Minh Hạnh
Chó bị nhốt trong chuồng và bị làm thịt: Những chuyện rùng rợn trong việc buôn bán thịt ở Việt Nam
Phóng viên Nelufar Hedayat săm soi vào những điều kiện khủng khiếp mà những con chó bị buộc phải sống trong hoàn cảnh đó chỉ là để bảo đảm một sự cung cấp cho thị trường chợ đen thịt chó
Một bộ phim tài liệu gây sốc mới thực hiện sẽ tiết lộ làm thế nào mà hàng trăm con chó vốn là gia súc đang bị đánh cắp mỗi ngày tại Việt Nam cho việc buôn bán thịt chó hấp dẫn. Unreported World trưng ra bằng chứng đáng lo ngại về những con chó bị đánh cắp ra sao, ép ăn, giữ trong lồng chật chội và bị làm thịt cho các bữa ăn. Qua bài này, phóng viên Nelufar Hedayat tiết lộ những chi tiết kinh hoàng độc đáo cô từng chứng kiến.
Mùi chó và mùi rác rưởi tràn ngập cả căn phòng cùng với tiếng sủa điên dại, the thé từ hàng trăm con chó chen chúc trong chiếc lồng kim loại lớn như một căn phòng.
Bên trong, từng hàng những chiếc két nhỏ hơn nối tiếp nhau đã được đóng kỹ với các chú chó dường như ói mửa cơm gạo trên sàn nhà ướt.
Túm cổ một con chó, bốn người đàn ông kéo nó vào một góc phía sau căn phòng, nơi đó một người trong bọn họ gắn một cái ống vào các túi nhỏ đầy cơm. Sau đó, ông ta ấn đầu kia của chiếc ống vào cổ họng của con chó trong khi người thứ tư ấn mạnh vào chiếc bơm, đẩy cơm vào bao tử con chó.
Con vật khốn khổ bị khủng bố gào lên vì đau, ỉa đái tùm lum khi nó thôi bị hành hạ và nhốt lại vào chuồng, chỉ để nôn mửa cơm nó vừa bị nhồi nhét vào bụng.
Tôi đã kinh hoàng khi xem cảnh như thế này sau đó lại xảy ra một lần nữa và một lần nữa và một lần nữa, dường như có một chuyện gì đó đang xảy ra với hàng trăm con chó ở đây.
Thật không quá lời để có thể gọi nơi đây là một căn nhà kinh hoàng. Nhưng đó là thực tế của ngành công nghiệp thịt chó ở Việt Nam, nơi hàng ngàn con chó bị ép ăn để tăng trọng, và do đó cũng tăng giá trị của chúng khi được đưa ra thị trường.
Thật hồi hộp, sau khi tôi thấy những chuyện vừa xảy ra, tôi hỏi ông chủ là liệu mấy con chó có cảm thấy đau đớn khi bị ép ăn như thế hay không. Qua cái xua tay, ông trả lời "không - chẳng có chi hết, không đau đâu".
Trên chuyến bay về Việt Nam để điều tra về việc buôn bán thịt chó ở trong nước, tôi đã chuẩn bị tinh thần cho mình. Tôi đã biết những gì tôi sắp được xem sẽ tàn bạo, khó khăn và gây sốc. Nhưng những gì tôi thấy đã vượt quá những gì tôi tưởng tượng.
Gần như chắc chắn là một số trong những con chó bị ép ăn trong căn phòng đó đã từng là gia súc của người dân.
Sự thèm ăn thịt chó vô độ ở Việt Nam đã tạo ra một thị trường chợ đen lớn rộng, qua đó đã cung cấp một nguồn tiền lớn cho những tên trộm cắp hàng ngàn con chó để bán ra, đáp ứng nhu cầu của thị trường béo bở.
Theo con đường vạch sẵn, chó được chở bằng xe tải từng trăm từng ngàn con xuất phát từ Thái Lan, nơi chúng sẽ ra đi mà không có thức ăn và nước uống trong nhiều ngày cho đến trạm chót khi chúng tới được Việt Nam.
Trong sáu tháng qua, hội Soi Dog Foundation đã làm việc cật lực với chính phủ Thái để ngăn chặn những tên tội phạm và chấm dứt con đường tơ lụa thịt chó.
Nhưng việc thiếu những con chó nhập vào có nghĩa là các băng nhóm tội phạm đã ngừng chuyện buôn bán chó như trên và họ cần phải tìm chó từ các nơi khác.
Tại Hà Nội, tôi đã nói chuyện với hai tên trộm mới vào nghề về việc ăn cắp chó trong một đêm tại một ngôi làng địa phương. Họ nói với tôi là kinh doanh đang bùng nổ và những băng đảng như của chúng bây giờ dòm ngó các làng thôn tại Việt Nam, ăn cắp gia súc và chó canh gác cả hàng trăm con.
"Trong bảy năm làm việc, tôi đã đánh cắp khoảng 3.000 con chó, lớn có nhỏ có", một người trong bọn họ nói với tôi.
Chó cảnh, chó hoang hoặc chó giữ nhà – họ không quan tâm vì chẳng có ai thắc mắc đến chuyện đó, và có thể kiếm được rất nhiều tiền trong ngành công nghiệp nhiều triệu đô la này.
Nhưng những người có thú vật bị đánh cắp chắc chắn quan tâm.
Một người đàn ông, Đặng, hiện đang sống tại thị trấn Nghệ An, nhốt chó của mình trong chuồng để ngăn chặn nó bị đánh cắp và nói với tôi: "Dọc theo con lộ này, tất cả các gia đình sống ở hai bên đường đều đã từng bị mất chó."
Gần 300 con đã bị đánh cắp trong vài tháng qua.
Nhưng đó là một giọt nước trong biển cả của toàn cảnh thương mại thịt chó.
Người ta ăn thịt chó trong một số các quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines và Trung Quốc bên cạnh những thứ khác vì nhiều lý do, từ xả xui cho đến việc làm tăng khả năng tình dục của nam giới.
Người ta ước tính rằng hàng triệu con chó một năm được nuôi riêng rẽ, chăn nuôi trong trang trại và đánh cắp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Gần như hàng ngày tôi đã nhìn thấy những xe tải tại Hà Nội với chuồng chất chồng lên nhau đầy chó nằm im lặng như chết, tất cả nhìn chằm chằm vào người qua đường chẳng có một tiếng sủa.
Chúng sẽ được bán cho các lò thịt hoặc nhà hàng, giữ tại đó trong một vài ngày rồi sau đó bị làm thịt ngay phía trước lề đường tại các chợ Hà Nội.
Tại một trong những ngôi chợ, đường phố được cắm cọc chăng dây phân vùng, mỗi chỗ có thể có tới 500 con chó trong đó. Chúng sẽ được cân để định giá trị trước khi được nhét vào trong những chiếc két vô cùng chật chội.
Vào những thời điểm lên hương, các nhà giữ chó trên phố này tiêu thụ khoảng 2.000 con chó trong một ngày.
Sự ham ăn thịt chó gia tăng khi Việt Nam ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Việt Nam đã được chuyển đổi từ một quốc gia nằm trên bờ vực của nạn đói 30 năm trước, giờ tiến lên từng nấc cao hơn qua những thay đổi kinh tế nhanh chóng.
Bây giờ dân có nhiều tiền hơn để chi cho thực phẩm, đi ăn ngoài tiệm và tổ chức tiệc tùng và thịt chó thì hoàn toàn phù hợp với văn hóa đó.
Bất kỳ lễ kỷ niệm nào, và đặc biệt là vào cuối tháng âm lịch là có những cú điện thoại đặt chỗ tại những nhà hàng chuyên nấu thịt chó tại đó. Những người này có biết xuất xứ của thứ thịt được dọn tiệc cho họ đến từ nơi nào không?
"Chúng cháu không biết nhưng chúng cháu không quan tâm", một nhóm thực khách tuổi teen đang ăn tối nói với tôi. "Chúng cháu chỉ quan tâm nó có mùi vị ra sao và chúng cháu thích ăn", cậu ta nói trong khi đám bạn thân gật đầu đồng ý.
Nhưng ở Việt Nam, trộm cắp chó không phải là một tội hình sự, mọi hình phạt về chuyện trộm chó, nếu tính gộp lại tất cả, là phạt tiền lên lên đến $ 100 (bằng tiền kiếm được một đêm cho tên trộm).
Nhưng đó là chuyện họa hiếm vì những tên trộm chó hành sự trong đêm khuya và khét tiếng vì chúng trang bị súng gây choáng tự chế, gươm và mã tấu để cự lại bất kỳ người chủ con thú nào muốn đánh họ. Họ đã tấn công dữ dội và thậm chí giết chết những người đã đánh trả lại.
Nhưng sự căng thẳng ngày càng nhiều đến quá mức chịu đựng và tại một số làng trên cả nước đang chống lại. Nhiều vụ trong đó đám đông xúm vào giết những tên trộm chó đã lên tựa hàng đầu của các tờ báo cả nước.
Trong một ngôi làng như vậy, Nhĩ Trung, ở miền Trung của Việt Nam, 68 người thú nhận đã giết chết hai kẻ trộm chó, những người mà họ nói rằng đã bắt trộm hơn 300 con chó của họ chỉ nội trong năm đó.
"Chúng tôi không sợ họ", một phụ nữ mang thai trong làng có tham gia vụ này nói với tôi. "Chúng tôi sẽ không đánh chết họ, chỉ cần đánh què tay chân tụi nó."
Chuyện này thật là kỳ quái, hoặc chỉ là kỳ quặc, khi nghĩ rằng người ta đang bị giết để nơi khác có thịt chó cho bữa tối.
Nhưng hơn bất cứ điều gì khác, sự khó chịu nhất vẫn là quy mô và cách hành xử vô nhân đạo với những con chó đã bị bắt.
Bạn không cần phải là một nhà vận động bảo vệ quyền cho thú vật để có thể nhìn ra sự tàn ác trắng trợn ở hầu hết các chuyến quan sát, và một số vụ giết mổ hay sự tàn bạo tôi đã thấy sẽ theo tôi mãi mãi.
Không có quy định về sức khỏe và an toàn vệ sinh cho việc giết chó và ở lò mổ tôi đã thấy khi một con chó đã được người ta lôi lên từ một cái hố và bị hai cú đập đầu cho bất tỉnh trước khi bị cắt cổ.
Và tôi không thể quên được những cảnh khủng khiếp của những con chó bị ép ăn tại một trong những chợ quê lớn nhất chuyên mua bán chó ở phía bắc làng Sơn Đồng.
Chỉ trong một ngày bảy tấn chó còn sống sẽ được dồn vào những két lớn bằng kim loại đặt chồng lên nhau từng hàng và được vận chuyển đến Hà Nội chỉ để cho các nhà hàng và lò giết mổ.
Từ những gì mà tôi và toán của tôi đã thấy, toàn bộ tình trạng dường như đang tiến đến một cao điểm tại Việt Nam.
Tôi không chống lại những người ăn thịt, không đả động tới, và bộ phim của tổ chức Unreported World của chúng tôi không xoáy vào điều đó. Những gì chúng tôi đã phát hiện ra, là một thế giới vô luật pháp khi nói đến thịt chó ở Việt Nam.
Một chính phủ với chính sách không hỏi cũng không nói; thương lái và những tên trộm làm những điều không thể nói ra được đối với những con chó, để có nhiều lợi nhuận hơn, còn những người thích món thịt chó hiếm khi đặt câu hỏi thịt họ ăn đến từ đâu.
Cho dù câu trả lời hoặc là phải ra luật lệ để kiểm soát, giống như thịt lợn hoặc thịt bò ở Anh; hoặc là ngăn cấm hoàn toàn – như tình trạng hiện nay, thì cả người và chó đang chịu đau khổ một cách vô nghĩa, hệ quả của việc buôn bán thịt chó ở Việt Nam.
Tôi hy vọng rằng sau khi xem bộ phim này, người dân, những người đang vận động và thậm chí cả chính phủ Việt Nam nữa, động lòng mà kết thúc sự tàn ác trong việc buôn bán thịt chó. Đơn giản là nó không tốt lành gì khi để những việc như thế tiếp tục xảy ra.
Nguyên tác: “Dogs kept in cramped cages and slaughtered for meals: The horrors of Vietnam's meat trade” – Nelufar Hedayat.
(trong nguyên tác có đoạn phim tường thuật dịch vụ buôn bán chó ở Việt Nam)
Trích từ: Mirror, 02/10/2014
Người dịch: Minh Hạnh