Phùng Nhân
Con đường bờ kè thành phố Mỹ Tho
.
Con đường bờ kè thành phố Mỹ Tho, bắt đầu thi công ngày 7/03/2011, khánh thành ngày 25/11/2015. Đoạn đường dài 2.625 mét. Bắt đầu từ dưới chân cầu Rạch Miễu thuộc phường 6 thành phố Mỹ Tho đối diện với một ngôi đình cổ làng Bình Tạo. Kinh phí dự trù là 390 tỷ đồng, sau đó đội vốn lên gấp hai.
Chiều ngang con đường và bờ kè là 26m. Mỗi bên vỉa hè là 7m có lót đá Granite. Bắt đầu từ con rạch Bình Đức chạy dài theo bờ sông Tiền xuống đụng tới Công Ty Cấp Thoát Nước Tiền Giang thì chấm dứt.
Năm 2017 lại bắt đầu từ vàm sông Bảo Định làm tiếp chạy xuống đụng Cảng Cá Mỹ Tho Tiền Giang. Không biết có phải là tiền lệ của công trình hay không, mà khi làm cầu Rạch Miễu cũng bắt nhốt hết mấy ông, và nguyên một toán thợ lặn ở tuốt trên Biên Hoà xuống vì tội cắt sắt bảo vệ trụ cầu, nhưng rồi cũng êm re chưa có tin toà án, là vụ nầy do ai chủ mưu và kêu án thế nào!.
Tới đường kè bờ sông thì cũng vậy. Thầu nầy bỏ chạy, thầu khác nhào vô. Bao nhiêu thầy chú bị Sở Công An Tiền Giang sờ gáy. Bờ kè làm vừa xong, dân chúng chưa kịp mừng thì hư hỏng, toàn bộ bờ và đường kè đều mặc áo vá hết trơn. Rốt cuộc lại nhà thầu với chánh quyền đều đồng ca bản “chờ nâng cấp”. Thế là xong, người dân phải nai lưng ra làm và đóng thuế.
Trọng yếu của con đường bờ kè làm nên, trước là tạo cảnh quan cho thành phố Mỹ Tho thêm mảng cây xanh, sau nữa là chia bớt số lượng xe cộ đang lưu thông trên đường Lê Thị Hồng Gấm đỡ kẹt, nhưng công trình làm như chó ỉa. Bắt đầu từ chỗ con đường cầu Bắc cũ quẹo ra bờ sông thì hẹp té, xe cộ không thể lưu thông. Còn khi chạy lên đụng tới chân cầu Rạch Miễu lại còn tệ hơn nữa, con đường hẽm nhỏ xíu, ngay như chiếc xe Honda chạy tránh nhau còn khó, thì nói chi tới xe hơi. Tại sao dự án làm đường, làm cầu quan trọng mà họ không chịu khảo sát cho đến nơi đến chốn.
Tôi đã nhiều lần đi trên con đường bờ kè vào mỗi buổi chiều. Ở đây bây giờ không phải là chỗ cho bà con mình đi bộ thư giản tay chưn, cho tinh thần thoải mái. Nó đã trở thành những quán nhậu, làng nhậu khi đêm về, quán café đèn khi mờ khi tỏ. Những cô gái mang giày hiệu Nike, mặc quần short lượng lờ bắt khách công khai, không hề e dè hay sợ sệt. Còn dưới sông thì những chiếc tàu sắt hút cát lậu, bị công an đường sống bắt kéo về neo gần chật lòng sông, làm cho sông Tiền bị nghẹt dòng lưu thông. Nếu tình trạng nầy cứ kéo dài không cải thiện, thì lục bình nó sẽ sanh sôi nẩy nở như trên sông Vàm Cỏ Đông tới chừng đó muốn cứu thì đã trễ.
Từng mẻ than hồng của hằng chục quán nhậu, làng nhậu được đốt lên. Bao nhiêu khói, bao nhiêu mùi khét của vỏ sò, vỏ óc, vỏ ghẹ, vỏ cua, vỏ tôm, vỏ sam. Nó quyện lại thành một mùi khó tả, vừa nồng, vừa khét, vừa khai, dường như có mùi rượu đế, rượu bia phảng phất bay trong gió thoảng.
Bên cạnh đó là tiếng la ó cãi vã ồn ào, vì rượu vào lời ra từ trước tới nay là vậy. Phụ hoạ với tiếng người say, còn có mấy chiếc xe kẹo kéo mở công xuất vang trời. Nhưng họ chỉ cầm cái điện thoại smart phone đi vòng vòng mời khách, hát một bản nhạc thì trả 10 ngàn đồng. Như vậy một bàn nhậu, chỉ cần năm ông thần men, mỗi ông hứng hát chừng hai bản thôi thì cũng bỏ túi 100 ngàn. Một đêm đi đến chừng vài quán nhậu thì đủ sống, cho nên ngày hôm nay thiên hạ chạy đi tìm chỗ đóng thùng loa. Thùng loại xịn từ 10 triệu trở lên, mở lớn công xuất nó vỗ thiếu điều điếc con ráy. Còn dân nghèo chạy gạo chỉ cần đóng chừng 7 triệu là chơi được rồi, nên phong trào kẹo kéo đang lên hương là vậy.
Không biết mấy tỉnh khác thì sao, chớ Tiền Giang hễ chỗ nào phát triển thì sau đó có dịch vụ ăn uống đèn mờ. Như bên đường Hùng Vương hiện nay chẳng hạn, nơi đó là một khu đất vàng, một cái nền nhà có sổ đỏ bề ngang 5m, bề dài 25m bây giờ thì giá từ 5 tỷ rưởi trở lên như chơi. Vậy mà nơi đó toàn là khách sạn, quán Karake, quán Bia loại sang chờ đón khách. Khi đêm về có cả trăm nàng tiên nữ mời mọc khách qua đường, nàng tiên nào cũng chưn dài phơi đủ ba vòng, người nào cho dù khó tánh tới đâu, gặp mấy nàng tiên nầy thì cũng đều OK hết trọi.
Tôi đã từng chứng kiến hai băng đảng giành gái, giành địa bàn hoạt động buôn bán hàng “hít” hiện nay. Từ trên bờ kè chỗ làng nhậu tụi nó chém nhau, một bên yếu thế lên xe tẩu thoát. Phía bên kia tổ chức rượt theo, khi chạy tới chỗ cầu quay bị xe dồn cục. Thế là không còn đường thoát, bị chém không biết mấy dao, máu chảy trên lộ thành một vũng. Khi cảnh sát chạy tới, thì mấy đứa còn chạy nổi, ráng lết và nhà, có đứa nhảy tuốt xuống sông, lặn xuống ôm chưn câu để mong thoát nạn.
Từng vụ án đâm chém như vậy cứ tiếp tục xảy ra, còn con nít vừa nứt mắt ra, thì tụi nó đua đòi xe cộ. Có đứa mua xe về rồi bứt thắng, khi chạy muốn ngừng thì tụi nó cứ rà chưn. Tôi có hỏi một đứa con gái đang ngồi uống nước ngọt với thằng bồ:
– Cái xe như vậy mà cháu dám ngồi sao?
Cô gái nhỏ mìm cười rồi nói:
– Lúc đầu thì cũng sợ, đi quen rồi thì hết sợ, nên “ảnh” thắn chừng một tháng là mòn hết đôi giép hoặc đôi giày, mà đi xe như vậy nó cho mình cảm giác đã lắm bác ơi. Nếu không tin, bác lên ngồi thử một hồi thì biết liền hà…
Còn một vụ nữa ngay chỗ Ngã Tư Quốc Tế, vào khoảng 10 giờ đêm, không ai biết rõ chuyện gì, có hai nhóm hẹn đến đó rồi rút mả tấu ra chém lộn. Tiếng kim khí va chạm vào nhau bật lửa xanh lè, làm cho chòm xóm sợ hết hồn chạy vô nhà lo đóng cửa lại cho chắc ăn. Có một đứa co giò chạy xuống một đoạn đường rồi chạy vô nhà một người nào đó xin lánh nạn.
Tôi đi tập thể dục vào mỗi buổi sáng ở đường bờ kè, điều đau lòng nhứt là nhìn thấy mấy cái băng đá mài của Nhà Băng, của những hãng xưởng họ tặng cho công viên cây xanh đặt ở cặp bờ sông, vừa làm cảnh, vừa cho du khách ngồi nghỉ chưn khi đi bộ, vừa quảng cáo cơ sở dịch vụ của mình, thì bị những bàn tay vô hình nào đó, họ nhẫn tâm đập phá bẻ gảy chưn hết trơn. Thành thử ra bây giờ du khách muốn ngồi, thì phải đứng dựa ghé cái mông đít lên lan can cầu cho đỡ mệt. Chớ còn băng ghế đá đâu còn, tệ nạn nầy đã nằm ngay trước mắt chớ đâu. Vậy mà chánh quyền ở những Phường nầy họ ngó lơ mới lạ…
Không có nơi đâu chặt chém đẹp cho bằng ở tỉnh Tiền Giang. Bình thường thì mấy ông, mấy bà, mấy cô, mấy cậu buôn bán ở mấy chỗ nầy ban ngày trông họ khù khờ ít nói, khi đêm tối đến thì họ lanh như quỷ. Họ chỉ cần đứng đâu đó, thấy người khách nào mỏi giò muốn tìm chỗ ngồi, thì họ tay xách ghế tay bợ cái bàn vuông, chạy ào tới rải ra làm thành một chỗ ngồi cho đôi tình nhân hứng mát. Quá đã, như vậy thì giá cả đâu có nhầm nhò gì, có lẽ nhờ vậy mà mấy người buôn bán ở nơi đây, làm giàu thì khó, chớ còn kiếm sống đắp đổi qua ngày thì quá khỏe…
Chưa hết. Còn hằng chục chiếc tàu đánh cá từ đâu ngoài Bình Định, Nha Trang miền Trung sau mỗi tháng ngoài biển, rồi họ chạy về Cảng Cá Mỹ Tho cân cá cho đầu nậu xong. Họ lại chạy hết ghe cộ lên đây neo đậu. Trên ghe có chiếc nuôi tới 2 – 3 con chó Bẹc giê (Shepherd) giống của Đức cao lớn dềnh dàng. Buồn tình nó ngóng mỏ lên bờ nhìn mấy người đi tập thể dục sủa muốn điếc tai, nhìn bộ vó hung hăng của nó có người sợ hãi muốn té đái trong quần. Một chỗ đi bộ tập thể dục mà bị chó sủa như vậy thì có sung sướng gì mà đi, nên mấy người đi bộ hoặc tập thể dục dưỡng sinh họ bỏ đi qua bên giếng nước.
Nhưng cái đó chỉ là chuyện nhỏ. Con đường bờ kè đã làm hao tốn hằng ngàn tỷ sao không biết giữ gìn, để cho ghe tàu neo đậu làm gì mà không sạt lỡ bờ sông. Hay là chánh quyền đã có ăn nhậu với cái đám ghe nầy, nên họ ngó lơ bây giờ mới xảy ra như vậy.
Mỗi lần nhìn thấy một dãy băng đá bị đập phá tan tành, là lòng tôi tự hỏi: Tay chưn nào lại nỡ đập phá mấy cái băng. Muốn bán buôn cho khách họ ngồi thì chỉ cần ngay thẳng, chớ còn bán họ một lần mai mốt thì họ chạy luôn, cũng không phải là một giải pháp tốt. Nhưng có lẽ người dân ở đây, họ buôn bán chỉ nhắm tới tầm gần chớ không nhấm tới đường xa. Người nào hùng cứ chỗ nào, thì kể như làm chủ luôn chỗ đó, cho nên nếu tính từ dưới chân cầu Rạch Miễu chạy xuống tới chỗ đụng với nhà máy Cấp Nước Mỹ Tho, thì dân có máu mặt ở đây họ đã phân chia ra thành nhiều khu vực.
Chẳng hạn như cặp mé sông thì bán nước giải khát, còn bên trong lề từ chỗ mấy buội tre già của Đài Phát Thanh Tiền Giang chạy xuống tới con đường cầu Bắc cũ chạy ra đường Ấp Bắc thì bán toàn là quán nhậu đặc sản, có chỗ còn trương bảng Làng Nhậu mới vui. Rõ thật cuộc sống bon chen đã làm cho con người phải chạy theo vật chất để kiếm tiền, nên ai nấy bất chấp luật lệ đã đề ra. Một cái xã hội đen, nó mọc lên trong một xã hội có chánh quyền, để từ đó nó đẻ ra những tội phạm trong đêm tối.
Còn ở chỗ Vườn Hoa Lạc Hồng, ngay dưới chân tượng đài Thủ Khoa Huân, hằng đêm có hai đứa con nít đến đây làm xiếc, cho cha má nó bán kẹo kéo và nước ngọt độc quyền. Chiếc xe kẹo kéo mở công xuất hết ga, nên tiếng nhạc phóng ra nghe như xe lửa ngày xưa chạy về tới bến. Mọi người đi đường hiếu kỳ dừng xe lại để coi, thế là ngay chỗ cua quẹo trở thành nút thắt. Một vài tai nạn xảy ra, tuy không chết, nhưng cự cãi đã xảy ra, thế là dùng nắm đấm với nhau để giải quyết mọi việc.
Có lẻ chánh quyền Mỹ Tho đã nhìn thấy điều đó, nên họ can thiệp kiệp thời. Giải tán cái đám kẹo kéo và gánh xiếc ở đây, rồi họ dành riêng ra một khu đất trống nằm đầu trên Vườn Hoa Lạc Hồng, giáp với nhà hàng và Khách Sạn Chương Dương, cho mấy xe bán khô mực nướng và các thứ hầm bà lằn xắn cấu đi vào một chỗ.
Nhà tôi ở gần cái ổ bán đồ ăn tối ở vườn hoa, nên tôi thấy hết mọi chuyện cho dầu có đói bụng cũng không dám ăn, vì họ làm bầy hầy không thể tả. Như có một ông tướng tá thì nhỏ xíu, gương mặt lầm lì, nuôi nào là chim Đại Bàng, chim Cú, chim Bồ Cắt và rất nhiều loại chim khác nữa. Tôi gớm nhứt là mấy bịt sâu, khi tới cử cho chim ăn, ông ta cứ để tay không, rồi thò vô bịt bắt ra từng nhúm.
Mấy con chim có con thì nhốt trong lồng, có con thì chỉ cột chưn, nên thường có một bầy chim sẻ đậu sẵn trên cây, thừa cơ hội nhào xuống kiếm ăn cho dễ. Trong cái đám chim nầy, có một con chìa vôi lửa tiếng hót thiệt hay. Theo như lời ông ta kể, thì đã có người bắn tiếng hỏi mua 7 triệu mà chưa bán. Quả thật trong thú vui của người Việt Nam rất lạ, có người ham mê cây cảnh, có người ham mê đá gà, cờ tướng, chơi chim. Như cái ông nầy tôi đang kể, ông ta có tập một cô gái trạc chừng 17 tuổi, mỗi chiều chạy chiếc Honda ra ngoài Vườn Hoa Lạc Hồng, hai người thi thố tài năng, để con chim đậu lên cánh tay có nịt bao da, rồi hất lên cho con chim bay một vòng tròn, sau đó nó bay về sà xuống đậu. Quả thật đây là một phương pháp tập luyện rất công phu, nếu không kiên nhẫn thì không thể nào làm được.
Có một bữa ông ta đem con đại bàng ra dợt thử, để con chim đậu trên cánh tay có bao da dày, rồi hất con chim bay đi, nó liệng mấy vòng coi thật đẹp rồi xà xuống đậu nại ngay chỗ cũ, lần đó tôi có vỗ tay tán thưởng. Vì loài chim là thú ở trong rừng, trên những cây cao, trên chóp núi, không biết ông ta nuôi nó rồi cho ăn bằng những thứ gì, mà nó lại không thể phản bội ông ta để bay về rừng rậm. Có người coi rồi nói going “chắc là cho nó ăn uống cần sa, hay thuốc lắc, thuốc á phiện gì đó nên nó quên đường về trên núi…”.
Rồi có một ngày ông ta bị tổ trác. Cứ khoảng 4 – 5 giờ chiều thì ông ta đẩy xe thịt lụi nướng ra chỗ Vườn Hoa, trong lúc chờ khách hàng ngừng xe lại mua, thì ông ta lại đem con đại bàng ra biểu diễn. Nhưng lần nầy con đại bàng thật ác, nó bay một vòng rà trên mặt nước sông Tiền, rồi vòng qua tới cồn Tân Long, còn trớn nó vòng lên tuốt trên đầu cồn rồi bay trở về đậu trên nhánh cây điệp (phượng vĩ) cao chót vót không thèm ngó xuống. Thỉnh thoảng nó lại lắc đầu, rồi liếc mắt nhìn xuống nhân gian, coi người chủ đã từng nuôi nó dường như chưa hề quen biết.
Tôi thấy gương mặt ông ta hơi hoảng, nhưng làm tỉnh vốn bởi gương mặt lầm lì. Hết huýt gió, rồi lại móc cây kèn ra thổi ò e ai oán nhưng con đại bàng nó giả điếc làm ngơ, cứ đậu như vậy rồi thỉnh thoảng rỉa lông trông rất là nhàn hạ.
Mặt trời mỗi lúc xuống thấp lần, bóng tối nhá nhem, mấy chiếc xe kia họ đã bắt đèn lên lo mua bán, còn ông ta và đứa con trai chỉ lo dụ đại bàng, chớ còn lòng dạ nào mà lo mua bán. Trong số đám đông đứng coi, có người nói:
– Như vậy thì nó “sây bái bai” với ông nầy rồi, nghe nói con đại bàng nầy thằng chả mua tới 10 triệu bạc lận.
Thình lình con đại bàng ngóng mỏ lên, rồi đảo mắt một vòng, sau đó vỗ cánh bay vô trông đường Huyện Toại đậu tuốt trên đọt cây dầu. Lúc nầy thì nó rút đầu xuống đút mỏ vô trong cánh, dường thể là sắp tới giờ ngủ của “đại bàng”, mặc cho bầu trời sấm chớp bổ giăng, nhưng đại bàng vẫn vô tư với bản năng thiên phú. Bà con chòm xóm khách đi đường mỗi lúc bu lại càng đông, mặt ông ta lo lắng cắt không còn giọt máu.
Ông ta chạy vô nhà lấy ra mấy cục thịt bò tươi rói, không biết có tẩm thứ gì rồi cột vào sợi dây, kiên nhẫn liệng lên cho nó hửi. Mặc dầu cục thịt bò chỉ văng thoáng qua thôi, mỗi lần như vậy thì con đại bàng cất đầu lên dòm dáo dác. Ông ta quăng như vậy chắc cũng tới 20 lần. Con đại bàng chịu thua, chịu không nổi cái mùi thịt bò, với cái mùi gì mà ông ta đã tẩm vào trong đó. Sau vài phút ngó lên trời cao, ngó lên đọt cây dầu tiếc rẻ khoảng trời rộng bao la mà không được ngủ, rồi nó vỗ cánh bay xuống đậu ngay cánh ta của ông ta có mang sẵn bao da. Đó mới là một việc lợi hại của con người, làm cho tôi nhớ tới mấy năm đầu sau ngày 30/04/1975, ông nhà nước xiết bao tử người dân, bỏ đói nên nói cái gì dân chúng cũng nghe không dám cải. Người nào ngoan cố thì chỉ còn có cách vượt biển, vượt biên. Thời đó một ông tổ trưởng dân phố thôi, thì cũng đủ quyền hành làm cho dân khổ…
Con đường bờ kè sông Tiền là một chiến lược cải tạo bộ mắt thành phố Mỹ Tho. Nếu làm đúng, không xén bớt ngân sách công trình thì nó sẽ là một cảnh quang cho thành phố, nhưng liệu rồi đây mấy ông quan đầu tỉnh, họ có biết thương xót người dân. Hay là họ cứ ăn, hễ đổ bể ra thì chỉ cần khắc phục, hoặc sửa sai rồi đâu vào đó, chớ còn bắt nhốt hay đưa ra toà là mấy người lục chốt kò ke. Chớ mấy ông quan đầu tỉnh thì từ trước nay chưa bao giờ bị phạt nặng, cùng lắm là cho hưu non, hạ cánh an toàn.
Tôi đứng phía trên vàm sông Bảo Định, đưa máy lên chụp công trình, nghe người dân đi tập thể dục bàn tán râm ran, là bắt hết mấy ông nhốt rồi. Không biết tới mấy ông sau nầy họ làm việc có ngon hôn, chớ hôm tháng rồi có họp dân, cho biết là công trình sẽ hoàn thành vào tháng 12/2018.
Người dân, người nào nhà nằm ngay trên đường giải toả được đền bù thoả đáng, sau khi nhận tiền xong, họ vui vẻ giao lại mặt bằng, rồi chạy vô trong xã Mỹ Phong mua nền nhà cất ở. Tình cờ tôi có đi vào trong đó thăm một người quen vừa bị xe quẹt chảy máu giò, chớ chưa có gãy. Tới khi bu lại đông gầy độ nhậu, thì ôi thôi vui quá xá, nhứt là có một ông bạn mới quen, hồi trước ở phường 2, vượt biển định cư ở dưới Melbourne. Bây giờ cũng về đó mua đất cất nhà, có kèm theo con vợ nhỏ còn nhỏ xíu. Qua vài quận nhậu. Ông ta hỏi:
– Ông thầy muốn hôn, về đây đi tôi kiếm chỗ cho, bảo đảm gà vườn, không ngon thì em chịu tội. Chớ một lần về là khó, còn việc trốn vợ nó khó gần bằng cái cảnh vượt biên, hễ ông thầy nói chịu chơi một tiếng, là tui Alô em út tới liền, dân chơi, không sợ mưa rơi…
Tôi cũng nhậu ba ngù rồi nói:
– Qua bây giờ hết xí quách rồi chú nó ơi, có thấy thì chỉ để nhìn thôi, tiền bạc làm cực khổ hãy để dành xài vào những cái khác…
Mấy người khác nhoi lên, rồi có thằng Chín khô mực rờ đầu gối tôi nói:
– Chết mẹ, hai đầu gối ông thầy bị rơ rồi mấy ông ơi, lạng quạng chống gậy đi về bên Úc mới là khổ ải…
Từng tràng cười sảng khoái vang lên, không có giọng cười nào vui cho bằng trong bàn nhậu. Từng câu nói tục được phát ra không suy nghĩ, báo hại vợ nhỏ thằng ba Công mỗi lần rội mồi nhậu đều mắc cở đỏ tai. Nhưng mấy ông thần nầy đã nhậu vô sần sần rồi thì có kể gì. Cứ tra, cứ gạn “Ê ba Công. Vợ mầy như vậy thì mầy chạy ghe ra biển làm sao chịu nổi”, “Con bà nó… mầy có mua ống khoá, khóa lại hôn, coi chừng bị đổ lọp ban đêm, thì có ngày mầy khóc hận đó…”
Có thằng khác hớt lời:
– Chịu không nổi thì cũng phải cắn rang, chớ làm tài công mà bỏ ghe cho nhịn đói…
Trên đường Huyện Toại vừa mới cúng heo quay khai trương quán Cà Phê Sách (Books store & Coffee Đại Việt), ngày khai trương sách và cà phê giảm giá 20%. Nhưng coi mòi không khá, vì họ kinh doanh theo kiểu nửa vời, như Cuppuccino thì bán giá $25 ngàn một ly, còn Expresso $20 ngàn một ly nhỏ xíu nên vắng khách, bởi dân café ở đây, quán bình dân có chỗ chỉ $10 ngàn một ly cà phê đá nguyên chất, mấy chỗ sang như Điểm Hẹn hay Tiểu Lan Phố, Domino, River Side và nhiều chỗ khác nữa chỉ có $18 ngàn một ly.
Người ta so sánh giá cả, và cung cách phục vụ nên họ chỉ đến một lần, sau đó quán bắt đầu vắng khách, không biết sau nầy chủ quán có họp ban điều hành lại để chỉnh đốn hay không. Vì cà phê Việt Nam cái mùi phải nồng, và độ thơm, độ béo của nó phải đúng với khẩu vị. Cà phê coi dễ, nhưng là một loại khó kinh doanh, nếu sơ sẩy thì kể như mắc nợ. Có người bưng lên hớp rồi lại kêu trời “Cà phê gì dợt lớt làm sao uống được đây”, chỉ tội nghiệp cho mấy đứa nhỏ chạy bàn, đứng xớ rớ một hồi rồi lãng tránh. Những lời than phiền như vậy, không biết nó có dám nói lại với người chủ hay không, nhưng hôm tôi xách va-ly đi lên phi trường, thì cái quán vắng hoe phen nầy chắc là thua nặng!
Những ngày Holiday đã hết, tôi bay về lại Sydney, mỗi sáng đi tập thể dục với mấy ông bạn già ở xẻo lá phía sau trường học. Một cuộc đi bộ thật là cần thiết cho tuổi già, vậy mà có ông làm biếng chẳng muốn đi, tôi phải điện thoại réo gọi từng người, nhưng rồi thời gian vẫn bào mòn cuộc sống. Hôm nay điểm danh lại thì đã vắng bóng mấy người, có ông thì bị xe tông, có ông thì than mỏi mệt…
Còn về phần tôi cũng đã mệt mỏi rồi, nhưng phải cố lên, dù trời nắng hay trời mưa cũng không được nghỉ. Nhiều lúc thức giấc nữa đêm, chạnh lòng nhìn qua khung cửa sổ, thấy lá cây khô bay rụng xuống mặt đường, bớt chợt có tiếng dơi quạ khọt khẹt trên cây cao, làm cho tôi nhớ tới quê nhà. Một ngôi làng đã sanh ra tôi hết nữa năm là nước mặn, nên cha má tôi phải đào giếng để có nước nấu ăn. Còn bây giờ mấy đứa cháu của tôi, tụi nó đang sống trên nước Úc hiện giờ, đi học thì được cha mẹ chở bằng xe hơi, khi tắm thì nằm trong bồn nước ấm. Một đời sống đầy đủ tiện nghi như vậy, dường như tụi nó sắp quên mất cội nguồn!
Còn tôi thì đêm ngày thương nhớ quê hương, nên hễ để dành được chút đỉnh tiền, là tôi nhớ tới anh em, con cháu của mình còn đang nghèo khó. Nên tôi không thể đi đâu, chỉ quanh quẩn trong tiểu bang mà tôi đang cư ngụ, còn số tiền dành dụm được, tôi gởi về cho mỗi đứa vài trăm. Tuy không thấm vào đâu, nhưng lòng của tôi cũng thanh thản trong những ngày xa quê hương sống trên đất khách. Dù được ăn no, mặc ấm, nhưng tôi vẫn thấy thiếu hình bóng của ngôi đình, của ngôi miếu dòng tộc họ Bùi mới vừa được xây dựng mấy năm, mà tôi chưa được một lần đốt nén nhang khấn nguyện.
.
Phùng Nhân