Hoàng Giang


Cuối cùng tự do đành phải nhượng bộ

Đoàn biểu tình tụ tập tại Amsterdam trong ngày Toàn Thế giới Biểu tình cho Tự do, 15.05.2021.
Họ phản đối những biện pháp hạn chế tự do, phong tỏa và hộ chiếu chích ngừa. Hình ANP

Một phần không nhỏ nhân loại hiện đang đứng trước một chọn lựa không dễ dàng: liệu tôi có thể bảo vệ sự vẹn toàn thân thể của mình được bao lâu nữa?

Nói trắng ra: tôi đang chịu áp lực của xã hội ngày càng gia tăng, bắt tôi phải ‘tình nguyện’ cho người ta chích một chất lạ vào người, trong khi tôi hoàn toàn không muốn, vì không tin tưởng vào nó, hoặc đơn giản chỉ vì đó là quan niệm sống của tôi.

Từ khi thực tế đã cho thấy một tỉ lệ chích ngừa cao đã góp phần lớn giảm lây nhiễm virus corona gây bệnh Covid-19, bên cạnh những biện pháp khác như giãn cách, tạo thông thoáng trong không gian kín v.v., sự thúc bách của xã hội lên những người không muốn chích ngừa ngày càng gay gắt.

Hiện nay, tại những quốc gia ở Âu châu và Bắc Mỹ châu, những người muốn được chích ngừa Covid-19 coi như đã được toại nguyện. Tỉ lệ chích ngừa nơi người lớn hiện nay tại các quốc gia này vào khoảng 70-90%. Những người không muốn chích ngừa phần lớn do:

Trở lại những ngày đầu

Trong thời gian dịch bệnh còn hoành hành và y giới còn đang nỗ lực trong nghiên cứu phát minh thuốc chủng ngừa, các biện pháp phong tỏa hoặc giãn cách xã hội đã được (tạm thời) ban hành. Các hình thức giao tiếp vật lý giữa cá nhân trong xã hội trong giai đoạn này (thăm viếng, làm việc chung trong cơ quan, tụ họp hội hè v.v.) giảm tới mức tối thiểu. Những biện pháp bó buộc tiếp diễn sau đó, cho tới khi phần lớn dân chúng đã được chích ngừa. Bắt đầu từ tháng 8/2021, các quốc gia ở Âu châu và Bắc Mỹ châu đã lần lần gỡ bỏ từng nấc những biện pháp bó buộc này. Mối giao tiếp vật lý lần lần được tái lập. Chuyện gì đã xảy ra?

Tương tự như những đại dịch trong quá khứ, những người nhiễm Covid-19 trong giai đoạn đầu bị xã hội cô lập. Người ta cách ly họ. Bạn bè, thân nhân bị cấm tiếp xúc, hoặc lảng tránh. Rồi có những quốc gia đã thiết lập những mạng lưới dò tìm nguồn gốc và những người có nguy cơ đã bị lây. Người ta phân loại người này thành từng cấp độ, thành những hạng người có nguy cơ đã bị nhiễm cao hoặc thấp. Những người có khả năng cao là đã bị lây nhiễm sẽ bị cô lập trong sinh hoạt (không được đến nơi làm việc hoặc không được đến trường...). Chính sách này có lợi ở chỗ, với công nghệ hiện đại, có thể nhanh chóng khoanh vùng bị nhiễm và làm công tác dập dịch, nhưng nó đã gây ra sự xáo trộn ghê gớm trong xã hội và trong quan hệ giữa người với người. Không ai muốn mình bị rơi vào ‘tầm ngắm’. Người nào theo dõi tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam cũng có thể hình dung ra những gì F0, F1... phải gánh chịu.

Mọi người nôn nóng chờ tin mừng về một vaccin ngừa Covid-19, nhưng khi đã có vaccin, sự phân cực trong xã hội dường như càng lớn hơn. Không có cảnh “người người đi chích, nhà nhà đi chích”. Tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, chích ngừa hay không chích ngừa là do tự nguyện. Nhưng tại một số quốc gia, đó là sự “bắt buộc tự nguyện”. Người dân Trung Quốc hoặc Nga gần như không thể cưỡng lại áp lực từ những ràng buộc trong xã hội, hay ngay từ những thành viên trong gia đình, người trong xóm làng v.v.. Tại Việt Nam, đã có những trường hợp công an vào nhà, dùng vũ lực lôi kéo người dân tới trạm chích.

Tuy nhiên, sự việc không đơn giản.

Người ta biết bạn là ai

Từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu rộ lên, một số nước châu Á (Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore v.v.) đã phát minh ra cái ứng dụng (app) cài đặt trên điện thoại di động để kiểm soát những người đã bị nhiễm virus corona. Cái app này cho phép không những người dân biết để tránh, mà còn là phương tiện giúp chính phủ kiểm soát chặt chẽ con đường lây lan.

Khi chiến dịch tiêm chủng đã bước sang giai đoạn triển khai toàn quốc gia hoặc đa quốc gia, người ta đã nghĩ ra cách tạo một cái app để thay cho tờ giấy chứng nhận hoặc thay cho cuốn hộ chiếu tiêm ngừa. Nó cũng làm một công đôi ba chuyện, bằng cách chứng tỏ bạn không phải là nguồn lây nhiễm (đã chích ngừa, đã bị Covid-19 và đã lành bệnh trong vòng 6 tháng, hoặc vừa được xét nghiệm với kết quả âm tính). Thật là tiện lợi, và tiết kiệm được nhiều thủ tục giấy tờ. Bạn nghĩ vậy.

Nhưng không. Bỏ qua chuyện làm tốn phí nhiều buổi tranh cãi về sự bảo mật lý lịch cá nhân cùng sự bảo mật không bị hack, cái app này, với những người không muốn chích ngừa, trở thành rào cản vô hình.

Người ta sẽ dùng cái app này (qua mã QR hiện ra, hoặc qua tương tác với thiết bị dùng để kiểm tra) như một hình thức kiểm soát với độ chính xác tới hơn 99,99%.

Vào hàng quán, vào rạp xi-nê, xem triển lãm, coi đá banh... phải giơ điện thoại cho người ta scan cái mã QR.

Lên máy bay, lên tàu du lịch cũng trình cái mã QR. Biết đâu chừng sau này lên xe bus, đi taxi cũng phải trình, nếu không có sẽ bị từ chối, hoặc phải mang khẩu trang!!!

Và tệ hơn, nơi làm việc cũng buộc bạn không được là nguồn lây nhiễm.

Nếu bạn không chích ngừa, chẳng lẽ trước khi đi đâu cũng phải xét nghiệm? Hoặc cứ vài ngày lại phải xét nghiệm, nếu bạn còn muốn đi làm. Xét cho kỹ, ở đây có sự kỳ thị ngược. Nếu bạn đã chích ngừa, gần như trong tất cả mọi nơi, bạn không bị bắt phải có thêm xét nghiệm âm tính, mặc dù trên thực tế bạn đã nhiễm virus corona. Như vậy, bạn được ưu đãi hơn những người không chích, vì những người này phải xuất trình giấy chứng nhận không nhiễm virus.

Trên thực tế

Khi các con số thống kê đã chứng minh là khi tỉ số người chích ngừa lên đến khoảng 80% hoặc cao hơn, số bệnh nhân phải vào bệnh viện điều trị vì Covid-19 sẽ giảm thấy rõ sau khoảng 1 tháng. Những người phải nhập viện sau đó phần lớn là những người chưa được chích đủ số liều vaccin cần thiết hoặc chưa chích ngừa.

Một thí dụ về tình trạng bệnh nhân nằm viện khi chiến dịch tiêm chủng Covid đang tiến hành:
biểu đồ tại tỉnh bang Alberta, Canada trong thời gian từ 01.09.2021 tới 30.09.2021.
Hình: Bs. Deena Hinshaw @CMOH_Alberta

Những người đã chích ngừa đầy đủ vẫn có thể nhiễm virus corona, nhưng phần lớn chỉ biểu hiệu những triệu chứng nhẹ.

Vì vậy, các quốc gia đã đạt tỉ lệ chích ngừa trên 70% từ tháng 8/2021 đã đặt kế hoạch giảm từng nấc các biện pháp giãn cách hoặc phong tỏa. Tiến độ giảm thiểu các biện pháp phải đi đôi với các số liệu cập nhật lấy từ xã hội như: tỉ lệ chích, số người nhập viện hàng ngày, tỉ lệ tử vong trên số nhiễm v.v..

Các giới chức bắt đầu trò chơi với các con số thống kê và cố gắng đưa lời giải thích trấn an dân chúng. Đồng thời họ cố tìm cách để gia tăng tỉ lệ chích ngừa, từ thưởng tiền, vé số hoặc hiện vật cho người tới chích, cho tới cả đề nghị chích cho trẻ em từ 12 tuổi, hoặc các em nhỏ tuổi hơn!

Nhưng số người nhất định không chịu chích vẫn ở khoảng 20%. Ta có thể hình dung ra sự phức tạp trong các tầng lớp dân chúng. Nhất là khi tại một số địa phương, biện pháp phong tỏa và giãn cách lại được tái áp dụng khi số nhiễm đột nhiên tăng cao.

Người ta đứng trước sự chọn lựa nan giải. Một mặt, muốn kinh tế phục hồi thì phải mở cửa, trong khi những người chưa chích có thể bị coi là mầm gây nhiễm cộng đồng. Mặt khác, quyết định chích hoặc không là một trong những quyền cơ bản của con người. Ngay cả tại những quốc gia ‘độc tài’, chính phủ cũng không dám tuyên bố ‘buộc mọi người phải đi chích’.

Nhưng các ông chủ không nghĩ vậy. Ngay cả khi chủ là trưởng cơ quan của chính phủ. Không chích ngừa, không được tới nơi làm việc. Không chích ngừa, không được tới chỗ đông người và không thoáng khí (rạp hát, hàng quán, máy bay...). Cho họ vào, lỡ gây dịch, ai chịu trách nhiệm? Gương quán bar Kitzloch tại Ischgl (vùng Tirol, Áo) còn đó, khi khách trượt tuyết mang virus corona lây truyền đi khắp một vùng trong thời kỳ đại dịch sắp bùng phát tại Ý và Đức đầu năm 2020.

Do đó, tại Pháp, Ý, Hy Lạp v.v. các nhân viên làm trong một số ngành như trong cơ quan chính quyền, cơ sở y tế v.v. bắt buộc phải chích ngừa Covid-19. Trong các quốc gia châu Âu, Ý là nơi người dân ủng hộ chủ trương này nhất (2/3 ủng hộ), nhưng khi thi hành, vẫn gặp nhiều chống đối của các nhóm ‘chống vaccin’.

Ở Việt Nam, trong thời gian chịu các biện pháp giãn cách, một số địa phương đã ra thông báo là chỉ những người đã chích ngừa mới được đi làm. Những người chưa chích phải tiếp tục thực hiện giãn cách tại nhà.

Nhiều bệnh viện tại một số quốc gia đã sa thải những nhân viên y tế không chịu chích ngừa. Hãng hàng không United America vào tuần cuối tháng 9/2021 đã tuyên bố sẽ sa thải gần 600 nhân viên (1%). Trong lá thư gửi cho nhân viên với hạn định cho việc “tự nguyện tiêm ngừa”, ban lãnh đạo UA viện dẫn quan điểm: “nhưng chúng tôi hoàn toàn không có chút nghi ngờ gì là chúng tôi qua đó đã ngăn ngừa được một số trong quí vị phải nhập viện để điều trị hoặc ngay cả bị tử vong, là vì quí vị đã được tiêm ngừa”.

Một số trường ở California đã cân nhắc biện pháp bắt buộc chích ngừa đối với học sinh sinh viên.

Nhiều hãng xưởng ở Hòa Lan cũng đưa ra biện pháp tương tự, gây ra tranh tụng giữa nghiệp đoàn chủ và nghiệp đoàn thợ, với kết quả là giới chủ thắng kiện.

Để không chỏi với quyền tự quyết của con người về sự xâm phạm thân thể, một số nơi đã cho biện pháp xét nghiệm thường xuyên thay cho vaccin. Người nào không muốn chích, phải tự trả tiền xét nghiệm.

Như tại Hoa Kỳ, tổng thống Joe Biden ngày 9/9/21 loan báo sẽ yêu cầu tất cả nhân viên liên bang phải tiêm chủng COVID và Bộ Lao động sẽ ra quy định đòi hỏi các doanh nghiệp có trên 100 nhân công phải bắt buộc nhân viên phải tiêm chủng hoặc phải thử COVID hàng tuần.

Ai đúng, ai sai?

Người đã được chích ngừa có khuynh hướng ép buộc người khác cũng phải chích, với lý do:

Việc số ít người dân quyết định không tiêm ngừa vaccin hiện nay, tuy là một quyền hợp pháp, nhưng trên thực tế đang đi ngược với nhận thức chung hiện có của chính quyền và của đại bộ phận dân cư.

Do đó, bên cạnh sự rủi ro về sức khỏe và sinh mạng vì không tiêm ngừa vaccine, thì thực tế, người quyết định không tiêm ngừa vaccin sẽ còn phải chịu rất nhiều thiệt thòi khác trong các hoạt động xã hội của mình.

Cuộc tranh luận có thể chuyển sang một bước ngoặt mới, nếu các công ty bảo hiểm sức khỏe tăng tiền đóng bảo hiểm nơi những người không chịu chích ngừa. Tiền bạc đóng vai trò rất lớn trong quyết định của chúng ta hàng ngày.

United America, 1 tuần sau khi đưa ra lời đe dọa sẽ đuổi việc người nào vẫn không chịu chích ngừa, đã thu được kết quả là con số người không chịu chích đã giảm xuống còn 300!!! Không biết cuối cùng sẽ có bao nhiêu người không chích.

Và nếu một người luôn bị quấy rầy là phải đi xét nghiệm liên miên, phải tự trả chi phí, rồi hồi hộp chờ kết quả, mà trong trường hợp dương tính sẽ buộc phải nghỉ không ăn lương, chắc chắn họ sẽ không thể giữ được lập trường ban đầu dài lâu.

Hiện nay, trong hồ sơ xin nhập cư vào Hoa Kỳ, người đứng đơn phải khai là đã chích ngừa Covid-19. Chẳng cần nói thêm, sẽ không có ứng viên nào rút hồ sơ chỉ vì không muốn chích ngừa.

Tóm lại, dù muốn dù không, mọi người cuối cùng sẽ phải hy sinh chút quyền tự do cho lợi ích chung, hoặc để đổi lấy chút lợi ích cho chính bản thân mình.

.

Hoàng Giang
(09.2021)

 

Direct link: http://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/xahoi/cuoicungtudo.htm


Cái Đình - 2021