Đoàn Thanh Liêm


Chuyện Buồn Vui suốt 40 năm của Người Việt Hải Ngoại

Hiện nay (2014) tổng số người Việt sinh sống tại hải ngoại, thì ước lượng có đến 4,5 triệu người. Như vậy, nếu so sánh với dân số trong nước là 90 triệu, thì số người Việt hải ngoại đã chiếm đến tỉ lệ 5% của tổng số dân trong nước. Trong suốt 40 năm qua, từ 1975 đến 2015, khối người Việt hải ngoại chúng ta đã trải qua biết bao nhiêu chuyện vui chuyện buồn trên bước đường di cư tỵ nạn tại khắp các quốc gia và lãnh thổ trên nhiều châu lục của thế giới hiện đại. Bài viết này nhằm ghi lại một số nét chính yếu đáng kể nhất trong cuộc sống của đa số người Việt hải ngoại - trong quá trình hội nhập vào với dòng chính của xã hội đã mở rộng vòng tay đón nhận lớp người Việt chúng ta mới tìm đến nhập cư.

Nói chung, phần đông các gia đình mà đã được định cư nơi những quốc gia dân chủ tiến bộ, thì sau một thời gian họ đã xây dựng được một cuộc sống an lành ổn định – đặc biệt là lớp con, lớp cháu được hưởng thụ một nền giáo dục khoa học kỹ thuật rất là tiến bộ. Nhờ vậy mà các cháu có được công ăn việc làm vững chắc bảo đảm với mức sống tiện nghi thoải mái cả về mặt kinh tế vật chất, cũng như về phương diện văn hóa tinh thần.

Nhưng cũng rất nhiều gia đình đã phải trả một cái giá quá đắt trên bước đường vượt biên, vượt biển – như bị sát hại bởi tay hải tặc, bị cướp bóc hay bị mất tích vì tai nạn ghe thuyền bị chìm đắm với gió bão ngoài biển khơi v.v... Lại còn có những nạn nhân của tệ trạng Buôn Người (Human Trafficking) dưới mọi hình thức tinh vi nham hiểm – như bị các cơ sở dịch vụ mê hoặc quyến rũ đi làm lao động, làm cô dâu ở nước ngoài v.v... Ta sẽ ghi chi tiết về các chuyện vui buồn này như sau đây.

I – Trước hết là những chuyện buồn.

1 / Có bao nhiêu vạn người bị mất tích tại rừng sâu và ngoài biển cả?

Không thể nào có được con số thống kê chính xác về những người bị thiệt mạng trên bước đường vượt biên để đi tìm tự do. Phần đông họ bị mất tích ngoài biển khơi hay nơi rừng hoang vu ở Lào, Cambodia. Cơ quan Phủ Cao Ủy về người Tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc (UNHCR = The Office of the United Nations High Commissioner For the Refugees), thì đưa ra con số ước lượng về số thuyền nhân Việt Nam (boat people) bị mất tích ngoài biển là vào khoảng từ 200.000 đến 400.000. Còn số người đi đường bộ qua ngả Lào và Cambodia, thì không một cơ quan nào mà có thể đưa ra con số ước lượng về số người bị mất tích nơi rừng sâu tại các nước đó cả.

Cũng liên quan đến chuyện vượt biên sau năm 1975, thì phải kể đến những nạn nhân bị lực lượng an ninh bắt giữ, bỏ tù, thậm chí có người còn bị bắn hạ nữa. Số nạn nhân này không phải là ít, lại còn có người liều lĩnh tiếp tục bỏ đi nữa sau khi ra tù; cũng như có người bị bắt đi bắt lại đến dăm bảy lần nữa. Ấy thế mà vẫn còn có những người nhất quyết ra đi, mãi cho đến giữa thập niên 1990 vì lý do các nước bên ngoài không còn tiếp nhận người tỵ nạn nữa, thì các vụ vượt biên bi đát như thế mới chấm dứt được.

2 / Nạn nhân của những vụ buôn người.

Nạn buôn người xuất hiện dưới các hình thức khai thác người đi lao động ở nước ngoài, các phụ nữ bị quyến rũ đi làm “cô dâu” hoặc bị gả bán cho các nhà chứa gái mãi dâm, và tệ hại nhất là vụ buôn bán trẻ con cho các nhà chứa khiến các em trở thành một thứ “nô lệ tình dục” (sex slaves). Trên thế giới, người ta gọi nạn Buôn Người như thế là một thứ “Nô lệ thời đại mới” (modern day slavery).

Báo chí ở trong nước cũng như ở hải ngoại đã thường xuyên tố cáo tệ nạn khai thác người công nhân đi lao động ở nước ngoài, cũng như thảm cảnh của những cô dâu lấy chồng ở Đài Loan, Đại Hàn – và nhất là tình trạng khốn khổ của các trẻ em nhỏ làm nô lệ tình dục ở Cambodia. Và đáng thương nhất là những nạn nhân của sự lừa đảo do bọn bất lương gây ra đối với những người nhẹ dạ mong muốn đi kiếm tiền ở một số quốc gia giàu có ở Âu châu – họ bị bỏ rơi và phải sinh sống bất hợp pháp trong những khu rừng hẻo lánh, mà được báo chí gọi là “người cỏ, người rơm” như được tìm thấy ở các nước như Pháp, Đức v.v...

3 / Tình trạng cư ngụ và làm ăn bất hợp pháp tại một số quốc gia Đông Âu.

Lại có một số người Việt cư ngụ bất hợp pháp hay buôn bán làm ăn lén lút tại những nước cựu cộng sản ở Đông Âu, kể cả ở nước Nga nữa. Họ dễ trở thành con mồi cho giới cảnh sát sở tại hay nhân viên sứ quán Việt Nam khai thác làm tiền để đổi lại cho sự bao che, bỏ qua cho tình trạng bất hợp pháp của họ.

Nói chung, thì chỉ do việc làm ăn bị khó khăn bế tắc ở trong nước, nên những người này mới phải liều mình phiêu lưu tìm đến cư ngụ và làm ăn phi pháp ở xứ người, do đó mà bị khai thác, bị làm khó dễ đủ điều mà kết cục họ luôn luôn phải sinh sống trong nỗi lo sợ hốt hoảng mỗi khi phải đối đầu với nhân viên an ninh công lực địa phương sở tại.

Đó là chưa kể đến những người mắc phải chứng tật ăn cắp hàng hóa trong các siêu thị như báo chí ở Nhật đã phơi bày – khiến tạo ấn tượng xấu xa mất thiện cảm của người bản xứ đối với người Việt. Đó cũng là điều mà bà con gọi là “con sâu làm rầu nồi canh”, “là một mối nhục quốc thể” vậy.

II – Những niềm vui từ những thành quả tích cực.

Tuy vẫn có những nỗi đau đớn buồn tủi như đã ghi ở mục trên, thì so ra niềm vui của khối trên 4 triệu người Việt hải ngoại lại lớn lao, phấn khởi hơn rất nhiều. Ta thử liệt kê những thành quả thật đáng khích lệ đó ngắn gọn như sau.

1 / Trước hết là chuyện “Cả nhà được đi du học”.

Trước năm 1975, tại miền Nam Việt Nam, số gia đình mà có một người con được đi du học ở nước ngoài – do học bổng của chính phủ cung cấp hay do cha mẹ tự túc đài thọ – thì rất là ít, đó chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số sinh viên theo học tại các trường đại học và cao đẳng trong nước. Ấy thế mà sau năm 1975, với cả mấy triệu người di tản được ra nước ngoài, đặc biệt là các gia đình định cư tại các nước Âu Mỹ, thì coi như toàn bộ gia đình đều có điều kiện thuận lợi để được theo học tại các trường đại học có danh tiếng ở ngoại quốc. Mà nhất là giới trẻ thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3 là con, là cháu của người mới nhập cư, thì lại càng dễ dàng tiếp thu được một nền giáo dục khoa học kỹ thuật vào loại tân tiến nhất trên thế giới.

Kết quả là sau 40 năm, chúng ta đã có đến hàng mấy chục vạn sinh viên tốt nghiệp đại học – trong đó phải kể đến hàng vạn kỹ sư, hàng vạn bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, hàng mấy ngàn luật sư, hàng ngàn giáo sư đại học v.v... Danh sách của những chuyên gia có thành tích xuất sắc được thế giới đánh giá cao – và được liệt kê vào loại “nhân vật làm vẻ vang dân Việt” – thì mỗi ngày càng nhiều, càng đáng khích lệ nô nức và đem lại niềm tự hào cho toàn thể dân tộc chúng ta.

Và không ít gia đình có đến 4 - 5 người con đều là bác sĩ, nha sĩ hoặc là chuyên viên cấp cao trong các cơ sở kỹ thuật, doanh nghiệp có tầm vóc quốc tế. Do đó mà có mức sống khá cao với đủ mọi tiện nghi về nhà ở, xe cộ không thua kém gì so với tầng lớp trung lưu trong xã hội Âu Mỹ.

2 / Thành công trong việc hội nhập văn hóa xã hội nơi quốc gia tiếp nhận.

Với trình độ văn hóa kỹ thuật tương đối vững vàng, nên thế hệ lớp con cỡ tuổi 30 - 50 và nhất là lớp cháu cỡ tuổi 20 - 30 đã có thể hội nhập êm thắm vào với dòng chính của xã hội Âu Mỹ. Có thể coi lớp con cháu này gần như hoàn toàn đồng hóa với người bản xứ và cùng sát cánh với họ trong công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước – mà họ đã trở thành người công dân với đầy đủ trách nhiệm và quyền lợi như bất kỳ người bản xứ nào mà cha ông họ đã định cư lập nghiệp từ nhiều thế hệ xưa nơi quốc gia sở tại.

Nhưng cũng có mặt trái của sự hội nhập đồng hóa này, nhất là nơi thế hệ thứ ba gồm lớp cháu được sinh ra ở nước ngoài – ở chỗ các cháu phần đông không nói và đọc thông thạo tiếng Việt cũng như không hiểu biết gì nhiều về lịch sử và văn hóa Việt Nam của cha ông mình. Đó là điều mà nhiều sắc dân nhập cư trước đây cũng đã không thể tránh khỏi – như người Mỹ thường nói đất nước Mỹ như là một “cái lò nung chảy” (a melting pot) có tác dụng làm hòa tan mọi khác biệt trong sắc thái của những lớp người đến ngụ cư từ nhiều quốc gia với nền văn hóa khác nhau.

Trước mối nguy cơ của thế hệ con cháu “bị mất gốc” như thế, nhiều hội đoàn, hiệp hội và nhất là các nhà thờ, nhà chùa đã tìm cách mở những lớp dậy tiếng Việt, dậy lịch sử thường xuyên vào các ngày cuối tuần cho các em nhỏ. Ngoài ra lại còn tổ chức những sinh họat tập thể với nhiều mục vui chơi giải trí và thi đua học hỏi về nguồn gốc dân tộc, về truyền thống văn hóa Việt Nam cho giới trẻ trong các dịp cắm trại mùa hè, các ngày Lễ, Tết cổ truyền như Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán, Lễ Kỷ niệm Hai Bà Trưng v.v… Có một số nơi lại còn tranh đấu để cho môn Việt ngữ và văn hóa Việt Nam được chính thức đưa vào dậy trong các trường Trung học và Đại học nữa.

3 / Sự đóng góp của người Việt vào công trình phát triển Thung lũng Điện tử Silicon Valley.

Đây là một trường hợp điển hình về sự đóng góp của người di dân Việt Nam vào công cuộc xây dựng và phát triển của Kinh đô Điện tử Thế giới mà thường được gọi là Silicon Valley ở xung quanh thành phố San Jose là khu vực hiện có đến trên 100,000 người Việt định cư kể từ sau năm 1975.

Như ta đã biết khu vực phía nam Vùng Vịnh (Bay Area) gồm thành phố San Jose và phụ cận khởi sự từ trên 30 năm nay đã phát triển rất nhanh nhờ vào công việc chế biến các dụng cụ điện tử là lãnh vực mũi nhọn hàng đầu của thế giới. Thoạt tiên đó là nhờ những phát kiến và sáng chế phát sinh từ Viện Nghiên Cứu của Đại Học Stanford (SRI = Stanford Research Institute), mà vùng San Jose đã có điều kiện xây dựng thành bao nhiêu nhà máy chế biến những dụng cụ điện tử (manufacture) để cung ứng cho toàn thế giới. Và hiện nay hàng ngàn những công ty hàng đầu thế giới về lãnh vực công nghệ cao cấp (high technology) như Apple, Cisco, Intel, Google, Hewlet-Packard, Yahoo v.v… đều đặt trụ sở đầu não ở đây.

Và thật là “đúng chỗ, đúng lúc” (right place, right time) cho lớp người Việt tỵ nạn chúng ta mới chân ướt chân ráo đến định cư tại vùng San Jose này vào cuối thập niên 1970 qua 1980. Cả một gia đình gồm vợ và chồng đều được tuyển dụng dễ dàng vào làm cho các hãng xưởng điện tử vừa bắt đầu được mở rộng ra trong khu vực: người chồng thì làm chuyên viên phụ trách điều khiển máy móc chế biến linh kiện điện tử (technician), còn người vợ thì làm trong khâu lắp ráp các linh kiện điện tử đó (assembly). Vì thế mà mới có câu thật ngộ nghĩnh trong tiếng Việt để mô tả sinh hoạt của hai vợ chồng trong một gia đình mà cùng làm việc tại Silicon Valley như sau đây: “Chồng Tách, Vợ Ly”.

Và nhờ còn chịu khó làm thêm cả các giờ phụ trội nữa (over time), nên gia đình người Việt nào cũng có thu nhập rất cao – và còn rủ thêm nhiều bà con đồng hương khác cùng quy tụ tại khu vực này. Do vậy mà hiện nay riêng tại thành phố San Jose với dân số lên tới trên 1 triệu người, thì số người Việt đã lên tới trên 100,000 người tức là chiếm tới tỷ lệ 10% là một tỷ lệ cao nhất so với các sắc dân thiểu số khác vậy.

Một kỹ sư người Việt đã làm việc lâu năm tại đây, thì cho biết là phần đóng góp của khối người Việt trong công trình phát triển Silicon Valley thật là lớn lao đồ sộ. Vì thế mà cần phải có một cuộc sưu tầm nghiên cứu về đề tài này – cụ thể như là trong một luận án của một sinh viên chuẩn bị thi lấy bằng Tiến sĩ (PhD thesis) mà đòi hỏi những cuộc điều tra, thống kê, phỏng vấn, phân tích dữ liệu tại các hãng xưởng đã từng thu nhận giới chuyên viên người Việt có trình độ tay nghề cao (skilled labor) – hầu có thể mô tả chi tiết chính xác về sự đóng góp có tầm vóc quy mô lớn lao như thế của người Việt chúng ta trong suốt trên 30 năm tại vùng Bay Area này vậy.

III – Để tóm lược lại.

Cuộc sống của bất kỳ cá nhân hay tập thể nào trên dương thế này thì đều có vui, có buồn lẫn lộn. Đó là một định mệnh, một cái nghiệp chẳng một ai, chẳng một dân tộc nào mà tránh thoát cho hết được.

Trong bài viết ngắn ngủi này, tôi chỉ mô tả sơ lược qua mấy nét chính yếu về những chuyện Buồn Vui của khối trên 4,5 triệu người Việt hiện định cư sinh sống ở hải ngoại mà đã khởi sự từ 40 năm qua. Nói chung, thì trong cái rủi – (vì bị chế độ độc tài đảng trị chèn ép đến nỗi phải liều mình rũ áo ra đi) – lại cũng có cái may – (đó là có cơ hội gặt hái được nhiều thành công rạng rỡ ở xứ người). Hậu quả lâu dài của việc di cư tỵ nạn ở nước ngoài tính từ năm 1975 tới nay, thì vào thời điểm năm 2014 này, chúng ta đã có thể tạm thời ghi nhận được trong mấy nét chính yếu sau đây :

 A - Thứ nhất, về phương diện bản thân của mỗi gia đình đã định cư vững chắc được ở những quốc gia văn minh tiến bộ, thì đó quả là một sự thành công lớn lao đáng kể – đặc biệt là cho lớp con lớp cháu đã hội nhập êm thắm vào với xã hội sở tại mà họ đã trở thành người công dân hợp pháp – với đầy đủ sự bảo đảm về quyền lợi và nghĩa vụ như bất cứ một thành viên nào thuộc dòng chính trong quê hương đất nước tiến bộ đó.

B - Thứ hai, đối với tập thể 90 triệu đồng bào ruột thịt mà hiện vẫn sinh sống trên quê hương đất nước Việt Nam thân yêu, thì khối 4,5 triệu người Việt hải ngoại có thể đóng một vai trò rất quan trọng – đó là làm chiếc cầu liên lạc nối liền Việt Nam với thế giới văn minh tiến bộ ở bên ngoài. Vai trò này cực kỳ quan trọng, đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay vào thế kỷ XXI với triển vọng của một thế giới thịnh vượng sung túc hơn và hòa bình dân chủ hơn.

Và thông qua những thành đạt trong suốt 40 năm của người Việt hải ngoại, chúng ta có quyền tin tưởng rằng dân tộc chúng ta đang có những bước tiến vững chắc trong công cuộc xây dựng một nước Việt Nam tiến bộ, có khả năng hòa nhập được với một thế giới càng ngày càng nhân bản hơn, nhân ái hơn – trong đó phẩm giá và nhân quyền của bất kỳ con người nào cũng được bảo vệ và tôn trọng đúng mức vậy.

 

San Clemente, California, Tháng Mười 2014
Đoàn Thanh Liêm

 


Cái Đình - 2014