Phạm Công Luận
Đường mang nắng gió bốn phương
Đường Catinat đầu thế kỷ 20 - Trích trong bộ sưu tập Nadal:
Cửa hàng bách hóa A. Courtenat số 96-106 rue Catinat và 48 Amiral Dupré (bên phải)
Đường Tự Do, ngày xưa gọi là Catinat và ngày nay có tên là Đồng Khởi. Không mấy ai biết người Hoa trong Chợ Lớn xưa kia gọi đường này là đường Phiên Y, vì ở đây có nhiều cửa hiệu quần áo của người phương Tây từ cuối thế kỷ 19 (Phiên: cách người Hoa gọi người phương Tây. Y: quần áo). Con đường này, từ khi còn mang tên Catinat cũng chính là nơi cạnh tranh mãnh liệt trong thương trường của người Pháp, người Hoa và người Việt, nhất là người gốc miền Bắc.
Lần giở cuốn sách xưa “Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ” (nhà xuất bản Thụy Ký 1924) của nhà báo lão luyện Đào Trinh Nhất, người đọc thấy rằng cho đến thập niên 1920 dân Sài Gòn xưa vẫn quen dùng hàng Tàu và của châu Âu nhập qua. Nhưng lúc đó người miền Bắc đã tìm mọi cách đem hàng thủ công nghệ xứ Bắc vào Nam và đường Catinat chính là chọn lựa số một, là nơi họ muốn bày bán hàng hóa xứ mình. Ông cho biết trước kia người Nam không thèm ngó tới the lượt của Bắc kỳ, nhưng từ khi có phong trào tẩy chay hàng người Khách trú (Hoa) sản xuất thì người trong Nam đã ưa dùng đồ Bắc. Ví dụ một cửa hàng the lượt tầm thường nhất ngoài Bắc cũng có thể bán vào Nam 3, 4 vạn bạc, và các nhà sản xuất khác khi hỏi họ sản xuất để bán cho ai thì 9 trên 10 nhà đều bảo bán vào Nam. Đó là chưa kể đồ đắt tiền như khảm xà cừ, đồ gụ... thường bán cho Tây ở ngoài Bắc nhưng vào Nam đều rất chạy do người Nam có “đức xài tiền”, hàng quý mấy nếu đã thích cũng dám mua. Chính vì vậy, các mặt hàng từ các nguồn khác đã bị cạnh tranh và ảnh hưởng doanh thu. Trước kia dân Sài Gòn dùng vải mùi xám của Hoa kiều dệt tại chỗ, nhưng khi người Bắc vào mang theo vải ta và hàng tơ lụa thì họ dùng luôn. Hoặc trước kia người Nam dùng ghế mây gọi là ghế Tô-nê (chaise Thonet) thì sau đó dùng ghế Bắc. Trước kia dùng giày cườm thì sau đó dùng giày Hạ. Do đó mới có lần ông thấy trên đường Catinat đem bày một dãy ghế mây, có treo mấy cái chữ “Fabrication locale” (đồ chế tạo trong xứ) nhìn kỹ thì thấy cái thì mây thô, cái thì khuôn méo, rõ là của người Bắc chế ra, sao mà bày ra mà viết chữ như vậy, có ý chiêu hàng hay bêu xấu...
Tuy nhiên, tác giả lo cho người Bắc khi vào Sài Gòn làm ăn: “họ vào trong ấy thì sinh ra ăn chơi quá, thường chiều mát ở Sài Gòn ta thấy bọn người lũ năm lũ ba, ăn mặc rất mực xa hoa, xe cao su phóng khắp mọi chỗ, hỏi ra thì mới biết đấy là mấy ông thợ người Bắc...” Hoặc có khi cạnh tranh lẫn nhau. Ông kể chuyện ở phố Catinat, có nhiều cửa hàng bán mũ của người Bắc, trong đó có ông A. và ông B. cạnh tranh nhau một cách con nít thái quá. Khi có loại dạ lợp mũ bên Tây mới qua vài trăm mét, giá cao, ông B. ít vốn nên mua dăm mét trong khi ông A. giàu có mua hết sạch để ông B. không còn mà mua, không thể làm ra loại mũ cùng loại dạ ấy nữa. Đó là điều không tốt khi công nghệ của người Bắc mới nhóm lên ở Sài Gòn. Chưa kể là những chuyện cạnh tranh khác với nhau như giành thợ giỏi trong khi đó thực sự cửa hàng của người Bắc chưa nhiều. Và điều ông phàn nàn là tại sao chỉ thích thuê mướn ở phố Catinat giá tới 100 đồng, có khi lên tới 200 đồng và có khi tranh nhau, cuối cùng đẩy giá lên cao. Ông khẳng định: “Nào có nghĩ đâu rằng: hàng Bắc muốn cho ai nấy đều biết đều chuộng, chẳng cần gì lấy phố Catinat làm chỗ chiêu hàng mới được, mà chỉ nên chiêu hàng ở chỗ buôn bán thật thà, hàng hóa tốt và rẻ mà thôi, thì trong thành phố Sài Gòn, không thiếu gì chỗ cũng tốt và rẻ tiền hơn: như những phố Charner (Nguyễn Huệ), Pellerin (Pasteur), Espanel (Lê Thánh Tôn) và Amiral Courbet ( Nguyễn An Ninh) v.v...”.
Câu chuyện dông dài trên được trích dẫn để thấy phần nào sinh hoạt buôn bán của người Việt, nhất là từ miền Bắc đưa hàng vào bán mà con đường Catinat đã chứng kiến dưới những tàng cây của mình. Tuy nhiên, đó là câu chuyện thập niên 1920. Từ thập niên 1940 trở về sau, người Việt đã đứng chân nhiều cửa hàng ở phố Catinat, trước khi người Pháp rút về nước năm 1954. Có rất nhiều tiệm may âu phục, đầm, tiệm bán vải, tiệm chụp ảnh trên con đường này và trên các nhánh đường gần đó như d’Ormay (Nguyễn Văn Thinh, nay là Mạc Thị Bưởi), Amiral Dupré (Thái Lập Thành, nay là Đông Du)... hầu hết của người gốc Bắc. Người gốc Hoa vẫn chiếm nhiều vị trí cửa hàng tạp hóa trên đường d'Ormay.
Anh Tấn Thành, một thầy giáo sống từ nhỏ trên con đường Amiral Dupré, nay là Đông Du kể: “Khi tôi sinh ra năm 1962, đường Catinat đã đổi tên thành đường Tự Do. Đó là một con đường có thể là lộng lẫy nhất Sài Gòn dù không lớn như đường Thống Nhất (nay là Lê Duẩn), hay Nguyễn Huệ. Nhưng ở đó có những cửa hiệu đẹp nhất, dùng kính bóng loáng, ốp đá sang trọng... Suốt những năm tuổi nhỏ và bước vào tuổi thanh niên, tôi gắn bó với con đường này bằng những kỷ niệm rất riêng tư. Đó là những buổi đi bơi ở Hồ tắm Tự Do phía gần bến Bạch Đằng, gần quán cơm nổi tiếng Bà Cả Đọi, đối diện Khách sạn Grand góc đường Tự Do - Ngô Đức Kế bây giờ. Cái hồ đó dài tới 25 mét, rộng 10 mét, lát gạch men trắng, sâu tới 3 mét và nay đã không còn. Từ đường Tự Do, có một con hẻm kế bên cửa hàng bán đồ mỹ nghệ của hãng Thành Lễ đi xuyên qua đường Nguyễn Huệ. Trong hẻm có một rạp hát nhỏ gọi là rạp Catinat, có bán bún thịt nướng, hột vịt lộn và nơi lui tới của mấy bà chị đang tuổi nữ sinh. Còn đám trẻ như anh em tôi thì thích ra trung tâm thương mại Sài Gòn Departo, góc Tự Do và Thái Lập Thành. Đây là tiệm bách hóa có thể nói là đẹp nhứt Sài Gòn hồi đó, bán hàng mỹ nghệ Việt Nam, hàng nhập cảng từ Nhật. Đồ đạc trong đó có nhiều nhiều thứ hấp dẫn lắm, nhưng cuốn hút với đám con nít nhất là trong đó có một tủ bán kẹo tự động. Bỏ đồng xu vào là có thể mua kẹo, đồ chơi. Kế bên Sài gòn Departo là một tiệm Cafeteria, loại hình cà phê tự phục vụ còn rất lạ lẫm lúc đó nhưng đầy hứng thú với các anh chị của tôi. Ở đó có một cái máy nghe nhạc tự động, muốn nghe cũng nhét vào đồng xu, máy sẽ chớp đèn nhấp nháy để báo hiệu chọn bản nhạc. Kế bên là mấy cái tiệm bán vải của người Bắc là Tô Châu, Hàng Phong và Tân Cương. Kế bên là photo Long Biên, tiệm ảnh rất nổi tiếng thường quảng cáo trên báo. Công viên Chi Lăng bọn trẻ gọi là “Vườn bông cao” thường xuyên ra đó đá banh. Ở đó năm 1972 có tổ chức ca nhạc nhân ngày “Quốc Khánh”, tức là ngày lật đổ ông Diệm, có ca sĩ Elvis Phương đến hát. Họa sĩ Bé Ký lang thang trên con đường này bán tranh khi tôi còn nhỏ, có nhiều lần bị cảnh sát đuổi khi bày tranh trên vỉa hè Thái Lập Thành, bên cạnh nhà hàng Tự Do và đã nhiều lần gia đình tôi chứa giúp tranh của cô, thậm chí còn mua cho cô hai bức nữa.”
Bây giờ khi viết về đường Tự Do ngày xưa, người ta nhắc nhiều về hai quán Givral hay Brodard này cùng với quán La Pagode, góc đường Lê Thánh Tôn – Tự Do, những cái quán nay đã biến mất. Tuy nhiên đối với dân Sài Gòn khu vực này, những cái quán đó dành cho khách vãng lai, dân sống ở đó không mấy khi vào đó ngồi. Chị Dung, con dâu của nhà may nổi tiếng Phúc Lợi ở đường Pasteur, chị đầu của anh Thành kể rằng chị và các bạn cùng lứa chưa từng vào những cái quán đó dù là đã trưởng thành, lập gia đình từ giữa thập niên 1960. Giá cả ở đó không hề rẻ. Anh Thành kể: Tiệm Brodard là dành cho dân nghệ sĩ, cho giới trẻ nhà khá giả, nhưng cũng có chỗ dành cho con nít. Phía ngoài, chủ tiệm để một tủ kem bán loại kem Ba màu rất ngon hương vị châu Âu, có kem vanilla, chocolate gói trong giấy. Giá loại kem này khá mắc và chú bé Thành phải để dành tiền quà vặt nhiều ngày mới đủ tiền mua một gói kem 100 đồng, lúc đó tiền 500 đồng màu xanh hình ông Trần Hưng Đạo là tiền mệnh giá lớn nhất. Nếu không thì ăn kem ở tiệm Givral cũng bán ở cái tủ bày phía ngoài, dạng kem cornet có cái bánh hình chóp nhọn, hoặc có loại bánh hình hai cái nắp hộp tròn, kem được gắp vào và úp lại. Đó là những loại kem với nguyên liệu cao cấp ngoại nhập rất ngon, và không thể quên cảm giác đi dọc vỉa hè thưởng thức hương vị bánh xốp thơm và kem lạnh béo.
Cuộc sống đường Catinat đậm dấu ấn người Hoa kiều, nhất là đường Nguyễn Văn Thinh (Mạc Thị Bưởi). Thỉnh thoảng trên đường thấy một ông Tàu đội nón cời-lối, xách một thùng sắt tây có sợi dây móc trên vai, bán bò bía ngọt mà lũ nhỏ mê tít. Ở đường này có một bà Xẩm bán giấm hay ăn gian, thường pha nước vào giấm. Khi chiết ra cho khách, phần nước nặng sẽ xuống trước, phần giấm nhẹ nổi lên nên xuống sau.. Mẹ Thành luôn dặn khi đi mua nhớ nhắc bà Xẩm lắc cái hũ trước khi rót để phần giấm có nhiều hơn. Giữa đường Nguyễn Văn Thinh có tiệm nước nổi tiếng cũng của người Hoa tên là Nam Quang (nay là trụ sở Ngân hàng Agribank). Dân quanh vùng thích đến đó uống cà phê, ăn hủ tíu bò viên và ai cần thì mua thuốc bắc ở tiệm Tồn Tâm Tế gần đó. Cà phê ở tiệm Nam Quang bán cho khách được đổ vô dĩa. Do quen giao dịch với Tây, ba của Thành đòi chủ tiệm rót ra ly thủy tinh để uống còn chú bé Thành ăn bánh hạnh nhân. Trong tiệm còn đặt một xe bán bò viên của người Tàu, bánh croissant nhưng nhân bên trong có hột gà. Xe mì góc Nguyễn Văn Thinh - Hai Bà Trưng có những hình vẽ tranh kiếng tích tuồng Tam quốc, Thủy Hử có từ nửa thế kỷ trước cho đến giờ vẫn tồn tại. Có lần, Thành thấy vị giáo sư âm nhạc người Việt nổi tiếng thế giới đến ăn, có mang theo một chai đựng mù tạc vàng để dùng với mì, có lẽ ông nhớ kiểu ăn mì hồi xưa. Đường Tôn Thất Thiệp vẫn còn tiệm hủ tíu Thanh Xuân hẹp té với bề ngang hai mét, bảng hiệu cũ kỹ vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt nửa thế kỷ. Đường Nguyễn Văn Thinh còn có tiệm Peacock (con công) bán đồ “lâm vố” (rabiot) ăn rất ngon, không phải đồ ăn thừa của khách đã dọn ra, mà là thức ăn nấu trong bếp nhưng tiệm vắng khách nên còn dư, bán rẻ trong ngày, bỏ hộp đàng hoàng. Món ngon trong số đó có bò lúc lắc và một loại cơm chiên giống cơm chiên Dương Châu nhưng vị bơ.
Mùa hè năm nay, tôi và anh Thành đi lại con đường Tự Do, đổi tên thành đường Đồng Khởi gần bốn mươi năm nay. Con đường vẫn là con đường sang trọng, đẹp gợi cảm như bao lâu nay, vẫn là con đường xứng đáng được ca ngợi như trong một cuốn sách năm xưa: “...với những tầng nhà cao chót vót của một thành phố tân tiến, những của hàng mỹ thuật, những lớp người trẻ tuổi tấp nập đi lại, con đường chan chứa cái tưng bừng và náo nhiệt của một dân tộc tiến bộ...” (Lịch tài liệu 1959 Kỷ Hợi). Niềm tự hào xa xưa ấy vẫn tồn tại cho đến giờ. Người đi cùng miên man kể: “Có những buổi đi dạy qua con đường này vào buổi chiều, tôi nhớ lại những buổi chiều năm 1972 khi tôi lên mười. Khi sắp đến giờ cơm, tôi nắm tay bà vú nuôi tên là bà Ba Bàng, một người phụ nữ nhà quê xứ Bắc theo mẹ tôi vào Nam hồi còn trẻ. Bà không có gia đình, chăm sóc chín anh chị em tôi với một tình thương giản dị, chân chất. Những buổi chiều đó, bà dẫn tôi ra depot nước đá (hiện nay vẫn còn) của một bà người Tàu tên là bà Nhì trên góc đường Phan Văn Đạt – Nguyễn Văn Thinh để mua nước đá, đổi vài chai nước ngọt và bia cho bố tôi nhâm nhi. Lần nào cũng vậy, sau khi lấy đủ nước đá, bia và nước, bà lẳng lặng lấy ly rượu trắng nhỏ do bà Nhì rót sẵn đưa lên miệng uống một hơi, xong lau miệng và ra về. Tôi lủi thủi đi theo bà, luôn thắc mắc vì sao bà thích uống thứ nước cay sè ấy. Bà dặn tôi giấu chuyện này với cả nhà tôi, vẫn cứ uống chút rượu mỗi ngày cho đến ngày già yếu, xin vào chùa tu và mất. Sau này lớn lên, tôi lờ mờ hiểu rằng đó là niềm vui riêng tư và có thể là duy nhất của bà, giữa chốn phồn hoa đô hội mà bà đang sống. Cả hai hoàn toàn không ăn nhập với nhau. Bà luôn nhớ xứ Bắc của bà và luôn thờ ơ với khung cảnh náo nhiệt sang trọng chung quanh”.
Hình như phía sau vẻ đẹp của một con đường phồn hoa luôn có một nỗi buồn, của một mảnh đời không vui. Tôi nhớ giọng hát cũ của nhạc sĩ Trần Văn Trạch: “Trời khuya vui bước trên đường Catinat / Người đi còn dăm ba khách không nhà / Ngàn mây sao chiếu trên trời đầy mơ / Hàng cây lặng im nghe gió dưới trăng mờ. Còn kia vài ba búp bê đang nhìn / Ngồi im và vương mắt trông ra mơ hồ / Tình duyên say đắm trên lầu đèn che / Tỉnh mê còn ai đang đứng bên lề...”. Con đường này tôi cũng đi qua nhiều lần, duy một lần hồi nhỏ theo ông anh vào Brodard, và lang thang không biết bao lần đi ăn uống, mua sách, xem tranh từ khi bắt đầu đi làm, khi tiệm Givral và Brodard chưa đóng cửa. Nhưng tôi cảm thấy con đường này chưa bao giờ thuộc về ai. Con đường huyền thoại này đã dan díu với bao tâm hồn tha hương từ bốn phương trời, hơn một trăm năm nay rồi.
Phạm Công Luận
Trích từ “Sài Gòn, chuyện đời của phố, tập III”
______________
Mời nghe bản nhạc "Đêm khuya trên đường Catinat" của Trần Văn Trạch, ca sĩ Thanh Lan trình bầy: