Minh Hạnh
Việt Nam không chỉ là một cuộc chiến tranh của Mỹ
Một lính mũ xanh (phải) và một quân nhân Nam Việt Nam đang giúp một thương binh Việt Nam
sau cuộc giao tranh ở gần Đức Phong, phía bắc Saigon, năm 1969. CreditBettmann/Corbis
Hơn 40 năm sau khi kết thúc, Cuộc Chiến Việt Nam, đối với người Mỹ, về cơ bản vẫn còn là một trải nghiệm của người Mỹ, hay chính xác hơn, một phép ẩn dụ của người Mỹ. Sự bất lực triền miên của Mỹ và sự không sẵn lòng thâu nạp quan điểm của người Việt Nam cũng nói lên hàng tràng về mối liên hệ của Hoa Kỳ như thế nào đối với phần còn lại của thế giới. Người Mỹ muốn được người ta hiểu mình nhưng hiếm khi họ muốn hiểu người khác.
Các cuốn phim của Hollywood đặc biệt mạnh mẽ trong việc định hình câu chuyện về cuộc Chiến Tranh Việt Nam của Mỹ. Mạch chuyện có thể thay đổi, nhưng phông nền thì giống nhau. Hỗn loạn, không chỉ là sự hỗn loạn trong thời chiến, không chỉ là hỗn loạn như thành ngữ cho “chiến tranh là địa ngục”, mà là biến thể Á châu của nó – với sự khó dò tìm và chuyện không sao biết được luôn rình rập và rồi nảy lên thành diễn viên chính là người Mỹ ngây thơ. Có thể đoán trước, như trong phim “Apocalypse Now”, có những con sông màu mỡ, rừng rậm nắng cháy và những khuôn mặt rám nâu lãnh cảm làm phông nền cho cuộc phiêu lưu của người lính Mỹ vào tâm điểm của tối tăm, là Việt Nam.
Chủ đề bao trùm lên trên hết là sự vô nghĩa lý của Việt Nam và những gì nó đã gây ra cho người Mỹ và nước Mỹ. Luôn luôn có những cựu chiến binh bị tra tấn, bị lung lạc về tâm thần như một nhân vật trong phim “The Deer Hunter”. Được chuyển sang lối ẩn dụ khi các tù binh Mỹ bị buộc phải chịu tham dự roulette Nga, một trò chơi được cho là phổ biến trong các ngõ hẻm tăm tối của dân bản xứ mà những người này dường như coi cuộc sống không có một giá trị gì cả. Cho dù trò chơi này có thực hay không, điều đó không quan trọng. Nó được sử dụng để tượng trưng cho sự tàn bạo của chiến tranh và những điều điên rồ của cuộc chiến đặc biệt này.
Trong “Full Metal Jacket”, nhân vật chính, binh nhất Joker, mang một lúc cả hai biểu tượng hòa bình chung với khẩu hiệu “Sinh Ra Để Giết”. Những mâu thuẫn và sự mỉa mai của Việt Nam trở nên rõ ràng hơn khi một sĩ quan tuyên bố rằng từ nay những cuộc “tìm và diệt” phải được mô tả rõ ràng hơn là "càn và xóa bỏ".
Phim "Platoon" thay đổi câu chuyện chủ đạo của một cựu chiến binh Mỹ loạn óc, phục hồi anh bằng cách tái tạo toàn bộ bức tranh để mô tả theo kiểu như Oliver Stone, tức là đặt nó "như thế nào thì cứ làm y như thế". Theo yêu cầu tạo tính xác thực, một cựu đại úy TQLC đã cho các diễn viên trải qua một khóa hành xác 14 ngày. Họ ăn khẩu phần nhà binh, bị cấm tắm, và phải ngủ trong rừng, với những phiên gác đêm thực sự. Các gói thuốc lá Marlboro được làm đặc biệt có màu đỏ anh đào cho phù hợp với Marlboro của những năm 1960.
Không có nỗ lực nào được thực hiện để miêu tả người Việt Nam một cách chân thực. Trong những cảnh có nền là dân làng Việt Nam tụ tập, ngôn ngữ họ nói không phải là tiếng Việt. Nó thậm chí không phải là bất kỳ ngôn ngữ thực sự nào mà đúng hơn đó là những tiếng lầm bầm từ trong cổ họng hàm ý nhại lại những lời nói của dân bản địa. Để cho như thật, tất cả những điều này đã được thay đổi khi ông Stone thực hiện bộ phim Việt Nam tiếp theo của ông, “Heaven and Earth”, đã khai phá mảnh đất mới, vì nhân vật chính là một phụ nữ Việt Nam, và vì bộ phim chú ý đến những chi tiết của thói tục làng xóm Việt Nam – từ nhuộm răng để chống sâu răng cho tới ăn trầu cau.
Nhưng những sự tỉ mỉ quá đáng như trong “Heaven and Earth” vẫn còn là chuyện hiếm ở Hollywood. Các phim Việt Nam khác là phương tiện cho tâm thức người Mỹ đi tìm hiểu về sự dính líu với cuộc chiến. “Born on the Fourth of July” mô tả sự biến đổi của một người lính, từ cựu chiến binh hùng hổ trở thành người biểu tình phản chiến. Con lắc chuyển động theo chiều khác qua “Rambo”, nói về một tay súng đơn độc đã vượt qua sự kháng cự của các chính trị gia nhát như cáy ở quê nhà để trở về Việt Nam giải cứu các tù binh Hoa Kỳ. Không có sự mơ hồ hay hoài nghi về nước Mỹ ở đây. Một phần là ảo tưởng mang anh hùng tính, một phần là sự say máu trả thù, "Rambo" được dùng để quay lại cảnh chiến tranh như nó đã có thể tái diễn, với câu hỏi, "liệu chúng ta có thể giành chiến thắng lần này hay không?"
Người Việt vẫn luôn là phụ và khuất mặt ngay cả trong thế giới của tiểu thuyết. Một cuốn tiểu thuyết có thể chứa đựng sự phức tạp của cốt truyện và nhân vật. Nhưng các nhà văn Mỹ phần lớn không quan tâm và thờ ơ với người Việt Nam. Trong "The Things They Carried," Tim O'Brien kể những câu chuyện có liên quan đến những người trong cùng một trung đội và những thứ họ đã mang theo cùng với cuộc chiến, xuống đến tận các chi tiết nhỏ nhất: đồ mở hộp, dao díp bỏ túi, đồng hồ đeo tay, thuốc thoa muỗi, kẹo cao su, thuốc lá, viên muối, nước giải khát bột hiệu Kool-Aid, diêm quẹt, bộ kim chỉ may, khẩu phần C, tất cả cùng với vũ khí – và tất nhiên là nguồn gốc của đau buồn. Những cuộc gặp gỡ với người Việt hầu như không đáng cho một cái quay đầu chào, và khi nào có những người lính Việt Nam cùng chiến đấu, thì họ đã bị những người kể chuyện coi như là “vô dụng”.
Các tiểu thuyết nổi tiếng khác của Việt Nam, như “13th Valley”, “Matterhorn”, “A Rumor of War”, “Fields of Fire” và “Tree of Smoke”, đã được xưng tụng như để nói rằng chiến tranh thực sự là như thế đó – khổ nhọc, vô luân, cố tình thông tin sai lạc, vô nhân đạo. Tất cả đều đặt trọng tâm vào một nhân vật chính là người Mỹ, đã được chuyển đổi theo cách này hay cách khác bởi một nơi không phải là một quốc gia nhưng là một phương tiện cho sự biến thái theo lối Mỹ.
Nhưng trong lĩnh vực phim ảnh và văn học, người ta có thể nói có những người sáng tạo có bằng cấp làm thơ. Những nỗ lực mang tính lịch sử, chẳng hạn như phim tài liệu PBS của Ken Burns-Lynn Novick năm 2017, hoặc các cuộc triển lãm về chiến tranh Việt Nam được trình bày bởi Hội Lịch sử New-York và Kho Lưu trữ Quốc gia, chắc chắn sẽ khác nhau. Nhưng không phải vậy. Tất cả đều trình bày Cuộc Chiến Việt Nam trên cùng một quỹ đạo truyền thống là coi quan điểm và kinh nghiệm của Việt Nam như một chuyện bên lề.
Trong vô số hình ảnh, video và tài liệu lịch sử ghi âm được biên soạn và trình bày bởi Hội Lịch Sử và Kho Lưu trữ Quốc gia, người Việt Nam chỉ có được một khoảng không gian tối thiểu. Chắc chắn là không có sự loại trừ hoàn toàn, vì nó sẽ trở thành lố bịch và làm hỏng chuyện. Nhưng người ta có cảm tưởng là các yếu tố mang tính Việt Nam chỉ là chiếu lệ, chỉ được thêm vào để các cuộc triển lãm có thể tuyên bố là có đầy đủ mọi phía. Ngược lại, một sự chăm sóc chu đáo đã được dành cho sự phô diễn đầy đủ các trải nghiệm của người Mỹ, từ những chuyện vụn vặt đời thường cho tới những thúc đẩy trực tiếp hơn của chiến tranh.
Đối với bộ phim tài liệu PBS, mà nó hầu như được ca ngợi một cách dứt khoát, người ta có thể phản đối nhận thức của tôi bằng cách chỉ ra cho thấy là có nhiều người Việt Nam trên thực tế đã được phỏng vấn trong bộ phim. Sự thật là, mặc dù mong muốn có sự thâu thập những quan điểm từ nhiều phía, bộ phim này đã dành ưu tiên cho quan điểm của người Mỹ, cho dù đó là hỗ trợ hay phê phán nỗ lực chiến tranh của Mỹ.
Nó có thể đã bắt tay vào cái dự án đáng đồng tiền bát gạo nhằm xoa dịu các tâm hồn người Mỹ và giúp cả hàng sư đoàn được hết bệnh mà không cần phải có người Việt bên cạnh. Nam Việt Nam được miêu tả là không đủ năng lực và tham nhũng, chính phủ của họ mấp mé ở giới hạn của sự bất hợp pháp. Điều này đã được thực hiện một cách tinh tế và tinh vi, không phải theo cung cách vương đạo trong quá khứ, trong đó phương Tây giảng dạy về những thiếu sót của người bản xứ. Những người được phỏng vấn ở miền Nam Việt Nam giờ đã được tự phát biểu bằng ngôn từ riêng của họ.
Nhưng bay lượn bên trên tầng âm thanh huyên náo là người dẫn chuyện có vẻ khách quan và đáng tin cậy hơn, Peter Coyote, người có giọng nói thản nhiên, chỉ dấu của sự toàn trí. Rải rác trong câu chuyện của ông là các tính từ như tham nhũng, hoặc yếu, hoặc bị cáo buộc, khi ông mô tả miền Nam Việt Nam.
Là một nhà văn, tôi biết rằng tôi sẽ viết về một nhân vật phụ khác hơn cách tôi làm với nhân vật chính của mình. Nhân vật chính được phát huy cẩn thận và truyền tải bằng một giọng nói sinh động. Ngược lại, tôi có thể sử dụng đặc quyền mà tác giả được hưởng trong mô tả và trong phong cách diễn tả các nhân vật phụ. Từ giọng điệu, qua khoảng không gian, cho tới cách cư xử, tôi biết rằng Nam Việt Nam là vai phụ trong cuộc trưng bày lịch sử của Mỹ về chiến tranh Việt Nam.
Trong phần của bộ phim PBS về cuộc tấn công Tết vào năm 1968, thí dụ, hầu như không có bất kỳ quân nhân Nam Việt Nam nào có góp tiếng nói. Thay vào đó, những trải nghiệm của họ đã được mô tả và tóm tắt. Ngay cả những “trại cải tạo” hậu chiến và sự thống khổ của hàng trăm ngàn “thuyền nhân” đều được dành cho chút ít thời gian. Họ hầu như là không còn là chuyện quan hệ một khi các toán quân Mỹ rút lui và tù binh Mỹ trở về nhà.
Nhưng tiếng nói của Bắc Việt và Việt Cộng được nghe rất rõ, người ta có thể phản đối. Làm thế nào để giải thích điều này? Việc cho cả tiếng nói của kẻ thù vào đã phục vụ lợi ích của Mỹ và nâng cao nhân vật quốc gia Mỹ là một phương thức hữu hiệu để chữa bệnh và hòa giải. Ngoài ra, cho thấy kẻ thù là kiên quyết và hung tợn cũng giải thích tại sao Hoa Kỳ không chiến thắng được. Khi đồng thời hạ thấp hoặc trình bày miền Nam Việt Nam là không đủ năng lực, nó phục vụ một mục tiêu khác nhưng có liên hệ – đó là nó giải thích tại sao cho dù máu, mồ hôi và nước mắt của Mỹ đã đổ, cuộc chiến đã không thể để cho Mỹ thắng được. Trong thực tế, bộ phim đã được diễn dịch nhiều hơn nữa để chứng minh rằng cuộc chiến không bao giờ có thể thắng. Về vấn đề này, quan điểm của Việt Nam đã bị loại trừ hoàn toàn.
Cách mà bộ phim Chiến Tranh Việt Nam miêu tả Việt Nam chính là biểu tượng cho đường lối mà Hoa Kỳ cư xử với thế giới. Sự thống khổ của nước Mỹ được coi là đặc biệt và được trình bày với sự đồng cảm và lòng từ bi; nó không bao giờ là một số liệu thống kê hay một con số. Những quân nhân Mỹ đã chết trong Chiến tranh Việt Nam có một đài tưởng niệm có tên của mỗi người. Những người chết trong ngày 11 tháng 9 cũng được coi là cá nhân, và tên của họ được xướng một cách trang trọng vào ngày tưởng niệm. Tất cả người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam phải được tính, bởi vì họ là người Mỹ.
Chủ nghĩa xuất chúng của Mỹ cũng mang ý nghĩa là những trải nghiệm của Mỹ được phóng lên thành phổ quát. Do đó, các nguyên tắc phải thay đổi khi thiên tai tấn công nước Mỹ. Nhiều quốc gia đã phải chịu đựng những cuộc tấn công khủng bố trong nhiều năm, và công dân của họ đã bị giết và tàn phế. Nhưng sau ngày 11 tháng 9, Hoa Kỳ lập luận rằng cảnh quan toàn cầu đã thay đổi và phải tạo ra các quy tắc mới. Việc khảo cung bằng cách đổ nước vào miệng (waterboarding) không phải là tra tấn. Việc giam giữ kẻ thù ở Guantánamo xa khỏi đất Mỹ là hợp pháp.
Nhưng sự thật là sự đau khổ của Mỹ không phải là duy nhất và bi kịch của Mỹ không bi thảm hơn thảm kịch ở các nước khác. Có nhiều quốc gia hùng mạnh không được yêu quý. Mỹ, tuy nhiên, là một ngọn hải đăng cho nhiều người trên thế giới bởi vì nó hứa hẹn một sự thâu nạp. Nó khác thường ở chỗ khi nó ôm ấp những người khác và thu vào trong trái tim của nó những quan điểm của những kẻ khác, cho dù khác với nó.
.
Nguyên tác: Vietnam Wasn’t Just an American War; Lan Cao. The New York Times, 22.03.2018.
Người dịch: Minh Hạnh
____________
Lan Cao (Cao Thị Phương Lan) là con gái của cố đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH. Bà hiện nay là giáo sư môn luật kinh tế quốc tế tại Chapman University. Bà cũng nổi tiếng qua các cuốn tiểu thuyết Monkey Bridge (Cầu khỉ) (1997) và “The Lotus and The Storm” (Hoa Sen và Bão Tố) (2014), viết về hậu quả của Cuộc chiến Việt Nam và cuộc đời của những người tị nạn sang Hoa Kỳ. Lan Cao viết về chiến tranh Việt Nam bằng tiếng Anh để cho người Mỹ, mà có một cái nhìn khác biệt, thấy được hoàn cảnh, tâm trạng và quan điểm của người Việt về cuộc chiến đó.