Lê Ngọc Vân
Dân Việt Nam ra tỉnh làm ăn ở biến mất hàng loạt vào nền kinh tế trong bóng tối: công ăn việc làm.
Nguyễn Văn Cường rời làng của anh ở miền Bắc Việt Nam cách đây bốn năm để ra Hà Nội làm việc trong một xưởng xe đạp, hăm hở muốn tham gia sự bùng nổ sản xuất đã được chính phủ hậu thuẫn đầy hứa hẹn là nó sẽ chuyển đổi được nền kinh tế. Bây giờ, anh đã thấy ớn.
Chỉ với một mức học vấn bậc trung học, Cường thấy giờ làm việc dài lê thê còn công việc thì khó khăn. Sau khi công ty cắt giảm tiền lương của anh trong năm nay trong bối cảnh doanh thu giảm, anh quyết định về lại nhà, và thay vào đó anh gia nhập đội ngũ của những người lao động tùy thời hiện đang nở rộ.
"Làm việc trong một nhà máy không phải là chuyện dễ dàng cho một người không được đào tạo để làm công việc đó", anh Cường, mới 25 tuổi, cho biết. "Một công việc với hình thức bán thời gian dễ dàng hơn, và tôi không cảm thấy được trả lương ít hơn từ khi tôi trở về nhà."
Việt Nam, như người ta tiên đoán một thập kỷ trước đây, sẽ như là một Tiểu Trung Quốc, là nơi thu hút các nhà sản xuất nước ngoài với giá nhân công rẻ, hiện đang vật lộn trong việc giữ vững động lực kinh tế của mình, trong khi ngay cả các nước láng giềng như Malaysia và Phi Luật Tân đạt tăng trưởng nhanh hơn. Quốc gia này đang có dấu hiệu rơi vào hạng có năng suất thấp, cái bẫy của giá trị thấp kém một khi công nhân rời bỏ công việc đã được tuyển dụng chính thức trong ngành công nghiệp và dịch vụ, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc cho biết hồi đầu năm nay (2014).
Những người đi xa tìm việc như Cường, người đã ra thành phố mang theo bên mình vài kỹ năng để chạy theo mức lương cao hơn của nhà máy nhằm hỗ trợ gia đình của mình, đang dần biến mất từ số liệu thống kê chính thức khi họ chuyển sang làm những công việc thấp kém hơn, và có mức lương thấp hơn. Trong khi Cường đã quyết định quay về nhà, thì những người khác vẫn còn ở lại trong khu vực đô thị, hành nghề bán hàng rong hay làm công nhật.
"Công việc không chính thức làm tổn thương nền kinh tế vì nó cản trở sự tăng trưởng trong năng suất và khả năng cạnh tranh," Phú Huỳnh, một nhà kinh tế thuộc Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labor Organization – ILO) tại Bangkok cho biết. "Vấn đề chính ở đây không phải chỉ là xem xét việc giáo dục và đào tạo để cung cấp cho người lao động có đủ kỹ năng nghề nghiệp hay không, nhưng cũng phải xem xét những kỹ năng này có đáp ứng thỏa đáng nhu cầu của nhà tuyển dụng hay không."
Những công việc dễ bị tổn thương
Khoảng hai phần ba lực lượng lao động của Việt Nam có liên quan đến công việc không chính thức mà chúng được coi là "dễ bị tổn thương và có năng suất thấp", Thứ trưởng Bộ Lao động Đoàn Mậu Diệp cho biết trong tháng Chín. Những người lao động này có thu nhập trung bình khoảng 3 triệu rưỡi (US$ 164) một tháng, theo một cuộc khảo sát năm 2012 của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, là một cơ quan tham vấn đầu não của chính phủ. Nó tương đương với 5 triệu đồng tiền lương, cộng với những bổng lộc như bảo hiểm y tế, mà Cường cho biết là anh được lĩnh.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng lên trong những năm gần đây khi các nhà sản xuất, bao gồm những nhà máy do Samsung Electronics Co., LG Electronics Inc và Nokia Oyj, thiết lập. Không thể tìm đủ nhân viên có trình độ, Intel Corp., Siemens AG và những công ty khác đang phải tài trợ cho các chương trình đào tạo hoặc cấp học bổng cho những người lao động để họ học kỹ thuật ở nước ngoài.
Một chương trình của chính phủ được đưa ra trong năm 2012 để đào tạo tay nghề cho những người ở khu vực nông thôn chỉ thu hút được 25 phần trăm những người trong độ tuổi lao động tại đó, dưới xa mục tiêu chính thức đề ra cho năm 2015 là 70 phần trăm. Các quan chức thì cho biết là họ có thể thay đổi để thu hút nhiều hơn nữa số người tham dự chương trình.
Giáo viên bị hưởng lương thấp
Việc làm phi chính thức trong các lĩnh vực phi nông nghiệp tăng 21 phần trăm trong năm 2012 so với năm 2010, theo CIEM (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương). Ngay cả trong số sinh viên tốt nghiệp các trường đào tạo nghề, chỉ có một phần ba có những kiến thức và kỹ năng kỹ thuật phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động, tổ chức này cho biết.
Năng suất lao động thấp, cùng với sự phát triển chậm của một lực lượng lao động có tay nghề cao, "có thể đe dọa việc tiếp tục tăng trưởng", Gaurav Gupta, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, nói với các quan chức chính phủ trong một cuộc họp tại Hà Nội ngày hôm qua. Các chương trình giảng dạy thì lỗi thời, giáo viên bị lĩnh lương thấp, và các sinh viên tốt nghiệp thì thiếu kỹ năng làm việc thích ứng ngay với công việc đang được các công ty đa quốc gia tìm kiếm, ông nói.
Ngân hàng Phát triển Châu Á vào tháng 9 đã cắt giảm mức dự báo cho sự mở rộng của Việt Nam trong năm nay xuống còn 5,5 phần trăm, thấp hơn so với ước tính của chính phủ là 5,8 phần trăm. Nó sẽ là chuỗi liên tiếp 7 năm với mức tăng trưởng dưới 7 phần trăm, khoảng thời gian dài nhất theo như số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế, tính từ những năm 1980.
Thách thức lớn
"Nó sẽ là một thách thức lớn cho sự tăng trưởng kinh tế nếu sự chuyển dịch này vẫn tiếp diễn, bởi vì nó mang nghĩa là chúng ta càng có thêm những người lao động có tay nghề thấp và có năng suất thấp hơn", ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Hà Nội, giữ vai trò cố vấn cho chính phủ cho biết. "Đó là điều đáng lo ngại."
Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng một phần năm so với Malaysia, trong khi ở Singapore cao hơn xấp xỉ 15 lần, ILO cho biết trong một báo cáo vào tháng Năm. Những quốc gia bao gồm cả Malaysia và Philippines đang phát triển lĩnh vực dịch vụ, trong đó có những trung tâm bán lẻ và những văn phòng tiếp cận khách hàng (call center), được Ngân hàng Thế giới dự báo là sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn so với Việt Nam trong năm nay, là 5,7% (Malaysia) và 6,4% (Philippines).
"Hầu hết các công ty con của chúng tôi phải đối mặt với những khó khăn trong việc tuyển dụng và cầm giữ nhân viên có tay nghề cao", ông Nguyễn Văn, Phó Chủ tịch Hiệp hội của các doanh nghiệp phụ trợ tại Hà Nội, đại diện cho các nhà cung cấp cho nhiều công ty nước ngoài cho biết. "Họ đào tạo người lao động; một số thậm chí cung cấp nơi ăn chốn ở. Tuy nhiên, nhiều công nhân vẫn không thể xoay xở dưới các áp lực và họ muốn quay trở lại với công việc phi chính thức. "
Cải cách 'đáng kể'
Sự tăng trưởng yếu kém trong năng suất và sự dịch chuyển lao động sang lãnh vực thuê khoán tạo ra những thách thức kinh tế, bà Pratibha Mehta, Trưởng đại diện của chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho biết. "Cải cách thể chế sâu rộng" là điều cần thiết để tăng khả năng cạnh tranh, bà nói với các nhà làm luật trong một cuộc họp tháng Chín.
Mức lương trung bình hàng ngày cho một công nhân nhà máy ở Việt Nam là khoảng 7 USD, so với 8 USD tại Indonesia và 12,50 USD tại Philippines, theo Oliver Tonby, một đối tác quản lý tại McKinsey & Co tại khu vực Đông Nam Á. Chỉ có lao động rẻ hơn không thôi là không đủ cho Việt Nam để cạnh tranh khi mà năng suất trong lĩnh vực sản xuất thấp hơn so với Trung Quốc, ông nói.
"Việt Nam sẽ phải tiếp tục nâng cao năng suất của mình để giành lấy một phần lớn hơn trong sản xuất toàn cầu," Tonby cho biết thêm rằng các công ty đa quốc gia đang đầu tư trong nước có thể giúp để chuyển lên một nền sản xuất có giá trị cao hơn, phức tạp hơn.
Những giờ dài
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho biết hệ thống giáo dục của đất nước phải trải qua "cuộc cải cách toàn diện" để đáp ứng các mục tiêu công nghiệp hóa của nó. Quốc hội, trong tuần vùa qua, đã thông qua kế hoạch cải tổ chương trình giảng dạy của các trường mà các chính phủ ước tính sẽ tốn khoảng 36 triệu USD, sau khi một đề nghị ban đầu với giá 1,6 tỷ USD đã bị các nhà làm luật chỉ trích là quá tốn kém và thiếu định hướng.
Chính phủ nỗ lực cải tổ hệ thống giáo dục và đào tạo "không để cho bị dẫn dắt vào cuộc thu hút của thời cuộc, mà phải có được mối liên quan chặt chẽ với nhu cầu nhân lực thực sự của doanh nghiệp", ông Alan Phạm, Kinh tế Trưởng tại VinaCapital Group, có cơ sở tại tp. HCM, nói.
Trên giấy tờ, thị trường lao động của Việt Nam trông sáng sủa. Quốc gia này là một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất ở châu Á và tỷ lệ thất nghiệp trong quý thứ ba là 1,8 phần trăm, thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp có thể không đếm xỉa gì đến những người tự mình làm chủ hoặc là nhân công trong nền kinh tế phi chính thức.
Lê Thị Luyến, gốc gác từ phía bắc của tỉnh Vĩnh Phúc, đã bắt đầu bán mì trên đường phố sau khi cô bị sa thải từ một nhà máy may mặc ở Hà Nội hồi đầu năm nay.
Đóng cửa
"Làm việc trong một nhà máy là không tốt đẹp như tôi từng mong đợi do giờ lao động kéo dài và các quy tắc nghiêm ngặt," Luyến, 27 tuổi, đang ngồi xổm trên vỉa hè với gánh mì của cô, nước sốt và gia vị trong hai chiếc giỏ cói móc trên quang gánh. "Tôi đang thử cố ở thành phố lâu hơn một chút trước khi có quyết định là sẽ trở về quê nhà làm ruộng hoặc làm một số công việc lặt vặt khác hay không."
Nếu cô quyết định ở lại thì chỉ có ít việc làm chính thức: Số lượng doanh nghiệp đóng cửa hoặc tạm thời đình chỉ hoạt động tăng 16 phần trăm trong nửa đầu năm nay, so với mức tăng 10,5 phần trăm so với cùng kỳ năm 2013, số liệu cho thấy (từ Cổng Thông Tin Đăng Ký Doanh Nghiệp Quốc gia – chú thích của người dịch).
Với sự hấp dẫn của sự làm giàu bằng cách vào làm trong những nhà máy đang suy yếu, những người lao động như Cường là một mô hình đã được lặp đi lặp lại, phổ biến khắp vùng Đông Nam Á trong nhiều thế kỷ: Khi sống ở thành phố mà gặp khó khăn, thì trở về cày bừa ruộng nhà.
Quay trở lại làng của Cường tại Bắc Giang, vợ ông đang mang thai đứa con thứ hai. "Tôi có một ngôi nhà và một thửa ruộng ở đó, và nó luôn luôn là chỗ tốt để về với gia đình mình," ông nói. "Và ở nơi đó tôi có nhiều sự lựa chọn công việc bán thời gian."
Nguyên tác: Vietnam’s Migrant Masses Disappearing Into Shadow Economy: Jobs
Tác giả: Nguyễn Diệu Tú Uyên
(BloombergBusiness, Dec 3, 2014)
Người dịch: Lê Ngọc Vân