Huy Thanh


Lãng mạn những tiếng rao hàng, quà thời thơ ấu

Chúng ta ai cũng trải qua một thời thơ ấu, lúc còn nhỏ sống trong gia đình cùng ba mẹ, anh chị em. Lớn lên một chút thì được đi học dưới sự bảo bọc của cha mẹ, anh chị. Đó là thời gian vô tư không chút lo âu gì về cuộc sống, vì mọi thứ nhu cầu đã có những người lớn lo. Hồi đó tôi học trong một trường Tiểu học nhỏ ở tỉnh lỵ Sadec, trường đó là trường Tiểu Học Tân Quy Đông chỉ có ba lớp học là lớp Năm (hay lớp đồng ấu), lớp tư, và lớp ba (như lớp 1, 2, 3 bây giờ). Những ngày đi học mẹ tôi thường đưa tôi đi vào, những muà nước lũ, mẹ phải cõng tôi qua những chiếc cầu ván trơn trợt mà nếu không cẩn thận, hai mẹ con có thể trợt té xuống mương rạch.

Ngoài thì giờ học, tôi và lũ trẻ hàng xóm buổi chiều thường tụ tập trên cái sân cỏ cạnh nhà để chơi những trò chơi như trẻ con như cút bắt, bỏ khăn, bắn bi, tạt hình. Nơi đó, rất nhiều người bán hàng rong, những người buôn bán làm đủ các nghề đi ngang qua rao hàng từ sáng tới chiều, cả tới khuya. Mỗi người có một cách rao mời riêng, đến nỗi chúng tôi nghe quen thuộc, dù nhắm mắt lại cũng hình dung họ bán gì, hình ảnh họ ra sao. Tối đến, sau khi tắm rửa xong, hết giờ học bài là anh em chúng tôi lên giường ngủ. Trong khi chờ đợi giấc ngủ đến, bên ngoài không gian im ắng dần, tôi lắng tai nghe những tiếng động, tiếng rao hàng ăn uống của cuộc sống về khuya những người lam lũ bắt đầu chung quanh. Do đó những tiếng rao quà, rao hàng, rao nghề nghiệp gần như gắn chặt với kỷ niệm tuổi thơ, mà đến hôm nay mỗi khi nghe lại tôi không tránh khỏi bùi ngùi cảm xúc.

Tuổi thơ thường thích ăn quà vặt nên đối với chúng tôi không kể ngày và đêm những người bàn hàng rong ăn uống đủ loại luôn rình mò bọn trẻ, đứng kế bên lũ trẻ đang tụ tập chơi đùa rao mãi đến khi nào bán hàng được mới thôi. Trước sự thèm thuồng của lũ trẻ, nên bậc cha mẹ buộc lòng phải mua cho chúng ăn. Nếu một gia đình mua cho con mình ăn, thì những gia đình khác chẳng lẽ để con mình "dòm miệng" bạn bè nên ra mua luôn cho con mình, thế là người bán lại một phen trúng mánh bán được nhiều hàng.

Tuổi thơ nào cũng khắc đậm những tiếng rao hàng trong tiềm thức, với tôi cũng vậy, những âm thanh đó dường như gắn liền với tuổi thơ ấu của tôi, mà ngày nay, nếu tình cờ nghe thấy lại, tôi vẫn cảm thấy quá khứ hiển hiện trước mặt như những ngày còn thơ ấu.

Dưới đây, tôi chọn vài tiếng rao quen thuộc những món hàng quà, tiếng rao nghề nghiệp, thức ăn quen thuộc ngày thơ ấu để chúng ta cùng hoài niệm năm tháng xa xưa. Mong rằng có những sự đồng cảm, để cùng ôn lại kỷ niệm, nhân dáng một thời.

Về những tiếng rao hàng bán rong, rao nghề nghiệp, có nhiều cách rao, nhưng tóm lại có hai cách rao chính là dùng âm thanh và dùng tiếng nói:

A- DÙNG ÂM THANH RAO HÀNG:

Lối rao hàng dùng âm thanh là người bán không cần lên tiếng cho biết bán món gì, nó quen thuộc đến nỗi người mua khi nghe âm thanh đó là biết người bán chào mời mình mua cái gì. Dưới đây là một số tiếng rao hàng bằng âm thanh quen thuộc:

1- Bán kem (Cà rem):

Một trong những âm thanh quen thuộc mà bất cứ trẻ em nào cũng biết đó là tiềng chuông bán cà rem. Tiếng "...leng... keng... leng keng..." của cái chuông nhỏ thay cho lời rao bán kem (lũ nhỏ chúng tôi thường gọi là bán cà rem) dường như quá quen thuộc cả với người lớn. Người bán sử dụng chiếc xe đẩy, trong đó có một bình hai ngăn, một bên đựng nước đá, một bên đựng kem. Phía trên có một lọ keo dùng để đựng những chiếc bánh xốp, bánh kẹp, hay bánh mì ngọt đế xúc kem cho vào đấy tùy theo ý người mua. Dần dần người ta cải tiến bán kem bằng cách đi xe đạp (không dùng xe đẩy vì quá mệt nhọc, nhưng lại đi không được xa), nhưng dụng cụ hành nghề thì vẫn thế. Có hai loại kem, kem sệt và kem cây. Kem cây thì được làm sẵn để trong bình thủy giữ lạnh để không bị chảy, hay đựng trong những khuôn ống bằng kẽm ngâm đá, khi nào có người mua họ sẽ rút ra bán. Kem sệt thì họ quệt ra bằng cái muỗng đặc biệt có nút gạt ra cho kem rớt xuống bánh xốp, bánh kẹp...

Kem có nhiêu loại như sữa, dâu, sầu riêng, sô cô la, nho... v.v... Gần đây có những lọai kem cao cấp họ đi bán bằng đi xe đạp, nhưng dùng loa để phát ra tiếng nhạc: "tò te... tí... te" như loại kem walt. Các tiệm kem cao cấp thì có những loại kem ly, kem thập cẩm, kem sệt để trong trái dừa tươi. Bình dân một chút là loại kem ký, đặc, hình vuông để trong cái dĩa, bạn bè ngồi chung quanh mỗi người cầm một cái muỗng cùng múc ăn.

2- Bán mì, hủ tiếu gõ:

Nghề bán mì gõ dường như khởi gốc từ người Hoa gồm: hủ tiếu, mì, hoành thánh (là thịt băm gói trong bột cán dát mỏng). Tiếng "...cóc ...cóc ...cóc. cụp cụp..." vào những đêm mưa gió như kêu gọi những cái bụng có thói quen ăn đêm như tôi phải gọi một tô hủ tiếu mì dằn bụng trước khi lên giường ngủ. (vì lười ra đường, ra tiệm). Dụng cụ bán gồm chiếc xe đẩy có một cái nồi hai ngăn một bên đựng nước lèo, một bên nước sôi lúc nào cũng nóng. Bên trên là cái thùng kiến để mì, hủ tiếu, thịt, giá, hẹ, nước tương. Họ đi bán thường hai người: một người lớn vừa đẩy xe vừa pha chế, một trẻ em đi tiền trạm gõ cóc… cóc… cóc... mời chào khách, nhận tiền và bưng tô thành phẩm giao tận nhà.

Những đêm mưa gió, nếu bạn đói bụng và ngại ra đường, khi nghe tiếng mì gõ chắc chắn bạn sẽ không bỏ qua, lai rai một tô cho ấm lòng. Nhiều người nói mì gõ không được vệ sinh về nước rửa tô, nước lèo, nhưng cứ mặc, sống kỹ quá chưa chắc sống dai, ăn ở theo thời chưa chắc chết yểu, hồi đó giờ chưa ai chết vì ăn mì gõ đâu.

Gần đây, một số người miền Trung nhất là người Quảng vào miền Nam bán mì gõ, họ nấu ngon cũng không thua gì người Hoa nên người Hoa bán mì gõ cũng thu hẹp dần. Để cạnh tranh với mì gõ nói riêng và mì hủ tiếu của người Hoa nói chung, gần đây các nhà sản xuất đã làm mì gói (mì tôm) đủ loại, đủ hương vị tung ra thị trường với phương thức "nấu nhanh, (chỉ cần chút nước sôi), ăn liền" không đầy năm phút nhưng dù thế nào đi nữa, mỗi thứ cũng có hương vị riêng của nó. Bây giờ cũng có những đêm mưa gíó lười ra ngoài, tôi thường "làm" một tô mì gói cũng thấy ngon tuyệt.

3- Đấm bóp, giác hơi:

Nghề nầy không thuộc lĩnh vực ăn uống mà thuộc về sức khoẻ. Họ thường đi bằng xe đap để tiện chui vào các ngõ hẻm, nơi những người lao động bình dân đang sinh sống. Đồ nghề gồm có một cái thùng chứa ống giác hơi, chai cồn, cái bấc dùng để châm lửa khi giác, chai dầu nóng để xoa bóp. Tiếng "...cà …rẹt ...cà ...rẹt xạch... xạch... xạch..." như quen thuộc đối với những người lao động sau một ngày làm việc mệt mỏi, họ thường gọi vào để giác hơi, xoa bóp cho giảm đau nhức mệt mỏi để ngày mai lại tiếp tục "cày" kiếm miếng ăn.

Tôi có người bạn Mỹ, khi về VN anh ta rất tò mò khi nghe tiếng "cà... rẹt... cà rẹt..." hỏi tôi họ rao bán cái gì, thế là tôi phải gọi chú đấm bóp vào, đưa lưng cho chú giác hơi (vì lúc đó tôi cũng hơi mỏi lưng) để người bạn thấy tận mắt cái nghề đặc biệt về đêm nầy. Nhưng tôi cũng lo là nếu chú giác hơi non tay nghề, đổ cồn ra bất cẩn là cái lưng mình sẽ cháy phỏng.

B- RAO HÀNG BẰNG TIẾNG NÓI:

Rao hàng bằng tiếng nói được người bán xử dụng nhiều hơn bằng âm thanh vì nó gợi cảm đến người mua một cách trực tiếp về món hàng bán. Ngoài tiếng nói, cách rao của họ còn có âm điệu ngân nga, khi trầm, khi bổng, khi ngắt quãng, khi kéo dài. Tiếng rao là cả một nghệ thuật thu hút khách:

1- Tiếng rao bán chè: đậu xanh, đậu đen, thập cẩm, bánh lọt, bánh tét, bánh ú:

Thường phụ nữ làm nghề nầy nhiều hơn đàn ông, dụng cụ của họ là đôi gánh trên vai, một bên là nồi chè lúc nào cũng nghi ngút khói, một bên là chén, muỗng, các vật dụng phụ gia như đường, nước cốt dừa, đậu xanh, đậu đen v.v... Nói chung họ bán đồ ăn ngọt, mặn đủ thứ, ai muốn mua gì thì mua. "Ai... ăn ch... è... đậu xanh... nước dừa đường cát... hôn...". Tiếng rao hàng lanh lảnh với hình ảnh người bán chè đi nhanh nhẩu với hai thúng hàng lắc lư như vẫn còn hiển hiện trong tôi. Cái giọng trong trẻo, giọng ngân kéo dài, rồi sau đó buông xuống, chìm lắng đọng như một tiếng thở dài trong đêm tối.

Chè có rất nhiều loại hoặc hỗn hợp như: đậu xanh, đậu đen, chè bắp, chè bánh lọt, bà ba, khoai môn, táo sọn, bột báng, thập cẩm v.v..., chè nào cũng ngon ngọt, thơm béo, chan nước cốt dừa rất hấp dẫn với người lớn, trẻ con, nhất là các bé gái. Ngoài ra trên đầu đòn gánh, họ còn treo lủng lẳng những mặt hàng phụ như: bánh tét, bánh ú, ai muốn ăn thì mại dô (không ăn thì mại ra) hi.

2- Tiếng rao bán chè Xí bà phủ:

"Chí... pà... phủ... chí bà... phủ" một giọng rao lơ lớ của ông già người Hoa dường như quen thuộc với lũ trẻ chúng tôi mỗi khi chíếc xe đẩy bán chè đi ngang qua ngõ. Đây là một loại chè đặc biệt của người Hoa gồm có mè đen, đậu phộng (lạc) xay nhuyễn nấu nhừ với nước cốt dừa, làm thành một loại chè mầu sẫm đen, sền sệt, hương vị ngọt, béo thơm ngon. Tôi còn nhớ hình ảnh người bán chè Xí Bà Phủ năm xưa là một ông già người Hoa dáng lam lũ, đẩy một chiếc xe cũ long bánh. Ông mặc chiếc áo kiểu Trung Hoa thế kỷ 19, mầu đen bạc mầu, vá vai, các cúc áo cài bằng những nút bằng vải khâu. Đi bán cùng với ông là đứa cháu trai đầu trọc, ăn mặc lam lũ, còng lưng kéo chiếc xe tiếp vì ông đã già yếu đẩy không nổi. Khi có khách gọi, nó có nhiệm vụ mang từng chén chè đến cho mọi người, sau đó khi họ ăn xong, nó thu chén, muỗng, lấy tiền mang về cho ông.

Tôi nhớ lúc còn nhỏ, một hôm thấy nó vừa đi, vừa khóc, tôi hỏi: "Ê…, sao mầy khóc vậy Cù Lũ?" Nó nói mếu máo "Tụi... nó ăn chè xong chẩu (bỏ chạy) hết rồi, hu hu, ông tao sẽ "tả" (đánh) tao. Tiền chè bảy... đồng lận... hu... hu.". Thấy nó khóc, chợt nhiên tôi cảm động muốn khóc theo (tôi vẫn có tính dễ xúc cảm từ hồi nhỏ). Sau cùng tôi quyết định móc trong túi mình ra năm đồng mà mẹ tôi cho để dành tối mua xôi ăn chung với lũ bạn đưa cho nó: "tao chỉ có năm đồng, mầy lấy đi, tao cho mầy, mất ít tiền chắc ông mầy đánh nhẹ thôi". Tối đó, khi bạn bè mua xôi ăn thấy tôi nhịn ăn, mẹ tôi hỏi: "Tiền mẹ cho con đâu?". Tôi thú thật với mẹ chuyện cho tiền thằng Cù Lũ, những tưởng sẽ bị mẹ tôi mắng cho một trận nhưng không mẹ ôm tôi vào lòng, hôn tôi và nói "Con làm vậy là tốt con trai yêu quý của mẹ, để mẹ mua cho con cái khác".

3- Tiếng rao hàng bán hột vịt lộn, hột vịt vữa, trứng cút:

Tôi vẫn còn nhớ mỗi đêm khi sắp đi ngủ thì một tiếng rao quen thuộc trổi lên vang động trong đêm khuya: "...Ai... ăn hột vịt... lộn, hột vịt... vữa không...". Người miền Nam (cả người lớn, trẻ con) thường có thói quen ăn ban đêm trước khi ngủ nên những món quà ăn hàng vặt đêm đêm luôn luôn đắt khách, hễ một nhà gọi mua thì cả xóm cùng mua. Đồ nghề của người bán là một cái thúng đội trên đầu đựng trấu để giữ độ nóng của hột vịt lộn đã luộc chín (trấu là vỏ hạt lúa sau khi đã xay thành gạo). Hột vịt lộn là hột vịt sắp nở thành con, còn hột vịt vữa là hột vịt với thai con vịt chết trong bụng trứng, chưa phân hủy nhưng có mùi hơi hôi. Hột vịt lộn vữa ăn phải khi còn nóng chấm với muối tiêu chanh ớt, cùng với rau răm, không thi sẽ có mùi tanh. Chính vì thế nên người bán thường mang theo cái lò nhỏ dầu hôi để hâm lại trứng nếu nguội. Vì trứng còn nóng nên thuờng bỏ vào một cái chung, người ăn cầm chung, đập vỏ, rắc muối tiêu vào, vừa húp nước, vừa ăn. Nhiều người xưa nói bán hột vịt lộn là ác, là sát sinh vì trứng sắp nở thành con rồi.

4- Tiếng rao bán hàng: Bắp luộc, khoai lang, khoai từ, khoai môn, khoai mì:

Người bán loại hàng nầy không đi bán quá sớm hay quá khuya, thường là phụ nữ, họ đội trên đầu cái thúng hay quẩy đôi gánh đựng những món hàng trái cây, củ quả đã luộc hay nấu chín như bắp, và đủ các lại khoai. Buổi tối bon trẻ chúng tôi thường ăn lót dạ bằng trái bắp nấu, củ khoai trước khi ngủ hay quây quần nghe chuyện cổ tích cũng cảm thấy ngon tuyệt. "...Ai, ăn khoai… lang khoai mì... hôn?". Có lẽ người bán phải giữ hơi để đi rao hàng đường còn xa nên chỉ rao hai món khoai, nhưng khách hàng quen biết còn nhiều món khác trong thúng mẹt của người bán.

5- Tiếng rao bán: Bắp nướng, khô mực, khô cá nướng:

Vì bán quá nhiều món nên người bán chỉ rao "Ai. ăn bắp... nướng… khô mực nướng... hôn", nghe tiếng rao như thế lũ trẻ chúng tôi cũng thừa biết sau đó có những món gì mà người bán lười biếng rao. Người bán thường gánh đòn gánh là hai thúng, phía trước là cái lò than bén lửa, phía sau đựng bắp, khô mực, khô cá đuối. Tân tiến hơn là họ đẩy chiếc xe, trên có cái lò than, dụng cụ nêm nếm như mỡ hành, tương ớt dưa chua v.v... Bắp nướng nướng trên lò than, khi chín mềm phết vào mỡ hành pha chút muối. Còn chuối xấy, khô mực, khô cá thì nướng trên lò than. Chuối xấy là chuối xắt mỏng phơi khô, sau đó mang nướng ăn dòn dòn, ngọt ngọt. Còn khô mực, khô cá đuối thì chấm với tương ớt dầm me chua, có chút đồ chua. Thứ nầy bợm nhậu miệt vườn rất khoái khẩu bên ly rượu đế. Khi khô mực chín họ bỏ vào cái cối xay cho nát ra, hay dùng búa đập cho nhuyễn vì khô mực ăn tuy ngon nhưng mà rất dai. Mùi khô mực nướng bay thơm tỏa một vùng, chiếc xe còn ở xa mà lũ trẻ chúng tôi chỉ mới nghe mùi bay thơm đã thèm rỏ dãi.

6- Tiếng rao bán xôi mặn ngọt, xôi vò, xôi cúc:

Xôi là món ăn quen thuộc của người bình dân Việt Nam, nó đôi khi dùng ăn no thay cơm. Xôi được nấu bằng nếp, để chín mềm dẻo. Có hai loại là xôi mặn và xôi ngọt. Xôi mặn được pha chế với tôm khô, lạp xưởng, thịt quay, chả lụa xịt nước tương Còn xôi ngọt chỉ ăn với đường, chan nước cốt dừa.... "...Ai ăn... xôi... mặn... ngọt... vò cúc... hôn", cái tiếng rao lanh lảnh, có tiếng ngân nga vang đọng trong đêm như khiêu khích mấy cái bụng đói của lũ trẻ sau khi chơi đùa ngoài phố. Chỉ cần một tiếng gọi "xôi" của một nhà, thì cả xóm cũng kéo ra mua cho các lũ trẻ, như hiệu ứng đôminô. Người bán xôi thường gánh hai thúng phía trước và sau: phía trước đựng nồi xôi nóng, phía sau là các thứ gia vị, vật tư như đường, chả lụa, lạp xưởng đã xắt mỏng. Xôi vò là loại xôi ngọt dẻo, có phủ đậu xanh bên ngoài từng hạt xôi, còn xôi cúc là loại xôi giống như xôi vò bọc bên ngoài, bên trong có nhân bằng đậu xanh đã tán nhuyễn.

7- Tiếng rao bán bánh mì thịt, bánh mì ngọt, bánh bao:

"...Pánh pao... pánh mì...”, những tiếng rao quen thuộc vọng lên từ sáng sớm khi tôi còn nằm trên giường ngủ của một ông gìà người Hoa làm tôi thức giấc. Không cần nhìn đồng hồ, lúc đó tôi biết là bảy giờ kém mười lăm phút. Ông ta đi rất đúng giờ như cái đồng hồ sống. Ông ta đi chiếc xe đạp, phía sau chở một cần xé bánh mì, bánh bao để trên cái lò than nhỏ hâm nóng. Phía trước yên, ông gắn một thùng kiến đựng nào là patê, xúc xích, thịt nguội, dưa chua, tương ớt để bán bánh mì thịt. Mẹ tôi vẫn thỉnh thoảng mua cho tôi ăn sáng bằng bánh mì kẹp thịt rất ngon.

Bây giờ thì tân tiến hơn, họ rao bán bánh mì bằng loa phóng thanh vang rần cả xóm.

8- Tiếng rao bán bánh cuốn, bánh ướt, bánh xèo, bánh bột báng, bột chiên:

"Bánh ướt... bánh xèo... bột chiên đây... đây...". Khi nghe tiếng rao, tôi hình dung ngay được một ông già có chòm râu mép cá trê, để tóc búi (vì ông theo đạo Cao Đài), cong lưng đẩy chiếc xe bắng gỗ long sơn. Dưới xe là nhiều ngăn tủ lủng củng đựng đầy đủ đồ hành nghề như: tôm chiên, chả lụa, nem chua, hành, rau, dấm, nước bột bánh xèo, bột chiên. Bên trên, ông để một cái lò than dùng để hâm nóng bánh ướt, để chiên bột chiên, bánh xèo. Một hàng chai nước mắm, nước tương làm sẵn xịt vào đồ ăn. Món ăn của ông làm rất ngon, lũ trẻ chúng tôi thường ăn sáng hàng của ông như bánh ướt, bột chiên trước khi vào lớp. Các món ăn nầy quan trọng nhất là nước mắm, nước tương chan, nó chiếm gần như năm mươi phần trăm khẩu vị ngon của món hàng. Hồi xưa ở Saigon, bên hông cổng Trường Trung học Nữ Gia Long, đường Ngô Thời Nhiệm có một xe bán bột chiên rất ngon, các nữ sinh (chúa ăn hàng) thường tụ tập ăn trước khi vào lớp.

9- Tiếng rao bán chiếu:

"Chiếu e... e... chiếu... e...", khi tiếng rao bán chiếu vang lên trong ngõ là những đứa trẻ con phải dừng cuộc chơi, hốt hoảng bỏ chạy vào nhà trốn. Bởi vì trước đây một bà mẹ vì bực mình con quậy khóc nên khi người bán chiếu đi ngang qua nhát nó "Ông chiếu ơi... vào bắt nó quăng xuống sông đi". Ông bán chiếu cũng hưởng ứng: "Nín không, bỏ bao quăng sông bây giờ...". Thế là từ đó những đứa trẻ truyền khẩu lẫn nhau là " chiếu e" bắt cóc con nít quăng sông nên sợ hãi chạy trốn khi ông ta vừa đi đến ngoài đầu ngõ.

Người bán chiếu thường vác trên vai đống chiếu nhiều kích cỡ, nhiều mầu sắc: chiếu đơn, chiếu đôi, loại chiếu trơn hay có vẽ hoa văn mầu sắc. Người bán thường ở dưới quê lên, ở nhà họ tự dệt bằng tay, thủ công, mang lên đô thành bán bằng cách đi ghe xuồng. Về ngành bán chiếu, soạn giả cải lương Viễn Châu có viết bài ca vọng cổ "Tình Anh Bán Chiếu”, do danh ca Út Trà Ôn ca rất mùi, mẹ tôi rất thích nghe. Trong lịch sử VN có nói đến bà Thị Lộ bán chiếu gặp quan Nguyễn Trãi, hai bên đối đáp thơ văn. Ông mến tài thơ phú nên lấy làm vợ lẽ, nhưng cũng không ngờ đó là một định mệnh mà sau nầy dòng họ ông lại bị tru di tam tộc. Thị Lộ: "Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon. Cớ sao ông hỏi hết hay còn? Xuân xanh chỉ độ trăng tròn lẻ (?). Chồng còn chưa có, có chi con". Phải chăng Thiên tài thao lược Nguyễn Trãi của chúng ta là nạn nhân của một chế độ phong kiến vì sinh lầm thế kỷ?

10- Tiếng rao bán cháo huyết, cháo lòng, cháo vịt:

"Cháo... nóng hổi... vừa... ăn... vừa thổi... đây... đây". Đó là tiếng rao hàng của một ông lão cùng đứa con trai chừng mười tuổi thường đẩy chiếc xe gỗ bán cháo ngang xóm nhà tôi từ sáng sớm, sau đó, ông chắc đẩy xe đi bán ở đâu xa lắm nên chiều tối mới thấy đẩy xe về, Thường thì đẩy xe nhanh vì bán hết cháo, cũng có khi ế hàng đậu mãi "cháo... it..." rao mãi mà chẳng ai mua vì đúng giờ cơm chiều. Ông bán ba loại cháo: Cháo huyết chỉ có huyết heo, da heo bỏ vào một ít gừng, dầu chấy quẩy. Cháo lòng thì có thêm lòng heo, một ít gan, phổi heo. Cháo vịt thì ngoài một ít thịt vịt trong tô cháo, còn có một dĩa gỏi vịt chấm mắm gừng ngon tuyệt. Trời lạnh, ăn một tô cháo vịt nóng, gắp một miếng gỏi thịt vịt béo ngậy nhâm nhi thì không còn gì tuyệt bằng. Tôi còn nhớ lúc còn ở Saigon, tôi và bạn bè thường qua Hàng Xanh ăn cháo gỏi vịt, tiết canh vịt, nơi đó có nhiều hàng bán cháo vịt rất ngon, đông khách.

11- Tiếng rao bán bánh bao, bánh bò, bánh tiêu, dầu chấy quẩy:

“Pánh pò pánh têu... dầu chí quẩy... đây…". Đó là lời rao mỗi buổi sáng của ông già bán bánh bò, bánh tiêu thường đi ngang trước cửa nhà tôi. Cứ mỗi sáng, hình dáng một người đàn ông lưng gù đạp chiếc xe đạp phía sau chở một giỏ cần xé, trong đó có một cái tủ nhỏ cửa bằng kính đựng một số bánh bao, bánh bò, dầu chấy quẩy. Bánh bao là loại bánh bên trong có nhân thịt. Bánh bò là bánh xốp nướng, nổi phồng, vị ngọt. Bánh dầu chấy quẩy, bánh tiêu là bánh có vị lạt được chiên nổi. Các loại bánh nầy nguồn gốc từ người Hoa. Thường thì người mua một lúc hai loại như bánh bò ăn chung với bánh tiêu hay với bánh dầu chấy quẩy. Người ta thường mua để ăn lót dạ trước khi đi làm hay trẻ con ăn trước khi đi học.

LỜI KẾT:

Đến đây tôi xin chấm dứt loạt bài LÃNG MẠN NHỮNG TIẾNG RAO HÀNG, QUÀ THỜI THƠ ẤU, mong rằng nhắc lại những tiếng rao hàng đó, chúng ta sẽ sống lại nhiều kỷ niệm ấu thơ, nhớ lại những món ăn dân dã đạm bạc của trẻ con thời cắp sách. Những hàng quà, ăn vặt mà ở lứa tuổi hồn nhiên chúng ta lúc đó, ai cũng đều ít nhiều quen thuộc, thưởng thức, trải qua, điều đó đã vô tình thành kỷ niệm trong ta lúc nào cũng không hay. Đến một lúc bất chợt nào đó, nghe nó, vang động giữa đêm khuya một tiếng rao hàng dù lẻ loi, hay nghe mùi thơm của hương vị xưa thoảng qua, cũng thấy lòng đồng hành hoài niệm một chút nào xa vắng. Những tiếng rao hàng hôm nay vẫn còn vang trong đêm tối là cuộc sống lam lũ vẫn còn, kiếp nghèo đói người dân vẫn còn. Hơn một thế kỷ trôi qua, vẫn loanh quanh chìm nổi trong vực sâu lạc hậu, thử hỏi chúng ta đã làm được gì và mất gì? Khi nào còn những tiếng rao hàng của tầng lớp lao động cùng khổ, như một lời than thở giữa đêm khuya thì những danh từ kinh tế vĩ mô rêu rao cũng chỉ là vô nghĩa.

.

Huy Thanh


Cái Đình - 2019