Nguyễn thị Cỏ May


Cuộc cách mạng tuổi 50 – Quyền “Muốn làm gì cũng được”

 

 

Người ta hỏi “Phải chăng thật sự ở tuổi 50, mọi người có thể sống thả cửa, không bị giới hạn hay ràng buộc bởi một điều cấm kỵ nào cả?”

Nhiều nhà xã hội học, tâm lý học và y sĩ chuyên môn đều đồng ý cho đó là một cuộc cách mạng ngày nay của lớp tuổi 50 đang diễn tiến.

Lớp tuổi 50 là thế hệ đầu tiên hiểu được những gì của tuổi thọ ngày nay kéo dài hơn trước đây đem lại cho họ, nghĩa là họ có được trước mặt 30 hoặc 40 năm để sống và hưởng thụ.

Sức khỏe, việc làm, tình yêu… Tuổi già lùi lại, tuổi trẻ kéo dài thêm. Những người 50 tuổi hay hơn đang sáng tạo cho mình đời sống mới mà thế hệ trước đây không được biết.

Trở lại làm thanh niên

Lớp trẻ sanh ra ở xứ giàu nhờ thừa hưởng ba mươi năm phát triển nên không thiếu thốn gì cả trong đời sống và có được sức khỏe tốt, không bệnh hoạn đáng lo, nhờ những tiến bộ khoa học. Ngày nay tuổi thọ tăng, nên phụ nữ Âu châu sống đầy sinh lực tới 64 tuổi và đàn ông tới 62 tuổi là bình thường.

Theo kết quả điều tra của cơ quan thống kê, lớp tuổi 50 ảnh hưởng rất mạnh lên kinh tế quốc gia nhờ lợi tức và tài sản của họ.

Trong chánh trị, chính lớp tuổi 50-60 đang ngự trị chính trường Âu châu và Huê kỳ: Sarkozy 61 tuổi, Ségolène Royal 62 tuổi, Angela Merkel 61 tuổi, Barack Obama 55 tuổi,….

Lãnh đạo xí nghiệp của Pháp: Arnaud Largadère 55 tuổi, Anne Lauvergeon 57 tuổi,…

Đúng là lớp tuổi 50-60 đang tiêu biểu cho quyền lực chính trị và kinh tế thế giới, còn là sức mạnh, giàu có… và sắc đẹp!

Tạp chí “Elle” dành một số (tháng 04/2009) với hình bìa Michelle Pfeiffer rạng rỡ dưới tựa “Ở 50 tuổi đẹp hơn hồi 20” (diễn viên điện ảnh Huê Kỳ). Bên trong tạp chí, đăng một loạt hình được chọn lọc kỹ như Madona, Ségolène Royal và Inès de la Fressang, vì đây là những người ngày nay ở lớp tuổi 50 lại đẹp hơn trước đây.

Người ta cho rằng chính các bà này đang gởi đi một hình ảnh tích cực và quyến rũ của người phụ nữ sau 50 tuổi.

Đồng thời, người ta cũng không bỏ quên các ông 50, bởi các ông cũng đang trở lại tuổi thanh niên đầy sinh lực bằng những chăm sóc đặc biệt cho vừa nội lực vừa ngoại hình.

Giấc mơ của các ông là “Trẻ hoài”. Thậm chí có nhiều ông dễ dàng quên hẳn mình đang 60 vì vẫn mang nặng tâm lý sùng bái tuổi trẻ thái quá. Họ không biết họ đang say mê nếp sống của tuổi trẻ và vì vậy phản ứng tâm lý của họ gần với lớp tuổi 30 hơn là 60. Ca hát, mang máy nghe nhạc, nói chuyện với lời lẽ và phong cách của tuổi trẻ, không khác một “cậu trẻ rock”.

Để được trẻ, những người 50 ngày nay siêng năng thể dục, họ tới phòng tập, hồ bơi để giữ nét nở nang cân đối của cơ thể. Nếu không, họ cũng vài lần trong tuần chạy bộ, đạp xe. Về thực phẩm, họ chọn rau xanh, trái đỏ, quinoa, bánh mì bio…

Tại sao không sống trẻ lại

Nhìn ở lớp tưổi 50 ngày nay, người ta có cảm tưởng họ đang tiêu biểu sự phát triển bền vững. Vì tương lai hãy còn dài trước mặt họ. Lý tưởng của họ đang theo đuổi là “chống sự già nua”. Mà thật, ngày nay để giữ sự trẻ trung bền bỉ, về mặt kinh tế, họ có đủ điều kiện thực hiện: thầy thuốc chuyên khoa, kiểm soát sức khỏe định kỳ, những lời hướng dẫn về mọi mặt để giữ gìn sức khỏe,…. Ngoài ra, báo chí, đài phát thanh và TV có nhiều chương trình đặc biệt cho sức khỏe và duy trì sự trẻ trung.

Về đời sống ái ân, lớp tuổi trước chỉ mới biết đời sống tình dục được cởi mở, còn lớp tuổi 50 hiện nay thì đang thật sự tự do tình dục. Có thể nói tình dục thả giàn.

Tuy được tự do tình dục trong đời sống, có đủ mọi phương tiện và điều kiện để thụ hưởng lâu dài sự trẻ trung nhưng con người vẫn không thể cãi mệnh trời. Về mặt sinh lý, thời kỳ tắt kinh (ménopause) ở người phụ nữ vẫn chưa khắc phục được. Phải bất lực chịu mọi thứ ngoài ý muốn đến với cơ thể.

Trước cuộc cách mạng lớp tuổi 50, nhà tâm lý Marriette Darrigrand nhận xét “sống lại đẹp hơn sống”. Người ta chủ động hơn về tuổi tác của mình.

Muốn thì làm

Vì ảnh hưởng cuộc cách mạng 50, nhiều người đàn ông đang rơi vào một tâm trạng, như định hướng bị khủng hoảng. Họ bị lôi cuốn vào nếp sống hưởng thụ của sự “sống lại” (revivre) nên họ bị giằng co giữa ý muốn “sống những mối tình khác” và giữ nguyên trạng của hiện tại. Họ tự bảo tại sao mình không sống như những minh tinh, ca sĩ, cả những chánh trị gia? Những người này phần đông đều chủ trương chia tay và kết hợp với người mới.

Mà thật vậy, minh tinh, nghệ sĩ xưa nay có tiếng thay đổi chồng vợ như thay áo. Nhưng phe xã hội chủ nghĩa (PS) của Pháp cũng không thua. Ngoài những quan hệ thầm lén, phần đông đều không có mấy người giữ được một chồng một vợ vững bền. Hoặc ở hết bà này tới bà kia không cưới hỏi như ông Tổng Thống Hollande, hoặc “độc thân” như nhiều người khác. Ngay cả trong chánh phủ hiện tại của ông.

Ở Pháp, trong vòng 10 năm trở lại đây, số vợ chồng ly dị tăng gấp đôi ở lứa tuổi 50, và trong ba trường hợp trên bốn, hình như các bà là người đưa ra quyết định vì không thể sống mà không thấy hứng thú.

Một phần cũng do người phụ nữ ngày nay được tự túc về tài chánh hơn trước đây, khi sống một mình, người phụ nữ bỗng cảm thấy thoải mái hơn mà trước giờ bà không biết và không nghĩ tới.

Mặt khác cũng có nhiều phụ nữ không thấy tuổi 50 là tuyệt đẹp, là tuổi lý tưởng nhứt cuộc đời. Họ nhìn thấy lắm bà 50 buồn thảm. Vì họ sợ già nên cố bám vào ý tưởng mình vẫn còn trẻ, luôn luôn trẻ, còn đẹp và còn đầy tương lai. Phải thấy với phụ nữ, tuổi 50 là tuổi suy sụp. Thân thể không còn đường nét như hồi 30, không còn khả năng đáp ứng như hồi 30.

Có nhiều người vẫn thấy mình còn trẻ, hay muốn làm cho mình còn trẻ, chọn cuộc sống với những người đàn ông trẻ hơn mình nhiều. Ít có ai nghĩ là ở tuổi 50 nên biết phải từ khước nhiều điều không thích hợp, không nên bám theo sự cám dỗ bằng mọi giá, chạy theo giải phẫu thẩm mỹ để duy trì sự trẻ trung chỉ là lao vào một cuộc chiến mà sự thất bại là điều chắc chắn!

Tuy nhiên, cũng không nên âu lo về tuổi tác suốt ngày.

Sự tỉnh táo, sự hiểu biết mới thật trẻ, thật sự quí, có giá trị bền vững.

Ở tuổi 50, người ta thật sự còn trẻ hay chỉ bề ngoài

Theo Bác sĩ Frédéric Saldmann, chuyên về thực phẩm và tim, chủ nhiệm tập san “Dinh dưỡng thực hành”, cho rằng ngày nay người ở lớp tuổi 50 thật sự trẻ hơn trước và ngoại hình cũng trẻ hơn. Và tuổi thọ cũng tăng nhiều nhờ đó người ta, ở tuổi 50, có nhiều dự tính cho tương lai.

Thật vậy khoa học và y khoa đã tạo ra bộ máy quay ngược thời gian hay nguồn suối tuổi trẻ. Chỉ từ mười năm trở lại đây mà thôi, nó làm cho một lớp người sống một đời sống như mình đang lên đường lần thứ nhì vậy.

Từ thượng cổ, tình dục vẫn là thứ quyền lực thật sự cai trị thế giới con người. Nhưng cách đây không đầy 20 năm, đời sống tình dục được xem như chấm dứt ở tuổi 50. Với đàn ông, bắt đầu thời kỳ mãn dục (andropause). Trước mọi tình huống, thằng lớn bảo thằng nhỏ không nghe.

Rất may mắn, Viagra tới một cách tình cờ làm cho tình thế một sớm một chiều thay đổi sâu xa. Kẻ bại trận thảm hại trước đây nay trở thành kẻ chiến thắng vinh quang.

Thật vậy, Viagra đã giúp cho ít nhất 60% trường hợp bại trận xoay ngược thế cờ. Rồi tiếp theo ra đời vài thứ hộ mạng khác hữu hiệu hơn, ác liệt hơn, như Cialis hoặc Levitra. Nhưng chắc chắn sẽ còn những thứ tuyệt vời hơn. Tại sao không?

Người ta đồng thời cũng biết nguyên nhân bại trận cũng liên hệ đến những yếu tố sức khỏe như những chứng bệnh ở tuổi 50, đàn ông thường mắc phải bệnh tim mạch, tiểu đường, tiền liệt tuyến sưng…

Nhưng với phụ nữ ở tuổi 50, mặc dầu có nhiều tiến bộ khoa học, những nghiên cứu cẫn tiếp tục, người ta vẫn chưa khắc phục được hiện tượng mãn kinh (ménopause) hay ít nhất làm cho nó chậm lại.

Ngày nay việc trẻ trung hóa mọi người vẫn là vấn đề bận tâm thật sự của giới làm khoa học nhưng như vậy điều đó không có nghĩa là vấn đề đơn giản chỉ nhằm cải thiện ngoại hình và sự hỗ tương của mỹ phẩm.

Những tiến bộ khoa học đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao phẩm chất cuộc sống của cả hai giới nam / nữ ở tuổi 50 về mặt sức khỏe và thẩm mỹ. Cả về mặt quan hệ xã hội. Chính nhờ những quan hệ xã hội mà người lớn tuổi có thể bảo vệ sự minh mẫn lâu dài của bộ óc. Niềm vui, sự sống động, sự phấn khởi,… giúp bộ óc hoạt động tích cực, tránh được hoặc làm chậm lại sự thoái hóa bộ óc, thường là nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh lú lẫn của người lớn tuổi.

Bác sĩ Frédéric Saldmann quả quyết sự quan hệ xã hội, như lui tới với bạn bè thường xuyên tốt hơn là chơi ô chữ, đánh cờ rất nhiều.

Hoạt động thể dục thường xuyên, dĩ nhiên, vô cùng cần thiết cho sức khỏe cả thể chất và tinh thần, cho cả các lứa tuổi nam nữ, chớ không riêng gì chỉ cho tuổi già.

Thể dục không có nghĩa là phải chơi những môn thể thao mạnh bạo, mà mỗi ngày chỉ cần cử động một chút, trong vòng 30 phút, là đủ. Giống như một công việc tự động vì thói quen. Như đánh răng!

Tùy hoàn cảnh, người ta có thể chọn đi bộ, không cần phải chạy, bơi lội, xe đạp… nhưng phải 30 phút và phải liên tục, không liên tục không có hiệu quả vì 20 phút đầu, người ta chưa kịp đốt khối lượng đường trong máu, phải những phút sau đó, người ta mới bắt đầu sử dụng tới khối chất béo tồn trữ không cần thiết.

Những người béo phì, theo Bác sĩ Saldmann, không nên làm rề-gim vì sau đó, thèm ăn, ăn lại, số cân sẽ gia tăng mau và cao hơn. Đi nhờ lóc bỏ vài chục kí lô mỡ? Giải quyết cấp thời nhưng sau đó, số kí lô mỡ cũng lại sẽ nhảy vọt phi mã.

Tốt nhứt chỉ có xem lại và thay đổi nếp sanh hoạt triệt để.

Lý tưởng “Chống già nua”

Những nhà chuyên môn, để chống lại sự già nua một cách hìệu quả, khuyên nên hoạt động, hoạt động tích cực, sống đời sống có nhiều quan hệ xã hội, ăn uống lành mạnh và chăm sóc ngoại hình.

Nhiều người đồng ý sự già nua trước nhứt bắt nguồn từ cái đầu của mình. Theo Bác sĩ Olivier de Ladoucette, chuyên về tâm thần và bệnh già ở nhà thương Pitié-Salpêtrière, Paris 13, thì người già phải tập sống lạc quan, phải biết vượt qua những buồn chán. Người biết yêu đời thường trẻ lâu. Lạc quan là ý chí, là phấn đấu.

Phần lớn thầy thuốc đều khuyên người lớn tuổi nên duy trì mối quan hệ xã hội tốt. Nếu có điều kiện, nên tạo thêm vòng bạn bè mới để tránh sự nhàm chán không khí quen thuộc, có khi mất hứng thú.

Ngày nay nhiều người quên đi bài học của người dân quê Việt nam vì mải mê chạy theo tiến bộ khoa học . Bị cuốn hút theo dòng @ .Bài học đó là:

“Ai ơi, muốn tránh bịnh già
Trước kia, đừng có sanh ra làm gì”
(Trần văn Ân, Thơ làm trong khám tử hình Côn Đảo, 1957)

Nguyễn thị Cỏ May

 


Cái Đình - 2016