Phạm Đình Lân


Luật Sinh Tồn

Loài người, thú vật và thảo mộc là ba thực thể có sự sống trên trái đất. Loài người có ngôn ngữ, chữ viết, có trí tuệ nên làm chủ thú vật, thảo mộc và các nguồn tài nguyên trên mặt đất, dưới lòng đất, trên không trung và dưới đáy biển.

Thú vật dù có xương sống hay không, có máu đỏ hay không, đều có sự sống, đều biết đau đớn dù không biết nói, cũng không có văn tự. Những con vật cao cấp như chó, ngựa, voi, cọp tỏ ra có tình thương con, quyến luyến chủ và biết nhớ ơn người nuôi, giúp đỡ hay thi ơn chúng.

Cây cỏ không có cảm xúc, không biết đau đớn khi bị chém chặt. Nhưng chúng có sự sống và có linh cảm riêng. Cây gần nhà xanh tươi và nhiều trái hơn cây xa nhà. Cây bị bứng để trồng ở vùng khác tỏ ra buồn rầu khô héo trước khi cố gắng thích ứng với vùng đất mới.

Để đảm bảo sự sinh tồn con người, thú vật và thảo mộc phải chấp nhận định luật sinh tồn tự nhiên về:

Mạnh được yếu thua.
Khôn sống, dại chết.

Siêng năng, kiên nhẫn tạo thành quả.
Biếng nhác, ươn hèn tạo bại vong.

Tự túc: tự tồn
Ỷ lại sinh ươn hèn.

Đoàn kết gây sức mạnh.
Chia rẽ chuốc bại vong.

Từ khi loài người xuất hiện trên mặt đất họ sống quần tụ với nhau để bảo vệ an ninh và sự sống còn cho chính họ. Thú vật cũng biết sống thành nhóm, tập đoàn. Cây cối cũng có đời sống tập thể. Có vùng có nhiều cây gỗ teak. Cũng có vùng có nhiều cây trắc, gõ, cẩm lai, sao, dầu. Có vùng thuần cây thông, tùng, bách lá xanh quanh năm v.v… Cây to cưu mang các loại chùm gởi và các loại dây leo cố vươn lên đi tìm ánh sáng mặt trời. Cây to thì sự hy sinh đối với cây nhỏ cũng to. Sự tìm kiếm sự sống cho chính nó cũng nặng nhọc. Sự đương đầu với mưa to gió lớn cũng vất vả phũ phàng. Khi về già cây to bị bịnh. Cây thì trụi lá. Cây thì mất nhựa. Cây thì bị chảy nhựa từng ngày cho đến khi không còn sức sống. Cây thì bị ung thư, da lở sần sùi trông ghê rợn. Cây thì bị mưa to gió lớn cướp sự sống. Động vật hay con người cũng không thoát khỏi định luật tự nhiên ấy.

Cha mẹ nuôi con là bổn phận của đấng sinh thành. Con chăm sóc cho cha mẹ khi già yếu cũng là bổn phận của các con. Đó là nghĩa vụ và tình thương tự nhiên của những người cùng chung máu mủ. Sự hiếu đễ là một phản xạ tự nhiên đầy tình thương của con người trong xã hội không phân biệt màu da, tôn giáo, nam nữ, tuổi tác, nghèo giàu hay trình độ học thức. Đó không phải là đức tính độc quyền của cộng đồng dân tộc nào trên thế giới. Cha mẹ nuôi con là nghĩa vụ của cha mẹ và con cái chăm sóc cha mẹ lúc già yếu là nghĩa vụ của con cái nhưng sao phải nhắc nhở thường xuyên? Vì:

Nếu cha mẹ lơ đễnh trong việc nuôi dưỡng con cái đến nỗi phải có sự can thiệp của luật pháp thì cha mẹ chưa làm tròn nghĩa vụ của mình đối với con cái. Nếu cha mẹ nuôi con cái mình như là một sự đầu tư tuổi già thì ý nghĩa của nghĩa vụ cao đẹp của đấng sinh thành không còn toàn bích.

Người con báo hiếu với cha mẹ để được người chung quanh khen ngợi chưa hẳn thực sự hiếu đễ. Nhiều người có danh phận giàu có, tổ chức lễ giỗ cha mẹ linh đình và mời nhiều khách khứa đến dự để được tiếng khen hiếu đễ và giàu có thì chưa hẳn ông ấy thực sự hiếu đễ.

Cả hai hình ảnh trên chỉ là sự hào nhoáng của lớp sơn trên miếng gỗ mục.

Xã hội chịu ảnh hưởng Khổng Giáo không phải là một xã hội hoàn hảo như nhiều người nhầm tưởng. Đó là một xã hội với những nét đặc trưng như sau:

Khổng Giáo không phải là một tôn giáo mà là một hệ thống học thuyết chánh trị và xã hội. Nó ra đời trong thời nhiễu nhương nhằm mục đích tạo lập trật tự trong gia đình, xã hội và quốc gia. Đúng vào lúc nó ra đời trong xã hội quân chủ phong kiến nông nghiệp vô cương thường đạo đức; an sinh xã hội và bảo đảm sức khỏe hoàn toàn vắng bóng.

Một lớp học chữ Nho ở Việt Nam (Wikipedia)

Thanh niên là lực lượng sản xuất, là những người gánh chịu mọi gánh nặng của gia đình, xã hội và quốc gia. Bổn phận của họ chồng chất. Họ là người đi làm sưu dịch, đi lính, đóng thuế cho triều đình. Họ là những người được dạy khái niệm ‘trung quân ái quốc nghĩa là lòng yêu nước gắn liền với lòng trung thành với vua. Khái niệm này được tóm tắt trong hai câu thơ dưới đây:

Trai thì TRUNG HIỂU làm đầu.
Gái thì tiết hạnh làm câu trau mình.

trong tác phẩm Lục Vân Tiên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu tức Đồ Chiểu.

Người con trai trong gia đình luôn luôn được nhắc nhớ đến chữ HIẾU. Tại sao là nghĩa vụ thiêng liêng lại phải nhắc nhở? - Vì muốn thành phần sản xuất, đóng thuế, làm sưu dịch và thi hành nghĩa vụ quốc phòng luôn luôn được nhắc nhở HIẾU với cha mẹ và TRUNG với vua trên thứ bậc QUÂN, SƯ, PHỤ và khẩu hiệu TRUNG QUÂN ÁI QUỐC. Lịch sử Việt Nam dưới triều Nguyễn hay quyển lịch sử Việt Nam Sử Lược của Lệ Thần Trần Trọng Kim được viết ra vào cuối thập niên 1920 của thế kỷ XX dựa trên tình thần Khổng Giáo. Lịch sử đề cao lòng TRUNG QUÂN của đại thần Phan Thanh Giản trước khi uống thuốc độc tự tử còn hướng về phía bắc quì lạy và tạ tội với vua Tự Đức vì không giữ nổi thành Vĩnh Long (1867). Lịch sử không nói rõ khả năng lãnh đạo và trị quốc của các vua nhà Nguyễn mà chỉ ghi một vài đặc tính được xã hội Khổng giáo đề cao như giỏi thi văn, hiếu đễ với cha mẹ. Nào là bà Từ Dũ nhân từ không cho tôi tớ lấy nước sôi để giết đàn kiến. Nào là vua Tự Đức có hiếu với mẹ. Nhà vua bị mẹ, đức bà Từ Dũ, quở mắng vì đi săn bắn dưới cơn mưa tầm tã và phải cúi xuống cho mẹ đánh đòn. Những đức tính trên của vua và đức bà Từ Dũ ích lợi gì cho an ninh và sự phát triển quốc gia? Dân chúng đa số đều không được học hành nhưng được nhồi nhét suốt hàng chục thế kỷ về các khái niệm rút từ Khổng Giáo và nghiêm luật tru di tam tộc dành cho những ai dám chống lại triều đình, bắt đầu mệt mỏi và hoài nghi chân mạng Thiên tử của Vua. Phong trào Cần Vương không có sức hút sâu rộng khắp cả nước. Đó là nguyên nhân của sự thất bại nhanh chóng của phong trào trước sức mạnh võ khí của người Pháp.

Xã hội trọng nam khinh nữ có phải là một xã hội đáng đề cao không?

Nhất nam viết hữu,
Thập nữ viết vô.

có hợp lý không?

Con gái trong nhà không được dạy nghề của gia đình e rằng nghề ấy sẽ bị nhà chồng cướp mất. Con gái không được hưởng gia tài của cha mẹ để lại nếu có chồng. Con gái không được học hành, không được tham dự các kỳ thi tam trường để phục vụ đất nước. Có phải chăng người ta trọng NAM chỉ vì:

- sức lao động đồng áng để tạo sự sống ổn định
- nối dõi tông đường
- phụng hiếu cho cha mẹ lúc già yếu?

Hóa ra:

1. trọng nam khinh nữ chỉ vì nghĩ đến ngày già yếu không còn sức lao động
2. chỉ có NAM mà là trưởng NAM mới báo hiếu còn con gái thì không. Các con trai thứ được miễn hiếu đễ sao? vì con trai trưởng được quyền nối ngôi nếu là con vua và được hưởng phần gia tài phân chia đồng đều với các em cộng thêm với phần đất hương hỏa để lo giỗ chạp ông bà cha mẹ nếu là con người bình dân có chút ít của cải.

Xã hội trọng Nam khinh Nữ là một xã hội phân hóa tự nguyện và chọn lựa. 50% nhân lực trong nước đương nhiên bị loại. Kỳ thị nam - nữ, kỳ thị địa phương, kỳ thi nghề nghiệp, kỳ thị nghèo - giàu, kỳ thị và phân hóa từ trong gia đình ra đến xã hội và quốc gia thì đất nước ra sao?

Xã hội đa thê không thể là xã hội trật tự và ổn định được. Sự chia rẽ và thù hằn phát xuất từ trong gia đình ngay trong những người cùng chung dòng máu cha nhưng khác mẹ. Một nhà cai trị đa thê với đa tử đa tôn chắc chắn không sao liêm khiết được. Tham nhũng hối lộ đầy dẫy trong nước. Công bằng xã hội sụp đổ. Loạn lạc dấy lên như ong vỡ ổ như đã thấy trong lịch sử Trung Hoa, Việt Nam.

Sự kính trọng người già được tìm thấy trong bất cứ xã hội nào của loài người trên trái đất chớ không riêng trong xã hội Khổng Giáo. Những xã hội trọng lão niên mà xem thường tuổi trẻ là xã hội mất thăng bằng không có tương lai tươi sáng.

Về phương diện kinh tế xã hội Khổng Giáo có bốn nghề được sắp xếp theo thứ tự:

Hai nghề được đề cao là Sĩ và Nông. Hai nghề Công và Thương được sắp hạng ba và tư trong thang giá trị nghề nghiệp. Người ăn học đỗ đạt ra làm quan vừa có quyền uy vừa có nhiều lợi lộc. Trong xã hội nông nghiệp người có quyền hành là người giàu có sở hữu nhiều điền sản. Thực tế không phải nông dân nào cũng có ruộng đất mà đa số phải thuê mướn ruộng của các điền chủ hầu hết là các quan lại địa phương hay thân nhân của họ. Có người khai thác đất tân bồi để làm ruộng. Khi đất được rửa phèn và có thể canh tác được nó trở thành chủ đề tranh chấp giữa nông dân và các quan lại địa phương. Quan niệm kinh tế chật hẹp như trên khó lòng làm cho kinh tế quốc gia phát triển một khi CÔNG và THƯƠNG hầu như bị lãng quên hay không được xã hội trân quí và khuyến khích.

Chẳng ham ruộng cả áo liền
Chỉ ham cái bút cái nghiên anh đồ.

*

Thà rằng làm thiếp thứ mười
Còn hơn chánh thất của thằng dân ngu.

*

Một đêm quân tử nằm kề
Còn hơn thằng nhặng vỗ về quanh năm.

Ruộng đất là đề tài tranh chấp triền miên trong xã hội Việt Nam giữa những người trong gia đình, giữa nông dân và chánh quyền địa phương và giữa những người láng giềng sống cùng địa phương và có đất đai gần nhau. Hai chủ đề tranh tụng trong xã hội được tóm lược trong hai câu:

Nhất hộ hôn,
Nhì điền thổ.

THƯƠNG là nghề buôn bán. Đó là nghề để làm giàu nhưng đòi hỏi óc phiêu lưu mạo hiểm vì phải xa nhà có khi bị trộm cướp giết chết. Chịu ảnh hưởng của Khổng Giáo xã hội không đề cao THƯƠNG mà còn coi thương nhân là những người ‘tha phương cầu thực’. Các quốc gia Tây Âu và Mỹ trọng CÔNG và THƯƠNG nên sớm kỹ nghệ hóa và trở nên phú cường. Kinh tế các nước ấy sớm phồn thịnh trong khi Trung Hoa và nước ta trọng NÔNG NGHIỆP lại bị nạn đói mỗi khi thời tiết thay đổi bất thường (ngập lụt, bão tố, hạn hán, hoàng trùng).

Vì trọng kẻ Sĩ dài lưng tốn vải ăn no lại nằm, những người thích nhàn hạ, thân thể thon gầy, tay bút măng của người nho nhã nên người dầm mưa dãi nắng, lao động tay chân bị khinh rẻ. Võ nghiệp bị xem thường. Quan văn và quan võ hiềm khích nhau. Kẻ trói gà không chặt. Người vai u thịt bắp. Gặp giặc cả hai đều chạy dài như đã xảy ra vào hậu bán thế kỷ XIX trên quê hương.

Chữ HIẾU tạo cho con người:

Sống vì mồ mả
Chớ không ai sống cho cả bát cơm.

Chữ Hiếu và đời sống nông nghiệp ràng buộc con người với nơi chôn nhao cắt rún suốt đời chỉ thấy vỏn vẹn lũy tre làng. Óc bảo thủ, nhân sinh quan và thế giới quan thiển cận, hẹp hòi và tinh thần địa phương phát triển đến nỗi không có lực nào ngăn chặn hay sửa đổi được. Trong xã thôn có những gia đình oán thù nhau thiên thu như là một sự báo HIẾU với ông bà, cha mẹ.

Theo lịch sử truyền khẩu vua Thục hỏi cưới Mỵ Nương, con gái của vua Hùng Vương XVIII, không được nên sinh oán hận. Trước khi chết ông dặn con cháu báo thù. Thục Phán là cháu của vua Thục phụng HIẾU với tiền nhân bằng cách đem quân đánh nước Văn Lang, lập ra nước Âu Lạc. Đó là vua An Dương Vương nổi tiếng với thành Cổ Loa theo hình trôn ốc và cái nỏ thần và chuyện tình chánh trị, dị chủng đẫm lệ. Vì chữ HIẾU mà Thục Phán gây cảnh can qua giữa nước Thục và nước Văn Lang chỉ vì ông vua Thục cưới con gái của vua Hùng Vương XVIII không được. Kết quả cuộc chiến là vua Hùng Vương XVIII phải nhảy xuống giếng mà chết vì không chăm lo việc nước mà chỉ nghĩ đến rượu chè.

Vua An Dương Vương nhờ có nỏ thần nên đẩy lùi các cuộc tấn công của đạo quân xâm lăng của Chạo Tô (Triệu Đà) từ Guangdong (Quảng Đông) đến. Óc ỷ lại vào cái nỏ thần bắt đầu phát triển. Chạo Tô dùng kế kết nghĩa thông gia với An Dương Vương và cho con tìm hiểu võ khí bí mật của xứ Âu Lạc. Vua An Dương Vương là người dễ tin, thiếu cảnh giác, thiếu bảo mật và ỷ lại vào cái nỏ thần và cố vấn Thần Kim Qui. Dễ tin nên mới kết nghĩa thông gia với kẻ từng mang quân xâm lăng nước mình với một hy vọng đáng thương là nhờ kết nghĩa thông gia để được hòa bình.

Thiếu cảnh giác vì để chàng rể, con của kẻ cựu thù ở trong nhà. Càng tệ hại hơn là cho con gái của mình biết về võ khí bí mật đã giúp nước Âu Lạc đánh bại quân xâm lăng để bị chàng rể bất nghĩa ăn cắp cái nỏ thần và tráo vào đó một cái nỏ giả. Sự bại trận của An Dương Vương trước Chạo Tô năm 207 trước Tây Lịch mở màn cho sự đô hộ của Trung Hoa ở nước ta ngót 12 thế kỷ (207 tr. Tây Lịch đến 938 sau Tây Lịch). Đó là hậu quả tệ hại của người lãnh đạo thiếu cảnh giác, thiếu bảo mật và quá ỷ lại vào cái nỏ thần đến khi giặc đến cửa thành thì mới biết nỏ thần bị tráo.

Một người vì rượu chè mà mất nước phải nhảy xuống giếng tự tử (vua Hùng Vương XVIII).

Một người thiếu cảnh giác chánh trị để đất nước rơi vào vòng đô hộ của ngoại bang ngót 12 thế kỷ tức 1.200 năm và kết thúc cuộc đời bằng cách chém con gái và nhảy xuống biển tự tử (vua An Dương Vương)!!

Tranh Minh họa: An Dương Vương Thục Phán chém Mỵ Châu (rắc lông ngỗng làm dấu cho Trọng Thủy). Nguồn: OntheNet

Vì chữ HIẾU hay ít ra vì quá trọng nể tiền nhân không ai dám phạm thượng nói đến lỗi lầm của tiền nhân mà chỉ lặp đi lặp lại từ thất bại này đến thất bại khác chỉ vì Ông bà tôi làm như vậy. Cha tôi làm như vậy. Tôi theo ông bà và cha tôi nên làm như vậy. Ở chỗ này, theo sau chữ HIẾU là một chuỗi thất bại.

Đôi khi đấng sinh thành làm cho những người con hiếu đễ rơi vào cảnh khó xử. Mẹ ông Mạnh Tông thèm ăn măng tre. Ông Mạnh Tông đi tìm mãi mà không gặp mụt măng nào cả. Ông đứng trước bụi tre mà khóc. Bụi tre động lòng cho ông một mụt măng để ông đem về cho mẹ ông ăn. Từ đó có tên măng Mạnh Tông, một loại măng ngon trong các loại măng tre.

Trịnh Kiểm là một người nghèo, mồ côi cha. Ông rất có hiếu với mẹ. Nhà nghèo nhưng mẹ ông chỉ thích ăn thịt gà. Trịnh Kiểm phải trộm gà của người hàng xóm về cho mẹ ăn. Lối xóm mất gà, phát hiện ra rằng gà của họ mất vì bị Trịnh Kiểm trộm đem về nuôi mẹ. Họ không giận sự hiếu đễ của Trịnh Kiếm mà giận sự thèm ăn thịt gà của mẹ ông. Nhân lúc ông đi vắng họ khiêng mẹ ông ra khỏi nhà và liệng xuống ao. Về nhà không thấy mẹ Trịnh Kiểm khóc kể khôn xiết. Vài ngày sau một nấm mồ nổi lên giữa ao. Về sau Trịnh Kiểm theo Nguyễn Kim để phù Lê diệt Mạc. Nguyễn Kim gả con gái cho ông. Sau khi Nguyễn Kim chết, Trịnh Kiểm là người chỉ huy đạo quân phù Lê. Ông là tổ tiên của các Chúa Trịnh ngự trị ở Bắc Hà từ cuối thế kỷ XVI đến hậu bán thế kỷ XVIII.

Trung Hoa là quê hương của đức Khổng Tử. Việt Nam và Triều Tiên là hai quốc gia bộ thuộc của Trung Hoa chịu ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng Khổng-Mạnh (Confucius & Mencius). Ba quốc gia chịu ảnh hưởng Khổng Giáo đều rơi vào tình trạng ngưng đọng trên mọi bình diện. Trung Hoa, một quốc gia rộng lớn và đông dân nhất thế giới, há không bị Mông Cổ rồi Mãn Châu đô hộ tổng cộng gần 400 năm? Việt Nam và Triều Tiên phải nằm trong quỹ đạo của Trung Hoa và triều cống cho nước này theo định kỳ ba năm một lần. Đến thế kỷ XIX Việt Nam bị Pháp chinh phục. Triều Tiên bị Nhật dòm ngó và chinh phục.

Nhật độc lập với Trung Hoa và sớm tách rời ra khỏi ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa để canh tân xứ sở theo gương các nước Tây Phương để vươn lên. Cái khéo của người Nhật là học theo Tây Phuơng để đưa đất nước tiến lên chớ không phải để bị Tây Phương đồng hóa hay để phát triển óc tự ty mặc cảm và tinh thần nô dịch trước người Tây Phương. Quyết định canh tân theo gương các nước Tây Phương là một quyết định can đảm, táo bạo và cấp tiến. Can đảm vì họ thấy được sức mạnh không chối cãi của võ khí Tây Phương trước cây gươm võ sĩ đạo của họ. Cấp tiến vì họ mạnh dạn vất bỏ những yếu tố cản trở sự vươn lên của quê hương họ. Trong chừng nào đó họ lại rất bảo thủ. Bảo thủ trong việc tôn kính Nhật hoàng. Bảo thủ với Thần Đạo (Shintoism). Bao thủ tinh thần kỷ luật cao độ của dân tộc Nhật. Bảo thủ chữ viết của họ chớ không La Tinh hoá nó.

Nhật Hoàng không phải là Vua (King), Hoàng Đế (Emperor) như các Vua và Hoàng Đế khác trên thế giới. Người Nhật gọi Nhật Hoàng là Mikado tức Thiên Hoàng. Vào năm 1945 Nhật chiến đấu trong cảnh tuyệt vọng nhưng họ cương quyết không đầu hàng. Người nào chủ trương đầu hàng đều bị ám sát chết. Họ chỉ chấp nhận đầu hàng vô điều kiện trước Mỹ sau khi hai trái bom nguyên tử của Mỹ giết hại 200.000 người ở Hiroshima và Nagasaki và Nhật Hoàng Hirohito đích thân tuyên bố đầu hàng để tránh những thảm cảnh khác.

Từ thập niên 1970 về sau Nam Hàn phỏng theo tinh thần làm việc của người Nhật và kỹ thuật Âu Mỹ nên đã thu hoạch nhiều thành quả đáng kể trên lãnh vực kinh tế, thương mại và phát triển kỹ nghệ. Đến cuối thập niên 1990 Nam Hàn là quốc gia kinh tế thứ 11 trên thế giới.

Trung Quốc, nếu không học hỏi Mỹ, có được những thành tựu như ngày nay không? Chắc chắn là không. Dù theo chế độ Cộng Sản, áp dụng thuyết mèo trắng mèo đen mèo gì cũng được miễn bắt được chuột của Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình), dư âm của Khổng Giáo vẫn còn vang dội với ý niệm muốn có tiền đi làm hành chánh. Guồng máy Đảng là guồng máy quan trường của thời đại mới. Thực chất nó không khác với khái niệm Trung Quân Ái Quốc của đức Khổng Tử bao nhiêu.

****

Là cha mẹ ai cũng muốn con cái mình thành danh phận để được tiếng thơm và được đảm bảo lúc tuổi già. Thường thường nếu được chuyện thứ nhất thì mất chuyện thứ hai và ngược lại.

Cây ăn trái cho hai loại trái:

- trái ngon được bán ngoài chợ, sớm lìa xa cây mẹ
- trai đèo rụng xuống đất và mọc lên cây con cạnh cây mẹ.

Đây là hình ảnh của những bậc cha mẹ có con thành công ngoài xã hội. Những người con này là những người đặc biệt trong xã hội nên không thể sống gần cha mẹ. Có một thiểu số người thành công trong danh vị và tiền bạc không muốn nhắc nhớ đến nguồn gốc cũ của họ nên không sốt sắng trong việc chăm sóc cha mẹ. Những người con sống gần cha mẹ là những người tầm thường hay bịnh tật. Do hoàn cảnh xã hội bất hạnh hay vì bịnh tật họ cũng không giúp ích gì nhiều cho cha mẹ khi về già.

Nguyền rủa xã hội, phiền trách con cái đều không mang lại hạnh phúc cho người già cô đơn. Luật sinh tồn đòi hỏi mỗi cá nhân trên mặt địa cầu phải cố gắng tự túc mới tự tồn được. Hạnh phúc ở trong ta chớ không phải là món hàng ngoại nhập. Trong chừng mực nào đó nó nằm trong sự chấp nhận, xuôi theo tự nhiên và sự phó thác.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.


Cái Đình - 2017