Phạm Ɖình Lân
Xi Jinping (Tập Cận Bình): Giấc mơ Ɖại Lãnh Tụ
Xi Jinping là người thừa hưởng thành quả do Mao và Deng mang lại. Ȏng không có uy danh của Mao hay của Deng nên phải vội vã tạo những thành tích gây ấn tượng cho 1,4 tỷ dân Trung Hoa…
Trước đây chúng tôi có bài viết Người Giống Người để nêu bật vài điểm tương đồng giữa Mao Zedong (Mao Trạch Ɖông) và Xi Jinping (Tập Cận Bình) về tướng mạo, năm sinh (tuổi Quí Tỵ nhưng Xi Jinping nhỏ hơn Mao 60 tuổi), vợ đẹp (vợ Xi Jinping là ca sĩ nổi danh, vợ Mao Zedong là đào chiếu bóng Trung Hoa); cả hai đệ nhất phu nhân đều tuổi Dần với hai người chồng tuổi Tỵ; cả hai bà Peng Liyuan (Bành Lệ Viện) và Jiang Qing (Giang Thanh) đều là người tỉnh Shandong (Sơn Ɖông). Như tất cả các nhà lãnh đạo Trung Hoa trong lịch sử, Mao và Xi đều có mộng bành trướng bá quyền, chẳng những trong vùng mà trên toàn thế giới nữa.
Năm 2013 Xi Jinping chánh thức cầm quyền trên một quốc gia kể cả tứ ngoại tỉnh rộng 11 triệu km2 với gần 1,4 tỷ dân (15 lần dân số Việt Nam và 11 lần dân số Nhật Bản) với một nền kinh tế hạng nhì trên thế giới. So với Mao Zedong,Xi Jinping lãnh đạo một nước Trung Hoa to lớn, đông dân và cường thịnh hơn thời Mao Zedong. Do đó Xi Jinping phác họa cho mình một giấc mơ vĩ đại mà các nhà lãnh đạo Cộng Sản tiền nhiệm làm không nổi: bài trừ tham nhũng và thực hiện GIẤC MƠ TRUNG HOA.
Bài trừ tham nhũng hay thanh trừng nội bộ?
Tham nhũng hối lộ là nét đặc trưng lâu đời trong xã hội Trung Hoa. Thảo dân muốn sống yên ổn hay hưởng vài đặc quyền xã hội phải dùng tiền để đút lót người có quyền thế. Người có quyền luôn luôn sử dụng quyền của mình để tạo ra tiền bạc và của cải vật chất càng nhiều càng tốt. Việt Nam há không học triết lý ấy từ Trung Hoa khi có câu:
Muốn có tiền đi làm hành chánh.
Ɖồng tiền đi trước đồng tiền khôn.
Lấy của che thân.
Có tiền mua Tiên cũng được.
Một người làm lớn cả họ được nhờ.
Không ít người hồn nhiên đến ngây thơ khi cho rằng xã hội Cộng Sản là xã hội trong sạch không có tham nhũng hối lộ khi nghe các cán bộ Cộng Sản “thánh chiến” với tham nhũng! Vị bác sĩ trông coi sức khỏe cho Mao Zedong từ Úc về nước để “phục vụ quê hương”. Ȏng có mang một chiếc đồng hồ ngoại quốc khá đẹp và được nhân viên phụ trách bố trí công việc cho ông xin… làm quà kỷ niệm. Ȏng ngạc nhiên tại sao lại có chuyện thế nầy trong chế độ Cộng Sản, một chế độ không giai cấp, không người bóc lột người với muôn ngàn vẻ đẹp khác không có trên trần gian trước đó. Sau khi được bố trí chăm sóc sức khỏe cho chủ tịch Mao, vị bác sĩ nói cho Mao về chuyện cái đồng hồ làm “quà kỷ niệm”. Ȏng đinh ninh rằng Mao chủ tịch sẽ giận dữ khi biết tin động trời nầy. Ngược lại, ông bác sĩ bị thất vọng khi nghe chủ tịch nói một cách tự nhiên về triết lý Con Cá Sống Nhờ Nước! Mao dường như dùng hình ảnh nầy để minh họa chế độ chánh trị, kinh tế và xã hội Trung Hoa lục địa dưới sự lãnh đạo của ông và đảng Cộng Sản Trung Hoa.
Deng Xiaoping (Ɖặng Tiểu Bình) tuy là nạn nhân của Mao Zedong trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, tán đồng 80% tư tưởng và hành động của Mao. Ȏng được xem là người đem lại phồn vinh kinh tế và sức mạnh quân sự cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Trong thời kỳ cải cách kinh tế từ kinh tế chỉ huy Xã Hội Chủ Nghĩa sang kinh tế thị trường Tư Bản Chủ Nghĩa dưới sự chỉ đạo của đảng Cộng SảnTrung Hoa, các thành viên trong gia đình của Deng Xiaoping đều trở thành những Ɖại Gia.
Deng Xiaoping trao quyền cho Jiang Zemin (Giang Trạch Dân) và đóng vai Thái Thượng Hoàng sau hậu trường chánh trị. Jiang Zemin luôn luôn tỏ ra mình là một lãnh tụ vĩ đại trong ngày Quốc Khánh 01-10 hay các đại lễ khác, một người thông thái có bằng đại học và biết ngoại ngữ, am tường âm nhạc, nghệ thuật Tây Phương, có con có bằng tiến sĩ dự lớp hậu tiến sĩ ở Hoa Kỳ v.v… Nạn tham nhũng nẩy nở mạnh trên lục địa Trung Hoa trong thời gian từ 1993 đến 2003 và phát triển theo cấp số nhân dưới thời Hu Jintao (Hồ Cẩm Ɖào) (2003-2013). Dù không còn cầm quyền, Jiang Zemin vẫn còn trong Quân Ủy Trung Ương và có ảnh hưởng trên sân khấu chánh trị Trung Hoa Cộng Sản.
Hu Jintao (Hồ Cẩm Ɖào) khó chịu về sự can dự của Jiang Zemin vào chánh sự với tư cách là thành viên quan trọng trong Quân Ủy Trung Ương. Jiang là người được Deng Xiaoping chọn để kế vị. Hu Jintao là một người cô thân, cô thế trong đảng. Ȏng là bạn của con Deng Xiaoping và được cất nhắc lên hàng lãnh đạo quốc gia nhờ lập công trong việc chế ngự những cuộc nổi dậy của các sư sãi ở Tây Tạng. Trong thành phần lãnh đạo đảng và nhà nước thời Hu Jintao và Wen Jiabao (Ȏn Gia Bảo) có rất nhiều người thân tín của Jiang Zemin. Bí thơ đảng ủy Chongqing (Trùng Khánh) là Bo Xilai (Bạc Hy Lai), con của một cựu phó thủ tướng từng ủng hộ Jiang Zemin kế vị Deng Xiaoping, là người có thái độ chống đối nhóm lãnh đạo ở Beijing của Hu Jintao - Wen Jiabao. Bo Xilai cho hát những bài ca thời Cách Mạng Văn Hóa như làm sống lại Hồng Văn Hóa thời Mao. Bo Xilai cũng có tham vọng được vào Bộ Chánh Trị để hy vọng kế vị Hu Jintao năm 2012. Ȏng ta bị hạ bệ sau vụ Wang Lijun (Vương Lệ Quân), người chỉ huy Công an Chongqing, chạy vào tòa lãnh sự Hoa Kỳ ở Chengdu (Thành Ɖô) xin tỵ nạn. Bo Xilai bị trục xuất khỏi đảng ngày 28-09-2012. Vợ của ông là Gu Kailai (Cốc Khai Lai) bị đưa ra tòa xử tử hình treo về tội giết một nhà kinh doanh người Anh. Năm 2013 Bo Xilai bị đưa ra tòa về tội tham nhũng sau khi Xi Jinping chánh thức lãnh đạo đảng và nhà nước CHNDTQ. Ȏng bị xử chung thân về tội ăn hối lộ để mua một biệt thự ở Pháp trị giá trên 3 triệu Mỹ kim.
Xi Jinping (Tập Cận Bình) tuyên chiến với tham nhũng. Ȏng hứa diệt tham nhũng từ hạng “ruồi” (cấp nhỏ) đến hạng “cọp” (cấp to). Sự cương quyết nầy đượm chút màu sắc mị dân nhằm khỏa lấp một cuộc tranh chấp quyền hành của các phe nhóm trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Hoa. Dưới thời Hu Jintao (2003-2013) ảnh hưởng của Jiang Zemin rất lớn. Hu Jintao rút khỏi Quân Ủy Trung Ương sau khi mãn nhiệm kỳ năm 2013 như là một hành động đối nghịch ngấm ngầm nhắc nhỡ Jiang Zemin nên hành động như vậy vì Jiang Zemin luôn luôn bám vào Quân Ủy để gây ảnh hưởng cá nhân đối với những người kế vị.
Xi Jinping có cái bướng bỉnh và táo bạo của Mao Zedong. Mao đã Hán hóa chủ nghĩa Marx-Lenin, nghĩa là cưỡng lại lịnh của Stalin và xem thường những đảng viên Cộng Sản Trung Hoa do Liên Sô đào tạo và chịu ảnh hưởng của Liên Sô như Zhang Guotao (Trương Quốc Ɖào), Wang Ming (Vương Minh), v.v… Xi Jinping cưỡng lại sự sắp xếp của Jiang Zemin khi ông nầy ủng hộ Liu Yun Shan (Lưu Vân Sơn) vào Bộ Chánh Trị và loại Li Yuan Chao (Lý Nguyên Triều) để Li Yuan Chao không thể giữ chức phó chủ tịch nước được. Xi Jinping chọn Li Yuan Chao làm phó chủ tịch nước mặc dù ông nầy không phải là Ủy Viên Bộ Chánh Trị. Dưới chiêu bài chống tham nhũng Xi Jinping nhắm vào những đối thủ khả dĩ cạnh tranh địa vị với ông thuộc phe cánh của Jiang Zemin. Những nhân vật quan trọng bị khai trừ ra khỏi đảng và bị điều tra tham nhũng để đưa ra tòa lãnh án tù đại loại như:
Nếu có vài sự tương đồng giữa Mao Zedong và Xi Jinping thì cuộc bài trừ tham nhũng của Xi Jinping tạm xem như cuộc Cách Mạng Văn Hóa của Mao trong thời kỳ 1966-1976. Với Cách Mạng Văn Hóa Mao Zedong diệt hầu hết những đồng chí và chiến hữu của ông trong thời Vạn Lý Trường Chinh như Liu Shaoqi (Lưu Thiếu Kỳ), Peng Dehuai (Bành Ɖức Hoài), Lin Biao (Lâm Bưu), v.v… Với cuộc bài trừ tham nhũng Xi Jinping loại bỏ những đối thủ cạnh tranh quyền hành với ông thuộc vi cánh của Jiang Zemin. Có thể cá nhân của Jiang Zemin và những người lãnh đạo tiền nhiệm (Hu Jintao, Wen Jiabao, v.v…) sẽ được “nhắc đến” vì vị lãnh đạo cao cấp nào cũng là ƉẠI GIA có điền sản và tiền bạc ở nước ngoài (Hoa Kỳ, Úc, Canada, Anh, Pháp) và có con học ở nước ngoài kể cả Xi Jinping, người đang chống tham nhũng từ “ruồi” đến “cọp” nhưng cọp Jiang Zemin, Hu Jintao, Wen Jiabao vẫn còn yên ổn. Trong đống bùn to lớn có bao nhiêu hoa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn? Tay chân người hái sen cũng dính bùn! Ɖiều nầy cho thấy đây không phải là cuộc bài trừ tham nhũng mà dùng chiêu bài chống tham nhũng để loại trừ và hạ nhục những đối thủ chánh trị thuộc cánh Jiang Zemin, vị cựu lãnh đạo năm nay đã 88 tuổi.
Dù phe nào thắng, đảng Cộng Sản và chế độ Cộng Sản cũng bị tròng trành trên lục địa Trung Hoa. Trong thời đại dân chủ với vô số biến thiên phức tạp không lường trên lãnh vực kinh tế, chánh trị, tôn giáo và xã hội, độc đảng cầm quyền trên 60 năm khó tránh được sự đào thải tự nhiên. Ɖảng Cộng Sản Liên Sô sụp đổ sau 74 năm cầm quyền (1917-1991), đảng NAZI ở Ɖức: 12 năm (1933-1945), đảng Quốc Gia Phát Xít ở Ý: 23 năm (1922-1945), các đảng Cộng Sản Ɖông Âu: 40 năm (1949-1989), v.v…
Giấc mơ Trung Hoa
Giấc mơ Trung Hoa mà Xi Jinping hứa không phải là giấc mơ dân chủ, dân quyền và dân sinh. Mặc dù CHNDTQ là cường quốc kinh tế hạng nhì trên thế giới, lợi tức tính theo đầu người trên lục địa Trung Hoa còn thấp hơn của Peru nữa! Có ít ra 500 triệu người Trung Hoa sống trong nghèo khổ. Những người Trung Hoa giàu có và có thế lực đều tìm cách mua đất đai, nhà cửa đồ sộ ở nước ngoài để đưa gia đình ra sống ở nước ngoài hay gần hơn là sang Hong Kong. Vậy giấc mơ Trung Hoa là giấc mơ gì?
Ɖó là giấc mơ trở thành một tân đế quốc Á Châu thay thế các đế quốc Bạch Chủng. Mao Zedong đã thực hiện giấc mơ nầy khi xua quân xâm chiếm Tây Tạng (1959), đánh Ấn Ɖộ năm 1962, gây chiến tranh với Liên Sô trên đảo Damansky năm 1969, xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của VNCH năm 1974. Thời Deng Xiaoping (lãnh đạo trong bóng tối) CHNDTQ đánh nhau với CHXHCNVN ngoài biên giới Việt-Hoa (1979) và ngoài quần đảo Trường Sa (1988).
Mao Zedong có uy tín vững chắc vì đã dám cải biến đảng Cộng Sản Trung Hoa cho thích hợp với hoàn cảnh xã hội Trung Hoa để chuyển bại thành thắng (Cộng Hòa Sô Viết Guangxi <Giang Tây >, Vạn Lý Trường Chinh, chiến khu Yenan <Diên An>) và lập ra Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc năm 1949.
Deng Xiaoping thành công trong Bốn Hiện Ɖại Hóa để biến một nước Trung Hoa nghèo đói thành một quốc gia có kinh tế phồn vinh và từ sự phồn vinh kinh tế Trung Hoa Cộng Sản hiện đại hóa quân đội, phát triển không quân, hải quân, sản xuất nhiều phi cơ, tàu chiến, xe tăng và các loại võ khí mới để biến lục địa Trung Hoa thành một tân đế quốc ở Á Châu.
Xi Jinping là người thừa hưởng thành quả do Mao và Deng mang lại. Ȏng không có uy danh của Mao hay của Deng nên phải vội vã tạo những thành tích gây ấn tượng cho 1,4 tỷ dân Trung Hoa. Ȏng đẩy mạnh giấc mơ Trung Hoa bằng cách thực hiện việc lấn chiếm vùng Lưỡi Bò rộng 3 triệu km2 chạy dài từ Phi Luật Tân xuống gần quần đảo Indonesia. Lưỡi Bò này đã được chánh quyền Quốc Dân Ɖảng của Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) phác họa nhưng không đủ sức thực hiện vì sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Phi Luật Tân, Pháp ở Ɖông Dương, Nhật ở Taiwan (Ɖài Loan), Anh ở Mã Lai và Hòa Lan ở Indonesia. Chiếm 3 triệu km2 đường biển nầy tức là khống chế toàn bộ các nước Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei, Indonesia và bóp nghẹt đường chuyển vận hàng hải Thái Bình Dương, Ấn Ɖộ Dương của Nhật Bản. Từ thập niên 1970 vùng biển nầy cho thấy chẳng những có nhiều hải sản mà còn có túi dầu hỏa đáng kể. Chiếm được Lưỡi Bò tức là mở đường ra Ấn Ɖộ Dương, kiểm soát mọi sự chuyên chở dầu hỏa, hàng hóa từ Trung Ɖông về bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, đồng thời đe dọa Úc Ɖại Lợi và Tân Tây Lan ở Nam Bán Cầu. Tàu chiến Trung Hoa Cộng Sản hung hăng phô trương lực lượng và hù dọa các quốc gia trong vùng Lưỡi Bò bằng những cuộc tập trận bằng đạn thật. Hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Hoa Cộng Sản mua lại của Ukraine về tân trang, được đưa xuống Biển Ɖông thị uy (2013).
Ở Ɖông Bắc Á Beijing (Bắc Kinh) thiết lập Vùng Không Gian Phòng Thủ và Nhận Dạng (ADIZ: Air Defense Identification Zone) rộng 300.000 km2 bao gồm luôn cả đảo đá ngầm tranh chấp với Ɖại Hàn và chòm đảo Senkaku do Nhật quản trị và được Trung Quốc gọi là Diaoyudai (Ɖiếu Ngư Ɖài). Xi Jinping thỏa mãn tự ái Hán tộc về trật tự mới trong vùng do Trung Hoa Cộng Sản áp đặt.
Trên đường xây dựng giấc mơ Trung Hoa Xi Jinping làm cho các quốc gia láng giềng lo sợ sự xâm lấn và làm càn của Trung Hoa Cộng Sản bất chấp luật pháp quốc tế. Thế giới không có thiện cảm với Trung Hoa lục địa. Với tư cách là một đại cường kinh tế và quân sự Trung Hoa Cộng Sản đã đóng góp gì cho cộng đồng nhân loại? Họ dửng dưng trước những cảnh giết chóc tàn bạo và luôn luôn dùng lá phiếu phủ quyết của họ để ủng hộ những chế độ độc tài. Họ thích hành xử theo sức mạnh của kẻ cả trong ngoại giao như phản đối quốc gia nào tiếp Ɖức Ɖạt Lai Lạt Ma, phản đối các viên chức Nhật thăm viếng đền thờ Thần Giáo Yasukuni thờ các chiến sĩ trận vong, v.v... Nữ thủ tướng Ɖức Merkel đã chứng minh sự độc lập của bà khi tiếp Ɖức Ɖạt Lai Lạt Ma. Khi Xi Jinping thăm viếng Ɖức, bà tặng cho ông một tấm bản đồ Trung Hoa cổ như ngầm nhắc khéo Xi Jinping rằng trong tấm bản đồ ấy không có Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông, Mãn Châu, Senkaku, Lưỡi Bò, Scarborough, Hoàng Sa, Trường Sa... gì cả! Việc Phi Luật Tân thưa CHNDTQ, Việt Nam phản đối giàn khoan Hai Yang Shiyou-981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, việc các quốc gia Ɖông Nam Á mua sắm tàu bè, phi cơ và võ khí, việc Hoa Kỳ xác nhận tôn trọng các hiệp ước an ninh ký kết với Nhật và Phi Luật Tân và có quyền lợi lâu đời trong vùng Thái Bình Dương, việc phi cơ Hoa Kỳ, Nhật và Ɖại Hàn bay vào vùng Không Gian Phòng Thủ và Nhận Dạng mà Trung Hoa Cộng Sản thiết lập vào tháng 11 năm 2013 mà không thông báo gì cả, việc Nhật tu chính hiến pháp cho phép Nhật võ trang tự vệ và giúp các nước đồng minh khi bị một quốc gia khác tấn công,… phản ảnh phản ứng của Hoa Kỳ, Nhật và một số quốc gia Á Châu trước giấc mơ Trung Hoa của Xi Jinping.
Xi Jinping tức tối vì sự cản trở của Hoa Kỳ trong việc xây dựng giấc mơ Ɖại Hán và Ɖại Lãnh Tụ của ông như Mao Zedong từng tức tối Hoa Kỳ cản trở việc đánh chiếm Taiwan (Ɖài Loan) của ông. Tình hình Ukraine, Trung Ɖông làm cho Xi Jinping mừng thầm vì Hoa Kỳ bị vướng bận rất nhiều mặc dù các ông Kerry của bộ Ngoại Giao và Hagel của bộ Quốc Phòng vẫn khẳng định Hoa Kỳ xoay trục sang Á Châu, tôn trọng các hiệp ước an ninh ký kết với các đồng minh ở Á Châu. Trên thực tế Nhật Bản có vai trò quan trọng trong vùng Châu Á Thái Bình Dương trong việc cân bằng lực lượng với Trung Hoa Cộng Sản. Họ bắt buộc phải tự lực để tự vệ dù có sự giúp đỡ hay không của Hoa Kỳ.
Vì bất cứ lý do gì, do ảnh hưởng của những phản ứng sôi nổi của quần chúng Việt Nam hay do phản ứng của Thượng Viện Hoa Kỳ, việc rút giàn khoan Hai Yang Shiyou-981 không làm cho phe diều hâu và những người chủ trương bành trướng chủ nghĩa Ɖại Hán (Pan-Hanism) trên lục địa hài lòng. Uy lịnh của Beijing trong vùng Không Gian Phòng Thủ và Nhận Dạng (ADIZ) không được kẻ cựu thù Nhật Bản tuân thủ. Thỉnh thoảng CHNDTQ cho tàu chạy gần chòm đảo Senkaku để khiêu khích tàu tuần duyên Nhật hay cho phi cơ xâm phạm vòm trời Senkaku trong vùng ADIZ và bị phi cơ Nhật bay lên săn đuổi. Chiến tranh giữa CHNDTQ và Nhật cùng các nước láng giềng trong khối ASEAN có thể bùng nổ bất cứ lúc nào khi có một bên nổ súng vào bên kia như trường hợp các phi cơ Nhật bám sát vào phi cơ của Trung Hoa Cộng Sản trong tháng 6 vừa qua. Dù chiến tranh bùng nổ ở Ɖông Bắc Á hay Ɖông Nam Á đều có sự can dự của CHNDTQ và Nhật Bản ở hai chiến tuyến đối nghịch. Quốc gia nào là đồng minh của Nhật? Taiwan (Ɖài Loan - mặc dù khi bang giao với CHNDTQ quốc gia nào cũng chỉ nhìn nhận một nước Trung Hoa mà thôi)? Phi Luật Tân? Việt Nam?
Dưới đây là bảng so sánh tương quan lực lượng giữa CHNDTQ và Nhật Bản giả sử chiến tranh giữa hai nước bùng nổ thình lình:
Xét đến đây chúng ta thấy Nhật Bản thua sút về số lượng và thất thế về mọi mặt vì bị ràng buộc bởi hiến pháp hòa bình sau khi bại trận trong đệ nhị thế chiến. Nhật đã thắng Trung Hoa năm 1894, đúng 120 năm tính đến năm 2014, và năm 1937. Trong hai cuộc chiến tranh trên Trung Hoa tuy đông dân và có đất đai rộng lớn hơn nhưng kỹ nghệ hoàn toàn vắng bóng, kinh tế lụn bại, dân chúng sống trong cảnh bất công và cơ hàn trong khi Nhật là quốc gia Á Châu kỹ nghệ đầu tiên sản xuất võ khí, đóng tàu chiến và phi cơ. Nếu cuộc chiến Hoa-Nhật lần thứ ba xảy ra thì lần nầy khác với hai lần trước. CHNDTQ là một cường quốc kinh tế và quân sự. Trung Hoa lục địa không còn là con mồi cho Nhật đùa giỡn như đã xảy ra thời nhà Thanh, thời Yuan Shikai (Viên Thế Khải) và chánh phủ Bắc Dương (Beiyang), thời hậu Yuan Shikai, thời thành lập Mãn Châu Quốc (Manchukuo) năm 1932 và chiến tranh Hoa-Nhật năm 1937.
Nói như vậy không có nghĩa là CHNDTQ nuốt chửng Nhật dễ dàng nếu Nhật không được sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Ở Âu Châu nước Nga nuốt chửng nước Ɖức được không mặc dù sự khác biệt về dân số giữa Nga và Ɖức rất lớn? Ở chỗ nầy chúng ta nên nói qua về mặt mạnh của Nhật.
Ɖiều nầy không thấy ở Nhật, nơi chánh quyền lo cho dân, hướng dẫn dân, thành thật với dân nên được dân mến chuộng, tin tưởng và bầu lên. Người Nhật có tinh thần kỷ luật, trật tự và trách nhiệm cao. Ɖó là quốc gia duy nhất trên thế giới chỉ có một dòng Thiên Hoàng từ ngày lập quốc đến nay và chỉ thất trận một lần trong lịch sử vì hai trái bom nguyên tử (1945). Chế độ phong kiến tướng quân (Shogun) kéo dài nhiều thế kỷ ở Nhật nhưng không vị tướng quân nào dùng võ lực để lật đổ Thiên Hoàng và tự xưng mình là Thiên Hoàng cả. Sau 1945 Nhật bị tàn phá nặng nề. Ɖời sống dân chúng khó khăn nhưng không người Nhật nào oán ghét chánh phủ của họ. Không người nào bị lãnh đạo của họ cho tắm máu hay bị đẩy vào tình trạng chết đói. Nước Nhật nổi tiếng với các hiệu xe hơi Lexus, Toyota, Honda, Mazda, Nissan, Mitsubishi, Hino Contessa, Subaru, Suzuki,… nhưng Nhật là nơi dân chúng dùng nhiều xe đạp nhất. Họ không nghèo, không đói, không giàu nhưng sống lương thiện và hài hòa giữa quyền lợi cá nhân với quyền lợi cùng danh dự dân tộc và đất nước họ. Họ yêu quê hương nhỏ hẹp có nhiều núi rừng và lắm thiên tai của họ. Họ yêu chánh quyền thanh sạch và giang sơn cẩm tú của họ mặc dù phải làm việc cực khổ và vất vả. Sáng phải đi làm vào lúc 5 giờ đến 10 giờ tối (22 giờ) mới về đến nhà. Họ vì họ, vì danh dự của dân tộc họ và vì sự hùng cường của xứ sở họ. Họ không hô hào yêu nước, không đề cao chủ nghĩa ái quốc nhưng họ không chen lấn, giành giựt, xô đẩy nhau để xin giấy xuất cảnh ra sống ở nước ngoài bằng của hoạnh tài gom góp được. Một xã hội trong đó chánh quyền yêu dân, thực sự vì dân và được dân yêu và tin tưởng không thể là một xã hội yếu hèn được.
Chẳng ham ruộng cả ao liền,
Chỉ ham cái bút cái nghiên anh đồ
Người Nhật trọng người cầm bút biết cầm kiếm. Những phi công Thần Phong kami-kaze Nhật trong đệ nhị thế chiến đều là những sinh viên ưu tú ở các đại học. Họ sẵn sàng hy sinh thân xác họ cho sự trường tồn và hưng thịnh của quê hương họ. Có thể nào dưới chế độ Cộng Sản, CHNDTQ đào tạo nhiều sinh viên ưu tú trở thành những quân nhân ưu tú khác với những người mang hàng trăm tỷ Mỹ kim hàng năm ra khỏi nước để hưởng vinh quang phú quí một cách an toàn trên đất khách. Nếu được như vậy Xi Jinping sẽ lãnh đạo CHNDTQ toàn thắng trong việc chống tham nhũng và hoàn thành Giấc Mơ Trung Hoa bằng cách bành trướng chủ nghĩa Ɖại Hán và đánh bại kẻ cựu thù (Nhật) để làm bá chủ Châu Á Thái Bình Dương hầu xưng danh ƉẠI LÃNH TỤ. Ɖó là HIỆN THỰC hay là GIẤC MƠ? Thời gian sẽ cho lời giải đáp.
Phạm Ɖình Lân, F.A. B.I.