Phan Văn Song


Đọc chuyện Tàu, ngẫm việc Ta:

Ma Jian: Quyền Được Sanh, Quyền Được Sống.

Trước đèn xem truyện Tây Minh
Gẫm cười hai chữ nhơn tình éo le

(Nguyễn Đình Chiểu - Lục Vân Tiên)

Tuần qua, được bạn bè giới thiệu, mua đọc cuốn sách La Route Sombre – Con Đường Tăm Tối của tác giả người Hoa Ma Jian hiện tỵ nạn tại London, Anh Quốc.

Sách dẫn chứng những bạo hành của chế độ do Trung Cộng kiểm soát một cách độc tài và và vô nhơn đạo xã hội người Hoa. Tác giả viết rõ, kể rõ không nhơn nhượng, không dùng mỹ từ, họa rõ, tả chân bức tranh một Trung Hoa hoàn toàn bị bóp nghẹt, sống dưới một chế độ tàn bạo, vô đạo đức.

Xin giới thiệu đến các độc giả, để cùng nhau nghĩ đến viễn tượng một Việt Nam ngày mai có nguy cơ Hán Hóa! Hãy nhận rõ bài học: Tàu không thương dân Tàu làm sao thương được dân Việt Nam!

Ma Jian, La Route Sombre, 2012, Pháp ngữ do nhà sách Flammarion, Paris 2014 với lời giới thiệu của GaoXingJian, giải Nobel Văn Chương năm 2000: “Một trong những tiếng nói can trường nhứt của văn chương Trung Hoa”

***

Ma Jian: La Route Sombre – Con Đường Tăm Tối.

Đọc “Con Đường Tăm Tối” của Ma Jian là cả một công trình chông gai. Mỗi giòng, mỗi trang là mỗi cảm xúc mạnh. Cả một cố gắng. Vẫn phải tiếp tục đọc. Bao lần bỏ sách xuống. Bao lần dở sách lên đọc tiếp. Không phải vì thích thú, nhưng vì bổn phận. Vì tất cả là sự thật, như những cơn bão thổi mạnh, những cơn bão “sự thật” đập vào mặt, phũ phàng, cay đắng, hung bạo. Tuy viết một cuốn tiểu thuyết, nhưng tác giả là một nhơn chứng, sống thực và nay kể chuyện, rất tả chân, cho người đọc, để chúng ta – chúng ta những người đang sống trong một xã hội hiền hòa, trọng người, trọng luật, trọng nhơn, trọng nghĩa, nhơn ái, nhơn hòa – cho chúng ta thấy rõ, hiểu rõ những gì đang xảy ra ở một quốc gia xa xăm, xa xăm đối với cả cá nhơn chúng tôi và gia đình chúng tôi vi chúng tôi chưa bao giờ đi du lịch Trung Hoa, hay Trung Quốc nói theo từ Việt ngữ Vìệt Cộng.

Bổn phận phải đọc? Phải, phải đọc, và phải giới thiệu với quý bạn đọc Việt Nam. Để nhận rõ tên láng giềng phương Bắc, để nhận rõ kẻ thù truyền thống, bao lần manh nha xâm chiếm và đô hộ đất nước Việt Nam. Hãy bỏ đi những bài học truyền thống về văn hóa Trung Hoa Khổng Mạnh, về quan niệm người quân tử. Hãy quên đi những Nhơn, những Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Lý thuyết Cộng sản đã phá, đã vứt bỏ cả Tứ Thư Ngũ Kinh, Can Thường, Đạo Lý.

Tuyên truyền Việt Cộng gọi chế độ Pháp thuộc là chế độ Thuộc địa, gọi chế độ Mỹ là chế độ Đế quốc. Thế thì nghĩ sao về chế độ Hán thuộc? Xin thưa, vừa Thuộc địa, vừa Đế quốc. Ngày nay, hiện tượng ấy đang phổ biến ở vài quốc gia ở Phi châu: Zambia, Cameroun… và ngay cả những khu vực láng giềng biên cương lãnh địa Trung Hoa.

Người viết chúng tôi đã có nhiều bài nói đến những hiện tượng ấy. Bài nầy, một lần nữa xin đóng góp vào công trình chung của tất cả bạn bè giao hữu đang cùng nhau đánh tiếng báo động viễn ảnh Tàu thuộc, Hán hóa!

Người viết cũng xin nói rõ rằng người viết không bài Hoa, chống người Hoa. Gia phả người viết cũng như một số gia phả các gia đình gốc gác Đàng Trong, vốn gốc người Minh Hương, Ông tổ mười bốn đời chúng tôi qua tỵ nạn ở Việt Nam vào những năm 1644, khi Nhà Thanh toàn chiếm đất Tàu. Chuyện ấy được bà xã người viết Hélène Phan Van Song-Fillet viết kể trong cuốn tiểu thuyết bằng Pháp ngữ Courrier de Chine – Người Đưa Thư Từ Đất Tàu – Elytis Editions 2006.

Xin trở về với cuốn sách của Ma Jian và Trung Quốc. Xin phép quý vị dùng từ Trung Quốc theo từ ngữ do nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam áp đặt. Trung Quốc ngày nay có mặt mọi nơi, với nhiều hình ảnh, tốt xấu tùy người, tùy cảnh, tùy đối tượng! Khi thì bạn bè, đồng minh, như với Nga Poutine! Khi thù địch, như với Nhựt, với Phi Luật Tân! Khi thì nửa gây hấn, nửa kẻ cả, vừa răn đe vừa vuốt ve che chở, như đối với Việt Nam! Khi thì đối tác làm ăn, ngoại giao, giữ miếng, “miệng nam mô nhưng bụng đầy dao găm” như đối với Âu châu với Mỹ! Và khi hoàn toàn thuộc địa, chủ nhơn ông “đá đít bợp tai” kẻ dưới người bản địa, “tiểu nà má”, hoàn toàn đế quốc thuộc địa, theo kiểu Tây thuộc địa “mẹt xà lù” với dân chúng bản địa các quốc gia Phi Châu!

Trung Quốc, anh chàng muôn mặt, anh chàng ngày nay khổng lồ, đang xâm chiếm các thị trường năm châu tứ hải. Hướng về Tây tràn ngập Âu Châu, hướng về Đông vượt Đại Dương qua Mỹ, xuôi Nam nhập Úc! Trung Quốc, anh khổng lổ luôn luôn ý tứ, kiểm soát ngoại hình, tô son điểm phấn, vẽ cho mình một bộ mặt tử tế khi tiếp khách, nụ cười cởi mở, đôi tay mở rộng, với dư luận quốc tế. Nhưng anh chàng khổng lồ ấy, cùng thời cũng kiểm soát, kềm chế chặt chẽ người dân mình với một chánh sách kiểm duyệt gắt gao, công an trị nội trị trên toàn xứ sở. Trung Quốc, anh khổng lồ ngày nay, với ngoại hình trổ giò cao lớn, kinh tế giàu có, ăn mặc bảnh bao, nhưng đầu óc vẫn chưa trưởng thành, nội trị độc tài, độc tài hành hạ gia đình vợ con công dân mình. Thật là, ra đường ba xạo với khách, về nhà nói láo và độc tài với dân!

Vì vậy Ma Jian phải đi tỵ nạn ở London, Anh Quốc. Cũng đừng quên, ngày nay Trung Cộng là một cường quốc đứng hàng đầu thế giới, kinh tế lên hàng số 1, mà tiếp tục có rất nhiều công dân bỏ xứ, xuất ngoại tỵ nạn. Tỵ nạn đương thời là một tự nhiên còn có cả tỵ nạn tương lai bằng cách đem bào thai du nhập đất Mỹ để sanh con tại Mỹ, để con có quốc tịch Mỹ vì quy chế quốc tịch Mỹ theo quy chế nơi sanh quán (de solis), sanh quán đâu quốc tịch đó!

Việt Nam Cộng sản, học trò của Trung Quốc, cùng chế độ, cùng phương pháp buộc ba triệu người dân Việt chúng ta phải đi tỵ nạn từ 40 năm nay khắp cùng thế giới.

Thật tình mà nói, với tư tưởng và văn phong nói thật, Ma Jian khó làm vừa lòng, khó hạp với cái thói ăn nói lấp liếm, dấu diếm, giả tạo của chế độ Cộng sản: “Khi tôi bắt đầu vào nghề viết”, Ma Jian nói, “tôi đã quan niệm rằng ngòi bút phải là một vũ khí chống nói láo và độc tài. Văn hóa là trung thực, văn hóa phải làm sáng tỏ những ý kiến, quan niệm, chánh sách. Văn hóa phải phỏng vấn, chất vấn nhà nước và các cơ quan cầm quyền”.

Thoát nạn, sống sót sau thảm sát Thiên An Môn năm 1989, Ma Jian là nhơn chứng sống và nhờ đó, đã “ngộ ra” rằng: “Chứng kiến một cách tuyệt vọng hành động xóa bỏ lịch sử và hành động che dấu sự thật bởi nhà cầm quyền (Trung Cộng) đã cho tôi “ngộ” rằng bổn phận nhà làm văn hóa là phải chối bỏ mọi láo khoét. Từ ngày tham dự phong trào sanh viên ở Thiên An Môn về, tôi buộc cho tôi một bổn phận, tôi phải nói sự thật, phải luôn luôn đấu tranh để nói sự thật”.

Chúng ta người Việt Nam hải ngoại, chúng ta cũng là những nhơn chứng sống của những ngày sau 30 tháng Tư năm 1975, chúng ta cũng phải có bổn phận bằng mọi giá nói lên sự thật, vì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ngày nay cũng giống như quan thầy Trung Cộng của họ cũng đang xóa bỏ lịch sử Việt Nam và đang trị nước trị dân bằng một chế độ láo khoét.

Tôn trọng sự sống:

Nói lên sự thật! Đẹp, thơ mộng hay hung hăng, thật đến lắm lúc người đọc phải buồn nôn, ghê tởm, bỏ sách xuống, đó là văn phong của Ma Jian. Trong một cuốn sách trước, Beijing Coma, Bắc Kinh Bị Hôn Mê, tác giả đã ví Bắc Kinh như cơn hôn mê của người anh của tác giả trong những ngày Thiên An Môn. Ma Jian ví Trung Hoa đang chìm đắm trong cơn hôn mê, với một bộ óc còn minh mẫn trong một thân thể bất động. Một hình ảnh thật táo bạo đối với một quốc gia đang trong một thời kỳ phát triển kinh tế vượt bực.

Với La Route Sombre – Con Đường Tăm Tối, Ma Jian, với lối viết tả chân, đi vào một thực tế đầy chất người, nhưng cũng rất hung bạo: chế độ xã hội Tàu dưới chánh sách kiểm soát sanh đẻ của Nhà nước Trung Cộng. Qua câu chuyện của Meili, môt thiếu phụ trẻ, vợ của Kong Zi, giáo viên, cả hai ngụ ở một làng cùng quê hương với KongTsu – Khổng Tử. Tác giả tả rất tỉ mỉ đời sống của một phụ nữ Trung Hoa bị kềm kẹp giữa văn hóa Khổng giáo phải sanh cho chồng một nam nhi để tiếp tục giòng họ và thờ phượng gia tộc và chánh sách một con của Nhà Nước Trung Cộng. Người phụ nữ Tàu, bắt buộc suốt đời phải sống với một chuỗi dài phá thai hay diệt đường sanh đẻ. Meili và Kong Zi đã có một bé gái. Nhưng vì phải có con trai để nối dõi tông đường nên Kong Zi và Meili quyết định sanh thêm không xin phép.

Sanh con, thích con trẻ, Ma Jian biết rõ, hãy nghe Ma Jian tâm sự, khi được vợ sanh đứa con gái đầu lòng: “Tôi được chứng kiến một sự mầu nhiệm. Sự mầu nhiệm của một thân thể biến thành hai thân thể, với hai nhịp tim. Cùng lúc tôi nhận được sự mầu nhiệm nầy, ngoài đường phố Trung Quốc, có những cuộc xuống đường đang bị đàn áp. Xuống đường chỉ để chống những vụ bắt buộc phá thai, hay bắt buộc phải diệt đường sanh đẻ. Sự gặp gỡ giữa hai sự kiện ấy giúp tôi có ý viết về sanh sản, về giá trị đời sống”.

Nhưng nếu ý kiến đặt vấn đề cho bài viết là một ý kiến cá nhơn, toàn thể bài viết, cuốn sách lại là một quan điểm chánh trị rất dấn thân của Ma Jian: “Chánh sách kiểm soát sanh đẻ là một trọng tâm của quốc sách kiểm soát xã hội của nhà cầm quyền Trung Quốc. Không một nhân nhượng nào cả, chả cần tôn trọng sự sống, chả cần tôn trọng giá trị đạo đức, hay nhơn phẩm, nữ quyền nào cả.”. Chánh sách kiểm soát sanh sản chỉ là một chương trình cũng như bao chương trình kiểm soát sản xuất khác như sản xuất than, kẽm, sắt đồng, điện trong một kế hoạch thế thôi! Chỉ là những con số! Vì vậy Ma Jian quyết định viết La Route SombreCon Đường Tăm Tối. Viết để đóng góp ý kiến, viết để cùng góp tiếng nói với tất cả những phụ nữ, với tất cả những gia đình đã bị kềm kẹp, ức hiếp bởi quốc sách bất công, vô đạo và dã man nầy: “Vấn đề tất yếu của chánh sách kiểm soát sanh đẻ theo kế hoạch kinh tế vô nhơn đạo nầy thuộc về mặt đạo đức. Tất cả phụ nữ Trung Quộc là sở hữu Nhà Nước Cộng sản Trung Quốc. Thân thể họ, bộ phận sanh sản của họ không phải sở hữu họ. Không những thân thể họ bị xúc phạm, mà giá trị sự sống cũng mất, khi một thai nhi do bà mẹ muốn giữ bị Nhà Nước buộc phải hủy giết. Đó là những hành động vô nhơn đạo đang hủy diệt linh hồn của một đất nước!” Tác giả bình phẩm.

Tiếng nói của các nạn nhơn:

Cấu trúc của cuốn sách làm người đọc bỡ ngỡ: Bên lề cốt truyện, kể một cách “kể chuyện”, với lời kể chuyện của Meili, với những chi tiết khá dã man về những thảm trạng của đời nàng, có một giọng nói khác, với nhiều ẩn dụ, thỉnh thoảng xen vào. “Đó là tiếng nói các trẻ con sẽ được sanh ra đấy!” Tác giả cắt nghĩa. “Tôi muốn gởi tiếng nói của tất cả những cuộc sống ấy cho đất nước Trung Hoa. Những đứa trẻ mà các người mẹ thèm muốn, trông đợi, nhưng đã bị Nhà Nước và chế độ hủy diệt, bịt mồm và vứt bỏ. Đó là hằng triệu tiếng nói, đó là hằng triệu mạng sống, tôi viết lên để tỏ lòng thành kính của tôi đối với hằng triệu đời sống mất mát ấy. Đó cũng là đóng góp của tôi để nói rõ cái quan trọng của một Sự Sống đối với một Gia Đình!”.

Chuyện của Meili? Nhưng cũng là chuyện của bao thiếu nữ, phụ nữ Trung Hoa. Và cũng cả ở Việt Nam. Xin chớ quên, tuy ta đọc chuyện Tàu nhưng hãy đừng rời tâm hồn người Việt ta.

Meili, có thai sau khi đã có con gái với chồng. Khi quyết định thụ thai không giấy phép, nàng bị nhà cầm quyền địa phương phát giác phải bỏ trốn. Hai vợ chồng Kong Zi-Meili cùng con gái trốn đi sống lang thang trên giòng sông Dương Tử – YangTze, họ sống trên thuyền và thả trôi theo giòng nước, trôi theo giòng sông. Cuộc lang thang đưa hai vợ chồng đến Xã Thiên Cung, một địa danh hư cấu nhưng rất biểu tượng. Nơi đấy họ được sống tự do, nghĩa là không bị Công an kiểm soát. Nhưng nơi ấy, tuy là Thiên Đường đấy, lại là nơi đầy ô nhiễm phá hoại đường sanh dục của ông chồng, tuy trả lại quyền sở hữu thân thê cho phụ nữ… Một địa danh hoang tưởng, nhưng cũng đen tối, phụ nữ tuy có lấy lại chủ quyền thân thể, như người chồng bị tắt đường hậu duệ.

Con đường đi thật là tăm tối! Nhưng Ma Jian vẫn lạc quan, đầy hy vọng: “Tôi cố gắng chứng minh rằng vẫn có những người phụ nữ đấu tranh chống sự bất công của chế độ. Tôi cố gắng góp một tiếng nói để đem tý hy vọng đến các phụ nữ và các gia đình nạn nhơn của sự đàn áp khắc nghiệt ấy. Nhơn vật chánh của tôi gom góp tất cả những tiếng nói ấy, nàng là tổng hợp của mọi đau khổ, của mọi lời than vãn và như vậy mong rằng nàng sẽ đem cho toàn giới phụ nữ nạn nhơn tý nào hy vọng. Meili cuối đã thắng mọi cường lực, công an, nhà cầm quyền địa phương hay chế độ, mặc dù cuối cùng nàng vẫn bỏ lại sanh mạng. Sức mạnh của ý chí tự do của nàng đã thắng bạo cường”

Các nhơn vật trong truyện của Ma Jian là tổng hợp tất cả những nạn nhơn của chế độ Trung Cộng ngoài đời. Thật vậy, xã hội Tàu ngày nay vẫn đầy bất công và nạn nhơn: “Đoạn đầu trong sách kể toàn thể cộng đồng trong làng bất mãn chế độ và nổi dậy. Nhưng rất nhanh chóng, dần dần, phong trào tàn rụi chỉ còn lại một cá nhơn tiếp tục cuộc đấu tranh. Trung Hoa là như vậy, đúng hay sai? Hãy nhìn phong trào sanh viên ở Thiên An Môn năm nào! Tại Quảng trường thoạt đầu có cả triệu sanh viên và đồng bào xuống đường đấu tranh đòi Dân chủ và đòi dẹp bỏ chế độ tham nhũng. Nhưng đến ngày 4 tháng 6 năm 1989, chỉ còn một người, một cá nhơn độc thân, độc diễn đứng chận đoàn xe tăng. Đó là bộ mặt thật của những cuộc đấu tranh ở Trung Quốc ngày nay. Quần chúng đã bị dẹp. Chỉ còn những cá nhơn (can trường, anh hùng) đấu tranh đơn độc. Cuối cùng, nhơn vật nữ của tôi Meili ­– Ma Jian tác giả nói – toàn thắng, nàng lấy lại sở hữu thân thể nàng, lấy lại quyền sanh sản của nàng, lấy lại quyền được làm mẹ, tạo đời sống, quyền được sanh, quyền được trao sự sống, nàng sanh nở một con trẻ mặc dù trong lén lút, ngoài pháp luật. Tuy chỉ một bước chiến thắng nhỏ nhoi, nhưng đấy là một cuộc nhảy vọt đấu tranh khổng lồ chống bạo quyền”.

Cuộc tranh đấu cá nhơn:

Đấu tranh cá nhơn chống Bạo quyền là chủ đề chánh của nhiều tác phẩm văn chương Trung Quốc ngày nay. Nhưng khi đọc Ma Jian, rất nhiều khác lạ. Văn phong? Cốt truyện? Cách trình bày, cấu trúc, cái nhìn dấn thân? Hay những hình ảnh tả chân quá thực tế táo bạo, tạo những cảm xúc mạnh, những ấn tượng khó chịu đến phải bỏ sách xuống? Cũng có thể tất cả. Nhưng phải thận trọng, chúng ta cũng phải nhận rõ những khía cạnh khá phức tạp của xã hội Tàu ngày nay. Tác giả cảnh giác: “Khi người phụ nữ bị bắt buộc phải phá thai hay diệt đường sanh đẻ, người chồng phần đông cúi đầu chấp nhận. Ít thấy phần phản đối nơi người chồng. Hầu như số đông các người chồng đều chấp nhận số phận. Nhưng vừa qua, (đầu năm 2012) có xảy một vụ. Anh chồng phản kháng. Sau khi bà vợ bị bắt buộc phá thai, anh chồng nổi cơn điên, giết chết hai nhơn viên công lực của Sở Kế Hoạch Gia đình Tàu tại địa phương. Hai ngày sau, anh chồng bị bắt và bị hành quyết. Vì vậy, trong một tiểu thuyết, một hư cấu, huyền thoại chúng ta có quyền kể những chuyện đấu tranh cá nhơn. Cần phải có người đấu tranh, cần có người có nhu cầu đấu tranh để biết mình là người đứng thẳng. Chúng ta phải ủng hộ và khuyến khích những anh hùng can trường ấy”.

Đọc xong, bồi hồi nghĩ đến Việt Nam. Việt Nam ngày nay, mặc dầu Kế hoạch Gia đình đã một thời được đưa lên hàng Quốc Sách, được người anh hùng Điện Biên Phủ, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp lãnh đạo cũng không có – hay không được biết – những mẩu chuyện như Ma Jian kể – vì bưng bít giỏi hơn Tàu?

Nhưng cũng như Ma Jian hiện nay, cũng như mọi anh chị em người Hoa tỵ nạn hay người Việt tỵ nạn Cộng sản ở hải ngoại, dù đôi mắt chúng ta hằng ngày ngắm nhìn theo dõi bầy con cháu hậu duệ, trai có gái có, sống thoải mái nơi quê người, (Ma Jian – Bốn cô gái sống ở London) nhưng tim chúng ta đều thổn thức hướng về quê hương bên kia quả đất. Cuộc đấu tranh chống bất công, chống độc tài vẫn tiếp tục, phải tiếp tục… để đòi lại quyền tự quyết, quyền tự quản, quyền làm chủ đất nước mình, đất đai mình, xóm làng mình, nhà cửa mình và cả thân thể mình.

Và cám ơn Ma Jian đã cho tôi một bài học viết về sự thật. Viết sự thật để đóng góp, viết sự thật để xây dựng… Ma Jian viết sự thật để xây dựng một người Hoa đạo đức, tử tế, một người Hoa thật. Chúng ta người Việt cũng phải viết sự thật. Viết sự thật để cùng đóng góp với người dân trong nước, cùng bất mãn, cùng cảm xúc. Viết sự thật để sống với người dân. Đó là dấn thân – être engagé. Đó là bổn phận của người Tử Tế. Người Pháp có Gentilhomme, người Anh có Gentlemen, người Tàu có người Quân tử, Việt Nam ta phải có người Việt Tử tế, có một Suy nghĩ Tử tế.

Suy nghĩ tử tế là đạo đức

“Parions à bien penser. Travaillons à bien penser. Voilà le principe de la morale”. Hãy cùng thi nhau suy nghĩ chín chắn. Hãy cố tập luyện suy nghĩ sâu sắc. Đó là định lý của Đạo Đức. (Blaise Pascal 1623-1662, Pensées)

Ma Jian qua Con đường Tăm Tối, đã vẽ cho chúng ta một bài học: Coi chừng Trung Cộng và Nạn Trung Cộng! Coi chừng Nạn Cộng sản và Hán Thuộc!

Thật là:

Hỡi ai lẳng lặng mà nghe
Dữ răn việc trước lành dè việc sau …”

(Nguyễn Đình Chiểu – Lục Vân Tiên)

Hồi Nhơn Sơn, ngày vào Xuân 2015
Phan Văn Song

 


Cái Đình - 2015