Chu Nguyễn


Khuyến khích tự tử là tội mưu sát!

.

Đông cũng như Tây, quan niệm truyền thống và siêu hình cho rằng, có một Đấng tạo hóa tạo ra con người và chỉ có Đấng tối cao này có quyền quyết định số phận đối với một người như Cung oán khâm khúc có câu:

Quyền họa phúc trời tranh mất cả,
Chút tiện nghi chẳng trả phần ai,
Cái quay búng sẵn lên trời,
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.

Vì thế con người sống trong xã hội cần thuận theo thế tự nhiên, không thể thay Tạo hóa quyết định họa phúc, sinh tử của người khác, mà có bổn phận bồi đắp hạnh phúc, nên mới có việc chia vui, hay giảm bất hạnh cho tha nhân và làm việc sẻ buồn. Rõ ràng không thể tùy tiện làm việc ngược lại là khuyến ác. Khuyến ác đưa tới bi kịch cho tha nhân và cho chính mình vì xã hội không ít thì nhiều vẫn căn cứ vào nguyên tắc trên, trong việc cầm cân nảy mực để thưởng thiện phạt ác.

Ở Mỹ có hơn 40 tiểu bang coi việc “thúc đẩy hay khuyến khích tự tử” (coercing or encouraging suicide,” là một hình tội. Dù đã có án lệ nhưng trong thời đại chúng ta, ngay ở các quốc gia văn minh, ở khắp nơi trên thế giới vẫn có phong trào âm thầm cổ động cho việc tìm cái chết. Hiện tượng này bùng phát một phần nhờ phương tiện truyền thông mở rộng giúp kẻ có tà ý dễ dàng trong việc cổ động người khác, cùng với mình trong việc dấn thân vào con đường tự hủy. Hơn nữa, thời đại “bể dâu” nên không ít kẻ bệnh hoạn hay “đau đớn lòng” trở nên yếm thế bi quan, hy vọng tìm nguồn vui trong cái chết như một sự giải thoát.

Ở Nhật vào 2004, 2005 đã khiến thế giới chú ý khi có tới trên 100 nạn nhân tìm cái chết tập thể. Năm 2005 bên một bờ sông ở bắc Nhật bản vùng Bắc hải đạo (Hokkaido) đã xảy ra một cuộc rủ nhau tự sát tập thể mà nạn nhân có độ tuổi tử 19 tới 30. Kẻ tìm sang thế giới bên kia tụ tập tại một nơi bên bờ sông, cho đậu xe, đóng kín cửa xe, rồi cho xe nổ máy và chết vì thán khí (carbonic monoxide.)

Vụ án Gerald Krein ở Oregon

Ở Mỹ cũng khoảng 2005, vụ án Gerald Krein làm cho kẻ ưu thời mẫn thế nhức nhối tâm can. Krein, 26 tuổi ở Klamath Falls, Oregon, vào dịp lễ Valentine đã nẩy ra ý nghĩ tổ chức một cuộc tự sát tập thể bằng cách chơi trò trần truồng, treo cổ lên sà nhà nơi hắn ở sau một cuộc hành lạc chán chường. Qua các mục đối thoại trên internet, hắn tiếp xúc với 32 phụ nữ ở nhiều nơi như Oregon, Missouri và Virginia… và dụ dỗ họ vào một cuộc hành lạc tập thể, tiếp đó là cho thòng lọng vào cổ kết thúc cuộc sống. Thế mà có nhiều người bị trầm cảm trong cuộc sống, bồng bột, nhẹ dạ hưởng ứng trong đó có một phụ nữ có hai con nhỏ cho biết sẵn sàng mang cả gia đình vào trò chơi chết người.

Tuy nhiên vụ “mưu sát” bị bại lộ vì một cô gái người Canada, có tên Jaime Shockman, đã kịp thời tố cáo tên Gerald Krein nhiều lần qua internet mời mọc cô ta vào một cuộc tự tử tập thể tại nhà hắn ở Oregon vào dịp lễ Valentine. Vì cảm thấy việc làm của Krein quá nguy hại tới cả trẻ em nên nạn nhân tố cáo. Lập tức Krein bị bắt và truy tố về tội khuyến khích tự tử và mưu toan sát nhân (solicitation to commit murder and conspiracy to commit manslaughter)

Trò chơi mang tính thời đại, quá nguy hiểm cho xã hội, được gọi là hiệp đồng “Rủ nhau cùng chết” (suicide get-together). Đây là vụ án mà cảnh sát Klamath Falls, Oregon gọi là “Lễ hội sex và tự sát ngày Valentine” (Valentine’s Day sex and suicide party).

Tại sao Krane lại chọn ngày lễ tình yêu để tổ chức vụ chết chùm? Các nhà tâm lý học nhận thấy dịp Valentine tỷ lệ tự sát ở Mỹ tăng cao vì nhiều kẻ cô độc trong ngày thiên hạ cặp kè, có khuynh hướng chán nản và ngã lòng hơn mọi thời điểm khác trong năm và dễ bị những kẻ có dã tâm như Krein dụ dỗ vào trò chơi dại dột.

Vụ án Michelle Carter ở Massachusetts

Mới đây, tháng 6, 2017, một vụ án xảy ra ở Massachusetts vào năm 2014, được xét xử cho thấy một cô gái chỉ vì xui dại bạn trai tự tử nên phải ra tòa và có thể lãnh bản án 15 tháng tù.

Nguồn tin CNN ngày 4 tháng 8, 2017, thuật lại cái chết của cậu trai có tên là Conrad Roy III, 18 tuổi ở Massachusetts vào 13 tháng 7, 2014 do tự tử bằng cách giam mình trong một chiếc xe truck đóng kín cửa, cho nổ máy. Thán khí đã cướp tính mạng chàng trai dại dột!

Tại sao Conrad Roy III đang tuổi như hoa mới nở, trăng mới tròn, lại sống trong một hoàn cảnh vật chất đầy đủ chờ đợi một tương lai rực rỡ đón chào, lại có ý nghĩ từ bỏ cuộc đời? Có thể do một bất mãn nào đó không mấy quan trọng mà lứa tuổi đang lớn thường gặp phải. Tâm lý học gọi tuổi này là lứa tuổi bạc bẽo (âge ingrat) do thân xác phát triển hơn tâm trí nên sinh ra mất cân bằng và dễ nhiễm bệnh tật. Tâm trạng chán đời nảy sinh do gặp một trở ngại hay thử thách nào đó trên đường đời. Thường chỉ là cơn khủng hoảng tinh thần của tuổi đang lớn, dễ phai, dễ tan theo thời gian hay khi được giải tỏa nhờ lời khuyên bảo, nhờ được hướng dẫn.

Trường hợp Roy là mắc chứng rối loạn tâm trí nhưng cậu ta chỉ ấp ủ trong lòng không nhờ điều trị. Cậu trai mới đầu có nhiều lần ngỏ ý chán sống để giải quyết ám ảnh tinh thần. Nếu gặp sự khuyến khích hay xui bậy thì kẻ chán đời dễ làm trò dại dột hại đến bản thân. Không may cho Roy, y học chưa kịp can thiệp thì tử thần đã đến với Roy với hình ảnh môt cô gái tóc vàng mới 17 tuổi.

Bi kịch khởi đầu là một chuyện tình.

Vào tuổi 17, Michelle Carter, một nữ sinh ở Massachusetts, trong một lần đi thăm thân nhân ở Florida đã gặp một thiếu niên đồng tuổi là Conrad Roy III. Hai người kết thân và chia sẻ tâm sự. Họ hợp nhau có lẽ vì đồng bệnh tương lân. Cô bé có rối loạn về ăn uống và được chẩn đoán mắc chứng tâm thần dạng nhẹ và được cho uống thuốc an thần. Còn cậu trai tâm sự cho biết mấy năm gân đây bị ám ảnh bởi cái chết và không biết phải chọn lựa cuộc sống ra sao. Từ đó họ găp nhau vài lần nữa nhưng thường gửi text cho nhau qua phone để tâm sự.

Cái chết ám ảnh Roy. Có lần Roy gửi cho Carter hình ảnh mà cậu cho biết sẽ chọn lựa, hoặc súng, hoặc dao hoặc dây thắt cổ để kết thúc cuộc đời. Ban đầu Carter khuyên Roy bình tĩnh và tìm cách hóa giải tâm trạng muốn phát điên như nhờ tới sự can thiệp của cố vấn, của cha mẹ và y tế nhưng dần dần qua những tin nhắn đi, nhắn lại, Carter khuyên Roy nếu không thể giải tỏa được bế tắc thì tìm cái chết cho xong. Tâm trạng của hai thiếu niên bệnh hoạn còn để lại qua hàng trăm lời nhắn nhủ mà sau này trở thành bằng chứng trước tòa buộc tội Carter.

Cho tới phút chót khi Roy hấp hối trong xe truck đậu ở bãi Fairhaven của Kmart, cách nhà vài ba chục dặm, thì Carter vẫn theo dõi nhưng không có phản ứng nào khác như thúc giục Roy ra khỏi xe hay báo động tai họa sắp xảy ra với cảnh sát hay gia đình Roy để kịp thời cứu chữa. Tuổi trẻ khờ dại, nông nổi, khiến Carter tự cột lấy mình vào tội sát nhân.

Thi thể của Roy bị phát giác trong xe một ngày sau, vào 13 tháng bảy, 2014, và không bao lâu cảnh sát tìm ra mối liên quan giữa Carter và Roy và có chứng cớ chứng tỏ Carter là kẻ thúc giục khuyến khích Roy tự tử.

Dư luận kết tội Carter là “người tình dễ ghét nhất Mỹ,” nhất là từ gia đình Roy, thân thích thống trách Carter là ích kỷ, là tim đen, trong cái chết của Roy.

Trong phiên xử tháng 6, 2017, hàng trăm lời nhắn tin giữa Carter và Roy được trưng ra, chứng tỏ Roy dù tâm tính bất thường nhưng ngần ngại khi chọn cái chết và chính Carter là kẻ đẩy Roy việc kết thúc cuộc đời vào một đêm định mệnh với lời khuyên đêm khuya lái xe ra chỗ vắng, cho xe nổ máy và hít thán khí cho tới chết.

Sau đây là lời đối thoại giữa đôi trẻ dại dột coi như bằng chứng kết tội bị cáo, được nêu ra trước tòa:

“Carter hỏi Roy:

– Thế anh định kết thúc tính mạng ngay đêm nay à?

Roy (có vẻ ngần ngại:) trả lời:

– Muộn quá chăng?… thôi! Anh đi ngủ và ngày mai sẽ text cho em!

Carter phản đối:

– Sao thế? Lúc này là thời điểm tốt nhất vì ai nấy đang ngon giấc. Anh hãy lái xe ngay tới nơi nào đó. Lúc này chẳng ai ra ngoài đâu và nếu anh không thực hiện ngay đêm nay thì có lẽ chẳng bao giờ làm được nữa đâu… đừng nói để ngày mai… ngày mai chẳng bao giờ anh làm nổi việc này!

Roy (thở dài): Được, anh sẽ làm ngay đêm nay”

Carter: Hứa đi!

Roy: Em ơi! Anh hứa chắc chắn! Anh sẽ làm ngay, nhưng đi đâu bây giờ?

Carter (gợi ý): Tới bãi đậu xe vắng vẻ nào đó…”

Trong phiên xử mới đây, đầu tháng 8, 2017, tại tòa thiến niên quận Bristol (Bristol County Juvenile Court) Chánh án Lawrence Moniz đã cân nhắc bản án phạt Michelle Carter. Một mặt pháp luật không thể không trừng phạt Carter về tội khuyến khích bạn tìm cái chết chấm dứt tuổi xuân quá sớm gây thiệt hại cho nạn nhân và đau đớn cho thân thích, bạn bè nạn nhân. Mặt khác đối với tội phạm thiếu niên, gây tội vì không đắn đo tới hậu quả tệ hại ngoài tưởng tượng, nên không thể không dành cho can phạm con đường cải tà quy chính. Chánh án Moniz kết luận: “Tòa phải cân bằng giữa cải huấn, hy vọng việc cải huấn sẽ có kết quả và việc trừng phạt.”

Bản án dành cho bị cáo là 15 tháng tù trong nhà tù Massachusetts tiếp đó nhiều năm quản thúc tại gia.

Luật sư bênh vực cho Carter là Joe Cataldo cũng cho rằng thân chủ của mình vốn bị chẩn đoán có chứng rối loạn ẩm thực và từng uống thuốc an thần lại không có tiềm năng gây nguy hại cho xã hội nên xin với tòa dành cho bị cáo bản án tù treo 5 năm với bó buộc phải trị liệu tâm bệnh. Ông cũng nhấn mạnh vụ án liên quan tới hai người trẻ tuổi có vấn đề tâm lý, cả hai đều là nạn nhân và bản án nên nhằm vào việc giúp sửa đổi hơn là vào sự trừng phạt.

Daniel Medwed, giáo sư môn luật tại Northeastern University cho rằng chánh án chủ trì phiên tòa cuối cùng đã chấp nhận đề nghị qua phán quyết:

“Bỏ tù bị cáo vì vị chánh án đã cho thấy hành vi độc ác không thể tha thứ nhưng dành cho tội nhân bản án tù ngắn hạn, tôi nghĩ quan tòa cố gắng duy trì mục đích của hệ thống tòa thiếu niên của chúng ta, đó là không phải chỉ là việc giam giữ kẻ có tội và liệng chìa khóa đi nơi khác mà là trừng phạt họ với ý hướng giúp đỡ họ tự cải thiện và hướng tới cuộc sống có ích lợi hơn.”

Chu Nguyễn


Cái Đình - 2017