Minh Hạnh


 

“Nhà kho” Saigon ở Hòa Lan

 

Khi đề cập đến những di tích cổ của Hòa Lan (hay của bất cứ quốc gia nào), người ta thường có liên tưởng ngay tới những đền đài dinh thự, cơ sở tôn giáo, cổ mộ, cung điện hoàng gia…. Ít người có ý niệm là những cơ sở sinh hoạt, nhà cửa của thường dân, dấu vết chợ búa cửa hàng cũng góp một phần không nhỏ viết lên những trang sách lịch sử - xã hội học của một quốc gia.

Hòa Lan đã có một thời vàng son khi những thương buôn tung hoành trên biển, chia chác (hay có khi tranh giành) quyền hưởng lợi trên người dân và đất đai tài nguyên của các quốc gia Nam Mỹ, Phi Châu, Á Châu với những đế quốc Âu châu khác. Những thương buôn Hòa Lan đã giúp cơ hội cho những cơ xưởng sản xuất hoạt động, có những vùng phát triển thành khu kỹ nghệ.

Vùng Zaan (Zaanstreek) là một trong những khu kỹ nghệ cổ đã được xếp vào kho di sản văn hóa quốc gia, cần bảo tồn. Nằm trên nhánh sông Zaan chảy ra hồ IJ trong tỉnh Noord-Holland, vùng Zaan có nhiều thị xã, làng mạc với tên có chữ Zaan như Zaanstad, Zaandam, Zaandijk, Westzaan, Koog aan de Zaan... Du khách lần đầu đến Amsterdam thường đi thăm làng cổ truyền kiểu mẫu Zaanse Schans. Vùng Zaan là một vùng đất cửa sông với nhiều đường nước chằng chịt, hồ lớn hồ nhỏ tiếp nối. Địa thế này rất thuận lợi cho việc chuyên chở hàng hóa bằng tàu bè cỡ nhỏ và trung. Nơi đây có những ngôi làng một thời từng sầm uất do kỹ nghệ chuyên ngành, nay đã trở thành gần như hoang phế. Làng Wormer, với dân số hiện thời là hơn 13 ngàn người, vào thế kỷ 16 – 17 có ít nhất 66 “cối gió” (windmolen), với những sản phẩm đặc biệt như nhà chuyên làm bánh lương khô cung cấp cho các tàu buôn của hãng Đông Ấn (VOC), những nhà máy làm hồ bột, ép dầu gan cá thu, hãng làm cacao và đặc biệt là những nhà máy xay lúa khổng lồ nằm trên bờ con kinh Veerdijk. Kỹ nghệ có liên quan đến lúa gạo là một nét đặc thù của làng Wormer khi xưa. 

Lúa gạo, một thời là đồ ăn xa xỉ của Hòa Lan

Khi xưa, hồi khoai tây chưa được đưa vào Hòa Lan, người dân xứ này ăn các loại bánh làm từ lúa mì là chính. Ngoài ra, họ – và cả gia súc – cũng ăn lúa mạch (boekweit, buckwheat), lúa đại mạch (havermout, oat), lúa kiều mạch (gerst, barley), vài loại củ như cà-rốt, củ phòng phong (pastinaak, parsnip), cây củ hạ (schorseneren, salsify) v.v…, và vài loại đậu hột. Lúa gạo là một thứ lương thực xa xỉ, vì phải nhập từ nước ngoài.

Cây lúa gạo tuy chịu đất úng nước nhưng là loại cây nhiệt đới. Người Hòa Lan trong thời trung cổ mua thóc của những nông gia vùng Milano (hiện nay thuộc nước Ý). Từ đầu thế kỷ 19 họ thu mua lúa từ những xứ thuộc địa, nhiều nhất từ Java, Miến Điện, và sau đó là Suriname. Gạo, do tính dễ tiêu, ăn nhẹ bụng, được dùng để nuôi những người bệnh và làm những món ăn ngon quý. Vùng Limburg phía Nam Hòa Lan nổi tiếng với thứ bánh ngọt đặc (vlaai) có trộn gạo. Thóc lúa phần lớn được chở vào nước Hòa Lan bằng thủy lộ, do đó những nhà máy xay lúa nằm dọc những con kinh trọng yếu là điều dĩ nhiên.

Vào cuối thế kỷ 19, lượng lúa mạch, đại mạch v.v… không đủ cung ứng cho nhu cầu, trong khi Miến Điện dư thừa gạo, mang đến cho những nhà máy xay một hướng mới. Những cối xay lúa mạch được cải biến thành cối xay lúa gạo. Ba nhà máy xay lúa (chà lúa) quan trọng hàng đầu của Hòa Lan thời ấy là De Unie, Hollandia và Mercurius, nằm cạnh bên nhau, trên bờ kinh Veerdijk tại làng Wormer. Mercurius xây lên vào cuối thế kỷ 19 (khởi công năm 1891), giờ đây còn được nhiều người biết đến qua thương hiệu Lassie, với “Gạo biến hóa Lassie” (Lassie toverrijst), người Việt mình khi trước gọi là gạo sấy, tức gạo đã nấu sẵn thành “cơm” và sau đó sấy khô. Trên thực tế đây là một quy trình sản xuất đòi hỏi những điều kiện khắt khe, vì hạt gạo dễ bị bể (1).

Nhà máy sản xuất chế phẩm từ lúa gạo nhãn hiệu Lassie, phía trước là hai nhà kho cổ Silo (trái) và Donau (phải) của nhà máy xay lúa Mercurius.
Nguồn: Rijksdienst voor het Cultureel Erfgoed

Nhà máy xay lúa Mercurius có hai kho chứa khổng lồ cao 4 – 5 từng lầu, tên Donau và Silo, hiện vẫn còn sử dụng.

Hàng xóm của Mercurius, cách cây cầu Zaanbrug bắt ngang sông Zaan, là nhà máy xay lúa Hollandia. Hai nhà máy này, cùng với nhà máy xay De Unie ngay sát bên, vào thế kỷ 19 - 20 đều là cơ nghiệp của giòng họ Laan, trùm lúa gạo một vùng Zaan, nhất là sau những vụ cháy kho lúa, cháy cối xay và lụt lội vào cuối thế kỷ 19 làm nhiều nhà máy nhỏ sạt nghiệp. Những nhà máy xay lúa từ đầu thế kỷ 19 đã dần dần chuyển từ cối gió sang máy hơi nước, với lợi điểm là trấu được dùng ngay cho việc đun nồi súp-de tạo hơi nước cho máy chạy.

Thế nhưng, do sự cạnh tranh ráo riết, hậu quả của thế chiến thứ nhất và nhất là những nhà máy xay lúa được dựng lên ở các xứ thuộc địa, và rồi những nước trước đây nhập cảng gạo thì nay nhập lúa về và tự xay, đã mang đến hậu quả là các nhà máy xay lúa ở Wormer nói riêng và Hòa Lan nói chung lần lượt phải đóng cửa, bị bỏ phế, ngoại trừ Mercurius còn hoạt động cho thương hiệu Lassie. Nhà máy De Unie trong tình trạng quá hoang tàn đã bị đập bỏ. Nhà máy xay lúa Hollandia, với 5 nhà kho vĩ đại được tái tạo lại gần nguyên trạng, làm chứng nhân cho một thời hoàng kim của ngành lúa gạo Hòa Lan. 5 kho chứa của Hollandia mang tên, từ trái sang phải: Java, kho chính kiêm nhà máy Hollandia, Bassein, Saigon và Batavia.

Toàn bộ cơ sở của nhà máy xay lúa Hollandia, nhìn từ mặt tiền (2014)

Nhà kho Saigon

Hai anh em Remmert Adriaan Laan và Jan Adriaan Laan và người anh cùng mẹ khác cha Frederik Bloemendaal, xuất thân từ gia đình những đại thương gia khi ấy đang cai quản nhiều cơ sở, trong đó có nhà máy xay lúa De Unie. Năm 1872 họ tách khỏi gia đình, thành lập hãng riêng Bloemendaal & Laan hoạt động trong ngành lúa và dầu, và khởi công xây lên nhà máy xay Hollandia sát bên nhà máy De Unie. Nhà kho Saigon được xây lên vào năm 1888 với mục đích mở rộng diện tích kho chứa. Với cấu trúc gạch đá, nhà kho Saigon nằm chắn trước mặt hai nhà kho gỗ sẵn có là Bassein và Rangoon. Cũng trong đợt này, dãy nhà kho được nối dài thêm bởi kho Batavia. Sau đó, giòng họ nhà Laan bành trướng thêm qua công trình xây dựng nhà máy Mercurius bên cạnh. Dãy nhà kho của 3 nhà máy này (De Unie, Hollandia và Mercurius) được người dân làng thân ái tặng cho cái tên “Bức tường vùng Zaan”, sau thành tên gọi được cả nước chấp nhận.

Năm 1896, một trận hỏa hoạn lớn đã thiêu rụi nhà kho Saigon cùng hai nhà kho Bassein và Rangoon kế bên. Nhà kho Batavia chỉ bị hư hại. Với tiền bồi thường từ bảo hiểm, nhà kho Bassein được xây lại trong cùng năm, và nhà kho Saigon được cất lại vào năm sau (cho ta thấy tốc độ xây dựng thời ấy ra sao). Những nhà kho này được xây bằng gạch và có khung sắt thép. Vị trí của chúng cũng thay đổi chút ít (xem sơ đồ xây dựng qua từng thời kỳ). Nhà kho Rangoon bị khai tử trong đợt tái tạo này.

Nhà kho Saigon trước trận hỏa hoạn 1896 và sơ đồ xây dựng các nhà kho của Hollandia theo giòng thời gian. Lưu ý: Mặt tiền của nhà kho Saigon khi xây lại đã bị thu hẹp đáng kể

Như trên đã trình bày, sau thế chiến thứ nhất, hoạt động của các nhà máy xay lúa giảm rõ rệt. Năm 1965 nhà máy xay Hollandia chính thức ngưng bán lúa gạo, và năm 1972 toàn bộ cơ sở bị đem đấu giá phát mãi.

Phần lớn nhờ vào kiến trúc đặc biệt của dãy nhà: nhà kho Saigon với trường phái Tân Phục Hưng của Hòa Lan, nhà kho Bassein với trường phái giao thời Tân La-Mã và nhà kho Batavia với kiến trúc trung dung của thời Tân Phục Hưng v.v… (2), năm 1986 quần thể kiến trúc này được liệt vào di sản văn hóa quốc gia, và trong vòng 2 tháng, nhà kho Saigon được trùng tu lại hoàn toàn. Sự khác biệt trong đường lối kiến trúc của 3 nhà kho Saigon, Bassein và Batavia so với phần còn lại của cơ sở Hollandia cho những nhà nghiên cứu thấy có một sự tranh cãi trong những công trình xây dựng thời ấy: một bên chuộng những đường nét mỹ thuật, một bên bảo vệ ý tưởng phải thực tế trong xây dựng, qua cơ cấu kiến trúc đơn giản và sự tận dụng khoảng không gian bên trong nhà, như dùng mái bằng, hoặc phải có một mặt tiền toát ra vẻ “cơ sở kinh doanh” hơn.

Bộ cột kèo hiện nay của nhà kho Saigon và mặt sau nhà kho (2014)

Dẫu bên ngoài khác biệt, nhưng cấu trúc bên trong những nhà kho tương tự nhau. Với dàn cột chống bằng gang có vòng ôm tám tấc, có bợ đỡ phía trên làm chỗ tựa cho những đà thép. Trên đó là một hàng đà ngang bằng gỗ cách nhau nửa thước, trên cùng là sàn bằng ván gỗ thông Hoa Kỳ dày 4cm cho thấy sự kiên cố và tính “ăn chắc mặc bền của người Hòa Lan” hòa hợp với tính mỹ thuật khi xây nhà kho Saigon. Sàn nhà kho có sức chịu là 800kg/m2. Giá tiền cất lại toàn bộ nhà kho Saigon sau khi bị cháy ước tính gần 60.000 gulden (năm 1898), cho ta hình dung giá trị của đồng tiền qua dòng thời gian 120 năm qua.

Những nhà kho này hiện nay được chia ra nhiều phần, cho nhiều cơ sở thuê làm văn phòng. Nhà kho Java được sửa thành chung cư. Một phần của nhà kho Saigon được nhóm Pasadena Productions thuê để tổ chức những buổi tiệc tùng họp mặt sinh nhật hay đám cưới… có phụ diễn văn nghệ. Phần còn lại do nhiều cơ sở khác nhau thuê. Sau khi được xếp vào di sản văn hóa quốc gia, mặt tiền dãy nhà kho được trợ cấp để bảo tồn nguyên trạng, nhưng cấu trúc bên trong đã thay đổi nhiều cho phù hợp với mục đích của những cơ sở này. Những cấu trúc cột kèo còn thấy được nguyên thủy, tuy nhiên những vách tường ngăn đã được dựng lên bằng vật liệu nhẹ hiện đại trông lỏn chỏn tân cổ chen nhau hoàn toàn tương phản với vẻ thẩm mỹ ngoài mặt tiền, ngoại trừ một góc nhà kho Batavia được giữ gần như nguyên trạng, hiện là quán cà phê, ăn trưa Batavia trực thuộc casino Batavia (khai trương tháng 04/2011), chiếm ngự hết lầu 1 của nhà kho cùng tên.

Là người Việt, nếu tình cờ đi ngang làng Wormer và chợt nhìn lên, thấy tấm bảng đắp nổi với chữ “Saigon” trên một căn nhà cổ kính đồ sộ, chắc chắn ta sẽ thắc mắc vì sao lại có chuyện này, và khi hiểu ra, chúng ta chắc sẽ tò mò vì sao người Hòa Lan lại chọn tên Saigon, trong khi đọc sách sử ta chỉ biết là người Hòa Lan đến Việt Nam buôn bán vào thế kỷ 17, và ở vùng ngoài (từ Hội An đến Kẻ Chợ – mà họ viết là Cha-Cho, hiện nay là Hà Nội). Qua tên Saigon, điều hiển nhiên là những con tàu Hòa Lan đã nhiều lần ghé bến Nhà Rồng, và thứ hai là Saigon khi ấy hẳn là một nơi đáng ghi nhớ. Phải chăng đó là do sinh hoạt nhộn nhịp? Hay dân tình thân thiện? Hay cảnh trí thiên nhiên… hấp dẫn, khiến nhà máy xay lúa Hollandia đã chọn tên Saigon để đặt cho một căn nhà kho thuộc loại “đẹp nhất nhì” của quần thể Hollandia (3). Tất cả vẫn còn là bí ẩn với người viết bài này.

Minh Hạnh

***

Bài viết với sự tra cứu thêm tài liệu từ:

– Wikipedia
– De Vereniging Zaans Erfgoed
– Tạp chí Erfgoed van Industrie en Techniek
– Rijksdienst voor het Cultureel Erfgoed
– Rijksmonumenten.nl
– Waterlands Archief
– Sách: Leeuwen en draak - Vier eeuwen Nederland en Vietnam; John Kleinen et al.; nxb Boom (2007)
– Folder của Lassie
– Folder của Pasadena Productions

____________

Chú thích:

(1) Ông G.B.D. van Schaik làm trong phòng nghiên cứu của Mercurius đã bỏ ra 3 năm để phát minh và hoàn chỉnh cách làm “toverrijst”. Bước đầu là nấu chín lớp ngoài hột gạo cho thành hồ bột để tạo lớp “vỏ” dai, sau đó nấu tiếp dưới áp suất cao cho tới khi cơm chín tới (áp suất cao giữ cho hột cơm không bị bể), và tiếp theo là giai đoạn sấy khô chậm, kết hợp với giảm áp từng phần. Đây chính là bí quyết để giữ cho hạt cơm toverrijst còn nguyên hình hạt gạo, khác với cơm sấy khi Hoa Kỳ du nhập vào Việt Nam do nhu cầu hành quân – và sau đó Việt Nam tự chế, đơn thuần dùng áp suất cao cộng thêm hóa chất, nên hạt cơm sấy nở bung, ăn thấy lạt lẽo. Có thời Lassie Toverrijst chiếm tới 70% lượng “cơm sấy” tại Hòa Lan (vị trí thứ nhì là parboiled rice), hiện nay là khoảng 50%.

(2) Những kiểu dáng kiến trúc được biểu hiện qua cách dùng vật liệu làm mặt tiền, hình dáng những khung cửa, mái ngói, kiểu mẫu và đường nét của những phù điêu đắp hay chạm khắc trên tường, màu sắc, mái ngói v.v…

(3) Java là hòn đảo lớn nhất và trù phú nhất của Indonesia hiện nay. Batavia, nằm ở phía bắc Java, là thủ phủ của xứ Nederlands-Indië khi xưa, hiện nay là Jakarta. Rangoon là thủ đô cũ của Miến Điện (năm 2005 Miến Điện chọn Naypyidaw làm thủ đô). Bassein là tên cũ của Pathein, một thành phố thương mại lớn và là hải cảng quan trọng thứ nhì, sau Rangoon.


Cái Đình - 2015