Lê Ngọc Vân


‘Không việc, không tiền’: Cuộc sống tại Việt Nam cho những người nhập cư bị Hoa Kỳ trục xuất

Tp. Hồ Chí Minh. Chẳng cần chờ đến khi Phạm Chí Cường nhìn thấy chiếc máy bay
đang chờ trục xuất ông khỏi Hoa Kỳ, ông ta đã suy sụp khi sắp bị đưa trở lại Việt Nam,
đất nước mà ông đã trốn chạy vào năm 1990.

Con lai Mỹ – những người Việt Nam bị trục xuất, Bùi Thanh Hùng (trái) và Phạm Chí Cường (giữa)
nói chuyện với luật sư Hoa Kỳ người Mỹ gốc Việt Tin Nguyễn tại một quán cà phê ở ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh,
Việt Nam, ngày 19 tháng 4 năm 2018.
Ảnh chụp ngày 19 tháng 4 năm 2018. ®REUTERS/James Pearson

Cường và ít nhất ba người bị trục xuất khác đã sống ở Mỹ trong nhiều thập kỷ đã phải quay về Việt Nam vào tháng 12 năm 2017 như một phần của các biện pháp đổi mới của chính phủ Trump để trục xuất những người nhập cư đã bị kết án về tội phạm ở Hoa Kỳ.

Việc trục xuất đã được thực hiện mặc dù đã có một thỏa thuận song phương vào năm 2008 trong đó ghi rằng những người Việt Nam đến Hoa Kỳ nhập cư trước năm 1995, mà nhiều người trong số này đã ủng hộ Miền Nam Việt Nam – quốc gia đã được Mỹ hậu thuẫn nhưng không còn tồn tại nữa, sẽ không bị trả về lại.

Cường và những người đàn ông khác, người đã nói chuyện với Reuters trong tuần này tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết họ đã trải qua chuyến bay kéo dài 17 giờ trong sự im lặng bị áp buộc, tay chân bị trói chặt.

Để xoay sở ăn ở tại Việt Nam, tất cả mọi người trong bọn họ đều nói, thật khó khăn. Họ nói rằng họ bị các quan chức Việt Nam nghi ngờ theo dõi và gặp khó khăn trong khi tìm việc.

“Nếu bạn hỏi tôi ‘bạn có muốn quay lại Mỹ không?’ Tôi sẽ cho bạn câu trả lời ‘có’', nhưng tôi không biết làm cách nào”, ông Cường – người đã để vợ và con ở lại quê nhà tại Orlando, Florida, nói.

Một người đàn ông khác, với yêu cầu chỉ được ghi danh tính bằng họ Nguyễn, nói với Reuters rằng ông đã bị các quan chức cảnh sát địa phương hỏi khi trở về Việt Nam rằng có phải là ông đã làm việc cho CIA không.

Ông nói rằng ông đã bị trục xuất đến Vịnh Cam Ranh, nơi ông ta đã chạy trốn sau chiến tranh vì mối liên hệ với gia đình của ông với phe thua cuộc. “Tôi đã chạy trốn khỏi nơi đó”, ông Nguyễn nói.

“Có rất nhiều người Mỹ ở đó vào thời điểm ấy và gia đình tôi làm việc cho họ,” ông nói thêm. “Chú/bác tôi đã tử trận. Ông là một quân nhân miền Nam Việt Nam”.

Không biết có bao nhiêu người nhập cư Việt Nam trước năm 1995 như Nguyễn và Cường đã bị trục xuất cho đến nay, nhưng chính quyền Trump đang tìm cách trả về hàng ngàn người, cựu đặc phái viên do Washington phái tới Hà Nội nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước. Việt Nam đã bày tỏ sự miễn cưỡng để nhận lại người nhập cư trước năm 1995.

Trong số 8.600 công dân Việt Nam tại Hoa Kỳ mà Sở Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) cho biết có thể bị trục xuất kể từ tháng 12 năm ngoái, “7.821 người đã bị kết án hình sự”, một người phát ngôn của ICE nói. Cơ quan này cho biết họ không thể nói có bao nhiêu người nhập cư dự kiến ​​sẽ bị trục xuất tuy họ đã đến Hoa Kỳ trước năm 1995.

Nhà Trắng từ chối bình luận về các vụ trục xuất người Việt Nam. Nhưng chính quyền Trump đã dán nhãn “ngang bướng” cho Việt Nam và tám quốc gia khác vì họ không sẵn sàng chấp nhận những người bị trục xuất.

Lạm dụng và đối xử phân biệt

Là con của một quân nhân Mỹ đóng ở Sài Gòn trong thời chiến tranh, Cường là “con lai Mỹ”, điều mà ông ta cho là nó đã khiến ông là đối tượng bị lạm dụng và phân biệt đối xử tại Việt Nam sau cuộc chiến.

Ông không được vào trường học và suốt nhiều năm bị tẩy chay rồi phải làm việc ngoài ruộng trước khi rời khỏi đất nước vào năm 1990 trong một chương trình mang lại cho những người con lai như ông có được cơ hội tái định cư ở Hoa Kỳ.

Nhưng mặc dù được sinh ra với cha là người Mỹ và nuôi nấng ba đứa con Mỹ ở Florida đến lớn khôn, ông Cường không bao giờ nhập tịch Hoa Kỳ.

Chuyện đó dường như không cần thiết, ông nói, vì ông đã đến nước này một cách hợp pháp và được phép làm việc. Sau đó, năm 2000, ông Cường bị kết tội tấn công và hành hung, bị kết án 18 tháng tù giam. Năm 2007, ông bị quản chế một năm vì lái xe khi say rượu.

Cả hai lần, ông Cường đều được cảnh báo rằng tội ác của ông khiến ông hội đủ điều kiện bị trục xuất theo luật của Hoa Kỳ, nhưng tại thời điểm đó, Việt Nam không chấp nhận việc giao trả trở lại. Ông đã thở ra nhẹ nhõm vào năm 2008, khi thỏa thuận song phương về hồi hương được ký kết, trong đó việc trả lại người tị nạn trước năm 1995 đã đặc biệt bị ngăn cấm.

Sau khi bị bắt, ông Cường đã tuân thủ các lệnh kiểm tra thường xuyên của ICE khi ông nhận được yêu cầu, và không gặp rắc rối nào cả.

Ông giữ một công việc ổn định là một đầu bếp sushi và đưa con trai của mình qua hết ba năm đại học.

Nhưng vào tháng 10 năm 2017, ông đã bị ICE bắt giam và hai tháng sau đó thấy mình lên máy bay trở về Việt Nam.

Hoàn toàn bị sốc

Một người bị trục xuất khác là Bùi Thanh Hùng, cũng là “con lai Mỹ”, sinh năm 1973, có mẹ là người Việt Nam và cha là một người lính Mỹ đã tử trận.

Ông Hùng đã bị kết án bạo lực gia đình vào năm 2010, mà ông nói nó đã xảy đến khi ông can thiệp vào chuyện giữa bà vợ với một người đàn ông khác. Ông ta đã ở tù sáu năm. Năm ngoái, ông được giao cho ICE và bị trục xuất vào tháng 12.

“Ở đây, tôi không có việc làm, không có ai hỗ trợ, không có nhà để ở”, ông Hùng nói. Ông nói rằng ông đang dựa vào những người mới quen để ở tạm tại nhà của họ.

Nhiều luật sư về nhập cư nói rằng họ nghĩ Hoa Kỳ phải miễn cưỡng trục xuất những người con lai như Hùng và Cường, vì họ có cha là người Mỹ và vì sự phân biệt đối xử mà họ đã phải đối mặt ở Việt Nam sau chiến tranh.

“Những người trong chúng ta trong cộng đồng Đông Nam Á đã hoàn toàn bị sốc,” ông Tin Nguyễn, một luật sư có văn phòng tại Hoa Kỳ, nói về những vụ trục xuất đang diễn ra. Ông Nguyễn là tình nguyện viên làm cho tổ chức phi lợi nhuận của Liên minh Đông Nam Á và đã làm việc với những người bị trục xuất.

Dường như họ đã quên mất cuộc chiến tranh Việt Nam.

Hai ông Cường và Bùi bị trục xuất cùng với khoảng 30 người khác có gốc từ các nước châu Á trên một chiếc máy bay đưa người xuống ở Myanmar và Campuchia trước khi đến đích cuối cùng là Việt Nam.

Bây giờ trở lại đất nước mà họ từng chạy trốn, những người đàn ông nói rằng họ nhận được rất ít sự hỗ trợ từ nhà nước Việt Nam và đang phải vật lộn để tìm việc làm.

“Tôi không có tiền,” ông Cường nói. “Còn vợ tôi, đôi khi bà ấy gởi cho tôi vài trăm đô, nhưng không ai giúp tôi, chẳng có gì cả”.

.

Nguyên tác: ‘No job, no money': Life in Vietnam for immigrants deported by U.S.; James Pearson (trích từ reuters.com, 20/04/2018)
Người dịch: Lê Ngọc Vân

 


Cái Đình - 2019