Phan Văn Song


Khi những thần tượng cách mạng biến thành những đồ tể:

Cách mạng cần phải đổ máu?

Đến ngày nay, Robespierre vẫn còn kẻ ghét, người thương!

.

Với cảm nghĩ cá nhơn, Robespierre là biểu tượng của cái quá khích của con người cách mạng. Và có thể nói rộng ra là cả cái quá khích của đạo đức cách mạng. Tuần nầy xin nói chuyện người, và xin kể chuyện ông Maximilien Robespierre, người anh hùng cách mạng Pháp của Đại Cách Mạng Pháp của thế kỷ thứ 18 (1789), một con người đầy uẩn khúc, đầy bàn cãi, lắm kẻ ngưỡng mộ, nhưng cũng lắm người chê bai, ghen ghét!

1/ Biết thời thế:

Maximilien de Robespierre hay Maximilien Robespierre sanh ngày 6 tháng 05 năm 1758, bị hành quyết (chặt đầu bằng máy chém – guillotine) ngày 28 tháng 07 năm 1794, luật sư, một nhơn vật hàng đầu của cuộc Đại Cách Mạng Pháp, đến ngày nay vẫn là một nhơn vật điển hình của một cuộc Cách Mạng đầy tranh cãi, lắm kẻ ghét nhưng cũng nhiều người thương!

Tuồi trẻ học rất giỏi, trung học ở Louis le Grand, Paris (cùng với trường trung học Henri IV, là hai trường trung học lớn nhứt xứ Pháp và Paris, nổi tiếng cả đến ngày nay).

Tốt nghiệp Luật sư năm 1781, ông hành nghề ở Luật sư đoàn vùng Artois (Bắc Pháp) và có lúc hành sự thẩm phán.

Đắc cử dân biểu thuộc Thành phần thứ Ba – Tiers état của Viện các Thành phần Chánh – Les États Généraux, một tổ chức mới được Vua Louis XVI chấp nhận cho thành lập, gồm các đại biểu đại diện các (3) thành phần chánh của xã hội để cùng Vua quản trị đất nước.

Đây là Viện Lập Pháp đầu tiên ở Pháp, khai trương nền dân chủ bằng một chế độ Quân chủ lập hiến – mặc dù ở Anh với Magna Carta đã có rồi, với nhóm quý tộc chia quyền với Nhà Vua, nhưng không có Thành phần thứ Ba – Tiers état, đại diện cho thường dân.

(Thành phần thứ Ba, tuy là một thành phần xã hội vẫn có sẵn từ thời xa xưa trong các lịch sử nhơn loại, thành phần phục vụ các triều đại, sanh hoạt chung quanh các triều đình, tại nhiều quốc gia, xuyên các dân tộc, toàn khắp thế giới, Á cũng như Âu. Vì đó là một đại đa số trong các thành phần xã hội, tự nhiên, gồm những người dân phục vụ cho hai đẳng cấp xã hội thượng lưu là quý tộc và giáo quyền thường ngày. Nhưng phải chờ đến lúc bấy giờ, năm 1789, vào buổi bình minh của Đại Cách Mạng, ở Pháp, mới được nhìn nhận.

Gọi là chánh, vì thành phần thứ ba nầy được chọn lọc, đây là phần có tiền, có của, có học, có hành của thành phần nầy, là dân trí thức, là thương gia, là ngân hàng,... thuộc giới xã hội trung gian, dịch vụ, cho hai giới thượng lưu kia – tiếng Pháp gọi chung là Les bourgeois (những người trong thành phố – les bourgs, khác với nông dân – paysans hay dân ngành nghề artisans. Từ cộng sản gọi chung là tiểu tư sản. Và đám người sau là bần cố nông.

Vào thế kỷ thứ XVIII mà đã nhìn nhận được một tiers-état, chấp nhận cho giai cấp tiers-état tham gia chánh quyền, chia quyền Lập Pháp thật sự là một cuộc cách mạng lớn lao, một cách mạng tư duy, một cái nhìn hoàn toàn đổi mới! Tư tưởng dân chủ đã bắt đầu chớm nở.

Nên biết rằng, hệ thống xã hội và tư duy xã hội của thời bấy giờ, thế kỷ thứ XVIII, dưới triều đình, xã hội chỉ gồm có hai (2) giai cấp chánh. Nhà Vua, do Ơn Chúa (Âu), hay Thiên Tử (Á), thống trị cùng với hai giai cấp phụ tá, một thế quyền, với Quý Tộc – Aristocratie và thần quyền, với Giáo quyền – leClergé. Nói tóm lại, nhà Vua với gia đình nhà Vua thống trị toàn bộ tài sản và thể xác con người và đất nước (thế quyền) và với Giáo hội thống trị toàn bộ linh hồn con người và đất nước (thần quyền). Phần còn lại, giáo dân, hay thần dân đều là bầy tôi, là dân chúng, chỉ là bầy nô lệ, là đầy tớ nay có thể gọi chung là thành phần thứ Ba của xã hội. Hôm nay mới được cho phép có chỗ đứng!)

Maximilien de Robespierre, con một gia đình quý tộc hạng nhỏ – petite noblesse, đã bỏ thủ ngữ “de” thành Maximilien Robespierre, để trở thành một gia đình thuộc thành phần thứ ba.

Thật sự mà nói trong từ ngữ “Thành phần thứ Ba” của xã hội phong kiến âu châu bấy giờ là một từ chung trong ấy gồm cả các nông dân nghèo khổ – cộng sản gọi là “bần cố nông” – và gồm cả các giai cấp trung lưu khác, làm nghề trao đổi, buôn bán, dịch vụ, ngân hàng, luật sư, thầy giáo...Vì vậy trong Viện Lập Pháp đầu tiên nầy, mới thêm từ Chánh – États Généraux!

Từ ngữ cộng sản về sau, đặt thêm tên cho giai cấp “nửa chừng xuân nầy” là tiểu tư sản – petit bourgeois (tạch tạch sè, phải giết phải diệt). Một giai cấp, tuy thuộc Thành phần thứ Ba nhưng phải diệt, vì là một giai cấp có hiểu biết, có đầu óc và có suy nghĩ.

2/ Sử dụng thời thế:

Đại biểu thành phần thứ Ba – Tiers état của Viện các Thành phần Chánh – États Généraux năm 1789, Robespierre nhanh chóng biến thành một nhà lãnh đạo của nhóm “Dân Chủ – les Démocrates” của Viện Lập Hiến – La Constituante. Nhóm anh chủ trương, nào phế bỏ án tử hình (Nhưng 4 năm sau, 1793, lại cùng với Chánh phủ khủng khiếp hay khủng bố – gouvernement de la Terreur, anh là người ra lệnh chặt đầu thiên hạ nhiều nhứt). Anh cũng chủ trương hủy bỏ Nô lệ, ủng hộ cho quyền bầu cử cho người da đen, cho người Do thái giáo và cho các kịch sĩ – comédiens. Anh ủng hộ phổ thông đầu phiếu – suffrage universel và quyền bình đẳng (cho mọi thành phần xã hội – lúc ấy chưa nói đến bình đẳng phụ nữ.Và anh chống lại đặc quyền bầu cử – suffrage censitaire (chỉ có người đóng thuế mới được quyền bầu cử).

Anh cũng quyết định phải kiểm soát chặt chẽ Phòng Chứng Khoán – La Bourse.

Anh khó khăn đến nỗi dư luận gọi anh là Ông Thanh LiêmL’Incorruptible. Không có gì mua chuộc anh được.

Nói tóm lại, Maximilien Robespierre là một nhà dân chủ thật sự, một nhà cách mạng đúng với định nghĩa ngày nay. Còn hơn thế nữa, anh là một con người Thanh liêm. Con người với một Đạo đức Cách mạng được gọi là điển hình, là tiêu biểu. Trong một thời kỳ đầy tranh tối tranh sáng, trắng đen lẫn lộn. Lắm chuyện, Cướp bóc, Đập phá, Hôi của, Giết người! Gán một tội phản cách mạng, mang một tội quý tộc, thân giáo quyền, là bị chặt đầu, bêu đầu, của cải bị cướp giựt ngay… Chuyện đút lót, mua quan bán chức đều có thể xảy ra. Thế mà ông “Thanh Liêm”, giữ sòng phẳng, thanh liêm. Đó là một gương sáng! Thế nhưng, con người thanh liêm trong sáng ấy, giữ lễ, giữ lề, giữ lẽ phải, cứng rắn, trong sạch, chẳng bao lâu biến thành một người quá khích, bằng mọi giá, nhơn danh cách mạng, sẵn sàng giết để cách mạng thành công!

Vận hành Cuộc Đại Cách Mạng Pháp lắm nỗi gian truân đưa đẩy, Robespierre, xã viên của Công Xã Paris Nổi Dậy – La Commune insurrectionnelle de Paris, đắc cử vào Hội Đồng Quốc gia – La Convention Nationale. Ở đây anh ngồi cùng với nhóm Trên Núi – Sơn tinh – La Montagne quá khích, cứng rắn, tả pháivà chống với nhóm Thủy tinh – La Gironde, ôn hòa, trung dung hữu phái. Sau những ngày tranh chấp cãi vã, chia rẽ giữa hai phái, đầy khó khăn, của những ngày 30 tháng 05 và 2 tháng 06 năm 1793, ngày 27 tháng 07 năm 1793 anh gia nhập Ủy ban Cứu Quốc – Comité de Salut Public.

3/ Độc Tài:

Và ở đây, cùng các đồng chí anh, thành lập chánh phủ cách mạng và khủng bố La Terreur.

Thoạt đầu, để chống lại không khí đe dọa chiến tranh đối ngoại chống Liên hiệp các vương triều Anh Phổ Áo... đang thành lập đồng minh chống Cách mạng Pháp. Sau đó, chống những tư tưởng, chủ bại, đối lập, cùng với đe dọa nội chiến do các tỉnh, các vùng bảo hoàng, thiên Giáo hội Thiên chúa Giáo chống cách mạng… (Vùng Vendée – Tây Nam Pháp đang nổi dậy, nhóm đòi nước Pháp phải liên bang hóa…) có kẻ đòi ly khai, có người cần phá hoại Cách mạng…

Mùa Xuân 1794, Robespierre cùng các đồng chí của mình trong Ủy ban Cứu Quốc quyết định bắt giam nhóm Hébertistes, các đồng chí của Jacques - René Hébert, người trưởng nhóm của hội quán đường Cordeliers, một nhóm cực tả quá khíchles Exagérés, đòi cách mạng tới cùng, xóa bỏ Thiên Chúa Giáo. Và đồng thời, cũng quyết định bắt luôn Danton và nhóm Trung hữules Indulgents, ôn hòa, trung dung...

Sau một phiên tòa vội vã, các lãnh đạo cả hai nhóm đều bị kết án và bị tử hình (máy chém).

Từ nay Maximilien Robespierre và các các đồng chí mình Saint Just, Couthon, Le Bas, và cậu em ruột Augustin Robespierre... cùng các bạn hữu đã, cùng một lúc, loại bỏ hai cánh tả hữu của Ủy ban Cứu Quốc độc diễn, độc tài cách mạng, độc tài Yêu nước.

4/ Ngày 10 Thermidor năm II, gặp nạn và gãy cánh:

Ngày nói tên trên đây là ngày nói theo tên của lịch Cách mạng hay lịch Cộng hòa Pháp. Được lưu hành từ 1792 đến 1806. Bắt đầu áp dụng ngày 15 Vendémiaire năm II (6 tháng 10-1973) nhưng thật sự đã bắt đầu có hiệu lực ngày 1 vendémiaire năm I (22 tháng 09 năm 1792) rồi. Vì ngày ấy được tuyên bố là Ngày Cộng hòa Pháp, bắt đầu gọi là “kỷ nguyên người Pháp – L’ère des français”.

Lịch nầy tính theo thể thập phân – décimale, để lánh xa lịch grégorien của Thiên Chúa Giáo:

Năm Cộng hòa gồm 12 tháng 30 ngày (360 ngày). 5 ngày hay 6 ngày (năm nhuận) còn lại là những ngày nghỉ Cộng hòa, để hòa nhịp với lịch thiên văn(365,25 ngày).

Mỗi tháng Cộng hòa gồm 3 tuần 10 ngày.

Tùy mùa các tên tháng mang tên hợp thời tiết:

Thí dụ Mùa Thu mang tiếp vĩ ngữ aire: 1/Vendémiaire mùa gặt – vendanges 2/ Brumaire mùa sương – mù brumes 3/Frimaire mùa lạnh – frimas.

Ngày 8 Thermidor năm II (26 tháng 07 năm 1794) Robespiere bắt đầu bị cô lập trong một buổi họp, và bị nhốt ở một phòng họp của Hội Đồng Quốc Gia – Convention Nationale. Người em Augustin, cùng ba người đồng chí thân cận là Couthon, Le Bas và Saint-Just của anh cũng bị các đồng nghiệp của Hội Đồng Quốc Gia – la Convention Nationale bắt giam.

Công Xã Paris – la Commune insurrectionnelle de Paris, ủng hộ Robespierre và bạn hữu, phản đối Hội Đồng Quốc Gia, bèn nổi dậy, đòi đem quân, đến giải cứu bọn ông. Đang cù cưa, thương thuyết, Hội Đồng Quốc Gia bèn tuyên án ông và đồng bọn “ngoài vòng pháp luật”, thành lập nhanh chóng một tòa án, chiều ngày 10 Thermidor, quyết định xử trảm, chém đầu ông cùng 21 bạn hữu.

Thật là:

“...Kêu lắm lại càng tan tác lắm,

Thế nào cũng một tiếng mà thôi!”

(Bài Vịnh Thơ Pháo của Nguyễn Hữu Chỉnh, cũng một tay anh hùng thất vận mất đầu!

Dẹp xong nhóm Robespierre, chánh phủ cách mạng và khủng bố cũng bị dẹp luôn.

Thay lời kết:

Tại sao ngày nay, nước Pháp vẫn sợ những cải tổ những cách mạng? Tại sao hình bóng của Robespierre vẫn ám ảnh lịch sử Pháp từ hai thế kỷ nay?

Tất cả bắt đầu từ cuộc Đại Cách mạng Pháp, và tất cả đều lại trở về cuộc Đại Cách Mạng 1789!

Do đó, chiến thắng của “tư tưởng trung dung ôn hòa không tả không hữu”, của Emmanuel Macron, đang gợi dân Pháp trở về với tư tưởng của thế kỷ Ánh Sáng – le siècle des Lumières. Cũngdo đó bắt buộc mỗi người Việt chúng ta phải đọc và xem xét lại lịch sử nước Pháp để có một hướng suy nghĩ cho Việt Nam tương lai chúng ta.

Đại Cách Mạng có những thành tựu đáng kể. Tạo một quốc gia có bình đẳng, biết tôn trọng tự do cá nhơn, tôn trọng nhơn quyền. Tạo một nền Cộng hòa, pháp trị, hiến định. Tạo một nền Dân chủ đầy đủ tam quyền phân lập rõ ràng, có một chế độ bầu cử phổ thông đầu phiếu tuy gián tiếp nhưng nếu cần vẫn tổ chức những cuộc trưng cầu dân ý. Tạo một đời sống xã hội, hài hòa, cân bằng, trọng luật pháp. Có một nền kinh tế tự do tư bản chủ nghĩa kinh tế thị trường, nhưng vẫn chú trọng đến công bằng xã hội, với một nền y tế cộng đồng cao. Có một nền Giáo dục và văn hóa nhơn bản, khoa học tiên tiến… và dĩ nhiên nước Cộng hòa Pháp là một quốc gia tiên tiến cường quốc đứng hàng thứ năm trên thế giới...

Thế nhưng, trong vận hành lịch sử vẫn có những thiếu sót, những cố chấp, những quá khích. Và những tội lỗi của thời quá độ vẩn tiếp tục ám ảnh, như sự giết hại đồng bào vùng Vendée (Giả thuyết quân Cách Mạng Pháp đã diệt chủng dân Vendéens ngày nay vẫn còn giá trị. Vì trong 3 năm (1793 – 1796) càn quét dân chúng vùng Vendée, trong một địa thế chỉ với 10.000 cây số vuông, chỉ với 850.000 dân lúc bấy giờ, đã tạo trên 200.000 nạn nhơn. Quân đội Cách Mạng cũng thiệt hại từ 30.000 quân đến 80.000 quân, không được thống kê rõ ràng vì vấn đề chánh trị)...

Và chưa kể những nạn nhơn của chánh phủ khủng bố: Từ Ông Hoàng Louis XVI, bà Hoàng Marie-Antoinette, đến thứ dân, các lãnh đạo chánh trị, hữu phái Danton, tả phái Hébert, đến cả ông trùm chánh sách khủng bố là Robespierre cũng “mất đầu”. Con số ước lượng, độ 17.000 người, bị tuyên án tử hình theo các tài liệu chánh thức của các Tòa án cách mạng.

Thực sự mà nói, phải tính thêm, và con số có thể là 40.000 người, vì có một lô người ở những thời gian đầu không kịp tuyên án, bị bắt kéo ra và chém bừa.

Theo thống kê, 85% nạn nhơn thuộc thành phần thứ Ba – Tiers état, 8,5% giới quý tộc, 6,5% Giáo quyền. Nhưng theo lý luận toán học, vì dân số hai giai cấp thượng lưu ít hơn giai cấp thứ Ba thường dân, nên tuy tỷ lệ chung là như vậy, chứ tỷ lệ thiệt hại hai giai cấp thượng lưu thật sự lớn hơn…

Đại Cách mạng Pháp ngày nay, vẫn tiếp tục ám ảnh các sử gia, các nhà trí thức Pháp đã đành. Các chánh trị gia cũng không tránh khỏi, dù có ngưỡng một hay không; dù có tư tưởng thiên tả, yêu nền cách mạng và cộng hòa; hay dù có tư tưởng hữu phái, tư bản, yêu ổn định và truyền thống; dù có tư tưởng thế tục hay tư tưởng tôn giáo; ngay cả đến những thường dân Pháp, vẫn sợ chữ Révolution, Cách mạng, rất sợ những Réformes, Cải tổ. Vì sợ? xáo trộn? hay vì ám ảnh, sợ mãi….

Hình ảnh một Robespierre, thanh liêm, trong sạch Incorruptible cuối cùng biến thành anh đồ tể.

Một Saint Augustin thánh thiện biến thành một Staline, một Lénine, một Mao Zédong, một Hồ Chí Minh, bắn vào dân, đày dân, giết dân, dùng xe tăng cán dân, nhơn danh Cách Mạng!

Và cái tội của Đại Cách Mạng Pháp vẫn, 200 năm sau, tiếp tục ám ảnh dân Pháp. Và dân Pháp phải tiếp tục, vẫn phải chấp nhận, vỗ ngực tự thú tội và lên tiếng xin lỗi Mea culpa, mea maxima culpa, Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng

Không Đại Cách Mạng Pháp vẫn chưa chết! Các xác chết do Đại Cách Mạng Pháp và bóng ma của Đại Cách Mạng vẫn ám ảnh đất nước Pháp.

Thế còn những đệ tử của Cách mạng quốc tế Cộng sản Lénine, Staline, Mao, Hồ và đồng bọn? Có bị ám ảnh bởi 100 ngàn nạn nhơn không?

Hỏi chơi thôi. Chúng ta ai ai cũng rõ câu trả lời rồi.

Hồi Nhơn Sơn, chiều cuối Thu.
Phan Văn Song  


Cái Đình - 2017