Minh Hạnh
Đã mở những phòng bỏ bé sơ sinh
Một bé sơ sinh vô thừa nhận bỏ ngoài đường, năm 2013 (nguồn: politie.nl)
Tháng 11 sắp tới đây Hòa Lan sẽ có hai phòng nhận trẻ sơ sinh bị mẹ muốn vất bỏ: một ở Groningen và một ở Papendrecht. Các bà mẹ có thể bỏ con lại ở đây và được giữ kín danh tánh. Cho tới giờ chuyện này không thể làm được ở Hòa Lan.
Phản ứng chống
Sáng kiến được bà Barbara Muller đưa ra. Trước đây bà đã thành lập Babyhuis, một nơi tiếp nhận trẻ em không thể sống trong gia đình chúng được nữa. Bà Muller đã từng muốn lập một phòng nhận trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, nhưng vấp phải những phản ứng chống đối.
Cả Hội đồng Cố vấn về Bảo Vệ Trẻ lẫn thứ trưởng Teeven đều không tán thành kế hoạch này. Theo ông Teeven thì việc vứt bỏ lại đứa trẻ sau khi sinh mà không cho biết danh tính là phạm tội và trái với quyền mà trẻ em được hưởng là chúng phải có cách truy tầm xem ai là cha mẹ ruột của chúng.
Vào tháng 2/2014, ông đã nhờ Hội đồng Cố vấn về Ứng dụng Hình luật tìm phương cách để chống lại việc thành lập một phòng nhận trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Hội đồng cố vấn, vào tối ngày 21/08/2014 đã trình bày ý kiến của mình và cho rằng một căn phòng như vậy không phải là giải pháp thỏa đáng, nhưng khuyến cáo chính phủ chưa nên tạo thêm một đạo luật chống việc thành lập phòng nhận trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.
Bí mật danh tính
Trong những căn phòng nhận trẻ, mà nay người ta vẫn cứ thực hiện, có đặt một cái tủ ngăn kéo, một cái nôi và một cái ghế. Có những tờ tài liệu viết bằng nhiều ngôn ngữ. Qua một nút báo động, bà mẹ có thể kêu người đến giúp, hay là đặt đứa trẻ ở đó và hoàn toàn không để lại danh tính.
Cấm đoán
Ở Hòa Lan người ta không được phép bỏ con mà không để lại tên tuổi người mẹ. Bà mẹ nào muốn bỏ con sẽ được giới thiệu đến hội Fiom, một hội đoàn giúp đỡ các bà mẹ nào có thai ngoài ý muốn, và người mẹ có thể để con mình được người khác nhận làm con nuôi, hay để họ giao nó cho một gia đình nhận đỡ đầu.
Bà mẹ có thể chọn cách “sinh nở trong vòng bí mật”; trong trường hợp này danh tính của người mẹ sẽ được giữ kín với người ngoài, và nó chỉ được trao đổi giữa Fiom, phòng Săn sóc Thiếu nhi, Hội đồng Cố vấn về Bảo vệ Trẻ em và tòa án. Tuy nhiên trong khai sinh của em bé luôn luôn có ghi tên thật của bà mẹ ruột.
Sợ hãi cùng cực
Những phụ nữ nào muốn chuyện sinh đẻ được hoàn toàn giữ bí mật – thí dụ như trong trường hợp họ là nạn nhân của loạn luân hoặc họ lo sợ sẽ bị thủ tiêu để bảo toàn danh giá gia đình, theo như bà Muller, hoàn toàn bị bó tay. “Họ không dám gõ cửa các cơ quan. Họ sợ điếng người và không tin tưởng ai cả. Họ cần một sự giữ kín danh tính hoàn toàn.”
Mỗi năm ở Hòa Lan có một tới hai trẻ em vô thừa nhận. Và hàng năm có bốn hoặc năm trường hợp phải giảo nghiệm tử thi bé sơ sinh vì người ta nghi ngờ em bé mới sinh đã bị giết trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau khi chào đời. Bà Muller hy vọng là với những phòng nhận trẻ em vô thừa nhận này số bé bị mẹ thí bỏ nhặt được ngoài đường sẽ giảm xuống còn con số không. “Nhưng cho dù chúng tôi cứu được một bé thì chuyện chúng tôi làm cũng coi như thành công,” bà nói.
Ở các nước khác
Trong 11 quốc gia Âu châu, người ta đã có phương cách bỏ đứa trẻ mới sinh hoàn toàn trong vòng bí mật. Ở Đức có 100 ‘hộc bỏ em bé’. Chuyện này pháp luật không cho phép, nhưng người ta làm ngơ. Từ 1999 đến 2010 đã có 278 trẻ sơ sinh được bỏ trong những hộc này.
Ở Bỉ vào năm 2000 có một ‘ngăn kéo bỏ bé’ được lập ra và ở đây người ta cũng làm ngơ. Cho tới nay đã có 6 bé được bỏ trong ngăn. Ngoài ra, ở Đức, người ta thấy số trẻ sơ sinh lượm được ngoài đường không giảm sau khi có những ‘hộc bỏ em bé’.
Vondelingenkamers geopend, nieuwsuur.nl (21/08/2014)
Minh Hạnh dịch