Nguyễn Hiền
Chính sách nhận người Việt tị nạn của Hòa Lan trong khoảng thời gian 1975-1982
Lời nói đầu
Những người Việt tị nạn được Hòa Lan chấp nhận cho định cư tại quốc gia nhỏ bé này luôn cảm thấy hạnh phúc và may mắn vì họ là những người tị nạn ‘được mời’. Vì thế họ nhanh chóng được an cư lạc nghiệp, được chính phủ và các hội đoàn tận tình giúp đỡ trong việc hội nhập vào xã hội trong khi chính Hòa Lan đang gặp khó khăn về kinh tế trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, cộng thêm những làn sóng người tị nạn đến từ Uganda, Chili, Irak, Ba Lan… trong cùng khoảng thời gian (1). Những người Việt tị nạn trong những nhóm đầu tiên đến Hòa Lan (thuyền nhân) chắc không biết rõ những gì đã xảy ra trong hậu trường khi đó, vì còn đang phải vật lộn trong tiến trình xây dựng cuộc sống nơi vùng đất mới. Bài sau đây, trích từ một chương trong cuốn nghiên cứu của Tiến sĩ Jan Willem ten Doesschate, viết về chính sách tiếp nhận áp dụng cho người Việt tị nạn trong thời đó hé lộ một phần sự thực. Tựa bài do dịch giả đặt. Ngoài ra, trong bản dịch không có phần danh sách thư mục như liệt kê cuối chương của bản chính, vì đại đa số những tài liệu này là những công văn giữa các bộ, biên bản buổi họp và các cuộc trao đổi giữa các viên chức chính phủ. Một số điểm trong các văn bản này được dịch giả đưa vào bài và để trong ngoặc.
Nguyễn Hiền
***
1. Dẫn nhập
Cuộc chiến tranh Việt Nam chấm dứt vào tháng tư 1975 bằng sự sụp đổ của Saigon. Trong tháng tư 1975, khoảng 130.000 người Việt đã ra đi. Có một sự hỗn loạn lớn. Trong tuần lễ cuối của tháng tư dòng người đổ đến phi trường Tân Sơn Nhứt và đến tòa đại sứ Hoa Kỳ với niềm hy vọng còn lên được những chiếc máy bay của Hoa Kỳ. Cứ mỗi 2 giờ lại có một chiếc máy bay vận tải cất cánh. Với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, đã có khoảng 65.000 người Việt rời khỏi nước trong khoảng từ 21 tới 29 tháng tư. Và một nhóm với con số tương tự đã ra đi theo đường biển trên những chiếc ghe thuyền đánh cá nhỏ bé. Rồi còn những người khác trốn theo đường bộ qua ngã Lào và Kampuchia để tới Thái Lan. Tòa đại sứ Hoa Kỳ đóng cửa vào ngày 29 tháng tư. Trong những giờ phút cuối, trực thăng Hoa Kỳ đã bốc thêm một số người từ trên nóc sứ quán.
Vào ngày 30 tháng tư những người Bắc Việt đã chiếm Saigon. Số người tị nạn đến các quốc gia Đông Nam Á đã tăng mạnh, khi Hà Nội thắt chặt gọng kìm nhắm vào miền Nam. Những người tị nạn không được các quốc gia Đông Nam Á đón chào, bởi vì họ bị cho là một mối đe dọa cho công ăn việc làm và sự ổn định chính trị. Thái Lan và Mã Lai từ chối nhận người tị nạn và xua đuổi ghe thuyền của họ trở ra biển. Con số thuyền nhân bị chết do kiệt sức hoặc bị hải tặc Thái giết tăng cao.
Do áp lực của những tổ chức cứu trợ tư nhân lên chính phủ Hoa Kỳ, có thêm 7000 thuyền nhân được Hoa Kỳ tiếp nhận trong tháng giêng 1978. Vào ngày 30 tháng năm 1978, tổng thống Carter chuẩn thuận một kế hoạch cho phép 25.000 người tị nạn Đông Dương nhập cư trong năm đó.
Tình trạng nguy kịch của những người tị nạn ngày càng nhận được nhiều sự lưu ý quốc tế. Trong số tổng cộng 94.000 thuyền nhân tìm đường trốn thoát trên biển, vào tháng 11 năm 1978 đã có gần 40.000 người được các nơi tiếp nhận, một nửa trong số đó đã tới Hoa Kỳ. Cuối tháng mười một 1978 chính phủ Carter quyết định nhận thêm 21.000 thuyền nhân Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ khi đó cũng yêu cầu cộng đồng thế giới cùng giúp để tìm ra một giải pháp cho vấn đề người tị nạn này.
Dưới áp lực của Hoa Kỳ và các quốc gia thuộc khối ASEAN, Cao Ủy Tị Nạn LHQ triệu tập một phiên họp quốc tế tại Genève vào ngày 11 và 12 tháng mười hai 1978. Cuộc họp không mang lại nhiều sự đáp ứng cụ thể cho sự tái định cư hoặc giúp đỡ tài chính cho chương trình của Cao Ủy Tị Nạn LHQ tại Đông Nam Á. Vào đầu năm 1979 con số người Việt tị nạn gia tăng mạnh. Cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam vào tháng hai 1979 dẫn tới một làn sóng lớn hơn của những người Việt tị nạn gốc Hoa tới Mã Lai, Thái Lan, Indonesia, Hongkong. Vào tháng năm 1979 có hơn 51.000 người Việt ở các quốc gia trong vùng Đông Nam Á. Khi chính phủ Mã Lai dọa bắn vào người tị nạn, bắt đầu có phản ứng từ quốc tế. Kể từ tháng tư 1979, mỗi tháng có bảy ngàn người tị nạn từ Đông Dương được phép đến Hoa Kỳ. Vào tháng bảy 1979 tại Genève lại có cuộc hội nghị khác bàn về vấn nạn người tị nạn Đông Dương. 65 quốc gia tham dự hội nghị này sẵn lòng bỏ ra 160 triệu đô-la cứu trợ và số người tị nạn sẽ được thâu nhận được tăng từ 125.000 lên 260.000. Chương trình ‘ra đi có trật tự’ thành hình qua sự bàn thảo giữa Cao Ủy Tị Nạn LHQ và Việt Nam. Chương trình này được tất cả các quốc gia đã tiếp nhận người Việt soạn thảo và đồng ý. Qua chương trình ‘ra đi có trật tự’, người tị nạn có thể đi trực tiếp từ Việt Nam tới những quốc gia tiếp nhận. Phần lớn những người này có thân nhân tại các quốc gia nói trên. Những người muốn được cứu xét cho phép rời nước phải có giấy chứng nhận cho phép nhập cư của quốc gia tiếp nhận và visa xuất ngoại của chính phủ Việt Nam. Thời gian chờ cứu xét là 2 tới 5 năm, có thể lâu hơn.
Haines ước tính khoảng 220.000 người Việt đã ra đi tìm đường tị nạn trong tháng tư 1975. Trong khoảng từ tháng năm 1975 tới cuối năm 1983 đã có khoảng 1,3 triệu người Việt rời Việt Nam.
2. Phản ứng đầu tiên của Hòa Lan về người tị nạn Việt Nam (tháng năm 1975 tới tháng sáu 1975)
Một thời gian ngắn sau khi Saigon sụp đổ, tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Den Haag đã hỏi Bộ Ngoại Giao Hòa Lan xem họ có muốn giúp cho một giải pháp về người tị nạn Việt Nam hay không. Chính phủ Hoa Kỳ cũng kêu gọi những quốc gia khác thâu nhận một số người tị nạn. Hoa Kỳ mong ước là mỗi quốc gia sẽ nhận một trăm người tị nạn. Tổng Thư ký Đặc trách Chính trị vụ (của Bộ Ngoại Giao) cho bộ trưởng Van der Stoel hay là ông, trên danh nghĩa cá nhân, đã thông báo cho nhân vật số 2 của tòa đại sứ Hoa Kỳ biết là Hòa Lan đã “đầy tràn” người và đã gặp “nhiều vấn đề” với các nhóm dân thiểu số. Hòa Lan – theo quan niệm của ông, và Hòa Lan chỉ tham gia chương trình khi toàn bộ của vấn đề đã được rõ ràng.
Trong cùng khoảng thời gian đó, một chiếc tàu Hòa Lan đã vớt 27 thuyền nhân Việt Nam trên biển. Họ không được phép lên Singapore. Công ty hàng hải khẩn thiết yêu cầu chính phủ Hòa Lan nhận họ vào Hòa Lan. Trưởng ban Thường vụ của Bộ Ngoại Giao thông báo với luật sư Fraay (thuộc Bộ Tư Pháp), Giám đốc Vụ Người Nước Ngoài, là những người này đang ở trong tình trạng khẩn cấp. Nhưng ông Giám đốc lại sợ là nếu thuận thì sẽ tạo ra tiền lệ cho một làn sóng người tị nạn. Ông Ngoại trưởng có một quan niệm khác. Với sự cho phép những thuyền nhân này nhập cư, Hòa Lan có thể tạo được ấn tượng tốt với Hoa Kỳ do “…sự tỏ thiện chí của chúng ta, và mặt khác có thể cho người Mỹ thấy là chiếu theo các diễn tiến tương tự – một lập trường thận trọng đáp ứng đúng đề nghị của Hoa Kỳ”. Fraay không thấy thuận lợi nếu từ chối không nhận họ: “Do chính sách quá mềm dẻo trong những trường hợp khác, chúng ta (Bộ Tư Pháp) đang ở trong tình trạng bị bắt buộc nhận những người Việt này.” Cuối cùng, sự chấp nhận của Hòa Lan không cần nữa, vì Đài Loan đã chịu nhận những thuyền nhân này.
Cũng trong tháng năm 1975, Cao Ủy Tị Nạn LHQ đã yêu cầu Bộ Ngoại Giao nhận người Việt tị nạn. Bộ trưởng Tư Pháp tỏ ra chần chừ. Tuy nhiên Ngoại trưởng Van der Stoel thấy là việc tiếp nhận những người Việt nào có một mối liên hệ đặc biệt với Hòa Lan, trong vài trường hợp, phải được coi là khả thi.
Fraay đã cố vấn cho ông Ngoại trưởng trong buổi họp Hội đồng Bộ trưởng là đừng đưa ra lời cam kết cho một sự tiếp nhận có hạn ngạch đối với những người tị nạn từ miền Nam Việt Nam. Cho những trường hợp cá nhân có lý do thật chính đáng, trong đó phải kể đến mối liên hệ gia đình tại Hòa Lan, ông bộ trưởng có thể nên chấp thuận sự tiếp nhận, miễn là con số được cho phép tối đa là năm mươi trường hợp. Nếu vượt quá số này, vấn đề cần phải mang ra cho Hội đồng Bộ trưởng cứu xét lại. Tuy thế chủ đề này không được đưa ra bàn thảo trong buổi họp nói trên.
Qua những công văn trao đổi, người ta thấy là cả Ngoại trưởng lẫn Bộ trưởng Tư Pháp đánh giá là Hòa Lan phải có thái độ dè dặt trong việc tiếp nhận người Việt tị nạn. Bộ Ngoại Giao cho là nước ta đã tiếp nhận “quá sức nhiều” người tị nạn rồi và đừng nên cam kết tiếp nhận một lượng lớn người tị nạn Nam Việt nữa. Bộ không phản đối sự tiếp nhận tối đa là vài chục người tị nạn.
Vào ngày 6 tháng sáu 1975, vấn đề quanh người Việt tị nạn lần đầu tiên được mang ra bàn thảo tại Hội đồng Bộ trưởng. Hội đồng Bộ trưởng quyết định thông báo cho Cao Ủy Tị Nạn LHQ là họ đã quyết định không nhận người Việt Nam theo hạn ngạch, mà chỉ có những hồ sơ xin tị nạn của người miền Nam Việt Nam có mối liên hệ đặc biệt với Hòa Lan sẽ được linh hoạt cứu xét. Cao Ủy Tị Nạn LHQ nhận một triệu gulden. Số tiền này nằm trong tài khóa của Bộ Hợp tác Phát triển.
Một tháng sau đó, ông Van der Stoel trình bày chính sách tiếp nhận ra trước quốc hội. Hòa Lan nhận sáu mươi trẻ mồ côi Nam Việt Nam. Những người Việt Nam mà khi Saigon sụp đổ đang ở Hòa Lan thì được phép ở lại Hòa Lan. Một quyết định tương tự như vậy trước đây cũng đã được ban hành trong vấn đề người tị nạn từ Tiệp Khắc. Cho những người Việt có liên hệ với Hòa Lan, phải đề ra một chính sách nhân đạo. Trong khuôn khổ chính sách này, theo như ông bộ trưởng cho biết, đã có mười bảy đơn đệ nạp và đã được chấp thuận.
3. Một thái độ thận trọng (1975-1978)
Tiếp theo lời kêu gọi của con tàu Hòa Lan, một lời kêu gọi thứ hai đã được gởi đến chính phủ Hòa Lan xin tiếp nhận người Việt tị nạn. Trung tuần tháng sáu, Tổng Lãnh sự Hòa Lan tại Hongkong thông báo là 38 người Việt đang ở Hongkong đã nộp đơn xin Hòa Lan chấp nhận. Hongkong đã chứa khoảng bốn ngàn người Việt tị nạn và cấm mọi tàu bè đổ người lên bờ. Vào đầu tháng sáu, sở Di trú Hongkong yêu cầu các tòa lãnh sự, trong đó có Hòa Lan, phải tiếp nhận những người Việt tị nạn đã trôi dạt vào bờ. Tổng lãnh sự hỏi Bộ Ngoại Giao là họ phải trả lời làm sao cho những người sẽ nộp đơn trong tương lai. Lời yêu cầu được Bộ Tư Pháp cứu xét nghiêm ngặt. Những quốc gia khác hành xử ra sao? Thái độ của Tổng Lãnh sự có mang lại nhiều lợi ích không? Có khả năng sẽ có những “vụ tiếp theo” chăng? Ngoài ra, những người nộp đơn này không có động cơ rõ ràng cho việc xin vào Hòa Lan và họ cũng không có mối liên hệ đặc biệt (như liên hệ gia đình) với Hòa Lan. Tiêu chỉ cuối cùng này đã có hiệu lực từ tháng sáu như là điều kiện cho việc được chấp nhận người là Việt tị nạn. Bộ Tư Pháp bác đơn xin. Bộ Ngoại Giao cũng đồng ý với việc từ chối tiếp nhận 38 người Việt đang ở Hongkong.
Một năm sau lại có khoảng 1200 người Việt trên những con tàu mục nát trôi nổi đến bờ Thái Lan. Họ không được nhận vào nữa. Thái Lan khi đó đã nhận khoảng 70.000 người tị nạn từ miền Nam Việt Nam, Kampuchia và Lào. Cao Ủy Tị Nạn LHQ yêu cầu chính phủ Hòa Lan nhận 56 thuyền nhân từ Thái. Theo yêu cầu của Thứ trưởng Tư Pháp, Ủy ban Liên bộ về Vấn đề Người Tị Nạn ngày 19 tháng tám 1976 đã họp để cứu xét yêu cầu này. Bộ Tư Pháp muốn là có một lập trường chung về vấn đề người tị nạn. Đại diện Bộ Tư Pháp, do áp lực mạnh từ quốc hội, biện hộ cho sự chấp thuận 56 người Việt này. Chủ tọa phiên họp, Bộ Ngoại Giao, không cảm thấy “không có một cảm nhận nào rõ rệt” cho quyết định đồng ý hay phủ quyết sự chấp thuận. Bộ Ngoại Giao cũng không có phản bác mang tính chính trị chống lại việc cấp chứng nhận một diện tị nạn (cho những người Việt đã trốn ra nước ngoài). Phát ngôn nhân của Bộ Xã Hội cũng không có phản bác chống lại sự thâu nhận người Việt “…hơn thế nữa, vì nếu trong trường hợp thâu nhận thì vấn đề chỗ làm dường như cũng được bảo đảm do sự trung gian của những hội đoàn tư nhân”. Bộ CRM (Văn Hóa, Giải Trí và Công tác Xã Hội) thấy “không vui” với sự tiếp nhận và đưa ra giải pháp giúp chính phủ Thái Lan và Cao Ủy Tị Nạn LHQ một tay để đưa người tị nạn đến nơi nào khác. Ủy ban Liên bộ về Vấn đề Người Tị Nạn nhận thấy chuyện này có “tầm quan trọng mang tính quyết định” qua tính cách dứt khoát của Cao Ủy Tị Nạn LHQ trong yêu cầu mà họ đưa ra. Ủy ban Liên bộ về Vấn đề Người Tị Nạn khuyến cáo Hội đồng Bộ trưởng hãy nhận nhóm 56 người Việt này vào Hòa Lan do tình trạng khẩn cấp ngặt nghèo. Hội đồng Bộ trưởng chiều theo lời khuyên này. Vào tháng chín 1976, 62 thuyền nhân Việt Nam đã từ Thái Lan đến Hòa Lan. Theo một bản tin trên báo (NRC Handelsblad, ra ngày 17/09/1976), trong nội các đã diễn ra một sự “tranh cãi gay gắt” về vấn đề tiếp nhận.
Tháng mười một 1976 Cao Ủy lần thứ hai lại kêu gọi chính phủ Hòa Lan tiếp nhận người tị nạn. Khoảng 2500 thuyền nhân cũng còn đang chờ sự chấp thuận của những quốc gia khác. Hoa Kỳ muốn nhận mỗi tháng một trăm người Việt tị nạn, miễn là thế giới đừng ngoảnh mặt quay lưng. Ủy ban Liên bộ về Vấn đề Người Tị Nạn nhận thấy là không được phép lơ là về một quyết định chấp thuận cho thêm nhiều người Việt tị nạn vào Hòa Lan, là vì người ta đã phải chịu “nhiều vấn đề quan trọng” trong việc tiếp nhận và hướng dẫn người Syrie theo Chính Thống Giáo cũng như khả năng có thể xảy ra về sự hồi hương của người Hòa Lan và những người gốc Hòa Lan từ Nam Phi, Rhodesia và Namibia. Ủy ban Liên bộ về Vấn đề Người Tị Nạn khuyến cáo Hội đồng Bộ trưởng hãy tạm hoãn việc mời nhóm người Việt tị nạn mới này và trước hết phải xem có bao nhiêu người Việt tị nạn đã được các quốc gia khác tiếp nhận, nhất là tại các quốc gia trong vùng họ ra đi.
Tháng giêng 1977 tòa đại sứ ở Bangkok lên tiếng. Tòa đại sứ đang cho hai người Việt tị nạn trú ẩn. Tòa đại sứ thư cho Bộ Ngoại Giao là cảnh sát Thái đã hành động “một cách dã man” trong những trại tị nạn. Giải giao họ trở lại sẽ mang họ “tức khắc đến sự nguy hiểm đến tính mạng”. Xử lý Thường vụ của Thứ trưởng Tư Pháp đã ủy quyền cho ông cho phép những người tị nạn này được đến Hòa Lan. Tòa đại sứ đề nghị với Bộ Ngoại Giao là nên ở trong hậu trường và để Cao Ủy lo liệu thương lượng nhằm tránh những phiền phức song phương về sau này. Cơ quan Tư Pháp Hòa Lan và các chức sắc ở Bangkok cụ thể đang cộng tác với nhau trong việc bài trừ buôn bán ma túy. Bộ Ngoại Giao do đó phản ứng một cách tiêu cực. Không có chuyện “tức khắc nguy hiểm đến tính mạng” như tinh thần thông tư của Bộ Ngoại Giao ngày 31 tháng giêng và 11 tháng ba 1974 (thông tư 31/01/1974 và 11.03.1974 được soạn thảo sau vụ tòa đại sứ Hòa Lan ở Chili cho phép người Chili tị nạn trong tòa đại sứ sau cuộc đảo chính tháng 9/1973). Hòa Lan không phải là nước được chỉ định trước tiên như là quốc gia tiếp nhận hai người Việt này. Bộ Ngoại Giao thắc mắc vì sao đại sứ Hòa Lan không thử hỏi tòa đại sứ Pháp và Mỹ xem họ có vui lòng tiếp nhận những người này hay không. Đại sứ Hòa Lan sau đó nhận được chỉ thị không được phép cho tị nạn nữa nếu không có sự trình lại và được ủy quyền của Bộ Ngoại Giao. Ngoài ra, hai người Việt này được Bộ Ngoại Giao cho phép đến Hòa Lan.
Cho tới đầu tháng năm 1977 đã có 78 người Việt tị nạn đến được Hòa Lan hoặc đang chờ cấp giấy phép. Vào tháng sáu Ủy ban Liên bộ về Vấn đề Người Tị Nạn đồng ý một lần nữa cho phép sáu mươi người tị nạn từ Đông Dương được đến Hòa Lan. Quyết định này không dựa trên lời kêu gọi của Cao Ủy Tị Nạn LHQ. Thứ trưởng Zeevalking, khi được quốc hội chất vấn, thông báo là Hòa Lan trong năm 1977 được nhận tối đa sáu mươi người tị nạn từ Đông Dương. Về con số này, chính phủ Hòa Lan, theo lời ông Thứ trưởng, một mặt căn cứ trên cam kết mà Hòa Lan đã nhận vào năm 1976, mặt khác căn cứ trên con số tương đương mà các quốc gia khác đã tiếp nhận. Bộ Tư Pháp yêu cầu Cao Ủy Tị Nạn LHQ tại Genève lọc lựa ra những trường hợp nguy cấp nhất. 35 người Việt tị nạn ở Mã Lai và 25 ở Bangkok đã đến được Hòa Lan.
Con số đơn xin được tị nạn của người Việt nộp cho tòa đại sứ ở Bangkok gia tăng từ 2 trong tháng giêng 1977 tới tổng cộng 69 người trong tháng năm 1978. Thể theo yêu cầu của Thứ trưởng Tư Pháp, Ủy ban Liên bộ về Vấn đề Người Tị Nạn vào tháng năm 1978 đã họp để giải quyết việc tiếp nhận 69 người Việt tị nạn này. Trong buổi họp, Bộ Ngoại Giao và bộ CRM chống lại việc tiếp nhận 69 người tị nạn do tòa đại sứ ở Bangkok, bởi vì đơn xin không tới từ Cao Ủy Tị Nạn LHQ và vì Hòa Lan cũng không có đủ khả năng tiếp nhận họ. Bộ Ngoại Giao không muốn thỏa mãn lời yêu cầu của các tòa đại sứ và các đại diện Cao Ủy Tị Nạn LHQ tại địa phương. Đơn xin phải được Cao Ủy Tị Nạn LHQ từ Genève chuyển tới. Ủy ban Liên bộ về Vấn đề Người Tị Nạn đã không thể đạt được thỏa thuận về việc tiếp nhận nhóm 69 người Việt tị nạn này.
Giữa lúc đó, những rắc rối lại dấy lên với tiến sĩ F. van Dongen, đại sứ Hòa Lan tại Bangkok (Thái Lan). Ngoại trưởng C.A. van der Klaauw phiền trách ông đại sứ, vì ông đã tuyên bố một cách tiêu cực về chính sách của Hòa Lan đối với người Việt tị nạn. Nguồn cơn của sự xung đột này là một bài phỏng vấn trên tờ De Telegraaf (De Telegraaf số ra ngày 30/11/1977). Tòa đại sứ phản ứng một cách bực dọc “…chúng tôi muốn nói là một quốc gia có truyền thống hiếu khách vậy mà sau đó lại không làm tròn, đã xoa dịu lương tâm mình bằng cách chuyển vào trương mục Cao Ủy Tị Nạn LHQ thêm vài triệu gulden nữa, mà đúng ra là cũng phải thực sự giúp cho một số khiêm nhường những người tị nạn bằng cách tiếp nhận họ.” Tòa đại sứ nhắc lại với ông Ngoại trưởng là ông đã gợi ý cấp cho tòa đại sứ một hạn ngạch để cho ông có thể thỉnh thoảng giúp cho “những trường hợp cực kỳ cấp thiết” thoát khỏi sự khốn khổ. Đề nghị này đã bị ông Ngoại trưởng trả lời bằng cách từ chối. Tòa đại sứ hy vọng là “sự thay đổi trong tổ chức” bên cánh tả trong Quốc hội sẽ cho ông Ngoại trưởng (đảng viên VVD) có thêm khả năng đưa lời đề nghị này ra tái cứu xét. Cụ thể, hai dân biểu PvdA trong Quốc hội, vao tháng mười hai 1978, đã yêu cầu ông Ngoại trưởng “tăng một cách mạnh mẽ” hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn từ Việt Nam. Ông Van der Klaauw thì vạch ra rằng sự cấp thiết phải được điều phối với sự bảo trợ của Cao Ủy Tị Nạn LHQ, để gánh nặng được chia đều.
4. Bi kịch của thuyền nhân Việt Nam đưa tới sự nới lỏng chính sách (1979)
Tình trạng của người Việt tị nạn, một lần nữa, lại trở nên khốn khổ vào năm 1979. Liên tiếp có các tin trên các phương tiện truyền thông về người Việt tị nạn trên những con thuyền mong manh trên biển khơi thường rơi vào tay bọn cướp biển Thái Lan. Cao Ủy Tị Nạn LHQ vào tháng giêng năm đó yêu cầu chấp nhận một số trong nhóm người tị nạn này. Ủy ban Liên bộ về Vấn đề Người Tị Nạn khuyến nghị Hội đồng Bộ trưởng hãy cho Cao Ủy Tị Nạn LHQ biết là sẽ cấp một hạn ngạch là ba trăm người tị nạn trong năm 1979. Những thuyền nhân trên các tàu Hòa Lan nằm trong số 300 của hạn ngạch này.
Dưới áp lực của Quốc hội và của Cao Ủy Tị Nạn LHQ, Ủy ban Liên bộ về Vấn đề Người Tị Nạn cân nhắc đến chuyện gia tăng gấp đôi hạn ngạch cho người tị nạn Đông Nam Á. Vì con số này vượt quá định mức, bộ CRM sẽ phải lập một bản dự thảo để đệ trình ra Hội đồng Bộ trưởng.
Vào ngày 28 tháng sáu, một ngày trước phiên họp của Hội đồng Bộ trưởng, Ủy ban Liên bộ về Vấn đề Người Tị Nạn đã khuyến nghị là nên cùng với những quốc gia khác để đi đến một thỏa thuận chung, trong đó Cao Ủy Tị Nạn LHQ phải giữ vai trò điều hợp. Trong khuôn khổ đó, phải thăm dò nơi tất cả các quốc gia có liên quan để nói họ phải công khai tiêu chuẩn của họ cho mọi bên có thể lấy đó mà thảo luận.
Hội đồng Bộ trưởng vào tháng sáu 1979 đã quyết định chấp thuận cho một ngàn người Việt tị nạn ngoài mức hạn ngạch.
Những người tị nạn này đến Hòa Lan từ tháng tám 1979 theo sự chỉ định của Cao Ủy Tị Nạn LHQ, được lấy từ các trại tị nạn ở Mã Lai. Hòa Lan cử một ủy ban tuyển chọn đến Mã Lai. Trong ủy ban này có đại diện các bộ CRM, bộ Xã Hội và bộ Y Tế & Vệ Sinh Môi Trường. Sứ mệnh của họ là việc cứu xét sự ăn khớp với tiêu chuẩn và chuẩn bị sự tiếp nhận cho một số người tị nạn Đông Nam Á đang ở Mã Lai. Sự lựa chọn dựa trên tiêu chuẩn do Ủy ban Liên bộ về Vấn đề Người Tị Nạn soạn thảo, các tiêu chuẩn này được đưa ra chủ yếu liên quan đến thành phần xã hội của nhóm.
Sứ mệnh lọc lựa tại Mã Lai gặp khó khăn trong sự chọn ra một nhóm với một thành phần tương đối thuần nhất. Phó tiến sĩ J. van IJzeren (bộ CRM) biết chuyện này qua sự thanh lọc do Hoa Kỳ, Canada và Úc thực hiện. Bản báo cáo về công việc của nhóm, trong đó có bộ CRM góp phần, đã vạch ra rằng “Hoa Kỳ, Canada và Úc thoạt tiên chọn ra những người đã tốt nghiệp hoặc có trình độ học vấn và có những nghề cho họ có thể thích ứng được trong khuôn khổ chính sách nhập cư. Chuyện đó Úc vẫn còn đang thực hiện. Sự tiếp nhận những lượng người lớn hơn vào Canada và Hoa Kỳ đã làm giảm khả năng chọn lọc một cách như vậy. Những quốc gia còn lại, nếu nhìn từ quan điểm của chính sách thu nhận người tị nạn mà lại không chịu áp dụng những tiêu chuẩn như trên, sẽ phải đối mặt với hậu quả của chính sách đó, khiến cho họ vô cùng khó khăn mới có thể lấy ra một nhóm với thành phần tương đối thuần nhất để được thâu nhận.” Nhóm được cử đi chọn lọc, trong bản báo cáo tổng kết, đã đưa ra những lời khuyên như sau: Càng lúc càng thấy là phải đưa ra một mô thức nào đó cho tiến trình chọn lọc, dựa trên những kinh nghiệm đã thâu thập được. Thứ hai, phải theo dõi chặt chẽ những gì xảy ra tại các quốc gia trung chuyển có liên hệ đến sự chọn lọc, nhằm ngăn ngừa tình trạng Hòa Lan cuối cùng sẽ phải nhận những thành phần “xã hội không thể chấp nhận”. Và bản báo cáo cũng ủng hộ một sự hòa nhịp với nhau giữa các mặt về chính sách tiếp nhận, một chính sách tiếp nhận chung, do Cao Ủy Tị Nạn LHQ điều hợp.
Vì tình trạng nguy cấp của người tị nạn Đông Nam Á vẫn còn đang tiếp diễn, Ủy ban Liên bộ về Vấn đề Người Tị Nạn vào cuối năm 1979 đã khuyến cáo nên tăng mức hạn ngạch trong năm, đang là 750, lên gấp đôi, và riêng về thuyền nhân phải được cho phép thêm nhiều hơn nữa. Trong hạn ngạch là 1500, phải dành ra một ngàn chỗ cho Cao Ủy Tị Nạn LHQ. Chính phủ có thể bắt đầu với mức ra con số là sáu trăm người tị nạn sẽ được nhập cư. Đến giữa năm 1980 có thể cứu xét xem hiện trạng đang ra làm sao. Chính phủ đã nghe theo lời khuyên này của Ủy ban.
5. Nghi ngờ về vấn đề người tị nạn và cố gắng tìm cách kiểm soát con số được phép nhập cư (1980-1982)
Vào đầu tháng giêng 1980 người ta vẫn còn chưa chắc chắn về chính sách sẽ được áp dụng trong năm đó ra sao, bởi vì tình hình tài chính dành cho sự tiếp nhận người tị nạn trong năm 1979 vẫn còn là một vấn đề. Vào tháng chạp 1979 Cao Ủy Tị Nạn LHQ đã yêu cầu chính phủ Hòa Lan, trong năm 1980, phải tiếp nhận một ngàn người Việt tị nạn đang ở trong các trại tại Indonesia. Tháng sáu 1980 Ủy ban Liên bộ về Vấn đề Người Tị Nạn đưa ra lời khuyên cho Hội đồng Bộ trưởng “trong thời gian này” không nên đáp ứng lời yêu cầu của Cao Ủy một cách sốt sắng. Lý do cho sự từ chối này là có một làn sóng rất lớn những cá nhân lẻ tẻ xin tị nạn và một con số đáng kể những bổn phận phát xuất từ việc tiếp nhận một số lớn thuyền nhân và do đoàn tụ gia đình. Ủy ban Liên bộ về Vấn đề Người Tị Nạn khuyên Hội đồng Bộ trưởng là sẽ tái cứu xét yêu cầu của Cao Ủy vào tháng chín 1980.
Hơn một năm sau, vào tháng hai 1981, lần đầu tiên Tiểu ban Tị Nạn, trực thuộc Ủy ban Liên bộ về Chính sách cho Dân Thiểu Số (là tiếp nối của Ủy ban Liên bộ về Vấn đề Người Tị Nạn) ngồi họp với nhau. Đại diện bộ CRM đưa ra phân tích vấn đề những người bị đắm tàu. Bộ cho là từ mười đến hai mươi phần trăm người Việt tị nạn là tị nạn thật, số còn lại là tị nạn vì lý do kinh tế. Có lẽ có những lợi ích thương mại nào đó phía sau chuyện những chiếc tàu Hòa Lan tiếp nhận những người tị nạn bị đắm ghe. Đại diện Bộ Tư Pháp, Wendt, thấy chẳng có gì phấn khởi khi phải chất vấn những người bị đắm ghe xem họ có được xếp vào hạng A (2) hay không. Hạng này khi đó được tự động cấp cho họ. Chính sách này được sự hỗ trợ của Cao ủy Tị nạn LHQ. Chủ tịch Ủy ban Liên bộ (là Bộ Ngoại Giao) giải thích sự tiếp nhận những người bị đắm tàu trên thực tế diễn tiến ra sao. Những chiếc tàu Hòa Lan chở họ đến Singapore và đưa lên bờ. Chính phủ Hòa Lan cam đoan với giới chức địa phương là trong vòng ba tháng họ sẽ được đưa tới Hòa Lan nếu họ không xin được nước nào khác tiếp nhận. Một sự đơn phương thay đổi một cách quyết liệt trình tự này theo như ông chủ tịch (tức Bộ Ngoại Giao) chắc là không thực hiện được trên phương diện quốc tế. Bộ Ngoại Giao nhận thấy là cần phải suy nghĩ thêm nữa về chuyện đưa ra một lời bảo đảm để làm nền móng cho chính sách tiếp nhận. Bộ thấy một lời cam kết với Cao Ủy Tị Nạn LHQ là sẽ nhận một số người tị nạn ở trong các trại giống như số người bị chìm ghe và được tàu Hòa Lan vớt có thể là giải pháp trung gian. Những người được tàu Hòa Lan vớt sẽ vào trại chờ tới phiên. Bằng cách này, người ta có thể tránh được chuyện “giành chỗ của những người đang xếp hàng” và sẽ có thể thực hiện được cuộc thanh lọc những người tị nạn nào Hòa Lan muốn nhận. Những người bị đắm ghe nằm ngoài hạn ngạch. Hòa Lan đã cùng với quốc tế tham gia chương trình ‘ra đi có trật tự’, và như thế khi có các thay đổi về chính sách cũng phải ăn nói thế nào cho xuôi với quốc tế. Bộ Ngoại Giao sẽ thăm dò quốc tế, kể cả Cao Ủy Tị Nạn LHQ, về sự khả thi của một điều chỉnh theo kiểu này.
Tiểu ban Tị Nạn muốn là tạm thời không để những thuyền nhân nằm ngoài hạn ngạch. Tiểu ban nghĩ tới chuyện là ngoài những thuyền nhân sẽ có hai trăm người được nhận vào Hòa Lan. Căn cứ trên quan điểm là con số thuyền nhân sẽ được chấp thuận do đó vẫn phải còn nằm trong hạn ngạch, Ủy ban Liên bộ về Chính sách cho Dân Thiểu Số đề nghị là hoãn chuyện nhận những người khác cho tới cuối năm. Hiện thời thì có tối đa một nhóm năm mươi người có thể được nhận vào, những người này phải nằm trong số có thân thích ruột rà với người Việt đã ở Hòa Lan rồi. Con số năm mươi, theo như đề nghị, là lấy từ con số những trường hợp tối khẩn cấp trong khuôn khổ những hồ sơ xin đoàn tụ gia đình.
Trong một cuộc họp với Tiểu ban Tị Nạn ngày 10 tháng chín 1981, Bộ Ngoại Giao thông báo là các quốc gia khác tỏ ra lạnh nhạt về bản thông báo về ‘chương trình ra đi có trật tự’ mà Hòa Lan đưa ra. Những quốc gia đã nhận một số đông người Việt như Hoa Kỳ, Úc và Pháp không có mối quan tâm lớn tới vấn nạn của một lời cam kết bảo đảm. Đại diện của Bộ Tư Pháp thông báo là Hòa Lan, do hậu quả của lời cam kết, bắt buộc phải cho phép thuyền nhân vào. Những sự đánh giá về động cơ vượt biên trên từng cá nhân của hạng người tị nạn này, mà bà đại diện của Bộ Gia Cư và Quy hoạch Đất đai (Voro) đang thúc ép, theo như Bộ Tư Pháp, là không hợp lúc. Bộ Voro một lần nữa thúc ép phải xem lại diện của những thuyền nhân xem có phản ánh đúng không. Theo như Bộ Tư Pháp, những đánh giá về động cơ vượt biên trên từng cá nhân sẽ đúng nếu Hòa Lan lại thâu nhận người tị nạn từ các trại. Chủ tịch buổi họp (Bộ Ngoại Giao) đề nghị là khi đến họp với Ban Chấp hành của Cao Ủy Tị Nạn LHQ sẽ hỏi xem là họ có thể chấp thuận cho một lời cam kết bảo đảm là sẽ tiếp nhận, để thay cho việc tiếp nhận người tị nạn từ trong trại hay không. Ông Vos (Bộ Xã Hội) sợ là Hòa Lan sẽ “tương đối có ít sự phản kháng khi họp” và sẽ phải nhận người từ các trại, bởi vì tiêu chuẩn thanh lọc của các quốc gia khác khắt khe hơn. Bộ Tư Pháp thì phân vân tự hỏi không biết Hòa Lan có thể hoàn toàn thoát khỏi vụ cam kết bảo đảm hay không. Bộ Ngoại Giao cho rằng trong lúc này những đề nghị sâu rộng hơn không thể mang ra bàn cãi trong một phiên họp quốc tế được. Buổi họp ra quyết định là Bộ Ngoại Giao sẽ soạn thảo một văn bản để đưa ra Hội đồng Bộ trưởng, trong đó có phần sẽ hỏi Cao Ủy Tị Nạn LHQ về vấn đề ủy quyền đàm phán, làm sao cho họ chịu lãnh nhận sự chuyển giao lời cam kết bảo đảm. Văn bản này phải được đưa ra Hội đồng Bộ trưởng để thảo luận chậm nhất là ngày 2 tháng mười. Buổi họp kế tiếp của Ban Chấp Hành sẽ là ngày 22 tháng mười. Trong buổi họp này lời đề nghị đã được đưa ra thực. Phản ứng của các thành viên Ban Chấp hành về đề nghị của Hòa Lan tỏ ra không thuận lợi. Họ lên tiếng đòi duy trì lời cam kết bảo đảm. Vậy là sau đó, do sự phức tạp của các yếu tố, một nhóm làm việc đã được thành lập, trong đó Hòa Lan cũng dự phần.
Trong buổi họp mở rộng của Ủy Ban vào ngày 1 tháng ba 1982, Thứ trưởng Tư Pháp đề nghị từ nay những thuyền nhân bị đắm ghe sẽ không được tính vào hạn ngạch hàng năm nữa. Đề nghị này được Tiểu ban Tị Nạn mang ra bàn thảo vào ngày 6 tháng tư 1982. Đại diện của các Bộ Nội Vụ, Xã Hội và Tài Chính ký một văn bản phản đối việc đưa thuyền nhân Việt Nam ra ngoài hạn ngạch, bởi vì nó sẽ làm gia tăng số người tị nạn và tạo áp lực lên mô thức tiếp nhận (phần việc của Bộ CRM), lên những thị xã sẽ tiếp nhận (phần việc của Bộ Nội Vụ). Bộ Tài Chính thì thông báo là về mặt cấu trúc, không có tiền cho việc tiếp nhận 1750 người tị nạn. Buổi họp đưa ra lời khuyên là năm nay sẽ không cứu xét đề nghị này của ông Thứ trưởng, trước hết cần phải đánh giá những kinh nghiệm qua mô thức tiếp nhận mới.
Vào mùa hè 1982 Cao Ủy Tị Nạn LHQ một lần nữa kêu gọi Hòa Lan cho một hạn ngạch tiếp nhận người Việt tị nạn. Buổi họp quyết định để Hội đồng Bộ trưởng đề nghị tiếp nhận 260 trường hợp “thương tâm” của những người thuộc diện đoàn tụ gia đình hiện đang ở trong các trại. Tiểu ban Tị Nạn khuyên Hội đồng Bộ trưởng đừng chấp thuận lời yêu cầu của Cao Ủy Tị Nạn LHQ về một hạn ngạch bổ sung cho việc tiếp nhận những người tị nạn.
***
Rốt cuộc, có thể thấy rõ là ban đầu, chính sách về người Việt tị nạn còn rụt rè. Dưới áp lực của Cao Ủy Tị Nạn LHQ, của tòa đại sứ và của dư luận chính trị, con số người tị nạn được Hòa Lan tiếp nhận đã tăng lên. Một diễn tiến tương tự cũng đã được thấy trong chính sách áp dụng cho người tị nạn từ Chili.
Trong khoảng thời gian 1975-1982, Hòa Lan đã tiếp nhận khoảng sáu ngàn người Việt tị nạn. Con số lớn nhất (2231) là vào năm 1979. Bảng dưới đây cho thấy hình ảnh của việc tiếp nhận người Việt tị nạn giữa 1975 vá 1982.
Số người Việt tị nạn được mời đã đến được Hòa Lan (1975-1982)
Năm |
Số người |
1975 |
16 |
1976 |
78 |
1977 |
53 |
1978 |
100 |
1979 |
2.231 |
1980 |
1.560 |
1981 |
1.135 |
1982 |
510 |
Con số thuyền nhân trong các năm này lần lượt là 1118 (năm 1979), 930 (năm 1980), 831 (năm 1981) và 353 (chín tháng đầu năm 1982). Trong khuôn khổ đoàn tụ gia đình, con số người Việt được chấp thuận, bắt đầu từ 1979 là 33 (năm 1979), 49 (năm 1980), 191 (năm 1981) và 91 (chín tháng đầu năm 1982)
Cho tới 1980, những người Việt tị nạn được đưa đến các trung tâm tiếp nhận (vốn là tu viện, bệnh viện, khách sạn). Công tác tiếp nhận và hướng dẫn nằm trong tay VVN (Hội Công tác Giúp Người Tị Nạn Hòa Lan). Chính thức thì bộ CRM có trách nhiệm về tiếp nhận và hướng dẫn cũng như tài trợ cho sự định cư của người tị nạn. Cho tới tháng giêng 1979 chỉ có một trung tâm tiếp nhận được đưa vào sử dụng. Đầu năm 1980 con số này tăng lên tới bốn mươi. Kể từ tháng sáu 1980 tất cả những người tị nạn được đưa về ở trong căn nhà chuyển tiếp ở Leerdam trong một thời gian ngắn. Ở đó họ sẽ được khám sức khỏe và được chia đi các trại tiếp cư khác nhau. Kể từ tháng năm 1981 VVN chấm dứt sự trợ giúp những người tị nạn được mời. Việc tiếp nhận khi đó được tổ chức theo cách khác. Trước tiên, những người tị nạn được tiếp nhận tập trung trong vòng khoảng sáu tuần lễ, sau đó họ sẽ được chia thành từng nhóm chính thức định cư tại một thị xã nào đó. Bộ WVC (An Sinh, Sức Khỏe Cộng Đồng và Văn Hóa, kế tục bộ CRM trong cuộc cải tổ quốc hội) chịu trách nhiệm trực tiếp cho việc tiếp nhận tập trung. Các thị xã chịu trách nhiệm trong công tác hướng dẫn.
.
Nguyễn Hiền
Trích từ: Asielbeleid en belangen – Het Nederlandse Toelatingsbeleid ten aanzien van vluchtelingen in de Jaren 1968-1972. Jan Willem ten Doesschate. Nxb Hilversum Verloren (1993).
______
Chú thích của người dịch:
(1) Trong khoảng thời gian này, số người được chấp thuận cho tị nạn theo diện ‘được mời’ từ các quốc gia đó là 316 (Uganda), 1070 (Chili), 75 (Ba Lan) và 21 (Irak). Người tị nạn của 2 quốc gia sau cùng bắt đầu đến Hòa Lan tị nạn vào năm 1982, khi làn sóng người Việt tị nạn bắt đầu giảm.
(2) Người tị nạn được xếp vào hạng A nếu thỏa mãn các điều kiện được ấn định trong Thỏa Ước về Người Tị Nạn, ký kết tại Genève năm 1951. Những người này là vluchtelingen. Được xếp vào hạng B khi được công nhận là người tị nạn theo diện nhân đạo do tình hình chính trị của quốc gia gốc. Những người này thường được gọi là asielzoekers – người xin tị nạn. Những người không nằm trong 2 diện trên, nếu không bị từ chối hoàn toàn thì được cấp phép tạm cư (vergunning tot verblijf).
***
Jan Willem ten Doesschate (1953) khi viết cuốn biên khảo này là giáo sư sử tại một số trường trung học ở Nijmegen và là thành viên của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học Hòa Lan.
Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/xahoi/chinhsachnhannguoiviet.htm