Nguyễn thị Cỏ May
Một hiện tượng trong văn học Pháp hậu chiến
Đọc Françoise Sagan ở Sài gòn thì nay phải là những người trên dưới 80 tuổi. Nhắc lại Françoise Sagan vì nay là mùa thu thứ 13 bà mất.
Lớp độc giả của Françoise Sagan chắc hãy còn nhớ, đầu thập niên 50, ở Sài gòn, các trường học còn dạy chương trình Pháp, theo Pháp hẳn như Trung học bắt đầu bằng 6e, 5e,… tới 1ère, thi Tú Tài I và Terminale, thi Tú Tài II. Hoặc theo chương trình Đông dương, Trung học bắt đầu bằng 1ère Année, 2è Année,… 4è Année thi Diplôme (DEPSI – Bằng Cao Tiểu Đông dương), xong lên 2è,… thi Tú Tài như chương trình pháp thật sự. Sau đó, khi các trường ngoài Bắc di cư vào Nam, Sài gòn mới có nhiều trường dạy Đệ Thất, Đệ Lục,… và thi Tú Tài Việt nam, cũng với 3 Ban Triết, Khoa học và Toán. Học sanh chương trình Việt nam, Ban Văn chương thuở đó đều dư sức đọc truyện Tây hoăc Ăng-lê.
Năm 1956 – không biết nhớ có đúng không – thanh niên Sài gòn có dịp làm quen với Françoise Sagan qua truyện đầu tay của bà “Bonjour Tristesse!” (Buồn ơi, chào mi!” (Nhà báo Nguyễn Vỹ dịch), do nhà Julliard ở Paris xuất bản lần đầu tiên năm1954. Tiếp theo là Un certain sourire, Dans un moi, dans un an, Aimez-vous Brahms?,… Dĩ nhiên chỉ một số ít mà thôi.
Truyện “Bonjour Tristesse!” bán hằng triệu bản, dịch ra 20 thứ tiếng, trở thành best-seller năm bà mới 19 tuổi. Và Françoise Sagan được thế giới biêt như một hiện tượng văn học Pháp thời hậu chiến.
Nhỏ học dở, lớn hiển hách!
“Luân lý giáo khoa thư” (sách lớp Tư chương trình đông dương) dạy rằng “Rừng nhu biển thánh khôn dò, Nhỏ mà không học, lớn mò sao ra”. Françoise Sagan lúc nhỏ tuy có đi học nhưng là một học sanh ham chơi hơn ham học.
Bị đuổi khỏi trường Louise de Bettengnies ở khu sang của Paris XVII, bà được gia đình đưa vào trường bà Sơ Couvent des Oiseaux. Chọc phá, bị đuổi nữa và cứ thế bà nhảy hết ba trường đạo.
Tội nặng nhứt là thiếu đức tin. Sau cùng, bà học một trường tư. Năm 1951, thi rớt Tú Tài. Khóa sau nhờ học luyện thi cấp tốc nên thi đậu. Sagan ghi tên lớp Dự bị Văn chương ở Sorbonne nhưng cuối năm học 1953 cũng không đủ điểm để lên Năm I.
Ngoài ham chơi, Sagan mê đọc sách. Đọc rất nhiều sách của những tác giả lớn như Sartre, Camus, Malraux, Proust,… Lúc học ở Sorbonne, bà bắt đầu sống nếp sống trưởng giả Paris, hội hè, chè chén. Bà có điều kiện ăn chơi vì vốn con nhà khá giả, cha làm kỹ nghệ.
Chán học nhưng Sagan lại muốn phải làm cái gì theo ý mình. Suốt mùa hè 1953, Sagan viết xong “Bonjour Tristesse” chỉ trong vòng hơn 30 ngày. Bà gởi bản thảo tới nhiều nhà xuất bản ở Paris, nhà Julliard nhận xuất bản nhưng phải được phép cha mẹ vì Sagan còn vị thành niên, mà lúc đó tuổi trưởng thành là 21. Ông Quoirez, cha của tác giả, đồng ý nhưng phải ký dưới một bút hiệu chớ không được giữ tên thiệt là Françoise Quoirez. Bà chộp ngay tên Sagan, một nhân vật trong truyện “A la recherche du temps perdu” (Đi tìm thời gian đã mất) của Marcel Proust mà bà yêu thích để thay cho tên của mình.
Julliard in lần thứ nhứt có 3000 bản. Bán hết ngay. Qua năm sau, “Bonjour Tristesse” được dịch ra tiếng Anh và trở thành tác phẩm dẫn đầu những best-seller ở Mỹ.
Năm 1958, “Bonjour Tristesse” bán ở Pháp lên tới 810.000 bản. Sách liền được dịch ra 20 thứ tiếng khác nhau.
Ngoài số sách bán ra lên hằng triệu, “Bonjour Tristesse” được giải thưởng “ Prix des Critiques “ đem lại cho tác giả 500.000 bảng anh (Livre sterling – 1 euro = 0,87 livre).
Chính sự thành công to lớn này đã làm cho Vatican chú ý và phản ứng. Giáo hoàng Pie XII lên án gay gắt “Bonjour Tristesse”. Khi Sagan làm đám cưới đầu tiên, vị Linh mục từ chối làm lễ cho bà.
Nhưng Sagan thấy đầy phấn khởi nên say mê viết tiếp. Và cứ hai năm, bà cho ra đời một quyển truyện.
Sách của Sagan xuất hiện khắp nơi, trong tiệm sách, trong thư viện, cả trên kệ sách gia đình. Và đặc biệt trong trao đổi thời sự văn học, trong giới học sinh, sinh viên.
Thử tưởng tượng sự thành công viết văn của một cô gái trẻ: hơn 30 triệu bản bán ra. Nhiều tiểu luận cao học, luận án tiến sĩ của sinh viên các Đại học trên thế giới, nhứt là Huê kỳ, lấy đề tài nghiên cứu trên tác phẩm của bà.
40 tập truyện của bà đều được dịch ra tiếng anh, mặc dầu có nhiều truyện không được best-seller nhưng cũng đều bán đắt như tôm tươi.
Nhà văn lớn của Huê kỳ, ông John Updike, hai mươi năm sau, ca ngợi “Bonjour Tristesse” trên The New Yorker: “sôi động như biển cả, hẻo lánh như rừng hoang, nhanh nhẩu theo bản năng tự nhiên, các nhơn vật được xây dựng hoàn hảo”. Ông nói thêm “tác phẩm phải được viết theo một niềm tin hồn nhiên tánh chất khêu gợi của sự kiện”.
Riêng tác giả thì cho rằng sự thành công của mình là một “thành công đầy tai tiếng, bêu riếu”.
Người ta không thể chấp nhận được chuyện một cô gái 17 hoặc 18 tuổi làm tình với một đứa con trai trạc tuổi mình mà chẳng hề bị la mắng hay trừng phạt gì cả. Ðã thế, cô gái lại còn biết thảo luận chuyện tình ái lăng nhăng của cha mình, những đề tài lúc đó vẫn còn bị cấm kỵ giữa cha mẹ và con cái theo giáo dục nghiêm ngặt của Thiên chúa giáo.
Riêng đối với Sagan, tai tiếng của câu chuyện là “một nhân vật lại có thể – do vô thức, do ích kỷ – đưa đến cái chết của một người khác”.
Nhờ sự thành công nổi tiếng trong văn giới mà Sagan đã sớm quen biết những nhà văn lớn của Pháp như Jean-Paul Sartre, Ernest Hemingway, Henry Miller và cả trong chính giới như chính trị gia trẻ tuổi tả phái François Mitterand, sau là tổng thống Pháp.
Về cuối đời, Sagan phải ngồi xe lăn, chống nạng sau nhiều lần giải phẫu do tai nạn xe cộ. Đã thế, nợ nần chồng chất, bà phải bán căn nhà ở Normandie, và sống qua ngày ở nhà những người bạn. Cuối cùng, bệnh nặng quá, bạn bè đưa vào nhà thương.
Tháng Chín năm 2004, tại bệnh viện Honfleur ở Normandie, thành phố cảng miền cực Bắc nước Pháp, Françoise Sagan mất. Thọ 69 tuổi, đưa về an táng ở quê hương vùng Lot, bên cạnh cha mẹ và người anh.
Cả nước Pháp xúc động.
Báo chí Âu Châu thương tiếc bà qua nhiều hàng tít lớn lấy từ tựa những tác phẩm nổi tiếng nhất của Sagan, chẳng hạn tờ La Vanguardia ở Tây Ban Nha: “Bonsoir Françoise”; tờ Corriere della Sera ở Ý: “Françoise Sagan, adieu tristesse”.
Báo chí Pháp như Paris Match, Le Figaro, L’Express, Le Monde, La Libération,… cho đi cả một loạt bài vinh danh con người và sự nghiệp của Sagan: “Ðời bà y như một cơn gió xoáy… Rộng lượng, đầy cảm hứng, nhanh nhẩu, nổi loạn, không thể phân loại, không thể bắt chước. Chúng ta yêu mến Sagan, ngay cả nếu chúng ta chưa hề đọc sách của bà hay không còn đọc sách của bà nữa. Sagan là một cái gì còn hơn cả chính Sagan, còn hơn là một hiện tượng viết văn: một nhà văn, một phụ nữ, một kỷ nguyên. Bà vội vã đi hết tốc lực xuyên suốt cuộc đời và tác phẩm của mình, chẳng thèm quan tâm đến mình”.
Chánh giới Paris cũng bày tỏ sự thương tiếc Sagan. Tổng thống Pháp Jacques Chirac xúc động: “Bà chết đi, nước Pháp đã mất đi một trong những tác giả độc đáo nhất và nhạy cảm nhất, một khuôn mặt sáng giá trong sinh hoạt văn chương của chúng ta. Với sự sắc sảo, trí tuệ và tinh tế, Françoise Sagan đã thăm dò những nguyên động lực và những đam mê của tâm hồn con người”(…). Bà đã góp phần vào sự tiến bộ của vị trí người phụ nữ trong xã hội chúng ta”.
Thủ tướng Jean-Pierre Raffarin: “Françoise Sagan, đó là một nụ cười, sầu muộn, khó hiểu, xa cách nhưng mà vui”.
Bộ trưởng văn hóa Renaud Donnedieu de Vabres: “Chúng ta đã mất đi một nhân vật ngoại hạng, một nghệ sĩ đầy tài năng”.
Môt hiện tượng xã hội thời hậu chiến
Thế chiến chấm dứt tạo ra một xã hội Âu châu mới với tuổi trẻ tiêu biểu sống thác loạn.
Sống trước đã và cho chính mình! Sagan là một khuôn mặt nổi bật của Paris suốt hai thập niên 50-60. Mái tóc cắt ngắn, mặc áo da, cặp mắt viền đậm, tay kẹp điếu thuốc đen (Gauloises, như Bastos, Mélia ở Sài gòn hay thuốc rê Gò vấp), với tách cà-phê. Bà la cà các quán cà-phê khu la-tinh, các quán ăn Paris, tối thì hộp đêm.
Đi xe thể thao Jaguar, đậu ngay trước cửa nơi tới, thách thức với luật lệ. Do có nhiều tiền, Sagan có điều kiện thỏa mãn cuộc sống vội vàng và cuồng vọng. Bà lao vào rượu, hút, cờ bạc, tình dục thả cửa. Khi lái xe, Sagan say mê tốc lực. Cũng giống như tuổi trẻ lúc bấy giờ, bà tìm thấy hạnh phúc ở nguy hiểm khi thoát trong gang tấc.
Sagan là một mẫu hiện sinh (existentialiste) nhưng không phải lý thuyết mà bằng hành động, bằng thực tế đời sống của bà.
Tâm lý xã hội hậu chiến thường xuất hiện ở những nước sau khi hết chiến tranh. Việt nam dĩ nhiên không tránh khỏi.
Riêng ảnh hưởng Sagan đến Việt nam vào những năm cuối 50 và đầu 60 khá đậm nét nhưng chỉ trong phạm vi thu hẹp lúc ban đầu ở lớp đọc truyện của bà. Sau đó lan rộng ra khi truyện của bà được dịch ra tiếng việt nam. Các bà các cô cắt tóc ngắn, kiểu tóc “con trai”, bỏ kiểu uốn quăn hay kẹp đuôi gà. Học sanh ngồi cà-phê, hút thuốc. Nhiếu quán “cà-phê văn nghệ, triết lý” mọc lên nhiều nơi. Sách báo ảnh hưởng trào lưu hiện sinh của Pháp bắt đầu e ấp xuất hiện. Gần như một copie của Pháp. Sau 63, tiểu thuyết, tác giả nhà văn nữ, viết mạnh mẽ về đời sống thầm kín phụ nữ mà trước giờ chỉ do các ông viết thay bằng óc tưởng tượng. Nhưng dầu sao, hiện tượng “sống cái đã” ở Việt nam vẫn hiền lành hơn ở Âu châu, nhứt là Pháp và Đức.
Ngày nay, lớp tuổi 50-60 và cả lớp con em của họ ở Việt nam đang sống vô cùng thác loạn vì mất phương hướng. Cán bộ đảng viên có tiền lao vào sống vội, lặn ngụp trong những đam mê vật chất. Các bà vợ ở nhà cũng lo sống cho mình, tìm bồ nhí, tìm phi công trẻ. Giá trị tiêu chuẩn của xã hội việt nam là đạt điều mình muốn, đạt mục tiêu là trên hết.
Khác với Sagan, nếu so sánh, Sagan xài tiền của mình kiếm được bằng khả năng làm việc của chính mình còn ở Việt nam, giới có tiền tiêu xài nhờ kiếm được bằng chức quyền lãnh đạo đất nước.
Tâm lý xã hội pháp hậu chiến dẫn tới phong trào sinh viên học sinh bạo loạn tháng 5/68 là cao điểm. Sau đó, luật pháp cho phép tự do luyến ái, thừa nhận nữ quyền, cho phá thai, ngừa thai,… đã làm lắng dịu xã hội từ lâu căng thẳng dưới sức ép của ảnh hưởng tôn giáo.
Năm 1981, Tổng Thống mác-xít Mitterrand đem trường học trở về thế tục, xóa bỏ nề nếp cũ, tách đời sống xã hội khỏi sự quản chế của Giáo hội, làm dịu thêm xã hội pháp. Nhưng sau đó, xã hội pháp lại mất đi những giá trị mẫu mực, nhà trường xuống cấp, thang giá trị đảo lộn. Ngày nay, chánh quyền kêu gọi phục hồi những giá trị đạo lý cho học đường. Nhưng làm sao, thứ đạo lý nào?
Pháp đã như vậy, Việt nam ngày mai này sẽ đi về đâu? Tiến lên một Việt nam xã hội chủ nghĩa?
.
Nguyễn thị Cỏ May
_____
Xem toàn bộ bản dịch tiếng Việt tác phẩm “Bonjour Tristesse”, người dịch: Lan Huệ.