Phạm Ðình Lân
Yasukuni và Mao Zedong: Hai biểu tượng
…Ðền Yasukuni và Mao Zedong đều là biểu tượng. Biểu tượng nào bền vững và nặng cân hơn? Đó là do sự cảm nhận riêng của nhân dân Nhật và Trung Hoa. Nhưng cả hai biểu tượng đều lấp lánh màu đỏ của máu và lửa chiến tranh.
Ngày 26-12-2013 là ngày sinh thứ 120 của chủ tịch Mao Zedong (Mao Trạch Đông) trên lục địa Trung Hoa. Vào ngày nầy thủ tướng Nhật Shinzo Abe thăm viếng đền Yasukuni sau một năm trở lại nắm chức vụ thủ tướng. Đền Yasukuni và Mao Zedong trở thành biểu tượng của hai quốc gia Đông Á, hai cường quốc kinh tế và quân sự trong vùng. Hai quốc gia này có nguy cơ làm cho chiến tranh bùng nổ vì tranh chấp chủ quyền trên chòm đảo Senkaku (Trung Hoa gọi là Diaoyu) và vì việc đơn phương thiết lập Vùng Không Gian Phòng Thủ và Nhận Dạng của CHNDTQ bao gồm luôn cả không phận chòm đảo Senkaku.
Biểu tượng của đền Yasukuni
Đền Yasukuni là đền thờ Thần Giáo, thờ 2,5 triệu vong linh các chiến sĩ kể cả 14 vị tướng lãnh và lãnh đạo cao cấp như đại tướng kiêm thủ tướng Hideki Tojo trong đệ nhị thế chiến. Thủ tướng Tojo tiêu biểu cho đường lối quân phiệt Nhật Bản. Ông là người có vai trò chủ yếu trong việc bành trướng đế quốc Nhật trong đệ nhị thế chiến. Ông bị xử tử năm 1948 vì tội ác chiến tranh. Khi mới thành lập, đền mang tên Tokyo Shokonsha (Miếu Chiến Sĩ Trận Vong Đông Kinh). Đến năm 1879 Tokyo Shokonsha được đổi thành Yasukuni Jinja ở Chiyoda, Tokyo.
Yasukuni thờ các tử sĩ bỏ mình vì Thiên Hoàng và vì nước Nhật do Thiên Hoàng Meiji (Minh Trị) lập ra năm 1869 để thờ các hiệp sĩ ủng hộ Thiên Hoàng trong cuộc canh tân đã đánh nhau với phe bảo thủ của tướng quân Yoshinobu trong cuộc chiến Boshin (Chiến Tranh Mậu Thìn 1868), các chiến sĩ chết trong cuộc nổi dậy Satsuma năm 1877 do Saigo Takamori (1828-1877) chỉ huy. Saigo Takamori là hiệp sĩ tôn thờ tinh thần võ sĩ đạo. Ông ủng hộ Thiên Hoàng nhưng có vẻ không thích canh tân theo Tây Phương vì sợ vai trò của các hiệp sĩ không còn nữa. Ông đề nghị xâm chiếm Triều Tiên khi Nhật mới bắt đầu canh tân. Lời đề nghị của ông bị bác. Ông thua buồn về mở trường đào luyện hiệp sĩ ở Satsuma trên đảo Kyu Syu để bảo tồn truyền thống võ sĩ đạo. Thiên Hoàng Meiji cho rằng Saigo lập võ trường để làm loạn vì võ trường có từ 20.000 - 30.000 người được huấn luyện để trở thành hiệp sĩ (Samurai). Triều đình cử binh đánh dẹp nhóm nổi loạn ở Satsuma. Saigo bị thương tích nặng nên yêu cầu thuộc hạ chém đứt đầu để quân triều đình không biết tông tích của ông. Trận Shiroyma là trận đánh đẫm máu giữa quân của Saigo và quân triều đình. Đó là lần cuối cùng các hiệp sĩ dùng thân xác của mình để nêu cao tinh thần võ sĩ đạo 9 năm sau cuộc canh tân. Về sau Thiên Hoàng cho dựng tượng của Saigo Takamori để tưởng nhớ đến một hiệp sĩ đã sống và chết đúng tinh thần võ sĩ đạo.
Đền Yasukuni cũng thờ các chiến sĩ Nhật bỏ mình khi đánh nhau với quân Trung Hoa trên bán đảo Triều Tiên năm 1894; với Nga ở Mãn Châu năm 1904 và trên eo biển Tsushima năm 1905; với quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng và du kích Cộng Sản trên lục địa Trung Hoa từ 1937 đến 1945; với quân Hoa Kỳ ở Phi Luật Tân; với Anh ở Mã Lai, Miến Điện; với Pháp trên bán đảo Đông Dương; với Hòa Lan trên đảo Indonesia trong đệ nhị thế chiến.
Tinh thần võ sĩ đạo của Nhật bị đồng hóa với tinh thần phát xít quân phiệt (militarism) khi Nhật xâm chiếm bán đảo Triều Tiên (1910-1945), đảo Taiwan (Đài Loan) (1895) theo hòa ước Shimonoseki; thành lập Manchukuo (Mãn Châu Quốc) (1932); xâm lăng Trung Hoa năm 1937 và bành trướng lãnh thổ sang các quốc gia Đông Nam Á trong đệ nhị thế chiến từ năm 1940 đến 1945.
Từ năm 1978 về sau Nhật hoàng Hirohito và Akihito không thăm viếng đền Yasukuni vì không muốn các quốc gia láng giềng, nhất là Trung Hoa, quốc gia bị Nhật xâm chiếm năm 1937 với cuộc thảm sát Nanjing luôn luôn được lịch sử Trung Hoa không ngừng nhắc đến, như gợi lên sự hận thù giữa hai dân tộc Hoa - Nhật. Nó cũng tạo một vết thương đối với Triều Tiên, xứ bị Nhật đô hộ từ năm 1910 đến khi đệ nhị thế chiến chấm dứt. Triều Tiên vẫn còn bị ám ảnh vì sự đô hộ của Nhật trong 35 năm nói trên. Thêm vào đó là cơn ác mộng của một số phụ nữ Triều Tiên bị làm nô lệ tình dục cho quân sĩ Nhật trong đệ nhị thế chiến vừa qua. Nhật đã lên tiếng xin lỗi Nam Triều Tiên và Trung Hoa về những việc làm của họ trong quá khứ . Họ bồi thường chiến tranh cho miền Nam Việt Nam, bồi thường cho các phụ nữ Triều Tiên bị cưỡng bức làm nô lệ tình dục v.v... Nhật chinh phục cảm tình các quốc gia Đông Nam Á bằng viện trợ kinh tế và bằng những hàng hóa do họ sản xuất vừa đẹp, bền bỉ, phù hợp với thẩm mỹ địa phương của từng quốc gia và từng dân tộc, vừa hợp với khả năng tài chánh của các dân tộc có lợi tức đồng niên thấp.
Năm 1985 thủ tướng Yashuhiro Nakasone thăm viếng đền Yasukuni và bị dư luận trong lẫn ngoài nước đả kích. Từ năm 2001 đến 2006 thủ tướng Junichiro Koizumi thăm viếng đền Yasukuni hàng năm làm cho CHNDTQ và Nam Hàn khó chịu. Koizumi là vị thủ tướng được dân chúng Nhật ái mộ. Ông thân thiện với tổng thống Bush II của Hoa Kỳ. Sau khi ông rời khỏi chánh quyền, thủ tướng Shinzo Abe không thăm viếng đền vì không muốn bị CHNDTQ chỉ trích. Ông muốn giữ bang giao tốt với Beijing vì cả hai nước đều có quan hệ kinh tế và thương mại rất quan trọng. Ông Abe giữ chức thủ tướng lần thứ nhất không đầy 1 năm (2006-2007).
Sự vươn lên của CHNDTQ về phương diện kinh tế lẫn quân sự làm cho các nhà lãnh đạo Nhật phải suy nghĩ. CHNDTQ giữ lấy địa vị hạng nhì về kinh tế trên thế giới trong tay Nhật. CHNDTQ chấn chỉnh quân đội, phát triển Hải Quân, đóng tàu chiến, mua hàng không mẫu hạm của Ukraine, sản xuất hỏa tiễn, phi cơ, võ khí phỏng theo kiểu của Nga, sản xuất phi cơ tàng hình, phóng vệ tinh nhân tạo lên không gian và mặt trăng v.v… Có dư luận cho rằng CHNDTQ sản xuất đủ thứ mặc dù không phát minh hay không có đóng góp gì cho khoa học kỹ thuật của nhân loại nhờ mua kỹ thuật của Anh, Pháp, Đức và Do Thái. CHNDTQ đe dọa các quốc gia láng giềng ở Đông Nam Á và tự cho mình có chủ quyền trên Lưỡi Bò do họ vẽ, chiếm 80% diện tích Biển Đông, tức là lối 3 triệu km2. Họ tranh chấp biển, đảo với Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai, Taiwan (Đài Loan) và Brunei. Từ năm 2010 trở đi họ cương quyết đòi chủ quyền trên đảo Senkaku, nghĩa là gây hấn để thăm dò thái độ và sức mạnh của Nhật. CHNDTQ cho tàu bè và phi cơ xâm nhập vùng biển và không phận chòm đảo Senkaku. Tháng 11 năm 2013 họ lập vùng không gian phòng thủ và nhận dạng rộng 300.000 km2 trên vùng Đông Trung Hải (East China Sea), kể cả không phận Senkaku và đảo đá ngầm leodo Rock (tên cũ khi Anh phát hiện đảo đá ngầm nầy là Socotra Rock) của Nam Hàn.
‘Rừng’ Đông Á có hai cọp: Cọp Nhật đã già. Cọp Trung Hoa Cộng Sản là cọp bịnh, ốm đói vừa mới được thức ăn bổ dưỡng. Abe thăm viếng đền Yasukuni ngày 26-12-2013 vừa qua như ngầm nói rằng Cọp già không sợ Cọp đói mới được bồi bổ dù cọp già gặp khó khăn kinh tế gần 20 năm nay, địa vị đệ nhị cường quốc kinh tế thế giới đã mất. Các nhà lãnh đạo Beijing như Jiang Zemin (Giang Trạch Dân), Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào), Xi Jinping (Tập Cận Bình) dùng những thành quả kinh tế để phát triển quân sự và kỹ nghệ quốc phòng hầu kích thích chủ nghĩa dân tộc của người Hán. Những hành động phi luật pháp như tự ý vẽ Lưỡi Bò và tự cho mình có chủ quyền về biển và đảo nằm trong Lưỡi Bò rộng 3 triệu km2, khiếu nại chủ quyền về biển, đảo với Nhật, Nam Hàn nhằm thỏa mãn lòng tự hào dân tộc của người Hán nhưng nó làm cho cộng đồng thế giới khó chịu về cách hành sử bất chấp luật pháp quốc tế của thành viên Ngũ Cường có quyền phủ quyết tại Liên Hiệp Quốc. Riêng đối với Nhật nó có tác dụng làm sống dậy chủ nghĩa dân tộc và tinh thần võ sĩ đạo (Bushido) của Nhật. Abe thăm viếng đền Yasukuni, gia tăng ngân sách quốc phòng và mua thêm chiến cụ để tự vệ. Họ phải chiến đấu và tự vệ khi cần, dù có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ hay không.
Đối với người Nhật, Thần Đạo là tôn giáo cổ truyền của họ. Đền Yasukuni biểu tượng cho lòng yêu nước, yêu Thiên Hoàng và sức mạnh quân sự của Nhật. Người Nhật hy sinh mạng sống của mình cho tổ quốc, cho Thiên Hoàng đều được vinh danh, tưởng nhớ và thờ phượng. Ông ngoại ông Abe là thủ tướng Nobusuka Kishi, người từng bị Hoa Kỳ hạ nhục sau đệ nhị thế chiến vì bị xem là tội phạm chiến tranh, nhưng được thả và làm thủ tướng. Đền Yasukuni thờ linh hồn các chiến sĩ Nhật hy sinh vì nước và vì Thiên Hoàng trong đệ nhị thế chiến, kể cả hương hồn 1.000 người bị xem là tội phạm chiến tranh, trong đó có đại tướng Tojo, người từng chỉ huy xâm lăng Trung Hoa và ra lịnh tấn công Pearl Harbor cuối năm 1941 khi làm thủ tướng. Trong quân đội Nhật có cả người Mãn Châu, Triều Tiên và Taiwan (Đài Loan). Vì vậy trong những năm vừa qua cựu tổng thống Taiwan là Lee Teng Hui (Lý Đăng Huy) đến thăm viếng đền để tưởng nhớ đến một người anh chiến đấu cho quân đội Nhật trong đệ nhị thế chiến vừa qua.
Chánh quyền Beijing (Bắc Kinh) và Seoul (Hán Thành) phản ứng mạnh mẽ trước sự thăm viếng đền Yasukuni của thủ tướng Abe. Phản ứng nầy như một sự lo sợ sự sống dậy của chủ nghĩa quân phiệt Nhật . Hiện nay Nhật có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Nga, Nam Hàn, Taiwan và CHNDTQ. Về vấn đề Senkaku, Nhật bác bỏ mọi sự thương thuyết và khẳng định chủ quyền của Nhật trên chòm đảo ấy.
Hoa Kỳ lo ngại sự cứng rắn của Abe có thể làm cho chiến tranh Hoa-Nhật nổ bùng khiến Hoa Kỳ khó xử vì Hoa Kỳ có ký hiệp ước tương trợ hỗ tương với Nhật. Hoa Kỳ và các nước Âu Châu dường như cũng lo ngại sự sống dậy của chủ nghĩa quân phiệt Nhật vì họ từng nếm vị chua cay trong đệ nhị thế chiến trên mặt trận Thái Bình Dương. Tháng 10 năm 2013 bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Hoa Kỳ là Kerry và Hagel đến Nhật và đến thăm viếng Nghĩa Trang Quốc Gia Chidorifuchi. Abe không thăm viếng đền lúc ấy trong khi một số tổng trưởng và dân biểu Quốc Hội đến ngôi đền nầy. Hoa Kỳ muốn Abe nên đến Nghĩa Trang Quốc Gia Chidorifuchi hơn là thăm viếng đền Yasukuni!
Các quốc gia Đông Nam Á từng bị Nhật chiếm đóng trong đệ nhị thế chiến không có phản ứng gì về việc thăm viếng đền Yasukuni của các thủ tướng Nhật. Vào thập niên 1940 các quốc gia Đông Nam Á là thuộc địa của Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Hòa Lan.
Ở Việt Nam chánh phủ Trần Trọng Kim là chánh phủ thân Nhật. Bảo Đại tuyên bố độc lập sau khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 09-03-1945. Trước đó khá lâu Phong Trào Đông Du của Phan Bội Châu và Cường Đề, Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội há không chịu ảnh hưởng gì của Nhật sao? Chủ Nghĩa Đại Đông Á há không có ảnh hưởng gì đối với các nhà nghiên cứu lịch sử khi khám phá ra rằng nước ta từng mang quốc hiệu Đại Cồ Việt, Đại Việt và Đại Nam. Quốc hiệu Đại Việt là quốc hiệu lâu dài nhất trong lịch sử và cũng là quốc hiệu đánh dấu những trang sử vẻ vang của nước ta dưới triều Lý, Trần, Hậu Lê và Nguyễn Tây Sơn. Các ông Ngô Đình Diệm, Trần Văn Ân, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (Đại Việt Dân Chính), Lê Văn Hoạch, Trần Quang Vinh, Nguyễn Hòa Hiệp, Ngô Đình Khôi (bào huynh của ông Ngô Đình Diệm), Huỳnh Văn Phương (Đệ Tứ Quốc Tế), Lê Văn Viễn v.v… đều thân Nhật. Năm 1945 Việt Minh không đủ mạnh để nắm chánh quyền ở Nam Bộ. Trầu Văn Giàu, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Trấn được đào tạo ở Moscow nhưng không có lực lượng quần chúng nên phải nhờ đến Thanh Niên Tiền Phong của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch để cướp chánh quyền ở Sài Gòn. Trần Văn Giàu đe dọa lãnh tụ các đoàn thể Cao Đài , Hòa Hảo, Bình Xuyên... sẽ bị Đồng Minh đưa ra tòa án xử tội ác chiến tranh nếu không ngả theo Việt Minh. Lê Văn Viễn, thủ lãnh của Bình Xuyên, là người đầu tiên ngả theo Việt Minh sau lời hù dọa của Trần Văn Giàu.
Vua Sisavangvong của Lào, Sihanouk của Cambodia đều tuyên bố độc lập sau cuộc đảo chánh của Nhật ngày 09-03-1945. Ở Cambodia thủ tướng Sơn Ngọc Thành được xem là người thân Nhật.
Ở Phi Luật Tân Aguinaldo, tổng thống Jose Laurel (1891-1959) là những người thân Nhật.
Ở Miến Điện có Aung San, một tướng lãnh do Nhật đào tạo và là nhà cách mạng tranh giành độc lập cho Miến Điện bằng cách dựa vào Nhật. Chuyện trong phim Le Pont de la Rivière Kwai (Cầu Sông Kwai) phản ảnh sự ngược đãi của lính Nhật đối với tù binh Anh ở Miến Điện. Phim gây thù hận của người Anh đối với Nhật nhưng có thể tạo ra sự hả dạ của người Miến Điện.
Trong đệ nhị thế chiến tướng Phibul Songgram của Thái Lan rất thân Nhật.
Ở Indonesia Sukarno, nhà ái quốc Indonesia sau nầy là tổng thống, thân Nhật.
Ở Ấn Độ có Subhas Chandra Bose (1897-1945) mặc dù trong đệ nhị thế chiến quân Nhật chưa đánh tới Ấn Độ.
Dưới nhãn quan của các dân tộc ở Đông Nam Á tỷ lệ tin tưởng Nhật giải phóng và chiếm đóng là:
Niềm Tin | Tỷ lệ |
---|---|
Giải Phóng | 53% |
Chiếm Đóng | 47% |
Biểu tượng Mao Zedong (Mao Trạch Ðông)
Mao Zedong sinh ngày 26-12-1893 tại Shaoshan (Thiếu Sơn), tỉnh Hunan (Hồ Nam) trong một gia đình nông dân khá giả. Mẹ ông là người không biết chữ nhưng có đức tin Phật Giáo. Cha ông là người ít học, nghèo đức tin và nghèo tình thương kể cà tình thương vợ, con. Chính vì vậy mà Mao Zedong thường hay chống đối lại cha nhưng rất thương mẹ và các em, kể cả một người em gái nuôi. Mao rất ham học nhưng cha ông bắt con làm ruộng với ước vọng bình thường là có cuộc sống phú túc nhờ nguồn lợi do ruộng lúa mang về. Ngay từ lúc còn trẻ Mao đã thoát ly gia đình để đi học ở Changsha (Trường Sa). Ông tốt nghiệp trường sư phạm. Ông không có bằng đại học nhưng là người thích đọc sách và có nhiều suy nghĩ về nước Trung Hoa dưới sự thống trị của người Mãn Châu.
Mao Zedong không phải là người sáng lập ra đảng Cộng Sản Trung Hoa. Ông chỉ biết chủ nghĩa Marx sau khi làm phụ tá cho Li Dazhao (Lý Ðại Triều), giáo sư lịch sử và quản thủ thư viên Đại Học Bắc Kinh năm1919. Đảng Cộng Sản Trung Hoa thành lập năm 1921 trong tô giới Pháp ở Shanghai (Thượng Hải) do giáo sư Chen Duxiu (Trần Độc Tú) và Li Dazhao (Lý Đại Triều). Mao Zedong là người sớm gia nhập vào đảng Cộng Sản Trung Hoa. Ông sớm trở thành người cứu vãn và lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Hoa đến thành công sau cuộc đàn áp đẫm máu của Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) năm 1927. Liên Minh Quốc-Cộng lần thứ nhất chấm dứt. Mao không theo đường lối do Lenin và Stalin vạch ra mà đưa ra chủ nghĩa Cộng Sản gọi là Maoism, lấy nông dân làm lực lượng quần chúng và lấy nông thôn làm địa bàn đấu tranh. Mao Zedong thành công trong việc thành lập Cộng Hòa Sô Viết Giang Tây (Jiangxi), mở cuộc Vạn Lý Trường Chinh, chấp nhận liên minh Quốc-Cộng lần thứ hai để chống Nhật, phát triển ảnh hưởng Cộng Sản trong dân chúng và trong hàng ngũ quân Quốc Dân Đảng của Chiang Kaishek, tái khởi động nội chiến Quốc-Cộng đến thắng lợi cuối cùng vào năm 1949.
Dưới mắt người Trung Hoa, Mao Zedong là:
Lục địa Trung Hoa cử hành ngày sinh thứ 120 của Mao Zedong ngày 26-12-2013. Nhiều nơi đúc tượng Mao bằng ngọc thạch hay tạc tượng bằng đá hoa cương đặt trên đỉnh núi. Ở làng sinh quán của Mao người ta biến tượng Mao thành tượng Thần Thánh để đến cầu danh lợi. Ở Shenzhen (Thẩm Quyến) người ta đúc một tượng của Mao bằng ngọc thạch mạ vàng trị giá 16 triệu Mỹ kim. Một tượng vàng to lớn được dựng lên ở Beijing nhân lễ kỷ niệm ngày sinh thứ 120 của vị lãnh tụ Cộng Sản vĩ đại của CHNDTQ. Tháng 03 năm 2013 Xi Jinping (Tập Cận Bình) chánh thức lãnh đạo CHNDTQ và lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Hoa. Ông tái diễn lại chánh sách Phê và Tự Phê được thi hành dưới thời Mao Zedong.
Trước tệ nạn tham nhũng của chánh quyền Cộng Sản Trung Hoa hiện nay, nhiều người cho rằng tệ nạn nầy không có dưới thời Mao! Xi Jinping lấy lòng dư luận bằng cách cấm yến tiệc có vi cá và tìm một vài đối tượng tham nhũng để triệt hạ như một hình thức lành mạnh hóa chánh quyền trong khi cả nước thi đua nhau đúc tượng Mao Zedong bằng vàng hay bằng ngọc thạch hay tạc những tảng đá hoa cương khổng lồ rất tốn kém. Bề ngoài có vẻ như lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh của người khai sinh ra CHNDTQ sẽ long trọng, hùng tráng, thực tế buổi lễ không có diễn binh mà chỉ có một ít pháo bông lẻ tẻ kém xa số pháo bông đã đốt trong lễ khai mạc Thế Vận Hội năm 2008. Trong bài phát biểu, Xi Jinping tôn kính Mao Zedong có chừng mực chớ không xem Mao như Thần Thánh. Mao Zedong là biểu tượng của đảng Cộng Sản, của sự tự hào quốc gia và dân tộc Trung Hoa. Nhưng sự vươn lên hiện nay của CHNDTQ không do tư tưởng hay khả năng lãnh đạo của Mao hay chủ nghĩa Marx-Lenin mà do thuyết mèo trắng mèo đen,tức sự linh động, uyển chuyển hợp thời của Deng Xiaoping, nạn nhân của Mao trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976). Lúc bấy giờ Deng Xiaoping, tổng bí thư đảng CSTH, trở thành thợ thay nhớt xe.
Mao Zedong chịu trách nhiệm trước dân tộc Trung Hoa vì sự thất bại của Bước Tiến Nhảy Vọt, tham vọng bắt kịp kỹ nghệ của Anh Quốc trong vòng 15 năm của Mao, làm cho 40 triệu người chết vì nạn đói từ năm 1959 đến 1962.
Cuộc Cách Mạng Văn Hóa do ông và vợ là Jiang Qing (Giang Thanh) phát động từ năm 1966 đến 1976 làm vong mạng 2/3 những chiến hữu từng sát cánh với ông thời Cộng Hòa Sô Viết Jiangxi (Giang Tây), cuộc Vạn Lý Trường Chinh, kháng Nhật và chiến tranh Quốc-Cộng 1946-1949. Hầu hết các đảng viên cao cấp đều bị Hồng Vệ Binh tra tấn, hạ nhục hay hay bị đưa về nông thôn cải tạo lao động. Thân sinh của Bo Xilai (Bạc Hy Lai), Xi Jinping (Tập Cận Bình) đều là nạn nhân của Cách Mạng Văn Hóa. Nhiều di tích văn hóa, lịch sử bị Hồng Vệ Binh đập phá. Hàng chục triệu người chết vì cuộc Cách Mạng Văn Hóa nầy. Mọi sinh hoạt đều tê liệt. Chủ tịch nước như Liu Shaoqi (Lưu Thiếu Kỳ), tướng lãnh như Peng Dehuai (Bành Đức Hoài), He Long (Hà Long), Lin Biao (Lâm Bưu)... đều chết thê thảm trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa nầy.
Nếu Mao Zedong là biểu tượng tốt tại sao lại đưa Bo Xilai ra tòa vì khi nắm quyền ở Chongqing (Trùng Khánh), ông không ngừng cho trổi các bản nhạc quen thuộc của Hồng Vệ Binh thời Cách Mạng Văn Hóa? Những người cầm quyền cám ơn Mao Zedong vì nhờ có Mao mới có đảng Cộng Sản mạnh giúp cho họ có quyền uy. Nhưng quay trở lại thời Mao đối với Beijing không phải là chuyện dễ vì không ai có thể kết hợp những yếu tố bất khả song hành: độc tài và dân chủ, bảo thủ và tiến bộ, hưng thịnh và nghèo đói. Yasukuni và Mao Zedong đều là biểu tượng. Biểu tượng nào bền vững và nặng cân hơn? Đó là do sự cảm nhận riêng của nhân dân Nhật và Trung Hoa. Nhưng cả hai biểu tượng đều lấp lánh màu đỏ của máu và lửa chiến tranh.
Phạm Ðình Lân, F.A.B.I.