Phạm Ɖình Lân
Việt Nam-Cuba: Ɖồng dạng nhưng bất đồng bản chất
…Sau năm 1991 Cuba nghèo khó vì không có viện trợ của Liên Sô nhưng Cuba độc lập và được vẹn toàn lãnh thổ.
Trái lại Việt Nam mất độc lập và lãnh thổ không vẹn toàn…
Với Cuba thời gian chỉ dẫn đến sự thay đổi chế độ từ độc tài sang dân chủ.
Với Việt Nam, nếu thời gian kéo dài, thì không còn gì nữa để thay đổi…
Cuba là một đảo quốc nhỏ rộng 110.000 km2, lối 30% diện tích Việt Nam. Ɖảo quốc nầy nằm ở trong vùng khí hậu nhiệt đới có biển bao quanh ở Tây Bán Cầu.
Việt Nam là một quốc gia nằm trong vùng nhiệt đới ở Ɖông Nam Á Châu. Tính đến năm 2014 dân số Cuba chỉ bằng 13% dân số Việt Nam mà thôi.
Cuba là cựu thuộc địa của người Tây Ban Nha. Sau khi độc lập, nước nầy chịu ảnh hưởng sâu đậm của Hoa Kỳ. Từ năm 1959 Cuba trở thành một nước Cộng Sản nhận viện trợ và chịu ảnh hưởng sâu đậm của Liên Sô.
Việt Nam trải qua 11 thế kỷ đặt dưới sự đô hộ của Trung Hoa, gần một thế kỷ dưới sự đô hộ của Pháp. Trong thời kỳ đất nước qua phân năm 1954 miền Bắc (từ phía bắc vĩ tuyến 17) theo chế độ Cộng Sản và chịu sự tranh giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Liên Sô. Miền Nam chịu ảnh hưởng của Pháp và Hoa Kỳ.
Năm 1953 giữa lúc Việt Minh áp đảo quân Pháp ở Ɖông Dương, Fidel Castro chỉ huy dân quân tấn công doanh trại Moncada ở Santiago. Thất bại, ông và người em (Raúl Castro) bị quân của nhà độc tài Batista bắt và đưa ra tòa lãnh án 15 năm tù. Nhưng hai năm sau Batista trả tự do cho họ. Hai ông sống lưu vong ở Mễ Tây Cơ. Năm 1956 họ bí mật trở về Cuba chỉ huy du kích đánh nhau với quân của Batista. Ɖầu năm 1959 Fidel Castro nắm chánh quyền và thành lập chế độ Cộng Sản trên đảo quốc sát nách Hoa Kỳ.
Năm 1960 Lê Duẩn được bầu làm bí thơ thứ nhất của đảng Lao Ɖộng Việt Nam thay thế Trường Chinh Ɖặng Xuân Khu. Lê Duẩn được xem như kiến trúc sư của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam để bắt đầu cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Trung Quốc cổ võ cuộc chiến tranh ở miền Nam cốt làm mất máu Hoa Kỳ chớ không muốn Việt Nam thống nhất. Hồ Chí Minh hướng về Liên Sô hơn Trung Quốc vì ông là cán bộ Cộng Sản Quốc Tế do Liên Sô đào tạo. Nhưng ông muốn thống nhất Việt Nam bằng võ lực giữa lúc Khrushchev không cổ võ cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam và dọa rằng “một đóm lửa nhỏ có thể gây một đám cháy lớn” khi trực tiếp đụng độ với Hoa Kỳ. Hồ Chí Minh phải uyển chuyển giữa Liên Sô và Trung Quốc để nhận viện trợ của cả đôi bên hầu tiến hành cuộc chiến tranh ở miền Nam. Liên Sô không tán đồng cuộc chiến đầy nguy hiểm nầy nhưng phải viện trợ cho miền Bắc hầu cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc.
Fidel Castro và Hồ Chí Minh đều thất vọng với Khrushchev khi nhượng bộ Kennedy bằng cách rút các giàn hỏa tiễn đặt ở Cuba. Nhưng cả hai nhà lãnh đạo Cộng Sản đều phải bấu víu Khrushchev mà Mao Zedong lẫn Hồ Chí Minh không thích vì đường lối xét lại (revisionism) và chủ trương sống chung hòa bình với phương Tây. Hồ Chí Minh không thích chủ nghĩa xét lại, hạ bệ Stalin và hòa hoãn với Tây Phương vì muốn trở thành một môn đồ Cộng Sản cực đoan thuần thành theo chủ nghĩa Stalinism. Mao Zedong ghét Khrushchev vì ông nầy không muốn trao kỹ thuật nguyên tử cho Trung Quốc và không rơi vào sự khích tướng của Mao để đánh nhau với con cọp giấy có nanh vuốt nguyên tử để Trung Quốc không chế địa cầu. Fidel Castro không biết nhiều về Stalin. Ȏng phải nương tựa Krushchev để cứu chế độ Cộng Sản mà ông mới thành lập. Chế độ nầy gắn liền với sự củng cố và vĩnh cửu quyền hành của ông và em ông, Raúl Castro, sau nầy.
Sự đồng dạng giữa Việt Nam và Cuba
Từ thập niên 1960 đến năm 1991 khi chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Liên Sô, Cuba và Việt Nam là hai quốc gia Cộng Sản năng nổ trên thế giới. Sự đồng dạng giữa Việt Nam và Cuba được tìm thấy trong:
Chiến thuật du kích và chiến tranh nhân dân mà Mặt Trận Dân tộc Giải Phóng Miền Nam thi hành là sản phẩm của Mao Zedong. Cái chết của tướng Nguyễn Chí Thanh và sự thất bại trong biến cố Mậu Thân năm 1968 chấm dứt ưu thế của Mặt Trận mà người Hoa Kỳ gọi là “Việt Cộng” và ảnh hưởng của Trung Quốc trong Chiến Tranh Việt Nam II. Sự leo thang oanh tạc của Hoa Kỳ ở miền Bắc và việc đưa quân Hoa Kỳ vào miền Nam Việt Nam đòi hỏi quân Cộng Sản phải có nhiều võ khí tối tân. Từ năm 1970 Hà Nội hướng về Liên Sô để được cung cấp võ khí tối tân để đương đầu với phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc miền Bắc và mở những cuộc tấn công của bộ đội miền Bắc vào miền Nam. Năm 1968 hàng trăm thành phố ở miền Nam bị quân Cộng Sản tấn công trong ngày hưu chiến Tết nhưng họ không chiếm đóng được một quận nào của VNCH. Trong cuộc tấn công năm 1972 quân Cộng Sản dùng xe tăng và hỏa tiễn tầm nhiệt của Liên Sô khi tấn công Quảng Trị, Kontum, Bình Long. Cộng Sản chiếm rải rác vài vùng trong tỉnh Quảng Trị, Kontum và Bình Long nơi quận Lộc Ninh hoàn toàn đặt dưới sự kiểm soát của họ. Lộc Ninh chỉ cách Sài Gòn 100 km, tức khoảng 60 miles! Năm 1973 Fidel Castro là vị lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên thăm viếng vùng kiểm soát của quân Cộng Sản trong tỉnh Quảng Trị, kể cả phía nam cầu Hiền Lương. Trong thời gian nầy Mao Zedong xích gần lại với Hoa Kỳ. Tổng thống Nixon được tiếp đón long trọng ở Beijing năm 1972 và được thết đãi một yến tiệc gồm 85 món ăn cầu kỳ và hiếm quí.
Các quốc gia Ɖông Âu đều là những nước miễn cưỡng theo chủ nghĩa Marx-Lenin và bị đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Liên Sô. Họ không yêu thích gì Liên Sô. Năm 1956 Ba Lan và Hung Gia Lợi đấu tranh đòi tự do và bị đàn áp đẫm máu. Hồ Chí Minh hoan nghinh sự đàn áp thô bạo bằng xe tăng của Liên Sô đối với thanh niên Ba Lan và Hung Gia Lợi. Cùng năm ấy quân đội Cộng Sản miền Bắc đàn áp đẫm máu nông dân Quỳnh Lưu, Nghệ An, chống chánh sách cải cách ruộng đất. Ɖa số nông dân ở đây theo đạo Thiên Chúa khiến Sư Ɖoàn 325 của Cộng Sản miền Bắc càng mạnh tay giết và lưu đày những nông dân nổi dậy. Trong thời gian vừa kể Fidel Castro từ Mễ Tây Cơ âm thầm về Cuba lãnh đạo chiến tranh du kích chống nhà độc tài Batista.
Từ năm 1975 đến 1979 khối Cộng Sản thân Liên Sô đạt được đỉnh cao. Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Việt Nam thống nhất dưới chế độ Cộng Sản. Cambodia, Lào trở thành quốc gia Cộng Sản.
Năm 1974 trung tá Mengistu Haile Mariam lật đổ vua Selassie ở Ethiopia. Vị vua nầy chết năm 1975 trong khám đường. Xứ Ethiopia theo chế độ Cộng Sản. Năm 1977 Ethiopia có chiến tranh với Somalia. Liên Sô viện trợ cho Ethiopia. Cuba gởi quân sang giúp cho Mengistu.
Năm 1975 Angola độc lập khỏi Bồ Ɖào Nha. Ba đoàn thể chính trị lớn chống chủ nghĩa thực dân Bổ Ɖào Nha ở Angola là FNLA tức Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Angola (Frente Nacional de Libertação de Angola), MPLA tức Phong Trào Nhân Dân Giải Phóng Angola (Movimento Popular de Libertação de Angola) và UNITA tức Liên Hiệp Quốc Gia Ɖộc Lập Toàn Diện Angola (União Nacional para a Independência Total de Angola) thành lập chánh phủ liên hiệp. Liền sau đó các phe nhóm đấu tranh lẫn nhau để giành độc quyền lãnh đạo. Nhóm UNITA được Hoa Kỳ yểm trợ. Nhóm MPLA được Liên Sô yểm trợ. Cuba gởi quân sang giúp cho nhóm MPLA (Phong Trào Nhân Dân Giải Phóng Angola). Mãi đến năm 1988 Cuba mới rút hết quân về nước.
Cuba có ảnh hưởng ở Nicaragua khi José Daniel Ortega nắm chánh quyền sau khi nhà độc tài Somoza từ chức và bị ám sát chết ở Paraguay năm 1980.
Cuba đưa quân sang Grenada giúp cho Bernard Coard lật đổ và hành quyết thủ tướng Bishop (1983) để biến Grenada thành một xứ Cộng Sản thân Liên Sô và Cuba. Phe đảo chánh bị đánh bại do sự can thiệp của Hoa Kỳ. Năm 1986 Bernard Coard bị tòa tuyên án tử hình.
Việt Nam và Cuba trở thành hai quốc gia Cộng Sản trụ cột của Liên Sô. Fidel Castro và Lê Duẩn rất thích hợp với đường lối hiếu chiến của Leonid Brezhnev (1906 - 1982). Dưới thời Brezhnev, Liên Sô đàn áp cuộc đấu tranh của nhân dân Tiệp Khắc (1968), đánh nhau với Trung Quốc trên đảo Damansky mà Trung Quốc gọi là Chân Bảo (Chen Pao), xâm lăng Afghanistan (1979). Cuba và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nhận viện trợ của Liên Sô để làm nghĩa vụ quốc tế. Cuối năm 1978 CHXHCNVN xâm lăng Cambodia. Khmer Ɖỏ theo chủ nghĩa Mao tháo chạy khỏi Phnom Penh. Năm 1979 600.000 quân Cộng Sản Trung Quốc tấn công CHXHCNVN ngoài biên giới để trả đũa việc CHXHCNVN xâm lăng Cambodia bằng cách lật đổ chánh quyền Khmer Ɖỏ ở Phnom Penh. Ɖể diễn tả sự tận tụy phục vụ cho Liên sô và hoàn thành nghĩa vụ Cộng Sản Quốc Tế, Việt Nam được mênh danh là Cuba Phương Ɖông.
Năm 1991 sự sụp đổ của Liên Sô làm cho Cuba và Việt Nam khốn đốn vì mất viện trợ. Cuba chỉ khốn đốn về mặt kinh tế tài chánh. Họ không sợ Hoa Kỳ tấn công vì Hoa Kỳ là quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế và ước vọng của đa số quần chúng. Cộng Sản Việt Nam ở trong hoàn cảnh khó khăn hơn vì Cộng Sản Việt Nam nhận viện trợ của Liên Sô và Trung Quốc trong hai cuộc Chiến Tranh Việt Nam I và II. Từ năm 1975 đến 1980 Việt Nam công khai theo Liên Sô chống lại Trung Quốc. Trung Quốc là nước láng giềng luôn luôn có thái độ tự tôn đối với Việt Nam. Sau khi Liên Sô sụp đổ, Cộng Sản Việt Nam phải sang Trung Quốc xin tái thần phục để bảo vệ chánh quyền nên sẵn sàng chấp nhận mọi điều kiện nặng nề do Beijing (Bắc Kinh) đưa ra. Từ đó về sau nhân sự trong chánh quyền Cộng Sản Việt Nam do Trung Quốc sắp đặt. Chánh quyền không cần sự ủng hộ của quần chúng vì nó được an ninh tình báo của Trung Quốc bảo vệ.
Dù Liên Sô đã biến mất, Việt Nam vẫn xem Cuba là đồng chí gắn bó của mình. Cả hai nước đều tỏ ra là hai quốc gia Cộng Sản bảo thủ giáo điều. Dù Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận đối với Việt Nam và hai nước thiết lập bang giao vào năm 1995 và dù Việt Nam đã theo kinh tế thị trường, Việt Nam vẫn là một nước Cộng Sản giáo điều. Việt Nam thân thiện với Cuba, Venezuela, Nicaragua, Brazil, Bolivia, Ecuador, Panama, tức các nước Châu Mỹ La Tinh có thái độ bất thân thiện với Hoa Kỳ. Nhưng các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam quên rằng các lãnh tụ Nicaragua (Ortega), Venezuela (Hugo Chavez), Bolivia (Morales),… đều là những nhà lãnh đạo do dân bầu dù họ có thán phục Fidel Castro và xem ông như bậc sư phụ về chánh trị và thuật nắm giữ quyền hành lâu bền bằng chánh sách độc tài. Hai tổng thống Brazil từ năm 2003 đến nay là Luiz Inácio Lula da Silvia và Dilma V. Rousseff (nữ tổng thống) đều có quá khứ Marxist hay Cộng Sản nhưng cả hai đều là tổng thống do dân trực tiếp bầu lên.
Ɖến đây chúng ta đi tìm sự khác biệt bản chất giữa Cuba và Việt Nam.
Cuba và Việt Nam không đồng bản chất
Chủ nghĩa Marx-Lenin, việc trung thành với Liên Sô, việc thi hành nghĩa vụ Cộng Sản Quốc Tế của Cuba và Việt Nam đều là những hiện tượng thấy được bên ngoài. Chúng không phản ảnh được bản chất thật của hai nước Cộng Sản, một ở Ɖông Nam Á và một ở Tây Bán Cầu.
Việt Nam là một quốc gia Á Châu hoàng chủng chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa và Ấn Ɖộ.
Cuba là một hải đảo trong biển Caribbean. Người Cuba gồm: người Tây Ban Nha da trắng sinh đẻ trên đảo Cuba gọi là Criollos; người bản địa, người Da Ɖen từ Phi Châu bị bán sang Mỹ Châu làm nô lệ trong các đồn điền do người da trắng làm chủ, người Tây Ban Nha lai với người bản xứ hay Tây Ban Nha lai với người Phi Châu đều được gọi là mulatos hay mestizos. Họ theo đạo Thiên Chúa và gần với văn hóa Âu Châu hơn là Á Châu về tôn giáo, tư tưởng, thức ăn, thức uống, cách ăn mặc, v.v…
Cuba và Việt Nam đều có quá khứ thuộc địa. Quá khứ thuộc địa của Cuba so với Việt Nam quá ngắn ngủi. Cuba bị người Tây Ban Nha đô hộ. Sau đó họ chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ sâu đậm trước khi chấp nhận sự viện trợ và chỉ đạo của Liên Sô.
Việt Nam từng bị Trung Hoa rồi Pháp đô hộ. Trong đệ nhị thế chiến Việt Nam chịu hai ách đô hộ của Pháp và Nhật. Sau đệ nhi thế chiến Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm của Trung Hoa, Liên Sô, Pháp và Hoa Kỳ.
Fidel Castro xuất thân từ một gia đình khá giả. Cha ông là một người Thiên Chúa Giáo nhưng có nhiều vợ. Ȏng và em ông là Raúl Castro đều học đại học ở thủ đô Havana. So sánh với Hồ Chí Minh và Lê Duẩn, Fidel Castro có nhiều nét trội:
Fidel Castro vùng lên chống Batista khi còn là một nhà trí thức luật học trẻ ghét chế độ độc tài.
Hồ Chí Minh được Liên Sô huấn luyện năm 1924 và 1934 để phục vụ cho an ninh và quyền lợi của quê hương Lenin. Ȏng dùng chủ nghĩa yêu nước để lôi cuốn quần chúng hầu tạo khí thế đấu tranh võ trang. Thực chất ông biến Việt Nam thành một nước Cộng Sản ở Ɖông Nam Á trong quỹ đạo Liên Sô. Năm 1945 ông có che dấu lý lịch Cộng Sản của ông và màu sắc Cộng Sản của chánh phủ do ông đứng đầu bằng cách mở đầu Bản Tuyên Ngôn Ɖộc Lập đọc ngày 02-09-1945 bằng Bản Tuyên Ngôn Ɖộc Lập Hoa Kỳ và Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của Pháp, giải tán đảng Cộng Sản Ɖông Dương (11-11-1945). Nhưng quốc hiệu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, lá cờ đỏ sao vàng, những cuộc khủng bố ở nông thôn dưới hình thức TRÍ, PHÚ, ƉỊA, HÀO, diệt VIỆT GIAN, những khúc quân hành vang dội của Hồng Quân Liên Sô không che dấu nổi sự ẩn hiện của chế độ Cộng Sản trong tâm ông Hồ Chí Minh ngay trong những ngày đầu cướp chánh quyền bằng một cuộc bạo hành trong cuộc mét tinh ở Hà Nội do chánh phủ Trần Trọng Kim tổ chức.
Fidel Castro không phải là đảng viên đảng Cộng Sản trước năm 1959. Ȏng lãnh đạo đảng Cộng Sản Cuba sau khi thành công trong việc lật đổ Batista. Ȏng không được Liên Sô huấn luyện như Hồ Chí Minh. Ɖiều đáng lưu ý là sau khi nắm chánh quyền, ông vẫn giữ lá cờ La Estrelle Solidaritaria 3 sọc xanh, 2 sọc trắng; tam giác đều cạnh đỏ với ngôi sao trắng đã có từ thế kỷ XIX khi Cuba chuẩn bị vùng lên đánh đuổi người Tây Ban Nha. Các địa danh trên đảo Cuba vẫn giữ nguyên như cũ. Ɖiều nầy cho thấy Fidel Castro khiêm tốn mặc dù vẫn bắt chước các lãnh tụ Cộng Sản tự xưng là Lider Maximo (Lãnh Tụ Vĩ Ɖại). Fidel Castro tôn kính tiền nhân, khác với Bác Hồ tự xem mình là Cha Già Dân Tộc, George Washington của Việt Nam, không nhắc đến tên một anh hùng dân tộc, lại gọi Lenin bằng Cha, Thầy và Cố Vấn Vĩ Ɖại nhưng gọi Hưng Ɖạo Vương Trần Quốc Tuấn bằng “bác” và kiêu hãnh khi viết:
Tôi dắt năm châu đến đại đồng.
Trong thời chiến tranh kháng Pháp Hà Nội được gọi là Hà Thành, Sài Gòn: Sài Thành. Ở miền Bắc sau năm 1954 chánh sách liên tỉnh được thi hành. Hà Nam, Nam Ɖịnh, Ninh Bình nhập lại thành Hà Nam Ninh. Sau năm 1975 chỉ có các tỉnh ở Nam Bộ bị đổi tên ngoại trừ vài tỉnh được xem là tỉnh “cách mạng” như Bến Tre, Tây Ninh hay tỉnh sinh quán của cựu chủ tịch Tôn Ɖức Thắng như An Giang. Sài Gòn trở thành thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa thành Ɖồng Nai, Bình Dương thành Sông Bé, v.v… Ɖó là một trong những dạng trừng phạt của bên “thắng cuộc” đối với người đồng chủng chiến bại, từ các viên chức chánh quyền, sĩ quan trong quân đội, dân chúng miền Nam đến các địa danh vô tri, vô giác ở Nam Bộ. Những việc làm nầy cho thấy sự cố chấp, độc hiểm, kỳ thị địa phương, kỳ thị ý thức hệ, kỳ thị giai cấp, sự cố tình phá vở đoàn kết dân tộc của người Cộng Sản Việt Nam.
Sau khi thành công lật đổ chế độ độc tài Batista và sau hàng chục năm nắm chánh quyền, dân chúng Cuba không được tự do hơn dưới chế độ độc tài Batista. Kinh tế Cuba bệ rạc. Trước kia Cuba là nước sản xuất đường quan trọng trên thế giới. Dưới chế độ Cộng Sản địa vị nầy không còn nữa. Dân chúng còn lâm vào cảnh thiếu đường! Dân chúng miền Bắc sau năm 1954 không được hưởng tự do như đã hưởng dưới thời Pháp đô hộ. Than đá Hòn Gai, nhà máy dệt Nam Ɖịnh, nhà máy sản xuất xi măng Hải Phòng… không hoạt động như trước. Miền Bắc phải nhập cảng gạo từ Miến Ɖiện để cung ứng cho nhu cầu lương thực của dân chúng ăn cơm độn khoai hay bột mì. Tình trạng trên được tìm thấy khắp cả nước sau khi thống nhất (1975).
Sau năm 1991 Cuba nghèo khó vì không có viện trợ của Liên Sô nhưng Cuba độc lập và được vẹn toàn lãnh thổ. Trái lại Việt Nam mất độc lập và lãnh thổ không vẹn toàn. Việt Nam mất quần đảo Hoàng Sa thời VNCH (1974). Năm 1988 Việt Nam mất một phần của quần đảo Trường Sa. Hiệp ước 1999 và 2000 ký với Trung Quốc xác nhận Việt Nam mất hàng chục ngàn cây số vuông lãnh thổ dọc theo biên giới Việt-Trung, mất gần 50% Vịnh Hạ Long và một số đảo đá vôi. Việt Nam phải thi hành Bốn Tốt và Mười Sáu Chữ Vàng do Trung Quốc đưa ra. Trung Quốc mướn đất trồng rừng, mướn bờ biển nuôi cá, thành lập thành phố Tàu trên toàn lãnh thổ Việt Nam, thành lập Viện Khổng Tử, kiểm soát nhân sự trong đảng Cộng Sản Việt Nam, sắp xếp nhân sự và chức vụ trong đảng và chánh quyền Cộng Sản Việt Nam, khai thác hầm mỏ, thành lập nhà máy sản xuất khắp ba miền đất nước v.v…
Việt Nam may mắn hơn Cuba vì Hoa Kỳ bãi bỏ lịnh cấm vận và thiết lập bang giao rất sớm. Nhưng các tổng bí thơ đảng Cộng Sản Việt Nam như Ɖỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Ɖức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng luôn luôn xem Hoa Kỳ là kẻ thù và nghĩ rằng Hoa Kỳ cần bang giao với Việt Nam như sự cầu xin của người thua trận với người thắng trận. Vợ chồng tổng thống Clinton đến Hà Nội vào giữa đêm năm 2000. Một nhân viên sứ quán Hoa Kỳ đến Huế về vụ linh mục Nguyễn Văn Lý bị công an đánh và đẩy lên xe cam nhông. Có phải chăng Hà Nôi giữ thái độ chống Mỹ để làm vừa lòng Trung Quốc? Câu trả lời có vẻ không khó. Xác xuất đúng của nó rất cao.
Fidel Castro vừa là chủ tịch đảng và chủ tịch nhà nước nên rất độc lập và có đủ quyền hành tiếp xúc với các lãnh đạo các nước ngoài. Ở Liên Sô Brezhnev nắm cả hai chức vụ lãnh đạo đảng và nhà nước. Ở Trung Quốc từ Jiang Zemin (Giang Trạch Dân) đến Xi Jinping (Tập Cận Bình), người lãnh đạo Cộng Sản giữ chức chủ tịch nhà nước. Ở Việt Nam từ thời Lê Duẩn đến Nguyễn Phú Trọng, chức tổng bí thơ và chủ tịch nhà nước do hai người khác nhau đảm nhận. Người có toàn quyền là người lãnh đạo đảng. Ở các nước không Cộng Sản chức vụ quan trọng trong chánh quyền là tổng thống (tổng thống chế) hay thủ tướng (đại nghị chế). Từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập bang giao, các vị chủ tịch nước và thủ tướng Việt Nam thăm viếng Hoa Kỳ và gặp các chức sắc tương đương nhưng chưa một vị tổng bí thơ đảng Cộng Sản Việt Nam nào đến Hoa Kỳ. Các vị chủ tịch nước hay thủ tướng trong nước Cộng Sản không có quyền quyết định chuyện gì nếu đảng không đồng ý. Liên Sô trước kia cũng như Trung Quốc hiện nay đều muốn duy trì tình trạng què quặt nầy để chi phối Cộng Sản Việt Nam dễ dàng hơn giữa lúc Brezhnev hay Xi Jinping kiêm nhiệm chủ tịch đảng và nhà nước.
Fidel Castro và Raúl Castro độc lập hơn các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam vì quyền hành của họ không do cường quốc nào sắp đặt mà do thành tích chiến đấu của họ mà ra. Các vị lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam không được như vậy. Mỗi khi có đại hội đảng Cộng Sản Việt Nam, Beijing (Bắc Kinh) cử người sang để đưa chỉ thị. Sau đại hội đảng Cộng Sản Việt Nam phải cử người sang Beijing báo cáo hoạt động của đảng và thành phần nhân sự xem có phù hợp với ý muốn của Trung Quốc hay không. Các tướng lãnh kể cả tổng trưởng bộ Quốc Phòng phải sang Trung Quốc báo cáo mọi hoạt động hay kế hoạch quân sự mà Trung Quốc muốn biết v.v…
Việt Nam thực sự là quốc gia Cộng Sản giáo điều. Năm 2012 tổng bí thơ đảng Cộng Sản Việt Nam công du sang Cuba và Brazil. Ɖến Cuba ông thuyết giảng chủ nghĩa Marx-Lenin say sưa đến quên rằng anh em Castro thiết lập chế độ Cộng Sản khi ông Nguyễn Phú Trọng mới được 15 tuổi. Nữ tổng thống Brazil, bà Dilma V. Rousseff, người Brazil gốc Bulgaria, thuộc khuynh hướng Marxist, vội vã hủy bỏ chuyến viếng thăm Brazil của Nguyễn Phú Trọng vì chủ nghĩa Marx-Lenin chỉ có tác dụng cướp tự do và lẽ sống của con người. Hà Nội không vui khi Hoa Kỳ thiết lập bang giao với Cuba nhưng được an ủi vì Raúl Castro cho biết bang giao với Hoa Kỳ nhưng vẫn bảo tồn chế độ Cộng Sản. Việc thay đổi chế độ chánh trị ở Cuba hay Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian. Năm 2015 Fidel Castro 89 tuổi, Raúl Castro 84 tuổi.
Với Cuba thời gian chỉ dẫn đến sự thay đổi chế độ từ độc tài sang dân chủ.
Với Việt Nam, nếu thời gian kéo dài, thì không còn gì nữa để thay đổi.
Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.