Trục xuất cưỡng bách

Theo những thỏa thuận quốc tế, những người này có quyền nhận giấy phép cư trú. “Người xin tỵ nạn phải có thể chứng tỏ họ lo sợ cho sự truy nã cá nhân”, ông Entzinger nói. “Sự kiện rằng hoàn cảnh chính trị ở quốc gia nguyên quán tồi tệ tự nó chưa hội đủ tiêu chuẩn tỵ nạn.Nhưng nếu bạn đến từ Syria, Afghanistan hay Eritrea thì không khó khăn lắm để chứng tỏ rằng bạn đang gặp nguy hiểm cho bản thân.”

Ɖiều đó trở nên khác hơn cho những di dân kinh tế từ Kosovo và Albania. “Những đơn xin tỵ nạn của họ thường bị từ chối, nhưng tiếp theo đó thật vô cùng khó khăn để gửi trả những người này trở lại quốc gia của họ”, ông Entzinger nói. “Một phần những người này bị trục xuất cưỡng bách, một phần ra đi tự nguyện và một phần còn lại cư trú bất hợp pháp. Có những quốc gia không nhận lại những người xin tỵ nạn bị từ chối. Họ nói một đơn giản rằng chúng tôi không hề biết đến những người này.”

Ɖức và Thụy Ɖiển là điểm đến được ưa chuộng nhất trong nhiều năm. Cơ hội được chấp nhận cho tỵ nạn lớn nhất trong hai quốc gia này. Ngoài ra khả năng tiếp nhận và hoàn cảnh kinh tế đều tốt. Cả Ý, Pháp, và Anh cũng đều được ưa chuộng. Cho dù rẽ phải hoặc rẽ trái, nhưng những di dân hầu như biết cách để đến được quốc gia mơ ước của mình.

“Mỗi lần khi tìm hiểu chuyến đi của một di dân tôi đều ngạc nhiên về óc sáng tạo của họ”, Federico Fossi của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc nói. “Nhưng cũng đừng quên rằng nhiều người của họ đã sống sót trong một cuộc chiến tranh hay đã vượt qua các sa mạc ở Châu Phi. Một cuộc hành trình xuyên qua Âu Châu không còn là một thử thách lớn như thế nữa.”

 

Nguyên tác: Migranten Geven Nooit Op, Ze Graven Desnoods een Tunnel.
Tác giả: Irene de Zwaan.
Trích từ: De Volkskrant 08-08-2015.


Cái Đình - 2015