Phan Văn Song
Chúng Ta Là Charlie: Cuộc chiến Khủng Bố Tây Phương? Hay Thánh Chiến Djihad trả thù?
Nguồn Gốc do Thập Tự Chinh I, do Giải Phóng Jêrusalem (1099)?
Đôi lời chia sẻ đầu năm:
Đầu năm đáng lý phải viết một bài lạc quan đầy hứng khởi mừng Xuân mới hầu quý vị độc giả và bạn bè. Đằng nầy chúng tôi lại phải viết một bài viết đầy thời sự tánh và trong một bối cảnh rất đặc biệt. Nước Pháp và cũng có thể thế giới, kể từ ngày 7 tháng giêng năm nay phải bước vào một thời kỳ mới, một vận hội mới. Từ nay thế giới sẽ chia ra thành hai thế giới Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo. Thế nhưng lằn ranh không rõ ràng, phải có một bức màn sắt, hay một vĩ tuyến, một bức tường như thời chiến tranh lạnh Quốc Cộng. Dĩ nhiên khi có chiến tranh thì nạn nhơn sẽ có ở cả nơi hai khối. Nhưng với loại chiến tranh nầy biên giới lằn ranh thuộc loại tâm linh, trừu tượng, từ triết lý có thể biến thành mê tín, quá khích, có khi cuồng tín, đi đến tử vì Đạo. Cả hai tôn giáo đều hứa hẹn Thiên Đường cho các Tử Đạo và còn phong Thánh, kẻ sống cạnh Chúa, người được sung túc no lưng ấm cật 72 trinh nữ hầu hạ, mật ngọt, nước trong.
(Đúng là diễn tả hai giấc mơ của hai xã hội giàu nghèo: Bên anh Thiên Chúa giàu có no đủ ở dương gian, nhưng làm việc bá thở, nên khi chết mong ngồi bên Chúa hưởng hơi Chúa sống phè, ăn uống sao cũng được, còn nếu gặp lại người tình cũ cũng chả sao, sách Thánh còn tả Eden Thiên Đàng sống ở truồng không biết thẹn. Còn bên anh Hồi Giáo, sống ở sa mạc khô cằn thiếu nước ăn cực, nên mơ khi chết, có nước trong, có mật ngọt, ngồi phè cánh nhạn để cho 72 cô hầu như phải nguyên si cáu cạnh thực sự đồ mới!Tại sao 72? Có phải mỗi cô gặp 5 lần một năm – năm 360 ngày theo lịch mặt trăng Hồi Giáo? Nhưng còn 5 ngày lẻ và năm nhuận? Nhưng cũng chả sao, vì chỉ là lời hứa, chỉ có hiệu lực với người cả tin.)
Từ nay, những khủng hoảng kinh tế, tài chánh, kể cả chánh trị chỉ phải là những mối lo âu hạng thứ, mối lo âu hàng đầu của thế giới sẽ phải là vấn đề an ninh. Phải! Thế giới phải leo thang, phải nhìn nhận là đang đi vào một thời kỳ chiến tranh toàn diện với khủng bố – để không phải nói hay không dám nói đến chống Hồi Giáo Quá Khích (thoạt đầu) hay cả Hồi Giáo như xưa! Phải! Đây là một cuộc chiến tranh mới toàn diện cho cả thế giới, một cuộc chiến tranh chập chững – une guerre assymétrique. Assymétrique, như một người đi cà thọt, gập ghềnh, bên nhiều, bên ít, bên cao bên thấp. Những ai đã từng xem những loại phim chống khủng bố thường quen với những hình cảnh nầy. Nhưng hai ngày qua, những hoạt cảnh tưởng như ciné nầy là cảnh thật, những cảnh sát đặc nhiệm mặc quần áo đen, súng ống đầy mình như trong ciné là thiệt, và các tên khủng bố cũng không kém, cũng quần áo đen, cũng áo giáp, nhưng với khẩu AK đáng ghét, và cũng lựu đạn, và có cả ống phóng lựu giết người ghê rợn B40 – rất đáng ghét cúa người Việt quốc gia ta nữa – cũng thiệt luôn. Đây là một cuộc chiến không luật lệ, không không gian, không ranh giới – với những hình ảnh, với không khí chiến tranh khủng bố giữa thành phố rất quen thuộc với người Việt quốc gia tỵ nạn hải ngoại chúng ta!
(Hình quay trên lầu thượng tòa nhà tờ báo Charlie Hebdo khác chi ngày xưa núp sau cánh cửa nhìn quân Việt Cộng tàn phá thành phố!)
Lúc trước năm 1975, tại quê nhà, chúng ta, người công dân Việt Nam Cộng Hòa đã gặp phải và sống cuộc chiến như thế nầy, và kết quả ra sao chúng ta đã thấy rõ, khi chúng ta không cương quyết, không quan tâm, không đặt rõ vấn đề để giải quyết. Quân khủng bố chỉ cần một hai tên có thể làm thiệt hại phía công quyền. Chui vào thành phố bắn phá, tung lựu đạn, bắt dân lành làm con tin. Lỗi ấy do chánh sách và thái độ cùng tâm lý người Mỹ, nhưng có phần nào ở người Việt chúng ta nữa. Nói không phải để chỉ trích nhưng nói để sửa, xem như một bài học.
Khủng bố là nghề của Việt Cộng ngày xưa ở Việt Nam, nay là nghề của quân khủng bố Hồi giáo. Tối hôm qua, chúng tôi nói với một người bạn Pháp rằng: “Tên khủng bố ở cửa ô Vincennes còn quá nhơn đạo, hắn có thế, đáng lý bắn nhau chống cảnh sát khi cảnh sát nhập vào, thì núp sau các con tin, và bắn vào con tin (Việt Cộng ở Việt Nam tụi tao lúc xưa làm như vậy!). Vì khi bắn vào các con tin, và lấy con tin làm bia đỡ đạn, thế nào cảnh sát cũng lùi bước, tên khủng bố nầy còn quá tài tử, phải học nghề bọn Việt Cộng tụi tao, khủng bố nghề hơn mấy thằng a ma tơ nầy! Việt Cộng ở Việt Nam tụi tao, khi rút khỏi Huế đem theo 5 ngàn con tin để quân đồng minh Mỹ-Việt tụi tao không dám rượt theo truy nã. Cuối cùng Việt Cộng khi thoát được, giết tất cả 5 ngàn con tin diệt khẩu trừ hậu hoạn. Tụi báo chí da trắng tụi bây, báo chí gọi là “của xứ Tự do” la ầm mạ lỵ một ông Tướng cảnh sát tụi tao khi ông bắn xử tên Việt Cộng ngay tại chiến trường, vì tên khủng bổ đã giết hại mấy gia đình thường dân vô tội chỉ vì họ là con cái thân nhơn của quân nhơn Việt Nam Cộng hòa ngụ trong một trại gia binh. Ông bắn là để chận không để bọn khủng bố sát hại nữa, ông bắn để làm gương “Œil pour œil, dent pour dent” mà như trong Cựu Ước đã dạy. Thế nhưng tụi bây không hiểu, tụi bây chẳng những “không mạ lỵ tên khủng bố đã bắn người vô tội, tụi bây không mạ lỵ Võ Nguyên Giáp hay Hồ Chí Minh là những người ra lệnh giết 5 ngàn thường dân vô tội ở Huế!” Tụi bây lại đi mạ lỵ ông cảnh sát trưởng làm nhiệm vụ, tại chiến trường! Ngày hôm nay thế giới tụi bây mở mắt ra hiểu thế nào là khủng bố! Bom, lựu đạn, ngay cả máy bay đâm vào Trade Center cũng không khủng khiếp, dữ tợn, ấn tượng bằnh hình ảnh tay khủng bố lạnh lùng bắn vào đầu anh cảnh sát. (Tên khủng bố tên Saïd, anh cảnh sát tên Admed, hai người đều gốc Ả rập, An-giê-riêng, hồi giáo – cả một biểu tượng. Tay khủng bố da đen bắn giết cô cảnh sát cũng gốc da đen). Đánh bom, quăng lựu đạn, cử chỉ lạnh lùng, vô danh, còn bắn vào đầu sau khi đã nói chuyện đã nhìn vào mắt nhau, thật là hết tình hết nghĩa…”.
Người Việt Nam Hải ngoại tỵ nạn chúng ta, nếu có thể nên đi gặp bạn bè người bản xứ để chia sẻ kinh nghiệm nạn nhơn khủng bố, sống với khủng bố và chống khủng bố. Đây là một dịp để đả thông tư tưởng về cuộc chiến chống khủng bố Cộng sản năm xưa của toàn dân Việt Nam Cộng Hòa và cho biết bọn cầm quyền ở Việt Nam Cộng sản ngày nay là cũng con đẻ của khủng bố.
Kể từ nay, thôi hết rồi những thời kỳ vàng son, đi du lịch lung tung thoải mái. Một ba-lô đeo lưng, lang bạt la cà nơi xứ người, du lịch viếng những vùng xa lạ là những tập tục của tuổi trẻ của vợ chồng chúng tôi, con cái chúng tôi và tụi trẻ phương tây: từ đường lụa, sa mạc Bắc Phi, Phi châu đen đến các lầu đài đô thị các nước tiến tiến Âu Mỹ… Truyền thống du lịch của gia đình chúng tôi là không đi du lịch với những tổ chức, chúng tôi không thích đi cruise, không thích đi những du lịch tổ chức, băng đoàn, hội họp... Đi hai gia đình đã là quá đông rồi, huống chi là đi bầy. Chúng tôi thích tự mình tổ chức, nghiên cứu, tự vẽ những con đường ăn uống với người bản xứ, tự tìm nhưng nơi ít người du lịch để đi ngắm cảnh tìm tỏi học hỏi. Hai vợ chồng đã tập tành các con du lịch tự túc. Âu Châu chúng tôi thường dùng xe nhà tự lái. Sau nầy các con dùng phương tiện công cộng. Sống với người dân, tìm hiểu phong tục người dân xứ người là cách du lịch lý tưởng đối với chúng tôi.
Nhưng kể từ nay không còn nữa, nền an ninh trên thế giới nay đã mất. Năm qua hai cháu, thằng em đi chơi Mông Cổ (qua Mông Cổ cùng một người bạn, một đứa một con ngựa và một ngựa thồ đi chơi trên đồi cỏ – steppes), du lịch chụp hình quê hương Gengis Khan, thằng anh cũng dong ruổi cùng thằng bạn, đi thăm Oubêkistan quê hương Tamerlan. Hai vợ chồng cha mẹ lần đầu biết lo lắng. Đây là lần đầu tiên chúng tôi mất lòng tin vào con người. Dĩ nhiên vấn đề Hồi giáo và khủng bố Hồi giáo cũng đã có từ cả hơn chục năm nay rồi. Nhưng chúng tôi vẫn nghĩ đấy là vấn đề của dân phương Tây, kỳ thị giữa nhóm người bị trị da mầu và người da trắng hậu duệ đại diện của tư bản bóc lột đế quốc hay thuộc địa, hay chuyện tranh chấp Do thái giáo và Hồi giáo. Nhưng nay có thể có những lẽ khác rồi… Nhưng tại sao?
Tranh chấp đấu tranh giải phóng đất nước giữa người dân nô lệ và ngoại nhơn điền chủ thuộc địa, hay đấu tranh giai cấp giữa chủ nhơn ông tư bản chủ nghĩa và giới công nhơn, hay đấu tranh tôn giáo và văn hóa tôn giáo giữa những xứ nghèo lạc hậu tối tăm với một xã hội tổ chức còn thời trung cổ sơ khai với một tôn giáo và văn hóa dựa trên một nền tảng tôn giáo của các nước tiên tiến khai phóng đầy ánh sáng khoa học, kỹ thuật hàng đầu, công bằng cởi mở và đặc biệt xem trọng quyền phụ nữ, nhưng vì quá tôn trọng các quyền tự do, kể cả quyền tư do tranh cãi chỉ trích mỉa mai chế nhạo. Có thể là cộng chung họp lại tất cả những lý lẽ ấy! Vì…
Cuối tuần nay, sau khi số báo lịch sử với 5 triệu ấn bản “Charlie Hebdo của những người sống sót” ra đời bán sạch, thi một hiện tượng mới bắt đầu. Dân chúng nhiều quốc gia có đa số dân Hồi Giáo trên thế giới xuống đường biểu tình đốt cờ Pháp, phản đối Pháp “cho phép xuất bản tờ báo chế nhạo với hình vẽ Tiên tri Mahomet”. Mà hình vẽ gì mà ghê gớm vậy? Hình chỉ vẽ Tiên tri đang khóc và tha tội cho mọi người. Nhưng dân Hồi nhứt định chống vì dám vẽ hình Mahomet? Mà kinh Coran có cấm vẽ hình đâu? Coran chỉ cấm thờ những ngẫu tượng, những hình tượng – les idoles, những hình vẽ, hay những tượng hình có tánh cách thờ phượng (Cơ đốc – Đạo Tin lành cũng vậy. Cũng như Hồi Giáo, người Tin lành Giáo chỉ viết những câu của thánh kinh trên tường các nhà thờ để kính – không phải thờ – Sola Scripta). Nhưng hoàn toàn không đúng, vì người ta tìm thấy một bức tranh tên “Phép mầu nhiệm của bầy ong – Le Miracle des abeilles”, trình bày Ali người con rể và Tiên tri đang thuyết pháp (Constantinople, vào những năm 1594-1595, tranh do ông sultan Mourad đệ tam sở hữu). Tại Viện Bảo tàng Edinburgh Tô Cách Lan, cũng có một cuốn sách viết bằng tay, do nhà sử học Al-Biruni viết và họa kể những chuyện trong thời kỳ khai đạo Hồi, các đấng tiên tri cùng Tiên tri Mahomet được họa, những chân dung các vị ấy, có đầy trên những tài liệu. Ngày nay, nhóm sunni wahhabi, từ thế kỷ thứ 18 đã gom tất cả các hệ phái suy nghĩ về một mối và tạo thành một nhóm sunni độc tôn, độc quyền cấm tất cả. Đã đến lúc các nhà trí thức và hiểu biết Hồi Giáo phải lên tiếng không thì các tăng lữ, các độc tài sẽ dùng Tôn giáo dùng thuyết ngu dân để cai trị dân. Giấc mơ nhuộm thế giới trong một mầu xanh, hay đen của một Hồi giáo quá khích ngu dân, cũng như những đầu thế kỷ 20 đã có những người muốn nhuộm đỏ cả hoàn cầu.
Và Hãy Coi Chừng: từ tuần nay trở đi, cuộc chiến chống quân Khủng bố Hồi giáo Quá khích có thể biến thành cuộc chiến Tôn Giáo Những lằn ranh đang được sáp nhập với những biên giới địa dư.
***
Thánh Chiến hay Trả Thù Đế Quốc?
1095-1096: Đáp lời gọi của Giáo Hoàng Urbain II, hàng chục ngàn người, hàng trăm vạn người tiến về hướng Đông, vượt vào đất vùng Tiểu Á để giành lại những đất Thánh vùng Palestine đã mất trong tay người Hồi Giáo. Đó là cuộc viễn chinh lần thứ nhứt của Thập Tự Quân. Một cuộc hành trình ngoạn mục nhờ sức mạnh của Lòng Tin.
Năm 2001, sự kiện Nhà Cao Ốc Đôi Thương mại (Twin Tower) ở New York bị đánh sập ngày 11 tháng 9, mở màn cuộc Thánh Chiến Djihad của quân dân Hồi giáo quá khích chống Thế Giới Cơ Đốc Giáo. Trước đó, dĩ nhiên đã có những va chạm lớn truyền thống giữa hai thế giới văn hóa tôn giáo Hồi Giáo và Cơ Đốc Giáo rồi. Do hoàn cảnh lịch sử, sự đụng chạm lớn giữa hai khối Cơ Đốc Giáo và Hồi Giáo đã khởi đầu ngay 4 thế kỷ sau khi Hồi giáo ra đời.
Thế kỷ XI, Thập Tự Quân Âu Châu Tây phương tổ chức một cuộc Viễn Chinh Đông tiến, viện cớ để giải phóng Jêruralem và ngôi mộ của Jêsus.
Vài thế kỷ sau đó, lại đến tranh chấp ảnh hưởng và đất đai giữa hai đại đế quốc Hung-Áo và Ottoman-Thổ Nhĩ Kỳ, vào những thế kỷ 18/19.
Và cuối cùng, khủng hoảng trầm trọng hơn, nặng tánh kỳ thị chủng tộc hơn, khi phe đồng minh thắng trận Thế chiến 2 và quân Nazi, Anh Mỹ và Tây Âu giải quyết vấn đề Do Thái bằng sự thành lập quốc gia Israël trên đất Palestine (thuộc địa Anh) mà không hỏi ý kiến ngưới bản xứ (số đông Hồi Giáo).
Cuộc xung đột giữa dân Palestine - khối Ả Rập Hồi Giáo với dân Israël Do Thái bắt đầu, dai dẳng từ năm 1948 đến nay chẳng những chưa thấy tương lai chấm dứt. Trái lại nó đang biến thành thành Thánh Chiến với người Hồi Giáo và dân Palestine, và cũng biến thành Thánh Chiến của dân tộc Do Thái Giáo và cuộc chiến sống còn của đất nước Israël.
Ngày hôm nay, đầu năm 2015, mọi tiền tuyến ranh giới đều bị xáo trộn. Thánh Chiến biến thành khủng bố quá khích Hồi Giáo đến tận Sydney, xứ Úc Châu hiền hòa. Thánh chiến cũng chuyển sang Thánh chiến giữa các hệ phái Hồi giáo. Người dân Thiên Chúa Giáo biến thành nạn nhơn, người dân Do Thái Giáo biến thành nạn nhơn, người dân Hồi Giáo cũng biến thành nạn nhơn.
Hôm nay, trong những ngày đầu năm 2015, kính mời quý vị đi trở về nguồn gốc của cuộc chiến tranh dai dẳng, giằng co lớn nhứt của nhơn loại giữa ba Tôn giáo sanh cùng một nguồn, phát từ một gốc, cùng sanh trưởng và lớn ở cùng một vùng Trung Đông và cùng thờ Một Vị Thần cùng gốc gác: Do Thái, Hồi Giáo và Cơ Đốc Giáo. Phát xuất cùng một Ông Tổ Abraham, phát xuất cùng vùng đất Palestine, và có các ông thánh cùng tên từ Jêsus được xem như tiên tri với Do Thái Giáo và Hồi Giáo hay như sứ giả Gabriel chẳng hạn.
Hình ảnh trên một thửa đất nhỏ, dưới cùng hang đá mộ Jêsus – đất thánh của Cơ Đốc Giáo, nằm cạnh bức tường xưa cổ của thành phố Jêruralem xưa – đất thánh của dân Do Thái, nằm dưới chơn ngọn đồi đang chứa Nhà thờ Nóc Vàng Hồi giáo – đất Thánh Hồi Giáo, là biểu tượng của một hợp nguyên, nhưng của biểu tượng của chia rẽ hận thù.
Bối Cảnh Lịch sử, Địa lý, Xã hội:
Bắt đầu từ thế kỷ thứ IX, hậu duệ của đế quốc Cơ đốc miền Đông do Hoàng đế La mã Constantin thành lập, Đế quốc Byzance (tên cũ của thành phố Constantinople – Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) thoạt nhìn như đã đạt đến cái tuyệt đỉnh về mặt chánh trị rồi, nhưng sự thực là rất yếu kém. Byzance nếu còn giữ được những ảnh hưởng lớn, chẳng qua nhờ những nhà thờ đang trên đà bành trướng với các giáo sĩ truyền giáo và các thương gia không ngớt hoạt động và tạo ảnh hưởng với những dân tộc của những vùng gốc slaves (nguồn gốc của Cơ Đốc Chánh Thống Giáo và chữ viết cyrillique Nga ngữ ngày nay). Về mặt chánh trị, trái lại Byzance đang có nhiều rạn nứt. Phía Hồi giáo cũng vậy, từng loạt các califat (đơn vị tương đương một quốc gia, một xứ, một vương quốc do một vị calif đứng đầu) cũng đang bị khủng hoảng. Tại Tây Ban Nha, Califat Cordoue (70% đất Tây Ban Nha ngày nay) đang bị chia thành 23 xứ từ năm 1031. Còn Califat Bagdad cũng bị chia thành các tiểu vương émirats (do một émir cầm quyền) độc lập và đang tranh chấp, gây chiến với nhau.
Trái lại ở Âu Tây, phát triển đang trên đà trở lại. Dân số tăng dần. Thương mại khá giả. Đây là giờ phút phải phục hận (đối với bành trướng Hồi Giáo). Về mặt giao thương hàng hải, Venise, Gênes và Pise (Ý Đại Lợi) đang biến thành những trung tâm thương mại lớn. Giáo Hội Thiên Chúa Giáo La Mã đang thời kỳ chỉnh đốn với những cải cách canh tân của Giáo Hoàng Grégoire VII. Ngài đang chỉnh đốn Lành Mạnh Hóa, Đạo Đức Hóa Giáo Hội: các linh mục từ nay không được lấy vợ và lập gia đình, chống việc mua bán các chức vụ quan trọng của tổ chức Giáo Hội như: trưởng tràng, trưởng hạt, trưởng một Nhà Thờ…. Năm 1070, Giáo Hoàng Grégoire VII tố cáo Nhà Vua Pháp Philippe Đệ Nhứt về tội mua quan bán chức Giáo Hội Cơ Đốc của Pháp trong Triều đình của Pháp (la simonie). Giáo Hoàng dùng một vũ khí rất lợi hại: ngài “rút phép thông công” excommunion – chết đi thẳng xuống Địa Ngục. Giáo Hoàng cũng buộc các Hiệp Sĩ từ nay cũng phải có đạo đức trong chiến tranh. Không được gây chiến vì tư lợi. Ngài tạo ra hai trường hợp, để chận đứng những cuộc giết chóc: một là Hòa Bình của Thiên Chúa (La Paix de Dieu) để bảo vệ những người không thể kháng cự (phụ nữ, trẻ em, giáo sĩ…), và hai, là Ngưng Chiến của Thiên Chúa (La Trêve de Dieu) – cấm giao chiến trong những dịp lễ đạo, như Mùa Chay (Carême) 40 ngày trước Phục Sanh, hay Mùa Vọng, 4 tuần lễ trước Giáng Sanh và từ chiều ngày thứ tư đến sáng thứ hai. Công đồng (Concile) Narbonne năm 1054 đi xa hơn nữa, chỉ cho phép những giao chiến vì tư lợi 90 ngày một năm vì: “Người của Thiên Chúa không giết người của Thiên Chúa vì như vậy khi đã làm đổ máu con cái Chúa là đổ máu Chúa”. Phong trào nầy được các Giáo Sĩ dòng Cluny ủng hộ và truyền bá.
La Reconquista: Tái Chiếm Phục Quốc:
Tại Tây Ban Nha, một cuộc chiến tái chinh phục lại (những vùng do Hồi giáo chiếm giữ) đã bắt đầu từ cuối thế kỷ thứ X bởi các tiểu quốc Cơ Đốc Giáo miền Bắc. Những cuộc giao chiến đều được cả hai phe (Cơ Đốc Giáo và Hồi Giáo) xem như là những thánh chiến. Các Giáo Sĩ dòng Cluny, có mặt tại Tây Ban Nha khuyến khích các Hiệp Sĩ Âu Tây qua Tây Ban Nha, đấu tranh chiến đấu, để tái chiếm lại vừa những đất đai, vừa tái lập những danh dự của họ bằng giao chiến với kẻ ngoại đạo (Thiên Chúa) – infidèles. Các Hiệp Sĩ các xứ Bourgogne, Gascogne, Normandie của Pháp, hay Ý Đại Lợi, hay của Đức… bị cấm đoán bởi các luật lệ gò bó của Giáo Hội Cơ Đốc ở quê hương mình, nay có dịp nhào qua Tây Ban Nha để giết giặc ngoại đạo, kéo theo những người nghèo khổ “theo đóm ăn tàn” di cư – đi theo để chiếm đất trồng trọt canh tác đất đai mới. Công cuộc tái chiếm đi dần dần từng đợt. Năm 1085 thành phố Tolède được giải phóng. Thành phố Valence được chiếm lại năm 1094 do tài nghệ của một Hiệp Sĩ người Tây Ban Nha, Rodrigo Diaz de Viva được biết dưới tên El Cid. (Năm 1961, phim El Cid do đạo diễn Anthony Man với tài tử gạo cội Huê kỳ Charlton Heston trong vai El Cid và người đẹp Ý Sophia Loren trong vai người tình.Và anh em dân trường Pháp chắc không quên bài thơ của vở kịch “Oh rage, oh désespoir, oh vieillesse ennemie… – Ôi đau khổ, ôi uất hận, ôi tuổi già khốn nạn… của vở kịch Le Cid của tác giả Corneille (thế kỷ thứ 17). Và chắc cũng không quên câu hỏi “Rodrigue as-tu du cœur? – Nầy Rodrigue, con có cái tâm – (tâm là tim là con cơ) không? Câu trả lời được nhại chơi chữ thành câu “Non je n’ai que du trèfle, et si tu me piques, je t’étends sur le carreau – không tôi chỉ có chuồn nhưng nếu anh đâm (động từ piquer là chích là đâm là con bích) tôi sẽ cho anh đo ván carreau là gạch lót nhà (carreau là con rô của lá bài)” – đúng là cơ, rô, chuồn, bích của bộ bài).
Những cuộc hành hương:
Thời điểm ấy, có tục lệ đi hành hương. Đàn ông, đàn bà, cả con trẻ đều thích đi hành hương. Thành phố Saint Jacques de Compostelle, Galicia, Tây Ban Nha là một trong những mục đích chánh. (Ngày nay vẫn còn thạnh hành). Và vài thành phố thánh địa Jêrusalem, đất nước Palestine, ngày nay thuộc Israël, Do Thái. Mặc dù là thánh địa Jêrusalem, thánh địa của Cơ Đốc Giáo, vì nơi ấy có mộ phần Jésus, nhưng nơi ấy đã bị chiếm bởi quân Hồi Giáo từ năm 638 rồi. Tuy nhiên thành phố ấy vẫn được các cơ chế (Hồi Giáo) cầm quyền dễ dãi mở cửa cho dân Cơ Đốc Giáo đến hành hương, nhứt là từ khi có con đường đi từ sông Danube tổ chức, cũng từ thế kỷ thứ XI. Trái lại, từ khi Jêrusalem bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ Seldjoukides (năm 1070) chiếm đóng thì luật lệ khác biệt hẳn, khắt khe hơn. Từ nay thành phố đóng cửa hẳn cấm không cho người Cơ Đốc Giáo viếng thăm.
Công đồng (Concile de) Clermont:
Ngày 18 tháng 11 năm 1095, 13 Đại Giám Mục và 225 Giám Mục, họp cùng với Giáo Hoàng Urbain II, gốc dân vùng Champagne Pháp, một cựu giáo sĩ Cluny, cùng ra tuyên cáo khẳng định lần nữa Ngưng Chiến của Chúa – La Trêve de Dieu, tuy đã được tuyến bố vào những công đồng trước rồi. Giáo Hoàng nhắc lại lần nữa, phạt rút phép thông công Vua Pháp Philippe Đệ Nhứt, vì ông nầy lấy lại vợ sau. Qua ngày 27 tháng 11, Ngài kêu gọi thành lập một cuộc Viễn Chinh của Thập Tự Quân. Ngài tổ chức Thập Tự Quân và cuộc Viễn Chinh như một biểu tượng hành động cụ thể đoàn kết thống nhứt toàn bộ các giáo hội Thiên Chúa Giáo Tây phương dưới trướng của Giáo Hoàng.
Việc đầu tiên là phải lập lại quyền hành hương trên các thánh địa bị xâm chiếm. Trong thế giới phong kiến lúc bấy giờ, những tương quan thế lực được biểu hiện bằng sức mạnh (tiếng nói ngoại giao hình như không có). Thánh chiến là một phương tiện để các hiệp sĩ phương Tây bị gò bó bởi luật đạo ở đất Tây nhà mình ra đi tung hoành tài nghệ giết người trên đất người.
Để khuyến khích mọi người tham gia, Giáo hoàng Urbain II ban phước lành, làm lễ Tha tội cho mọi giáo dân đi hành hương. Gia tài, gia đình kẻ đi hành hương được Giáo hội che chở, và Thiên đàng được hứa hẹn cho những ai chẳng may hy sanh vì đại cuộc (Có khác ngày nay, khi Hồi Giáo hứa Thiên Đàng và 72 trinh nữ cho các tử đạo vì đại nghĩa). Trong khi Giáo Hoàng đang diễn thuyết, một giáo sĩ, Giám Mục thành phố Puy, quỳ trước ngài và tình nguyện ra đi, Giáo Hoàng tặng ngay ông cây Thánh giá. Dân chúng bèn hưởng ứng la ó lên “Đó là Ý Chúa! (Dieu le veut!)”. Và để tượng trưng cây thánh giá, một thập tự bằng vải đỏ từ nay được may trên những áo choàng dân hành hương hay sơn lên trên những áo giáp các hiệp sĩ. Và từ đó mang tên Thập Tự Quân (les Croisés – the Crusaders). Vì vậy cuộc Viễn Chinh Thánh chiến được gọi là la Croisade – the Crusade.
Giáo Hoàng ra lệnh ngày xuất quân là ngày 15 tháng 8 năm 1098 dưới sự hướng dẫn tinh thần của Adhémar de Monteil, Giám Mục thành phố Puy. Thật sự có một lượt đến hai đoàn quân Viễn Chinh Croisades. Đoàn thứ nhứt:
Đoàn Thập Tự Quân 1 chỉ với các thường dân và giáo dân:
Không chần chờ ai cho phép, quan lớn hay giáo hội, linh mục hay hiệp sĩ, một tu sĩ Pierre l’Ermite (ẩn sĩ) ngay sau khi nghe Giáo Hoàng thuyết giảng, đã bắt đầu đi rao giảng tuyên truyền kêu gọi các người tình nguyện. Phát xuất từ trung tâm nước Pháp, ông đi qua các vùng Berry, Champagne hay Lorraine, thuộc hướng Đông nước Pháp, sau đó ông vượt biên giới đi dọc theo thung lũng sông Moselle để đến Kohn, Đức năm 1096. Đến đấy đoàn người lên đến con số 15.000, và tiếp tục cuộc hành trình. Cái gì thúc giục họ ra đi? Đây là một cuộc di cư khổng lồ. Họ đi tìm “đất hứa”. Âu châu, Pháp, đất bắt đầu quá chật, không nuôi đủ dân. Ra đi là kiếm sống, là đi tìm đất canh tác mới. Vô kỷ luật, vô tổ chức, thiếu sửa soạn, đoàn người đi đến đâu cướp bóc đến đấy để kiếm ăn. Trên đường họ sát hại và cướp bóc các người Do Thái, vốn mang tiếng dư tiền, lắm của – như cuộc tàn sát Do Thái ở Praha (Tiệp Khắc). Ngày 1 tháng 8 năm 1096, Pierre và 25.000 người đến Constantinople – Istambul (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Hoàng Đế Alexis Đệ Nhứt của Triều đình Cơ đốc phương Đông Byzance, khi nhìn thấy đám quân ô hợp nầy đâm ra lo ngại. Ông bèn mở cổng đưa toàn bộ sang bờ Á châu, vào vùng Tiểu Á – Asie Mineure, và bảo họ hãy ở lại, đóng quân chờ đoàn Thập Tự Quân của các hiệp sĩ và dân quý phái đến để cùng đi tiếp xuôi Nam. Lời bàn vô hiệu quả. Tháng 10, đụng độ với quân Thổ Nhỉ Kỳ, tại thành phố Nicée, đám quân vì ô hợp, thiếu tổ chức nên bị thiệt hại nặng. Đa số bị sát hại trước khi thấy được đất thánh. Chỉ còn Pierre và chưa đầy được 3.000 người sống sót chạy ngược về trú ngụ tại Vương quốc Byzance.
Đoàn Thập Tự Quân 2: gồm các Hiệp Sĩ và Dân Quý Phái:
Trong khi ấy, trong bầu không khí từ nay thoải mái, đầy hứa hẹn – thả theo thú tính – của đám Hiệp Sĩ, thích đánh nhau, giết nhau – được Giáo Hội ban phước lành, và cho lên Thiên Đàng, các Hiệp Sĩ hội họp lại tổ chức thành đoàn dưới trướng các nhà quyền thế giàu có. Đoàn miền Nam dưới trướng của quận công Raymond IV của thành phố Toulouse. Đoàn miền Bắc, dưới quyền của Godefroid de Bouillon. Dân Normand họp với dân miền Bắc Ý Đại Lợi lại do Bohémond Đệ Nhứt và người cháu Tancrède của thành phố Talente điều khiển. Nhóm Thập Tự Quân nầy được sừa soạn như một đạo quân – Ra Đi Thánh Chiến – đánh nhau với quân Thổ Nhĩ Kỳ đang chiếm đóng Jêrusalem.
Ngày 23 tháng 12 năm 1096, đoàn quân của Godefroid de Bouillon đến Constantinople, sau đó đến quân của Bohémond. Quân của Raymond IV đến sau chót vào tháng 4 năm 1097. Tất cả qua đất Tiểu Á – Asie Mineure, nhập với đám thường dân sống sót của tu sĩ Pierre. Nicée được chiếm lại ngày 19 tháng 6, giao lại cho Vương quốc Byzance cai quản. Hoàng đế Alexis Đệ Nhứt được hứa từ nay sẽ nhận lại tất cả những đất tái chiếm. Đất chiếm lại sẽ được sự trao cho triều đình Byzance để đổi lại sự giúp đỡ trong sự tiếp vận, viện trợ phương tiện, cho Thập Tự Quân trên đường viễn chinh. Tháng 7 năm 1097, Thập Tự Quân đại thắng quân Thổ trong trân chiến vùng Dorylée, nhưng sau đó bị thiệt hại nặng nề vì đói và khát khi phải vượt sa mạc Anatolie.
Nhưng chẳng bao lâu các hiệp sĩ và tướng lãnh quên hẳn mục tiêu cuộc viễn chinh. Họ bắt đầu đi tìm đất đai, của cải, châu báu làm của riêng. Baudouin của thành phố Boulogne (Bắc Pháp), em của Godefroid de Bouillon, sau khi hạ được thành Edesse, từ chối không giao cho Vương quốc Byzance nữa. Đây là quốc gia đầu tiên của Thập Tự Quân: xứ của quận công (le comté) d’Edesse. Ngày 21 tháng 10, Bohémond đến thành Antioche, thành phố đất cũ của Byzance bị Hồi giáo chiếm từ 12 năm nay. Bohémond tố chức vây thành, vì thành rất kiên cố. Sau 7 tháng, thành rơi vào tay Thập Tự Quân, ngày 3 tháng 6/1098. Nhưng quân Thổ lại trở lại vây thành. Cuối cùng, ngày 28/06/1098, Bohémond mở cửa thành xuất quân và thắng quân Thổ. Viện cớ suốt mấy tháng đánh nhau, không nhận được viện trợ của Vương quốc Byzance, Bohémond thành lập tiểu quốc Antioche. Từ nay, Thập Tự Quân không còn dính líu gì với Vương triều Byzance nữa. Đoàn Thập Tự Quân, không Baudouin, chẳng Bohémond, tiếp tục cuộc hành trình đến thánh địa Jêrusalem.
Cuộc tiến cũng dễ dàng hơn vì ngày nay phe Hồi giáo bắt đầu có xào xáo. Quân Hồi giáo Ai Cập Fatimides cướp Jêrusalem của quân Hồi Giáo Thổ Seldjoukides của Xứ Califat Bagdad ngày 28 tháng 8 năm 1098.
Và Cuối cùng Jêruralem được giải phóng:
Ngày thứ ba mồng 7 tháng 6 năm 1099, các hiệp sĩ với 10 ngàn quân đứng trước cửa thành Jêrusalem. Những ngày tiếp theo, những dân trong thành nhìn thấy những chuyện rất lạ. Từng toán lính, đi vòng quanh thành sau lưng một giáo sĩ, đọc kinh cầu nguyện, xong xông vào cướp thành không dùng thang. Thành vẫn không nhúc nhích. Jêrusalem không phải như Jéricho (Theo truyền thuyết trong Kinh Thánh (Bible), Jéricho bị sập sau khi bị đi chung quanh bảy vòng, và thổi kèn).
Nhưng về sau nhờ các chiến thuyền của dân Gêne nhập cuộc, Thập Tự Quân xây hai pháo đài cao, và một lô thang dài cao để công thành. Qua ngày thứ sáu 15 tháng 7, sau hai ngày chiến đấu gay go, Jêsuralem mở cửa thành đầu hàng.
Và đây là bắt đầu một sự kiện làm hoen ố tất cả không khí của chiến thắng. Đây cũng là dịp người Hồi giáo nói đến sự tàn ác của quân Thập Tự và Thiên Chúa Giáo (Và có lẽ bắt đầu của Hận Thù truyền kiếp). Thập Tự Quân đã dã man giết sạch, cùng cướp của, vàng bạc châu báu cư dân thành Jêrusalem, quân sự, thường dân đàn bà trẻ con. Đây nguồn gốc của tất cả những thù hận ngàn đời khó hàn gắn được giữa Cơ Đốc Giáo và Hồi Giáo?
Hai tướng lãnh: Raymond IV và Godefroid de Bouillon giành nhau chức cai quản thành phố. Cuối cùng Godefroid de Bouillon được đề cử. Jêrusalem biến thành một tiểu quốc, tháng 8 năm 1099. Thập Tự Quân toàn thắng quân Fatimides Ai Cập
Giáo Hoàng Urbain II mất ngày 29 tháng 7 năm 1099. Ngài không biết tin Jêrusalem đã được chiếm lại. Các tiểu quốc do Thập Tự Quân giữ, chỉ được vài thành phố, rất rời rạc nhau. Ở Âu Tây, khi nghe Jêrusalem giải phóng, các cuôc hành hương và Thập Tự Quân rầm rộ lần lượt được tổ chức để lên đường. Hiệp sĩ, người dân, nghèo giàu gì ai ai cũng muốn đến Jêrusalem. Nhưng vì thiếu tổ chức, một số đông bị thất bại, không đi khỏi sa mạc Anatolie, hoặc bị giết bởi quân Hồi giáo, hoặc chết khát và đói ở ngay sa mạc. Đường tiếp vận an toàn nhứt sau nầy là ở các thuyền của hai thành phố Gêne và Venise.
Ngày nay, khủng hoảng, tranh chấp, chiến tranh vẫn tiếp tục ở Trung Đông, trên vùng đất Tiểu Á. Thánh chiến? Califat? Bagdad? Thập Tự Quân? Croisade? Toàn những từ ngữ quen thuộc, những địa thế quen thuộc.
Quân Tây Phương ngày nay ở Irak, có phải Thập Tự Quân tân thời không? Ngày xưa châu báu, đất đai, ngày nay dầu hỏa? Những khủng bố quân Hồi giáo ngày nay bắt người làm con tin, bắn, đánh bom… năm xưa ở New York? Hôm qua ở Sydney, sáng kia ở Pakistan? Và hôm nay ở Paris? Thánh chiến Hồi Giáo, chống ai? Tây phương? Do Thái?
Hồi Nhơn Sơn, viết ngày 11/01/2015
Hiệu đính ngày 17/01/2015
Trân trọng cầu nguyện cho tất cả nạn nhơn bị giết hại ở Paris
Cho hai nạn nhơn khủng bố ở Sydney Úc Châu,
Cho trên 100 học sanh nạn nhơn Djihad ở Peshawar - Pakistan
Và Syrie, Irak, Nigéria, Lybie và tất cả,… tất cả….
Je suis Charlie, Nous sommes Charlie…
Tous, Un peu, Beaucoup…Complètement.
Phan Văn Song