Nguyễn Hồng Lam
Giới thiệu của BBT
Câu chuyện 39 người châu Á chết ngạt trong chiếc xe chở thực phẩm đông lạnh vào Anh chiếm hết phần lớn thời lượng Facebook trong 2 ngày này. Ban đầu cảnh sát Anh cho rằng đó là 39 người Trung Quốc. Rồi dần dần lộ ra là có người Việt Nam, từ con số vài ba người thành con số 20 người, rồi có nguồn tin cho là tất cả 39 người.
Họ sang Anh làm gì mà đi lũ lượt vậy. Tất nhiên không phải ai cũng trồng cần sa, nhưng với nợ nần, với rào cản ngôn ngữ, với sự nhắm mắt đưa chân từ khi rời khỏi Việt Nam, rất có thể họ sẽ trở thành những ‘người rơm’ trồng cỏ.
Dân rơm trồng cỏ
NHL - Trước hết, tôi xin được chia sẻ nỗi đau buồn mất mát của 39 gia đình có người thân đã thiệt mạng trong chuyến nhập cư lậu bất thành vào Anh bằng container vừa qua. Không gì có thể bù đắp với những mất mát đau khổ ấy. Họ có thể là người Việt, người Trung Quốc... Người ở đâu đi nữa, lẽ ra họ cũng xứng đáng được sống một cuộc sống tốt đẹp hơn. Là ai, họ cũng là nạn nhân của bọn buôn người. Và là ai, có một phần họ cũng là nạn nhân của chính họ, gia đình họ, trong điều kiện và khao khát đổi đời về kinh tế.
Tôi không muốn theo trend. Tôi cũng chẳng hứng thú gì việc đăng lại một loạt bài viết cách đây đã non chục năm, dù nhiều bạn đọc yêu cầu. Nhưng sau thảm kịch, đã rất nhiều người vịn tay vào đó để công kích chế độ, xã hội Việt Nam hiện tại. Nguyên nhân ra đi của những nạn nhân xấu số bị họ gán cho, biến thành tị nạn chính trị, tị nạn cộng sản..., những lý do mà người trong cuộc không nghĩ tới. Chi phí cho chuyến đi, nhiều hay ít cũng bị mổ xẻ với ngôn từ nhiều khi không hay lắm.
Nếu ai có ý kiến khác đi, đám đông sẽ quay lại chửi mắng, chụp mũ không thương tiếc. Vô tình, nỗi đau mất mát càng bị khoét sâu thêm. Tôi cho rằng, đó là những việc không nên làm. Điều cần hơn, là để cho những người đang có ý định ra đi bằng con đường tương tự biết rõ thực tế đang chờ đợi họ không phải khi nào cũng đầy hứa hẹn, không phải ai cũng có thể đổi đời. Câu chuyện của 39 con người chết ngạt trong thùng container lạnh lẽo chỉ là một phần trong chuỗi bi kịch, hiểm nguy trong chuyến "buôn không gian" - đoạn di chuyển. Những bất trắc phía trước thậm chí còn nhiều hơn thế, đau đớn hơn thế.
Vì thế, tôi đăng lại loạt bài viết này. Cần nói rõ các từ lóng dùng trong bài không phải là do tôi đặt ra, không hàm ý miệt thị. Đó là từ người trong cuộc và cảnh sát, báo chí Anh hay dùng, diễn tả một cách hình tượng thân phận và công việc một lớp người. Trong đó "dân rơm" (straw people) là người nhập cư bất hợp pháp; "cỏ" (cannabis) là cần sa, tài mà, đại ma...; "chuột chũi" (rats) là những người phải sống, núp trong bóng tối, để chỉ những người bị giấu trong thùng xe, những "công nhân nông nghiệp" trồng cần sa trong tầng hầm, tầng áp mái ít khi được ra ngoài (vì sợ cảnh sát bắt)...Nó cũng giống như từ Seals, Dolphins (hải cẩu, cá heo) mà hải quân ưa dùng để gọi những đơn vị đặc biệt của họ thôi, không có gì là chê bai hay thiếu tôn trọng cả. Bạn nào muốn nhân đó mà comment không đứng đắn, tôi sẽ xóa.
.
Nguyễn Hồng Lam
(Trích FB cá nhân)
_____________
Bài 1: Đời chuột chũi trong rừng đại ma
Bài 2: Bán mạng trong “Lò Thiêu Xác”
Bài 3: Gỡ bảng số giang hồ trên đồng cỏ quốc tế
Bài 4: Nỗ lực chống một thảm họa