Minh Hạnh
Người nhập cư khó tìm việc?
.
Một công trình nghiên cứu – nằm trong kế hoạch Chân Trời 2020 (Horizon 2020) – mang tên “Growth, Equal Opportunities, Migration and Markets” (GEMM) với mục đích, qua khảo sát thực địa, phân tích và xác định chỗ đứng của những nhóm dân thiểu số trong thị trường lao động. Cuộc nghiên cứu được thực hiện trên 5 quốc gia: Đức, Hòa Lan, Na Uy, Tây Ban Nha và Anh Quốc. Cho tới nay, khoảng 11.000 đơn xin việc “giả” (hư cấu, tự soạn theo những tiêu chuẩn định sẵn) đã được gởi cho những nơi đang tuyển nhân viên cho các công việc: chuyên viên Tin Học, đầu bếp, chuyên viên kinh doanh (sales), kế toán, nhân viên bán hàng và người đứng nơi quầy hướng dẫn. Những đơn xin việc này, kèm theo bản lược giải cá nhân (CV), có nội dung giống y nhau, chỉ khác ở tên ứng viên (được chọn qua những tên phổ thông tại nước của ứng viên) và nguyên quán.
Các “ứng viên” có nguyên quán thuộc 52 quốc gia của mọi châu lục. Trong số các đơn xin việc, có 151 người gốc Việt Nam, 30 đơn được nộp để xin việc tại Anh, 31 tại Tây Ban Nha, 50 tại Đức, 9 tại Na Uy và 31 tại Hòa Lan.
Công trình nghiên cứu được đặt dưới sự điều phối của tiến sĩ Bram Lancee, phụ giảng thuộc phân khoa Xã Hội và Ứng Xử, đại học Amsterdam (UvA).
Kết quả thu lượm được từ công trình nghiên cứu này làm nhiều người ngạc nhiên, vì không hẳn người bản xứ dễ được thu nhận hơn người nhập cư. Trong mỗi ngành nghề, người ta sẵn có một số ấn tượng là một sắc dân nào đó thích hợp với công việc đặc biệt. Thí dụ nhiều người có sẵn định kiến là dân Ấn Độ siêng năng và giỏi về ngành vi tính, người Hàn Quốc giỏi tính toán, người Mỹ thông thạo trong cách xếp đặt công việc… Có thể nói đây là sự đối xử phân biệt theo hướng tích cực.
Chủ nhân cũng thích người Đức vì họ nghĩ dân Đức có kỷ luật và làm việc chăm chỉ; và họ thích người Á châu do ý nghĩ những người này làm việc siêng năng.
Địa lý và nhân văn cũng giữ vai trò quyết định. Dân nhập cư tại mỗi quốc gia khác nhau, đưa đến sự lựa chọn tùy theo kinh nghiệm quốc gia đó sẵn có với những người nhập cư hay với những quốc gia láng giềng.
Một số sắc dân bị mang thành kiến xấu khắp mọi nơi, như Uganda, Ai Cập hay Irak. Một người Uganda sẽ không bao giờ tìm được công việc nấu ăn trong nhà hàng, vì chẳng ai có ý niệm gì về ăn uống hay cách nấu nướng của dân nước này.
Những người xin việc thuộc các quốc gia có văn hóa quá khác biệt với nơi họ muốn được thâu nhận cũng không được chủ nhân chú ý. Thí dụ như những người Hồi giáo, hay những người từ Phi châu. Hoặc do ảnh hưởng của một số lớn cá nhân sống trong xã hội, đưa đến tình trạng vơ đũa cả nắm: trong khi người gốc Việt ở Hòa Lan hay Tây Ban Nha đứng hạng khá cao thì người Việt ở Đức gần đội sổ (hạng 34 trong số 36)!!!
Dưới đây là tóm tắt những sắc dân được ưa thích nhất (tỉ lệ được gọi phỏng vấn cao nhất) và bị chê nhất (tỉ lệ được gọi phỏng vấn thấp nhất) tại 5 quốc gia được chọn làm nơi nghiên cứu:
Hòa Lan (1) | Na Uy (2) | Đức | Tây Ban Nha (3) | Anh Quốc (4) | |
---|---|---|---|---|---|
Đầu bảng (được ưa thích nhất) | Đức Hàn Quốc Ba Lan Macedonia Trung Quốc Pháp |
Đan Mạch Đức Trung Quốc |
Nga Tây Ban Nha Dominican |
Ấn Độ Hy Lạp Phi Luật Tân |
Ái Nhĩ Lan Ấn Độ Dân Anh nói chung |
Cuối bảng (bị chê nhất) | Uganda Ethiopia Liban Ai Cập Bulgaria Maroc |
Ai Cập Iran Hy Lạp |
Iran Việt Nam |
Nga Nhật Dominican |
Mexico Irak Liban |
(1) Việt Nam: hạng 8
(2) Việt Nam không đủ số liệu để đưa ra kết luận
(3) Việt Nam: hạng 8
(4) Việt Nam: hạng 14
Muốn biết thêm chi tiết về công cuộc khảo cứu, xin xem trong website của GEMM (www.gemm2020.eu).
Minh Hạnh