Tưởng Năng Tiến


Những người đàn bà cầm bút

Tôi không thể viết nổi bất cứ điều gì... nếu như nó không có đôi chút ý nghĩa chính trị. Tôi cũng chẳng còn điều gì khác nữa để cho nó là quan trọng. (I could not write anything... unless it has a certain political significance. I have nothing else to offer that remains important.) Maryse Condé

Từ Paris, nhà báo Từ Thức vừa gửi đến độc giả đôi dòng thông tin (cập nhật) về giải thưởng The New Academy:

“Chúng ta chờ đợi, hy vọng giải thay thế cho Nobel Văn Chương rơi vào tay Kim Thúy, một nhà văn gốc Việt hiện cư ngụ tại Canada. Giải này vừa được trao cho Maryse Condé, một nhà văn nữ Pháp, 81 tuổi. Nếu Kim Thúy nói về xã hội đảo lộn ở miền VN sau 75, về đời sống, tâm trạng ngổn ngang của một nhà văn lưu vong, tác phẩm của Maryse Condé nói về đời sống của người dân da đen từ thời nô lệ tới thời thuộc địa Pháp.” 

The Wall Street Journal cho biết thêm rằng Condé muốn chia sẻ vinh dự này với tất cả những người dân ở Guadeloupe. “Hải đảo trong vùng Caribbean nơi bà chào đời ‘chỉ được biết đến vì bão tố và động đất,’ bà nói, ‘và bây giờ chúng tôi rất vui là đang được nhìn nhận vì một điều gì khác, nhờ giải thưởng này.” (The island in the Caribbean where she was born “is known for hurricanes and earthquakes,” she said, “and now we are so happy to have been recognized for something else, for this prize.”)

Tôi không hay biết gì về những cơn bão, và những trận động đất, nơi quê hương của Maryse Condé. Với tôi, khi còn ở tuổi đôi mươi, Caribbean chỉ là một túp lều cũ nát (và một con thuyền mỏng manh, bé xíu, giữa đại dương bao la) của ngư ông Santiago – nhân vật chính trong cuốn Le Vieil Homme et La Mer – thôi. Mãi đến những năm gần đây – qua phim ảnh – tôi mới có dịp được nhìn thấy những nông nô da đen (luôn nhễ nhại mồ hôi) đang quần quật giữa những cánh đồng mía bạt ngàn, cháy nắng, trên những quần đảo trong vùng biển xanh này.

Khó mà ngờ được giữa một nơi hoang dã (và man dã) như thế đã sản sinh ra một đóa hoa thơm ngát, vừa đoạt giải Nobel Văn Chương 2018.

Cùng thời với Maryse Condé là Lin Zhao (林 昭) hay còn gọi là Lâm Chiêu, theo âm tiếng Việt. Bà chào đời ở một vùng đất khác, thuộc về một nền văn hóa khác (lâu đời và nền nã hơn nhiều) nhưng vì sinh bất phùng thời nên phải trải qua một kiếp nhân sinh vô cùng nghiệt ngã:

Không mấy người ở phương Tây biết về nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lin Zhao, người đã bị xử tử vào tháng này cách đây 50 năm, vào thời cao trào của Cách mạng Văn hóa, vì tội mãnh liệt chống đối Mao, nhưng bà vẫn nổi tiếng ở Trung Quốc. Vào ngày giỗ của bà trong hai tuần tới, một số người hâm mộ sẽ thực hiện buổi tưởng niệm tại ngôi mộ của bà, và chính quyền Trung Quốc sẽ cố gắng ngăn chặn họ – điều này cho thấy sức mạnh của lời của bà, ngay cả sau nửa thế kỷ.

Sinh năm 1932 ở Tô Châu, Lin Zhao đi học ở một trường truyền giáo vào những năm 1940, bà theo Cơ đốc giáo ở trường rồi và lại đi theo Chủ nghĩa Cộng sản. Bà bí mật vào đảng ở tuổi 16 để vận động cho một xã hội công bằng mà trong đó “không có bọn quan chức tham nhũng.” Bà vỡ mộng với cuộc cách mạng vào khoảng những năm 1957-58, sau khi Mao phát động chiến dịch Chống-hữu-khuynh đối với các nhà trí thức tự do; khoảng 1,2 triệu người đã bị thanh lọc.

Bị gán là một tay hữu khuynh vào năm 1958 và buộc đi cải tạo, bà đã tự sát, nhưng không thành. Bà trở lại đạo với đức tin mãnh liệt, và bắt đầu sự nghiệp văn chương bất đồng chính kiến. Năm 1960, bà bị bắt.

Trong nhà giam, Lin Zhao đã sáng tác một loạt tác phẩm tràn đầy cảm xúc, bà viết bằng máu khi không có mực. Bà cắt ngón tay, nhỏ máu vào một chiếc muỗng nhựa rồi dùng một cọng rơm hoặc tre để viết lên quần áo hoặc ra giường. Khi có bút, bà chép lại chúng lên giấy. Nội quy của nhà tù tước đoạt các bài viết đó và giữ lại làm bằng chứng chống bà, và không nhân viên nào dám hủy hoại chúng.

Trong thơ, tiểu luận và thư, Lin Zhao đã viết về sự thiêng liêng của tự do cá nhân và tội ác của chế độ độc tài của Mao. Một trong những bài thơ trực tiếp về Mao, được viết trên áo: ‘Đất nước của chúng ta phải thuộc về nhân dân; Thật vô lý khi núi sông biến thành đất riêng của một hoàng đế?'

Sự tập trung quyền lực trong tay của chủ tịch Tập Cận Bình đã tạo cho tiếng nói của Lin Zhao một sự cộng hưởng và khẩn trương mới đối với các nhà vận động dân chủ Trung Quốc. Với kỷ niệm 50 năm ngày bà qua đời sắp tới, những người tổ chức cuộc hành hương tới mộ của bà lại bị công an sách nhiễu. Mới đây một thông báo của chính quyền sở tại đưa ra khiến người ta lo ngại rằng ngôi mộ sẽ bị phá hủy, mặc dù ban quản lý nghĩa trang đã phủ nhận điều này". (Lian Xi. Blood Letters: The Untold Story of Lin Zhao, a Martyr in Mao’s China. Trans. Thận Nhiên. Basic Books: 2018).

Ngoài tác phẩm này, cuộc sống của Lâm Chiêu còn được ghi lại qua một cuốn phim tài liệu (In Search of Lin Zhao’s Soul) dài 115 phút, với phụ đề Anh Ngữ.

Hào quang, cũng như tất cả những đớn đau tủi nhục, trong sự nghiệp cầm bút của hai vị nữ lưu thượng dẫn khiến tôi không khỏi liên tưởng đến một nữ sỹ Việt Nam với (không ít) đắng cay. 

Bà là ai? 

“Là phụ nữ duy nhất, không viết bài cho Nhân văn - Giai phẩm, nhưng tên bà bị nêu lên hàng đầu trong ‘hàng ngũ phản động’, bà bị quy kết là ‘gián điệp quốc tế’, lãnh án 15 năm tù cùng với Nguyễn Hữu Đang…”

Về việc bà chọc mù mắt, dư luận chính thức loan rằng bà bị tai nạn ở mắt, khi đi lao động cải tạo. Chúng tôi hỏi nhà thơ Lê Đạt, người rất thân với bà trong suốt hành trình Nhân Văn Giai Phẩm: có phải trong Hỏa Lò chị Thụy An tự chọc mù mắt? Lê Đạt lặng lẽ gật đầu, không thêm một lời nào cả…” (Thụy Khuê. Nhân Văn Giai Phẩm và Vấn đề Nguyễn Ái Quốc. Tiếng Quê Hương: 2012). 

Cái “gật đầu lặng lẽ” của Lê Đạt không giúp tôi bớt băn khoăn về hành vi “tự chọc mù mắt” của Thụy An. Có thật vậy sao? Ai có đủ can đảm để tự hủy thân thể một cách ghê rợn đến vậy? 

Nỗi băn khoăn này chỉ mới chấm dứt tuần qua, sau khi tôi tình cờ đọc được một bài báo ngắn (“Nhân Văn - Giai Phẩm: Nhà Văn Thụy An”) của tác giả Nguyễn Chính: 

“Cuối thập niên 80s tôi có một người học trò tuy tuổi đã cao nhưng cũng cố học Anh văn để được đoàn tụ cùng con cái ở nước ngoài. Đó là nhà văn Thụy An, người đã bị chính quyền miền Bắc thanh trừng trong vụ án Nhân văn - Giai phẩm trong những năm 1955-1957...

Những ngày cuối đời, bà Thụy An sống cô đơn trong gian nhà nhỏ thuê gần đường Bùi Hữu Nghĩa, bên hông chợ Bà Chiểu, Sài Gòn. ‘Bạn vong niên’, theo lời bà vẫn thường nói đùa, chỉ có tôi năng lui tới.

Trong thời gian cải tạo bà đã tự hủy hoại một con mắt để từ đó trở đi ‘chỉ nhìn đời bằng một con mắt’. Một hành động, theo tôi, là dũng cảm đối với một phụ nữ. Trên thế gian này chưa chắc có được một người đàn ông – chứ không nói gì một người phụ nữ – đủ can đảm, thừa nghị lực để tự chọc vào mắt mình!” 

Maryse Condé được nhận giải văn chương Nobel vì đã nỗ lực ghi lại những di hại của Chủ Nghĩa Thực Dân. Lâm Chiêu được dân chúng Trung Hoa lập mộ và hằng năm vẫn lũ lượt đến thắp hương tưởng nhứ vì đã can đảm “cắt ngón tay, nhỏ máu vào một chiếc muỗng nhựa rồi dùng một cọng rơm hoặc tre để viết lên quần áo hoặc ra giường” về tội ác của Chủ Nghĩa Cộng Sản. 

Còn Thụy An?

Bao giờ sẽ có một tác phẩm, một cuốn phim, một mộ phần trang trọng để lớp hậu sinh có thể đến thắp hương trước vong linh của người phụ nữ tài hoa, và rất đáng kính trọng này? 

.

Tưởng Năng Tiến
Trích từ: danlambaovn.blogspot.com


Cái Đình - 2018