Chu Nguyễn
Nguồn vui và nguy cơ lúc xuân về!
Chris Cornell, danh ca nổi tiếng thế giới tự sát đúng độ xuân chín vào 17-5, 2017
Theo lịch thư, mùa xuân ở bắc bán cầu khởi đầu vào ngày 20 tháng ba và kết thúc vào 21 tháng sáu. Sau một mùa đông dài và khắc nghiệt, đã ít nhiều gây tê liệt cho con người và tạo vật. Buổi xuân sang, phần đông chúng ta hớn hở vui mừng vì tìm lại nguồn sống vui, tái tạo sinh lực đã tạm ngủ vùi hàng trăm ngày. Ta hãy đọc thơ xuân của William Blake để thấy cảnh sinh động khi xuân về. Với bầy trẻ thơ líu lo ca hát và nhảy nhót, bầy trìu phô lông tơ trên cỏ biếc, cũng đủ làm cho lòng ấm lại và nguồn sống dâng trào.
Ở đâu cũng thề, nguồn hạnh phúc đón xuân gần như tương tự. Khi xuân về, một nhà thơ tiền chiến ở VN cảm thấy rạo rực tình yêu, “vội vàng” hưởng xuân, từng phút từng giờ, từng nét xuân, từng hương xuân vì lo xuân sớm kết thúc và từng viết:
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Một thi nhân của xứ Lá phong, Charles Sangster (1822-1893), đã ca tụng cảnh vật ở Ontario khi mùa đông u ám, bạc nhược, đã tan dần trước xuân hồng ấm áp, nhựa xuân bừng bừng ở huyết quản thi nhân:
The Spring is in the air
I feel her spirit-kiss upon my lips
I lay my forehead bare,
And the blood rushes to my finger-tps
And back through the full veins of my glad heart
Her purple breath is warm
In every pore of my encarmined cheek,
And through my limbs the storm
Of renewed life, no longer winter-weak
Gives health and vigor to each vital part
Nhưng có phải ở mọi nơi trên trái đất và ở mỗi con người chúng ta, đều nức lòng đón xuân, nhựa sống dâng lên, bừng bừng trong tim hay không? Không hẳn thế vì khi xuân về, vẫn có một số người vốn mang tâm bệnh lại thêm ngã lòng, nản chí. Ta hãy nghe một nhà thơ Việt than thở:
Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?
Với tôi, tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!
Tại sao thế nhỉ? Trái với thành kiến của nhiều người cho rằng mùa thu “có gió thu hiu hắt, trăng thu lạnh, khói thu xây thành , lá thu rơi rụng đầu ghềnh …” và nghệ sĩ não lòng trước cảnh “nhạn về én lại bay đi, đêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm, lá sen tàn tạ trong đầm…” đã chán nản đi tìm giấc ngủ dài để giải thoát. Kế tiếp là mùa đông xám khiến con người sống trong lạnh lẽo, cô đơn dễ nản chí. Trong khung cảnh tàn tạ của đất trời không hiếm tâm hồn vốn ủy mị, vốn có tâm bệnh dễ bi quan và trong một phút yếu lòng, đã chọn biện pháp tự tử để trốn tránh cuộc sống. Không hẳn như thế, thống kê từ các quốc gia trên thế giới từ Úc, sang Âu châu và Mỹ châu cho thấy chính độ xuân sang, số người tìm cái chết gia tăng đáng kể!
Ở Canada, theo cơ quan Thống kê Canada thì mỗi năm có khoảng từ 3600 tới 4000 tử vong vì tự tử. Trong đó, cũng theo kết quả thống kê , dựa vào dữ liệu từ 2000 tới 2012, thì mức tự từ cao nhất xảy ra vào Tháng Năm, với khoảng trung bình 363 ca tự sát. So với mức trung bình toàn năm thì cao hơn khoảng 21 phần trăm (mức thấp nhất xảy ra vào tháng 12 với 299 ca tử vong)
Thiếu gì bằng cớ khá thuyết phục. Các nhân vật nổi danh trên thế giới gần đây tự sát trong những tháng xuân hồng thắm là các tháng 5 và 6 dương lịch phải kể:
Ca sĩ làm rung động hàng triệu trái tim là Chris Cornell (1954-2017) đã từ bỏ chúng ta. Cornell tài danh đang lên tới điểm cao nhất của sự nghiệp vào mùa xuân năm 2017 đã dứt áo ra đi để lại tiếng vang của giọng hát mãi mãi lưu lại trong tâm hồn người yêu nhạc
Và mới đây là Kate Spade (1962-2018), nhà tạo mẫu nổi danh người Mỹ và chuyên viên ẩm thực và văn hóa, Anthony Bourdain (1956-2018) cùng thời gian cuối tháng 5 sang đầu tháng 6, 2018 đã vội vã lìa đời để lại cho đời những hình đường mỹ thuật và hương vị ngọt ngào..
Nguyên nhân nào vậy? Xuân hồng thì phải lạc quan, sao lại bi quan thêm? Có nhiều thuyết gắng tìm hiểu:
Có người tin rằng, nhiều kẻ mang mầm tâm bệnh, và căn bệnh gậm nhấm tâm lý họ suốt mùa đông dài, nay sang xuân, nhìn cảnh vật hớn hở vui tươi chung quanh, người người bên nhau, kẻ tâm bệnh hẳn sẽ càm thây cô đơn hơn nên khó lòng tránh khỏi cám dỗ trốn đời. Quý vị nghe lại khúc hát Tous les garcons et les filles do ca sĩ Françoise Hardy trình bày sẽ thấu rõ tâm trạng kẻ có phần hồn trống trải.
Cũng có người cho rằng tại giấc ngủ có xáo trộn khi xuân sang. Mùa đông kẻ có tâm bệnh ngủ vùi, tạm quên trong mộng ảo, nhưng xuân sang, ngày dài hơn, vũ trụ tỉnh giấc mơ xưa thì bản thân cũng sực tỉnh, phải đối phó với thực tại bế tắc nên những ai có tinh thần mà nền tảng vốn bấy bớt, dễ sa vào sự chọn lựa thiếu khôn ngoan..
Nhiều nhà khoa học lại cho là do phấn hoa, phấn cây tiết ra khi muôn vật bừng bừng sức sống. Chính phấn thảo mộc mùa xuân tiết ra, đã tác động như một chất gây dị ứng vào tinh thần người mang tâm bệnh khiến khả năng miễn nhiễm của họ suy giảm, từ đó họ có chọn lựa bi quan và đáng tiếc
Dr. Teodor Postolache, giáo sư tâm bệnh học tại trường y khoa đại học Maryland cho rằng chính phấn hoa do gió tác động vào thân tâm con người chính là thủ phạm chính gây ra mối yếm thế gia tăng thúc giục nạn tự tử. Từ cuối thập niên 90 thế kỷ trước, Postolache đã nghiên cứu phải chăng chất gây dị ứng từ cây và hoa (aeroallergens) mà gió xuân tải đi đã phụ họa cho hành vi tự từ của những người có tâm bệnh. Đây là một giả thuyết được nhiều nhà khoa học nghiên cứu. Tuy nhiên cũng có ý kiến phản đối cho rằng, chỉ có thể tìm thấy mối liên hệ giữa phấn hoa và nạn tự tử nhưng không thể coi nó là nguyên nhân chính dẫn tới thái độ yếm thế tới mức tự tử của nạn nhân.
Dr. Ian Dawe, chủ tịch của hiệp hội phòng chống tự sát Ontario (Ontario Hospital Association task force on suicide prevention standards) lập luận: “Chúng ta chưa có thể hoàn toàn tin tưởng rằng tác nhân gây dị ứng (allergens) gây ra nạn tự tử. Sự thực chúng ta có thể thấy hai biến số đó đồng biến, mức phấn gia tăng, mức tự sát tăng cao. Nhưng nạn tự sát do nhiều nguyên nhân phức tạp hơn gây nên chứ không do một nguyên nhân nào riêng biệt.”
Để hiểu thêm lý do tự sát tăng gia vào mùa hoa, chúng ta hãy đọc bài sau đây của ký giả Linda Geddes đăng trên BBC Future ngày 17 tháng ba, 2017 với nhan đề The puzzling link between spring and suicide (Liên hệ đáng ngạc nhiên giữa mùa xuân và tự tử.)
“Trong vài tháng tới ở bắc bán cầu, việc tự vẫn có thể nhiều hơn. Vì sao?
Các nghiên cứu từ những năm 1800 cho thấy cao điểm của tự vẫn là vào mùa xuân và không cao điểm là vào mùa đông. “Nếu ta lấy mùa đông làm điểm gốc thì tỷ lệ tự vẫn sẽ cao hơn từ 20 đến 60% trong mùa xuân.” Fotis Papadopoulos, một nhà tâm thần học ở đại học Uppsal, Thụy Điển, đang nghiên cứu mối liên kết này, nói.
Điều này có vẻ trái trực giác khi những ngày ảm đạm hơn lại liên quan với tâm trạng trầm tĩnh. Làm sao có thể như vậy?
Một khả năng là, đây là một kết quả của sự thay đổi serotonin (một chất dẫn truyền thần kinh để điều hòa tâm trạng) trong bộ não. Các nghiên cứu cho thấy mức serotonin trong máu là cao hơn trong mùa hè so với mùa đông, và rằng có một mối tương quan rõ ràng giữa sự tổng hợp chất serotonin và số giờ trời nắng trong ngày mà người ta lấy mẫu máu.
Cũng có sự kết nối thêm nữa là các thuốc chống suy nhược SSRI (làm tăng serotonin) có liên quan đến rủi ro tự vẫn ở một số ít bệnh nhân. “Chúng tôi biết rằng khi chúng tôi điều trị bệnh nhân bằng thuốc chống trầm cảm thì phải cần ít nhất 3 hoặc 4 tuần mới cải thiện được tâm trạng,” Papadopoulos nói. “Trong thời gian đó một số người trở nên hoạt bát hơn hoặc căng thẳng hơn nên họ có thể dễ bị làm theo ý mình. Có thể ánh nắng có tác động tương tự như thế với một số ít người.”
Papadopoulos đã nghiên cứu kỹ lưỡng các số liệu pháp lý và khí tượng của hơn 12,000 nạn nhân tự vẫn, và thấy rằng có mối liên kết giữa thời lượng có nắng hàng tháng với rủi ro tự vẫn, nhưng liên kết này biến mất ở hầu hết người khi ta xét theo mùa.
Tuy nhiên mối liên kết này vẫn thấy có ở những người đang dùng thuốc chống trầm cảm vào thời gian họ tự vẫn. “Điều này có thể được giải thích củng cố cho lý thuyết về serotonin,” Papadopoulos nói.
Có các lý thuyết khác, thí dụ như sự phản ứng chống với chất lạ được kích hoạt bởi phấn hoa, nó gây ra những thay đổi về hóa chất trong não. “Đó là ý kiến lạ lùng khó tin rằng sự thụ phấn của cây lại có thể có liên quan hành động tự vẫn ở con người, nhưng chúng tôi có tìm thấy sự kết hợp giữa phấn hoa của những loài cây cao với việc tự vẫn không hung dữ ở phụ nữ,” Teodor Postolache, giáo sư tâm lý ở đại học Maryland School of Medicine, nói. Cũng có bằng chứng liên kết giữa phép điều trị bằng cytokine (làm thay đổi hoạt động của các tế bào miễn dịch) với ý định tự tử ở một số ít bệnh nhân, ông nói.
Mối liên kết giữa ánh sáng và việc tự vẫn là chưa rõ ràng, và phải nhấn mạnh rằng nó chỉ ảnh hưởng đến một số ít người.
Nhưng trong điều kiện thuốc chống trầm cảm còn chưa là cách điều trị hoàn hảo và chúng ta không hiểu hết sự trầm cảm, tâm trạng hoặc mối quan hệ của chúng ta với mức độ ánh sáng mặt trời, thì đây là một lĩnh vực cần phải nghiên cứu thêm.
.
Chu Nguyễn