Lê Thị Huệ
Văn Hóa Xin, Văn Hóa Lạy, Văn Hóa Bác.
"Cháu Xin Bác."
Có một thói quen ở Miền Bắc cùng trong một nhóm văn hóa hay xử dụng chữ "bác", là văn hóa nói chữ "xin" thay cho lời cám ơn. Và văn hóa "lạy" để chỉ sự phục tòng quyền thế của kẻ đối diện.
Chỉ ở Miền Bắc khi một người trao cho ai cái gì, người nhận cái ấy hay trả lời "Cháu xin ạ. Em xin ạ" thay vì nói "Cháu cám ơn. Em cám ơn"
Người Việt Nam dùng chữ "xin" để chỉ những kết quả cụ thể đạt được từ sự giao tế với những kẻ phân phát kết quả ấy. Đến trường lo thủ tục nhập học thì gọi là đi "xin" học. Đến công tư sở để kiếm làm thì gọi là đi "xin" việc. Đến văn phòng nào lấy mẫu đơn thì gọi là đi "xin" đơn. Khi trình bày lý do muốn nghỉ ở nhà không sinh hoạt như thường lệ thì gọi hành động này là "xin" nghỉ. Con trai đến nhà con gái nói chuyện hôn nhân thì kêu là "xin" cưới. Làm cái việc ngửa tay kêu người ta giúp tiền hay giúp thực phẩm để sống thì gọi là "xin" ăn...
Tại sao lại nói những sự kiện này là "xin"?
Kèm theo văn hóa nói chữ "xin" là văn hóa vái hai tay lại "lạy"
Có những lần vào chùa Quan Thánh, chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ, tôi có dịp đứng cạnh các bà mang hoa quả đi xin "lộc" với các "thánh" các "phật". Thế là tôi hân hạnh được đứng tại trận lắng nghe các bà chắp tay thành kính đọc rổn rảng những lời "lạy" rất bài bản hay ho. Bên tai tôi cứ như là một bài học thuộc lòng mạch lạc văn vẻ. Nghe cũng đã điếu lắm. Các bà "xin" làm nên ăn ra, xin gia đạo yên bình, xin sức khoẻ dồi dào, xin cho con thi đậu. Đủ thứ "xin". Tôi để ý trong lối dùng chữ của các bà Miền Bắc, họ dùng chữ "lạy" và chữ "xin" hơi nhiều.
Con lạy Ngọc Hoàng Thượng Đế
Con lạy Ngũ Vị Tôn Ông
Con lạy Tứ Vị Chầu Bà
Con lạy Năm Dinh Quan Lớn
Con lạy Thập Nhị Tiên Cô
Con lạy Trần Triều Hiển Thánh
.......
Chắp tay con vái
Trước cửa Tam Tòa
Lòng con tha thiết
Cầu xin thánh mẫu
Cùng cô cùng cậu
Rủ lòng sót thương
....
Xin mẫu đại xá
Văn hóa "xin" văn hóa "lạy" là một thứ văn hóa của những kẻ cùng đinh ngửa tay ăn mày. Người Việt Nam sẵn sàng "ăn mày" bằng lời cầu xin với các bậc khuất lấp này. Và rồi không biết từ vì đâu, người Việt Nam đã di chuyển văn hóa "lạy" văn hóa "xin" với thần thánh này xuống mặt đất trần thế, và rồi họ vái lạy và xin luôn giữa người và người với nhau.
Văn hóa "lạy" vẫn còn khá phổ biến trong các tác phẩm văn hóa ở Việt Nam thời buổi này. Trong nhiều vở kịch tôi xem thấy trên đài vô tuyến Hà Nội, các nhà soạn kịch, các nhà viết kịch vẫn đưa lên những nhân vật thấp kém của xã hội đối chọi với những nhân vật quyền thế của xã hội. Một trong những chi tiết mà các nhà người sáng tác thường mang vào các cảnh người thấp hèn đối diện với kẻ quyền thế là cứ cho các nhân vật yếu thế chắp hai tay lại, quỳ sụp xuống dưới sàn nhà và vái hay lạy lia lịa. " Lạy ông lớn. Xin ông lớn tha cho con ạ". Tôi lạy bà. Bà tha cho tôi" "Con lạy mẹ. Mẹ tha cho con".
Trong khi chọn lựa các cử chỉ đại diện cho những nhân vật của mình, những người sáng tác chắc hẳn cũng biết sắp đặt và chọn lựa những cử chỉ, điệu bộ, lời nói tiêu biểu cho nhân vật. Và những hành động và lời nói này dĩ nhiên thường là phản ảnh nền văn hóa đời thường đời thật của các nhân vật.
Cử chỉ "lạy", và lời nói "xin" của những con người thật ở ngoài đời, của các nhân vật giả yếu, thấp, nghèo, hèn, trong các sân khấu Việt Nam có chút gì làm cho tôi bùi ngùi như muốn quay mặt.
Sự phân chia quyền thế quá tuyệt đối trên các nhân vật của người Việt Nam trong những hoàn cảnh sống này có cái gì đó hơi quá độ. Cùng là người với nhau, mà người có quyền có thể tác dụng lên trên kẻ không có quyền một sự tùng phục như thượng đế. Có người lạy mình như lạy thượng đế.
Các xã hội Á Châu hay có cái màn chắp tay cúi đầu lạy giữa người và người với nhau. Từ hành động vái chào nhau của người Thái Lan, hay vái cám ơn của người Nhật. Hành động này dẫn đưa đến sự thờ lạy lẫn nhau giữa người và người với nhau
Người Việt khi làm đám cưới cô dâu chú rể cũng lạy cha lạy mẹ. Dù trong đời sống bình thường họ không xử dụng một hình thức chắp tay lạy nhau để chào hỏi như người Thái Lan. Người Việt cũng không chắp tay lạy nhau để cám ơn như người Nhật. Người Việt chỉ chắp tay lạy người khác để "xin" tha tội, xin tha nợ, chẳng hạn.
Văn hóa vái lạy của người Việt Nam là nhịp nối để người Việt Nam có thể chấp nhận việc thần thánh hóa những cá nhân làm những việc mà họ ngưỡng mộ. Có rất nhiều đền ở Việt Nam thờ những người lúc sống làm được những việc khác thường và được có người ngưỡng mộ. Rất nhiều đền thờ ở Việt Nam thờ những người mà người Việt Nam gọi là những người lúc sống làm những việc ích quốc lợi dân. Trong tòa thánh Cao Đài ở Tây Ninh, một tôn giáo mới mẻ ở Việt Nam người ta thấy thờ cả ông Victor Hugo!
Ngoài chữ "Xin", chữ "Bác" cũng là một thứ văn hóa của người Miền Bắc mà tôi không thấy ở trong Nam. Miền Bắc, cỡ nào cũng "Bác". Ai họ cũng có thể "thưa Bác". Thành ra ông Hồ Chí Minh của mấy ông cọng sản Hà Nội trở thành "đệ nhất Bác" của mọi người.
Cho nên việc người cọng sản Việt Nam thần thánh hóa ông Hồ Chí Minh cũng không có gì xa lạ.
Văn hóa "xin", văn hóa "lạy", văn hóa "bác" này phát xuất từ văn hóa "lễ", một trong năm nguyên tắc "nhân, lễ, nghĩa, trí, tín" phát xuất từ văn hóa Khổng Giáo của Trung Quốc. Đây cũng còn phản ảnh ảnh hưởng văn hóa khiêm nhường rất phổ thông tại các quốc gia Á Đông.
Sự bất tiện của một thái độ cung kính quá độ với những kẻ có uy quyền là chính thái độ này gây ra trở ngại cốt lõi cho vấn đề trì trệ dân chủ ở đất nước này.
Thái độ kính trọng người chức quyền hoặc người lớn tuổi hay người cao cấp đã tạo ra một sự ù lì dân chủ khi xã hội này muốn làm một thay đổi một thói quen cũ đã thấy không thể dùng được nữa.
Ngô Nhân Dụng, một bình bút kinh tế cho tờ nhật báo hải ngoại Người Việt tại Nam Cali có một nhận xét rất sắc sảo về nền kinh tế "Bao Cấp" của Việt Cọng. Đó là thói quen phát xuất từ một nền chính trị "xin và cho" đã quen nên ngay cả khi làm kinh tế họ cũng cứ áp dụng chính sách "xin và cho" này. Kết quả đã dẫn đưa đến một hiện tượng tồi tệ tưởng chừng như không thế hiện hữu trong bất cứ một mô thức kinh doanh sơ đẳng nào nhất, thế mà chúng lại tà tà nằm ì khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam hiện nay.
"Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn thì Công ty May Da ở thành phố còn đọng rất nhiều hàng làm bằng da, trị giá trên giấy tờ là 111 triệu đồng, tồn kho để đó từ thời còn... Liên bang Xô viết, nghĩa là hơn 10 năm nay. Hàng da để trong kho cả chục năm bán không được mục hết cả còn gì nữa. Nhưng công ty trên không dám làm gì hết, phải "đề nghị Sở Công Nghiệp kiến nghị lên thành phố (hai tầng xin và cho) cho đem lô hàng đi... đổ rác." Nhưng họ vẫn chờ. Tại sao không ai làm gì cả?? Vì công ty không dám tự ý đổ rác, nếu đổ rác hay bán đại hạ giá cho hết kho hàng thì phải khai lỗ mất 111 triệu hoặc ít hơn. Khai như vậy, có thể trên sổ sách đang có lời hóa ra lỗ! " (57)
Trong gia đình Việt Nam, khi thấy cha mẹ làm sai con cái không dám có ý kiến vì kính trọng đó là cha mẹ mình.
Trong công sở, ông công chức trọng tuổi dù làm sai, cũng ít người dám nói vì kính trọng "bác ấy lớn tuổi".
Trong chính quyền, những ông lớn tuổi dù tham quyền cố vị, ở hoài trên ghế quyền hành của mình, cũng không ai dám thay đổi họ mà chỉ chờ cho đến ngày những người này về hưu.
Thái độ kính trọng quá đáng với kẻ lớn tuổi này đã giải thích tại sao những người trong chính trị bộ của Đảng Cọng Sản toàn là những ông già bà lão không đủ kiến thức để giải quyết những đề tài kinh tế của Việt Nam khi muốn gia nhập thế giới để trở thành một con rồng Á Châu vào những năm 1990. Nhưng họ vẫn ở lỳ trong những ghế quyền hành quyết định các vấn đề kinh tế toàn cầu mà họ không được trang bị đủ kiến thức. Và cả đất nước Việt Nam gần 80 triệu không ai dám có ý kiến đề nghị họ nên về hưu hay trao công việc quan trọng này lại cho những kẻ có đủ tài trí đủ trẻ để lèo lái quốc gia này vào vị thế mong muốn của nó.
Văn hóa Việt Nam xem sự già cả là một đặc ân của trời. Một lộc trời phải là kẻ may mắn mới có được. Và từ đó trong dân gian mới phát xuất ra niềm tin rằng càng lớn tuổi thì càng khôn ngoan: "Bảy mươi còn học bảy mốt."
"Thiên tước là tước trời ban cho. Theo tục lệ hương thôn, các cụ già trong làng xã cũng được tôn trọng như quan viên chức sắc. Khi có việc làng việc xã, lễ hội, yến ẩm, các cụ già tùy theo tuổi tác được ngồi theo thứ tự ngang hàng với quan viên chức sắc nên mới có câu "Lục thập dữ tú tài đồng, thất thập dữ cử nhân đồng, bát thập dữ tiến sĩ đồng", có nghĩa là "60 tuổi ngang với tú tài, 70 tuổi ngang với cử nhân, 80 tuổi ngang với tiến sĩ." (58)
Điều này khiến tôi liên tưởng đến một thói quen tương tự tại Hoa Kỳ. Các đại học Mỹ cũng có truyền thống phong hàm tiến sĩ danh dự cho những người lớn tuổi không học hành đỗ đạt bằng cấp gì cả. Chỉ khác với phong tục Việt Nam, là các đại học Hoa Kỳ chỉ ban tặng các danh hàm này cho những người lớn tuổi nào mà suốt cuộc đời họ đã cặm cụi làm việc và đã để lại những thành tích xã hội hay thành quả sáng tạo vĩ đại giúp ích cho nhiều người.
Văn hóa cung kính người cao tuổi còn tạo ra một thứ văn hóa cứng ngắc như chiếc áo giáp mặc lên lớp người gọi là "cha chú" hay "trưởng thượng" ở Việt Nam. Đó là sĩ diện.
Bậc cao tuổi Việt Nam thường nghĩ rằng càng cao tuổi thì càng khôn ngoan hơn nên họ có khuynh hướng không nhìn nhận là mình thiếu khôn ngoan. Vì sĩ diện là bậc cha chú trưởng thượng, nên họ không nhìn nhận mình có khuyết điểm để cải thiện. Sĩ diện đã kìm hãm những người lớn tuổi không chấp nhận ý kiến người trẻ, không rộng rãi với những ý kiến khác biệt. Sĩ diện đã khiến họ không thể nhận lỗi khi họ làm sai.
Lớp vỏ sĩ diện kiểu này chính là đống sắt vụn đá tảng ngăn cản tiến trình bình đẳng dân chủ của xã hội Việt Nam.
Sinh hoạt vái lạy với những người cấp cao này đã tạo ra một truyền thống giai cấp trong xã hội Việt Nam. Giai cấp có quyền và giai cấp không quyền.
Hai giai cấp này đã sinh hoạt rất chặt chẽ trong xã hội Việt Nam. Tuy từ trước đến nay không có nhà nghiên cứu Việt Nam nào đặt tên gọi cho nó. Nhưng sự hiện diện của hai giai cấp này chính là một thứ nền móng sinh hoạt xã hội Việt Nam khá căn bản. Và nó là một trong những thành tố chủ chốt tạo nên bộ mặt của xã hội Việt Nam.
Giai cấp có quyền là những kẻ nắm được một thứ quyền hành do xã hội thiết bị. Là những bậc cha, mẹ, anh chị, chồng, thầy dạy, sư cố, địa chủ, chính quyền, thần thánh.
Giai cấp không quyền là những kẻ không có được một thứ quyền do xã hội đặt để. Là những kẻ cấp thấp như con, em, vợ, học trò, con chiên hay đệ tử, người nghèo, người dân, tín đồ.
Ở đây tôi chỉ nói sinh hoạt, vái, lạy, xin, của giai cấp không quyền đã phản ảnh vị trí ưu thế gần như tuyệt đối của giai cấp có quyền tại Việt Nam.
Ưu thế tuyệt đối này đã tạo ra sự thần thánh hóa các chính trị gia, các giáo sư, các bậc cha mẹ, các người nhà giàu có tính tốt làm việc bố thí. Từ những vị trí người trần tục, các vị này nhảy phóc lên bàn thờ ngang ngửa với các thượng đế của các tôn giáo. Và khi đã nhảy lên chễm chệ trên bàn thờ thì ngay cả những gian trá nhất của các vị này cũng sẽ được tha thứ hay sẽ được thờ phượng.
Tuy chỉ ở những vị thế rất thông thường như cha mẹ, giáo sư, chính trị gia nhưng trong xã hội Việt Nam, các vị thế này lại được hưởng những đặc quyền đặc lợi tuyệt đối kỳ lạ. Lấy ví dụ trong sinh hoạt chính trị Việt Nam, vai trò các chính trị gia được hưởng lợi lộc của hai chữ "chức quyền" tối đa. Trong khi gần như người dân với lá phiếu không bao giờ đặt câu hỏi về vai trò "chức trách" của các chính trị gia này khi họ đã vào vị thế có quyền. Trước đây mấy nghìn năm thì người dân Việt có bao giờ được bỏ phiếu bầu cử đại diện của mình. Năm mươi năm cuối thế kỷ 20, lá phiếu bầu cử của người dân Việt Nam đúng là một màn kịch hết sức rẻ tiền.
Đó là một thái độ tôn kính quá độ. Một sự thần phục sát nút. Thái độ ưu đãi và thần phục này phát xuất từ giai cấp không quyền. Thái độ thần phục này được giai cấp không quyền nuôi dưỡng.
Nếu như trong thực tế lịch sử Việt Nam có rất nhiều cuộc cách mạng phá bỏ chính quyền xuất phát từ giai cấp lao động, thì về phương diện lý thuyết chưa có một biến cố nào truất quyền giai cấp có quyền này phát xuất từ giai cấp không quyền.
Một sinh hoạt có tính cách liên tục lịch sử là sự truất quyền các chính trị gia và các phú hộ. Nhưng các biến cố truất quyền này thường là những diễn biến có tính cách tranh giành quyền bính giữa các kẻ có quyền thì đúng hơn.
Lấy ngay như biến cố Cánh Mạng 1945. Hồ Chí Minh mang Đảng Cọng Sản vào Việt Nam và xưng hô là diệt Phong Kiến và Thực Dân. Nhưng khi nắm được chính quyền rồi thì không quản lý được quốc gia này trong hơn nửa thế kỷ. Để cho Việt Nam đang từ một vị thế có hạng tại Á Châu vào những năm 1950 thì vào năm 1999 trở thành một trong những nước nghèo đói nhất thế giới. Như vậy biến cố 1945 chỉ là một sự tranh giành quyền giữa Đảng Cọng Sản và chế độ phong kiến triều Nguyễn. Chứ không có "dân làm chủ" nào như trong khẩu hiệu "dân làm chủ, nhà nước quản lý" do Đảng Cọng Sản Việt Nam vẫn dùng làm khẩu hiệu.
Sự kính trọng quá độ với giai cấp có quyền này đã tạo ra một thái độ sống thiếu tính dân chủ. Sự kính trọng quá độ với giai cấp có quyền này sẽ làm trì trệ sự áp dụng dân chủ. Một bậc cha uống rượu be bét đánh vợ con, nhưng vợ và các con không dám nhờ pháp luật can thiệp cứ tiếp tục sống trong hoàn cảnh tra tấn như vậy. Chỉ vì nể vị quyền năng của ông bố.
Sự kính trọng quá độ quá độ mang cái tính chất thần quyền chính là một bức thành rắn chắc khổng lồ che chắn sinh hoạt dân chủ của xã hội này. Chính tính chất thần quyền này đã làm cho sinh hoạt tôn trọng các kẻ cầm quyền có dáng vẻ là một sinh hoạt tự nguyện đến từ giai cấp thấp này.
Cái tính chất có vẻ tha thiết tự nguyện này đã khiến các kẻ lưu manh khoác cho sinh hoạt này cái tên "nền văn hóa dân tộc". Và vì thế các nhà nhân quyền khi tranh đấu cho những nhân quyền căn bản tiến bộ của con người bất kể con người đó sống nơi nào trên trái đất, đã bị các chính quyền độc tài bào chữa là tại sao quý vị lại đi xăm xoi vào các sinh hoạt mang tính chất văn hóa của xứ sở chúng tôi.
Lê Thị Huệ
(Trích từ: Văn hóa trì trệ nhìn từ Hà Nội đầu thế kỷ 21)
_________________
Chú Thích
57. "Bao Cấp Nghĩa Là Gì", Ngô Nhân Dụng, Người Việt, California, Hoa Kỳ. 9/12/1999
58. Tân Việt. Một Trăm Điều Nên Biết Về Phong Tục Việt Nam. Nhà Xuất Bản Văn Hóa Dân Tộc. Hà Nội. 1997. Trang 6