Nguyễn Thị Quỳnh Anh


Mc Donald’s khai trương ở Việt Nam, mang Big Mac đến cho những người thích Bánh Mì

 

Khách hàng đang xếp hàng chờ trong đường "Drive Thru" trong ngày khai trương tiệm McDonald's đầu tiên tại Việt Nam
Ảnh Lê Quang Nhật/AFP

 

HÀ NỘI , Việt Nam - Khi Nguyễn Hoàng Anh và Nguyễn Thị Mỹ Hảo bắt đầu hẹn hò nhau, cặp trai gái 23 tuổi đã cùng một ý với nhau là họ khác nhau về sở thích thực phẩm: Cậu Anh ưa chuộng những món ăn nhanh kiểu Tây phương, nhưng cô Hảo chủ yếu là ăn phở, một thứ súp phổ thông, và các loại đồ ăn khác của miền bắc Việt Nam khác mà cô đã thích ăn từ khi còn nhỏ.

"Anh ấy kéo tôi tới đây ", cô Hảo, thư ký tại một trường đại học ở Hà Nội, vừa cho biết như vậy tại một nhà hàng Burger King ở đây.

Nhưng mặc dù không ăn những món ăn nhanh gần như hàng ngày giống bạn trai, cô Hảo cho biết cô không hoàn toàn chống lại nó dù chỉ một lần trong thoáng nào đó.

"Đôi khi tôi muốn thử một thứ gì khác," cô nói, trước khi cắn một miếng bánh hamburger Whopper của mình.

Thái độ như cô ta – và tính háu ăn như bạn trai của cô – đã làm cho Việt Nam hấp dẫn trong mắt các thương hiệu bán thức ăn nhanh của Mỹ, mà họ xem quốc gia này là một trong những thị trường tiêu dùng cuối cùng của châu Á với tiềm năng chưa được khai thác đáng kể, theo các nhà phân tích công nghiệp.

Người nhập cuộc mới nhất là McDonald, chàng khổng lồ của thức ăn nhanh, đã có nhà hàng ở hơn 100 quốc gia và sẽ mở cửa tiệm đầu tiên ở Việt Nam vào ngày thứ Bảy này (08/02/2014) tại trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.

Việt Nam có một tầng lớp trung lưu đang nổi, và phần lớn trong số 90 triệu công dân được sinh ra sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, vào năm 1975. Nhiều thanh niên Việt Nam rất mực tò mò về ẩm thực và văn hóa nước ngoài, như thịt nướng kebab và nhạc pop Hàn Quốc, và sự khai trương McDonald đã được bàn tán rộng rãi trên các trang web Việt Nam trong những tuần vừa qua.

KFC đã mở tiệm tại Việt Nam vào năm 1997, hai năm sau khi nước này bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Nhưng cho đến năm 2010 vẫn không có thương hiệu Mỹ nào bắt đầu gia nhập thị trường của Việt Nam một cách nghiêm túc. Họ toàn là theo gót các thương hiệu châu Á hiểu theo nghĩa rộng. Những tập đoàn bán thức ăn nhanh Á châu theo kiểu Mỹ, như Lotteria từ Hàn Quốc và Jollibee của Phi Luật Tân, đã dần dần gây dựng các nhà hàng ở vài thành phố lớn. Hai thương hiệu cà phê Việt Nam – Highlands Coffee và Trung Nguyên – cũng đã thực hiện một chuyện giựt gân trong một thị trường bị chi phối bởi các quán cà phê gia đình.

Chuyện không thể tránh khỏi, các chuyên gia tư vấn cho biết, là sẽ có nhiều thương hiệu hơn của Mỹ xâm nhập vào Việt Nam một khi nhịp kinh tế tỏ ra hấp dẫn hơn. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam từ 1.000 USD năm 2008 đã tăng lên tới 1.550 USD vào năm 2012, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, và lạm phát đã ổn định.

"Với một dân số đông, chính phủ đang tạo sự dễ dãi cho họ xâm nhập thị trường", ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành của Việt Nam và khu vực sông Mekong tại TNS Global, một công ty tư vấn nghiên cứu thị trường của Anh quốc cho biết, "và người Việt Nam hiện đang có thu nhập cơ bản ở mức độ không chỉ vững chắc mà còn tạo cơ hội thực sự cho sự gia tăng và hưởng lợi."

McDonald đã chờ đợi một thời gian dài để khai trương ở Việt Nam, gây dựng sự công nhận thương hiệu toàn cầu của mình và có khả năng hấp dẫn người tiêu dùng trẻ tuổi ở Việt Nam. Và khi họ đã thực hiện, nó được gắn với tên Henry Nguyen, con rể của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, qua hình thức nhượng quyền khai thác tại  địa phương.

Bill Hayton, một cựu phóng viên nước ngoài tại Việt Nam và là tác giả của cuốn "Vietnam: Rising Dragon", một cuốn sách ra năm 2010 trong đó mối liên hệ giữa tiền bạc và quyền lực trong nhà nước độc đảng được khai triển, cho biết: "Luật pháp và các quy định thường khá mơ hồ trên văn bản, cho các quan chức rất nhiều cơ hội để trì hoãn hoặc hỗ trợ các kế hoạch của nhà đầu tư, nhưng ông Nguyễn đã có khả năng điều đình giải quyết những khó khăn này một cách dễ dàng. Có người bố vợ là nhân vật quyền lực thứ hai trong cả nước là giống như có một tấm các thượng hạng và tấm thẻ ‘đi lọt mọi chỗ’ được xâu chung một chuỗi.”

Người đại diện cho McDonald đã từ chối yêu cầu một cuộc gặp gỡ hoặc cuộc phỏng vấn qua điện thoại với ông Nguyễn, một ông trùm kinh doanh người Mỹ gốc Việt đã đến định cư ở Hoa Kỳ khi còn là một đứa trẻ và trở về nước với bằng cấp Đại học Harvard và Đại học Northwestern để điều hành các văn phòng của IDG Ventures Việt Nam, một mạng lưới các quỹ đầu tư ‘phiêu lưu’ có trụ sở đặt tại San Francisco.

Trong một bản tuyên bố, Liam Jeory, phó chủ tịch của McDonald, về quan hệ đối tác của công ty, đã viết: "Hợp đồng với Henry Nguyen theo dạng như cấp phép khai thác là kết quả của một quá trình lựa chọn khắt khe từ nhiều năm trước. Ông Nguyễn mang một niềm đam mê mạnh mẽ đối với thương hiệu mà ông đã phát triển trong khi làm việc như một nhân viên chủ chốt bán thời gian cho McDonald khi ông còn là một sinh viên trẻ ở Hoa Kỳ."

Các chuyên gia ngành công nghiệp thực phẩm nói là McDonald và những thương hiệu thức ăn nhanh khác của Mỹ có đặc điểm là họ phổ biến thương hiệu của họ khi nhắm vào thị trường châu Á qua cách tạo một phong thái sinh hoạt cho giới trung lưu, chứ không phải đưa chúng vào như là một lựa chọn rẻ tiền cho người nghèo, và họ nói rằng chiến lược áp dụng cho Việt Nam của họ không phải là ngoại lệ.

Những phần ăn tại Burger King trên phố Lò Đúc ở Hà Nội được bán trong những ngày thường với giá 65.000 đồng – gấp đôi giá mà Nguyễn Thị Hằng Nga tính cho một tô phở trong nhà hàng của bà bên kia phố, nơi mà khách hàng quen ngồi trên ghế nhựa màu xanh.

"Những món đó có thể ăn ngon miệng, nhưng nó đắt so với túi tiền của dân Việt bình thường," bà Nga nói về các cung ứng của công ty Mỹ .

Một báo cáo năm 2012 do nhà dự báo thị trường Euromonitor International đã dự đoán rằng ngành công nghiệp dịch vụ thực phẩm của Việt Nam sẽ tăng từ 383.000.000 USD năm 2010 tới 670.000.000 USD trong năm 2015, theo Lucia Vancura của Promar Consulting, một công ty ở Tokyo chuyên tư vấn về thực phẩm và nông nghiệp. Tuy nhiên, bà cho biết, các thông số chính xác của "thức ăn nhanh" không được xác định rõ trong bản dự báo.

Virginia Ferguson, một phát ngôn viên ở Kentucky cho Yum Brands, công ty mẹ của KFC và Pizza Hut, cho biết là KFC đã tăng trưởng nhanh chóng sau khi mở cửa năm 1997 vì nó là người đầu tiên của loại hình kinh doanh này tại Việt Nam. KFC hiện có 134 địa điểm ở Việt Nam, và Pizza Hut, mở ra một thập kỷ sau đó, có 34 địa điểm. Baskin-Robbins và Dunkin' Donuts, mở cửa tại Việt Nam trong năm 2012 và 2013, đã có tổng cộng 18 địa điểm. Hai thương hiệu này có kế hoạch chung với nhau để mở từ 60 đến 80 địa điểm hàng năm ở Đông Nam Á.

Gã khổng lồ ngành cà phê Starbucks đã mở ba quán đầu tiên tại Việt Nam năm ngoái, tất cả đều nằm trong thành phố Hồ Chí Minh, cho biết là công ty dự kiến ​​mở tại Hà Nội vào năm 2014. "Đối với chúng tôi, thị trường Việt Nam là một cơ hội rất lớn, và chúng tôi đang có cái nhìn dài hạn xem chúng tôi sẽ phải kinh doanh đúng cách ra làm sao", ông John Culver, giám đốc của công ty đặc trách Trung Quốc và châu Á -Thái Bình Dương, nói.

Các chuyên gia ngành công nghiệp nói rằng mặc dù thị trường thức ăn nhanh của Việt Nam còn lâu mới đạt mức bão hòa, nhưng những công ty đa quốc gia đang cố gắng mở rộng hoạt động của họ hiện lại phải đối mặt với những thách thức về việc cung ứng.

Thứ nhất là tìm kiếm các nơi đặt trụ sở trung tâm có giá cả phải chăng và nằm trong khu vực trung tâm thành phố nhỏ bé của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có sự cạnh tranh rất khốc liệt và giá thuê hàng tháng tại những vị trí hàng đầu có thể lên tới 19 USD một square foot (0,09 m2), theo ông Richard Leech, Giám đốc điều hành tại văn phòng đặt tại Việt Nam của CBRE, một công ty tư vấn bất động sản có trụ sở tại Los Angeles. Ông cho biết các công ty thức ăn nhanh tại thành phố Hồ Chí Minh thường tìm cách trả khoảng 6 USD một foot square.

Một trở ngại khác là thiết lập một mạng lưới phân phối thực phẩm và mạng lưới chuyên chở hàng lạnh hữu hiệu có tầm hoạt động đến tận những thành phố hạng nhì.

Một số công ty quốc tế đã nhận thấy là họ cần phải biến đổi thực phẩm của họ cho thích ứng với khẩu vị địa phương. Chuỗi tiệm bánh Hàn Quốc Paris Baguette cung cấp nhiều loại bánh mì, một thứ sandwich Việt Nam điển hình trong đó có thịt heo xắt lát điểm thêm cọng ngò. KFC phục vụ món cơm hải sản bên cạnh gà rán của mình, còn cả hai chàng Starbucks và Dunkin' Donuts có nước ngọt để thu hút dân Việt Nam có thói quen uống cà phê ngọt gắt cổ.

Nguyễn Hoàng Anh, 23 tuổi, người khoái thức ăn nhanh, cho biết trước buổi ăn trưa vào một ngày trong tuần mới đây rằng anh hoan nghênh các thương hiệu Mỹ đến Việt Nam, một phần vì anh chưa bao giờ thấy thích món ăn Việt Nam cho lắm. Anh nói ăn bánh mì kẹp thịt và gà rán nhắc nhở anh về cuộc sống tại Úc, nơi anh vào ba năm trước đã tốt nghiệp trong ngành thiết kế và truyền thông qua màn hình.

"Nó chẳng có gì phức tạp – nó không mang nhiều hương vị hỗn hợp, như món ăn Việt Nam", anh Anh nói.

Nguyễn Thị Mỹ Hảo, bạn gái của anh, lắc đầu và cho biết thói quen ăn nhanh của anh Ánh làm mẹ cô thất vọng.

Nguyên tác: McDonald’s Opens in Vietnam, Bringing Big Mac to Fans of Banh Mi, Mike Ives,
The NewYork Times, 05/02/2014, đã được hiệu đính lại ngày 12/02/2014.
Người dịch: Nguyễn Thị Quỳnh Anh (Hòa Lan, 03/2014)


Cái Đình - 2014