Nguyễn văn Luân
Nhà văn Thuần Phong Ngô văn Phát và việc đặt tên đường phố Sàigòn năm 1956.
Để đánh dấu việc dành độc lập từ tay người Pháp, Tòa Đô Chánh Sàigòn được lệnh gấp rút
thay thế toàn bộ tên đường từ tên Pháp qua tên Việt trong khoảng thời gian ngắn nhất.
.
Bản đồ Sài Gòn năm 1966
Trong những năm làm việc tại Tòa Đô Chánh Saigon, tôi có dịp góp phần trông coi việc xây dựng và tu bổ đường xá, lúc thì tại Khu Kiều Lộ Saigon Tây (Chợ Lớn) gồm 6 quận 5, 6, 7, 8, 10 và 11, lúc thì tại Khu Kiều Lộ Saigon Đông (Saigon) gồm 5 quận 1, 2, 3, 4 và 9. Hàng ngày họp với các ông cai lục lộ phụ trách từng khu vực, nghe báo cáo đường thì ngập nước sau cơn mưa, đường thì có ổ gà, nhựa đường tróc hết trơ lớp đá xanh đá đỏ nền đường, đường thì dân xây cất trên lộ giới tràn ra lề đường, nên tôi gần như thuộc lòng tên hơn 300 con đường.
Qua bao nhiêu năm lịch sử của thành phố, hầu hết đều có tên Tây như:
Sau hiệp định Genève tháng 7 năm 1954 chính quyền Pháp bàn giao cho chính phủ Bảo Đại, với Thủ Tướng Ngô Đình Diệm.
Để đánh dấu việc dành độc lập từ tay người Pháp, Tòa Đô Chánh Sàigòn được lệnh gấp rút thay thế toàn bộ tên đường từ tên Pháp qua tên Việt trong khoảng thời gian ngắn nhất. Trong lịch sử của các thành phố có bao nhiêu lần đổi tên hàng loạt toàn bộ các con đường như thế này? Có lẽ vô cùng hiếm hoi.
Việc đối chiếu tên các danh nhân trong lịch sử 4000 năm để đặt tên đường sao cho hợp lý không phải dễ. Chỉ nghĩ đơn thuần, khi dùng tên Vua “Trần Nhân Tôn” và Tướng “Trần Hưng Đạo”, người làm dưới trướng của Vua, để đặt tên cho 2 con đường thì đường nào to và quan trọng hơn? Câu hỏi nhỏ như vậy còn thấy không đơn giản, huống chi cân nhắc cho ngần ấy con đường trong một thời gian gấp rút thật không dễ.
Lúc bấy giờ công việc này được giao cho Ty Kỹ Thuật mà Phòng Hoạ Đồ là phần hành trực tiếp. May mắn thay cho thành phố có được nhà văn Ngô Văn Phát, bút hiệu Thuần Phong, có bằng Cán Sự Điền Địa lúc ấy đang giữ chức Trưởng Phòng Họa Đồ.
Năm 1956, sau hơn ba tháng nghiên cứu, ông đã đệ trình lên Hội Đồng Đô Thành, và toàn bộ danh sách tên đường ấy đã được chấp thuận. Khi tôi vô làm năm 1965 và hàng ngày lái xe đi công trường, đụng chạm với các con đường mới cảm nhận được sự uyên bác về lịch sử của ông. Nhìn những tên đường trên họa đồ, khu nào thuộc trung tâm thành phố, khu nào thuộc ngoại ô, đường nào tên gì và vị trí gắn bó với nhau, càng suy nghĩ càng hiểu được cái dụng ý sâu xa của tác giả.
Các đường được đặt tên với sự suy nghĩ rất lớp lang mạch lạc với sự cân nhắc đánh giá bao gồm cả công trạng từng anh hùng một lại phù hợp với điạ thế, và các dinh thự đã có sẵn từ trước. Tác giả đã cố gắng đem cái nhìn vừa tổng quát lại vừa chi tiết, những khía cạnh vừa tình vừa lý, đôi khi chen lẫn tính hài hước, vào việc đặt tên hiếm có này. Tôi xin kể ra đây vài thí dụ, theo sự suy đoán riêng của mình, bởi vì ông có nói ra đâu, nhưng tôi thấy rõ ràng là ông có ý ấy:
Ông Nhà Văn - Trưởng Phòng Họa Đồ quả là sâu sắc.
Rất tiếc là lúc vào làm việc thì Thuần Phong Ngô văn Phát đã về hưu nên tôi không được hân hạnh gặp mặt. Mãi sau này mới có dịp đọc tiểu sử của ông, mới hết thắc mắc làm sao chỉ là một công chức như tôi mà ông đã làm được việc quá xuất sắc và hi hữu này.
.
Nguyễn văn Luân
___________
Sơ lược tiểu sử:
Nhà văn, nhà họa đồ Ngô Văn Phát, bút hiệu Thuần Phong, Tố Phang, Đồ Mơ, sinh ngày 16-10-1910 tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
Thuở nhỏ học ở Bạc Liêu, Sài Gòn, đậu bằng Thành Chung rồi nhập ngạch họa đồ ngành công chánh. Ông yêu thích văn chương từ khi hãy còn nhỏ. Năm 14 tuổi, ông bắt đầu tự làm một số câu ca dao gửi đăng báo Phụ nữ tân văn. Ông từng họa mười hai bài Thập thủ liên hoàn của Thương Tân Thị… Có lúc ông dạy Việt văn tại trường Pétrus ký Sài Gòn.
Căn cứ theo sách Việt Nam thi nhân tiền chiến (quyển trung), thì tác phẩm của Tố Phang có:
Cô gái thành: tập thơ vui, ký bút hiệu Đồ Mơ, làm năm 1938, Sao Mai xuất bản năm 1948 tại Sài Gòn.
Những cuộc biển dâu: tập thơ, làm năm 1938, Sao Mai xuất bản năm 1950 tại Sài Gòn.
Bức tranh vân cẩu: tập thơ, làm từ năm 1930 đến 1944.
Hoa gương hương gió: tổng hợp các bài thơ làm từ năm 1929 đến 1960, xếp thành 3 tập là: Bụi ngày xanh, Sóng lòng, Bụi đô thành.
Ca dao giảng luận
Ngoài ra, theo website Tri thức Việt, ông còn có: Ngụ ngôn Việt Nam I, II (thơ), Bóng người qua (1928), Giữa Đồng Tháp Mười, Giọt lệ phòng đào (1929), và nhiều tác phẩm kịch, giảng luận văn chương Việt Nam.
Ông mất năm 1983.