Lê Ngọc Vân


Những giấc mơ bị bóp nghẹt trong chiếc xe tải đông lạnh của tử thần

Trần Ngọc Hiếu từng nuôi hy vọng gầy dựng cuộc sống tốt đẹp tại Anh quốc, nhưng lại mất mạng

Gần một năm trước, 39 người Việt di dân đã chết trong một chiếc xe tải chở hàng lạnh trên chiếc phà sang Anh quốc.
Họ chết vì ngạt thở. Một người trong số này, Trần Ngọc Hiếu, đã trú ngụ nhiều tháng tại nước chúng ta
(Hà Lan – chú thích của người dịch). Tái hiện lại chuyến đi mất mạng.

Trần Ngọc Hiếu được 16 tuổi khi cậu rời Việt Nam để tìm một tương lai sáng lạn hơn. Một năm rưởi và sau đó qua một chuỗi những tên buôn người, cậu đã không tìm thấy núi vàng, mà thấy số phận nghiệt ngã. Cả một chuỗi những cơ quan tổ chức Hà Lan không có cách nào thay đổi được điều này.

Tháng sáu 2018, Moskva

Mấy chục ngàn người hâm mộ bóng đá tràn vào Nga. Giải tranh cúp vô địch thế giới đang diễn ra sôi nổi. Đội bóng Da Cam không có trong số đó, nhưng thiên hạ mở hội khắp đường phố Moskva. Dân Nga chạy xe qua các ngã đường Moskva khi đội bóng của họ hạ gục Tây Ban Nha và sắp vào vòng tứ kết.

Trần Ngọc Hiếu 16 tuổi đang ở đâu đó trong đám đông. Hiếu có vé xem thi đấu, nhưng tấm vé này chỉ là bức bình phong để cậu có thể lấy máy bay tuyến đường Việt Nam-Nga mà không bị nghi ngờ. Một phần trong gói du lịch mà những tên buôn người đã bán cho gia đình trong của cậu.

Hiếu quê ở Hải Dương, một tiếng rưỡi xe ô tô tính từ Hà Nội. Một vùng đất phía đông bắc của đất nước ‘nơi không có tương lai cho cháu’, ông chú của Hiếu, Trần Ngọc Trường, sau đó đã kể với báo Daily Mail của Anh quốc. Hiếu được ông bà nuôi dưỡng, cha mẹ cậu đã li dị. Cậu thanh niên muốn có một tương lai ở Anh. Như chú Trường đã lập nghiệp ở đó. Cũng như không biết bao nhiêu người Việt, ông có một tiệm làm móng ở London. “Tôi muốn giúp cho thằng Hiếu cũng xây dựng được cuộc sống như vậy.”

Đám buôn người, theo ước tính, đưa được 18.000 người Việt tới Âu châu mỗi năm. Một phần lớn trong số này muốn tới Anh. Cộng đồng đông đảo người Việt ở đây giúp họ tìm được việc (làm lậu) trong nhà hàng và tiệm làm móng. Khi người di dân kiếm được tiền, họ gởi một phần lớn về lại cho gia đình.

Không chỉ có chuyến đi là nguy hiểm. Phụ nữ có thể bị sa vào hoàn cảnh mại dâm hoặc bị bóc lột trong những tiệm làm móng. Nam giới đôi khi rơi vào tay những băng đảng ép buộc họ phải trả lại tiền đã mượn bằng cách làm trong những cơ sở trồng cần sa.

Tháng sáu 2018 – Tháng năm 2019, Đông Âu

Gần một năm trôi qua khi Hiếu đã tiến được đến mức rời khỏi Nga và qua những đường vòng xuyên Ukraine và Cộng hòa Tiệp để đến Tây Âu. Theo như lời ông chú Trường kể thì Hiếu và những người di dân khác liên tục bị chuyển giao từ nhóm buôn người này sang nhóm buôn người khác. “Họ ở chung nhau từng 20, 30 người một trong hầm, được phát mỗi ngày một bát to mì hoặc cơm. Không có chỗ tắm”, ông kể lại cho các kênh truyền thông sau đó. Ông nói tình trạng này ‘vô nhân’.

Gia đình đã tom góp được 40.000 bảng Anh để đưa Hiếu sang Anh quốc. Đây không phải là một cái giá ngoại lệ. Có thể có giá rẻ hơn, nhưng chuyến đi sẽ nguy hiểm hơn và cực nhọc hơn. Vài người di dân kể lại là họ phải đi bộ suốt đêm trong rừng ở Đông Âu.

27 tháng năm 2019, Hoek van Holland

Trên bãi lên hàng của công ty Stena Line ở Hoek van Holland có con chó nhảy lên nhảy xuống trước một toa xe tải chở hàng đông lạnh với địa chỉ nơi đến là Harwich. Chủ của chú chó, nhân viên hải quan, biết ngay: phải mở toa xe ra xem.

Toa xe không chỉ có chứa khung cửa, mà còn có mười bốn người Việt và một người Afganistan. Toa xe đã được cải biến để dùng cho việc buôn người: đàng sau một bức vách chìm là 3 tầng, mỗi tầng có 5 người. Những người vượt biển phải đái vào trong chai, còn khí trời thì được dẫn vào bằng một hệ thống thông gió đặc biệt.

Toa xe xuất phát từ Đức vào hôm trước, tài xế người Rumania nói. Anh ta bảo là không biết có người trong toa xe. Anh cũng không hỏi sếp vì sao chuyến hàng gồm những khung cửa lại phải chở bằng toa đông lạnh.

Một trong số mười lăm di dân trong chiếc xe hàng đông lạnh là Hiếu, người ta biết điều này qua phiên tòa vào mùa hè vừa qua. Gần một năm kể từ lúc rời bỏ Việt Nam, ngày 27 tháng năm 2019 cậu chỉ còn một chặng nữa là tới đích. Nhưng vì bị con chó đánh hơi phát hiện, Hiếu đã không đáp được chuyến phà sang Anh quốc,

Nhưng đó lại là điều phúc, Công Tố viên trong phiên tòa xử anh tài xế Rumania đã trình bày. Những người trốn trên xe đã thoát chết, trong chuyến vượt biển chắc chắn họ sẽ bị ngạt thở. “May nhờ có sự can thiệp của nhân viên hải quan mà họ còn sống sót”, bà biện lý Mirjam Blom nói trong phiên tòa.

Những người mưu toan nhập cư thì được trả tự do sau cuộc lục soát, hành vi của họ không phạm pháp. Họ được tự do để lại một lần nữa đánh cược sinh mạng của mình để mong sang được bờ bên kia.

Vì Hiếu còn dưới tuổi thành niên, cậu không bị đuổi ra đường, mà được đưa đến trại tiếp nhận dành cho những người tị nạn vị thành niên. Cũng như Đinh Đình Thái Quyền, mới 17 tuổi, cũng nằm trong toa xe đông lạnh này.

Tháng sáu - tháng mười 2019, Cadier en Keer

Nơi trại tiếp nhận trẻ tị nạn vị thành niên ở Cadier en Keer, người ta biết gần như chắc chắn một điều là: một khi mấy cậu nhỏ Việt Nam vào đây, thì chúng rồi cũng trốn mất. Chúng không chờ đợi giấy phép cư trú, mà chờ một tin nhắn của tên buôn người ‘của họ’ về tin tức chặng tới của chuyến đi. 97% trẻ vị thành niên Việt Nam đi một mình đã biến mất. Đó là 96 trẻ trong khoảng thời gian từ 2015 đến cuối 2019, theo như cuộc khảo cứu mới đây của Trung tâm Chuyên gia về Nạn Buôn và Đưa Người.

‘Đại bộ phận người Việt dường như có gốc gác từ thành phần tương đối sung túc sống nơi thành thị. Thường thì họ đã xong học trình phổ thông’, báo cáo của Trung tâm Chuyên gia ghi nhận như vậy.

Sự biến mất của họ thường được thấy trước, theo những báo cáo nội bộ của Cơ quan Trung Ương Tiếp nhận người tị nạn, mà trại tiếp nhận Cadier en Keer trực thuộc. Đột nhiên các cậu này ngủ mà mặc áo khoác và mang giày. Họ đòi tiền đang được các nhân viên quản lý. Hoặc là họ muốn vào Facebook: điều này bị cấm, nhưng đó là nơi trao đổi tin tức mà đám buôn người dùng nó để thông tin cho những thiếu niên là họ phải bỏ đi. Trong báo cáo của một vụ biến mất có ghi: họ dùng cử chỉ như chim bay. Như thể muốn nói: chúng mình chuồn đi.

Và trong những năm vừa qua đã có thêm những biện pháp được ban hành trong các trại tiếp nhận: sự canh phòng cẩn mật hơn, điện thoại bị thu giữ. Nhưng có một điều các nhân viên không được phép làm: đó là ngăn cản các thiếu niên, bởi vì trại tiếp nhận không phải là nhà tù.

11 tháng mười 2019: Cadier en Keer - Anderlecht (Bỉ)

Trại giam thanh thiếu niên Het Keerpunt – Hình: GoggleMaps

Hai tháng sau Hiếu và Quyền trốn mất. Vào tối thứ sáu 11 tháng mười chúng leo lên một chiếc taxi chờ sẵn một nơi khuất tầm mắt trại tiếp cư. Chiếc xe đưa chúng đến một căn nhà ở Anderlecht, điểm tập trung của nhóm buôn người.

Chiếc taxi bị những nhân viên điều tra Hà Lan bí mật theo dõi. Khi hai em bước vào nhà thì cơ quan tư pháp Hà Lan và Bỉ trao đổi ý kiến với nhau. Họ không quyết định ra mặt can thiệp, nhưng có bàn đến khả năng có ‘một cuộc điều tra chung có tầm cỡ’. Nhưng rồi cũng chẳng có gì xảy ra.

‘Biện lý Hà Lan nói là sẽ gọi điện lại sau cuối tuần, nhưng vào thứ hai đó chúng tôi cũng không được ai tiếp cận. Chúng tôi không có bằng chứng là những em này đang nằm trong tay của bọn buôn người và như thế là không có thông tin cần thiết cho một cuộc ra tay can thiệp,’ khi bị quốc hội chất vấn, Bộ Tư pháp Bỉ cho biết như vậy.

22 tháng mười: Zeebrugge

Chưa đầy hai tuần sau, Hiếu và Quyền lại ngồi trong một container lạnh, lần này là ở Zeebrugge. Có lẽ chúng đã đi theo đường xuyên qua Bierne ở Bắc Pháp để tới đó. Toa xe được kéo lên chiếc phà Clementine. Hiếu gửi thêm một tin nhắn, chú của cậu ta nói: “Cháu nó cho biết là nó đang trên đường sang Anh và rất là phấn khích.”

Trên Biển Bắc chuyện rắc rối xảy ra. Nhiệt độ trong container tăng. Dưỡng khí cạn dần. Một cô gái nhắn sms cho cha mẹ cô: “Con xin lỗi bố mẹ nhiều. Con đường đi nước ngoài không thành. Mẹ ơi, con thương bố mẹ nhiều, con chết vì không thở được.”

23 tháng mười: Grays, Essex

Chiếc Clementine cặp bến Purfleet lúc quá nửa khuya. Anh Maurice Robinson, tài xế xe tải người Bắc Ái Nhĩ Lan móc chiếc toa xe và kéo nó tới khu công nghệ ở Grays. Anh nhận được lệnh của sếp phải mở cửa chốc lát. ‘Mau cho chúng chút không khí, nhưng đừng cho chúng ra,’ Ronan Hughes nhắn tin như vậy.

Trên màn ảnh camera có thể thấy Robinson mở cửa toa xe, bước lui một bước và suốt chín mươi giây nhìn sững. Một lát sau anh gọi cho nhân viên cứu cấp: “Tôi là tài xế xe tải và vừa mới lấy một toa xe chở hàng từ bến cảng. Trong đó có nhiều người trốn. Họ không còn thở nữa.”

Cảnh sát Anh quốc đang nghiên cứu hiện trường – Hình: Reuters

Khi toán cứu cấp đến được chiếc xe tải vào lúc 01:40giờ, họ tìm thấy 39 thi thể. Những người đi trốn chết do thiếu dưỡng khí và quá nóng. Tất cả nạn nhân là người Việt Nam. Tổng cộng có 31 nam và 8 nữ, người lớn tuổi nhất 44 tuổi, trẻ nhất 15 tuổi.

Sau một năm rưỡi, chuyến đi của Hiếu và Quyền chấm dứt, tương lai của họ biến mất theo với ngụm dưỡng khí cuối cùng trong container nóng hầm hập.

Tháng mười một 2019, Hải Dương

Vào ngày lẽ ra là sinh nhật thứ 18 của Hiếu, tro của cậu đã về tới nơi cậu đã sinh sống. Gia đình của Hiếu không cảm thấy tội lỗi, chú Trường cho biết. “Người nào từ Việt Nam đi Anh đều theo cách này. Nếu có chuyện xảy ra, đó là điều không may vô cùng lớn.”

Trong trại tiếp cư tại Cadier en Keer, tin xấu đến như một chấn động, nhận xét này được thấy trong những tài liệu mà chương trình truyền thanh Argos tra cứu: “Nơi những nhân viên, họ có cảm giác bất lực.”

Bi kịch Essex có mang lại hậu quả cho việc buôn người giữa Việt Nam và Anh quốc hay không? Phải chăng đó là hồi chuông thức tỉnh, là chuyến đi tới vùng đất hứa cũng có thể chấm dứt một cách oan mạng?

“Ngay sau tai họa, tại Việt Nam đã có nhiều cuộc bàn luận, các gia đình khi nghĩ lại chuyến đi tự hỏi phải chăng đúng là quá nguy hiểm”, Matt Friedman từ Hongkong cho biết. Matt Friedman là Giám đốc Điều hành Nhóm The Mekong Club, một tổ chức tranh đấu chống nạn buôn người từ châu Á. “Bạn thấy bọn buôn người, để phản ứng lại, đã lập luận là tai họa này thật ra chỉ là một ngoại lệ. Họ cũng hạ bớt tiền phải trả cho chuyến đi.”

Thế nhưng bi kịch đã làm cho dịch vụ đưa người gặp khó khăn, ông cho biết. “Đưa từng nhóm người qua từng chặng xuyên qua lục địa trở nên khó khăn hơn. Rồi lại thêm chuyện khác nữa: do đại dịch corona nên sự chuyển dịch cư dân ra khỏi Việt Nam đương nhiên là bị đình lại. Và những người đang trên đường đi, họ đã phải lẩn trốn đâu đó.”

.

Nguyên tác: Verstikte dromen in de koeltruck des doods. Tran Ngoc Hieu hoopte in Groot-Brittannië een goed bestaan op te kunnen bouwen, maar verloor het leven. Cyril Rosman.
Trích từ: Algemeen Dagblad, 17.10.2020
Người dịch: Lê Ngọc Vân

____

Chú thích thêm:

Cái chết của 39 di dân Việt Nam đã đưa đến nhiều phiên tòa khắp thế giới.

Tại Việt Nam, bốn người có dính líu đến đường dây buôn lậu đã bị kết án từ 2,5 đến 7,5 năm tù. Ở Hà Lan, tài xế người Rumania lái xe tải có Hiếu và Quyền trốn trong đó nhận bản án 3 năm rưỡi. Sếp anh ta lãnh án 4 năm tù giam.

Tại Bỉ, vào tháng năm, 13 người bị bắt giữ, phần lớn là người Việt. Những người này có lẽ đã dính líu với dịch vụ buôn người ở Anderlecht. Mạng lưới của những nhóm buôn người đưa đi mỗi ngày hàng chục người, theo cơ quan tư pháp tại Bỉ. Họ còn đang điều tra vụ việc.

Tại Anh quốc, tháng 10/2020 đã bắt đầu vụ án 8 nghi can, trong đó có tài xế xe tải đã kéo toa xe từ Zeebrugge tới bến cảng, tài xế đã kéo toa xe này ở Anh quốc (Maurice Robinson) cùng ông chủ Ronan Hughes.

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/xahoi/nhunggiacmobibopnghet.htm


Cái Đình - 2020