Nguyễn Thị Ban Mai
Người ta đi chùa Tam Chúc, tôi đi trung tâm thương mại!
Cảnh người đổ về chùa Tam Chúc ở Hà Nam hôm 14/3/2021 ©vnexplorer
Ban đầu, nhìn tấm ảnh chụp từ trên cao xuống đám đông người như kiến chen chúc trong khuôn viên chùa Tam Chúc, tôi cũng phát hoảng.
Chỉ nhìn ảnh không đã thấy nghẹt thở.
Người ta đi chùa làm gì mà đi đông kinh khủng vậy?
Nhưng nghĩ lại, tôi thấy cảnh này là bình thường.
Trước cảnh chen chúc ở chùa Tam Chúc, rất nhiều năm qua đã có cảnh chen chúc ở đền Trần, ở chùa Hương, ở đền bà chúa Kho, ở chùa Phúc Khánh, phủ Tây Hồ, đền Bảo Hà (phía Bắc). Trong Nam thì ở chùa Bà Đen, miếu bà Chúa Xứ… Ủa có ai nói gì đâu? Vì với người Việt ta, bất kể chùa miễu đình đền nào, hễ được tiếng là linh thiêng, hoặc mới xây to rộng, kiến trúc tân kỳ, hoặc tọa lạc nơi thiên nhiên đẹp đẽ thì không sớm thì muộn, thể nào cũng có lúc người ta đổ đến như nêm.
Nhưng chỉ một phần nhỏ trong đó là phật tử hoặc những người hướng Phật, đến chùa để thực hành tín ngưỡng của họ. Phần tuyệt đại đa số còn lại là người đi chơi, là du khách, nhân đầu năm công ăn việc làm còn rảnh rỗi, thời tiết mát mẻ, bà con họ hàng còn ở chơi nấn ná thì rủ nhau đi chơi chùa.
Đi chơi chùa thích quá đi chứ! Như chùa Tam Chúc đang hot chẳng hạn. Hãy xem ngôi chùa này được giới thiệu như thế nào.
“Chùa Tam Chúc (Hà Nam) gắn liền với truyền thuyết “Tiền lục nhạc, Hậu thất tinh”. Ngôi chùa nằm ở vị thế hết sức đặc biệt: ba mặt được bao bọc bởi dãy núi thất tinh, trước mặt là hồ Tam Chúc có sáu quả núi Lục Sơn Thủy nhô lên. Tương truyền rằng trên từng ngọn núi của dãy thất tinh đều xuất hiện một đốm sáng hào quang lớn tựa như 7 ngôi sao. Nhiều người thấy ánh hào quang đó bèn kéo đến núi Thất Tinh đục đẽo, chất củi thành đống lớn và đốt nhiều ngày để lấy đi 7 ngôi sao. Trong 7 ngôi sao đã có 4 ngôi sao bị mờ dần, chỉ còn lại 3 ngôi sao còn sót lại. Vì thế ngôi chùa “Thất Tinh” sau này được đổi tên thành chùa “Ba Sao” (Tam Chúc) (trích các trang giới thiệu).
Chùa Tam Chúc hôm 14/3/2021. Photo: nhandan.com.vn
Trước khi bị chùa Tam Chúc soán ngôi là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á, quần thể chùa Bái Đính đã từng giữ ngôi vị đó và chắc chắn là ngôi chùa đón nhiều du khách nhất Việt Nam. Cũng như Tam Chúc, Bái Đính nằm giữa thiên nhiên với diện tích vô cùng rộng lớn: tổng diện tích 1.700 ha, chùa nằm trên sườn núi, giữa những thung lũng mênh mông hồ và núi đá, có hang Sáng thờ Phật và thần, động Tối thờ Mẫu và tiên. Muốn lên chùa chính (chùa cổ), phải leo khoảng 300 bậc đá quanh co giữa rừng núi.
Chùa Hương thì không cần phải nói nữa. Đó là cả một quần thể thắng cảnh đẹp đẽ thơ mộng ngay từ cái tên, và nó quyến rũ người ta bằng dòng suối chảy quanh co giữa đồng bằng, hai bên bờ lúa chín. Xin chư Phật tạ lỗi, con xin mô tả việc đi chùa Hương bằng một câu ngạn ngữ nổi tiếng (nhưng con quên mất nguồn rồi, và con chế lại một chút): “Sự thú vị không phải ở đích đến, mà là ở cuộc hành trình”.
Nói không ngoa, ngạn ngữ này áp dụng đúng đắn cho hầu hết các sự “biển người chen chúc ở chùa X” trên đất Việt Nam.
Phủ Tây Hồ chiều chiều “Mịt mù khói tỏa ngàn sương/Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”. Núi Bà Đen “như chiếc nón úp xuống đồng bằng” với biển mây trắng như sóng vấn vít quanh đỉnh những ngày nhiều mây, cộng với những hang động gắn liền với các câu chuyện kỳ bí hấp dẫn như động Ba Cô, động Thanh Long, động Ông Hổ. Miễu bà chúa Xứ núi Sam cùng với quần thể sơn lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, chùa Hang nằm trọn từ chân lên đỉnh ngọn núi nằm giữa lòng thành phố Châu Đốc là vô vàn sự tích ẩn hiện cùng lòng biết ơn với người mở cõi và che chở người dân…
Vậy thì, phải khẳng định lại: Đi chùa thích quá đi chứ! Vì đến chùa là được hưởng thụ không gian thiên nhiên rộng lớn và (lạ quá) vẫn còn xinh đẹp của Việt Nam. Là được băng rừng, lội suối, trèo thác, ngắm lá, ngắm hoa. Được rời mắt khỏi cái màn hình xanh mà phóng ra bao la, được tắt tiếng động cơ, tắt tiếng karaoke hàng xóm (ông nội mẹ ơi nó đắp mộ cuộc tình một tuần nay đắp quài chưa xong), tháo cái khẩu trang khỏi sặc sụa bụi mù phun ra từ triệu triệu ống pô xe máy, thoát ra khỏi cái mớ lưới cào hàng trăm ngàn quảng cáo rình rập vây bủa mỗi giây phút của cuộc sống. Là để bú mớm ngụm sữa lành sạch của đất mẹ nhằm dưỡng nuôi lại cái tâm hồn đã bị đông lạnh và vắt kiệt bởi triệu triệu tấm vách bê tông.
Nói gì nói, dân Việt Nam giờ giàu hơn trước. Đời sống thong thả hơn, thì cũng muốn đi chơi nhiều hơn. Chùa chiền toàn nằm ở nơi danh thắng, thì đến đấy chơi, nhân thể vào chùa đốt một thẻ hương cầu an, chẳng mất gì.
Đấy là mặt tích cực và xu thế tất yếu của một đời sống ngày càng dồi dào về kinh tế.
Còn ở mặt trái, sự ra đời của những ngôi chùa càng ngày càng lớn hơn, càng phá nhiều thiên nhiên hơn, càng sốt ruột đánh chiếm những kỷ lục chùa lớn nhất, tượng Phật lớn nhất, đắt tiền nhất, hành lang dài nhất, bảo tháp cao nhất… một phần nhỏ là để đáp ứng cái sự thiếu vắng thiên nhiên của vài chục triệu con người đang bị quy hoạch sống trong những đô thị thiếu tính người. Phần còn lại, để đáp ứng nhu cầu khẩn thiết hơn nữa, là cầu xin sự che chở, sự an toàn trong một xã hội quá đỗi đảo điên và khó lường.
Những hệ lụy đẻ ra: những ngôi chùa sản sinh ra một loạt quái thai như cúng sao giải hạn, xin lộc giải hạn… thì cũng là từ những nhu cầu xin thăng quan tiến chức, xin tiền tài, xin mua may bán đắt… của những người đến chùa (xin nhắc lại, đến chùa chỉ có một số rất ít được gọi là Phật tử. Số đông còn lại chỉ là tục tử). Nó rất thương mại và phản cảm, bị chính những vụ cao tăng của Phật giáo Việt Nam chỉ trích. Nhưng nó vẫn tồn tại, vì sao?
Thì chính là vì tuyệt đại đa số tục tử nằng nặc đòi phải có những dịch vụ đó đấy thôi.
Những tục tử này chính là nguồn nuôi dưỡng một bộ máy kinh doanh hoàn hảo giấu sau “danh tiếng” nổi như cồn của hàng loạt các ngôi chùa to lớn vĩ đại mới được xây gần đây.
Còn ai là ông chủ của các công ty, các tập đoàn kinh doanh chùa chiền đó, thì xin ngẫm nghĩ. Ai được quyền chiếm đất rừng, đất hồ, đất ruộng mênh mông? Ai có thể huy động nguồn tiền khổng lồ ào ạt trong thời gian ngắn để kịp xây chùa, kịp tô tượng, kịp làm đường, kịp làm tour, kịp quảng cáo? Ai có thể bảo đảm sự an toàn, không bị vào “lò” hay bị báo chí sờ gáy trong suốt thời gian đó? Hỏi, đã là tự trả lời.
Hồi hôm qua, hôm kia, cũng cuối tuần. Người ta nô nức đi chùa Ba ngôi sao để ngắm hồ nước, ngắm núi, ngắm rừng, cầu tài lộc. Còn tui, đi trung tâm thương mại. Hổng leo núi thì thang máy đi xuống đi lên, cũng chen chúc như ai chớ bộ. Đèn điện sáng lóe thay nắng và ánh sao. Cây giả, cỏ giả bằng nhựa lủng lẳng trái đào trên cây lựu, lạ hơn cây thiệt. Bịch nilon đủ màu thay hoa rừng. Có nhạc điện tử pừng pừng thay tiếng chim, tiếng suối. Tài lộc thì ra đi… theo số chi trên tài khoản.
Mọi thú vui tinh thần bị chặt nhỏ, vo viên, nén lại, biến dạng thành thú vui mua sắm. Nhạt quá, nhàm quá, thiếu dưỡng chất quá. Nhưng biết làm sao? Đi đâu cho vui? Ở thành thị Việt Nam bây giờ, một cái công viên đủ để tầm mắt không vướng bận, có cỏ cây không bị xén tỉa, có hồ nước tự nhiên róc rách, có con thú tin cậy tròn xoe mắt nhìn người… kiếm đâu ra? Kiếm đâu ra?
Nguyễn Thị Ban Mai
Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/xahoi/nguoitadichuatamchuc.htm