Phan Văn Song


Kinh Tế Thị Trường Tự Do: Tất Yếu Để Phát Triển?

 

Đây là một câu hỏi nhức nhối, chẳng những đối với các nhà kinh tế học hay cho cả nền kinh tế nói chung, mà cả đối với tất cả những ai, đã tham gia đấu tranh cho một thế giới Tự Do và cho sự Sống chung Hòa bình giữa các cộng đồng dân tộc. Dĩ nhiên, cuộc khủng hoảng từ 2008 đã đặt lại vai trò của Tự Do thương mãi, của nền Kinh tế thị trường tự do. Có người nói: “Đó là bề trái của nền Kinh tế Tự do, đó là cái lý do của những khó khăn đang gặp phải ngày nay”, nhưng cũng có kẻ cho rằng: “Nền Kinh tế Tự do cuối cùng là một giải pháp cho tất cả những khủng hoảng kinh tế”.

Và quan trọng hơn, “Nền Kinh tế Tự do là chất keo, là chất men để giữ lấy một thế giới mở, đầy thông cảm, đầy hiểu biết, của toàn bộ cộng đồng nhơn loại thế giới, vì Toàn Cầu Hóa sẽ hòa hợp, cân bằng lại các xã hội khác nhau, sẽ chia sẻ hài hòa các nền văn minh khác nhau, Kinh tế thị trường tự do sẽ đưa lại một thế giới đại đồng.”

***

Sau nhiều thập niên phát triển, nhưng chỉ từ năm 2008 đến nay, chỉ với vài năm thôi của nền khủng hoảng kinh tế - tài chánh ở các quốc gia tiên tiến, mà nền kinh tế tự do với hiện tượng toàn cầu hóa đã gần như bế tắc. Các quốc gia đang phát triển mặc dù vẫn còn tiềm lực phát triển với những chỉ số trên con số 7% vẫn phải lo chuẩn bị đi tìm những thị trường mới, không còn trông cậy gì nơi các thị trường tiêu thụ quen thuộc (đã giúp mình phát triển) của các quốc gia tiên tiến Âu Mỹ nữa. Nói tóm lại, từ nay, các quốc gia đang phát triển hay kém phát triển trước đây đã trông nhờ vào sức lao động rẻ tiền của công nhơn mình để kiếm sống, để phát triển, dùng vũ khí sản xuất hàng rẻ để xuất cảng, thì nay phải lo làm và sống với thị trường nội địa của mình. Thị trường Huê kỳ, là một thí dụ, trước vẫn quen chuyên sử dụng hàng nhập cảng rẻ của các quốc gia chậm tiến, với chi phí lao động rẻ, nay cũng đã bắt đầu đi vào quy trình sản xuất và bán hàng “made in USA”. Một làn sóng “tự hào dân tộc hay bảo vệ nền kinh tế dân tộc” từ hai năm nay, đã và đang bắt đầu nở rộ trên khắp các quốc gia cả Âu Châu lẫn Mỹ.

Chưa hẳn tẩy chay toàn bộ những hàng hóa thông dụng “made in China”, “made in Viet Nam” hay “made in các quốc gia chậm tiến với giá lao động rẻ”, nhưng cũng đã có những phong trào các người tiêu dùng Âu Mỹ đã bắt đầu đi tìm các hàng hóa nội hóa của quốc gia mình, ở Mỹ, made in USA, ở Pháp, made in France. Cộng thêm vào đấy, với tình hình của nạn thất nghiệp đang tăng, với tình hình nạn các doanh nghiệp, công xưởng đang lần lượt phá sản, đóng cửa… chẳng những mang đến một không khí, một tâm trạng lo âu, một nền tảng kinh tế quốc gia bi đát, dỉ nhiên với một mãi lực một ngày một kém,… mà còn đưa đến một trạng thái tự vệ (rất quốc gia dân tộc) rằng “thà mua ít nhưng mua hàng quốc gia, để củng cố lại công ăn việc làm”.

Cũng chưa hẳn phải bế môn tỏa cảng, nhưng cũng đã có một não trạng “bài ngoại” đang bắt đầu xuất hiện ở nhiều nơi trên xứ Pháp. Từ “bài hàng ngoại” đến “bài ngoại” sẽ không xa, và chẳng chốc sẽ “kỳ thị chủng tộc”. Đừng “nghe Tây nói Tây không kỳ thị chủng tộc, hãy nhìn kỹ những gì Tây làm với người “da mầu”!

Người ngoại quốc ở Pháp? Từ nay chỉ được trân trọng là người “ngoại quốc du lịch”, mua sắm, ăn xài, còn người ngoại quốc sanh sống làm ăn ở bản địa? Nghĩa là, người gốc ngoại quốc với một ngoại hình không giống hẳn nhóm dân tộc đa số ở âu châu, gốc da trắng, và tốt hơn, gốc da trắng gô-loa (gaulois). Vậy ai là gô-loa thứ thiệt? Ai là da trắng thứ thiệt đây? Ngày xưa, không xa lắm, chỉ độ 50/60 năm trở lại thôi, khoảng những năm 1950 đến 1960, dân bản địa nước Pháp chê nhóm người gốc Ý - Italie; dùng từ péjoratif – nghĩa xấu – Rital, để miệt thị dân Ý, cho rằng dân Ý nói dóc, hát hay, chải đầu tém, dê con em gái mình, ăn không ngồi rồi, dành bóng mặt trời và sức sống và công việc cùng bánh mì của dân Gô-loa. Sau thời Rital, đến thời các “Nhôm”, các “ Chì” (từ việt ngữ của du học sanh và lính thợ gốc Việt Nam để miệt thị dân Espagnol, Tây Ban Nha, Nhôl thành Nhôm và từ Nhôm ra Chì) rồi đến thời các Portoss – Portuguais, dân Bồ… Nhưng dân Pháp Gô-Loa, và dân Việt, ngàn đời, vẫn ghét “Rệp” (từ Việt do Rạp biến thể) – Arabes, (ở Marseille gọi dân Arabes là Melons ở Paris gọi là Beurs) và “Đen” – Noirs, Blacks, dân da đen, bất kể họ là người đến từ đâu đến: lẫn lộn dân từ Martiniques, Guadeloupes, Réunion, Guyane là những vùng thuộc đất Pháp, các dân ấy đều là người Pháp, và các dân Đen Phi Châu thuộc các vùng cựu thuộc địa của Pháp. Ấy là chưa nói đến nhóm Đông dương – Indochinois: Việt Miên Lèo, Tây gaulois thường lẫn lộn gọi chung là Chinois – hay Chitoc – hay cũng có vài tên Tây “biết biết” một chút, dùng từ “thuộc địa nhập cảng”: Niacque, do từ Nhà quê biến thành! Riêng dân Việt ta thường tự hào nôm na tự gọi riêng mình là dân Mít – do từ Annamites mà ra. Tự ngạo ta! Đó cũng là một cái bản lãnh riêng biệt ngon lành của phe ta.

Người viết xin phép được dùng những từ ngữ nói trên, có lẽ lạ lẫm với các độc giả ngoài đất Pháp. Những từ ngữ nầy do dân Việt Nam hải ngoại, gốc lính thợ Đệ Nhị Thế Chiến ở lại, du học sanh thời Việt Nam Quốc Gia hay Việt Nam Cộng Hòa, di cư tỵ nạn Cộng Sản 1975 như nhóm người viết, có mặt trên đất Pháp từ những năm 50/60.

Trong những năm kinh tế phát triển mạnh, sự cọ sát của các cộng đồng gốc ngoại quốc và giới lao động Pháp cũng bớt đi, nhờ không có giành ăn, vì ai cũng có công ăn việc làm dễ dàng... Nhờ cùng là dân lao động, nhờ cùng đổ mồ hôi, nhờ ở chung một môi trường, chung trong một thương trường, cùng một sở làm, vai sánh vai, cùng cầy cùng cuốc, anh em bạn khổ với nhau, sự kỳ thị cũng tương đối vơi đi nhiều. Nhưng khi cơn khủng hoảng đến, với sự cạnh tranh, con người đâm ra ích kỷ, so đo. Ngày nay Âu châu, nước Pháp, lại bắt đầu có nạn kỳ thị ra mặt.

Và anh người Pháp gốc Việt ta, vì thấy mầu da mình tương đối trắng, nên cũng bày đặt ghét Rệp, ghét Đen! Quên rằng thằng “tây Gô-loa” kỳ thị, ngày nào hắn đánh hết Đen đánh hết Rệp là sẽ đến phiên đánh “Chệt”, mà “Chệt” với “Mít” giống nhau y chang! Ngày đó e rằng chạy không kịp.

Nói dông nói dài nay phải nói tới chuyện chánh: Kinh tế Tự Do là gì? và ngày nay thế nào là nền Kinh tế Tự Do? Thế nào là Tự Do thương mãi? Có thật Tự Do không? nghĩa là không có luật lệ gì cả không?

 

Thế nào là Kinh tế Tự Do?:

Kinh tế Tự Do, hay Tự Do thương mãi có hai mặt: một rất tích cực, đó là chấp nhận và tổ chức một cách tích cực sự trao đổi, thông thương thương mại làm ăn, hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ, tiền bạc, vốn liếng, doanh công nghiệp giữa các quốc gia.

Nhưng mặt thứ hai tiêu cực, là nạn cạnh tranh do thị trường tự do, nhập cảng bừa bãi không bảo vệ thị trường nội địa, làm mai một tay nghề quốc gia, tạo thất nghiệp.

Nền Mậu dịch Tự Do, Kinh tế Tự Do là một trong những chương trình xây dựng bởi nhóm thắng trận Thế Chiến 2: Mỹ Anh Pháp. Năm 1945 Hiến Chương La Havane đã tạo ra G.A.T.T. (General Agreement on Tariffs and Trade – Định Ước về Giá cả và Thương mại). Từ GATT nảy ra Hiệp Ước Roma, Cộng đồng Âu Châu, Thị trường Chung Âu Châu và cuối cùng Liên Hiệp Âu Châu ngày nay. Nếu thoạt đầu chỉ liên hệ qua lại giữa các 6 quốc gia Tây Âu: Bỉ, Hòa Lan, Lục Xâm Bảo – BêNêLux, Pháp, Đức và Ý liên hiệp bổ sung tài sản kỹ nghệ Than, Thép hùn hạp làm ăn, sau đó tiến dần đến 9 quốc gia, rồi 15. Rồi Thị trường Chung, rồi khối đồng tiền Euro, rồi nhập với các quốc gia khối Đông Âu, hình thành bởi sự sụp đổ của nhóm Cộng sản Sô Viết, và tổ chức vẫn tiếp tục lớn mạnh, nay đã 28 thành viên.… Và còn nữa, mặc dù với cuộc khủng hoảng ngày nay, vẫn còn một vài quốc gia ứng viên “get line – sắp hàng” chờ ngày nhập vào Liên Âu: Turquie, Islande, Albanie, Macédoine, Serbie, Monte Negro…, trừ ba quốc gia đầu, số đông còn lại  là những tiểu quốc thuộc cựu Liên Bang Nam Tư đã tan vỡ cùng thời với bức tường Bá Linh. Nói tóm lại, với hiện tượng Tự Do thương mại, thoạt đầu chỉ Liên Âu Hóa, sau đó với những ảnh hưởng các quốc gia cựu thuộc địa và các quốc đang lên, dần dần đã đến Toàn Cầu Hóa.

Tuy vậy, không phải tất cả các hàng hóa đều được tự do thông thương. Vài món hàng vẫn phải bị thuế má và hạn chế. Tổ Chức Thương Mại Thế giớiOMC WTO (World Trade Organization, thay thế GATT theo lời yêu cầu của Pháp năm 1987), vẫn không đủ thẩm quyền để giải quyết những “nông yếu phẩm” và “những thương thuyết” trong Hội Nghị Bàn tròn ở Doha – le Cycle de Doha – Doha Development Round hoàn toàn bế tắc từ 2001 đến nay.

Ngoài ra, còn một số sản xuất kỹ nghệ, công nghệ (hàng hóa, dịch vụ) không được gọi là hàng hóa vì thuộc về thế giới riêng biệt của ngành ngoại giao, của địa lý chánh trị như: kỹ nghệ chiến tranh, vũ khí, công cụ quân sự, hay nhiên liệu năng lực có tính cách chiến lược. Và gần đây, với tình hình kinh tế khó khăn, với cuộc khủng hoảng kinh tế đương hoành hành, một loạt hành sử “bảo vệ kinh tế quốc gia” đang bắt đầu xuất đầu lộ diện. Từ ba năm nay, Ủy Ban Bruxelles của Hội đồng Liên Âu đã nhận diện trên 600 quy luật nhập cảng do các thành viên Liên Âu tạo thành để quy định việc nhập cảng: loay hoay, tựu chung, quanh quẩn các vấn đề an toàn, vấn đề vệ sanh, hay ô uế môi trường khi sử dụng tại quốc gia nhập cảng tiêu thụ, hay ngay tại nơi sản xuất hay ngay cả quy trình sản xuất của quốc gia xuất cảng.

Nhưng dù sao đi nữa tự do mậu dịch, nền kinh tế thị trường tự do ngày nay cũng là một thực tế không chối cãi. Nền tảng của các quốc gia đang lên, đang phát triển là do nền kinh tế thị trường tự do. Khối lượng trao đổi đến năm 2012 vẫn đều đặn phát triển, với chỉ số khổng lồ trung bình là 15% một năm. Khối lượng tiền năm 2014 của nền thương mãi thế giới là 30.000 tỷ dollars US, tương đương với 1/4 của Tổng Sản Lượng Toàn cầu. (Năm 1950 chỉ bằng 10% TSLTC). Các quốc gia “tiên tiến” ngày nay (nhóm G8) chỉ chiếm 50% của tổng số lượng hàng trao đổi, trái với năm 1950, G8 chiếm trên 80%.

Thế nhưng Tự Do Thương Mãi có thực sự là Tự Do không?:

1/ Những sai trái:

Khủng hoảng kinh tế và tài chánh ngày nay vẫn chưa thấy lối thoát, và hầu như cũng được “toàn cầu hóa”, nên nền kinh tế tự do cũng phải nhận phần trách nhiệm. Những sơ sót của nền Kinh tế Tự Do được tô đậm nét, đúng có thể, sai chưa chắc, nhưng cái chắc chắn nhứt là sự cạnh tranh không tử tế, không bình đẳng, ăn gian nhiều hơn tử tế. Việc đầu tiên là: Dumping – “phá giá” (xuất cảng với giá “ăn gian” nhẹ hơn giá thành, thành phẩm hầu như bán với giá không lời, gần như lỗ, với những dumping trên phần thuế vụ (đồng lõa của Nhà nước quốc gia xuất cảng) dumping xã hội, (lương công nhơn rẻ, thiếu hẳn những phần an toàn, y tế) ; dumping môi trường (phần bảo quản môi trường không có); dumping tiền tệ, (hối đoái thấp để hưởng phần phụ trội khi chuyển ngân).

Dumping thuế vụ: Trò chơi nầy thường được sử dụng. Hàng xuất cảng hoặc miễn thuế, hoặc đánh thuế thấp hơn với loại hàng giống vậy bán trong thị trường quốc nội. Người tiêu thụ trong thị trường quốc nội trả thuế dùm cho hàng xuất cảng. Nhưng cũng có thể nới rộng trò chơi bằng cách, không đánh thuế lương bổng, hay lương bổng nhẹ, hay miễn thuế thương vụ cho nhơn viên, hay cả một xí nghiệp chuyên nghề xuất cảng. Liên Âu đang có chương trình sẽ “hài hòa – hòa hợp” các thể chế thuế vụ khác nhau giữa các thành viên để tránh những vụ tỵ nạn thuế vụ hay ăn gian thuế như nói trên (Báo cáo Primarolo).

Dumping Xã hội: Thí dụ điển hình là Trung Hoa Cộng sản. THCS là một quốc gia, ngày nay là một cường quốc kinh tế số một thế giới, mà vẫn có một thể chế lương bổng và những điều kiện lao động của một quốc gia nghèo khó, lạc hậu, không tôn trọng luật lao động và không tôn trọng nhơn cách và nhơn phẩm của người công nhơn. Vì nhờ không tốn tiền nhiều trong khâu lao động, khâu công nhơn và điều kiện làm việc, hàng Trung Quốc mới có giá thành rẻ và cạnh tranh bán cho thế giới.

Khi các quốc gia tiên tiến đòi những điều kiện đàng hoàng cho hàng hóa trung cộng, thì Trung Cộng ăn gian, bèn đưa cho Việt Nam làm gia công, nhưng vẫn trademark China. Nhơn công Việt Nam bị bóc lột để hàng Tàu vô thưởng vô phạt bán trên thị trường Âu Mỹ.

Nhưng người Âu châu cũng đừng quên rằng họ đã cần đến 100 năm để có một thể chế lương bổng và một hệ thống bảo vệ công nhơn và an ninh xã hội hữu hiệu như ngày nay. Vì vậy cũng phải thông cảm và “cho” thời gian để các quốc gia và công nhơn của các nước đang lên hay chậm tiến, có thời gian xây dựng một hệ thống lương bổng và một hệ thống bảo vệ quyền lao đông và an ninh xã hội có hiệu lực và tôn trọng nhơn quyền. Đừng đòi hỏi thái quá, nhưng cũng phải cảnh giác xem chừng những hiện tượng bóc lột sức lao động trẻ con, đàn bà, (trường hợp thai nghén, vân vân)

Dumping môi trường: Đây là một tình trạng khó kiểm soát. Những luật lệ không rõ ràng. Khói, CO2, xả thải khí độc, nước dơ… phá hoại môi trường thực vật chung quanh nhà máy. Nếu phạt là theo dõi quá kỹ, thì dời xưởng. Ở Californie nước Mỹ, nếu điều kiện môi trường khó quá, thì dời xưởng qua Mễ Tây Cơ dễ dàng hơn. Ở Tàu khó, thì qua biên giới, qua Việt Nam sản xuất – điển hình là vụ Formosa và cá chết hàng loạt.

Còn Dumping tiền tệ. Trò chơi hối đoái. Tiền Nhân Dân Tệ Tàu giữ hối đoái rẻ đối với Dollars để xuất cảng. Nhưng khi muốn ép nhập cảng, hạn chế nhập cảng, thì nâng trị giá tiền nhập cảng cao lên bằng cách nâng cao chi phí tiền “mua ngoại tệ”.

2/ Tự Do thương mại: bài học Sáng tạo, Cạnh tranh: bài học Dân chủ và Phẩm chất.

Thế nào là cạnh tranh tốt? Thế nào là thi đua? Cạnh tranh là so sánh. So sánh là sáng tạo, là thi đua cùng một thời điểm, cùng một thị trường, cùng một môi trường, cùng làm một món hàng, cùng làm một sản phẩm. Và So Sánh, đối chiếu giữa phẩm chất/giá hàng là quan trọng. Muốn bán hàng tốt bán hàng giỏi là trả lời đúng nhu cầu của người mua. Đối chiếu cặp bài trùng Phẩm Chất / Giá hàng đúng là cái trả lời đúng của bạn hàng.

Những lý luận chống đối nền Kinh tế Thị trường tự do ngày nay phần đông đều có mầu sắc chủ nghĩa hay chánh trị.

Sự thật của cái khó khăn ngày nay của Kinh tế Thị trường tự do là những cách biệt giữa những thể chế, quy trình sản xuất khác nhau.

Thể chế chánh trị, hệ thống tổ chức khác nhau: hoặc của công nghiệp nhà nước và hoặc của tư doanh đủ là hai bản sắc của hai hệ thống sơ đồ tổ chức sản xuất khác nhau. Trong một quốc gia, hai hệ thống với hai sơ đồ tổ chức công tư khác nhau là đủ cạnh tranh, thi đua với nhau rồi. Các quốc gia khác nhau với những cơ chế tổ chức khác nhau cũng cạnh tranh nhau.

Quy trình tổ chức sản xuất khác nhau cũng có thể cạnh tranh nhau.

Vì vậy, tuy ở ngay trong một quốc gia, nhiệm vụ các vai trò khác nhau của một hệ thống kinh tế sản xuất, từ công nhơn, đến chủ nhơn nhà máy phải hợp cùng với Nhà nước để vạch một dây chuyền sản xuất hữu hiệu. Tạo một mội trường kinh tế hữu hiệu, cởi mở, bắt đầu từ một hệ thống nghiên cứu, đến ngân hàng, thuế vụ, huấn luyện công nhơn, một hệ thống hành chánh dễ dàng, cởi mở, nhanh chóng cũng đủ tạo cho một sự cạnh tranh cho sản xuất hàng hoá của mình để thi đua góp mặt đấu tranh cùng các hàng các quốc gia khác.

Khi có một chế độ hành chánh Nhà nước cởi mở, dễ dàng, khi một hệ thống thủ tục xuất cảng hữu hiệu, nhà sản xuất mới có thể chú tâm vào việc nghiên cứu món hàng để ứng dụng vào thị trường.

Các sứ quán, các tòa đại sứ, tòa lãnh sự, phải là những cửa hàng triển lãm hàng của quốc gia mình, các nhơn viên sứ quán phải là những nhà nghiên cứu thị trường nơi trú ngụ.

3/ Tự do kinh tế: phục vụ con người?

Tự Do thương mãi, Tự do trao đổi, thực sự thành công khi con người thật sự được nhập cuộc để đi tìm cái phẩm trong cuộc sống.

Con người không tìm được cái phẩm chất trong cuộc sống, vì thế giới của môi trường xã hội không cho phép họ nhập cuộc, vì sức khỏe kém, vì trình độ kỹ thuật kém.

Không cứ khi trao đổi hàng hóa, trao đổi thương mãi là con người có thể thoát vòng ngu xuẩn và đi vào phát triển. Đúng vậy, trao đổi thương mãi, tự do thương mãi là mở cửa, là khuyến khích đi tìm cái mới, là tổ chức lại cái nhìn của con người, là kinh tế hóa con người, nhưng nó chưa thay đổi được con người. Muốn thay đổi con người, Tự do kinh tế phải được theo dõi, được huấn luyện, giáo dục để đem phát triển toàn bộ đến với con người nói riêng và xã hội chung quanh con người nói chung.

Để nói rõ, khi bắt đầu có kinh tế thị trường nhập vào các không gian các quốc gia chậm tiến: việc đầu tiên là các gia đình khi bắt đầu khi có tí tiền của dư thừa, là đầu tư vào con cái. Nhưng con cái chưa đủ! Các quốc gia vùng Đông Nam Á hay Ấn độ tuy đã phát triển nhờ đầu tư gia đình vào con cái; nhưng họ cũng đầu tư qua các Hiệp hội để giúp đỡ những gia đình nghèo. Một hệ thống giáo dục và Y tế miễn phí tạo sức khỏe, tạo tay nghề, nghề nghiệp cho các giai cấp nghèo, không đủ điều kiện để đi vào hiểu biết. Tạo một không gian, một môi trường trong sạch, hiểu biết, các quốc gia ấy mới đạt được cái phẩm của ngày nay, cái giá trị của một quốc gia có một trị giá kỹ thuật cao để trao đổi thương mãi với cái đối tượng quốc gia khác.

Để kết luận: Và Việt Nam?

Riêng về Việt Nam. Việt Nam ngày nay có đủ điều kiện để cất cánh phát triển. Nhưng sao vẫn ì ạch?

“Quan Liêu, Cửa quyền, đó là thủ tục. Tham Nhũng, Hối Lộ, đó là tật xấu, phải chấp nhận”. Bốn tật ấy, hỏi đến người ngoại quốc nào đã thử vào Việt Nam đều nói tới. “Khéo tay, Chịu khó… tuy tay nghề kém nhưng ráng học hỏi, sử dụng được”. Đó là lời khen chung của những người muốn vào “đầu tư” ở Việt Nam.

Sau khi xét hai cái nhìn ấy, thì chỉ cần bỏ bốn cái tật trên là Việt Nam sẽ có đủ điều kiện để phát triển ngay. Khổ một nỗi là bốn điều kiện trên là do anh Nhà Nước là Đảng Cộng sản cầm quyền.

Vậy thì kết luận rất dễ. Hãy thay người cầm quyền. Đầu tư vào tuổi trẻ, Giáo dục, Y tế, Tạo Sức khỏe, tạo Kỹ thuật. Chẳng mấy chốc Việt Nam sẽ có đủ tiềm năng để phát triển. Tự do thương mãi, Tự do mậu dịch trao đổi là phải trao đổi giữa hai đối tượng bạn hàng, hay hai quốc gia bằng sức bằng cân, “bên tám lạng bên nửa cân” mới trao đổi buốn bán lưỡng lợi – synallagmatique – WinWin được. Nếu không suốt đời, dân Việt Nam bị phá giá, vì không đủ phẩm chất. Dùng dumping lao động, dumping thuế vụ, dumping xã hội chỉ làm nô lệ, làm “mọi” cho cả thế giới. Mãi mãi…

Hồi Nhơn Sơn, Hè 2016
Phan Văn Song

 


Cái Đình - 2016